CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HUY ĐỘNG HỌC SINH
ĐẾN TRƯỜNG, LỚP VÀ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG HỌC SINH BỎ HỌC
Trong các năm qua, việc huy động học sinh đến
trường, lớp và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học được thực hiện theo tinh thần
Chỉ thị số 32/2002/CT-UB, ngày 23/9/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc huy
động học sinh đến trường và Chỉ thị số 18/2004/CT-UB, ngày 21/6/2004 của Ủy ban
nhân dân tỉnh về việc chống bỏ học - chống dạy thêm học thêm không đúng qui
định. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành giáo dục - đào tạo đã có nhiều nỗ
lực, phối hợp triển khai thực hiện khá tốt nội dung hai chỉ thị nêu trên; nhiều
nơi đã có nhiều cách làm tích cực, vận dụng nhiều giải pháp phù hợp với tình
hình thực tế của địa phương nên tỉ lệ huy động học sinh đến trường, lớp đạt khá
và học sinh bỏ học hàng năm có giảm, đặc biệt là ở bậc tiểu học.
Tuy nhiên, so với chỉ
tiêu kế hoạch hàng năm, tình hình huy động học sinh đến trường, lớp ở các cấp,
bậc học còn thấp; tình trạng học sinh bỏ học ở bậc tiểu học, cấp trung học cơ
sở và trung học phổ thông vẫn còn cao; công tác vận động học sinh bỏ học trở
lại trường, lớp còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.
Nguyên nhân của những
hạn chế nêu trên là do:
- Một số cấp ủy, chính
quyền địa phương chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc huy động trẻ trong
độ tuổi đến trường, lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học là nhằm tăng tỉ lệ
dân số trong độ tuổi đi học (hiện nay tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học bình
quân cả tỉnh rất thấp so với bình quân chung của cả nước và khu vực), thực hiện
phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và
nâng cao hiệu quả đào tạo.
- Nhiều nơi việc tổ
chức huy động học sinh đến trường, lớp; tổ chức "Ngày toàn dân đưa trẻ đến
trường" còn mang tính hình thức, phong trào; chưa có giải pháp tích cực và
phù hợp với từng đối tượng cụ thể để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa
chừng.
- Một số địa phương
chưa phân rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhà trường, đoàn thể, hội
khuyến học, ban đại diện cha mẹ học sinh và gia đình trong việc huy động học
sinh đến trường, lớp; còn hiện tượng đổ thừa nguyên nhân khách quan hoặc đùn
đẩy trách nhiệm cho nhau.
- Vai trò tham mưu của
hiệu trưởng nhiều trường học không kịp thời, thiếu tích cực; đặc biệt là chưa
chủ động đề xuất biện pháp xử lí các trường hợp cản trở việc huy động học sinh
đến trường, lớp theo qui định của pháp luật; một số đơn vị trường học chưa nắm
chắc tình hình, nguyên nhân học sinh chưa đi học, bỏ học, báo cáo sai sót số
liệu thống kê ...
- Có một bộ phận nhân
dân chưa ý thức về việc cho con em đi học, thường khoán trắng việc học cho nhà
trường, thiếu theo dõi, kiểm tra việc học tập của con em; thậm chí có gia đình
cản trở không cho trẻ trong độ tuổi đến trường.
- Có một số học sinh
chưa ý thức được lợi ích của việc học, còn lười biếng trong học tập, thiếu ý
chí vươn lên và tự tìm cho mình phương pháp học tốt.
Để tăng cường công tác
huy động học sinh đến trường, lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, nhằm
tăng tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, lớp, thực hiện phổ cập giáo
dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và nâng cao hiệu
quả đào tạo của các cấp, bậc học trong thời gian tới; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ
thị :
1- Chọn tháng 8 hàng năm là "Tháng hành
động vì sự nghiệp giáo dục”, tiến tới đợt vận động cao điểm là ngày 5 tháng
9 - “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” nhằm tập trung các hoạt động đa
dạng, thiết thực, phong phú để nâng cao ý thức học tập trong nhân dân, tổ chức
huy động học sinh đến trường, lớp đạt chỉ tiêu kế hoạch ngay từ những ngày đầu
khai giảng năm học mới.
Các cấp ủy đảng, chính
quyền, đoàn thể, nhà trường, hội khuyến học phải làm cho các tầng lớp nhân dân
nhận thức được trách nhiệm trong việc vận động trẻ trong độ tuổi đến trường,
lớp, tạo điều kiện cho con em đi học đến nơi đến chốn. Phải xem việc huy động
học sinh đến trường, lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học là nhiệm vụ của cả
hệ thống chính trị và của toàn dân. Từ năm học 2005-2006, các cấp, các ngành
liên quan cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế, tồn tại đã nêu trong quá
trình huy động trẻ đến trường, lớp và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học như
trong thời gian qua.
