TRỌNG
TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC-UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
16-VGNN/TTKTNN
|
Hà
Nội , ngày 15 tháng 8 năm 1986
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
CỦA UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC - TRỌNG TÀI KINH TẾ
NHÀ NƯỚC SỐ 16-VGNN/TTKTNN NGÀY 15-8-1986 HƯỚNG DẪN TẠM THỜI VỀ GIÁ CẢ TRONG KÝ
KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ
Thực hiện Nghị quyết 306 (dự thảo)
của Bộ Chính trị về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị
kinh tế cơ sở và Quyết định số 76-HĐBT ngày 26-6-1986 của Hội đồng Bộ trưởng
ban hành quy chế tạm thời về quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong
lĩnh vực giá cả, và quyền tự chủ của các đơn vị kinh tế cơ sở trong việc ký kết
và thực hiện hợp đồng kinh tế, liên Bộ Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Trọng tài kinh
tế Nhà nước hướng dẫn tạm thời về giá cả trong ký kết và thực hiện hợp đồng
kinh tế như sau:
I-
NGHIÊM CHỈNH CHẤP HÀNH CHÍNH SÁCH GIÁ CẢ TRONG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG
KINH TẾ
1. Giá cả là một chính sách lớn
của Đảng và Nhà nước, các bên ký kết hợp đồng kinh tế phải chấp hành nghiêm chỉnh
chính sách giá và các giá chỉ đạo của Nhà nước, giá bán buôn vật tư, cước vận tải
hàng hoá và hành khách; giá mua nông sản, lâm sản, thuỷ sản, sản phẩm tiểu thủ
công nghiệp; giá bán lẻ hàng hoá, giá dịch vụ... do các cấp có thẩm quyền quyết
định (Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các
tỉnh, thành phố, đặc khu...)
Tuỳ theo từng loại sản phẩm,
hàng hoá và sự chỉ đạo giá của Nhà nước mà giá cả ghi trong hợp đồng kinh tế được
quy định như sau:
a) Đối với sản phẩm, hàng hoá do
Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh,
thành phố, đặc khu quyết định mức giá cụ thể gắn liền với quy cách, phẩm chất...
thì các bên ký kết hợp đồng kinh tế phải chấp hành đúng giá do các cấp đó đã
công bố.
b) Đối với sản phẩm, hàng hoá do
Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh,
thành phố, đặc khu quyết định giá chuẩn hoặc khung giá, uỷ quyền cho cơ quan quản
lý giá cấp dưới cụ thể hoá giá chuẩn hoặc quy định giá trong khung giá theo quy
cách phẩm chất.. . thì giá sản phẩm cụ thể để ký kết hợp đồng kinh tế là giá do
cơ quan được uỷ quyền công bố.
c) Đối với sản phẩm, hàng hoá do
Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu quyết định giá chuẩn hoặc khung
giá, các cơ sở sản xuất, lưu thông được Nhà nước cho phép quy định giá sản phẩm
cụ thể theo quy cách, phẩm chất... thì giá ghi trong hợp đồng do hai bên thoả
thuận.
Giá sản phẩm cụ thể do hai bên
thoả thuận phải bảo đảm tương quan hợp lý với giá sản phẩm chuẩn về quy cách,
phẩm chất và nhất thiết không được vượt ra ngoài khung giá của Nhà nước quyết định.
2. Những sản phẩm, hàng hoá thuộc
danh mục Nhà nước định giá, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền chỉ đạo giá thì
giá ghi trong hợp đồng là giá tạm tính do hai bên thoả thuận. Trong thời hạn tối
đa là 30 ngày, một bên ký kết hợp đồng (theo quy định về lập phương án giá) phải
lập phương án giá trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.
Cơ quan có thẩm quyền phải duyệt
giá kịp thời chậm nhất là 20 ngày (nếu là sản phẩm nguyên liệu có tính chất thời
vụ là 10 ngày) kể từ ngày nhận được phương án giá đúng theo thể thức và nội
dung quy định. Khi có giá chính thức các bên ký hợp đồng phải ghi lại giá trong
hợp đồng và thanh toán theo giá chính thức, hợp đồng kinh tế hết hiệu lực mà vẫn
chưa có giá chính thức thì các bên ký hợp đồng được phép thanh toán theo mức
giá đề nghị trong phương án giá đã trình xét duyệt.
