VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 809/QĐ-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 8
năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CỦA BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VÀ CÁC PHÓ CHỦ NHIỆM
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP
ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 74/2012/NĐ-CP
ngày 29 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 1527/QĐ-TTg
ngày 01 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công công tác của
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nguyên tắc
phân công và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ
1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ (sau đây gọi tắt là Bộ trưởng, Chủ nhiệm) thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định
số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; chịu trách nhiệm
chung và trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng trên tất cả
các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính
phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm phân công các
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Phó Chủ nhiệm) giúp Bộ
trưởng, Chủ nhiệm theo dõi, chỉ đạo, xử lý công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm trong từng lĩnh vực công tác của Văn
phòng Chính phủ; theo dõi và chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị được phân công.
Trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm trực tiếp chỉ đạo, xử lý công việc đã phân công cho các
Phó Chủ nhiệm.
2. Phó Chủ nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ
nhiệm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ trưởng, Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm thay
mặt Bộ trưởng, Chủ nhiệm xử lý các công việc thuộc lĩnh vực được Bộ trưởng, Chủ
nhiệm phân công; kịp thời báo cáo, xin ý kiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm đối với những
vấn đề quan trọng hoặc những công việc liên quan đến trách
nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm,
trước Thủ tướng, Phó Thủ tướng và trước pháp luật về những
công việc thuộc lĩnh vực được phân công.
Đối với các cuộc họp, các hoạt động
khác thuộc lĩnh vực công việc phụ trách hoặc được Bộ trưởng, Chủ nhiệm phân
công, nếu Phó Chủ nhiệm không tham dự được thì Phó Chủ nhiệm hoặc Vụ trưởng, Cục
trưởng, Trưởng đơn vị chủ trì (sau đây gọi chung là Trưởng đơn vị) có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm để Bộ trưởng, Chủ nhiệm trực tiếp
tham dự hoặc phân công Phó Chủ nhiệm khác tham dự thay.
Đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực
công việc được phân công khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp xử
lý, các Phó Chủ nhiệm chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị hoàn thiện hồ sơ, ký trình Thủ
tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ
được phân công nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực công
việc do Phó Chủ nhiệm khác phụ trách thì Phó Chủ nhiệm chủ trì chủ động phối hợp giải quyết. Khi giải quyết công việc, nếu còn có ý kiến
khác nhau, Phó Chủ nhiệm chủ trì báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét, quyết định.
3. Trong phạm vi lĩnh vực được phân
công, Phó Chủ nhiệm có trách nhiệm và quyền hạn thay mặt Bộ trưởng, Chủ nhiệm
thực hiện nhiệm vụ sau:
a) Chỉ đạo xử lý các công việc cụ thể
theo từng lĩnh vực chuyên môn được phân công; thường xuyên nắm bắt
thông tin, kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất với
Bộ trưởng, Chủ nhiệm tham mưu cho Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ những vấn đề cần quan tâm chỉ đạo, giải quyết; đôn đốc các Bộ,
ngành, địa phương xây dựng, thực hiện đúng chương trình, kế hoạch công tác của
Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính
phủ và việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính
phủ giao;
b) Tham dự các phiên họp Chính phủ, các
cuộc họp Thường trực Chính phủ; tham dự các buổi làm việc, các hoạt động khác của
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
c) Tham dự các buổi tiếp khách quốc tế
của Thủ tướng Chính phủ theo lịch được Bộ trưởng, Chủ nhiệm phân công;
d) Tổ chức họp, làm việc với các cơ
quan, đơn vị liên quan; xử lý, ký công văn, phiếu trình Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Quyết định này;
đ) Theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc
các Vụ, Cục, đơn vị được phân công thực hiện đúng, đầy đủ
chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm các Quy chế của cơ quan, giữ
gìn đoàn kết nội bộ, quan hệ công tác chặt chẽ với các đơn
vị trong Văn phòng Chính phủ.
4. Đối với công việc cần xử lý gấp trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ mà cần
có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhưng Bộ trưởng,
Chủ nhiệm vắng mặt tại cơ quan (không liên lạc được) thì Phó Chủ nhiệm xin ý kiến
chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách để tổ chức
thực hiện, sau đó báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm.
5. Khi vắng mặt tại cơ quan, Bộ trưởng,
Chủ nhiệm ủy nhiệm Phó Chủ nhiệm thường trực hoặc một Phó Chủ nhiệm khác thay mặt
Bộ trưởng, Chủ nhiệm chỉ đạo công tác
chung của Văn phòng Chính phủ và giải quyết các công việc
do Bộ trưởng, Chủ nhiệm phụ trách.