2. Ủy ban nhân dân các
cấp có nhiệm vụ :
- Ủy ban nhân dân các
huyện, thị, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo ngành văn hoá thông tin phối hợp
với ngành giáo dục và các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tuyên truyền cho
nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, lợi ích của việc học tập để nâng cao dân trí, tạo
điều kiện để xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Xây
dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện "Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục"
và "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường" trên địa bàn, bảo đảm thực hiện
các chỉ tiêu kế hoạch huy động học sinh đã cam kết với Sở Giáo dục-Đào tạo hàng
năm.
Tổ chức kiểm tra, sơ
kết, tổng kết và khen thưởng, kỷ luật kịp thời những đơn vị, cá nhân thưc hiện
tốt và chưa tốt việc huy động học sinh đến trường, lớp; đồng thời xử lí các
trường hợp cản trở việc huy động học sinh đến trường, lớp theo qui định tại
Nghị định số 49/2005/NĐ-CP, ngày 11/4/2005 của Chính phủ qui định về xử lí vi
phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và công văn số 2163/UBND-VX, ngày
15/8/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số
49/2005/NĐ-CP.
Chỉ đạo Ủy ban nhân
dân các phường, xã, thị trấn phải có trách nhiệm trong việc huy động học sinh
và chống bỏ học đối với học sinh đến học ở các trường thuộc các phường, xã, thị
trấn lân cận để bảo đảm việc thực hiện chỉ tiêu huy động học sinh đến trường,
lớp và chống bỏ học chung trên địa bàn huyện, thị, thành phố.
Tổ chức thực hiện tốt
Chỉ thị số 03/2006/CT-UBND, ngày 08/3/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đầu
tư cơ sở vật chất trường học để bảo đảm đủ phòng học, phòng chức năng tối
thiểu; trong đó lưu ý không để xảy ra tình trạng học ca ba và thực hiện chỉnh
trang trường, lớp khang trang sạch đẹp ngay khi vào khai giảng năm học mới, để
tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường.
- Ủy ban nhân dân các
phường, xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể, hội khuyến học
tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nghĩa vụ, lợi ích của việc học tập;
tổ chức tốt "Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục" và "Ngày
toàn dân đưa trẻ đến trường" theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, thị,
thành phố. Trực tiếp thực hiện việc kêu gọi học sinh đi học mỗi đầu năm học và
vận động học sinh bỏ học giữa chừng trở lại trường trong suốt năm học; trong đó
lưu ý vai trò của Ban nhân dân tự quản khóm, ấp.
Phân công trách nhiệm
cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể, đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên tham gia
công tác huy động học sinh đến trường, lớp và chống bỏ học tại địa phương. Tổ
chức sơ, tổng kết, kiểm điểm, phê bình và khen thưởng kịp thời.
Thực hiện quản lí tốt
về nhân khẩu, khai sinh, đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với trẻ trong độ tuổi đi
học, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có nguy cơ cho con em bỏ học giữa
chừng; chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với nhà trường trong việc cho
phép học sinh tạm vắng trên 6 tháng để lập hồ sơ chuyển trường hoặc nghỉ học theo
đúng qui định.
Thực hiện các biện
pháp phối hợp như đưa tiêu chí huy động học sinh đến trường, lớp và chống bỏ
học vào việc xét công nhận gia đình, xóm ấp văn hóa, đảng bộ, chi bộ trong sạch
vững mạnh… Vận động thành lập hội khuyến học cơ sở, xây dựng "Gia đình,
dòng họ hiếu học" để tạo điều kiện, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó
khăn vươn lên học tập; tổ chức tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tổ
chức, dòng họ, gia đình, cá nhân tiêu biểu trong phong trào khuyến học ở địa
phương. Việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo ở địa phương phải gắn
liền với nghĩa vụ học tập. Kiên quyết đấu tranh với những gia đình có điều kiện
nhưng không cho con em đi học bằng nhiều biện pháp như công khai trên hệ thống
truyền thanh, phê bình trong các cuộc họp tổ dân phố, thực hiện các biện pháp
xử phạt hành chính theo Nghị định số 49/2005/NĐ-CP.
