Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 số 23/2004/QH11 áp dụng 2024

Số hiệu: 23/2004/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 15/06/2004 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2004/QH11

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2004

LUẬT

CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 23/2004/QH11 NGÀY 15 THÁNG 6 NĂM 2004 VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;:Luật này quy định về giao thông đường thuỷ nội địa.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động giao thông đường thủy nội địa; các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông, vận tải đường thuỷ nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa là hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông, vận tải đường thuỷ nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa và quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa.

2. Luồng chạy tàu thuyền (sau đây gọi là luồng) là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn.

3. Âu tàu là công trình chuyên dùng dâng nước, hạ nước để đưa phương tiện qua nơi có mực nước chênh lệch trên đường thuỷ nội địa.

4. Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thuỷ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.

5. Hành lang bảo vệ luồng là phần giới hạn của vùng nước hoặc dải đất dọc hai bên luồng để lắp đặt báo hiệu, bảo vệ luồng và bảo đảm an toàn giao thông.

6. Thanh thải là việc loại bỏ các vật chướng ngại trên đường thuỷ nội địa.

7. Phương tiện thuỷ nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa.

8. Phương tiện thô sơ là phương tiện không có động cơ chỉ di chuyển bằng sức người hoặc sức gió, sức nước.

9. Bè là phương tiện được kết ghép lại bằng tre, nứa, gỗ hoặc các vật nổi khác để chuyển đi hoặc dùng làm phương tiện vận chuyển tạm thời trên đường thuỷ nội địa.

10. Hoán cải phương tiện là việc thay đổi tính năng, kết cấu, công dụng của phương tiện.

11. Phương tiện đi đối hướng nhau là hai phương tiện đi ngược hướng nhau mà từ phương tiện của mình nhìn thấy mũi phương tiện kia thẳng trước mũi phương tiện của mình.

12. Đoàn lai là đoàn gồm nhiều phương tiện được ghép với nhau, di chuyển nhờ phương tiện có động cơ chuyên lai kéo, lai đẩy hoặc lai áp mạn.

13. Đoàn lai hỗn hợp là đoàn lai được ghép thành đội hình có ít nhất hai trong ba phương thức lai kéo, lai đẩy, lai áp mạn.

14. Trọng tải toàn phần của phương tiện là khối lượng tính bằng tấn của hàng hoá, nhiên liệu, dầu bôi trơn, nước trong khoang két, lương thực, thực phẩm, hành khách và hành lý, thuyền viên và tư trang của họ.

15. Sức chở người của phương tiện là số lượng người tối đa được phép chở trên phương tiện, trừ thuyền viên, người lái phương tiện và trẻ em dưới một tuổi.

16. Vạch dấu mớn nước an toàn là vạch đánh dấu trên phương tiện để giới hạn phần thân phương tiện được phép chìm trong nước khi hoạt động.

17. Mạn được gió của thuyền là mạn có hướng gió thổi vào cánh buồm chính.

18. Thuyền viên là người làm việc theo chức danh quy định trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

19. Thuyền trưởng là chức danh của người chỉ huy cao nhất trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở trên 12 người.

20. Người lái phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.

21. Hoa tiêu đường thuỷ nội địa (sau đây gọi là hoa tiêu) là người tư vấn, giúp thuyền trưởng điều khiển phương tiện hành trình an toàn.

22. Người vận tải là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện để vận tải người, hàng hóa trên đường thuỷ nội địa.

23. Người kinh doanh vận tải là người vận tải giao kết hợp đồng vận tải hàng hoá, hành khách với người thuê vận tải để thực hiện việc vận tải hàng hoá, hành khách mà có thu cước phí vận tải.

24. Người thuê vận tải là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng vận tải hàng hoá, hành khách với người kinh doanh vận tải.

25. Người nhận hàng là tổ chức, cá nhân có tên nhận hàng ghi trên giấy vận chuyển.

26. Hành lý là vật dùng, hàng hoá của hành khách mang theo trong cùng chuyến đi, bao gồm hành lý xách tay và hành lý ký gửi.

27. Bao gửi là hàng hoá gửi theo bất kỳ phương tiện chở khách nào mà người gửi không đi cùng trên phương tiện đó.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa

1. Hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn cho người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

2. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông; thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, an toàn của phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông đường thuỷ nội địa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật.

3. Phát triển giao thông đường thuỷ nội địa phải theo quy hoạch, kế hoạch và đồng bộ.

4. Quản lý hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền các cấp.

Điều 5. Chính sách phát triển giao thông đường thuỷ nội địa

1. Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa trên các tuyến giao thông đường thuỷ nội địa trọng điểm, khu vực kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa có lợi thế về giao thông đường thuỷ nội địa so với các loại hình giao thông khác.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành và đầu tư kinh doanh, khai thác vận tải đường thuỷ nội địa để phát triển giao thông đường thuỷ nội địa bền vững.

Điều 6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa

1. Tổ chức liên quan đến giao thông đường thuỷ nội địa có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho nhân dân và cán bộ, công chức, người lao động trong phạm vi quản lý của mình.

2. Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa trong các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc điểm của từng vùng lãnh thổ.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi có tai nạn trên đường thuỷ nội địa

1. Thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thuỷ nội địa phải tìm mọi biện pháp để kịp thời cứu người, phương tiện, tài sản bị nạn; bảo vệ dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; báo cho cơ quan công an hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất và phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Cơ quan công an hoặc Uỷ ban nhân dân nơi nhận được tin báo phải cử ngay người đến nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người, phương tiện bị nạn, được quyền huy động người, phương tiện để cứu vớt, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ tài sản, phương tiện bị nạn, dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt; trường hợp tai nạn, sự cố gây tác hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

3. Cơ quan công an hoặc cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền khi nhận được tin xảy ra tai nạn trên đường thuỷ nội địa phải kịp thời tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Uỷ ban nhân dân nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người bị nạn có trách nhiệm giúp đỡ người bị nạn; trường hợp tai nạn gây chết người, sau khi cơ quan điều tra có thẩm quyền đồng ý cho chôn cất mà nạn nhân không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì tiến hành chôn cất nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Các hành vi bị cấm

1. Phá hoại công trình giao thông đường thuỷ nội địa; tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thuỷ nội địa.

2. Mở cảng, bến thuỷ nội địa trái phép; đón, trả người hoặc xếp, dỡ hàng hoá không đúng nơi quy định.

3. Xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc các công trình khác trên đường thuỷ nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa.

4. Đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng; đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên luồng.

5. Đưa phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 24 của Luật này tham gia giao thông đường thuỷ nội địa; sử dụng phương tiện không đúng công dụng hoặc không đúng vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm.

6. Bố trí thuyền viên không đủ định biên theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động; thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp.

7. Chở hàng hoá độc hại, dễ cháy, dễ nổ, động vật lớn chung với hành khách; chở quá sức chở người của phương tiện hoặc quá vạch dấu mớn nước an toàn.

8. Làm việc trên phương tiện khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

9. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; xâm phạm tính mạng, tài sản khi phương tiện bị nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn.

10. Vi phạm báo hiệu hạn chế tạo sóng hoặc các báo hiệu cấm khác.

11. Tổ chức đua hoặc tham gia đua trái phép phương tiện trên đường thuỷ nội địa; lạng lách gây nguy hiểm cho phương tiện khác.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hoặc cho phép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa.

13. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa.

Chương 2:

QUY HOẠCH, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 9. Kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa

1. Kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa bao gồm đường thuỷ nội địa; cảng, bến thuỷ nội địa; kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ khác.

2. Đường thuỷ nội địa được phân loại thành đường thuỷ nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa địa phương và đường thuỷ nội địa chuyên dùng. Đường thuỷ nội địa được chia thành các cấp kỹ thuật.

3. Trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa được phân cấp như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa quốc gia;

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa địa phương;

c) Tổ chức, cá nhân có đường thủy nội địa chuyên dùng tổ chức quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa chuyên dùng được giao.

4. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều này phải bố trí lực lượng quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa (sau đây gọi là đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa).

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc phân loại, phân cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn cấp kỹ thuật, công bố tuyến đường thuỷ nội địa và quy định việc tổ chức quản lý đường thuỷ nội địa.

Điều 10. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa

1. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch lưu vực sông, các quy hoạch khác có liên quan và nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các ngành khi lập quy hoạch, dự án xây dựng công trình có liên quan đến giao thông đường thuỷ nội địa phải có ý kiến tham gia bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thuỷ nội địa, trừ các công trình phòng, chống lụt, bão, bảo vệ đê.

2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa của địa phương trên cơ sở quy hoạch vùng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa.

5. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa có trách nhiệm công bố quy hoạch và quyết định việc điều chỉnh quy hoạch.

Điều 11. Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa

Việc xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa phải tuân theo quy hoạch, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện an toàn giao thông cho mọi đối tượng tham gia giao thông và tuân theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đê điều và phòng, chống lụt, bão.

Điều 12. Báo hiệu đường thuỷ nội địa

1. Báo hiệu đường thuỷ nội địa bao gồm phao, biển báo, đèn hiệu và thiết bị phụ trợ khác nhằm hướng dẫn giao thông cho phương tiện hoạt động trên đường thuỷ nội địa.

2. Hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa bao gồm:

a) Báo hiệu dẫn luồng để chỉ giới hạn luồng hoặc hướng tàu chạy;

b) Báo hiệu chỉ vị trí nguy hiểm để chỉ nơi có vật chướng ngại hoặc vị trí nguy hiểm khác trên luồng;

c) Báo hiệu thông báo chỉ dẫn để thông báo cấm, thông báo hạn chế hoặc chỉ dẫn các tình huống có liên quan đến luồng.

3. Tuyến đường thủy nội địa đã được công bố, quản lý phải được lắp đặt và duy trì hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa.

4. Chủ công trình, tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại trên đường thủy nội địa có trách nhiệm lắp đặt kịp thời và duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo quy định trong suốt thời gian xây dựng công trình hoặc thời gian tồn tại vật chướng ngại đó.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về báo hiệu đường thuỷ nội địa.

Điều 13. Cảng, bến thuỷ nội địa

1. Cảng thuỷ nội địa là hệ thống các công trình được xây dựng để phương tiện, tàu biển neo đậu, xếp, dỡ hàng hoá, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác. Cảng thuỷ nội địa bao gồm cảng công cộng và cảng chuyên dùng.

Bến thuỷ nội địa là vị trí độc lập được gia cố để phương tiện neo đậu, xếp, dỡ hàng hoá, đón, trả hành khách. Bến thuỷ nội địa bao gồm bến công cộng và bến chuyên dùng.

Cảng, bến thuỷ nội địa chuyên dùng là cảng, bến thuỷ nội địa của một hoặc một số tổ chức kinh tế chỉ dùng để xếp, dỡ hàng hoá, vật tư phục vụ cho sản xuất hoặc phục vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện cho chính tổ chức đó.

2. Việc xây dựng cảng, bến thuỷ nội địa phải phù hợp với quy hoạch và bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Tổ chức, cá nhân khi lập dự án xây dựng cảng, bến thuỷ nội địa phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thuỷ nội địa.

4. Cảng thuỷ nội địa được phân thành các cấp kỹ thuật. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn cấp kỹ thuật của cảng thuỷ nội địa, tiêu chuẩn của bến thuỷ nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định tiêu chuẩn cảng, bến thuỷ nội địa làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cảng cá, bến cá.

Điều 14. Nội dung và phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa

1. Bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa là hoạt động bảo đảm an toàn và tuổi thọ của công trình thuộc kết cấu hạ tầng, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm công trình.

2. Phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa địa bao gồm công trình và hành lang bảo vệ công trình, phần trên không, phần dưới mặt đất có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.

Điều 15. Bảo vệ luồng

1. Phạm vi bảo vệ luồng bao gồm luồng, hành lang bảo vệ luồng và phần trên không, phần đất liên quan đến an toàn của luồng và an toàn giao thông vận tải đường thuỷ nội địa.

2. Mọi vật chướng ngại trong phạm vi bảo vệ luồng phải được thanh thải hoặc xử lý theo quy định tại Điều 16 và Điều 20 của Luật này.

3. Chủ đầu tư công trình hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình, khai thác khoáng sản trong phạm vi bảo vệ luồng phải tuân theo các quy định sau đây:

a) Khi lập dự án xây dựng công trình, khai thác khoáng sản phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thuỷ nội địa;

b) Khi xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình cầu đường bộ, cầu đường sắt hoặc công trình khác qua luồng phải bảo đảm chiều cao, chiều rộng khoang thông thuyền, độ sâu an toàn của đáy luồng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật tuyến đường thuỷ nội địa được xác định trong quy hoạch đã công bố;

c) Trước khi thi công công trình hoặc khai thác khoáng sản phải có phương án bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thuỷ nội địa chấp thuận bằng văn bản;

d) Khi hoàn thành công trình hoặc kết thúc việc khai thác khoáng sản phải thanh thải vật chướng ngại do xây dựng công trình, khai thác khoáng sản gây ra và được đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa phụ trách khu vực xác nhận giao thông trên luồng được bảo đảm như trước khi thi công công trình, khai thác khoáng sản; bàn giao hồ sơ công trình liên quan đến phạm vi bảo vệ luồng cho đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa;

đ) Bồi thường thiệt hại phát sinh liên quan đến phạm vi bảo vệ luồng do thi công công trình hoặc khai thác khoáng sản gây ra.

Điều 16. Hành lang bảo vệ luồng

1. Trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng, hoạt động thuỷ sản và các hoạt động khác không được làm che khuất báo hiệu, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người trực tiếp điều khiển phương tiện và phải theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa.

Khi hành lang luồng thay đổi, đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa phải thông báo và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động thủy sản hoặc các hoạt động khác phải di chuyển, thu hẹp hoặc thanh thải vật chướng ngại do họ gây ra trên luồng mới.

2. Trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng không được xây dựng nhà, các công trình khác, khai thác khoáng sản trái phép.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc họp chợ, làng chài, làng nghề và các hoạt động khác trên hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm giao thông đường thuỷ nội địa thông suốt, trật tự, an toàn và bảo vệ môi trường.

4. Chính phủ quy định phạm vi hành lang bảo vệ luồng.

Điều 17. Bảo vệ kè, đập giao thông

1. Phạm vi bảo vệ kè giao thông được quy định như sau:

a) Đối với kè ốp bờ được tính từ đầu kè và từ cuối kè trở về hai phía thượng lưu và hạ lưu, mỗi phía 50 mét; từ đỉnh kè trở vào phía bờ tối thiểu 10 mét; từ chân kè trở ra phía luồng 20 mét;

b) Đối với kè mỏ hàn, bao gồm cụm kè, kè đơn được tính từ chân kè về hai phía thượng lưu và hạ lưu, mỗi phía 50 mét; từ gốc kè trở vào phía bờ 50 mét; từ chân đầu kè trở ra phía luồng 20 mét.

2. Phạm vi bảo vệ đập giao thông được tính từ hai đầu đập theo trục dọc về mỗi phía 50 mét, từ chân đập phía thượng lưu trở về phía thượng lưu và từ chân đập phía hạ lưu trở về phía hạ lưu, mỗi phía 100 mét.

3. Trong phạm vi bảo vệ kè, đập giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Để vật liệu, phương tiện, thiết bị gây sạt lở kè, đập;

b) Neo, buộc phương tiện;

c) Sử dụng chất nổ, khai thác khoáng sản hoặc có hành vi khác gây ảnh hưởng đến kè, đập.

Điều 18. Bảo vệ các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

1. Đối với cảng, bến thuỷ nội địa, âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập, thác, phạm vi bảo vệ bao gồm vùng đất, vùng nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Đối với báo hiệu đường thuỷ nội địa, trụ neo, cọc neo, mốc thuỷ chí, mốc đo đạc, phạm vi bảo vệ là 5 mét, kể từ điểm ngoài cùng trở ra mỗi phía của trụ neo, cọc neo, mốc thuỷ chí, mốc đo đạc.

3. Trong phạm vi bảo vệ các công trình quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Neo, buộc phương tiện, súc vật vào phao, cột báo hiệu, mốc thuỷ chí, mốc đo đạc;

b) Làm hư hỏng, tự ý di chuyển hoặc làm giảm hiệu lực của báo hiệu;

c) Thải các chất độc hại ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình.

Điều 19. Trách nhiệm bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa

1. Uỷ ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa.

2. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa bị hư hỏng hoặc bị xâm hại phải kịp thời báo cho Uỷ ban nhân dân, đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Cơ quan, đơn vị nhận được tin báo phải kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Điều 20. Thanh thải vật chướng ngại

1. Vật chướng ngại trái phép trên luồng, hành lang bảo vệ luồng phải được thanh thải để bảo đảm an toàn giao thông.

Đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi vật chướng ngại có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thuỷ nội địa.

2. Tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại có trách nhiệm thanh thải vật chướng ngại trong thời hạn do đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa quy định; nếu không thực hiện thanh thải trong thời hạn quy định thì đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa thực hiện thanh thải vật chướng ngại đó và tổ chức, cá nhân gây ra vật chướng ngại phải chịu mọi chi phí.

3. Đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa có trách nhiệm thanh thải vật chướng ngại tự nhiên hoặc vật chướng ngại không xác định được tổ chức, cá nhân gây ra.

Điều 21. Hạn chế giao thông trên đường thủy nội địa

1. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa công bố cụ thể thời gian, vị trí và mức độ hạn chế giao thông trên đường thủy nội địa trong các trường hợp sau đây:

a) Có vật chướng ngại đột xuất gây cản trở giao thông trên luồng;

b) Phòng, chống lụt, bão, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn;

c) Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về thi công công trình, hoạt động thể thao, lễ hội, diễn tập hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh trên đường thuỷ nội địa.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thẩm quyền công bố và các biện pháp bảo đảm giao thông trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 22. Quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa

Nội dung quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa bao gồm:

1. Khảo sát, theo dõi, thông báo tình trạng thực tế của luồng; tổ chức giao thông; thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa;

2. Sửa chữa, bảo trì định kỳ hoặc đột xuất luồng, báo hiệu, thiết bị, công trình phục vụ trên tuyến giao thông đường thuỷ nội địa, phương tiện dùng để quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; thanh thải vật chướng ngại; phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Điều 23. Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa

1. Nguồn tài chính bảo đảm cho việc quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa.

Chương 3:

PHƯƠNG TIỆN THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 24. Điều kiện hoạt động của phương tiện

1. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 26 của Luật này;

b) Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, sơn vạch dấu mớn nước an toàn, số lượng người được phép chở trên phương tiện;

c) Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên.

2. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

3. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến dưới 5 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm an toàn, sơn vạch dấu mớn nước an toàn và có giấy chứng nhận đăng ký.

4. Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm an toàn theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi chủ phương tiện đăng ký hộ khẩu thường trú.

Điều 25. Đăng ký phương tiện

1. Phương tiện có nguồn gốc hợp pháp, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

2. Phương tiện của tổ chức, cá nhân được đăng ký tại nơi chủ phương tiện đặt trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

3. Phương tiện phải được đăng ký lại khi chuyển quyền sở hữu, thay đổi tên, tính năng kỹ thuật hoặc chủ phương tiện thay đổi trụ sở, chuyển nơi đăng ký hộ khẩu sang tỉnh khác.

4. Chủ phương tiện phải khai báo để xoá tên và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cho cơ quan đã đăng ký phương tiện trong các trường hợp sau đây:

a) Phương tiện bị mất tích;

b) Phương tiện bị phá huỷ;

c) Phương tiện không còn khả năng phục hồi;

d) Phương tiện được chuyển nhượng ra nước ngoài.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc đăng ký phương tiện, trừ các phương tiện quy định tại khoản 6 Điều này.

6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định và tổ chức đăng ký phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá.

7. Miễn đăng ký đối với phương tiện quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật này.

8. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đăng ký phương tiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và tổ chức quản lý phương tiện được miễn đăng ký.

Điều 26. Đăng kiểm phương tiện

1. Phương tiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 của Luật này thuộc diện đăng kiểm; chủ các loại phương tiện này phải thực hiện quy định sau đây:

a) Khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện phải có hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm phê duyệt;

b) Trong quá trình phương tiện hoạt động phải chịu sự kiểm tra về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm Việt Nam; chịu trách nhiệm bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo các tiêu chuẩn quy định giữa hai kỳ kiểm tra.

2. Cơ quan đăng kiểm khi thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện phải tuân theo hệ thống quy phạm, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành. Người đứng đầu cơ quan đăng kiểm và người trực tiếp thực hiện kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; quy định và tổ chức thực hiện thống nhất việc đăng kiểm phương tiện trong phạm vi cả nước, trừ các phương tiện quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá; quy định và tổ chức việc đăng kiểm phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá.

Điều 27. Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện

1. Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thuộc diện đăng kiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật này phải đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ.

2. Khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thuộc diện đăng kiểm phải tuân theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được cơ quan đăng kiểm duyệt. Trong quá trình thi công phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan đăng kiểm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Điều 28. Nhập khẩu phương tiện

Phương tiện nhập khẩu phải bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; việc nhập khẩu phương tiện phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 4

THUYỀN VIÊN VÀ NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN

Điều 29. Chức danh và tiêu chuẩn chức danh thuyền viên

1. Chức danh thuyền viên trên phương tiện bao gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thuỷ thủ, thợ máy.

Chủ phương tiện có trách nhiệm bố trí đủ các chức danh, định biên thuyền viên làm việc trên phương tiện và lập danh bạ thuyền viên theo quy định.

2. Thuyền viên làm việc trên phương tiện phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Đủ 16 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam;

b) Đủ tiêu chuẩn sức khoẻ và phải được kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm;

c) Có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ trách nhiệm và định biên thuyền viên của từng loại phương tiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ trách nhiệm và định biên thuyền viên của phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá.

Điều 30. Bằng, chứng chỉ chuyên môn

1. Bằng thuyền trưởng, máy trưởng được phân thành ba hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba.

2. Chứng chỉ chuyên môn bao gồm chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản, chứng chỉ nghiệp vụ và chứng chỉ chuyên môn đặc biệt.

3. Bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Đào tạo, cấp bằng và chứng chỉ chuyên môn

1. Cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện phải có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

2. Việc đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện phải thực hiện đúng nội dung, chương trình quy định cho từng hạng bằng, loại chứng chỉ chuyên môn.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện; quy chế tuyển sinh; nội dung, chương trình đào tạo; các loại chứng chỉ chuyên môn; quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thủy sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định điều kiện của cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện; quy chế tuyển sinh; nội dung, chương trình đào tạo; quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện của phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tàu cá.

Điều 32. Điều kiện dự thi nâng hạng bằng thuyền trưởng, máy trưởng

1. Người có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba, có thời gian làm việc theo chức danh bằng hạng ba ít nhất 24 tháng hoặc có thời gian làm việc theo chức danh đào tạo ít nhất 12 tháng đối với người tốt nghiệp chương trình trung học chuyên ngành được dự thi lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì.

2. Người có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì và có thời gian làm việc theo chức danh bằng hạng nhì ít nhất 36 tháng được dự thi lấy bằng thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất.

Điều 33. Đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng

1. Thuyền viên có bằng thuyền trưởng hạng nhất được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:

a) Tàu khách có sức chở trên 100 người;

b) Phà có trọng tải toàn phần trên 150 tấn;

c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 500 tấn;

d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần trên 1000 tấn;

đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này có tổng công suất máy chính trên 400 mã lực.

2. Thuyền viên có bằng thuyền trưởng hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:

a) Tàu khách có sức chở từ trên 50 người đến 100 người;

b) Phà có trọng tải toàn phần từ trên 50 tấn đến 150 tấn;

c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ trên 150 tấn đến 500 tấn;

d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần từ trên 400 tấn đến 1000 tấn;

đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này có tổng công suất máy chính từ trên 150 mã lực đến 400 mã lực.

3. Thuyền viên có bằng thuyền trưởng hạng ba được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:

a) Tàu khách có sức chở từ trên 12 người đến 50 người;

b) Phà có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;

c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ trên 15 tấn đến 150 tấn;

d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 400 tấn;

đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này có tổng công suất máy chính từ trên 15 mã lực đến 150 mã lực.

4. Thuyền viên có bằng thuyền trưởng hạng cao hơn được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng hạng thấp hơn.

5. Thuyền viên có bằng thuyền trưởng được đảm nhiệm chức danh thuyền phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng cao hơn một hạng.

Điều 34. Đảm nhiệm chức danh máy trưởng

1. Thuyền viên có bằng máy trưởng hạng nhất được đảm nhiệm chức danh máy trưởng của phương tiện có tổng công suất máy chính trên 400 mã lực.

2. Thuyền viên có bằng máy trưởng hạng nhì được đảm nhiệm chức danh máy trưởng của phương tiện có tổng công suất máy chính từ trên 150 mã lực đến 400 mã lực.

3. Thuyền viên có bằng máy trưởng hạng ba được đảm nhiệm chức danh máy trưởng của phương tiện có tổng công suất máy chính từ trên 15 mã lực đến 150 mã lực.

4. Thuyền viên có bằng máy trưởng hạng cao hơn được đảm nhiệm chức danh máy trưởng của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng hạng thấp hơn.

5. Thuyền viên có bằng máy trưởng được đảm nhiệm chức danh máy phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng cao hơn một hạng.

Điều 35. Điều kiện của người lái phương tiện

1. Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người phải có các điều kiện sau đây:

a) Đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam;

b) Có chứng nhận đủ sức khoẻ của cơ quan y tế và biết bơi;

c) Có chứng chỉ lái phương tiện.

2. Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực hoặc có sức chở dưới 5 người phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khoẻ, biết bơi, phải học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa và được cấp giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh thì độ tuổi của người lái phương tiện phải tuân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đào tạo, cấp chứng chỉ lái phương tiện, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho người lái phương tiện.

Chương 5:

QUY TẮC GIAO THÔNG VÀ TÍN HIỆU CỦA PHƯƠNG TIỆN

Mục 1: QUY TẮC GIAO THÔNG

Điều 36. Chấp hành quy tắc giao thông đường thuỷ nội địa

1. Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi điều khiển phương tiện hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải tuân theo quy tắc giao thông và báo hiệu đường thuỷ nội địa quy định tại Luật này.

2. Thuyền trưởng tàu biển khi điều khiển tàu biển hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải tuân theo báo hiệu đường thuỷ nội địa và quy tắc giao thông quy định đối với phương tiện có động cơ.

3. Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi hành trình phải điều khiển phương tiện với tốc độ an toàn để có thể xử lý các tình huống tránh va, không gây mất an toàn đối với phương tiện khác hoặc tổn hại đến các công trình; giữ khoảng cách an toàn giữa phương tiện mình đang điều khiển với phương tiện khác; phải giảm tốc độ của phương tiện trong các trường hợp sau đây:

a) Đi gần phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng, phương tiện bị nạn, phương tiện chở hàng nguy hiểm;

b) Đi trong phạm vi cảng, bến thuỷ nội địa;

c) Đi gần đê, kè khi có nước lớn.

4. Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi hành trình không được bám, buộc phương tiện của mình vào phương tiện chở khách, phương tiện chở hàng nguy hiểm đang hành trình hoặc để phương tiện chở khách, phương tiện chở hàng nguy hiểm bám, buộc vào phương tiện của mình, trừ trường hợp cứu hộ, cứu nạn hoặc trường hợp bất khả kháng.

Điều 37. Hành trình trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế và nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp

1. Khi hành trình trong điều kiện có sương mù, mưa to hoặc vì lý do khác mà tầm nhìn bị hạn chế, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện đồng thời phát âm hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này và phải có người cảnh giới ở những vị trí cần thiết trên phương tiện. Trường hợp không nhìn rõ đường thì phải neo đậu phương tiện, bố trí người cảnh giới và phát âm hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật này.

2. Khi phương tiện đi vào nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện, phát tín hiệu nhiều lần theo quy định tại Điều 46 của Luật này và đi sát về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện qua khỏi nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp.

Điều 38. Quyền ưu tiên của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt

1. Những phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt sau đây được ưu tiên đi trước khi qua âu tàu, cống, đập, cầu không mở thường xuyên, nơi có điều tiết giao thông, luồng giao nhau, luồng cong gấp, theo thứ tự sau đây:

a) Phương tiện chữa cháy;

b) Phương tiện cứu nạn;

c) Phương tiện hộ đê;

d) Phương tiện của quân đội, công an làm nhiệm vụ khẩn cấp;

đ) Phương tiện, đoàn phương tiện có công an hộ tống hoặc dẫn đường.

2. Phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định tại Điều 46 của Luật này.

3. Thuyền trưởng, người lái phương tiện của phương tiện không quy định tại khoản 1 Điều này khi thấy tín hiệu của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt phải giảm tốc độ phương tiện của mình, đi sát về một phía luồng để nhường đường.

Điều 39. Phương tiện tránh nhau khi đi đối hướng nhau

1. Khi hai phương tiện đi đối hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây:

a) Phương tiện đi ngược nước phải tránh và nhường đường cho phương tiện đi xuôi nước. Trường hợp nước đứng, phương tiện nào phát tín hiệu xin đường trước thì phương tiện kia phải tránh và nhường đường;

b) Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ, phương tiện có động cơ công suất nhỏ hơn phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ công suất lớn hơn, phương tiện đi một mình phải tránh và nhường đường cho đoàn lai;

c) Mọi phương tiện phải tránh bè và tránh phương tiện có tín hiệu mất chủ động, phương tiện bị nạn, phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng.

2. Khi tránh nhau, phương tiện được nhường đường phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định tại Điều 46 của Luật này và đi về phía luồng đã báo, phương tiện kia phải tránh và nhường đường.

Điều 40. Phương tiện tránh nhau khi đi cắt hướng nhau

Khi hai phương tiện đi cắt hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây:

1. Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ;

2. Mọi phương tiện phải tránh bè;

3. Phương tiện có động cơ nào nhìn thấy phương tiện có động cơ khác bên mạn phải của mình thì phải tránh và nhường đường cho phương tiện đó.

Điều 41. Thuyền buồm tránh nhau

1. Phương tiện khi di chuyển bằng buồm tránh nhau theo nguyên tắc sau đây:

a) Thuyền đi thuận gió tránh thuyền đi ngược gió;

b) Thuyền được gió mạn trái tránh thuyền được gió mạn phải;

c) Thuyền đi trên gió tránh thuyền đi dưới gió.

2. Phương tiện thô sơ khác phải tránh thuyền buồm.

Điều 42. Phương tiện vượt nhau

1. Phương tiện vượt nhau thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Phương tiện xin vượt phải phát âm hiệu một tiếng dài, lặp lại nhiều lần;

b) Phương tiện bị vượt, khi nghe thấy âm hiệu xin vượt, nếu thấy an toàn phải giảm tốc độ và phát âm hiệu điều động theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 46 của Luật này và đi về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện xin vượt đã vượt qua; nếu không thể cho vượt thì phát âm hiệu 5 tiếng ngắn;

c) Phương tiện xin vượt, khi nghe thấy âm hiệu điều động của phương tiện bị vượt thì mới được vượt; khi vượt phải phát âm hiệu báo phía vượt của mình và phải giữ khoảng cách ngang an toàn với phương tiện bị vượt.

2. Phương tiện xin vượt không được vượt trong các trường hợp sau đây:

a) Nơi có báo hiệu cấm vượt;

b) Phía trước có phương tiện đi ngược lại hay có vật chướng ngại;

c) Nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp hoặc có báo hiệu chiều rộng luồng hạn chế;

d) Khi đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống, âu tàu, khu vực điều tiết giao thông;

đ) Trường hợp khác không bảo đảm an toàn.

Điều 43. Phương tiện đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống

1. Trước khi đưa phương tiện đi qua khoang thông thuyền, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Nắm vững các thông số chiều rộng, chiều cao của khoang thông thuyền, tình trạng luồng và dòng chảy;

b) Kiểm tra hệ thống lái, neo, đệm chống va, sào chống;

c) Trường hợp là đoàn lai, phải lập phương án lắp ghép đội hình phù hợp với chiều rộng và chiều cao của khoang thông thuyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thuyền viên.

2. Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện qua khoang thông thuyền khi xét thấy đủ điều kiện an toàn; trường hợp cần thiết, phải xin chỉ dẫn của bộ phận điều tiết giao thông hoặc đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa.

3. Thuyền trưởng, người lái phương tiện phải điều khiển phương tiện đi đúng khoang có báo hiệu thông thuyền; đối với những khoang thông thuyền có phao dẫn luồng, phải điều khiển phương tiện đi trong giới hạn của hai hàng phao.

4. Nơi khoang thông thuyền có dòng nước xoáy hoặc chảy xiết, nếu thấy không an toàn, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải tìm biện pháp để đưa phương tiện qua khoang thông thuyền an toàn; trường hợp phải chờ qua khoang thông thuyền, phương tiện phải được neo buộc chắc chắn tại vị trí an toàn và bố trí người trực trên phương tiện.

5. Những nơi có điều tiết giao thông, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải chấp hành hiệu lệnh của người điều tiết giao thông.

Điều 44. Neo đậu phương tiện

1. Neo đậu phương tiện trong cảng, bến thuỷ nội địa phải đúng nơi quy định, chấp hành nội quy của cảng, bến thuỷ nội địa và phải bố trí người trông coi phương tiện.

Phương tiện neo đậu ở phía bờ phải để thuyền viên của các phương tiện đậu ở phía ngoài và những người thi hành công vụ đi qua.

2. Trong trường hợp cần neo đậu phương tiện ở ngoài phạm vi cảng, bến thuỷ nội địa để hành khách lên xuống hoặc xếp, dỡ hàng hoá phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thuỷ nội địa. Phương tiện khác chỉ được cập mạn để đón trả hành khách, chuyển tải hàng hoá khi phương tiện này đã neo đậu xong.

3. Trước khi rời cảng, bến thuỷ nội địa hoặc vị trí neo đậu, phương tiện phải phát âm hiệu, nếu thấy bảo đảm an toàn mới được nhổ neo.

4. Phương tiện không được neo đậu ở giữa luồng, khu vực luồng giao nhau, luồng cong gấp, trong hành lang bảo vệ cầu hoặc các công trình khác và những nơi có báo hiệu cấm neo đậu.

Mục 2: TÍN HIỆU CỦA PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 45. Tín hiệu của phương tiện

1. Tín hiệu của phương tiện dùng để thông báo tình trạng hoạt động của phương tiện, bao gồm:

a) Âm hiệu là tín hiệu âm thanh phát ra từ còi, chuông, kẻng hoặc từ các vật khác;

b) Đèn hiệu là tín hiệu ánh sáng được sử dụng từ lúc mặt trời lặn đến lúc mặt trời mọc hoặc trong trường hợp tầm nhìn bị hạn chế;

c) Dấu hiệu là những vật thể có hình dáng, màu sắc, kích thước được sử dụng trong các trường hợp do Luật này quy định;

d) Cờ hiệu là loại cờ có hình dáng, màu sắc, kích thước được sử dụng trong các trường hợp do Luật này quy định.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của âm hiệu, đèn hiệu, dấu hiệu và cờ hiệu.

Điều 46. Tín hiệu điều động

1. Khi cần đổi hướng đi, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải phát âm hiệu điều động phương tiện mà mình đang điều khiển như sau:

a) Một tiếng ngắn là tín hiệu đổi hướng đi sang phải;

b) Hai tiếng ngắn là tín hiệu đổi hướng đi sang trái;

c) Ba tiếng ngắn là tín hiệu chạy lùi.

2. Ngoài những âm hiệu quy định tại khoản 1 Điều này, phương tiện có thể đồng thời phát đèn hiệu như sau:

a) Một chớp đèn là tín hiệu đổi hướng đi sang phải;

b) Hai chớp đèn là tín hiệu đổi hướng đi sang trái;

c) Ba chớp đèn là tín hiệu chạy lùi.

