ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2739/KH-UBND
|
Bình
Thuận, ngày 20 tháng 7 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU
ngày 23 tháng 7 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát động sâu rộng
phong trào thi đua làm thủy lợi nhỏ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xây dựng kế
hoạch Phát triển thủy lợi nhỏ tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, với nội dung chủ yếu
sau:
I. MỤC TIÊU,
QUAN ĐIỂM VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Bên cạnh việc kiên cố hóa kênh
mương nội đồng, tập trung phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đồng
bộ, nhằm khai thác, tận dụng tốt nhất nguồn nước hiện có để phục vụ sản xuất
nông nghiệp, tăng thêm diện tích tưới chủ động, thúc đẩy quá trình thâm canh
tăng vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước; tạo sự chuyển biến nhanh và bền
vững trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần ổn định tình
hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị trên địa bàn toàn tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đầu tư xây dựng mới khoảng
164,5km kênh nội đồng.
- Phấn đấu đến năm 2020,
tăng diện tích đất nông nghiệp được tưới 5.270 ha.
2. Quan điểm
- Huy động sức dân để thực
hiện phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; công trình do dân quản lý, vận
hành, duy tu bảo dưỡng; người dân hiến đất xây dựng công trình; Nhà nước hỗ trợ,
hướng dẫn thực hiện.
- Khai thác, sử dụng nguồn
nước hiệu quả từ các công trình thủy lợi đã được Nhà nước đầu tư, tập trung ưu
tiên làm các kênh mương nội đồng, đập dâng nước, … ở những vùng có nguồn nước bổ
sung ổn định; nhằm từng bước làm thay đổi tình hình sản xuất, từ sản xuất không
ổn định, bấp bênh sang sản xuất ổn định thâm canh, tăng vụ; nâng cao giá trị sử
dụng đất; tăng thu nhập cho người dân.
3. Phạm vi thực hiện
Thực hiện cho toàn bộ các
vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, tập trung ưu tiên
những vùng đã được đầu tư công trình đầu mối, kênh chính, kênh cấp 2, cấp 3,
các xã đang hạn chế về cơ sở hạ tầng các công trình thủy lợi.
4. Giải thích từ ngữ
Trong Kế hoạch này, các từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Công trình thủy lợi nhỏ
là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm hồ chứa nước, đập, cống, trạm
bơm, hệ thống kênh dẫn, kè, bờ bao có quy mô công trình hoặc diện tích tưới,
tiêu nằm trong phạm vi một xã, trong đó:
+ Hồ chứa có dung tích chứa
từ 1.000.000m3 nước trở xuống, hoặc từ 500.000m3 trở
xuống (đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa); hoặc có chiều cao đập từ 12m trở
xuống;
+ Đập dâng có chiều cao đập
từ 10m trở xuống;
+ Trạm bơm điện có diện tích
tưới, tiêu không vượt quá 200 ha.
- Thủy lợi nội đồng là
các công trình, kênh mương trực tiếp dẫn nước từ cống đầu kênh đến mặt ruộng,
thuộc hệ thống công trình thủy lợi đầu mối do Công ty TNHH Một thành viên Khai
thác công trình thủy lợi quản lý.
- Cống đầu kênh là
công trình tưới hoặc tiêu nước cho một diện tích ≤ 200 ha thuộc trách nhiệm quản
lý của cộng đồng hưởng lợi. Chi phí quản lý, vận hành, tu sửa và bảo vệ các
công trình từ cống đầu kênh đến mặt ruộng do cộng đồng hưởng lợi đóng góp.
- Tổ chức dùng nước, viết
tắt TCDN (tên gọi khác “Tổ chức hợp tác dùng nước”) là hình thức hợp tác của
những người cùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi làm nhiệm vụ khai thác và bảo
vệ công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh theo mô hình “hợp tác xã” hay
“tổ hợp tác”.
- Phát triển thủy lợi nhỏ
là đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng, bao gồm cả
công trình đấu nối với hệ thống dẫn nước chính, công trình giao cắt đường bộ,
công trình vượt sông, suối, v.v. để đưa nước từ nguồn hiện có vào đồng ruộng.
II. NỘI
DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nội
dung thực hiện
- Tập trung đầu tư phát triển
công trình thủy lợi nhỏ và thủy lợi nội đồng ở những vùng có điều kiện về nguồn
nước, vùng có nguồn nước thủy lợi nhưng chưa có kênh mương nội đồng; gắn với
thành lập các tổ chức dùng nước của cộng đồng hưởng lợi để quản lý, vận hành
khai thác hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hiệu quả và bền vững.
