Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 10/2004/QĐ-BGTVT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Đào Đình Bình
Ngày ban hành: 25/06/2004 Ngày hiệu lực:
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 10/2004/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY CHẾ CÔNG TÁC KHÔNG BÁO HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 04 năm 1995;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 267/2003/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng không Việt Nam;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế công tác Không báo hàng không dân dụng Việt Nam".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
BỘ TRƯỞNG




Đào Đình Bình

 

QUY CHẾ

CÔNG TÁC KHÔNG BÁO HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 10 /2004/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Quy chế này quy định việc thu thập, cung cấp, phát hành các tin tức hàng không liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trên lãnh thổ Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý, điều hành.

2. Quy chế này áp dụng cho nhân viên không báo, đồ bản hàng không, không lưu, người lái, nhân viên khai thác điều hành bay, lập kế hoạch bay, thông tin, khí tượng hàng không, tìm kiếm - cứu nạn và các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có liên quan đến công tác không báo.

Điều 2. Trong Quy chế này, các chữ viết tắt dưới đây được hiểu như sau:

1. AGA (Aerodromes and ground aids): sân bay và phụ trợ mặt đất;

2. AFS (Aeronautical fixed service): dịch vụ cố định hàng không;

3. AFTN (Aeronautical fixed telecommunication network): mạng viễn thông cố định hàng không;

4. AIC (Aeronautical information circular): thông tri hàng không;

5. AIP (Aeronautical information publication): tập thông báo hàng không;

6. AIRAC (Aeronautical information regulation and control): kiểm soát và điều chỉnh tin tức hàng không;

7. AIS (Aeronautical information service): công tác không báo;

8. ATS (Air  traffic service): công tác không lưu;

9. APP (Approach control office): cơ quan kiểm soát tiếp cận;

10. ACC (Area control centre): Trung tâm kiểm soát đường dài;

11. FIR (Flight information region): vùng thông báo bay;

12. ICAO (International Civil Aviation Organization): tổ chức hàng không dân dụng quốc tế;

13. NIL (Non or I have nothing to send to you): không hoặc tôi không có gì thông báo cho anh;

14. NOTAM (Notice to Airmen): thông báo cho người lái;

15. NOTAMN (new NOTAM): NOTAM chứa đựng các thông tin mới;

16. NOTAMR (replacement NOTAM): NOTAM thông báo thay thế một NOTAM đã được phát hành trước đó;

17. NOTAMC (NOTAM issued to cancel or supersede a previous NOTAM): NOTAM thông báo hủy bỏ một NOTAM đã được phát hành trước đó;

18. ASHTAM (special format of NOTAM providing information on the status activities of volcano): NOTAM đặc biệt có mẫu phát hành riêng biệt để thông báo về sự thay đổi hoạt động của núi lửa, sự phun của núi lửa, mây tro bụi núi lửa có ảnh hưởng đến hoạt động bay;

19. SNOWTAM (special format of NOTAM notifying the presence or removal of hazardous conditions due to snow, ice, slush or standing water on the movement area): NOTAM đặc biệt thông báo sự xuất hiện hoặc loại bỏ các điều kiện nguy hiểm do tuyết, băng, tuyết tan hoặc nước trên khu di chuyển của sân bay;

20. NOF (International NOTAM Office): Phòng NOTAM quốc tế;

21. PIB (Pre-flight information bulletin): bản thông báo tin tức trước khi bay;

22. TWR (Aerodrome control tower): Đài kiểm soát tại sân;

23. UTC (Universal time coordination): giờ quốc tế.

Điều 3. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công tác không báo (Aeronautical information service) là hoạt động thu thập và cung cấp các tin tức cần thiết trong nước và quốc tế đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay đến, bay đi, bay trong và bay qua các vùng FIRs của Việt Nam;

2. Cơ quan không báo hàng không dân dụng (AIS unit) là cơ quan chịu trách nhiệm thu thập và cung cấp đầy đủ các tin tức cần thiết phục vụ hoạt động hàng không dân dụng trong nước và quốc tế đảm bảo an toàn;

3. Cơ quan không báo tại cảng hàng không quốc tế (Aerodrome AIS unit at international airport) là cơ quan không báo hàng không dân dụng đặt tại một cảng hàng không quốc tế cụ thể, có trách nhiệm thực hiện công tác không báo ở cảng hàng không quốc tế đó và phối hợp thực hiện công tác không báo ở Cụm cảng hàng không khu vực liên quan;

4. Cơ quan không báo tại cảng hàng không địa phương (Aerodrome AIS unit at domestic airport) là cơ quan không báo hàng không dân dụng đặt tại cảng hàng không địa phương chịu trách nhiệm thực hiện công tác không báo tại cảng hàng không đó;

5. Nhân viên không báo (AIS officer) là những người thực hiện công tác không báo hàng không dân dụng;

6. Kiểm soát và điều chỉnh tin tức hàng không (Aeronautical information regulation and control) là một hệ thống thông báo trước về những thay đổi quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động bay dựa vào những ngày có hiệu lực được Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế quy định;

7. Mạng viễn thông cố định hàng không (Aeronautical fixed telecommunication network) là hệ thống các mạng hàng không cố định toàn cầu có nhiệm vụ cung cấp một phần của dịch vụ cố định hàng không bao gồm việc trao đổi các điện văn, các dữ liệu giữa các trạm hàng không cố định với nhau;

8. Nhà khai thác tầu bay (Operator) là tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác tầu bay;

9. Thông báo cho người lái (NOTAM) là một thông báo bằng phương tiện viễn thông chứa đựng thông tin liên quan đến việc lắp đặt, tình trạng hoặc sự thay đổi của phương tiện dẫn đường, các dịch vụ, phương thức khai thác hay sự nguy hiểm nào đó mà người lái và những người có liên quan đến hoạt động bay cần phải nhận biết kịp thời để xử lý;

10. Thông báo nhắc lại, sau đây gọi là NOTAM nhắc lại (Trigger NOTAM) là NOTAM nhắc nhở người sử dụng về một tập tu chỉnh hoặc một tập bổ sung được phát hành theo chu kỳ AIRAC;

11. Phòng NOTAM quốc tế (International NOTAM office) là cơ quan do một quốc gia chỉ định để trao đổi NOTAM giữa các quốc gia về hàng không dân dụng;

12. Phòng thủ tục bay (Air traffic services reporting office) là một cơ quan được thành lập tại Cảng hàng không để nhận các báo cáo có liên quan đến công tác không lưu và kế hoạch bay trước khi tầu bay khởi hành;

13. Sân bay dự bị (Alternate aerodrome) là sân bay mà tầu bay có thể đến khi không thể hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh.

14. Tập thông báo hàng không (Aeronautical information publication) là tài liệu không báo cơ bản của một quốc gia gồm những tin tức ổn định lâu dài, cần thiết cho hoạt động bay;

15. Tập tu chỉnh (AIP Amendment) là tài liệu không báo bao gồm những thay đổi mang tính chất lâu dài đối với những tin tức trong tập thông báo hàng không;

16. Tập bổ sung (AIP Supplement) là tài liệu không báo bao gồm những thay đổi mang tính chất tạm thời đối với những tin tức trong tập thông báo hàng không;

17. Bản thông báo tin tức trước khi bay (Pre-flight information bulletin) là một bản thông báo gồm các NOTAM còn hiệu lực có tính chất khai thác quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động bay, được chuẩn bị để cung cấp cho tổ lái trước chuyến bay;

18. Bản tổng kết danh mục NOTAM hàng tháng (Checklist of NOTAM in force)  là danh sách tất cả các NOTAM còn hiệu lực được phát hành hàng tháng thông qua mạng viễn thông cố định hàng không;

19. Bản tóm tắt nội dung NOTAM còn hiệu lực hàng tháng (Monthly printed plain-language summary of NOTAM in force) là bản tóm tắt nội dung của tất cả các NOTAM còn hiệu lực được phát hành hàng tháng bằng minh ngữ;

20. Bản đồ, sơ đồ hàng không (Aeronautical maps and charts) là các bản đồ, sơ đồ do cơ quan có thẩm quyền ấn hành, trong đó chứa đựng các tin tức hàng không cần thiết để hướng dẫn cho người lái, các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý điều hành bay sử dụng;

21. Thông tri hàng không (Aeronautical information circular) là bản thông báo gồm những tin tức liên quan đến các vấn đề về an toàn bay, dẫn đường, kỹ thuật, hành chính, các văn bản pháp luật về hàng không của Việt Nam mà những tin tức đó không phù hợp phổ biến bằng NOTAM hay bằng Tập thông báo hàng không;

22. Tầm phủ không báo (AIS coverage) là những tin tức cung cấp cho chặng đầu tiên của lộ trình đường bay tức là từ lúc cất cánh đến điểm hạ cánh đầu tiên trong lộ trình bay;

23. Tập tin không báo trọn gói (Intergrated aeronautical information package) là tập hợp các danh mục tài liệu sau:

a) Tập AIP, tập tu chỉnh, tập bổ sung;

b) NOTAM và Bản thông báo tin tức trước khi bay;

c) Thông tri hàng không;

d) Bản danh mục và tóm tắt nội dung các NOTAM còn hiệu lực hàng tháng.

24. Vùng thông báo bay (Flight information region) là vùng trời có giới hạn được xác định trong đó có cung cấp dịch vụ thông báo bay và báo động;

25. Vùng cấm (Prohibited area) là vùng trời có giới hạn được xác định trên lãnh thổ của một quốc gia, mà trong đó cấm hoạt động bay;

26. Vùng hạn chế (Restricted area) là vùng trời có giới hạn được xác định trên lãnh thổ  của một quốc gia mà trong đó hạn chế các chuyến bay theo một số điều kiện nhất định;

27. Vùng nguy hiểm (Danger area) là vùng trời có giới hạn được xác định mà trong đó có thể xảy ra những hoạt động nguy hiểm cho các chuyến bay vào những khoảng thời gian xác định.