Điều 47. Âm hiệu thông báo

Thuyền trưởng, người lái phương tiện thông báo tình trạng hoạt động của phương tiện mà mình đang điều khiển bằng âm hiệu như sau:

1. Bốn tiếng ngắn là tín hiệu gọi các phương tiện khác đến giúp đỡ;

2. Năm tiếng ngắn là tín hiệu không thể nhường đường;

3. Một tiếng dài là tín hiệu xin đường, các phương tiện khác chú ý;

4. Hai tiếng dài là tín hiệu dừng lại;

5. Ba tiếng dài là tín hiệu sắp cập bến, rời bến, chào nhau;

6. Bốn tiếng dài là tín hiệu xin mở cầu, cống, âu tàu;

7. Ba tiếng ngắn, ba tiếng dài, ba tiếng ngắn là tín hiệu có người trên phương tiện bị ngã xuống nước;

8. Một tiếng dài, hai tiếng ngắn là tín hiệu phương tiện bị mắc cạn, phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng;

9. Hai tiếng dài, hai tiếng ngắn là tín hiệu phương tiện mất chủ động.

Điều 48. Âm hiệu khi tầm nhìn bị hạn chế

Khi có sương mù, mưa to hoặc vì lý do khác mà tầm nhìn bị hạn chế, phương tiện phải phát âm hiệu như sau:

1. Cách hai phút phát một tiếng dài là tín hiệu phương tiện đi chậm hay đã dừng máy nhưng còn di chuyển theo quán tính;

2. Cách hai phút phát hai tiếng dài là tín hiệu phương tiện đã dừng lại.

Điều 49. Phân loại phương tiện để bố trí tín hiệu

Các phương tiện được chia ra 6 loại để bố trí tín hiệu như sau:

1. Loại A là loại phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 50 mã lực trở lên;

2. Loại B là loại phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến dưới 50 mã lực;

3. Loại C là loại phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 50 tấn trở lên;

4. Loại D là loại phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực và phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 50 tấn;

5. Loại E là loại bè có chiều dài trên 25 mét, chiều rộng trên 5 mét;

6. Loại F là loại bè có chiều dài đến 25 mét, chiều rộng đến 5 mét.

Điều 50. Đèn hiệu trên phương tiện hành trình một mình

1. Đối với phương tiện loại A:

a) Trên cột đèn thắp một đèn trắng mũi ở độ cao ít nhất 3 mét so với mặt nước; thắp hai đèn mạn ngang nhau, thấp hơn ít nhất 1/4 chiều cao đèn trắng mũi, đèn xanh đặt bên phải, đèn đỏ đặt bên trái; thắp một đèn trắng lái thấp hơn đèn trắng mũi;

b) Phương tiện có tốc độ thiết kế từ 30 km/giờ trở lên và có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên, ngoài các đèn hiệu quy định tại điểm a khoản này, trên cột đèn thắp một đèn vàng nhấp nháy liên tục cao hơn đèn trắng mũi 0,5 mét;

c) Phương tiện có tốc độ thiết kế từ 30km/giờ trở lên và có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét, trên cột đèn thắp một đèn vàng nhấp nháy liên tục;

d) Phương tiện có tốc độ thiết kế dưới 30km/giờ và có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét, trên cột đèn thắp đèn hiệu như đối với phương tiện loại B quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với phương tiện loại B, trên cột đèn thắp một đèn nửa xanh nửa đỏ ở độ cao ít nhất 2 mét so với mặt nước.

3. Đối với phương tiện loại C, thắp hai đèn mạn, đèn xanh đặt bên phải, đèn đỏ đặt bên trái; thắp một đèn trắng lái.

4. Đối với phương tiện loại D, thắp một đèn trắng đặt ở độ cao ít nhất 2 mét so với mặt nước.

5. Đối với phương tiện loại E, thắp một đèn đỏ đặt giữa bè; thắp hai đèn trắng đặt trên trục dọc giữa bè, một đèn ở đầu bè, một đèn ở cuối bè; nếu bè có chiều rộng trên 15 mét thì thay các đèn trắng ở trục dọc bằng bốn đèn trắng ở bốn góc bè, các đèn này đặt cao hơn mặt nước ít nhất 1,5 mét.

6. Đối với phương tiện loại F, thắp một đèn đỏ đặt giữa bè cao hơn mặt nước ít nhất 1,5 mét.

Điều 51. Tín hiệu trên đoàn lai kéo

1. Đối với phương tiện kéo loại A:

a) Ban đêm, ngoài những đèn hiệu quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này, khi đang lai, trên cột đèn thắp thêm một đèn trắng mũi nếu đoàn lai kéo dài dưới 100 mét hoặc thắp thêm hai đèn trắng mũi nếu đoàn lai kéo dài từ 100 mét trở lên, mỗi đèn cách nhau 1 mét;

b) Ban ngày, trên cột đèn mỗi đèn trắng mũi thay bằng một dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen đường kính 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế.

2. Đối với phương tiện kéo loại B:

a) Ban đêm, ngoài đèn nửa xanh nửa đỏ, khi đang lai, trên cột đèn thắp thêm một đèn trắng cao hơn đèn nửa xanh nửa đỏ 0,5 mét;

b) Ban ngày, trên cột đèn treo hai dấu hiệu, mỗi dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen đường kính 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế.

3. Đối với phương tiện bị kéo:

a) Các phương tiện loại A và C chỉ thắp đèn mạn cho phương tiện đi đầu; trường hợp phương tiện được ghép thành nhiều hàng thì phương tiện ở ngoài cùng phải thắp đèn mạn tương ứng, phương tiện bị kéo cuối cùng phải thắp đèn trắng lái;

b) Các phương tiện loại B, D, E và F được thắp đèn hiệu tương ứng theo quy định tại Điều 50 của Luật này;

c) Trường hợp chỉ kéo theo một phương tiện mà trên phương tiện đó không có người và từ đuôi phương tiện bị kéo đến đuôi của phương tiện kéo không quá 6 mét thì phương tiện bị kéo không phải thắp đèn.

Điều 52. Tín hiệu trên đoàn lai áp mạn

1. Đối với phương tiện lai loại A:

a) Ban đêm, ngoài các đèn hiệu quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này, trên cột đèn phải thắp thêm một đèn trắng mũi cao hơn đèn trắng mũi ban đầu 1 mét;

b) Ban ngày, trên cột đèn treo hai dấu hiệu, mỗi dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen đường kính 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế.

2. Đối với phương tiện lai loại B, áp dụng tín hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này.

3. Đối với phương tiện bị lai:

a) Các phương tiện loại A và C, thắp đèn mạn và đèn trắng lái;

b) Các phương tiện loại B, D và F, phương tiện ngoài cùng thắp đèn hiệu tương ứng theo quy định tại Điều 50 của Luật này; các phương tiện ở giữa không phải thắp đèn hiệu;

c) Phương tiện loại E, thắp một đèn đỏ đặt ở giữa bè, thắp hai đèn trắng đặt ở hai góc ngoài; các đèn hiệu phải đặt cao hơn mặt nước ít nhất 1,5 mét.

Điều 53. Tín hiệu trên đoàn lai đẩy

1. Đối với phương tiện đẩy loại A:

a) Ban đêm, ngoài các đèn hiệu quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này, trên cột đèn thắp thêm một đèn xanh cao hơn đèn trắng mũi 1 mét;

b) Ban ngày, trên cột đèn treo một dấu hiệu gồm hai hình tam giác đều màu đen, đỉnh hướng lên trên, mỗi cạnh 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế.

2. Đối với phương tiện đẩy loại B:

a) Ban đêm, ngoài đèn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này, trên cột đèn thắp thêm một đèn xanh cao hơn đèn nửa xanh nửa đỏ 0,5 mét;

b) Ban ngày, trên cột đèn treo một dấu hiệu quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Đối với phương tiện bị đẩy:

a) Các phương tiện loại A và C, thắp đèn mạn cho phương tiện đi hàng đầu; trường hợp phương tiện được ghép thành nhiều hàng thì chỉ thắp đèn mạn tương ứng cho phương tiện ngoài cùng;

b) Các phương tiện loại B và D, thắp đèn hiệu tương ứng cho phương tiện đi hàng đầu theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 50 của Luật này.

Điều 54. Tín hiệu trên đoàn lai hỗn hợp

1. Đối với phương tiện lai có thuyền trưởng chỉ huy đoàn lai:

a) Phương tiện loại A, ban đêm ngoài đèn hiệu quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này, trên cột đèn thắp thêm hai đèn xanh đặt phía trên và phía dưới đèn trắng mũi, cách đèn trắng mũi 1 mét; ban ngày trên cột đèn treo hai dấu hiệu, mỗi dấu hiệu gồm hai hình chữ nhật màu đen có kích thước 0,3 mét x 0,6 mét ghép theo kiểu múi khế;

b) Phương tiện loại B, ban đêm ngoài đèn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật này, trên cột đèn thắp thêm hai đèn xanh đặt phía trên đèn nửa xanh nửa đỏ, các đèn cách nhau 0,5 mét; ban ngày trên cột đèn treo dấu hiệu quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối với phương tiện lai hỗ trợ, ban đêm trên cột đèn thắp đèn hiệu tương ứng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 50 của Luật này.

3. Đối với phương tiện bị lai thì áp dụng tín hiệu tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 51, khoản 3 Điều 52 và khoản 3 Điều 53 của Luật này.

Điều 55. Tín hiệu trên phương tiện mất chủ động

Khi phương tiện không còn hoạt động theo sự điều khiển của thuyền trưởng, người lái phương tiện thì phải phát âm hiệu theo quy định tại khoản 9 Điều 47 của Luật này, đồng thời phải bố trí tín hiệu theo quy định sau đây:

1. Ban đêm, thắp một đèn đỏ đặt ở vị trí cao nhất của phương tiện, nếu còn di chuyển theo quán tính thì phương tiện loại A phải thắp thêm đèn mạn và đèn trắng lái, phương tiện loại B phải thắp thêm đèn nửa xanh nửa đỏ;

2. Ban ngày, ở vị trí cao nhất của phương tiện treo một dấu hiệu gồm hai hình thoi góc vuông màu đen, mỗi cạnh 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế.

Điều 56. Tín hiệu trên phương tiện neo

1. Ban đêm, phương tiện có chiều dài lớn nhất từ 45 mét trở xuống thắp ở phía mũi một đèn trắng đặt cao hơn mặt nước ít nhất 3 mét; phương tiện có chiều dài lớn nhất trên 45 mét thắp thêm ở phía lái một đèn trắng và đặt thấp hơn đèn trắng ở phía mũi 1 mét.

Tại nơi có báo hiệu chiều rộng luồng bị hạn chế, phương tiện neo thắp thêm một đèn trắng đặt tại vị trí gần tim luồng nhất của phương tiện.

Các bè neo ở ngoài cảng, bến thuỷ nội địa thắp một đèn đỏ đặt ở giữa bè và hai đèn trắng đặt ở hai góc bè phía luồng.

2. Ban ngày, ở phía mũi treo một dấu hiệu gồm hai hình tròn màu đen, đường kính 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế.

Điều 57. Tín hiệu trên phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng hoặc phương tiện bị mắc cạn trên luồng

1. Đối với phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng hoặc phương tiện bị mắc cạn trên luồng mà một bên luồng còn lưu thông được:

a) Ban đêm, ở vị trí cao nhất trên cột đèn thắp một đèn đỏ, một đèn xanh, đèn đỏ cao hơn đèn xanh 1 mét; phía luồng còn lưu thông được thắp một đèn trắng đặt cao hơn mặt nước 2 mét;

b) Ban ngày, ở vị trí cao nhất trên cột đèn treo một dấu hiệu gồm hai hình vuông màu đen, mỗi cạnh 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế.

2. Đối với phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng hoặc phương tiện bị mắc cạn chặn hết luồng:

a) Ban đêm, ở vị trí cao nhất trên cột đèn thắp hai đèn đỏ cách nhau 1 mét;

b) Ban ngày, ở vị trí cao nhất trên cột đèn treo hai dấu hiệu, mỗi dấu hiệu gồm hai hình vuông màu đen, mỗi cạnh 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế;

3. Tại khu vực luồng giao nhau, luồng cong gấp mà tầm nhìn bị hạn chế thì ngoài tín hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trên phương tiện còn phải có người cảnh giới và phát âm hiệu theo quy định tại khoản 8 Điều 47 của Luật này.

Điều 58. Tín hiệu trên phương tiện có động cơ chở khách

1. Ban đêm, ngoài đèn hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 50 của Luật này, trong suốt thời gian hành trình, phương tiện có động cơ chở khách thắp một đèn trắng nhấp nháy liên tục, đặt cao hơn đèn trắng mũi 1 mét hoặc đèn nửa xanh nửa đỏ 0,5 mét.

2. Ban ngày, ở vị trí cao nhất trên cột đèn treo một cờ vàng đuôi nheo.

Điều 59. Tín hiệu trên phương tiện chở hàng nguy hiểm

1. Ban đêm, ngoài các đèn hiệu quy định tại Điều 50 của Luật này, ở vị trí cao nhất trên cột đèn thắp một đèn đỏ.

2. Ban ngày, ở vị trí cao nhất trên cột đèn treo cờ hiệu "Cờ chữ B".

Điều 60. Tín hiệu trên tàu cá

1. Ban đêm, ngoài các đèn hiệu quy định tại Điều 50 của Luật này, phương tiện đang thả lưới thắp thêm ở phía thả lưới một đèn trắng trên một đèn xanh, đèn xanh đặt cao hơn mặt nước ít nhất 2 mét.

2. Ban ngày, phương tiện có chiều dài lớn nhất từ 20 mét trở lên, trên cột đèn treo một dấu hiệu gồm hai hình tam giác đều màu trắng, mỗi cạnh 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế đối đỉnh nhau; phương tiện có chiều dài lớn nhất dưới 20 mét, trên cột đèn treo một dấu hiệu gồm hai hình tròn màu trắng, đường kính 0,3 mét ghép theo kiểu múi khế.

Điều 61. Tín hiệu trên phương tiện có người ngã xuống nước

1. Ban đêm, trên cột đèn thắp một đèn xanh giữa hai đèn đỏ, các đèn đặt cách nhau 1 mét, đèn đỏ dưới cao hơn mặt nước 2 mét, đồng thời phát âm hiệu liên tục theo quy định tại khoản 7 Điều 47 của Luật này.

2. Ban ngày, trên cột đèn treo cờ hiệu "Cờ chữ O", đồng thời phát âm hiệu liên tục theo quy định tại khoản 7 Điều 47 của Luật này.

Điều 62. Tín hiệu trên phương tiện yêu cầu cảnh sát, thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa hỗ trợ

1. Ban đêm, trên cột đèn thắp một đèn xanh trên một đèn đỏ, đặt cách nhau 1 mét.

2. Ban ngày, trên cột đèn treo cờ xanh.

Điều 63. Tín hiệu trên phương tiện có người, súc vật bị dịch bệnh

1. Ban đêm, ở vị trí cao nhất trên cột đèn thắp một đèn vàng.

2. Ban ngày, trên cột đèn treo cờ hiệu "Cờ chữ Q" phía trên cờ hiệu "Cờ chữ L".

Điều 64. Tín hiệu trên phương tiện bị nạn yêu cầu cấp cứu

1. Ban đêm, trên cột đèn thắp một đèn đỏ nhấp nháy liên tục, đồng thời phát liên tiếp những tiếng còi ngắn hoặc đánh liên hồi chuông, kẻng.

2. Ban ngày, trên cột đèn treo cờ hiệu "Cờ chữ N" phía trên cờ hiệu "Cờ chữ C" và phát âm hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 65. Tín hiệu báo trạm kiểm soát, phương tiện tuần tra, kiểm soát giao thông

Cảnh sát giao thông đường thuỷ bố trí tín hiệu báo trạm kiểm soát, phương tiện tuần tra, kiểm soát giao thông như sau:

1. Tại trạm kiểm soát giao thông, ở vị trí cao, dễ quan sát nhất:

a) Ban đêm, thắp một đèn xanh trên một đèn trắng, đặt cách nhau 0,6 mét trên cùng một cột dọc;

b) Ban ngày, treo cờ hiệu "Cờ chữ K";

2. Trên phương tiện tuần tra, kiểm soát giao thông:

a) Ban đêm, ngoài các đèn hiệu quy định tại Điều 50 của Luật này, ở vị trí cao nhất trên cột đèn thắp một đèn xanh trên một đèn trắng, cách nhau 0,6 mét;

b) Ban ngày, ở vị trí cao nhất trên cột đèn treo cờ hiệu "Cờ chữ K".

Điều 66. Tín hiệu gọi phương tiện để kiểm soát giao thông

Ngoài tín hiệu quy định tại Điều 65 của Luật này, Cảnh sát giao thông đường thuỷ khi gọi phương tiện để kiểm soát phải phát tín hiệu như sau:

1. Ban đêm, hướng đèn hiệu về phía phương tiện cần kiểm soát, phát một chớp sáng dài, một chớp sáng ngắn, một chớp sáng dài, đồng thời phát âm hiệu một tiếng dài, một tiếng ngắn, một tiếng dài;

2. Ban ngày, hướng cờ hiệu "Cờ chữ K" về phía phương tiện cần kiểm soát, phất ba lần theo chiều thẳng đứng từ trên xuống, đồng thời phát âm hiệu một tiếng dài, một tiếng ngắn, một tiếng dài;

3. Phương tiện nhận được tín hiệu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này phải chấp hành việc kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Điều 67. Tín hiệu trên phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt

Ngoài đèn hiệu quy định tại Điều 50 của Luật này, phương tiện khi làm nhiệm vụ đặc biệt phải sử dụng đồng thời âm hiệu, đèn hiệu, cờ hiệu theo quy định sau đây:

1. Còi ưu tiên có âm hiệu đặc biệt;

2. Đèn hiệu quay nhanh liên tục đặt trên cột đèn với màu sắc như sau:

a) Màu xanh đối với phương tiện chữa cháy, phương tiện của công an làm nhiệm vụ khẩn cấp, hộ tống hoặc dẫn đường;

b) Màu đỏ đối với phương tiện cứu nạn, phương tiện hộ đê, phương tiện của quân đội làm nhiệm vụ khẩn cấp;

3. Cờ hiệu:

a) Cờ trắng chữ thập đỏ đối với phương tiện cứu nạn;

b) Cờ đỏ đuôi nheo có quân hiệu đối với phương tiện của quân đội;

c) Cờ xanh lá cây đuôi nheo có công an hiệu đối với phương tiện của công an;

d) Cờ đỏ đuôi nheo đối với phương tiện chữa cháy hoặc hộ đê.