6. Trong trường hợp Phó Chủ nhiệm vắng mặt tại cơ quan hoặc vì lý do khác mà không thể trực tiếp xử lý công
việc chuyên môn được phân công, thì Phó Chủ nhiệm hoặc Trưởng đơn vị trình xử
lý công việc có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm để Bộ trưởng, Chủ nhiệm
trực tiếp xử lý hoặc phân công Phó Chủ nhiệm khác xử lý thay.
7. Ngoài các nhiệm vụ được phân công,
Bộ trưởng, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ do Thủ tướng,
Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao. Sau khi thực hiện các nhiệm vụ này, các
Phó Chủ nhiệm báo cáo lại Bộ trưởng, Chủ nhiệm.
8. Ngoài các nhiệm vụ được phân công,
Phó Chủ nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm các công việc khác theo sự phân công, ủy
nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm.
9. Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu
công việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét, điều chỉnh việc
phân công công việc của các Phó Chủ nhiệm để bảo đảm thực
hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao
của Văn phòng Chính phủ.
Điều 2. Phân công
công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm
1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng
a) Lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt
động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ;
b) Chỉ đạo chung về: quan hệ công tác
của Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án
nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ
chức chính trị - xã hội; chương trình, kế hoạch công tác của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy chế làm việc của Chính phủ;
c) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực:
- Quan hệ phối hợp công tác của Văn
phòng Chính phủ với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn
phòng Quốc hội.
- Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
phát triển KTXH cả nước và các vùng (bao gồm cả quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất);
- Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối
ngoại và công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Chiến lược ứng phó với biến đổi khí
hậu;
- Chiến lược, chính sách lớn về tài
chính, tín dụng, tiền tệ quốc gia. Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và kế
hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm; quỹ dự trữ ngoại hối; phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia- kế hoạch cung ứng tiền hàng năm (đối với các lĩnh vực này, Vụ chủ trì báo cáo
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Sỹ Hiệp cho ý kiến trước khi
trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm để trình Lãnh đạo Chính phủ).
- Quan hệ quốc tế (trừ các lĩnh vực:
hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi chính thức, viện trợ phi
chính phủ nước ngoài (NGOs), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài).
- Nội chính; công tác tôn giáo, nhân
quyền; địa giới hành chính; tổ chức bộ máy và công tác cán bộ;
- Những vấn đề
chung về công tác xây dựng thể chế, công tác dân tộc và
thi đua, khen thưởng.
- Những nhiệm vụ đột xuất, quan trọng
và những giải pháp có tính đột phá trên các lĩnh vực.
d) Theo dõi, chỉ đạo công tác tổ chức
cán bộ, cải cách hành chính, hợp tác quốc tế của Văn phòng Chính phủ;
đ) Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ
đạo, Hội đồng, Tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng đứng đầu
theo lĩnh vực phụ trách hoặc khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu;
e) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo Vụ Nội
chính, Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ.
2. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tùng:
Làm nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm thường trực
và giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực:
xây dựng pháp luật; khoa giáo - văn xã (gồm: khoa học và
công nghệ, giáo dục và đào tạo, dạy nghề và nguồn nhân lực; môi trường và phát triển bền vững; văn
hóa, thể thao, du lịch, hôn nhân và gia đình; thông tin báo chí; y tế, dân
số và kế hoạch hóa gia đình; lao động, thương binh và xã
hội; khu công nghệ cao; phòng, chống tệ nạn
xã hội, ma túy, mại dâm).
b) Theo dõi, chỉ đạo công tác thư ký
- biên tập phục vụ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm;
công tác thông tin, truyền thông của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; công tác địa phương; xử lý
các vấn đề thường xuyên về công tác dân tộc;
c) Theo dõi, xử lý cụ thể về: chương
trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy chế làm việc
của Chính phủ; quan hệ công tác giữa Chính phủ với các cơ quan Đảng,
Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội;
d) Tham gia làm thành viên Ban Chỉ đạo
Tây Nguyên và các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng,
Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu theo lĩnh vực được phân công;
đ) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo Vụ
Thư ký - Biên tập, Vụ Khoa giáo - Văn xã, Vụ III, Vụ Pháp luật.
3. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục
Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện
các nhiệm vụ sau:
a) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: công
nghiệp dầu khí, giao thông vận tải, xây dựng, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đất đai, thủy lợi,
phòng chống bão lụt, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, diêm nghiệp, phát triển
nông thôn.
b) Tham gia làm thành viên Ban Chỉ đạo
Tây Bắc và các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng,
Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu theo lĩnh vực được phân công.
c) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo Vụ
Kinh tế ngành.
4. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Sỹ Hiệp
Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện
các nhiệm vụ sau:
a) Theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực kinh tế
tổng hợp (bao gồm: kế hoạch và đầu tư, tài chính, giá, ngân hàng, thương mại,
thống kê, kiểm toán, chứng khoán, tiền lương, bảo hiểm xã hội, kinh doanh bảo
hiểm, thuế, hải quan, dự trữ quốc gia), trừ các lĩnh vực
do Bộ trưởng, Chủ nhiệm trực tiếp theo dõi, chỉ đạo quy định tại điểm c khoản 1
Điều này.
b) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: hỗ
trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi chính thức, viện trợ phi chính
phủ nước ngoài (NGOs), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước
ngoài (FPI), đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
c) Xử lý các vấn đề cụ thể về công
tác thi đua, khen thưởng nhà nước.
d) Tham gia làm thành viên Ban Chỉ đạo
Tây Nam Bộ và các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng,
Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu theo lĩnh vực được phân công;
đ) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo Vụ
Kinh tế tổng hợp, Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ.
5. Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà
Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện
các nhiệm vụ sau:
a) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: đổi
mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước; phát triển doanh nghiệp thuộc các
thành phần kinh tế, hợp tác xã;
b) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực:
xây dựng chính phủ điện tử; bưu chính, viễn thông, internet, công nghệ thông
tin; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phòng, chống
tội phạm.
c) Theo dõi, chỉ đạo công tác ứng dụng
công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin điện tử tại Văn phòng
Chính phủ; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng của Văn phòng Chính phủ; hệ thống kỹ thuật tin học phục vụ các phiên họp, hội
nghị tại Văn phòng Chính phủ.
d) Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ
đạo, Hội đồng, Tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ
đứng đầu theo lĩnh vực được phân công;
đ) Làm Trưởng Ban chỉ đạo áp dụng hệ
thống quản lý chất lượng tại Văn phòng Chính phủ.
e) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo Vụ Đổi
mới doanh nghiệp, Vụ I, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Trung tâm Tin học.
6. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Thành
Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện
các nhiệm vụ sau:
a) Theo dõi, chỉ đạo công tác cải
cách hành chính nhà nước;
b) Theo dõi, chỉ đạo các công tác: kế
hoạch tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường cơ sở vật chất, quản trị hậu
cần, văn thư hành chính, thi đua, khen thưởng, kỷ luật nội
bộ của Văn phòng Chính phủ; theo dõi, chỉ đạo dự án Cải tạo trụ sở làm việc của
CP và VPCP.
c) Xử lý các công việc cụ thể khác về
chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng
Chính phủ; xử lý các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề nội bộ của Văn phòng
Chính phủ.
d) Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ
đạo, Hội đồng, Tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ
đứng đầu theo lĩnh vực được phân công;
đ) Làm Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng
công chức; Chủ tịch Hội đồng lương; Chủ tịch Hội đồng Thi
đua - Khen thưởng; Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến; Chủ tịch Hội
đồng kỷ luật Văn phòng Chính phủ; Trưởng ban Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ; Trưởng
ban thực hiện Quy chế dân chủ; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách
chế độ công vụ, công chức; Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy; Chỉ
huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự Văn phòng Chính phủ; Trưởng
ban Ban Chỉ đạo dự án cải tạo trụ sở làm việc của Chính phủ và Văn phòng Chính
phủ; Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác Phòng, chống tác hại thuốc lá; Trưởng ban BCĐ phòng, chống khủng bố của VPCP.
e) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo: Vụ
Văn thư Hành chính, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Quản trị, Cục Hành chính - Quản
trị II, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội trường Thống Nhất, Trung tâm Hội nghị
37 Hùng Vương, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Nhà khách La Thành, Ban Quản lý dự
án cải tạo trụ sở làm việc của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.
Điều 3. Hiệu lực
và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số
620/QĐ-VPCP ngày 04 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm và Công văn số 2749/VPCP-TCCB
ngày 22 tháng 4 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ. Các quy định trước đây trái với
Quyết định này đều bãi bỏ.
2. Các Phó Chủ nhiệm, các Trợ lý, Thư
ký của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Vụ trưởng,
Cục trưởng, Trưởng các đơn vị và công chức, viên chức thuộc Văn phòng Chính phủ
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
3. Trong quá trình thực hiện Quyết định
này, nếu có vướng mắc phát sinh, giao Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Bộ
trưởng, Chủ nhiệm xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- TTgCP, các Phó TTgCP
(để b/c);
- BTCN, các PCN;
- Trợ lý, Thư ký
TTgCP, các Phó TTgCP;
- Các Vụ, Cục, TTTH, Cổng TTĐT;
- Các đơn vị sự
nghiệp công lập;
- VPBCS, VPĐU, VPCĐ,
ĐTN;
- Lưu: VT, TCCB (3)
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|