- Tập trung phát triển hệ thống
kênh mương những công trình thủy lợi đã và đang thi công sẽ hoàn thành, phát
huy đồng bộ trong thời gian tới; trong đó, trọng tâm là: Dự án tưới Phan Rí -
Phan Thiết, hồ Sông Dinh 3, hồ Sông Móng, hệ thống thủy lợi Tà Pao, đập dâng
Sông Phan, trạm bơm Lê Hồng Phong, kênh tiếp nước Úy Thay - Đá Giá - Bà Nao -
Hòa Minh, kênh 812 - Châu Tá - Sông Quao, kênh Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập,...
(Kèm Phụ lục Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ đến năm 2020)
2. Các
giải pháp chủ yếu
a) Giải pháp về cơ chế
chính sách
- Nhà nước đầu tư xây dựng
công trình quy mô lớn, công trình khó huy động các nguồn lực xã hội, công trình
phục vụ phòng, chống thiên tai; ưu tiên đầu tư xây dựng công trình ở vùng đồng
bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có kinh tế - xã hội
đặc biệt khó khăn.
- Cộng đồng hưởng lợi chịu
trách nhiệm đầu tư xây dựng thủy lợi nội đồng, hệ thống thủy lợi nhỏ có sự hỗ
trợ của Nhà nước. Công trình đấu nối với hệ thống dẫn nước chính; các công
trình giao cắt đường bộ, đường sắt; công trình vượt sông, suối,... có chi phí đầu
tư vượt khả năng đóng góp của dân sẽ được xem xét đầu tư từ nguồn ngân sách.
- Ưu tiên chuyển giao quyền
quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi cấp xã do Nhà nước đầu tư cho cộng đồng hưởng
lợi (các TCDN) có đủ năng lực đảm nhận nhằm chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng
trong khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đồng thời, khuyến khích người
dân tự đầu tư thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bằng nguồn lực của mình;
- Đầu tư phát triển thủy lợi
nhỏ phải gắn với việc củng cố và thành lập các TCDN để tiếp nhận quản lý, khai
thác và bảo vệ công trình. Việc hỗ trợ thành lập hoặc củng cố các TCDN được thực
hiện theo quy định tại Nghị định số 88/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của
Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã và
các thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan.
b) Công tác tuyên truyền,
vận động
- Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, vận động trong cộng đồng dân cư để người dân nhận thức sâu, kỹ về mục
đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào phát triển thủy lợi nhỏ là nhằm
phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia
tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần xây dựng
nông thôn mới; từ đó khơi dậy ý thức tự giác, tích cực hưởng ứng phong trào làm
thủy lợi nhỏ và tham gia vào các tổ chức dùng nước; qua đó, quản lý, khai thác
và bảo vệ công trình thủy lợi hiệu quả và bền vững.
- Công tác tuyên truyền, vận
động cần tạo chuyển biến cơ bản nhận thức của người dân, làm cho người dân hiểu
công trình thủy lợi là của cộng đồng dân cư hưởng lợi; từ đó, gắn trách nhiệm
và quyền lợi của cộng đồng dân cư trong việc đầu tư, khai thác công trình thủy
lợi, nhằm giảm chi phí của Nhà nước trong vận hành và đầu tư.
c) Công tác lập quy hoạch,
kế hoạch
- Để thực hiện chương trình
mang lại hiệu quả cao, thiết thực, khả năng huy động, kiểm soát nguồn vốn yêu cầu
phải có quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch
khung, dự kiến kế hoạch phát triển chung đến năm 2020 và kế hoạch hàng năm toàn
tỉnh.
- Căn cứ Kế hoạch phát triển
chung của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn:
Căn cứ kết quả khảo sát thực tế hàng năm, nhu cầu đầu tư và hồ sơ đăng ký đầu
tư công trình thủy lợi nhỏ của cộng đồng hưởng lợi; xây dựng kế hoạch phát triển
thủy lợi nhỏ hàng năm, danh mục công trình bao gồm công trình thủy lợi nhỏ do
dân đầu tư, công trình đấu nối với hệ thống dẫn nước chính, công trình giao cắt
đường bộ, đường sắt; công trình vượt sông, suối,... do Nhà nước đầu tư. Đối với
công trình do Nhà nước đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổng hợp đưa
vào chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm của địa phương và ưu
tiên bố trí vốn để tổ chức triển khai thực hiện.
d) Giải pháp về đầu
tư, xây dựng
- Đầu tư công trình thủy lợi
nhỏ, thủy lợi nội đồng sẽ do cộng đồng dân cư hưởng lợi của khu tưới (đối với
khu vực chưa có TCDN) hoặc các tổ chức dùng nước đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp
xã; hồ sơ đăng ký phải có bản cam kết đồng thuận đầu tư của ít nhất 80% số hộ
hưởng lợi. Các công trình có tỷ lệ đồng thuận và mức độ đóng góp cao sẽ được
xem xét ưu tiên đầu tư.