Điều 68. Tín hiệu trên phương tiện đưa đón hoa tiêu

1. Ban đêm, ngoài các đèn hiệu quy định tại Điều 50 của Luật này, trên cột đèn thắp một đèn trắng đặt trên một đèn đỏ phía trên đèn trắng mũi hoặc đèn nửa xanh nửa đỏ, các đèn cách nhau 0,5 mét.

2. Ban ngày, trên cột đèn treo cờ hiệu "Cờ chữ H".

Chương 6:

HOẠT ĐỘNG CỦA CẢNG, BẾN THUỶ NỘI ĐỊA, CẢNG VỤ VÀ HOA TIÊU ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 69. Quản lý hoạt động của cảng, bến thuỷ nội địa

1. Cảng, bến thuỷ nội địa chỉ được hoạt động khi bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Chủ đầu tư cảng, bến thuỷ nội địa trực tiếp khai thác hoặc cho thuê khai thác cảng, bến thuỷ nội địa.

3. Kinh doanh xếp, dỡ hàng hoá, phục vụ hành khách tại cảng, bến thuỷ nội địa là hoạt động kinh doanh có điều kiện.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động và phân cấp quản lý đối với cảng, bến thuỷ nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định về quản lý hoạt động đối với cảng, bến thuỷ nội địa làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cảng cá, bến cá.

6. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý hoạt động của bến khách ngang sông và các cảng, bến thuỷ nội địa được phân cấp cho địa phương quản lý.

Điều 70. Hoạt động của phương tiện, tàu biển tại cảng, bến thuỷ nội địa

1. Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện, tàu biển vào những cảng, bến thuỷ nội địa được phép hoạt động; khi ra, vào, neo đậu tại cảng, bến thuỷ nội địa phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Thuyền viên, người lái phương tiện của phương tiện, tàu biển hoạt động trong phạm vi cảng, bến thuỷ nội địa phải chấp hành các quy định pháp luật và nội quy của cảng, bến thuỷ nội địa đó.

Điều 71. Cảng vụ đường thuỷ nội địa

1. Cảng vụ đường thuỷ nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và phòng ngừa ô nhiễm môi trường

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tổ chức, hoạt động và phạm vi hoạt động của Cảng vụ đường thuỷ nội địa.

Điều 72. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ đường thuỷ nội địa

1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện, tàu biển trong vùng nước cảng, bến thuỷ nội địa.

2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của phương tiện, tàu biển; kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thuỷ nội địa.

3. Không cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thuỷ nội địa khi cảng, bến hoặc phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn hoặc cảng, bến không đủ điều kiện pháp lý hoạt động.

4. Thông báo tình hình luồng cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thuỷ nội địa.

5. Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cầu tàu, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến thuỷ nội địa; khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý kịp thời.

6. Giám sát việc khai thác, sử dụng cầu tàu, bến bảo đảm an toàn; yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác cảng, bến thuỷ nội địa tạm ngừng khai thác cầu tàu, bến khi xét thấy có ảnh hưởng đến an toàn cho người, phương tiện hoặc công trình.

7. Tổ chức tìm kiếm, cứu người, hàng hoá, phương tiện, tàu biển bị nạn trong vùng nước cảng, bến thuỷ nội địa.

8. Huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực trong khu vực cảng, bến thuỷ nội địa để tham gia cứu người, hàng hoá, phương tiện, tàu biển trong trường hợp khẩn cấp và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cảng, bến thuỷ nội địa.

9. Tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong khu vực cảng, bến thuỷ nội địa; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn.

10. Xử phạt vi phạm hành chính; lưu giữ phương tiện; thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

11. Chủ trì phối hợp hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước khác tại cảng, bến thuỷ nội địa có tiếp nhận phương tiện, tàu biển nước ngoài.

Điều 73. Hoa tiêu đường thuỷ nội địa

1. Phương tiện, tàu biển nước ngoài khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải theo chế độ hoa tiêu bắt buộc. Phương tiện, tàu biển Việt Nam khi cần có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn đường.

2. Việc sử dụng hoa tiêu không làm miễn, giảm trách nhiệm chỉ huy của thuyền trưởng, kể cả trong trường hợp việc sử dụng hoa tiêu là bắt buộc.

Thuyền trưởng có quyền lựa chọn hoa tiêu hoặc yêu cầu thay thế hoa tiêu.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, hoạt động hoa tiêu; tiêu chuẩn và chứng chỉ chuyên môn của hoa tiêu.

Điều 74. Nhiệm vụ của hoa tiêu

1. Trong thời gian dẫn phương tiện, tàu biển, hoa tiêu thuộc quyền chỉ huy của thuyền trưởng. Nhiệm vụ của hoa tiêu chỉ được coi là kết thúc sau khi phương tiện, tàu biển đã thả neo, cập cầu cảng hoặc đã đến vị trí thoả thuận một cách an toàn. Hoa tiêu không được phép rời phương tiện, tàu biển nếu chưa được sự đồng ý của thuyền trưởng.

2. Hoa tiêu có nghĩa vụ chỉ dẫn cho thuyền trưởng về tình trạng luồng ở khu vực dẫn phương tiện, tàu biển; kiến nghị với thuyền trưởng về các hành vi không phù hợp với quy định bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và các quy định khác của pháp luật.

Khi thuyền trưởng cố ý không thực hiện các chỉ dẫn hoặc khuyến nghị hợp lý của hoa tiêu thì hoa tiêu có quyền từ chối dẫn phương tiện, tàu biển với sự làm chứng của người thứ ba.

3. Hoa tiêu có nghĩa vụ thông báo cho Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa về những thay đổi của luồng đã phát hiện trong khi dẫn phương tiện, tàu biển.

Điều 75. Trách nhiệm của thuyền trưởng trong thời gian thuê hoa tiêu

1. Thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo cho hoa tiêu về tính năng và đặc điểm của phương tiện, tàu biển; bảo đảm an toàn cho hoa tiêu khi lên hoặc rời phương tiện, tàu biển; cung cấp cho hoa tiêu các điều kiện làm việc và sinh hoạt trong thời gian hoa tiêu ở trên phương tiện, tàu biển.

2. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, nếu hoa tiêu không thể rời phương tiện, tàu biển tại ví trí đã thoả thuận thì thuyền trưởng phải tìm biện pháp để hoa tiêu rời phương tiện, tàu biển và chịu chi phí để hoa tiêu trở về nơi đã tiếp nhận hoa tiêu.

3. Thuyền trưởng có trách nhiệm trả phí hoa tiêu theo quy định của pháp luật.

Điều 76. Trách nhiệm của chủ phương tiện và hoa tiêu khi có tổn thất

Khi xảy ra tổn thất do lỗi của hoa tiêu gây ra, chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất như đối với tổn thất do lỗi của thuyền viên gây ra; hoa tiêu được miễn bồi thường thiệt hại vật chất nhưng phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

VẬN TẢI ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 77. Hoạt động vận tải đường thuỷ nội địa

1. Vận tải đường thuỷ nội địa gồm vận tải người, vận tải hàng hoá.

2. Kinh doanh vận tải đường thuỷ nội địa là kinh doanh có điều kiện.

3. Người vận tải đường thuỷ nội địa chỉ được đưa phương tiện vào khai thác đúng với công dụng và vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm.

4. Khi vận tải, hàng hoá phải được sắp xếp gọn gàng, chắc chắn, bảo đảm ổn định phương tiện, không che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, không ảnh hưởng đến hoạt động của thuyền viên khi làm nhiệm vụ, không gây cản trở đến hoạt động của các hệ thống lái, neo và các trang thiết bị an toàn khác; không được xếp hàng hoá vượt kích thước theo chiều ngang, chiều dọc của phương tiện.

5. Người kinh doanh vận tải hàng hoá dễ cháy, dễ nổ trên đường thuỷ nội địa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải đối với người thứ ba; người kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải đối với hành khách.

Điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu do Chính phủ quy định.

6. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải đường thuỷ nội địa ngoài việc thực hiện các quy định về vận tải của Luật này còn phải thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 78. Vận tải hành khách đường thuỷ nội địa

1. Vận tải hành khách đường thuỷ nội địa gồm các hình thức sau đây:

a) Vận tải hành khách theo tuyến cố định là vận tải có cảng, bến nơi đi, cảng, bến nơi đến và theo biểu đồ vận hành ổn định;

b) Vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến là vận tải theo yêu cầu của hành khách trên cơ sở hợp đồng;

c) Vận tải hành khách ngang sông là vận tải từ bờ bên này sang bờ bên kia, trừ vận tải ngang sông bằng phà.

2. Người kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định hoặc vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến có trách nhiệm:

a) Công bố và thực hiện đúng lịch chạy tàu hoặc thời gian vận tải, công khai cước vận tải, lập danh sách hành khách mỗi chuyến đi;

b) Bố trí phương tiện bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 24 của Luật này.

3. Thuyền trưởng, người lái phương tiện chở khách hoặc phương tiện chở chung hành khách, hàng hoá phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Trước khi khởi hành phải kiểm tra điều kiện an toàn đối với người và phương tiện; phổ biến nội quy an toàn và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho hành khách; không để hành khách đứng, ngồi ở các vị trí không an toàn;

b) Xếp hàng hoá, hành lý của hành khách gọn gàng, không cản lối đi; yêu cầu hành khách mang theo động vật nhỏ phải nhốt trong lồng, cũi;

c) Không chở hàng hoá dễ cháy, dễ nổ, hàng độc hại, động vật lớn chung với hành khách; không để hành khách mang theo súc vật đang bị dịch bệnh lên phương tiện;

d) Khi có giông, bão không được cho phương tiện rời cảng, bến, nếu phương tiện đang hành trình thì phải tìm nơi trú ẩn an toàn.

Điều 79. Vận tải hành khách ngang sông

1. Phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 24 của Luật này.

2. Ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 78 của Luật này, thuyền trưởng, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Có đủ dụng cụ cứu sinh còn hạn sử dụng và bố trí đúng nơi quy định;

b) Hướng dẫn hành khách lên, xuống; sắp xếp hàng hóa, hành lý; hướng dẫn hành khách ngồi bảo đảm ổn định phương tiện;

c) Chỉ được cho phương tiện rời bến khi hành khách đã ngồi ổn định, hàng hóa, hành lý, xe máy, xe đạp đã xếp gọn gàng và sau khi đã kiểm tra phương tiện không chìm quá vạch dấu mớn nước an toàn;

d) Không chở người quá sức chở người của phương tiện, chở hàng hoá quá trọng tải quy định.

3. Hành khách phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của thuyền trưởng, người lái phương tiện.

Điều 80. Vận tải bằng phương tiện nhỏ

Phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 5 tấn, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 mã lực, phương tiện không có động cơ có sức chở đến 12 người, khi chở người phải có đủ chỗ ngồi ổn định, an toàn và có đủ dụng cụ cứu sinh tương ứng với số người trên phương tiện; khi chở hàng hoá không được chở quá trọng tải quy định, không được xếp hàng hoá che khuất tầm nhìn của người lái phương tiện, không gây mất ổn định và không làm ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện.

Điều 81. Hợp đồng vận tải hành khách, vé hành khách

1. Hợp đồng vận tải hành khách là sự thoả thuận giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải về vận tải hành khách, hành lý từ cảng, bến nơi đi đến cảng, bến nơi đến, trong đó xác định quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi của các bên. Hợp đồng vận tải hành khách được lập thành văn bản hoặc theo hình thức khác mà hai bên thoả thuận.

2. Vé hành khách là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận tải hành khách. Vé hành khách phải theo mẫu quy định, trong đó ghi rõ tên, số đăng ký của phương tiện; tên cảng, bến nơi đi; tên cảng, bến nơi đến; ngày, giờ phương tiện rời cảng, bến và giá vé.

3. Việc miễn, giảm vé, ưu tiên mua vé và hoàn trả vé hành khách thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 82. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hành khách

1. Người kinh doanh vận tải hành khách có quyền:

a) Yêu cầu hành khách trả đủ cước phí vận tải hành khách, cước phí vận tải hành lý mang theo quá mức theo quy định của pháp luật;

b) Từ chối vận chuyển trước khi phương tiện rời cảng, bến đối với những hành khách đã có vé nhưng có hành vi không chấp hành các quy định của người kinh doanh vận tải, làm mất trật tự công cộng gây cản trở công việc của người kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài sản của người khác, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm.

2. Người kinh doanh vận tải hành khách có nghĩa vụ:

a) Giao vé hành khách, chứng từ thu cước phí vận tải hành lý, bao gửi cho người đã trả đủ cước phí vận tải;

b) Vận tải hành khách, hành lý, bao gửi từ cảng, bến nơi đi đến cảng, bến nơi đến đã ghi trên vé hoặc đúng địa điểm đã thoả thuận theo hợp đồng; bảo đảm an toàn và đúng thời hạn;

c) Bảo đảm điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho hành khách trong trường hợp vận tải bị gián đoạn do tai nạn hoặc do nguyên nhân bất khả kháng;

d) Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hành khách, hành lý, bao gửi khi cần thiết;

đ) Bồi thường thiệt hại cho hành khách nếu không vận tải đến đúng địa điểm và thời hạn đã thoả thuận hoặc khi có tổn thất, hư hỏng, mất mát hành lý ký gửi, bao gửi hoặc thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của hành khách do lỗi của người kinh doanh vận tải hành khách gây ra.

Điều 83. Quyền và nghĩa vụ của hành khách

1. Hành khách có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu được vận chuyển bằng đúng loại phương tiện, đúng giá trị loại vé, từ cảng, bến nơi đi đến cảng, bến nơi đến theo vé đã mua;

b) Được miễn cước phí hành lý mang theo với khối lượng theo quy định của pháp luật;

c) Được từ chối chuyến đi trước khi phương tiện rời cảng, bến và được hoàn trả lại tiền vé theo quy định. Sau khi phương tiện khởi hành, nếu rời phương tiện tại bất kỳ cảng, bến nào thì không được hoàn trả lại tiền vé, trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định;

d) Yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh, bồi thường thiệt hại trong trường hợp người kinh doanh vận tải hành khách không vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng.

2. Hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

a) Mua vé hành khách và trả cước phí vận tải hành lý mang theo quá mức quy định; nếu chưa mua vé và chưa trả đủ cước phí vận tải hành lý mang theo quá mức thì phải mua vé, trả đủ cước phí và nộp tiền phạt;

b) Khai đúng tên, địa chỉ của mình và trẻ em đi kèm khi người kinh doanh vận tải lập danh sách hành khách;

c) Có mặt tại nơi xuất phát đúng thời gian đã thoả thuận; chấp hành nội quy vận chuyển và hướng dẫn về an toàn của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện;

d) Không mang theo hành lý thuộc loại hàng hoá mà pháp luật cấm lưu thông, cấm vận tải chung với hành khách.

Điều 84. Hành lý ký gửi, bao gửi

1. Hành lý ký gửi, bao gửi chỉ được nhận vận chuyển khi không thuộc loại hàng hoá mà pháp luật cấm lưu thông, có kích thước, trọng lượng phù hợp với phương tiện, được đóng gói đúng quy cách, đã trả đủ cước phí vận tải và được giao cho người kinh doanh vận tải trước khi phương tiện khởi hành theo thời hạn do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

2. Người có bao gửi phải lập tờ khai gửi hàng hoá, trong đó kê khai tên hàng hoá, số lượng, khối lượng, tên và địa chỉ người gửi, tên và địa chỉ người nhận. Người kinh doanh vận tải có trách nhiệm kiểm tra bao gửi theo tờ khai gửi hàng hoá và xác nhận vào tờ khai gửi hàng hoá. Tờ khai gửi hàng hoá được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. Người kinh doanh vận tải có trách nhiệm gửi giấy báo nhận bao gửi cho người nhận bao gửi.

3. Hành khách có hành lý ký gửi khi nhận hành lý phải xuất trình vé hành khách và chứng từ thu cước phí vận tải hành lý ký gửi.

4. Người nhận bao gửi phải xuất trình giấy báo nhận bao gửi, tờ khai gửi hàng hoá, chứng từ thu cước phí vận tải và giấy tờ tuỳ thân.

5. Người kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm bồi thường mất mát, hư hỏng hành lý ký gửi, bao gửi theo quy định của pháp luật.

Điều 85. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải đối với hành khách

1. Vé, danh sách hành khách lên phương tiện trong mỗi chuyến đi là căn cứ để giải quyết bảo hiểm cho hành khách khi có sự cố rủi ro; đối với vận tải hành khách ngang sông thì việc bồi thường được thực hiện theo hợp đồng bảo hiểm giữa người kinh doanh vận tải với người bảo hiểm.

2. Việc trả tiền bảo hiểm cho hành khách được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 86. Hợp đồng vận tải hàng hoá, giấy gửi hàng hoá và giấy vận chuyển

1. Hợp đồng vận tải hàng hoá là sự thoả thuận giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải, trong đó xác định quan hệ về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Hợp đồng vận tải được lập thành văn bản hoặc theo các hình thức khác mà hai bên thoả thuận.

2. Giấy gửi hàng hoá là bộ phận của hợp đồng vận tải do người thuê vận tải lập và gửi cho người kinh doanh vận tải trước khi giao hàng hoá. Giấy gửi hàng hoá có thể lập cho cả khối lượng hàng hoá thuê vận tải hoặc theo từng chuyến do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

Giấy gửi hàng hoá phải ghi rõ loại hàng hoá; ký hiệu, mã hiệu hàng hóa; số lượng, trọng lượng hàng hoá; nơi giao hàng hoá, nơi nhận hàng hoá; tên và địa chỉ của người gửi hàng; tên và địa chỉ của người nhận hàng; những yêu cầu khi xếp, dỡ, vận tải hàng hoá.