3. Những sản phẩm, hàng hoá
ngoài định mức Nhà nước định giá, thì giá ghi trong hợp đồng do hai bên ký hợp
đồng thoả thuận. Khi tính giá thoả thuận các bên ký hợp đồng phải chấp hành
nghiêm chỉnh chính sách giá, nguyên tắc, phương pháp tính giá của Nhà nước và
nêu cao ý thức trách nhiệm tích cực tham gia bình ổn giá cả thị trường xã hội,
không chạy theo giá thị trường tự do.
II-
CHẤP HÀNH GIÁ CẢ TRONG THANH TOÁN HỢP ĐỒNG KHI NHÀ NƯỚC THAY ĐỔI
GIÁ CHỈ ĐẠO
Trong thời gian có hiệu lực của
hợp đồng, đối với những sản phẩm hàng hoá thuộc danh mục Nhà nước định giá, nếu
Nhà nước (cơ quan có thẩm quyền) có sự điều chỉnh tăng (hoặc giảm) giá thì các
bên ký kết hợp đồng phải thực hiện theo giá chỉ đạo mới được Nhà nước công bố.
Cụ thể là:
1. Hợp đồng kinh tế giữa các đơn
vị kinh tế quốc doanh:
a) Đối với sản phẩm đã được giao
nhận và thanh toán xong trước thời điểm điều chỉnh, thì các bên quyết toán theo
giá đã ký kết trong hợp đồng. Phần sản phẩm hàng hoá còn lại phải thực hiện
theo giá mới do cấp có thẩm quyền quyết định.
b) Đối với sản phẩm đơn chiếc
(hoặc mang tính chất đơn chiếc) có chu kỳ sản xuất dài (công trình xây dựng cơ
bản, đóng tàu... ) thì khối lượng công việc hoàn thành đã bàn giao và thanh
toán, các bên quyết toán theo giá ký trong hợp đồng. Phần khối lượng công việc
còn lại phải thực hiện theo giá mới do cấp có thẩm quyền quyết định.
c) Đối với sản phẩm hàng hoá mà
Nhà nước chỉ điều chỉnh giá một vài loại vật tư để sản xuất ra sản phẩm (sợi để
sản xuất vải, cao su để sản xuất lốp ô-tô, xe đạp...) thì hai bên ký kết hợp đồng
được quyền thoả thuận tính thêm phần chênh lệch giá vật tư đó vào đơn giá sản
phẩm ghi trong hợp đồng, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý giá và Trọng
tài kinh tế cùng cấp biết. Trường hợp khoản chênh lệch vật tư đó tính chung lại
lớn hơn 5% giá sản phẩm đã được cấp có thẩm quyền quyết định ghi trong hợp đồng
thì bên sản xuất phải lập phương án giá trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt
và phải ký kết lại hợp đồng theo giá mới của cấp có thẩm quyền quyết định.
d) Đối với hàng nhập khẩu, khi
Nhà nước thay đổi tỷ giá kết toán nội bộ thì giá thanh toán sẽ theo tinh thần
Thông tư liên Bộ Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Bộ Tài chính số 33-LB ngày
26-11-1985.
2. Hợp đồng kinh tế giữa đơn vị
kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, cá thể.
a) Hợp đồng kinh tế trong mua
nông sản, lâm sản, thuỷ sản...:
Để bảo đảm quyền lợi của người sản
xuất và khuyến khích nông dân, ngư dân... hăng hái bán sản phẩm cho Nhà nước,
trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng, nếu Nhà nước điều chỉnh tăng giá mua
nông sản, lâm sản, thuỷ sản... hoặc hạ giá bán tư liệu sản xuất và hàng tiêu
dùng bán cho nông dân, ngư dân... đã ghi trong hợp đồng kinh tế ký từ đầu vụ sản
xuất thì phần nông sản, lâm sản, thuỷ sản... hoặc phần tư liệu sản xuất và hàng
tiêu dùng giao nhận sau thời điểm điều chỉnh giá đều được thanh toán theo giá
Nhà nước mới điều chỉnh.
b) Hợp đồng kinh tế trong thu
mua, gia công sản phẩm tiểu thủ công nghiệp:
- Đối với hợp đồng thu mua (bán
nguyên liệu mua sản phẩm).