- Ban lãnh đạo của TCDN (những
nơi chưa có TCDN, cộng đồng dân cư hưởng lợi sẽ bầu chọn Ban vận động hoặc Ban
sáng lập đại diện cho cộng đồng) để tổ chức quản lý thực hiện dự án. Quá
trình thực hiện phải tuân thủ Quy chế dân chủ cơ sở và Quy chế giám sát cộng đồng.
- Công tác tư vấn khảo sát
thiết kế và giám sát xây dựng công trình sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ thông qua
đội ngũ cán bộ thủy nông của chi nhánh Khai thác thủy lợi các huyện, thị xã.
- Nông dân hưởng lợi trong
khu tưới hoặc các thành viên TCDN tự thỏa thuận bù trừ thiệt hại do mất đất khi
xây dựng công trình thủy lợi, tài sản hình thành gồm diện tích đất và kênh
mương trên đất được xem là tài sản tập thể do các TCDN (đã có hoặc sẽ thành
lập sau này) quản lý, sử dụng.
e) Giải pháp quản lý,
khai thác công trình thủy lợi nhỏ
- Cộng đồng hưởng lợi có
trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do mình tự đầu
tư xây dựng dưới sự chỉ đạo hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn của
các Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi cấp huyện.
- Nhà nước chỉ quản lý, vận
hành hệ thống thủy lợi từ công trình đầu mối đến cống đầu kênh; hệ thống thủy lợi
cấp xã từ cống đầu kênh đến mặt ruộng cần từng bước chuyển giao quyền quản lý,
khai thác cho cộng đồng hưởng lợi đủ năng lực đảm nhận.
- Cộng đồng hưởng lợi quy mô
cấp thôn, xã cần củng cố hoặc thành lập mới các TCDN để tiếp nhận quản lý cống
đầu kênh. Các TCDN sẽ được đào tạo, bồi dưỡng thông qua Chương trình đào tạo
nâng cao năng lực cho các TCDN bao gồm hỗ trợ, tập huấn công tác quản lý tưới,
duy tu bảo dưỡng kênh, công tác đầu tư mới, mở rộng nâng cấp thủy lợi nội đồng;
kỹ năng quản lý tài chính, giám sát đánh giá cho các TCDN.
- Cộng đồng dân cư hưởng lợi
có trách nhiệm quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống thủy lợi cấp xã; đồng
thời đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bằng nguồn lực của mình,
phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
III. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
Là cơ quan chủ trì, tham mưu
cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình, danh mục công trình và kế hoạch
đầu tư xây dựng cho từng năm; theo dõi, giải quyết những phát sinh, tổng hợp
tình hình, báo cáo định kỳ cho Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo cho các ngành,
địa phương biết, theo dõi.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản về thủy lợi có liên quan:
+ Tiêu chuẩn quốc gia, quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan trong hoạt động
thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng;
+ Soạn thảo, hướng dẫn các
tài liệu liên quan đến đầu tư công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng: Hướng
dẫn thiết kế; chỉ dẫn kỹ thuật thi công; quy trình giám sát, nghiệm thu; công
tác vận hành, bảo trì công trình.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu
tư hàng năm của Ngân sách tỉnh cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã để hỗ trợ
thực hiện chương trình phát triển thủy lợi nhỏ;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn bổ sung các chỉ số phát triển thủy lợi nhỏ vào kế hoạch
phát triển kinh tế xã hội toàn tỉnh, đánh giá định kỳ về thực hiện kế hoạch.
3. Sở Tài chính
Cân đối nguồn vốn của tỉnh
trong kế hoạch hàng năm để bố trí cho các địa phương theo kế hoạch được Hội đồng
nhân dân tỉnh thông qua; hướng dẫn về tạm ứng, thanh quyết toán nguồn vốn; tổng
hợp số liệu cấp phát vốn đầu tư; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
cân đối nguồn vốn hỗ trợ thuộc ngân sách; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giải
quyết các vướng mắc của địa phương về những vấn đề liên quan đến tài chính.
4. Các cơ quan Báo, Đài
Thường xuyên tổ chức tuyên
truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, tạo sự nhận
thức sâu sắc để mọi thành phần trong xã hội cùng tích cực tham gia, góp công,
góp sức và vật chất thực hiện; tăng thời lượng chương trình để tuyên truyền, hướng
dẫn và đưa tin kịp thời người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong quá
trình thực hiện công tác đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ của cộng đồng dân cư hưởng
lợi.