3. Giấy vận chuyển là chứng từ giao nhận hàng hoá giữa người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải, là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.

Giấy vận chuyển do người kinh doanh vận tải lập sau khi hàng hoá đã xếp lên phương tiện và phải có chữ ký của người thuê vận tải hoặc người được người thuê vận tải uỷ quyền.

Giấy vận chuyển phải ghi rõ loại hàng hoá; ký hiệu, mã hiệu hàng hoá; số lượng, trọng lượng hàng hoá; nơi giao hàng hoá, nơi nhận hàng hoá; tên và địa chỉ của người gửi hàng, tên và địa chỉ của người nhận hàng; cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; các chi tiết khác mà người kinh doanh vận tải và người thuê vận tải thoả thuận ghi vào giấy vận chuyển; xác nhận của người kinh doanh vận tải về tình trạng hàng hoá nhận vận tải.

Điều 87. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hoá

1. Người kinh doanh vận tải hàng hoá có quyền:

a) Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp các thông tin cần thiết về hàng hoá để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của các thông tin đó;

b) Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước phí vận tải và các chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thoả thuận trong hợp đồng;

c) Từ chối vận tải nếu người thuê vận tải không giao hàng hoá theo thoả thuận trong hợp đồng;

d) Yêu cầu giám định hàng hoá khi cần thiết;

đ) Lưu giữ hàng hoá trong trường hợp người thuê vận tải không thanh toán đủ cước phí vận tải và chi phí phát sinh theo thoả thuận trong hợp đồng.

2. Người kinh doanh vận tải hàng hoá có nghĩa vụ:

a) Cung cấp phương tiện đúng loại, đúng địa điểm; bảo quản hàng hoá trong quá trình vận tải và giao hàng hoá cho người nhận hàng theo thoả thuận trong hợp đồng;

b) Thông báo cho người thuê vận tải biết thời gian phương tiện đến cảng, bến và thời gian phương tiện đã làm xong thủ tục vào cảng, bến. Thời điểm thông báo do các bên thoả thuận trong hợp đồng;

c) Hướng dẫn xếp, dỡ hàng hoá trên phương tiện;

d) Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải do mất mát, hư hỏng toàn bộ hoặc một phần hàng hoá xảy ra trong quá trình vận tải từ lúc nhận hàng đến lúc giao hàng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này.

Điều 88. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hoá

1. Người thuê vận tải hàng hoá có quyền:

a) Từ chối xếp hàng hoá lên phương tiện mà người kinh doanh vận tải đã bố trí nếu phương tiện không phù hợp để vận tải loại hàng hoá đã thoả thuận trong hợp đồng;

b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải giao hàng hoá đúng địa điểm, thời gian đã thoả thuận trong hợp đồng;

c) Yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 87 của Luật này.

2. Người thuê vận tải hàng hoá có nghĩa vụ:

a) Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp về hàng hoá trước khi giao hàng hoá cho người kinh doanh vận tải; đóng gói hàng hoá đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu hàng hoá đầy đủ và rõ ràng; giao hàng hoá cho người kinh doanh vận tải đúng địa điểm, thời gian và các nội dung khác ghi trong giấy gửi hàng hoá;

b) Thanh toán cước phí vận tải và chi phí phát sinh cho người kinh doanh vận tải hàng hoá; đối với hợp đồng thực hiện trong một chuyến thì phải thanh toán đủ sau khi hàng hoá đã xếp lên phương tiện, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng; đối với hợp đồng thực hiện trong một thời gian dài, nhiều chuyến thì hai bên thoả thuận định kỳ thanh toán, nhưng phải thanh toán đủ cước phí vận tải theo hợp đồng trước khi kết thúc chuyến cuối cùng, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng;

c) Cử người áp tải hàng hoá trong quá trình vận tải đối với loại hàng hoá bắt buộc phải có người áp tải.

Điều 89. Quyền và nghĩa vụ của người nhận hàng

1. Người nhận hàng có quyền:

a) Nhận và kiểm tra hàng hoá nhận được theo giấy vận chuyển;

b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải thanh toán chi phí phát sinh do giao hàng hoá chậm;

c) Yêu cầu hoặc thông báo cho người thuê vận tải yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại do mất mát, hư hỏng hàng hoá;

d) Yêu cầu giám định hàng hoá khi cần thiết.

2. Người nhận hàng có nghĩa vụ:

a) Đến nhận hàng hoá đúng thời gian, địa điểm đã thoả thuận; xuất trình giấy vận chuyển và giấy tờ tuỳ thân cho người kinh doanh vận tải trước khi nhận hàng hoá;

b) Thanh toán chi phí phát sinh do việc nhận hàng hoá chậm;

c) Thông báo cho người kinh doanh vận tải về mất mát, hư hỏng hàng hoá ngay khi nhận hàng hoá hoặc chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày nhận hàng hoá nếu không thể phát hiện thiệt hại từ bên ngoài.

Điều 90. Xử lý hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi không có người nhận hoặc người nhận từ chối

1. Khi hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi đã được vận tải đến nơi trả hàng mà không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận thì người kinh doanh vận tải có quyền gửi hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi vào nơi an toàn, thích hợp và thông báo ngay cho người thuê vận tải biết; mọi chi phí phát sinh do người thuê vận tải chịu.

2. Sau ba mươi ngày, kể từ ngày người kinh doanh vận tải thông báo cho người thuê vận tải, nếu người kinh doanh vận tải không nhận được trả lời của người thuê vận tải hoặc người kinh doanh vận tải không được thanh toán đầy đủ chi phí phát sinh thì người kinh doanh vận tải có quyền bán đấu giá hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi để trang trải chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật về bán đấu giá; nếu hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi thuộc loại mau hỏng hoặc chi phí ký gửi quá lớn so với giá trị của hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi thì người kinh doanh vận tải có quyền bán đấu giá trước thời hạn trên, nhưng phải thông báo cho người thuê vận tải biết trước khi bán.

3. Hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi thuộc loại cấm lưu thông hoặc có quy định hạn chế vận chuyển mà không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận thì được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Điều 91. Bồi thường hàng hoá bị mất mát, hư hỏng

1. Khi người kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với hàng hoá mất mát, hư hỏng toàn bộ hoặc một phần thì mức bồi thường được tính theo giá trị hàng hoá tại nơi và thời điểm mà hàng hoá được giao cho người nhận hàng.

2. Giá bồi thường đối với hàng hoá mất mát, hư hỏng do hai bên thoả thuận theo giá thị trường tại thời điểm trả tiền bồi thường; trường hợp không xác định được giá thị trường thì tính theo giá trung bình của hàng hoá cùng loại, cùng chất lượng.

Điều 92. Thời hạn gửi yêu cầu bồi thường, thời hạn giải quyết bồi thường và thời hiệu khởi kiện

1. Thời hạn gửi yêu cầu bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi là hai mươi ngày, kể từ ngày hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi được giao cho người nhận hoặc ngày mà lẽ ra hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi phải được giao cho người nhận. Người kinh doanh vận tải phải giải quyết bồi thường trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có yêu cầu bồi thường của người thuê vận tải.

2. Thời hạn gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của hành khách là hai mươi ngày, kể từ thời điểm xảy ra thiệt hại. Người kinh doanh vận tải có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có yêu cầu bồi thường của hành khách hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.

3. Trường hợp hai bên không giải quyết được yêu cầu bồi thường thì có quyền yêu cầu trọng tài kinh tế hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi, đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khoẻ là một năm, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 93. Giới hạn trách nhiệm của người kinh doanh vận tải

1. Người thuê vận tải căn cứ vào giá trị hàng hoá khai trong giấy vận chuyển và theo mức thiệt hại thực tế mà yêu cầu bồi thường, nhưng không vượt quá giá trị hàng hoá đã ghi trong giấy vận chuyển.

2. Trường hợp người thuê vận tải không khai giá trị hàng hoá thì mức bồi thường được tính theo giá trung bình của hàng hoá cùng loại, nhưng không vượt quá mức bồi thường do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

Điều 94. Miễn bồi thường

1. Người kinh doanh vận tải được miễn bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi trong các trường hợp sau đây:

a) Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi hoặc hao hụt ở mức cho phép;

b) Do việc bắt giữ hoặc cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với phương tiện, hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi;

c) Do nguyên nhân bất khả kháng;

d) Do lỗi của người thuê vận tải, người nhận hàng hoặc người áp tải hàng hoá.

2. Người thuê vận tải được miễn bồi thường vi phạm hợp đồng trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 95. Vận tải hàng hoá nguy hiểm

1. Phương tiện vận tải hàng hoá nguy hiểm phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và phải có ký hiệu riêng. Người vận tải phải chấp hành đúng quy định về phòng chống độc hại, phòng chống cháy, nổ; phải có phương án ứng cứu sự cố tràn dầu khi vận tải xăng, dầu.

2. Chính phủ quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm và việc vận tải hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa.

Điều 96. Vận tải hàng hoá siêu trường, siêu trọng

Việc vận tải hàng hoá siêu trường, siêu trọng phải sử dụng loại phương tiện phù hợp với loại hàng hoá và phải có phương án bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 97. Vận tải động vật sống

1. Tuỳ theo loại động vật sống, người kinh doanh vận tải yêu cầu người thuê vận tải bố trí người áp tải để chăm sóc trong quá trình vận tải.

2. Người thuê vận tải chịu trách nhiệm về việc xếp, dỡ động vật sống theo hướng dẫn của người kinh doanh vận tải; trường hợp người thuê vận tải không thực hiện được thì phải trả cước phí xếp, dỡ cho người kinh doanh vận tải.

3. Việc vận tải động vật sống trên đường thuỷ nội địa phải tuân theo quy định của pháp luật về vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường.

Điều 98. Vận tải thi hài, hài cốt

1. Thi hài, hài cốt được vận tải phải có người áp tải.

2. Thi hài phải được để trong hòm kín và đặt ở khoang riêng.

3. Thi hài, hài cốt chỉ được vận tải khi có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Chương 8:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Điều 99. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa.

2. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa.

3. Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Thuỷ sản thực hiện các biện pháp bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa đối với người, phương tiện tham gia giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật; thống kê, cung cấp dữ liệu về tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa.

4. Bộ Thuỷ sản chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cảng cá, bến cá, khu vực hoạt động thuỷ sản trên đường thuỷ nội địa; chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với tàu cá hoạt động trên đường thuỷ nội địa.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan khi xây dựng quy hoạch hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi và kế hoạch phòng, chống lụt, bão có liên quan đến giao thông đường thuỷ nội địa; chỉ đạo thực hiện việc đặt, duy trì báo hiệu đường thuỷ nội địa đối với các công trình thuỷ lợi và thanh thải kịp thời các công trình thuỷ lợi không còn sử dụng nhưng ảnh hưởng tới luồng và hành lang bảo vệ luồng.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng quy hoạch phát triển lưu vực sông, quản lý khai thác tài nguyên có liên quan đến luồng và hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường trên đường thuỷ nội địa.

7. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa.

Điều 100. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức, chỉ đạo các sở, ban, ngành trực thuộc và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và chịu trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa phương; tổ chức cứu nạn, giải quyết hậu quả các vụ tai nạn trên đường thuỷ nội địa trong phạm vi địa phương.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa của địa phương.

3. Tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa theo thẩm quyền; áp dụng các biện pháp thiết lập trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa phương.

Điều 101. Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa

1. Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa là thanh tra chuyên ngành, có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, vận tải đường thuỷ nội địa, phương tiện, thuyền viên và người lái phương tiện.

2. Tổ chức và hoạt động của thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 102. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2005.

Điều 103. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004.

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

THE NATIONAL ASSEMBLY
---------------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
--------------

No. 23/2004/QH11

Hanoi, June 15, 2004

 

LAW

ON INLAND WATERWAY NAVIGATION

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of December 25, 2001 of the Xth National Assembly, the 10th session;
This Law provides for inland waterway navigation.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Scope of regulation

This Law provides for inland waterway navigation activities; conditions to ensure safety for inland waterway navigation infrastructures, vessels and people participating in inland waterway navigation and transport.

Article 2.- Subjects of application

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where international agreements which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded to contain provisions different from those of this Law, the provisions of such international agreements shall apply.

Article 3.- Interpretation of terms

In this Law, the following terms are construed as follows:

1. Inland waterway navigation activities mean activities of people and vessels participating in inland waterway navigation or transport; planning of the development, building, operation and protection of inland waterway navigation infrastructures and State management over inland waterway navigation.

2. Navigable channel (hereinafter called channel) means a water area limited by the system of inland waterway signals, where vessels can navigate smoothly and safely;

3. Lock means a construction used exclusively for raising and lowering the water level to help vessels pass places with different water levels on inland waterways.

4. Inland waterways mean channels, locks or constructions to help vessels pass river dams or falls, canals, ditches or channels on lakes, marshes, lagoons, bays, gulfs, along the coastline, leading to islands or linking islands within the internal waters of the Socialist Republic of Vietnam, which are managed and exploited for navigation and transport.

5. Channel protection corridor means a delimited water area or land strips stretching along both sides of a channel for installation of signals, protection of the channel and assurance of navigation safety.

6. Clearance means the removal of obstructions on inland waterways.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. Rudimentary vessel means a non-motorized vessel propelled only by manpower, wind power or water power.

9. Raft means a craft of bamboo, timber or other floating materials fastened together, which can sail or be used as a makeshift transport craft on inland waterways.

10. Vessel transformation means the change of the performance, structure and/or utility of a vessel.

11. Head-on vessels means two vessels proceeding in opposite directions from one of which one can see the bow of the other vessel straightly in front of the bow of one's vessel.

12. Tow convoy means a convoy of many vessels assembled together and moving thanks to a motorized vessel exclusively used for pulling, pushing or towing alongside.

13. Mixed tow convoy means a tow convoy assembled in lines propelled by at least two of three modes of pulling, pushing and towing alongside.

14. Gross tonnage of a vessel means the volume calculated in tons of cargo, fuel, lubricating oil, water in tanks, food, foodstuffs, passengers and their luggage, crew and their personal belongings.

15. Passenger capacity of a vessel means the maximum number of people a vessel is permitted to carry, excluding its crew and steersman and under-one children.

16. Safety waterline means a marking line painted on a vessel to limit the part of its body permitted to be submerged underwater when the vessel operates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



18. Crew mean people working under the titles prescribed for non-motorized vessels with a gross tonnage of over 15 tons each or motorized vessels with total main engine capacity of over 15 horse powers each or vessels with a capacity of over 12 passengers each.

19. Captain means the title of the highest commander on board a non-motorized vessel with a gross tonnage of over 15 tons or a motorized vessel with total main engine capacity of over 15 horse powers or a vessel with a capacity of over 12 passengers.

20. Steersman means a person who personally steers a vessel with a gross tonnage of up to 15 tons or a motorized vessel with total main engine capacity of up to 15 horse powers or a vessel with a capacity of up to 12 passengers or a raft.

21. Inland waterway pilot (hereinafter called pilot) means an advisor who assists the captain in steering the vessel safely.

22. Carrier means an organization or individual using a vessel to transport people and/or cargoes on inland waterways.

23. Transport dealer means a carrier that enters into a passenger and/or cargo transport contract with a transport hirer in order to effect the transport of cargoes and/or passenger for freights or charges.

24. Transport hirer means an organization or individual that enters into a cargo and/or passenger transport contract with a transport dealer.

25. Goods consignee means an organization or individual named as goods consignee in the bill of lading.

26. Luggage means personal belongings and goods carried by passengers on their voyage, including hand-carried and consigned luggage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 4.- Principles for inland waterway navigation activities

1. Inland waterway navigation activities must be smooth and ensure order and safety for people, vessels, property as well as environmental protection; serve socio-economic development and contribute to preserving national defense and security and protecting national sovereignty and interests.

2. To ensure inland waterway navigation order and safety is the responsibility of the entire society, administrations at all levels, organizations and individuals that manage or directly participate in navigation; to take comprehensive measures regarding technical matters and safety of vessels as well as inland waterway navigation infrastructures; to provide training to raise professional and practical skills; to disseminate law and educate about the sense of law observance among people participating in inland waterway navigation; to strictly handle acts of violating the legislation on inland waterway navigation order and safety according to law provisions.

3. Development of inland waterway navigation must comply with plannings and plans and be synchronous.

4. Management of inland waterway navigation activities shall be performed uniformly on the basis of clear assignment and decentralization of responsibilities as well as powers and close coordination among ministries, branches and administrations at all levels.

Article 5.- Inland waterway navigation development policies

1. The State prioritizes investment in developing inland waterway navigation infrastructures on key inland waterway navigation routes, in key economic regions, deep-lying and remote areas with inland waterway navigation comparative advantages over other forms of communication.

2. The State encourages, and creates conditions for, Vietnamese and foreign organizations and individuals to invest in developing inland waterway navigation infrastructures, apply scientific and technological advances, train specialized human resources and invest in dealing in inland waterway transport in order to develop sustainable inland waterway navigation.

Article 6.- Dissemination, popularization of, and education about, the inland waterway navigation legislation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Information and propaganda agencies shall have to organize the regular and widespread dissemination and popularization of the inland waterway navigation legislation among the entire population.

3. State management agencies in charge of education and training shall have to direct the education about the inland waterway navigation legislation at education establishments suitable to the characteristics of each region.

Article 7.- Responsibilities of organizations and individuals when accidents happen on inland waterways

1. Captains or steersmen and persons who are present at the places where inland waterway navigation accidents happen or detect persons and/or vessels in distress on inland waterways must take every measure to rescue in time persons, vessels and/or property in such accidents; protect traces, exhibits related to the accidents; inform such to the nearest police offices or People's Committees, and must turn up at the requests of competent investigating agencies.

2. The informed police offices or People's Committees must immediately send their officials to the scenes of accidents or the places where persons and/or vessels in distress are detected; shall be entitled to mobilize people and vessels to rescue and treat victims, protect property and vessels in distress, traces and exhibits related to the accidents; ensure navigation order, safety and uninteruptedness; where accidents or incidents cause harm to the environment, such must be immediately notified to the State management agencies in charge of environmental protection.