Điều 4.

1. Các ấn phẩm không báo, bao gồm:

a) Thông báo NOTAM;

b) Bản thông báo tin tức  trước khi bay;

c) Tập AIP, tập tu chỉnh và tập bổ sung;

d) Thông tri hàng không;

đ) Bản danh mục và tóm tắt nội dung các NOTAM còn hiệu lực hàng tháng.

e) Các tài liệu hướng dẫn, các sơ đồ và các bản đồ hàng không liên quan đến hoạt động bay.

2. Việc cung cấp và trao đổi các ấn phẩm không báo với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế có liên quan đến hoạt động bay thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế và khuyến cáo thực hành của ICAO.

Điều 5. Các tin tức hàng không được thu thập từ các nguồn sau:

1. Các cơ quan không báo của các quốc gia có thỏa thuận trao đổi sản phẩm không báo với Việt Nam;

2. Báo cáo sau khi bay của các tổ bay thuộc các hãng hàng không trong nước và quốc tế;

3. Các cơ quan trong nước:

a) Các cảng hàng không quốc tế và địa phương;

b) Các bộ phận kỹ thuật đảm bảo dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát;

c) Các cơ quan không lưu;

d) Các cơ quan thông tin hàng không;

đ) Các cơ quan khí tượng;

e) Các cơ quan tìm kiếm-cứu nạn;

g) Các cơ quan quân sự để nhận và công bố tin tức liên quan đến các cảnh báo về dẫn đường hoặc ất kỳ thiết bị hay phương thức nào có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng không dân dụng khi cần thiết;

h) Các cơ quan Nhà nước khác có liên quan.

Điều 6. Các loại tin tức hàng không bao gồm:

1. Tin tức có tính chất tạm thời: là những tin tức có hiệu lực trong một thời gian ngắn (03 tháng), được phổ biến bằng NOTAM hoặc tập bổ sung, bao gồm:

a) Những tin tức về việc đưa vào khai thác, dừng khai thác đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ;

b) Những tin tức về việc đưa vào khai thác, ngừng hoạt động hay dừng hoạt động để bảo dưỡng các phụ trợ dẫn đường, các phương tiện phục vụ điều hành bay;

c) Những tin tức về các thay đổi quan trọng có ảnh hưởng đến việc khai thác bay;

d) Những tin tức về hoạt động tại các vùng cấm, vùng hạn chế, vùng nguy hiểm;

đ) Những tin tức về các hoạt động khác có ảnh hưởng đến an toàn bay.

2. Tin tức có tính chất lâu dài là tin tức có hiệu lực trong một thời gian dài và ổn định, được công bố trong tập thông báo hàng không, bao gồm:

a) Những tin tức về số liệu đường cất hạ cánh của các sân bay;

b) Những tin tức về phương tiện phục vụ trên sân bay;

c) Những tin tức về kiểu loại, tần số và vị trí của các thiết bị phụ trợ dẫn đường trên đường bay;

d) Những tin tức về công tác không lưu, thông tin, khí tượng và tìm kiếm - cứu nạn;

đ) Những tin tức về các phương thức không lưu.

3. Các tin tức hành chính thích hợp phổ biến bằng thông tri hàng không là các tin tức liên quan đến việc trao đổi tin tức của các nhà chức trách hàng không và các hãng hàng không cần được thông báo trước một thời gian dài, bao gồm các tin tức không phù hợp đưa vào phát hành AIP, bổ sung, tu chỉnh hoặc NOTAM.

Điều 7. Tính chính xác và thời gian cần thiết của tin tức được quy định cụ thể như sau:

1. Tất cả các tin tức có ảnh hưởng đến an toàn bay phải được cung cấp đầy đủ và chính xác vào thời gian thích hợp;

2. Khi có dự kiến thay đổi về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, phương thức khai thác, các cơ quan đơn vị liên quan phải tính đến khoảng thời gian cần thiết để các cơ quan không báo chuẩn bị và phát hành các tin tức đó dưới hình thức các ấn phẩm không báo phù hợp.

Chương II.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG LĨNH VỰC KHÔNG BÁO

Điều 8. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:

1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác không báo để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện;

2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển lĩnh vực không báo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

3. Phê duyệt các tài liệu hướng dẫn khai thác của các cơ quan không báo;

4. Cấp, gia hạn, hủy bỏ, đình chỉ giấy phép hành nghề của nhân viên không báo theo quy định;

5. Nghiên cứu, đề xuất áp dụng và tổ chức thực hiện các quy định, phương thức và tiêu chuẩn không báo phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập;

6. Phát hành các ấn phẩm không báo, bao gồm: tập AIP, tập tu chỉnh, tập bổ sung, AIC, các sơ đồ, bản đồ hàng không theo quy định;

7. Chỉ đạo việc cung cấp và trao đổi các ấn phẩm không báo với cơ quan không báo của các quốc gia có các đường bay đi, bay đến, bay trong và bay qua lãnh thổ hoặc lãnh hải nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

8. Quản lý hồ sơ chướng ngại vật nhận được từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành. Hướng dẫn các biện pháp cảnh báo các chướng ngại vật hàng không;

9. Phê duyệt nội dung chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên không báo;

10. Tham gia lập kế hoạch thực hiện và thẩm định các dự án đầu tư trang thiết bị  không báo;

11. Cấp giấy phép khai thác các trang thiết bị, hệ thống không báo;

12. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về công tác không báo của các đơn vị, cá nhân trong toàn ngành; xử lý các vi phạm về việc cung cấp các tin tức không báo theo quy định của pháp luật;

13. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực không báo. 

Điều 9. Trung tâm Không báo hàng không có trách nhiệm:

1. Thu thập các thông tin liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay để soạn thảo các ấn phẩm không báo trình Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt;

2. Thu thập các tin tức cần phát hành NOTAM, các dự thảo NOTAM từ các cơ quan không báo tại các cảng hàng không quốc tế, địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan; kiểm tra, xử lý và phát hành NOTAM của Việt Nam;

3. Tiếp nhận các tin tức về hoạt động quân sự có thể ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng từ các cơ quan quân sự và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý tin tức kịp thời, chính xác;

4. Phối hợp với Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân trong việc biên soạn các nội dung có liên quan đến hoạt động bay quân sự trong các ấn phẩm không báo;

5. Nhận các NOTAM từ các cơ quan không báo nước ngoài; chọn các NOTAM có liên quan đến các hoạt động bay đi, đến, bay qua vùng FIR của Việt Nam để phổ biến đến các các Cụm cảng hàng không, cơ quan quản lý bay, các Hãng hàng không;

6. Thực hiện việc cung cấp, trao đổi và mua bán các ấn phẩm không báo của các nước liên quan; xử lý nội dung và phổ biến tới các bộ phận không báo và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động bay;

7. Chuẩn bị các tin tức hàng không liên quan, đặt hàng để các cơ quan có thẩm quyền in ấn các loại bản đồ hàng không;

8. Thiết lập các loại sơ đồ bay phục vụ cho hoạt động bay theo tiêu chuẩn quốc tế và các sơ đồ phối hợp quản lý bay giữa hàng không và quân sự;

9. Tổ chức quản lý, khai thác, bảo dưỡng, kiểm tra các trang thiết bị không báo chuyên dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp và bảo đảm cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho công tác không báo;

10. Thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo huấn luyện cán bộ, nhân viên không báo thuộc Trung tâm;

11. Tham gia thực hiện công tác kiểm tra cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra nâng bậc cho nhân viên

12. Tham gia soạn thảo các quy trình, quy phạm, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ không báo;

13. Lưu trữ các tài liệu có liên quan.

Điều 10. Cơ quan không báo tại các cảng hàng không quốc tế có trách nhiệm:

1. Thu thập, xử lý các điện văn NOTAM do Trung tâm Không báo hàng không cung cấp;

2. Thu thập tin tức từ các cơ quan, đơn vị tại các Cảng hàng không quốc tế liên quan và tại các Cảng hàng không địa phương trực thuộc, các Trung tâm quản lý bay khu vực, các hãng hàng không và mọi tin tức khác có thể ảnh hưởng đến an toàn bay trong phạm vi trách nhiệm của mình, sau đó xử lý và chuyển cho Trung tâm Không báo hàng không để soạn thảo các ấn phẩm không báo phù hợp.

3. Đảm bảo công tác thông báo trước khi bay, bao gồm: soạn bản tin thông báo trước khi bay cho tổ lái, cung cấp các tài liệu tham khảo khác cho các chuyến bay khởi hành từ các sân bay thuộc phạm vi trách nhiệm cung cấp dịch vụ, cung cấp và giải thích thông tin trực tiếp bằng lời cho tổ lái theo yêu cầu khi họ vào lập kế hoạch bay;

4. Đảm bảo công tác thông báo sau khi bay, bao gồm thu thập và kịp thời xử lý các tin tức ảnh hưởng đến hoạt động bay từ các tổ lái;

5. Tiếp nhận các tin tức về các hoạt động quân sự trong khu vực trách nhiệm có thể ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng từ các cơ quan quân sự và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý tin tức kịp thời, chính xác;

6. Lưu giữ, cập nhật các sơ đồ, bản đồ, tài liệu nghiệp vụ về công tác không báo;

7. Chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra giám sát các hoạt động không báo của các bộ phận không báo tại các Cảng hàng không địa phương trực thuộc Cụm cảng hàng không liên quan;

8. Cung cấp các NOTAM nước ngoài có liên quan cho các Cảng hàng không địa phương trực thuộc có các chuyến bay quốc tế khai thác đột xuất khi được yêu cầu;

9. Thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo huấn luyện cán bộ, nhân viên không báo thuộc Cụm cảng;

10. Tham gia thực hiện công tác kiểm tra giấy phép hành nghề, kiểm tra nâng bậc cho nhân viên không báo trực thuộc.

Điều 11. Cơ quan không báo tại cảng hàng không địa phương có trách nhiệm:

1. Thu thập các tin tức liên quan đến công tác không báo trong phạm vi Cảng hàng không địa phương và mọi hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn bay trong phạm vi trách nhiệm của mình, chuyển kịp thời đến cơ quan không báo tại Cảng hàng không quốc tế liên quan;

2. Nhận đầy đủ các NOTAM trong nước để đảm bảo công tác thông báo trước khi bay, cung cấp các tin tức và các tài liệu tham khảo cần thiết cho tổ lái để làm kế hoạch bay. Đối với các chuyến bay quốc tế đột xuất thì liên hệ với cơ quan không báo tại Cảng hàng không quốc tế liên quan để nhận các NOTAM nước ngoài có liên quan đến chuyến bay cung cấp cho tổ lái;

3. Đảm bảo công tác thông báo sau khi bay, bao gồm thu thập và kịp thời xử lý các tin tức ảnh hưởng đến hoạt động bay từ các tổ lái;

4. Đảm bảo công tác không báo trong thời gian có hoạt động bay trong khu vực sân bay, trước 02 giờ khi tàu bay bay vào khu vực sân bay và sau 02 giờ khi tàu bay rời khỏi khu vực sân bay;

5. Cung cấp các thông tin liên quan cần thiết theo yêu cầu của Giám đốc Cảng hàng không và cơ quan không lưu;

6. Lưu giữ, cập nhật các sơ đồ, bản đồ, tài liệu nghiệp vụ về công tác không báo.

Điều 12. Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ không báo có trách nhiệm:

1. Đối với nhà khai thác trong nước và nước ngoài:

a) Đề xuất với Cục Hàng không Việt Nam nhu cầu tiếp nhận tin tức không báo trong nước và quốc tế đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay của hãng;

b) Thu thập tin tức có thể ảnh hưởng đến hoạt động bay và cung cấp kịp thời cho các cơ quan không lưu, không báo.

2. Đối với tổ lái:

a) Nhận đầy đủ PIB và các tin tức liên quan đến chuyến bay để lập kế hoạch bay trước chuyến bay;

b) Cung cấp các tin tức sau khi bay.

3. Đối với cơ quan không lưu (TWR, APP, ACC):

a) Nhận đầy đủ các NOTAM trong nước và nước ngoài từ Trung tâm Không báo hàng không thông qua thiết bị đầu cuối để hỗ trợ công tác lập kế hoạch bay, thông báo bay và cảnh báo dẫn đường hàng không;

b) Thông báo kịp thời cho các tổ lái có liên quan nếu trong quá trình điều hành các cơ quan này nhận được bất kỳ tin tức đột xuất nào có thể ảnh hưởng đến an toàn bay từ các cơ quan không báo;

c) Thu thập tin tức về các hoạt động có thể ảnh hưởng đến hoạt động bay thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, đơn vị và cung cấp kịp thời cho các cơ quan không báo phù hợp.

Điều 13.

1. Cơ quan không báo hàng không có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, khí tượng, đảm bảo kỹ thuật, không lưu, tìm kiếm - cứu nạn, đơn giản hóa thủ tục hàng không tại các Cảng hàng không quốc tế, các Cảng hàng không địa phương và cơ quan quản lý bay liên quan thông qua việc ký kết các thỏa thuận để nhận được tin tức không báo liên quan đến hoạt động bay trong thời gian sớm nhất.

2. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp tin tức liên quan đến công tác không báo phải chỉ định người có trách nhiệm duy trì mối liên hệ trực tiếp và thường xuyên với các cơ quan không báo nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi tin tức được thuận tiện, nhanh chóng, chính xác.

Chương III.

CÔNG TÁC NOTAM

Mục A. Quy định về phát hành NOTAM

Điều 14. Trung tâm Không báo hàng không có trách nhiệm phát hành các tin tức hàng không dạng điện văn NOTAM tới các cơ quan không báo nước ngoài theo thỏa thuận, các cơ quan không báo tại các Cảng hàng không quốc tế và các Cảng hàng không địa phương, các cơ quan không lưu thuộc các Trung tâm Quản lý bay khu vực, bộ phận khai thác điều hành bay của các hãng hàng không Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan khác nếu có nhu cầu.

Điều 15. Điện văn NOTAM phải được phát hành trong những trường hợp sau đây:

1. Thiết lập, đóng cửa hoặc có những thay đổi quan trọng trong việc khai thác các sân bay hoặc các đường cất hạ cánh;

2. Thiết lập, hủy bỏ hoặc có những thay đổi quan trọng về hoạt động của các dịch vụ hàng không bao gồm sân bay, không báo, không lưu, thông tin, khí tượng, tìm kiếm - cứu  nạn;

3. Thiết lập hoặc hủy bỏ các thiết bị điện tử và các thiết bị phù trợ khác phục vụ cho công tác dẫn đường hàng không và sân bay, cụ thể:

a) Việc gián đoạn hay phục hồi hoạt động trở lại, thay đổi tần số, thay đổi thời gian hoạt động, thay đổi tên gọi, hướng đối với các phụ trợ có định hướng;

b) Thay đổi vị trí, tăng hoặc giảm công suất 50% hoặc cao hơn;

c) Thay đổi về việc thông báo các lịch trình, nội dung, hoặc tính không đều đặn hay thiếu tin cậy của bất kỳ phù trợ điện tử dẫn đường nào và các dịch vụ thông tin liên lạc không - địa;

4. Thiết lập, hủy bỏ hoặc có những thay đổi quan trọng về các phù trợ trực quan;

5. Việc gián đoạn hoặc phục hồi hoạt động trở lại của các bộ phận chính trong hệ thống chiếu sáng tại sân bay;

6. Thiết lập, hủy bỏ hoặc có những thay đổi quan trọng trong các phương thức của công tác dẫn đường trên không;

7. Sự xuất hiện hoặc việc sửa chữa các phần hư hỏng trên khu bay;

8. Các thay đổi hoặc hạn chế về khả năng cung cấp nhiên liệu, dầu nhờn và ôxy;

9. Các thay đổi quan trọng về khả năng cung cấp phương tiện và dịch vụ tìm kiếm - cứu nạn;

10. Thiết lập, hủy bỏ hoặc phục hồi hoạt động trở lại của các đèn hiệu chỉ chướng ngại vật quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động bay;

11. Việc xuất hiện các nguy hiểm ảnh hưởng đến hoạt động bay bao gồm các chướng ngại vật, tập trận, bay trình diễn, bay thể thao, các hoạt động nhảy dù ở ngoài những khu vực công bố;

12. Xây dựng, di chuyển hoặc thay đổi các chướng ngại vật chính ảnh hưởng đến hoạt động bay trong khu vực cất cánh, lấy độ cao, tiếp cận hụt, tiếp cận và dải bảo hiểm đường cất hạ cánh;

13. Thiết lập, chấm dứt hiệu lực hoặc thay đổi tình trạng hoạt động của các vùng cấm, nguy hiểm hoặc hạn chế;

14. Thiết lập, chấm dứt hiệu lực các vùng hoặc đường bay hoặc một số phần đường bay có khả năng xảy ra bay chặn hoặc yêu cầu canh nghe trên tần số khẩn nguy VHF 121.5 MHz;

15. Chỉ định, hủy bỏ hoặc thay đổi địa danh do ICAO quy định;

16. Những thay đổi quan trọng về cấp độ công tác cứu hộ và cứu hỏa được cung cấp tại sân bay;

17. Sự xuất hiện, di chuyển hoặc có những thay đổi quan trọng về các điều kiện nguy hiểm do tuyết, băng, tuyết tan hoặc nước trên khu vực di chuyển của sân bay;

18. Xuất hiện dịch bệnh cần phải thông báo để tiêm chủng hoặc có những biện pháp cách ly để kiểm dịch;

19. Dự báo về bức xạ mặt trời, nếu được cung cấp;

20. Xuất hiện hoạt động ban đầu của núi lửa, vị trí, ngày, giờ núi lửa hoạt động và thời gian, mật độ và tầm hoạt động của mây tro bụi bao gồm cả hướng di chuyển, mực bay và đường bay hoặc phần của đường bay có thể bị ảnh hưởng;

21. Thông báo về việc thải vào bầu khí quyển chất phóng xạ hoặc hoá chất sau một sự cố hạt nhân hay hoá học, vị trí, ngày giờ xảy ra sự cố, mực bay, đường bay hoặc các phần đường bay có thể bị ảnh hưởng, hướng di chuyển;

22. Những dự kiến thay đổi về trang thiết bị khí tượng được cung cấp và ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết đến hoạt động bay.

Điều 16. Khi phát hành tập tu chỉnh hoặc tập bổ sung theo phương thức AIRAC, phải phát hành một NOTAM nhắc lại nêu tóm tắt nội dung, ngày có hiệu lực và số tu chỉnh hoặc số bổ sung theo chu kỳ AIRAC đó. NOTAM này sẽ bắt đầu có hiệu lực cùng với thời gian bắt đầu có hiệu lực của tập bổ sung hoặc tập tu chỉnh đó và sẽ có hiệu lực cho đến khi phát hành bản tổng kết và tóm tắt NOTAM còn hiệu lực tháng tiếp theo.

Điều 17. NOTAM phải được phát hành theo mẫu tiêu chuẩn của ICAO được nêu tại Chương 5 Phụ ước 15 (Annex 15-ICAO), cụ thể như sau:

1. Hiệu lực của một NOTAM không vượt quá 03 tháng. Nếu một NOTAM có nội dung mang tính thay đổi tạm thời trong một thời gian dài vượt quá 03 tháng, phải phát hành một NOTAM thay thế;

2. NOTAM chứa đựng tin tức mang tính chất lâu dài hoặc tạm thời được sử dụng trong thời gian trên 03 tháng phải được đưa vào tập tu chỉnh hoặc tập bổ sung phù hợp;

3. NOTAM được phổ biến cho vùng thông báo bay Hà Nội và Hồ Chí Minh có ba loại: A, B và C:

a) NOTAM loại A: bao gồm tin tức liên quan đến các chuyến bay tầm trung hoặc tầm xa và được phổ biến cho quốc tế sử dụng;

b) NOTAM loại B: bao gồm tin tức về tất cả các sân bay, sân bay trực thăng, phương tiện và các phương thức sử dụng cho hàng không dân dụng quốc tế và chỉ phát hành cho các quốc gia kế cận;

c) NOTAM loại C: bao gồm tin tức liên quan tới các hoạt động bay quốc nội và chỉ phổ biến quốc nội sử dụng.