Trong thời gian có hiệu lực của
hợp đồng, nếu Nhà nước thay đổi giá bán nguyên liệu do Nhà nước cung ứng và giá
bán lẻ hàng tiêu dùng cho thợ thủ công làm ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu,
tiền công được tính trong giá mua đã được ký kết trong hợp đồng kinh tế thì cơ
sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp và tổ chức thu mua, hoặc đặt hàng phải kịp thời
lập phương án giá trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Khi có giá mua mới,
các bên ký kết hợp đồng kinh tế phải thực hiện theo giá Nhà nước mới quy định.
Phần chênh lệch giá nguyên liệu
được xử lý như đối với vật tư của quốc doanh đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
quy định trong công văn số 4975-V13 ngày 26-9-1985.
- Đối với hợp đồng gia công
(giao nguyên liệu thu thành phẩm).
Trong thời gian có hiệu lực của
hợp đồng, nếu Nhà nước thay đổi giá bán lẻ hàng tiêu dùng cho thợ thủ công làm ảnh
hưởng đến chi phí tiền công được tính trong giá gia công đã được ký kết trong hợp
đồng kinh tế thì cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp và tổ chức đặt gia công
phải kịp thời lập phương án giá trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Khi có
giá gia công mới, các bên ký kết hợp đồng kinh tế phải thực hiện theo giá Nhà
nước mới quy định.
Ngoài ra, trong thời gian có hiệu
lực của hợp đồng, các đơn vị kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể được quyền
thoả thuận với khách hàng tính thêm vào giá sản phẩm phần chi phí làm bổ sung
theo yêu cầu của khách hàng mà chưa ghi trong hợp đồng, hoặc trừ đi khỏi giá
bán sản phẩm phần chi phí do không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đã ghi
trong hợp đồng vì những nguyên nhân khách quan ngoài sự cố gắng giải quyết của
bên sản xuất. Đồng thời thông báo cho cơ quan Vật giá, Trọng tài kinh tế.
III- GIÁ CẢ TRONG
XỦ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG KINH TẾ
1. Giá cả ghi trong
hợp đồng kinh tế phải đúng chính sách giá và giá chỉ đạo của Nhà nước theo hướng
dẫn của Thông tư này. Mọi trường hợp ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế sai với
chính sách giá và giá chỉ đạo của Nhà nước đều coi là vi phạm chế độ hợp đồng
kinh tế và bị xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Vật tư, hàng hoá bị mất mát,
hư hỏng trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế, bên gây ra thiệt hại phải bồi
thường cho bên thiệt hại:
Trong quá trình thực hiện hợp đồng
kinh tế, mọi trường hợp để vật tư, hàng hoá mất mát, hư hỏng quá định mức hao hụt
(nếu có), bên gây ra thiệt hại đều phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.
a) Nếu vật tư, hàng hoá bị mất
mát, hư hỏng quá định mức hao hụt (nếu có) được xác định là do nguyên nhân
khách quan thì tiền bồi thường được tính theo giá mua ghi trong hoá đơn cộng
các khoản chi phí thực tế chia bình quân cho số vật tư, hàng hoá đó phải chịu.
b) Nếu vật tư, hàng hoá bị mất
mát, hư hỏng quá định mức hao hụt (nếu có) mà không có lý do chính đáng thì tiền
bồi thường được tính theo giá thị trường tự do nơi xảy ra mất mát, hư hỏng ở thời
điểm cơ quan Trọng tài kinh tế có thẩm quyền xét xử (nhưng không quá 2 tháng kể
từ sau ngày hai bên hiệp thương giải quyết không có kết quả, khiếu nại đến Trọng
tài kinh tế). Giá thị trường do Uỷ ban Vật giá tỉnh, thành phố, đặc khu nơi xẩy
ra mất mát, hư hỏng vật tư, hàng hoá công bố. Bên bị thiệt hại được nhận toàn bộ
số tiền bồi thường.
Vật tư, hàng hoá mất mát, nếu
tìm thấy toàn bộ hay một phần, bên gây ra thiệt hại phải hoàn lại hiện vật cho
bên bị thiệt hại. Bên thiệt hại nhận lại số vật tư hàng hoá và thanh toán trả lại
tiền theo giá khi tính bồi thường của các trường hợp a, b nêu trên.