3. Police offices or other competent State agencies, when being informed of accidents on inland waterways, must conduct investigation in time and take handling measures according to law provisions.

4. People's Committees of the localities where accidents happen or accident victims are detected shall have to render help to the victims; where there are dead people in accidents and their burial has been agreed by competent investigating agencies but their identities remain unknown or their relatives are unable to bury them, they shall bury the victims according to law provisions.

Article 8.- Prohibited acts

1. Destroying inland waterway navigation works; erecting obstructions to impede inland waterway navigation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Illegally building houses, tents, stalls or other works on inland waterways in violation of the protection of inland waterway infrastructures.

4. Dumping soil, rocks, sand, gravels or other waste substances, illegally exploiting minerals within the areas of channels and channel protection corridors; putting fixed fishing gear, means of fishing or rearing aquatic resources on channels.

5. Putting in inland waterway navigation vessels which fail to meet the operating conditions prescribed in Article 24 of this Law; using vessels at variance with their utility or with operation areas stated in the technical safety and environmental protection certificates of registry offices.

6. Arranging fewer crewmen than the prescribed complement when putting vessels into operation; crewmen or steersmen working on board vessels without professional diplomas or certificates or with improper ones.

7. Carrying hazardous, inflammable and/or explosive cargoes, large animals together with passengers, carrying passengers in excess of the vessels' capacity or safety waterline.

8. Working on board the vessels when the alcoholic content in blood is higher than 80 milligrams per 100 milliliters of blood or there is more than 40 milligrams per 1 liter of breathed air or there are in blood other stimulants banned from use by law.

9. Escaping after causing accidents in order to shirk responsibility; infringing upon human life and/or property when vessels are in distress; taking advantage of accidents to cause disorder, thus hindering the handling of accidents.

10. Breaching the signal on wave-causing restriction or other ban signals.

11. Organizing illegal races or participating in illegal races of vessels on inland waterways; steering vessels in zigzag, causing danger to other vessels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



13. Other acts of violating the legislation on inland waterway navigation.

Chapter II

PLANNING, CONSTRUCTION AND PROTECTION OF INLAND WATERWAY NAVIGATION INFRASTRUCTURES

Article 9.- Inland waterway navigation infrastructures

1. Inland waterway navigation infrastructures include inland waterways, inland waterway ports and landing stages, navigation embankments and dams and other support works.

2. Inland waterways are classified into national inland waterways, local inland waterways and exclusive inland waterways. Inland waterways are divided according to different technical grades.

3. The responsibility for organizing the inland waterway management and maintenance is decentralized as follows:

a/ The Transport Ministry shall organize the management and maintenance of national inland waterways;

b/ The People's Committees of the provinces and centrally-run cities (hereinafter collectively called provincial-level People's Committees) shall organize the management and maintenance of local inland waterways;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Organizations and individuals specified in Clause 3 of this Article must arrange forces to manage and maintain inland waterways (hereinafter called inland waterway management units).

5. The Transport Minister shall decide on the classification, technical grading and criteria of technical grades, publicize inland waterway routes and prescribe the management of inland waterways.

Article 10.- Planning on development of inland waterway navigation infrastructures

1. The planning on development of inland waterway navigation infrastructures must be based on the socio-economic strategies, river basin plannings, other related plannings and defense as well as security tasks.

Branches, when formulating plannings and projects on construction of works related to inland waterway navigation, must solicit written opinions of competent State management agencies in charge of inland waterway navigation, excluding flood and storm control and dyke protection works.

2. The Prime Minister shall approve the overall planning on development of inland waterway navigation infrastructures at the proposal of the Transport Minister.

3. The Transport Minister shall assume the prime responsibility for, and coordinate with, other ministries and concerned People's Committees in, organizing the formulation and approval of regional plannings on development of inland waterway navigation infrastructures on the basis of the overall planning already approved by the Prime Minister.

4. Provincial-level People's Committees shall organize the formulation and approval of detailed plannings on development of inland waterway navigation infrastructures in their localities on the basis of the regional plannings on development of inland waterway navigation infrastructures.

5. Agencies competent to approve the plannings on development of inland waterway navigation infrastructures shall have to make public such plannings and decide on adjustments thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The construction, renovation and upgrading of inland waterway navigation infrastructures must comply with plannings, ensure technical criteria and navigation safety conditions for all subjects participating in navigation and comply with law provisions on investment, construction, dykes, flood and storm control.

Article 12.- Inland waterway signs

1. Inland waterway signs include buoys, signboards, signal lights and other auxiliary devices, aiming to direct the navigation of vessels operating on inland waterways.

2. The system of inland waterway signs includes:

a/ Channel signs, which indicate the channel limits or the directions for ships to proceed;

b/ Dangerous position signs, which indicate the places where exist obstructions or other dangerous positions on channels.

c/ Notice sign, which display ban notices, restriction notices or instructions on circumstances related to channels.

3. On the already publicized and managed inland waterway routes the systems of inland waterway signs must be installed and maintained.

4. Work owners, organizations and individuals that cause obstructions on inland waterways shall have to install in time and maintain inland waterway signs according to regulations throughout the duration of construction of works or existence of such obstructions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 13.- Inland waterway ports and landing stages

1. Inland waterway port means a system of constructed works for vessels, sea-going ships to berth, load and unload cargoes, embark and disembark passengers and provide other services. Inland waterway ports include public ports and exclusive ports.

Inland waterway landing stage means an independent place which has been reinforced for vessels to berth, load and unload cargoes, embark and disembark passengers. Inland landing stages include public landing stages and exclusive ones.

Exclusive inland waterway ports and landing stages mean inland waterway ports and landing stages of one or several economic organizations, which are only used for loading and unloading cargoes and supplies in service of the production or the building or repair of vessels of such organizations.

2. The building of inland waterway ports and landing stages must be in line with plannings and ensure technical standards.

3. Organizations and individuals, when drawing up projects on construction of inland waterway ports or landing stages must obtain written opinions of competent State management agencies in charge of inland waterway navigation.

4. Inland waterway ports must be categorized according to different technical grades. The Transport Minister shall prescribe technical grades and criteria of technical grades of inland waterway ports as well as criteria of inland landing stages, except for the case prescribed in Clause 5 of this Article.

5. The Defense Minister, the Public Security Minister and the Fisheries Minister shall, within the scope of their respective tasks and powers, prescribe the criteria of inland waterway ports and landing stages engaged on defense and security tasks, fishing ports and wharves.

Article 14.- Contents and area of protection of works belonging to inland waterway navigation infrastructures

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The area of protection of works belonging to inland waterway navigation infrastructures covers works and their protection corridors, the airspace and underground space related to the safety of such works and the safety of inland waterway navigation.

Article 15.- Channel protection

1. The channel protection area covers channels, their protection corridors and the airspace and underground space related to the safety of such channels and the safety of inland waterway navigation.

2. All obstructions within the channel protection areas must be cleared or handled under the provisions of Article 16 and Article 20 of this Law.

3. Work investors or organizations and individuals engaged in the construction of works or mineral exploitation within the channel protection areas must abide by the following provisions:

a/ When formulating projects on work construction or mineral exploitation, written opinions of competent State management agencies in charge of inland waterway navigation must be obtained;

b/ When building, renovating or upgrading works being road bridges, rail bridges, or other works spanning channels, the height and width of clear spans and safe depth of channel bottoms must be ensured according to the criteria of the technical grades of inland waterway navigation routes already determined in the publicized plannings;

c/ Before constructing works or exploiting minerals, plans on ensuring uninterrupted and safe navigation must be made and approved in writing by competent State management agencies in charge of inland waterway navigation;

d/ When completing works or terminating the mineral exploitation, obstructions caused by the work construction or mineral exploitation must be cleared and there must be certifications of the inland waterway management units in charge of the areas in question that navigation on the channels has been ensured as before and the works' dossiers related to the channel protection areas must be handed to the inland waterway management units;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 16.- Channel protection corridors

1. Within the areas of channel protection corridors, fishery and other activities must not hide signs and affect the visibility of persons directly steering vessels and must comply with the guidance of the inland waterway management units.

When channel corridors change, the inland waterway management units must inform such to organizations and individuals engaged in fishery or other activities and ask them to relocate, narrow or clear obstructions they cause on new channels.

2. Within the areas of channel protection corridors, houses and other works must not be constructed and mineral must not be exploited illegally.

3. Provincial-level People's Committees shall prescribe in detail activities of marketplaces, fishing villages, craft villages and other activities in the channel protection corridors, ensuring uninterrupted, orderly and safe inland waterway navigation as well as environmental protection.

4. The Government shall prescribe the areas of channel protection corridors.

Article 17.- Protection of navigation embankments and dams

1. The area of protection of a navigation embankment is prescribed as follows:

a/ For bank-casing embankments, this area stretches 50 meters from the head and the end of such an embankment upstream and downstream, at least 10 meters from the top of the embankment toward the bank and 20 meters from the foot of the embankment towards the channel;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The area of protection of a navigation dam stretches 50 meters from both ends of the dam along the centerline in each direction, 100 meters from the upstream foot of the dam upstream and from the downstream foot of the dam downstream.

3. Within the areas of protection of navigation embankments or dams, the following acts are prohibited:

a/ Placing materials, vessels and equipment, causing slides of embankments or dams;

b/ Anchoring or mooring vessels;

c/ Using explosives, exploiting minerals or other acts affecting embankments or dams.

Article 18.- Protection of other works belonging to inland waterway navigation infrastructures

1. For inland waterway ports and landing stages, locks, works used to help vessels pass dams or falls, their protection areas cover land areas and water areas as decided by competent State agencies.

2. For inland waterway signals, mooring pillars, mooring posts, water benchmarks, monuments, their protection areas stretch 5 meters, measuring from the outermost point of each side of such mooring pillars, mooring posts, water benchmarks, monuments outwards.

3. Within the protection areas of the works prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article, the following acts are prohibited:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Damaging, arbitrarily displacing, or reducing the effect of, signals;

c/ Discharging hazardous substances, thus affecting the durability and useful life of works.

Article 19.- Responsibilities for protecting inland waterway navigation infrastructures

1. People's Committees at all levels, organizations and individuals shall have to protect inland waterway navigation infrastructures.

2. Organizations and individuals, when detecting any damaged or infringed works belonging to inland waterway navigation infrastructures, must promptly inform the nearest People's Committees, inland waterway navigation management units or police offices thereof. The informed agencies or units must take remedial measures in time to ensure uninterrupted and safe navigation.

Article 20.- Clearance of obstructions

1. Illegal obstructions on channels or channel protection corridors must be cleared to ensure safe navigation.

Inland waterway management units shall have to compile dossiers to monitor obstructions which may affect inland waterway navigation safety.

2. Organizations or individuals causing obstructions shall have to clear them within the time limits prescribed by the inland waterway management units; if they fail to clear such obstructions within the prescribed time limits, the inland waterway management units shall clear such obstructions and the organizations or individuals causing obstructions shall bear all costs therefor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 21.- Restrictions on navigation on inland waterways

1. Competent State management agencies in charge of inland waterway navigation shall publicize the specific time, positions and navigation restriction extent of inland waterways in the following cases:

a/ Unexpected emergence of obstructions, thus impeding navigation on the channels;

b/ Prevention and control of floods, storms, natural calamities, rescue and salvage;

c/ Competent agencies' requests regarding construction of works, sport, festive, exercising activities or assurance of national defense and security on inland waterways.

2. The Transport Minister shall prescribe the competence to publicize, and measures to ensure navigation in, the cases specified in Clause 1 of this Article.

Article 22.- Inland waterway management and maintenance

The contents of inland waterway management and maintenance include:

1. Surveying, monitoring and reporting on the actual conditions of channels; organizing navigation; inspecting and supervising the protection of works belonging to inland waterway navigation infrastructures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 23.- Financial sources for inland waterway management and maintenance

1. Financial sources to ensure the inland waterway management and maintenance include:

a/ The State budget;

b/ Other sources prescribed by law.

2. The Government shall specify the management and use of financial sources for inland waterway management and maintenance.

Chapter III

INLAND WATERWAY VESSELS

Article 24.- Operating conditions of vessels

1. Non-motorized vessels with a gross tonnage of over 15 tons, motorized vessels with total main engine capacity of over 15 horse powers or vessels with a capacity of over 12 passengers, when operating on inland waterways, must ensure the following conditions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Having inland waterway vessel registration certificates, technical safety and environmental protection certificates; being painted or stuck with number plates, painted with safety waterlines and the permitted numbers of passengers;

c/ Having a sufficient complement of crew and a crew list.

2. For non-motorized vessels with a gross tonnage of between 5 tons and 15 tons, motorized vessels with total main engine capacity of between 5 horse powers and 15 horse powers or with a capacity of between 5 passengers and 12 passengers, when operating on inland waterways, must ensure the conditions specified at Point a and Point b, Clause 1 of this Article.

3. For non-motorized vessels with a gross tonnage of between 1 ton and under 5 tons each or a capacity of between 5 passengers and 12 passengers each, motorized vessels with total main engine capacity of under 5 horse powers or a capacity of under 5 passengers, when operating on inland waterways, must ensure safety, be painted with safety waterlines and have registration certificates.

4. For rudimentary vessels with a gross tonnage of under 1 ton or a capacity of under 5 passengers, when operating on inland waterways, must ensure safety according to regulations of the provincial-level People's Committees of the localities where their owners register their permanent residences.

Article 25.- Vessel registration

1. Vessels which are of lawful origin, satisfy the quality, technical safety and environmental protection standards as prescribed by law shall be granted registration certificates by competent State agencies.

2. Vessels of organizations or individuals shall be registered at the places where their owners are headquartered or register their permanent residences.

3. Vessels must be re-registered when changing hands, changing their names, technical properties or when their owners relocate their headquarters to, or register their permanent residences in, other provinces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Their vessels are missing;

b/ Their vessels are destroyed;

c/ Their vessels are irreparably damaged;

d/ Their vessels are sold abroad;

5. The Transport Minister shall prescribe the registration of vessels, except for those specified in Clause 6 of this Article.

6. The Defense Minister, the Public Security Minister and the Fisheries Ministers shall, within the scope of their tasks and powers, prescribe and organize the registration for vessels engaged on defense or security tasks and fishing vessels.

7. Registration shall be exempt for vessels specified in Clause 4, Article 24 of this Law.

8. Provincial-level People's Committees shall organize the vessel registration according to the regulations of the Transport Minister and organize the management of registration-exempt vessels.

Article 26.- Vessel registry

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ When building, transforming, repairing vessels, they must have their design dossiers approved by registry offices;

b/ In the course of operation, their vessels must be subject to inspection by Vietnam Registry offices in terms of technical safety and environmental protection; they must bear responsibility for ensuring that their vessels satisfy the prescribed technical safety and environmental protection standards in inspection intervals.

2. Registry offices, when inspecting the technical safety of vessels, must observe the system of Vietnamese processes and standards and branch standards. The heads of registry offices and the inspectors must bear responsibility for the inspection results.

3. The Transport Minister shall prescribe the quality, technical safety and environmental protection standards of vessels; prescribe and organize the uniform registry of vessels nationwide, excluding vessels specified in Clause 4 of this Article.

4. The Defense Minister, the Public Security Minister and the Fisheries Ministers shall, within the scope of their tasks and powers, prescribe the quality, technical safety and environmental protection standards of vessels engaged on defense or security tasks, and fishing vessels, and organize the registry of vessels engaged on defense or security tasks, and fishing vessels.

Article 27.- Establishments that build, transform and/or repair vessels

1. Establishments that build, transform and/or repair vessels subject to registry under the provisions of Clause 1, Article 26 of this Law must fully satisfy the conditions prescribed by the Government.

2. When building, transforming or repairing vessels subject to registry, the establishments must comply with the quality, technical safety standards and as well as design dossiers already approved by registry offices. In the course of building, they must be subject to inspection and supervision by registry offices regarding quality, technical safety and environmental protection standards.

Article 28.- Import of vessels

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter IV

CREWMEN AND STEERSMEN

Article 29.- Titles of crewmen and criteria thereof

1. Titles of crewmen on board vessels include captain, vice-captain, chief engineer, deputy chief engineer, sailor and engine technician.

Vessel owners shall have to sufficiently arrange the titles and complement of crewmen working on board their vessels and make crew lists as prescribed.

2. Crewmen working on board vessels must ensure the following conditions:

a/ Being aged full 16 years or older but not older than 55 years for women or 60 years for men;

b/ Being physically fit and having annual medical checks;

c/ Having professional diplomas and certificates suitable to their titles as well as the types of vessels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Transport Minister shall prescribe the title criteria, responsibility regime and complement of crewmen for each type of vessel, excluding the case specified in Clause 5 of this Article.

5. The Defense Minister, the Public Security Minister and the Fisheries Minister shall, within the scope of their tasks and powers, prescribe the title criteria, responsibility regime and complement of crewmen for vessels engaged on defense or security tasks, and fishing vessels.

Article 30.- Professional diplomas and certificates

1. Captain's and chief engineer's diplomas are classified into three classes: first class, second class and third class.

2. Professional certificates include basic safety training certificates, professional certificates and special professional certificates.

3. Professional diplomas and certificates of crewmen and steersmen shall be withdrawn or their use rights shall be deprived of according to law provisions.

Article 31.- Training, grant of professional diplomas and certificates

1. Establishments engaged in training crewmen and steersmen must fully satisfy the conditions specified in Clause 3 and Clause 4 of this Article.

2. The training of crewmen and steersmen must follow the contents and programs prescribed for each class of diploma and type of professional certificate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Defense Minister, the Public Security Minister and the Fisheries Minister shall, within the scope of their tasks and powers, prescribe the conditions of establishments engaged in training crewmen and steersmen; enrolment regulations, training contents and programs, types of professional certificates; regulations on examination, grant or changing of diplomas and certificates of crewmen and steersmen of vessels engaged on defense or security tasks, and fishing vessels.

Article 32.- Conditions for sitting examinations to acquire captain's and chief engineer's diplomas of higher class

1. Holders of third-class captain's or chief engineer's diplomas, who have worked under the third-class diploma titles for at least 24 months or worked under their trained titles for at least 12 months, for graduates of specialized intermediate vocational schools, may sit examinations to acquire second-class captain's or chief engineer's diplomas.