4. NOTAM phát hành phải ghi rõ loại, thứ tự NOTAM, năm phát hành. Các số thứ tự sẽ được bắt đầu bằng số 0001 từ 0001 UTC ngày 01 tháng 01 hàng năm.

Ví dụ:   (A0001/00)     (C0006/01)

5. NOTAM phải được soạn thảo rõ ràng, đầy đủ, chính xác để người nhận có thể hiểu được mà không cần tham khảo một tài liệu nào khác;

6. Mỗi NOTAM được chuyển phát như một điện văn thông tin viễn thông độc lập;

7. Mỗi NOTAM chỉ đề cập đến một nội dung và một điều kiện liên quan đến nội dung đó;

8. Khi một NOTAM được phổ biến để hủy bỏ hoặc thay thế một NOTAM trước thì số, loại NOTAM bị hủy bỏ hoặc thay thế đó phải được nêu rõ;

9. Khi có sự sai sót trong một NOTAM, phải phát hành một NOTAM thay thế để sửa chữa sai sót đó;

10. Các chỉ địa danh trong điện văn NOTAM phải phù hợp với bảng địa danh được ICAO công bố chính thức. Không được sử dụng dạng rút gọn của chỉ địa danh nói trên trong mọi trường hợp;

11. Khi một chỉ địa danh chưa được ICAO phê chuẩn thì tên của địa danh đó phải được phiên âm phù hợp với ngôn ngữ địa phương, khi cần thiết phải ghi tên đầy đủ.

Điều 18. Các cơ quan, đơn vị có tin tức phù hợp phát hành điện văn NOTAM phải thông báo cho cơ quan không báo trong thời gian quy định sau đây:

1. Ít nhất là 03 (ba) ngày trước ngày bắt đầu có hiệu lực đối với các tin tức liên quan đến sự hoạt động của các vùng cấm, nguy hiểm hoặc hạn chế bay; kế hoạch về các công việc sẽ được tiến hành tại khu bay;

2. Ít nhất là 24 (hai mươi tư) giờ trước giờ tin tức bắt đầu có hiệu lực trong những trường hợp cần giải quyết gấp.

Điều 19. Các cơ quan, đơn vị có tin tức phù hợp phát hành điện văn NOTAM phải điền vào Mẫu “Đề nghị phát hành NOTAM” tại Phụ lục 1 của Quy chế này và gửi tới cơ quan không báo phù hợp kèm theo văn bản liên quan đến nội dung phát hành NOTAM.

Điều 20. Việc xử lý tin tức thành điện văn NOTAM được thực hiện theo trình tự sau:

1. Cơ quan không báo tại các Cảng hàng không quốc tế khi nhận được các tin tức  quy định tại Điều 15 của Quy chế này có nhiệm vụ:

a) Soạn dự thảo NOTAM theo mẫu tiêu chuẩn tại Phụ ước 15 của ICAO.

b) Gửi dự thảo NOTAM này tới Trung tâm Không báo hàng không bằng mạng AFTN kèm theo mẫu đề nghị phát hành NOTAM.

2. Trung tâm Không báo hàng không khi nhận được các dự thảo NOTAM quy định tại khoản 1 Điều này và các tin tức liên quan khác cần xử lý thành NOTAM phải kiểm tra kỹ lưỡng sau đó phát NOTAM. Ghi lại số của NOTAM được phát hành vào bảng đăng ký NOTAM Việt Nam theo mẫu tại Phụ lục 2a của Quy chế này. Những tin tức không phù hợp phát hành NOTAM thì xem xét để phát hành các ấn phẩm không báo phù hợp.

Điều 21. Trung tâm Không báo hàng không phải trình Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra phê duyệt trước khi phát hành các NOTAM có nội dung sau đây:

1. Hoạt động quân sự ngoài các vùng cấm, nguy hiểm, hạn chế đã được công bố trong tập AIP Việt Nam;

2. Hoạt động trong khu vực cấm, nguy hiểm, hạn chế không tuân theo các quy định đã được công bố trong tập AIP;

3. Những thay đổi quan trọng đối với các dịch vụ dẫn đường và không lưu;

4. Trường hợp được quy định rõ trong các văn bản liên quan có nội dung cần phải phát NOTAM.

Điều 22. Thời hạn phát hành NOTAM được quy định như sau:

1. Những cảnh báo dẫn đường và kế hoạch về các công việc sẽ được tiến hành tại khu bay phải được công bố ít nhất là 03 (ba) ngày trước ngày có hiệu lực;

2. Những tin tức khác phải được phổ biến ít nhất là 24 (hai mươi tư) giờ trước giờ có hiệu lực;

3. NOTAM nhắc lại phải được phổ biến vào ngày phát hành của tập tu chỉnh hoặc tập bổ sung đó.

Điều 23. Điện văn NOTAM đã phát hành phải được lưu giữ đầy đủ và được sắp xếp theo trình tự thời gian đến kỳ tổng kết NOTAM tháng tới.

Mục B. Quy định về việc nhận NOTAM

Điều 24. Khi nhận được các NOTAM nước ngoài, Trung tâm Không báo hàng không có trách nhiệm:

1. Đăng ký NOTAM nhận được vào bản đăng ký NOTAM đến theo số thứ tự theo mẫu tại Phụ lục 2b của Quy chế này;

2. Kiểm tra nội dung điện văn NOTAM trước khi lưu. Nếu thấy nghi ngờ hoặc chưa rõ, cần phát ngay một điện văn sự vụ hỏi lại cơ quan phát hành điện văn NOTAM đó. NOTAM được lưu giữ cho đến khi được thay thế, hủy bỏ hoặc tự hết hiệu lực;

3. Báo cáo Cục Hàng không Việt Nam các tính chất đặc biệt chứa đựng trong các NOTAM nhận được có nội dung như sau:

a) Đóng cửa sân bay quốc tế là sân bay đến của các chuyến bay trực tiếp khởi hành từ các sân bay quốc tế của Việt Nam;

b) Hạn chế hoạt động vùng trời do xảy ra đình công của nhân viên không lưu, nhân viên thông tin, các cuộc diễn tập hàng không, hoạt động của núi lửa hay bất kỳ hiện tượng thiên nhiên bất thường nào khác có thể ảnh hưởng đến an toàn bay;

c) Trục trặc các phương tiện thông tin liên lạc, các phụ trợ dẫn đường hoặc phụ trợ mặt đất;

d) Diễn tập hàng không hoặc hoạt động của các phương tiện bay tự do có thể ảnh hưởng đến an toàn bay;

đ) Các hoạt động quân sự xâm phạm vào các đường bay hoặc vùng trời được kiểm soát;

e) Thiết lập các vùng cấm, hạn chế, nguy hiểm gần vùng trời được kiểm soát hoặc gần đường hàng không ;

g) Các hoạt động bay quân sự hoặc dân dụng tại các FIR của Việt Nam được phổ biến bởi một phòng NOF của một nước khác;

h) Xung đột vũ trang hoặc bất kỳ hoạt động nào có tính chất tương tự.

4. Dịch nội dung của NOTAM nhận được sang tiếng Việt khi có yêu cầu;

5. Phát đầy đủ NOTAM tới cơ quan không báo tại các Cảng hàng không quốc tế, các cảng hàng không địa phương có hoạt động hàng không dân dụng, các cơ quan không lưu, bộ phận khai thác điều hành bay của các hãng hàng không tại Việt Nam theo yêu cầu;

6. Lưu điện văn NOTAM đó theo vị trí địa lý hoặc từng phòng NOTAM riêng biệt. Các vị trí lưu trữ phải được các nhân viên không báo cập nhật hàng ngày. Tất cả các NOTAM không còn hiệu lực phải được lấy ra khỏi cặp và lưu giữ đến kỳ tổng kết NOTAM tháng tới.

Điều 25. Khi nhận được các NOTAM nước ngoài, các cơ quan không báo tại cảng hàng không có trách nhiệm:

1. Đăng ký NOTAM vào bản đăng ký NOTAM đến và lưu điện văn NOTAM đó theo vị trí địa lý hoặc từng phòng NOTAM riêng biệt. Các vị trí lưu giữ phải được cập nhật hàng ngày. Tất cả các NOTAM không còn hiệu lực phải được lấy ra khỏi cặp và lưu giữ đến kỳ tổng kết NOTAM tháng tới;

2. Ghi vào sổ nhật ký hàng ngày của bộ phận và ghi trên bảng để lưu ý khi nhận được những NOTAM liên quan đến:

a) Các nguy hiểm đối với nền không lưu;

b) Đóng cửa đường cất hạ cánh;

c) Đóng cửa đường lăn, sân đỗ.

Trường hợp cần thiết, phải vẽ hay minh họa nội dung của NOTAM nhận được lên bản đồ treo tường, bảng cảnh báo dẫn đường để tạo điều kiện cho tổ bay và các nhà khai thác hàng không dễ dàng nắm bắt tin tức.