Vật tư, hàng hoá bị hư hỏng, nếu
có thể sửa chữa được thì bên gây ra thiệt hại phải sửa chữa lại hoặc bên bị thiệt
hại sửa chữa, mọi chi phí sửa chữa bên gây ra thiệt hại phải chịu; nếu không sửa
chữa được thì tiền bồi thường tính theo nguyên giá trị theo các trường hợp a, b
nói trên, trừ giá trị thu hồi được (nếu có) của vật tư, hàng hoá đó.
3. Vật tư, hàng hoá giao nhận
không đúng địa điểm (gắn liền với giá được công bố) ghi trong hợp đồng kinh tế
đã ký:
Các bên ký kết hợp đồng kinh tế
phải giao nhận hàng theo đúng địa điểm đã ghi trong hợp đồng kinh tế. Trường hợp
giao hàng không đúng địa điểm do khó khăn khách quan được cấp có thẩm quyền xác
nhận, hộ tiêu thụ phải tự vận chuyển (hoặc thuê phương tiện vận tải) hàng ngoài
địa điểm quy định trong hợp đồng thì tổ chức cung ứng phải trừ vào giá giao vật
tư, hàng hoá cho hộ tiêu thụ đủ chi phí vận chuyển tính theo giá cước vận tải
hàng hoá Nhà nước quy định; hoặc do thiếu sót chủ quan của tổ chức cung ứng thì
phải thanh toán theo chi phí vận chuyển hợp lý (bao gồm cả xăng dầu, săm lốp...)
do hai bên thoả thuận. Trường hợp hai bên không thoả thuận được thì báo cáo cơ
quan Vật giá có thẩm quyền và Trọng tài kinh tế xét xử quyết định.
4. Vật tư, hàng hoá giao nhận
không đúng phẩm chất (gắn liền với giá được công bố) ghi trong hợp đồng kinh tế
đã ký, vật tư hàng hoá đưa vào lưu thông phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy cách và
phẩm chất đã đăng ký. Trường hợp không đạt được tiêu chuẩn chất lượng đã ghi
trong hợp đồng nếu được Nhà nước cho phép tiêu thụ thì giá cả được tính toán lại
theo nguyên tắc tỷ lệ giảm giá phải tương ứng hoặc lớn hơn tỷ lệ giảm phẩm chất.
Mức giảm chất lượng và giá do các bên ký kết hợp đồng kinh tế báo cáo và được
cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, cơ quan Vật giá có thẩm quyền quyết định.
Các bên ký kết hợp đồng kinh tế
phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ hợp đồng kinh tế và Thông tư này. Trong khi
ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, nếu có tranh chấp về giá cả phải báo cáo
kịp thời cho cơ quan Vật giá và Trọng tài kinh tế có thẩm quyền để giải quyết,
tuyệt đối không bên nào được đơn phương thay đổi giá ghi trong hợp đồng kinh tế.
Cơ quan Vật giá có trách nhiệm
hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành chính sách giá và giá chỉ đạo của Nhà nước,
kịp thời giải quyết những vướng mắc về giá cả trong ký kết và thực hiện hợp đồng
kinh tế, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trọng tài kinh tế có thẩm quyền trong việc
xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế liên quan đến giá cả.
Cơ quan Trọng tài kinh tế có
trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, kịp thời
trao đổi với cơ quan Vật giá có thẩm quyền giải quyết những vấn đề về giá cả và
đưa ra xét xử những vi phạm hợp đồng kinh tế liên quan đến giá cả, bảo đảm cho
chính sách giá và giá chỉ đạo của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh trong ký
kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.
Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký và thay thế Thông tư liên Bộ Uỷ ban Vật giá Nhà nước - Hội đồng
Trọng tài kinh tế Nhà nước số 409-TT/LB ngày 11-6-1976.
Trong khi thực hiện, có khó
khăn, trở ngại đề nghị các ngành, các cấp, các đơn vị kinh tế cơ sở kịp thời
báo cáo cho liên Bộ biết để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi.
Liên Bộ đề nghị các Bộ, Uỷ ban
Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phổ biến Thông tư
này đến các đơn vị kinh tế cơ sở.
Trần
Hải Bằng
(Đã
ký)
|
Trần
Xuân Giá
(Đã
ký)
|