2. Holders of second-class captain's or chief engineer's diplomas, who have worked under the second-class diploma titles for at least 36 months, may sit examinations to acquire first-class captain's or chief engineer's diplomas.

Article 33.- Holding of the captain title

1. Crewmen who have a first-class captain's diploma may hold the captain title for the following vessels:

a/ Passenger liners with a capacity of over 100 passengers each;

b/ Ferries with a gross tonnage of over 150 tons each;

c/ Cargo vessels with a gross tonnage of over 500 tons each;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Vessels other than those specified at Points a, b, c and d, Clause 1 of this Article, with total main engine capacity of over 400 horse powers each.

2. Crewmen who have a second-class captain's diploma may hold the captain title for the following vessels:

a/ Passenger lines with a capacity of between over 50 passengers and 100 passengers each;

b/ Ferries with a gross tonnage of between over 50 tons and 150 tons each;

c/ Cargo vessels with a gross tonnage of between over 150 tons and 500 tons each;

d/ Tow convoys with a gross tonnage of over 400 tons and 1,000 tons each;

e/ Vessels other than those specified at Points a, b, c and d, Clause 1 of this Article, with total main engine capacity of between over 150 horse powers and 400 horse powers each.

3. Crewmen who have a third-class captain's diploma may hold the captain title for the following vessels:

a/ Passenger lines with a capacity of between over 12 passengers and 50 passengers each;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Cargo vessels with a gross tonnage of between over 15 tons and 150 tons each;

d/ Tow convoys with a gross tonnage of up to 400 tons each;

e/ Vessels other than those specified at Points a, b, c and d, Clause 1 of this Article, with total main engine capacity of between over 15 horse powers and 150 horse powers each.

4. Crewmen who have a captain's diploma of a higher class may hold the captain title in vessels of a type for which the captain title of a lower class is required.

5. Crewmen who have a captain's diploma may hold the deputy captain title in vessels of a type for which the captain title of an immediate lower class is required.

Article 34.- Holding of the chief engineer title

1. Crewmen who have a first-class chief engineer's diploma may hold the chief engineer title for vessels with total main engine capacity of over 400 horse powers each.

2. Crewmen who have a second-class chief engineer's diploma may hold the chief engineer title for vessels with total main engine capacity of between over 150 and 400 horse powers each.

3. Crewmen who have a second-class chief engineer's diploma may hold the chief engineer title for vessels with total main engine capacity of between over 15 and 150 horse powers each.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Crewmen who have a chief engineer's diploma may hold the deputy chief engineer title in vessels of a type for which the chief engineer's title of an immediate higher class is required.

Article 35.- Conditions on steersmen

1. Steersmen of non-motorized vessels with a gross tonnage of between 5 tons and 15 tons each, motorized vessels with a total main engine capacity of between 5 horse powers and 15 horse powers each or a capacity of between 5 passengers and 12 passengers each must fully satisfy the following conditions:

a/ Being aged full 18 years or older but not older than 55 years for women, or than 60 years for men;

b/ Having a medical agency's certificate that he/she is physically fit, and can swim;

c/ Having a steersman's certificate.

2. Steersmen of non-motorized vessels with a gross tonnage of under 5 tons or a capacity of up to 12 passengers each, motorized vessels with a total main engine capacity of under 5 horse powers or a capacity of under 5 passengers each must be aged full 15 years or older, physically fit, can swim, must have been trained in inland waterway navigation legislation and granted training certificates therefor. In case of using vessels for business purposes, the steersmen's age must comply with the provisions of Point a, Clause 1 of this Article.

3. Provincial-level People's Committees shall organize the training and grant of vessels steersman's certificates and certificates of inland waterway navigation law training to steersmen.

Chapter V

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 1. NAVIGATION RULES

Article 36.- Observance of inland waterway navigation rules

1. Captains or steersmen, when steering vessels on inland waterways, must obey inland waterway navigation rules and signals prescribed in this Law.

2. Sea-going ship captains, when steering sea-going ships on inland waterways, must obey inland waterway signals and navigation rules applicable to motorized vessels.

3. Captains or steersmen of vessels underway must steer their vessels at safe speeds so that they can handle circumstances to avoid collision, not to cause danger to other vessels or harm works; keep a safe distance between their vessels and other vessels; must slacken the speed of their vessels in the following cases:

a/ Navigating in close proximity to vessels being on operation on channels, vessels in distress, vessels transporting dangerous cargoes;

b/ Navigating within the area of an inland port or a landing stage;

c/ Navigating close to dykes or embankments during the spate time.

4. Captains or steersmen of vessels underway must not cling or tie their vessels to passenger vessels or dangerous cargo vessels also underway or let passenger vessels or dangerous cargo vessels cling or tie to their vessels, except for the case of rescue, salvage or force majeure circumstances.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When navigating under conditions of mist, fog or heavy rain or other causes which restrict visibility, captains or steersmen must slacken the speed of their vessels and at the same time release sound signals as prescribed in Clause 1, Article 48 of this Law and arrange lookouts at necessary places on board the vessels. If the route cannot be seen clearly, they must anchor their vessels, arrange lookouts and release sound signals as prescribed in Clause 2, Article 48 of this Law.

2. When their vessels arrive at cross-channels or channel bends, captains or steersmen must slacken the speed of their vessels, release signals repeatedly as prescribed in Article 46 of this Law and keep their vessels to the signaled side of the channel till their vessels pass the cross-channels or channel bends.

Article 38.- Priority rights of vessels on special duty

1. The following vessels on special duty shall be given priority passage when passing locks, culverts, dams, irregularly opened bridges, navigation control areas, cross-channels or channel bends in the following order:

a/ Fire-fighting vessels;

b/ Salvage vessels;

c/ Dyke protection vessels;

d/ The army's or police's vessels on emergency duty;

e/ Vessels or vessel convoys escorted or guided by the police.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Captains or steersmen of vessels not specified in Clause 1 of this Article, when seeing or hearing the signals of the vessels on special duty, must slacken the speed of their vessels, keep their vessels to one side of the channel in order to give way.

Article 39.- Head-on vessels keeping out of each other's way

1. When two head-one vessels are in danger of collision, their captains or steersmen must slow down their vessels and keep out of the way of, and give way to, each other on the following principles:

a/ The vessel sailing upstream must keep out of the way of, and give way to, the vessel sailing downstream. In case of standing water, the vessel that releases the signal earlier must have its way kept out and given way by the other vessel;

b/ Rudimentary vessels must keep out of the way of, and give way to, motorized vessels, vessels with a smaller engine capacity must keep out of the way of, and give way to, vessels with a larger engine capacity; vessels proceeding alone must keep out of the way of, and give way to, tow convoys.

c/ All vessels must keep out of the way of rafts as well as vessels that are releasing not-under-command signals, vessels in distress or vessels being on operation on channels.

2. When keeping out of the way of another vessel, the vessel which is given way must early release a maneuvering signal under the provisions of Article 46 of this Law and must sail to the signaled side of the channel and the other vessel must keep out of the way and give way.

Article 40.- Crossing vessels keeping out of each other's way

When two crossing vessels are in danger of collision, their captains or steersmen must slow down their vessels, keep out of the way of, and give way to, each other on the following principles:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. All vessels must keep out of the way of rafts;

3. Any motorized vessel, when seeing the other motorized vessel on its starboard side, must keep out of the way of, and give way to, such vessel.

Article 41.- Sailboats keeping out of the way of one another

1. Vessels, when proceeding under sail, shall keep out of the way of one another on the following principles:

a/ Boats sailing windward keep out of the way of boats sailing leeward;

b/ Boats having the wind on their port side keep out of the way of boats having the wind on their starboard side;

c/ Boats sailing with greater wind exposure keep out of the way of boats sailing with lesser wind exposure.

2. Other rudimentary vessels must keep out of the way of sailboats.

Article 42.- Vessels overtaking others

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Vessels intending to overtake must release a long blast repeatedly;

b/ Vessels to be overtaken, when hearing this blast, if finding overtaking safe, must slow down and release a maneuvering signal under the provisions of Point a or Point b, Clause 1, Article 46 of this Law, and keep to the signaled side of the channel till the overtaking vessels are finally past and clear; if finding overtaking impossible, it must release 5 short blasts;

c/ Vessels intending to overtake can overtake only when hearing the maneuvering sound signals of to be-overtaken vessels; While overtaking, they must release the sound signal indicating the side on which they are to overtake and must keep a safe horizontal distance from the overtaken vessels.

2. Vessels intending to overtake must not overtake in the following cases:

a/ At the places where there are no-overtaking signs;

b/ There are vessels approaching or obstructions ahead;

c/ At cross-channels, channel bends or at places where there are narrow- channel signs;

d/ When sailing through the clear spans of bridges, culverts, through locks or navigation control areas;

e/ Other cases where safety is not guaranteed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Before steering their vessels through the clear spans, captains or steersmen must observe the following provisions:

a/ Firmly grasping the width and height parameters of the clear span, the state of the channel and current flow;

b/ Checking the system of steering, anchors, anti-shock cushion, and support poles;

c/ For tow convoys, making a plan on the assembly of the convoy suitable to the width and height of the clear span and assigning specific duties to each crewman.

2. Captains or steersmen shall steer their vessels through the clear spans only when they deem that all safety conditions are met; in case of necessity, they must ask for guidance of the navigation regulation sections or the inland waterway management units.

3. Captains or steersmen must steer their vessels through the right spans where the clearance signal is shown; for clear spans with channel-directing buoys, they must steer their vessels between the two buoy lines.

4. Where there are whirlpools or swift currents at the clear spans, if finding it unsafe, the captains or steersmen must take measures to steer their vessels safely through the clear spans; in case of waiting to pass through the clear spans, the vessels must be firmly anchored in safe positions and lookouts must be arranged on board.

5. In navigation control areas, captains or steersmen must obey the navigation controllers' orders.

Article 44.- Anchoring of vessels

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Vessels anchored alongside a bank must arrange a gangway for crewmen of vessels anchored outside and people on official duty to pass through.

2. Where it is necessary to anchor vessels outside the area of an inland waterway port or landing stage for passengers to embark or disembark or for cargoes to be loaded or unloaded, the permission of the competent State management agency in charge of inland waterway navigation is required. Other vessels may stop alongside these vessels for passengers to embark or disembark or for cargoes to be transshipped when the latter have been moored.

3. Before leaving an inland waterway port or landing stage or their berths, vessels must release sound signals and may raise anchor only when they deem it safe.

4. Vessels must not be anchored or moored in mid-channels, at cross-channels or channel bends, within the protection corridors of bridges or other works, and in places where exist no-anchoring signs.

Section 2. SIGNALS OF INLAND WATERWAY NAVIGATION VESSELS

Article 45.- Signals of vessels

1. Signals of vessels, which are used to notify the vessels' operating state, include:

a/ Sound signals, which are sound signals sent out from whistles, bells, gongs or other things;

b/ Light signals, which are lighted signals used from sunset to sunrise or in case of restricted visibility;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Signal flags, which are flags with specific shapes, colors and sizes for use in the cases prescribed by this Law.

2. The Transport Minister shall prescribe the technical standards of sound signals, light signals, signs and flag signals.

Article 46.- Maneuvering signals

1. When needing to alter their vessels' course, captains or steersmen must release sound signals to maneuver the vessels they are steering as follows:

a/ One short blast to mean: altering the course to starboard;

b/ Two short blasts to mean: altering the course to port;

c/ Three short blasts to mean: operating astern propulsion.

2. Apart from sound signals specified in Clause 1 of this Article, vessels may at the same time send out light signals as follows:

a/ One flash to mean: altering the course to starboard;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Three flashes to mean: operating astern propulsion.

Article 47.- Warning sound signals

Captains or steersmen shall notify the operating state of the vessels they are steering with the following blasts:

1. Four short blasts to mean: calling for help;

2. Five short blasts to mean: cannot give way;

3. One long blast to mean: asking for passage, attention;

4. Two long blasts to mean: stop;

5. Three long blasts to mean: about to enter the landing stage, leave the landing stage, farewell;

6. Four long blasts to mean: asking for opening of bridge, culvert or lock;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. One long blast followed by two short blasts to mean: the vessel has run aground or is engaged on an operation on the channel;

9. Two long blasts followed by two short blasts to mean: the vessel is not under command.

Article 48.- Sound signals in case of restricted visibility

When visibility is restricted by mist, fog, heavy rain or other causes, vessels must release sound signals as follows:

1. A long blast at intervals of two minutes to mean: the vessel has slowed down or turned off its engine but is still making through the water;

2. Two long blasts at intervals of two minutes to mean: the vessel has stopped.

Article 49.- Classification of vessels for the use of signals

Vessels are classified into the following six categories for use of signals:

1. Category A covers motorized vessels with total main engine capacity of 50 horse powers or more each;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Category C covers non-motorized vessels with a gross tonnage of 50 tons or more each;

4. Category D covers motorized vessels with total main engine capacity of under 5 horse powers and non-motorized vessels with a gross tonnage of under 50 tons each;

5. Category E covers rafts of over 25 meters in length and over 5 meters in breadth each;

6. Category F covers rafts of up to 25 meters in length and up to 5 meters in breadth each.

Article 50.- Signal lights on vessels proceeding alone

1. For category-A vessels:

a/ The light mast shall be exhibited with a white fore light at least 3 meters above the water surface; two sidelights, the green one on the starboard side and the red one on the port side, placed laterally and lower than the white fore light at least one fourth of the white fore light's height; a white sternlight placed lower than the white fore light, shall be exhibited;

b/ For vessels with a design speed of 30 km/hour or higher and the greatest length of 12 meters or longer, in addition to the signal lights specified at Point a of this Clause, the light mast shall be also exhibited with a flashing yellow light 0.5 meter above the white fore light;

c/ For vessels with a design speed of 30 km/hour or higher and the greatest length of under 12 meters, the light mast shall be exhibited with a flashing yellow light;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For category-B vessels, the light mast shall be exhibited with a half-green and half-red light at least 2 meters above the water surface.

3. For category-C vessels, two sidelights, the green one on the starboard side and the red one on the port side, and a white sternlight shall be exhibited.

4. For category-D vessels, a white light placed at least 2 meters above the water surface shall be exhibited.

5. For category-E vessels, a red light shall be exhibited amidships; two white lights shall be exhibited on the centerline of the raft, one at the fore and one at the aft; for a raft of 15 meters in breadth, the white lights on the centerline shall be substituted with four white lights placed at the four corners of the raft, at least 1.5 meters above the water surface.

6. For category-F vessels, a red light shall be exhibited amidships, at least 1.5 meters above the water surface.

Article 51.- Signals on tug convoys

1. For category-A tug vessels:

a/ At night, in addition to the signal lights specified in Clause 1, Article 50 of this Law, when towing, the light mast shall be also exhibited with a white fore light if the tow convoy is of under 100 meters in length or two white fore lights, 1 meter away, shall be also exhibited if the tow convoy is of 100 meters or more in length;

b/ At daytime, on the light mast, each white fore light shall be substituted with a sign consisting of two overlapping black balls, each of 0.3 meter in diameter.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ At night, in addition to the half-green and half-red light, when towing, on the light mast, a white light shall be also exhibited 0.5 meter higher than the half-green and half-red light;

b/ At daytime, on the light mast two signs shall be hoisted, each consisting of two overlapping black balls, of 0.3 meter in diameter.

3. For tugged vessels:

a/ For category-A and category-C vessels, only leading vessels shall exhibit sidelights; if vessels are assembled in many rows, the outermost vessels shall exhibit lights on the outward sides while the vessels towed last must exhibit white sternlights;

b/ Category-B, category-D, category-E and category-F vessels shall exhibit corresponding signal lights prescribed in Article 50 of this Law;

c/ Where only one vessel is tugged with nobody on board and the length from the stern of the tugged vessel to the stern of the tug vessel does not exceed 6 meters, the tugged vessel is not required to exhibit lights.

Article 52.- Signals on convoys towed alongside

1. On category-A towing vessels:

a/ At night, in addition to the signal lights specified in Clause 1, Article 50 of this Law, the light mast shall be also exhibited with a white fore light 1 meter higher than the first white fore light;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For category-B towing vessels, they shall exhibit the signals prescribed in Clause 2, Article 51 of this Law.

3. For towed vessels:

a/ Category-A and category-C vessels shall exhibit sidelights and white sternlights;

b/ For category-B, category-D and category-F vessels, outermost vessels shall exhibit corresponding signal lights as prescribed in Article 50 of this Law; vessels in the center are not required to exhibit lights.

c/ Category-E vessels shall exhibit a red light amidships, two white lights at two outer corners; all of these lights must be placed at least 1.5 meters above the water surface.

Article 53.- Signals on convoys towed by pushing

1. On category-A pushing vessels:

a/ At night, in addition to the signal lights prescribed in Clause 1, Article 50 of this Law, the light mast shall be also exhibited with a green light 1 meter higher than the white fore light;

b/ At daytime, the light mast shall be hoisted with a sign consisting of two overlapping black equilateral triangles, with their apexes upwards and each side of 0.3 meter in length.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ At night, in addition to the signal lights specified in Clause 2, Article 50 of this Law, the light mast shall be exhibited with a green light 0.5 meter higher than the half-green and half-red lights;

b/ At daytime, hoisted on the light mast must be a sign prescribed at Point b, Clause 1 of this Article.

3. For pushed vessels:

a/ For category-A and category-C vessels, the leading vessels shall exhibit sidelights; where the vessels are assembled in many rows, only outermost vessels must exhibit corresponding sidelights;

b/ For category-B and category-D vessels, leading vessels shall exhibit corresponding signal lights as prescribed in Clause 2 and Clause 4, Article 50 of this Law.

Article 54.- Signals on mixed tow convoys

1. For towing vessels with captains commanding the tow convoys:

a/ On category-A vessels: At night, in addition to the signal lights prescribed in Clause 1, Article 50 of this Law, the light mast shall be also exhibited with two green lights, one higher than and the other lower than the white fore light, 1 meter away; at daytime, the light mast shall be hoisted with two signs, each consisting of two overlapping black rectangles sized 0.3 meter x 0.6 meter, with their apexes upwards;

b/ On category-B vessels: At night, in addition to the signal lights specified in Clause 2, Article 50 of this Law, the light mast shall be exhibited with two green lights, 0.5 meter away, and the lower one being 0.5 meter higher than the half-green and half-red light; at daytime, the light mast shall be hoisted with a sign as prescribed at Point a of this Clause.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Towed vessels shall exhibit corresponding signals as prescribed in Clause 3 of Article 51, Clause 3 of Article 52 and Clause 3 of Article 53 of this Law.