3. Dịch nội dung của NOTAM nhận được sang tiếng Việt khi có yêu cầu.

Mục C. Quy định về bản danh mục NOTAM còn hiệu lực

Điều 26. Đối với danh mục NOTAM còn hiệu lực trong nước:

1. Trung tâm Không báo hàng không có trách nhiệm phát hành bản danh mục NOTAM còn hiệu lực trong nước gồm các NOTAM còn hiệu lực của Việt Nam được phát hành thông qua mạng thông tin viễn thông cố định hàng không. Bản tổng kết danh mục này phải được phổ biến vào lúc 0001 UTC của ngày đầu tiên trong tháng;

2. Các NOTAM còn hiệu lực phải được liệt kê trong bản danh mục theo 3 loại A, B, C và theo từng năm;

3. Danh mục NOTAM còn hiệu lực phải được biên soạn theo số thứ tự từ thấp lên cao dựa vào bản đăng ký các NOTAM đã được phát hành, danh sách các NOTAM còn hiệu lực được in ra từ máy tính, các bản điện văn NOTAM gốc đã được lưu vào ngăn tủ hoặc cặp file tương ứng;

4. Bản danh mục phải bao gồm cả những tin tức sau đây:

a) Số tập tu chỉnh cuối cùng được phát hành;

b) Số tập bổ sung cuối cùng được phát hành;

c) Số thông tri hàng không cuối cùng được phát hành;

d) Những NOTAM đã được đưa vào tập tu chỉnh, nếu có;

đ) Những NOTAM đã được đưa vào tập bổ sung, nếu có.

5. Bản danh mục được phát hành như một điện văn NOTAM thông thường và được chỉ rõ nội dung là bản danh mục các NOTAM còn hiệu lực.

Điều 27. Đối với bản danh mục NOTAM còn hiệu lực nước ngoài

1. Khi nhận được bản danh mục NOTAM còn hiệu lực của nước ngoài, Trung tâm Không báo hàng không phải kiểm tra những NOTAM còn hiệu lực nhận được và đã được đăng ký trong Bản đăng ký các NOTAM nhận được trong tháng cũng như các NOTAM còn hiệu lực đang được lưu tại Trung tâm. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về hiệu lực của NOTAM, cần gửi ngay điện hỏi lại cơ quan không báo nước ngoài phát hành bản tổng kết đó và phải gửi điện yêu cầu phát lại ngay những NOTAM bị thiếu nếu NOTAM đó không được liệt kê trong bảng tóm tắt nội dung NOTAM còn hiệu lực hàng tháng bằng minh ngữ được gửi qua dịch vụ bưu điện vào đầu mỗi tháng;

2. Các cơ quan không báo tại các Cảng hàng không nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về bản danh mục NOTAM còn hiệu lực nước ngoài phải gửi điện hỏi Trung tâm Không báo hàng không.

Mục D. Quy định về Bản tóm tắt nội dung NOTAM còn hiệu lực hàng tháng

Điều 28. Đối với bản tóm tắt nội dung NOTAM còn hiệu lực hàng tháng trong nước:

1. Trung tâm Không báo hàng không có trách nhiệm phát hành bản tóm tắt nội dung NOTAM còn hiệu lực hàng tháng trong nước;

2. Bản tóm tắt nội dung NOTAM còn hiệu lực hàng tháng phải liệt kê toàn bộ các NOTAM còn hiệu lực và sắp xếp chúng theo thứ tự sau đây:

a) Vùng FIR Hà Nội;

b) Vùng FIR Hồ Chí Minh;

c) Các Cảng hàng không quốc tế và địa phương của Việt Nam có hoạt động hàng không dân dụng theo thứ tự bảng chữ cái.

3. Danh sách các NOTAM trong Bản tóm tắt nội dung các NOTAM còn hiệu lực phải phù hợp với danh sách các NOTAM trong Bản tổng kết danh mục các NOTAM còn hiệu lực được phát qua mạng viễn thông cố định hàng không AFTN.

4. Bản tóm tắt nội dung các NOTAM còn hiệu lực phải được phát hành hàng tháng bằng minh ngữ, nêu rõ số tập tu chỉnh mới nhất, các tập bổ sung và thông tri hàng không còn hiệu lực đã phát hành. Bản tóm tắt này phải được chuyển bằng bưu điện tới tất cả các tổ chức, cá nhân nhận tập tin không báo trọn gói.

Điều 29. Đối với Bản tóm tắt nội dung các NOTAM nước ngoài hàng tháng còn hiệu lực: khi nhận được bảng tóm tắt nội dung các NOTAM nước ngoài hàng tháng còn hiệu lực, Trung tâm Không báo hàng không phải đối chiếu các NOTAM được liệt kê với danh mục các NOTAM nhận được qua mạng viễn thông cố định hàng không AFTN và có các biện pháp xử lý thích hợp nếu cần thiết.

Điều 30. Bản tóm tắt nội dung các NOTAM còn hiệu lực hàng tháng phải được lưu trữ ít nhất là 06 (sáu) tháng.

Chương IV.

TẬP THÔNG BÁO HÀNG KHÔNG

Điều 31. Trung tâm Không báo hàng không có trách nhiệm biên soạn, cung cấp, trao đổi AIP, các tập tu chỉnh và bổ sung thông thường hoặc theo chu kỳ AIRAC phù hợp với các thỏa thuận được ký kết với cơ quan không báo của các quốc gia liên quan.

Điều 32. Tập AIP Việt Nam phải được in bằng hai thứ tiếng Anh - Việt và được chia thành 03 phần: tổng quát (GEN), đường bay (ENR), sân bay (AD). Các tiêu chuẩn chung của tập AIP Việt Nam phải được áp dụng theo các tiêu chuẩn của ICAO được nêu tại Phụ ước 15 về Công tác không báo (Annex 15-ICAO), cụ thể như sau:

1. Được xuất bản dưới dạng từng trang rời, mỗi trang phải ghi rõ thời gian xuất bản hoặc thời gian có hiệu lực bao gồm ngày, tháng (bằng chữ), năm;

2. Có một bảng kiểm tra danh mục các trang, cung cấp thời gian hiện đang còn hiệu lực của từng trang trong tập AIP;

3. Khổ giấy sử dụng không được vượt quá 210 x 297 mm. Đối với khổ giấy rộng hơn phải gấp lại cho cùng cỡ giấy;

4. Tất cả những thay đổi trong tập AIP hoặc những tin tức mới được in lại thành trang phải được chú thích bằng hình thức đánh dấu để dễ nhận biết;

5. Được cập nhật tin tức mới một cách thường xuyên bằng các tập tu chỉnh theo định kỳ.

6. Được tu chỉnh 1 năm 03 (ba) lần, được phát hành vào tháng 3 (Ba), tháng 7 (Bảy) và tháng 11 (Mười một) hàng năm.

Điều 33. Đối với tập tu chỉnh do Cục Hàng không Việt Nam phát hành:

1. Những tin tức của tập tu chỉnh bao gồm những tin tức trong điện văn NOTAM, tập bổ sung có giá trị lâu dài, thông tri hàng không, các tin tức có tính chất lâu dài khác có liên quan;

2. Có hai dạng tu chỉnh được thực hiện như sau:

a) Tu chỉnh thường xuyên (AIP AMDT) phải được phát hành vào ngày ấn định phù hợp với chu kỳ theo kế hoạch tu chỉnh hàng năm. Những nội dung thay đổi cố định lâu dài đưa vào tu chỉnh được xác định bằng ngày xuất bản;

b) Tu chỉnh theo chu kỳ AIRAC (AIRAC AIP AMDT) phải được phát hành phù hợp với chu kỳ AIRAC, bao gồm những thay đổi cố định lâu dài có nội dung khai thác quan trọng để đưa vào AIP và phải được ấn định vào ngày AIRAC có hiệu lực;

3. Mỗi một tập tu chỉnh thường xuyên hoặc tập tu chỉnh theo chu kỳ AIRAC đều  phải được đánh số thứ tự riêng biệt cho mỗi loại kế tiếp nhau trên cơ sở  lịch năm. Năm được thể hiện bằng hai chữ số. Ví dụ AIP AMENDMENT 1/01, AIRAC AMENDMENT 1/01.

4. Mỗi tập tu chỉnh được phát hành phải bao gồm:

a) Trang bìa: đánh số thứ tự của tập tu chỉnh và sử dụng niên lịch, tóm tắt những nội dung trong tập tu chỉnh gồm cả những sửa đổi bằng tay, nếu có. Trên trang bìa phải ghi rõ ngày phổ biến tin tức; nếu phát hành theo chu kỳ AIRAC phải ghi rõ ngày có hiệu lực; ghi rõ số của các ấn phẩm không báo được đưa vào tập tu chỉnh và tóm tắt nội dung của các ấn phẩm đó.

b) Bảng kiểm tra danh mục các trang: gồm tất cả các trang còn hiệu lực, nêu rõ số trang, tên sơ đồ và ngày phát hành mỗi trang hoặc ngày có hiệu lực, nếu theo chu kỳ AIRAC;

c) Các trang được thay thế dưới dạng các trang rời: trên bất kỳ trang nào trong tập tu chỉnh phải ghi rõ ngày phổ biến tin tức; nếu được phát hành theo chu kỳ AIRAC phải ghi rõ ngày có hiệu lực.

5. Khi một tập tu chỉnh không được công bố theo chu kỳ quy định thì phải phát một thông báo NIL ghi rõ chu kỳ mà tập tu chỉnh không được công bố. Thông báo này phải được phổ biến trong bảng tóm tắt các NOTAM còn hiệu lực phát hành hàng tháng bằng minh ngữ vào tháng phát hành tập tu chỉnh đó.