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
và các hội, đoàn thể
Tích cực tuyên truyền vận động
mọi thành phần trong xã hội tích cực đóng góp mọi nguồn lực để thực hiện việc đầu
tư phát triển thủy lợi nhỏ.
6. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã
- Cân đối, phân bổ, cấp phát
nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, huyện cho các xã, phường, thị trấn; thẩm định
phê duyệt hồ sơ theo hướng dẫn chuyên ngành; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn
tổ chức thực hiện từ khâu chuẩn bị, thi công đến kết thúc công trình;
- Theo dõi, kiểm tra giám
sát tình hình thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ ở các xã, phường, thị trấn; định
kỳ hàng quý, năm tổng hợp báo cáo cho các sở: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Hướng dẫn, thành lập và quản
lý hoạt động các tổ chức dùng nước trên địa bàn; phối hợp với ngành chức năng tổ
chức thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức dùng nước
và chuyển giao cống đầu kênh cho các tổ chức dùng nước quản lý.
7. Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã)
- Xây dựng kế hoạch hàng năm
tại địa phương, triển khai lấy ý kiến cộng đồng, người dân và tổ chức thực hiện
kế hoạch được giao;
- Tổ chức thành lập các Ban
Vận động/Ban Sáng lập và Ban Giám sát tại các thôn/ấp để thực hiện các công
trình cụ thể; phân công nhiệm vụ, chỉ đạo, kiểm tra và theo dõi hoạt động các
ban do xã thành lập hoặc công nhận;
- Bố trí cán bộ hỗ trợ, giúp
đỡ các ban ở thôn, ấp tổ chức thực hiện các công việc liên quan về đầu tư từ
khâu lập và trình duyệt hồ sơ, phương án huy động vốn của cộng đồng, phương án
tổ chức thi công, giám sát chất lượng, nghiệm thu thanh quyết toán công trình
theo đúng quy định của quy chế giám sát cộng đồng;
- Phối hợp các đoàn thể xã hội:
Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận, Hội Cựu chiến binh,...
phát huy chức năng vai trò của tổ chức mình, vận động, kêu gọi nhân dân trong
thôn, xã tích cực tham gia và tự nguyện đóng góp công sức, đất đai, kinh
phí,... đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.
8. Công ty TNHH Một thành
viên Khai thác công trình thủy lợi
- Phối hợp, hướng dẫn địa
phương xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, lồng ghép Kế hoạch thực hiện
Tiêu chí thủy lợi các xã nông thôn mới hàng năm, và hỗ trợ về công tác tư vấn đầu
tư thiết kế;
- Phối hợp với địa phương hỗ
trợ kỹ thuật trong quá trình đầu tư xây dựng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng;
quá trình thành lập và hoạt động của các tổ chức dùng nước; công tác quản lý,
khai thác và chuyển giao quyền quản lý, khai thác công trình do Nhà nước đầu tư
cho các tổ chức dùng nước quản lý.
9. Cộng đồng dân cư hưởng
lợi thôn/ấp
- Có trách nhiệm tiếp nhận
chuyển giao quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo phân cấp;
- Đăng ký dự án đầu tư phát
triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng dưới sự hướng dẫn của Chi nhánh Khai thác
công trình thủy lợi cấp huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp;
- Đầu tư phát triển thủy lợi
nhỏ, thủy lợi nội đồng bằng nguồn lực của mình, phù hợp với kế hoạch phát triển
kinh tế xã hội của địa phương;
- Chịu trách nhiệm trước Nhà
nước và cộng đồng về việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các công trình đã được
chuyển giao quyền quản lý.
Kế hoạch phát triển thủy lợi
nhỏ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là thực hiện chủ trương, quyết
sách lớn về công tác phát triển thủy lợi nói chung và phát triển thủy lợi nhỏ
nói riêng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần phải huy động mọi nguồn lực, trong đó,
vai trò chủ đạo là huy động tiềm năng, công sức của nhân dân. Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các địa phương liên
quan căn cứ Kế hoạch triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCTUBND tỉnh Phạm Văn Nam;
- UBMTTQ, các hội, đoàn thể;
- Các Sở: KH&ĐT, TC, NN&PTNT;
- UBND các huyện, thị xã;
- Công ty TNHH MTV KTCTTL;
- Báo BT, Đài PTTH Bình Thuận;
- TTTT tỉnh;
- Lưu: VT, ĐTQH. Tr.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Hai
|