3. Sở Giáo dục - Đào
tạo, Phòng Giáo dục và các đơn vị trường học có nhiệm vụ :
- Sở Giáo dục - Đào
tạo hướng dẫn cụ thể các hoạt động trong "Tháng hành động vì sự nghiệp
giáo dục" với yêu cầu là làm cho mọi người nhận thức đúng về việc phải đưa
con em đến trường, lớp học đúng độ tuổi;
Khuyến khích, tạo điều
kiện cho con em học tới nơi tới chốn, không bỏ học giữa chừng và chuẩn bị mọi
điều kiện để khai giảng năm học mới đạt kết quả tốt.
- Sở Giáo dục - Đào
tạo hướng dẫn qui trình quản lí học sinh để thực hiện công tác chống bỏ học;
phổ biến các biện pháp, giải pháp chống bỏ học đã thực hiện có hiệu quả đến các
đơn vị trong toàn ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương để vận dụng. Thực
hiện khen thưởng, kỷ luật thích đáng, kịp thời và đúng quy định.
Hướng dẫn cụ thể việc
tổ chức dạy, học đối những đơn vị trường học bị ảnh hưởng bởi mùa nước nổi,
vùng có đông học sinh bị ảnh hưởng bởi tập quán làm ăn theo mùa vụ.
- Các Phòng Giáo dục
thường xuyên quán triệt cho cán bộ, giáo viên về mục đích ý nghĩa của việc huy
động học sinh trong độ tuổi đi học và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa
chừng; theo dõi việc huy động học sinh và tình trạng học sinh bỏ học tại các
đơn vị trường học trực thuộc, thường xuyên kiểm tra nắm tình hình để tham mưu
hoặc uốn nắn kịp thời.
- Các đơn vị trường
học cần tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt việc phụ đạo học
sinh yếu kém, ôn tập rèn luyện trong hè; phát huy tốt kết quả phổ cập mẫu giáo
5 tuổi, lưu ý tăng cường giảng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc Khmer, Chăm.
Hạn chế đến mức tối đa các hoạt động kém tác dụng đến việc nâng cao chất lượng
dạy và học trong nhà trường, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, thiếu
trung thực trong đánh giá, thi cử.
Nghiêm túc thực hiện
Chỉ thị số 19/2004/CT.UB, ngày 21/6/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chỉnh
trang trường, lớp để tạo môi trường sư phạm, nề nếp trong nhà trường, làm cho
học sinh yêu thích, gắn bó với nơi học tập.
4. Các tổ chức chính
trị, xã hội phối hợp với các cấp chính quyền, ngành giáo dục thực hiện tốt công
tác tuyên truyền, trực tiếp vận động học sinh đến trường theo phân công; vận
động giúp đỡ về vật chất, tinh thần để những gia đình khó khăn, gia đình có con
em có nguy cơ bỏ học có điều kiện tiếp tục cho con em đi học.
5. Thanh tra tỉnh và
huyện có kế hoạch chủ động phối hợp với ngành giáo dục tổ chức thanh tra việc
chống bỏ học tại các địa phương, đặc biệt là tại cấp cơ sở.
6. Các cơ quan thông
tấn, báo chí tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về các chủ
trương của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục, Luật Giáo dục, Luật Phổ cập
giáo dục tiểu học cũng như việc huy động học sinh đến trường và chống bỏ học…
Kịp thời đưa tin tuyên truyền, giới thiệu các tập thể và cá nhân điển hình, kể
cả gương tốt và chưa tốt trong việc vận động học sinh đến trường, lớp và chống
bỏ học. Vào tháng 8 và đầu tháng 9 hàng năm, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,
các Đài Truyền thanh địa phương tăng thời lượng tuyên truyền về "Tháng
hành động vì sự nghiệp giáo dục" và "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường",
ngành văn hóa thông tin tổ chức các loại hình cổ động phong phú để cổ vũ cho
đợt cao điểm “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.
7. Các ngành kế hoạch
đầu tư, tài Chính ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho giáo dục theo chủ trưởng
của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là ở các vùng khó khăn về điều
kiện giảng dạy, vùng đồng bào dân tộc; tham mưu, đề xuất các chế độ, chính sách
có tác động trực tiếp đến việc huy động học sinh đến trường, chống bỏ học và
phục vụ nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Việc huy động học sinh đến trường, lớp, hạn chế
tình trạng học sinh bỏ học nhằm phục vụ yêu cầu cấp bách trước mắt là hoàn
thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ
sở vào cuối năm 2006; về lâu dài là để nâng tỉ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường
và nâng cao hiệu quả đào tạo trong ngành giáo dục của tỉnh. Yêu cầu Giám đốc Sở
Giáo dục-Đào tạo, thủ trưởng các sở, ngành liên quan, chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt tinh thần chỉ thị
này./.