Điều 34. Các bộ phận không báo, các cơ quan, đơn vị liên quan khi nhận được tập tu chỉnh trong nước phải thực hiện những việc sau đây:

1. Đối chiếu số tập tu chỉnh. Nếu phát hiện thấy tập tu chỉnh nào bị thất lạc, phải thông báo ngay cho cán bộ phụ trách bộ phận để có biện pháp xử lý phù hợp;

2. Đối chiếu với bảng kiểm tra danh mục các trang mới nhận được để đảm bảo có đầy đủ tất cả các trang trong tập AIP;

3. Kiểm tra tập AIP 03 (ba) tháng một lần để đảm bảo tất cả các trang trong tập còn hiệu lực. Nếu thấy thiếu trang nào hoặc phát hiện có sai sót phải thông báo ngay cho cán bộ phụ trách bộ phận để có biện pháp xử lý phù hợp;

4. Nhắc nhở nhân viên lưu ý về những thay đổi quan trọng và những thông tin mới được cập nhật. Phòng NOTAM quốc tế, các cơ quan không báo tại cảng hàng không phải ghi lại những thông tin nói trên vào cuốn sổ khai thác của bộ phận;

5. Đọc kỹ trang bìa và thực hiện các việc sau đây:

a) Thay thế những trang mới và bỏ những trang được thay thế;

b) Thực hiện các sửa đổi bằng tay, nếu có;

c) Loại bỏ các NOTAM, tập bổ sung, AIC đã được đưa vào tu chỉnh;

d) Ghi số tập tu chỉnh và ký tên người cập nhật vào trang 0-1 của tập AIP.

Điều 35. Khi nhận được tập tu chỉnh nước ngoài, cơ quan không báo có tập AIP nước ngoài có trách nhiệm:

1. Cập nhật các tập AIP nước ngoài hiện có tại cơ quan, kiểm tra 03 (ba) tháng một lần để đảm bảo các tập tu chỉnh liên quan nhận được đều đặn. Nếu trong vòng 03 (ba) tháng không nhận được tập tu chỉnh phải thông báo và yêu cầu cơ quan không báo nước ngoài liên quan gửi ngay;

2. Đọc kỹ trang bìa và thực hiện những bước tương tự như đối với tập tu chỉnh trong nước quy định tại khoản 5 Điều 34 của Quy chế này.

Điều 36. Đối với tập bổ sung do Cục Hàng không Việt Nam phát hành:

1. Những tin tức của tập bổ sung bao gồm tin tức có tính chất tạm thời có hiệu lực từ 3 (ba) tháng trở lên và có ảnh hưởng đến nội dung tập AIP, sơ đồ bổ sung cho những tin tức cố định trong tập AIP.

2. Tập bổ sung được phổ biến dưới 2 hình thức như sau:

a) Tập bổ sung không theo chu kỳ AIRAC phổ biến những tin tức được quy định tại khoản 1 của Điều này;

b) Tập bổ sung theo chu kỳ AIRAC phổ biến những thay đổi có tính chất khai thác quan trọng trong nội dung tập AIP.

3. Khi các cơ quan, đơn vị có tin tức yêu cầu phổ biến bổ sung AIP, phải gửi ngay tin tức kèm theo văn bản liên quan đến nội dung phát hành tin tức (có chữ ký của người có thẩm quyền) đến cơ quan không báo thích hợp.

4. Các tiêu chuẩn của tập bổ sung Việt Nam phải áp dụng theo các tiêu chuẩn của ICAO được nêu tại Phụ ước 15 về công tác không báo, cụ thể như sau:

a) Mỗi tập bổ sung đều phải được đánh số thứ tự riêng biệt cho mỗi loại kế tiếp nhau trên cơ sở lịch năm. Năm được thể hiện bằng hai chữ số. Ví dụ: AIP SUP 1/01, AIRAC AIP SUP 1/01;

b) Tập bổ sung phải được phát hành bằng những trang màu vàng;

c) Khi một tập bổ sung được phổ biến để thay thế một NOTAM phải ghi rõ số NOTAM mà nó thay thế;

d) Danh sách các tập bổ sung còn hiệu lực phải được phát đi mỗi tháng một lần thông qua bảng tổng kết danh mục NOTAM còn hiệu lực;

Điều 37. Các cơ quan không báo và các cơ quan, đơn vị liên quan khi nhận được tập bổ sung trong nước, phải thực hiện những việc sau đây:

1. Kiểm tra việc nhận đủ số tập bổ sung đúng theo thứ tự và năm phát hành. Tập bổ sung phát theo chu kỳ “AIRAC” phải được lưu giữ cùng với tập bổ sung “non-AIRAC”;

2. Nghiên cứu nội dung tập bổ sung đó, nhắc nhở nhân viên lưu ý và ghi vào cuốn sổ khai thác của cơ quan những tập bổ sung có nội dung khai thác quan trọng;

3. Nếu nhận được tập bổ sung không theo thứ tự hiện tại đang được lưu giữ phải thông báo ngay cho cán bộ phụ trách bộ phận để có biện pháp xử lý phù hợp;

4. Những tập bổ sung còn hiệu lực phải được lưu giữ sử dụng lâu dài. Khi tập bổ sung được hủy bỏ hoặc tự hết hiệu lực, phải lấy tập bổ sung liên quan ra khỏi tập lưu trữ còn hiệu lực. Tập bổ sung hết hiệu lực phải được lưu giữ lại trong thời gian 01 năm để tham chiếu;

5. Bản tổng kết các tập bổ sung còn hiệu lực phải được phát hành mỗi tháng một lần thông qua Bảng tóm tắt nội dung NOTAM còn hiệu lực bằng minh ngữ.

Điều 38. Khi nhận được tập bổ sung do các nước liên quan phát hành, cơ quan không báo có trách nhiệm:

1. Tìm hiểu và nắm vững nội dung tập bổ sung. Nếu có tin tức nào quan trọng trong tập thì ghi số của tập tu chỉnh liên quan vào cuốn sổ khai thác và thông báo cho các cơ quan đơn vị có liên quan biết. Những tin tức quan trọng là những tin tức liên quan đến cảng hàng không và các đường bay nối tới các cảng hàng không là điểm đến của những chuyến bay theo lịch trình từ Việt Nam, cụ thể là:

a) Giới hạn hoặc đóng cửa đường bay ATS  hoặc vùng trời;

b) Giới hạn hoặc đóng cửa sân bay;

c) Thiết lập hoặc hủy bỏ các đường bay ATS;

d) Bất kỳ một tin tức quan trọng nào khác về mặt khai thác.

2. Kiểm tra số tập bổ sung và đảm bảo là số tập bổ sung đúng theo thứ tự. Nếu phát hiện thấy thiếu phải thông báo ngay cho cán bộ phụ trách bộ phận để có biện pháp xử lý phù hợp;

3. Những tập bổ sung còn hiệu lực phải được lưu giữ để sử dụng lâu dài. Khi tập bổ sung bị hủy bỏ hoặc tự hết hiệu lực phải tách riêng tập bổ sung liên quan ra khỏi tập lưu trữ còn hiệu lực. Tập bổ sung hết hiệu lực phải được lưu giữ trong thời gian 01 năm để tham chiếu.

4. Lưu tập bổ sung của từng nước vào từng vị trí riêng biệt.

Điều 39. Tin tức phải được phát hành theo chu kỳ AIRAC trong trường hợp thiết lập, hủy bỏ hoặc có những thay đổi quan trọng theo kế hoạch, kể cả khai thác thử nghiệm, đối với:

1. Giới hạn và phương thức khai thác:

a) Vùng thông báo bay và vùng kiểm soát bay;

b) Đường bay có cung cấp dịch vụ không lưu ATS;

c) Vùng cấm, nguy hiểm, hạn chế và khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ);

d) Vùng, đường bay hoặc các phần của vùng và đường bay cố định có khả năng xảy ra bay chặn.

2. Vị trí, tần số, tên gọi, các hiện tượng bất thường đã biết và chu kỳ bảo dưỡng của các thiết bị phù trợ dẫn đường bằng vô tuyến và các thiết bị thông tin liên lạc;

3. Phương thức bay chờ, phương thức tiếp cận; phương thức đi và đến, phương thức giảm tiếng ồn và các phương thức không lưu khác;

4. Thiết bị khí tượng và phương thức khai thác;

5. Đường cất hạ cánh và các đoạn dừng;

6. Vị trí, độ cao và đèn báo hiệu của các chướng ngại vật cho công tác dẫn đường;

7. Các đường lăn và sân đỗ;

8. Giờ hoạt động của cảng hàng không, sân bay, các phương tiện và dịch vụ;

9. Dịch vụ hải quan, xuất nhập cảnh và y tế;

10. Các vùng nguy hiểm, cấm và hạn chế tạm thời và các hiện tượng nguy hiểm cho hoạt động bay, diễn tập quân sự và khu vực tập trung hoạt động của tàu bay;

11. Các khu vực, đường bay hoặc các phần của khu vực hay đường bay tạm thời có thể gây trở ngại cho hoạt động bay.

Điều 40. Việc phát hành tin tức theo chu kỳ AIRAC được quy định như sau:

1. Tin tức được phổ biến theo chu kỳ AIRAC phải được xác định bằng những chữ cái đầu AIRAC đi kèm theo số của tập tu chỉnh, bổ sung được phổ biến theo chu kỳ AIRAC đó;

2. Tin tức phổ biến theo chu kỳ AIRAC phải công bố trước ngày có hiệu lực ít nhất là 42 (bốn mươi hai) ngày để đảm bảo tin tức được chuyển đến tay người sử dụng trước ngày có hiệu lực ít nhất là 28 (hai mươi tám) ngày;

3. Các ngày có hiệu lực, ngày phát hành tin tức và ngày cuối cùng mà tin tức phải được chuyển đến cơ quan không báo áp dụng phương thức AIRAC phải được công bố hàng năm và được phổ biến bằng hình thức Thông tri hàng không;

4. Đối với tập bổ sung hoặc tu chỉnh được phát hành theo chu kỳ AIRAC, phải phát hành một NOTAM nhắc lại nêu tóm tắt nội dung, ngày có hiệu lực và số tập tu chỉnh hoặc số tập bổ sung liên quan vào ngày phát hành của chu kỳ AIRAC đó;

5. Tin tức đã thông báo theo chu kỳ AIRAC không được thay đổi nội dung ít nhất là 28 (hai mươi tám) ngày sau ngày có hiệu lực;

6. Trong trường hợp không có nội dung tin tức phát theo chu kỳ AIRAC thì phải thông báo bằng một NOTAM dưới dạng NOTAM NIL AIRAC không muộn hơn một chu kỳ của AIRAC trước ngày có hiệu lực. Thông báo này phải được đưa vào bảng tóm tắt nội dung NOTAM còn hiệu lực hàng tháng bằng minh ngữ vào tháng phát hành tập tu chỉnh đó.

Điều 41. Khi các cơ quan, đơn vị liên quan có kế hoạch thay đổi những nội dung quy định tại Điều 39 của Quy chế này, phải gửi cho cơ quan không báo thích hợp các văn bản liên quan đến nội dung phát hành tin tức có chữ ký của người có thẩm quyền trước ngày có hiệu lực của chu kỳ AIRAC đó tối thiểu là 56 ngày.

Chương V.

THÔNG TRI HÀNG KHÔNG

Điều 42. Trung tâm Không báo hàng không có trách nhiệm biên soạn, cung cấp, trao đổi AIC phù hợp với các thỏa thuận được ký kết với cơ quan không báo của các quốc gia liên quan.

Điều 43. Những tin tức hàng không không phù hợp công bố trong tập AIP và không phù hợp để phát hành một NOTAM thì phát hành Thông tri hàng không, bao gồm:

1. Dự báo những thay đổi quan trọng về phương thức, dịch vụ và thiết bị phụ trợ dẫn đường được cung cấp;

2. Dự báo về việc thực hiện các hệ thống dẫn đường mới;

3. Những thông báo chính rút ra từ kết quả điều tra các tai nạn, sự cố uy hiếp an toàn bay;

4. Thông báo quy định liên quan đến an ninh hàng không và chống lại những hành vi can thiệp bất hợp pháp;

5. Tư vấn về các vấn đề y tế có liên quan đặc biệt tới người lái và cảnh báo người lái tránh các nguy hiểm đối với sức khỏe;

6. Ảnh hưởng của một số hiện tượng thời tiết đặc biệt đối với hoạt động bay;

7. Thông báo về các hiện tượng nguy hiểm mới phát hiện về kỹ thuật tàu bay;

8. Các quy định liên quan đến hàng hóa nguy hiểm;

9. Các văn bản pháp luật của Việt Nam có liên quan đến lĩnh vực hàng không dân dụng;

10. Áp dụng hoặc miễn áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực hàng không dân dụng;

11. Các quy định bổ sung về cấp giấy phép hành nghề cho những người làm việc trong lĩnh vực khai thác - kỹ thuật hàng không;

12. Các quy định về huấn luyện, đào tạo cho những người làm việc trong lĩnh vực khai thác - kỹ thuật hàng không;

13. Tư vấn về việc sử dụng và bảo trì các dạng thiết bị đặc biệt;

14. Kế hoạch phát hành bản đồ, sơ đồ hàng không mới hoặc sửa đổi;

15. Trang bị các thiết bị vô tuyến điện;

16. Thông báo giải thích liên quan đến vấn đề giảm tiếng ồn;

17. Lựa chọn những hướng dẫn về duy trì khả phi;

18. Thay đổi loại NOTAM, phát hành tập AIP mới hoặc những thay đổi lớn về nội dung, phạm vi, hình thức của chúng.

Điều 44. AIC Việt Nam phải áp dụng theo các tiêu chuẩn của ICAO được nêu tại Phụ ước 15 về Công tác không báo (Annex 15-ICAO), cụ thể như sau:

1. AIC được phát hành dưới dạng ấn bản (có thể bao gồm cả bản tin và biểu đồ);

2. AIC của Việt Nam gồm có hai loại: loại A và C:

a) Loại A để phát hành quốc tế.

b) Loại C để phát hành nội địa.

3. Mỗi AIC được đánh số thứ tự kế tiếp và sử dụng niên lịch. Số năm được biểu thị bằng hai chữ số, là một phần của ký hiệu AIC.

4. Một bản tổng kết các AIC còn hiệu lực được phát hành một năm một lần và phát hành như một AIC thông thường.

Điều 45. Các cơ quan, đơn vị có tin tức quy định tại Điều 43 của Quy chế này phải thông báo cho cơ quan không báo phù hợp kèm theo văn bản liên quan đến nội dung phát hành tin tức (có chữ ký của người có thẩm quyền).

Điều 46. Việc xử lý AIC do nước ngoài phát hành được quy định như sau:

1. AIC của từng nước phải được lưu vào từng vị trí riêng biệt;

2. Khi nhận được một AIC nước ngoài, cơ quan không báo có trách nhiệm:

a) Tìm hiểu nội dung AIC đó. Nếu có tin tức về các chính sách pháp luật mới hoặc các phương thức mới có liên quan đến hoạt động bay thì phải nhân bản và thông báo cho các cơ quan đơn vị liên quan và ghi số của AIC liên quan vào cuốn sổ khai thác của cơ quan;

b) Kiểm tra số AIC nhận được và đảm bảo là số AIC tuân theo đúng thứ tự. Trong trường hợp phát hiện thấy thiếu phải thông báo ngay cho cán bộ phụ trách bộ phận để có biện pháp xử lý phù hợp;

c) Những AIC còn hiệu lực phải được lưu giữ sử dụng. Khi một AIC được hủy bỏ cần phải lấy AIC đó khỏi hồ sơ lưu trữ AIC còn hiệu lực. AIC hết hiệu lực phải được giữ lại trong thời gian 01 (một) năm để tham chiếu.

Chương VI.

BẢN ĐỒ, SƠ ĐỒ HÀNG KHÔNG

Điều 47. Trung tâm Không báo hàng không có trách nhiệm thiết kế, xây dựng các loại bản đồ, sơ đồ hàng không để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động bay trên lãnh thổ Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý, điều hành.

Điều 48. Danh mục các loại bản đồ, sơ đồ hàng không bao gồm:

1. Các loại bản đồ, sơ đồ hàng không do Cục Hàng không Việt Nam phát hành gồm:

a) Sơ đồ chướng ngại vật sân bay - ICAO loại A;

b) Sơ đồ chướng ngại vật sân bay - ICAO loại B;

c) Sơ đồ chướng ngại vật sân bay - ICAO loại C;

d) Sơ đồ địa hình tiếp cận chính xác - ICAO;

đ) Sơ đồ hệ thống đường hàng không - ICAO;

e) Sơ đồ khu vực tiếp cận - ICAO (TMA);

g) Sơ đồ phương thức cất cánh bằng thiết bị tiêu chuẩn -  ICAO (SID);

h) Sơ đồ phương thức đến bằng thiết bị tiêu chuẩn - ICAO (STAR);

i) Sơ đồ phương thức tiếp cận bằng thiết bị - ICAO;

k) Sơ đồ phương thức tiếp cận bằng mắt - ICAO

l) Sơ đồ sân bay, sân bay trực thăng - ICAO;

m) Sơ đồ hướng dẫn di chuyển mặt đất - ICAO;

n) Sơ đồ sân đỗ, bãi đậu tàu bay - ICAO;

o) Sơ đồ dẫn đường hàng không tỉ lệ nhỏ;

p) Bản đồ đánh dấu vệt bay - ICAO.

2. Các loại bản đồ, sơ đồ hàng không do cơ quan xuất bản bản đồ nhà nước in ấn theo đặt hàng của Cục Hàng không Việt Nam gồm:

a) Bản đồ hàng không thế giới - ICAO  (Tỉ lệ 1/1.000.000).

b) Bản đồ hàng không - ICAO  (Tỉ lệ 1/500.000)

c) Bản đồ hàng không - ICAO (Tỉ lệ 1/250.000)

Điều 49. Việc thiết kế, xây dựng các loại bản đồ, sơ đồ hàng không được quy định như sau:

1. Nội dung, hình thức, kích thước và tỉ lệ các loại bản đồ, sơ đồ hàng không phải tuân thủ các tiêu chuẩn của ICAO được nêu tại Phụ ước 4 "Bản đồ hàng không" (Annex 4 - ICAO).

2. Các đơn vị đo lường được chỉ dẫn trên bản đồ, sơ đồ phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định quốc tế có liên quan.

3. Các chỉ dẫn trên bản đồ, sơ đồ phải in cả bằng tiếng Việt và bằng tiếng Anh (nếu sử dụng cho quốc tế).

4. Các bản đồ, sơ đồ phải ghi rõ thời gian áp dụng;

5. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong nội dung của các loại bản đồ, sơ đồ hàng không phải cập nhật kịp thời và in bản đồ, sơ đồ mới thay thế. Nội dung cập nhật bổ sung phải chú thích hoặc đánh dấu để người sử dụng dễ nhận biết.

Chương VII.

CÔNG TÁC KHÔNG BÁO TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG

Mục A. Công tác thông báo trước khi bay

Điều 50. Cơ quan không báo tại các Cảng hàng không có trách nhiệm cung cấp đầy đủ mọi thông tin không báo liên quan đến chuyến bay cho tổ lái để lập kế hoạch bay.

Điều 51. Bản PIB phải được soạn thảo dựa trên cơ sở chặng đầu tiên của lộ trình bay, từ lúc cất cánh đến điểm hạ cánh đầu tiên theo mẫu tại Phụ lục 3 của Quy chế này.

Điều 52. Cơ quan không báo tại cảng hàng không khi soạn xong bản PIB phải theo dõi những NOTAM mới nhận được từ mạng liên lạc AFTN để cập nhật ngay vào bản PIB nếu những NOTAM này có liên quan trực tiếp đến chuyến bay. Trong trường hợp tổ lái đã nhận bản PIB, nếu có các thông tin khai thác quan trọng liên quan đến chuyến bay thì phải thông báo ngay cho tổ lái nội dung của NOTAM đó thông qua TWR, ACC hoặc đại diện các Hãng hàng không liên quan.

Điều 53. Bản PIB phải được làm thành 02 bản: 01 (một) bản giao cho tổ lái và 01(một) bản để lưu. Khi cung cấp bản PIB, cơ quan không báo tại cảng hàng không phải yêu cầu tổ lái ký xác nhận và ghi rõ họ tên vào sổ lưu bản PIB. Sổ lưu bản PIB phải ghi đầy đủ số hiệu chuyến bay, sân bay khởi hành, sân bay đến, sân bay dự bị. Bản PIB lưu lại bộ phận phải được lưu vào cặp file.

Điều 54. Ngoài bản PIB là phần chính cung cấp cho người lái, cơ quan không báo tại cảng hàng không  phải cung cấp các tài liệu hàng không khác để người lái tham khảo khi cần thiết, bao gồm:

1. Bảng tổng kết các NOTAM còn hiệu lực hàng tháng;

2. Tập AIP, tập bổ sung, AIC của Việt Nam và của các nước có chuyến bay quốc tế thường lệ đi, đến Việt Nam;

3. Một số Phụ ước và các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ của ICAO, bao gồm:

a) Các Phụ ước (Annex) của ICAO 2, 3, 4, 5, 6, 9, 10, 11, 12, 14, 15, 16, 17, và 18;

b) Các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác không vận: Doc.8126, 8400, 4444, 8168, 7030, 7910, 8585, 8643 và các tài liệu khác nếu có.

4. Các bản đồ và sơ đồ hàng không liên quan:

a) Hai bản đồ tỷ lệ nhỏ (từ 1:1.000.000 đến 1:3.000.000) gồm có:

i) Dịch vụ không lưu được cung cấp, sân bay, sân bay trực thăng và phụ trợ vô tuyến phục vụ dẫn đường;

ii) Các vùng nguy hiểm, cấm hoặc hạn chế. Khi cần thiết phải minh họa bởi NOTAM liên quan.

b) Bản đồ hệ thống đường bay khu vực tỷ lệ 1:2.500.000;

c) Bản đồ chướng ngại vật sân bay;

d) Bản đồ tỷ lệ thích hợp bao trùm các đường bay từ điểm xuất phát đến điểm hạ cánh (kể cả các đường bay dự bị);

đ) Sơ đồ về khu vực hoạt động của sân bay bao gồm các khu vực được kiểm soát, các phụ trợ dẫn đường hàng không và các phương thức chờ, tiếp cận và cất hạ cánh;

e) Sơ đồ tỷ lệ lớn (khoảng 1:3 000) về khu vực di chuyển và tiếp cận của sân bay (bao gồm cả toàn bộ hệ thống chiếu sáng) chỉ ra vị trí của tất cả các dịch vụ kỹ thuật và các đường lăn thông thường mà tàu bay phải theo khi lăn từ sân đỗ tới các vị trí cất cánh.

5. Bảng thông báo treo tường: ghi tóm tắt những NOTAM của Việt Nam còn hiệu lực;

6. Các khu vực đặc biệt được đánh dấu trên bản đồ.

Mục B. Công tác thông báo sau khi bay

Điều 55. Tổ lái có trách nhiệm thông báo về tình trạng không bình thường của các trang thiết bị, các tin tức có ảnh hưởng đến hoạt động bay cho các cơ quan không lưu trên các tần số không lưu thích hợp. Các cơ quan không lưu nhận được thông báo phải chuyển tin tức tới cơ quan không báo liên quan để tiến hành các hành động phù hợp.

Điều 56. Tổ lái có trách nhiệm báo cáo sau khi bay. Nếu tổ lái muốn báo cáo sau khi bay bằng văn bản, cơ quan không báo tại cảng hàng không phải hướng dẫn cho họ điền vào Bản thông báo sau khi bay. Mẫu Bản thông báo sau khi bay theo Phụ lục 4 của Quy chế này.

Điều 57. Khi nhận được thông báo sau khi bay của tổ lái hay nhà khai thác bằng văn bản hoặc điện thoại về các tin tức chưa được phổ biến bằng điện văn NOTAM, các tập tu chỉnh, AIC hoặc tập AIP mà những tin tức này có thể ảnh hưởng đến hoạt động bay thì cơ quan không báo tại cảng hàng không phải thông báo ngay cho các cơ quan, đơn vị liên quan để kiểm tra độ chính xác của các thông tin đó. Trong trường hợp thông báo sau khi bay của tổ lái hay nhà khai thác hàng không được xác nhận là chính xác thì cơ quan không báo tại cảng hàng không phải thông báo ngay cho các cơ quan không lưu có liên quan để cảnh báo hoặc cảnh báo trực tiếp cho các tổ lái khác khi họ vào lập kế hoạch bay đồng thời làm báo cáo gửi cho Giám đốc Trung tâm khai thác khu bay kèm theo bản thông báo sau khi bay của tổ lái liên quan. Nếu tin tức phù hợp phát hành NOTAM thì soạn dự thảo NOTAM. Nếu tin tức không phù hợp phát hành NOTAM thì chuyển tin tức đó tới Trung tâm Không báo hàng không để phát hành những ấn phẩm không báo phù hợp.

Chương VIII.

ĐẢM BẢO KỸ THUẬT VÀ THÔNG TIN LIÊN LẠC CHO CÔNG TÁC KHÔNG BÁO

Điều 58. Các phương tiện dùng để nhận và gửi các tin tức không báo bao gồm:

1. AFTN;

2. Fax;

3. Dịch vụ bưu điện;

4. Điện thoại được ghi âm trong hệ thống quản lý bay khi cần thông báo ngay trong trường hợp khẩn, sau đó phải được xác nhận lại bằng văn bản;

5. Văn thư;

6. Thư điện tử, nếu được trang bị.

Điều 59. Các cơ quan không báo phải được trang bị các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, hạ tầng cơ sở và các tài liệu nghiệp vụ tối thiểu như sau:

1. Trung tâm Không báo hàng không:

a) Máy văn phòng bao gồm máy tính cá nhân, máy in, máy tính nối mạng internet, máy phôtôcopy;

b) Bàn đủ rộng để xử lý tin tức;

c) Ngăn tủ hoặc cặp file để lưu trữ NOTAM;

d) Thiết bị đầu cuối truyền chữ (nhận và phát) nối mạng AFTN;

đ) Máy vi tính và hệ thống lưu trữ xử lý dữ liệu tự động hay bán tự động;

e) Điện thoại;

g) Thư điện tử, Fax nếu có;

h) Đồng hồ chỉ giờ quốc tế;

i) Các bản đồ và tài liệu cần thiết để tham chiếu quy định tại Phụ lục 6 của Quy chế này.

2. Đối với các cơ quan không báo tại các Cảng hàng không quốc tế:

a) Bàn đủ rộng để xử lý tin tức;

b) Ngăn tủ hoặc cặp file để lưu trữ NOTAM;

c) Thiết bị đầu cuối truyền chữ (nhận và phát) nối mạng AFTN;

d) Máy vi tính với phần mềm lưu trữ xử lý dữ liệu tự động hay bán tự động;

đ) Khay đựng bản tin thông báo trước khi bay và sau khi bay;

e) Điện thoại;

g) Thư điện tử và Fax nếu được trang bị;

h) Đồng hồ chỉ giờ quốc tế;

i) Các bản đồ và tài liệu cần thiết để tham chiếu quy định tại Điều 54 của Quy chế này.

3. Đối với cơ quan không báo tại các Cảng hàng không địa phương:

a) Thiết bị đầu cuối truyền chữ (nhận và phát) nối mạng AFTN;

b) Điện thoại;

c) Đồng hồ chuẩn;

d) Một số bản đồ và tài liệu cần thiết để tham chiếu.

Điều 60.

1. Các Cụm cảng hàng không khu vực chịu trách nhiệm đầu tư, bảo đảm cơ sở hạ tầng, phương tiện và trang thiết bị kỹ thuật, các tài liệu nghiệp vụ cần thiết sử dụng cho công tác không báo tại các Cảng hàng không quốc tế và các Cảng hàng không địa phương trực thuộc;

2. Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam chịu trách nhiệm đầu tư, bảo đảm cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và các tài liệu nghiệp vụ cần thiết sử dụng cho các bộ phận không báo thuộc Trung tâm; tổ chức và quản lý mạng lưu trữ xử lý dữ liệu không báo tự động hay bán tự động; phối hợp với các Cụm cảng hàng không khu vực lập kế hoạch, thiết lập, khai thác các máy tính lưu trữ xử lý dữ liệu không báo tự động hay bán tự động phục vụ cho công tác nhận, lưu trữ NOTAM, soạn bản thông báo trước khi bay.

Chương IX.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 61. Các cơ quan không báo phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam theo quy định sau:

1. Đối với Trung tâm Không báo hàng không:

a) Báo cáo quý theo mẫu tại Phụ lục 5a của Quy chế này;

b) Báo cáo tháng theo mẫu tại Phụ lục 5b của Quy chế này;

c) Báo cáo đột xuất theo yêu cầu;

d) Báo cáo năm: tổng hợp các báo cáo quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này.

2. Đối với các cơ quan không báo tại cảng hàng không:

a) Báo cáo tháng, báo cáo quý theo mẫu tại Phụ lục 5c của Quy chế này;

b) Báo cáo đột xuất: những tin tức sau khi bay có tính chất quan trọng;

c) Báo cáo quý, báo cáo năm: tổng hợp các báo cáo quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều này.

Điều 62.

1. Cục Hàng không Việt Nam triển khai thực hiện "Quy chế Không báo hàng không dân dụng Việt Nam", định kỳ sáu tháng báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức thực hiện Quy chế này trong ngành hàng không dân dụng.

2. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm:

a) Giao nhiệm vụ và phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện công tác không báo cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền;

b) Công bố và cập nhật tên, địa chỉ, phương tiện liên lạc của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác không báo./. 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 10/2004/QĐ-BGTVT ngày 25/06/2004 ban hành Quy chế công tác Không báo hàng không dân dụng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.079

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.184.27
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!