Article 55.- Signals on vessels not under command

When their vessels no longer operate under the command of the captains or steersmen, sound signals must be released according to the provisions of Clause 9, Article 47 of this Law and at the same time signals must be displayed as follows:

1. At night, a red light shall be exhibited at the highest position of the vessel, if the vessel is still making way through the water, it must, for category-A vessels, additionally exhibit sidelights and a white sternlight or, for category-B vessels, a half-green and half-red light;

2. At daytime, hoisted at the highest position of the vessel shall be a sign consisting of two overlapping black square-corner diamonds with each side being 0.3 meter in length and their apexes upwards.

Article 56.- Signals on anchored vessels

1. At night, a vessel with the greatest length of 45 meters or under shall exhibit a white fore light at least 3 meters above the water surface; a vessel with the greatest length of over 45 meters shall additionally exhibit a white sternlight 1 meter lower than the white fore light.

At places where narrow-channel signs are put up, anchored vessels shall additionally exhibit a white light at the position nearest to the mid-channel.

Rafts anchored outside inland waterway ports or landing stages shall exhibit a red light amidships and two white lights at the two corners toward the channel.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 57.- Signals on vessels engaged in operations or vessels aground on channels

1. For vessels engaged in operations or vessels aground on channels where part of channel is still navigable:

a/ At night, at the highest position of the light mast, two lights, the red one 1 meter higher than the green one, shall be exhibited; at the side looking to the navigable channel part a white light 2 meters above the water surface shall be exhibited;

b/ At daytime, hoisted at the highest position of the light mast shall be a sign consisting of two overlapping black squares, with each side being of 0.3 meter in length and their apexes upwards.

2. For vessels engaged in operations or vessels aground on channels, thus entirely blocking passage:

a/ At night, at the highest position of the light mast two red lights, 1 meter away shall be exhibited;

b/ At daytime, hoisted at the highest position of the light mast shall be a sign consisting of two overlapping black squares, with each side of 0.3 meter in length and their apexes upwards.

3. At cross-channels or channel bends where visibility is restricted, in addition to the signals prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article, vessels must arrange look-outs and release sound signals as prescribed in Clause 8, Article 47 of this Law.

Article 58.- Signals on motorized passenger vessels

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. At daytime, at the highest position of the light mast, a yellow pennant shall be hoisted.

Article 59.- Signals on dangerous cargo vessels

1. At night, in addition to the signal lights prescribed in Article 50 of this Law, at the highest position of the light mast, a red light shall be exhibited.

2. At daytime, at the highest position of the light mast a letter-B signal flag shall be hoisted.

Article 60.- Signals on fishing vessels

1. At night, in addition to the signal lights prescribed in Article 50 of this Law, vessels which have spread fishing nets shall additionally exhibit in the direction of the nets two lights, the white one being higher than the green one and the green one placed at least 2 meters higher than the water surface.

2. At daytime, vessels with the greatest length of 20 meters or more shall exhibit on the light mast a sign consisting of two white equilateral triangles, each side being of 0.3 meter in length, with their apexes together one above the other in a vertical line; vessels with the greatest length of under 20 meters shall exhibit on the light mast a sign consisting of two overlapping white balls, of 0.3 meter in diameter each.

Article 61.- Signals on vessels with men falling overboard

1. At night, exhibited on the light mast shall be three lights 1 meter away, the highest and the lowest being red, the middle being green, and the lowest red light being 2 meters higher than the water surface and sound signals shall be continuously released as prescribed in Clause 7, Article 47 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 62.- Signals on vessels calling for help of inland waterway police or inspectors

1. At night, the light mast shall be exhibited with two lights, the green one being 1 meter higher than the red one.

2. At daytime, a green flag shall be hoisted on the light mast.

Article 63.- Signals on vessels with diseased people or animals

1. At night, at the highest position of the light mast, a yellow light shall be exhibited.

2. At daytime, on the light mast a letter-Q signal flag shall be hoisted above a letter-L signal flag.

Article 64.- Signals on vessels in distress, calling for help

1. At night, on the light mast shall be exhibited with a flashing red light and continuous short blasts shall be released or continuous bell or gong sounds shall be made.

2. At daytime, on the light mast, a letter-N signal flag shall be hoisted above a letter-C signal flag and sound signals shall be released as prescribed in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Inland waterway police shall put up signals of navigation inspection posts, patrol and navigation inspection vessels as follows:

1. At navigation inspection posts, at high positions where it can be best seen:

a/ At night, on a vertical mast, two lights, the green one being 0.6 meter higher than the white one, shall be exhibited;

b/ At daytime, a letter-K signal flag shall be hoisted.

2. On navigation patrol or control vessels:

a/ At night, in addition to the signal lights specified in Article 50 of this Law, at the highest position of the light mast, two lights, the green one being 0.6 meter higher than the white one, shall be exhibited.

b/ At daytime, at the highest position of the light mast a letter-K signal flag shall be hoisted.

Article 66.- Signals to ask vessels for navigation inspection

In addition to the signals prescribed in Article 65 of this Law, waterway navigation police shall release signals to ask vessels to come for navigation inspection as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. At daytime, in the direction of the vessels which need to be inspected, the letter-K signal flag shall be waved three times vertically downwards and at the same time a long blast followed by a short one followed by a long one shall be released.

3. The vessels which receive the signals prescribed in Clause 1 or Clause 2 of this Article must submit to the inspection according to law provisions.

Article 67.- Signals on vessels engaged on special duty

In addition to the signal lights specified in Article 50 of this Law, vessels engaged on special duty must use simultaneously sound signals, signal lights and signal flags as follows:

1. Priority whistles with special sounds;

2. Rotating signal lights fitted on the light mast, with the following colors:

a/ Green color for fire-fighting vessels, police vessels engaged on emergency duty, escorting or leading duty;

b/ Red color for salvage vessels, dyke protection vessels, military vessels engaged on emergency duty.

3. Signal flags:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Red pennant with a military badge for military vessels;

c/ Green pennant with a police badge for police vessels;

d/ Red pennant for fire-fighting or dyke protection vessels.

Article 68.- Signals on pilot vessels

1. At night, in addition to the signal lights prescribed in Article 50 of this Law, on the light mast two lights shall be also exhibited, with the white one being 0.5 meter higher than the red one which is also 0.5 meter higher than the white fore light or the half-green and half-red light.

2. At daytime, on the light mast, a letter-H signal flag shall be hoisted.

Chapter VI

ACTIVITIES OF INLAND WATERWAY PORTS, LANDING STAGES, PORT AUTHORITIES AND INLAND WATERWAY PILOTS

Article 69.- Management of activities of inland waterway ports and landing stages

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Investors of inland waterway ports or landing stages shall directly operate them, or lease their operation.

3. Cargo loading and unloading as well as passenger service businesses at inland waterway ports or landing stages are conditional businesses.

4. The Transport Minister shall prescribe the management of activities of inland waterway ports and landing stages and decentralize such management, except for the case prescribed in Clause 5 of this Article.

5. The Defense Minister, the Public Security Minister and the Fisheries Minister shall, within the scope of their respective tasks and powers, prescribe the management of activities of inland waterway ports and landing stages engaged on defense and security tasks, fishing ports and wharves.

6. The provincial-level People's Committee presidents shall organize the management of activities of cross-river passenger landing stages as well as inland waterway ports and landing stages decentralized to them for management.

Article 70.- Operations of vessels, sea-going ships at inland waterway ports, landing stages

1. Captains or steersmen may only steer their vessels or sea-going ships into inland waterway ports or landing stages permitted to operate; when entering, leaving or anchoring at inland waterway ports or landing stages, they must complete all procedures prescribed by the Transport Minister.

2. Crewmen and steersmen of vessels or sea-going ships operating within inland waterway ports or landing stages must observe law provisions and regulations of such inland waterway ports or landing stages.

Article 71.- Inland waterway port authorities

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Transport Minister shall prescribe the organization, activities and scope of activity of inland waterway port authorities.

Article 72.- Tasks, powers of inland waterway port authorities

1. To prescribe the berths of vessels and sea-going ships in the waters of inland waterway ports and landing stages.

2. To inspect the observance of law provisions on navigation safety and environmental protection by vessels and sea-going ships; check the professional diplomas and certificates of crewmen and steersmen; grant permits for vessels and sea-going ships to enter and leave inland waterway ports or landing stages.

3. To ban vessels and sea-going ships from entering or leaving inland waterway ports or landing stages when such inland waterway ports, landing stages or vessels fail to ensure safety conditions or inland waterway ports or landing stages fail to meet law-prescribed conditions on their activities.

4. To notify the situation of channels to vessels and sea-going ships entering and leaving inland waterway ports or landing stages.

5. To inspect the safety conditions of docks, landing stages, channels, signals and other relevant facilities in the areas of inland waterway ports and landing stages; when detecting unsafe signs, to notify them to responsible organizations or individuals for timely handling.

6. To supervise the operation and use of docks and landing stages in order to ensure safety; to request organizations and individuals operating inland waterway ports or landing stages to suspend the operation of docks or landing stages when deeming that such operation may affect the safety of people, vessels or facilities.

7. To organize the search and rescue of people, cargoes, vessels and sea-going ships in distress in the waters of inland waterway ports or landing stages.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



9. To participate in making written records and conclusions on the causes of accidents or incidents having happened in the areas of inland waterway ports or landing stages; to request the involved parties to remedy accident consequences.

10. To sanction administrative violations, seize means; to collect charges and fees according to law provisions.

11. To assume the prime responsibility for, and coordinate with other State management agencies at inland waterway ports or landing stages in, receiving foreign vessels and sea-going ships.

Article 73.- Inland waterway pilotage

1. Foreign vessels and sea-going ships, when operating on inland waterways, must comply with the compulsory pilotage regime. Vietnamese vessels and sea-going ships may request pilotage when deeming it necessary.

2. The use of pilots shall not exempt or reduce the command responsibility of captains, including the case where the use of pilots is compulsory.

Captains are entitled to select pilots or request replacement of pilots.

3. The Transport Minister shall prescribe the organization and activities of pilots, their criteria and professional certificates.

Article 74.- Tasks of pilots

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Pilots shall be obliged to inform captains of the situation of channels in the areas where they pilot vessels or sea-going means; warn captains about acts against regulations on assurance of inland waterway navigation safety and other law provisions.

When captains deliberately refuse to follow reasonable instructions or warnings of pilots, pilots may refuse to pilot vessels or sea-going ships to the witness of third persons.

3. Pilots shall be obliged to inform the directors of inland water port authorities of channel changes they detect when piloting vessels or sea-going ships.

Article 75.- Responsibilities of captains during the time of hiring pilots

1. Captains shall have to inform pilots of the properties and characteristics of vessels or sea-gong ships; ensure safety for pilots when they get on board or leave vessels or sea-going ships; provide pilots with working and living conditions when they stay on board vessels or sea-going ships.

2. After accomplishing their duties, if pilots cannot leave vessels or sea-going ships at the agreed places, captains must seek measures to let pilots leave vessels or sea-going ships and bear all expenses for pilots to return to the pilot-receiving places.

3. Captains shall have to pay pilotage according to law provisions.

Article 76.- Responsibilities of vessel owners and pilots when damage is inflicted

When damage is inflicted due to the pilots' fault, the vessel owners shall have to compensate for such damage like damage due to crewmen' fault; pilots shall be exempt from compensating for material damage but must bear administrative or penal liability according to law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



INLAND WATERWAY TRANSPORT

Article 77.- Inland waterway transport activities

1. Inland waterway transport consists of passenger transport and cargo transport.

2. Inland waterway transport business is a conditional business.

3. Inland waterway transporters may only put vessels into operation according to their uses and operation areas stated in the technical safety and environmental protection certificates granted by registry offices.

4. Transported cargoes must be tidily and firmly arranged, ensuring stability for vessels, must not obstruct the visibility of steersmen, not affect activities of crewmen on duty, not obstruct the operation of the steering systems, anchors and other safety equipment; they must not be loaded in excess of the breadth and length of vessels.

5. People dealing in the transport of fire- or explosion-prone cargoes on inland waterways must buy insurance of civil liability towards third persons; people dealing in the transport of passengers must buy insurance of transport dealers' civil liability towards passengers.

Insurance conditions, insurance premium levels and minimum insurance amounts shall be prescribed by the Government.

6. Organizations and individuals engaged in inland waterway transport activities must, apart from observing this Law's provisions on transport, also abide by other law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Transport of passengers on inland waterways may take the following forms:

a/ Transport of passengers on fixed routes, which means transport from departure ports or landing stages to destination ports or landing stages according to stable itineraries;

b/ Transport of passengers under consignment contracts, which means transport at the requests of passengers on the basis of contracts;

c/ Cross-river transport of passengers, which means transport from one bank to the other bank, excluding cross-river transport by ferry.

2. People dealing in passenger transport on fixed routes or under consignment contracts shall have the following responsibilities:

a/ To publicize and strictly keep to the voyage timetables or transport schedules, publicize freights, and draw up the passenger list for each voyage;

b/ To arrange vessels which ensure the operating conditions prescribed in Article 24 of this Law.

3. Captains or steersmen of passenger vessels or passenger-cum-cargo vessels must observe the following provisions:

a/ Before setting off, to check the safety conditions for people and vessels, announce safety rules and the way of using safety equipment and devices to passengers; not to let passengers stand or sit at unsafe places;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Not to carry fire- or explosion-prone and/or hazardous cargoes, large animals together with passengers; not to let passengers take diseased animals on board;

d/ When rain-storms or typhoons strike, not to let vessels leave ports or landing stages; if vessels are underway, to seek for safe shelters.

Article 79.- Cross-river passenger transport

1. Vessels engaged in cross-river passenger transport must ensure the operating conditions prescribed in Article 24 of this Law.

2. Apart from observing the provisions of Clause 3, Article 78 of this Law, captains and steersmen of vessels engaged in cross-river passenger transport must also observe the following provisions:

a/ Having adequate life-saving devices whose useful life has not yet expired and arranging them at prescribed places;

b/ Guiding passengers to embark and disembark; arranging cargoes, luggage; guiding passengers to sit on their seats, thus ensuring stability for vessels;

c/ Permitting vessels to start off only after passengers have been stably seated; cargoes, luggage, motorcycles and/or bicycles have been arranged neatly, and after making sure that vessels are not submerged more deeply than their safety waterlines;

d/ Not transporting passengers in excess of the passenger-transporting capacity of vessels or cargoes in excess of prescribed tonnage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 80.- Transport by small vessels

Non-motorized vessels with a gross tonnage of under 5 tons each, motorized vessels with main engine capacity of under 5 horse powers each, non-motorized vessels with a capacity of up to 12 passengers each, when transporting passengers, must have enough firm and safe seats as well as adequate life-saving devices corresponding to the number of passengers on board; when transporting cargoes, they must not transport volumes in excess of their prescribed tonnage, not arrange cargoes in such a way that obstructs the visibility of steersmen, destabilizes the vessels or affects the steering of the vessels.

Article 81.- Passenger transport contracts, passenger tickets

1. Passenger transport contract means an agreement between a transport dealer and a transport hirer on the transport of passengers and luggage from a departure port or landing stage to a destination port or landing stage, which defines the obligations and interests of the involved parties. Passenger transport contracts shall be made in writing or in forms agreed upon by the two parties.

2. Passenger tickets are proof of the entry into passenger transport contracts. Passenger tickets must be made according to prescribed forms, containing the names and registration numbers of vessels, the names of departure ports or landing stages and destination ports or landing stages; departure dates and hours, and prices.

3. The exemption from tickets, reduction of ticket prices, ticket purchase priority and return of tickets shall comply with the regulations of the Transport Minister.

Article 82.- Rights and obligations of passenger transport dealers

1. Passenger transport dealers have the following rights:

a/ To request passengers to fully pay passenger transport charges, transport charges for accompanying luggage in excess of the law-prescribed quota;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Passenger transport dealers shall have the following obligations:

a/ To give passenger tickets, receipts of luggage transport charges, consigned baggage to persons who have fully paid transport charges;

b/ To transport passengers, luggage and consigned baggage from departure ports or landing stages to destination ports or landing stages inscribed on tickets or from and to the right places as agreed upon in their contracts, ensuring safety and schedule;

c/ To ensure minimum living conditions for passengers in case of transportation disruption due to accidents or force majeure causes;

d/ To create favorable conditions for competent State agencies to check passengers, luggage and consigned baggage when necessary;

e/ To compensate passengers if failing to transport them on time to the places as agreed upon for any loss or damage of luggage, consigned baggage or for their death or physical injuries caused due to the passenger transport dealers' fault.

Article 83.- Rights and obligations of passengers

1. Passengers shall have the following rights:

a/ To request to be transported by vessels of the right type, according to the value of their tickets, from departure ports or landing stages to destination ports or landing stages as indicated in the bought tickets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To refuse to go on the voyages before vessels leave ports or landing stages and to be refunded fares according to regulations. Once vessels have set off, if disembarking their vessels at any ports or landing stages, they shall not be refunded fares, except for the cases prescribed by the Transport Minister;

d/ To request the payment of arising expenses and damage compensation in cases where the passenger transport dealers fail to transport them on time to the places as agreed upon in their contracts.

2. Passengers shall have the following obligations:

a/ To buy passenger tickets and pay charges for accompanying luggage in excess of the prescribed quota; if failing to buy tickets and fully pay charges for accompanying luggage in excess of the prescribed quota, to buy tickets and fully pay charges together with fines;

b/ To precisely declare the names and addresses of their own and accompanying children for the passenger transport dealers to make passenger lists;

c/ To be present at the departure places on time as agreed upon; to observe transportation rules and safety instructions of captains or steersmen of the vessels;

d/ Not to carry luggage being goods which are banned by law from circulation or transportation together with passengers.

Article 84.- Luggage, consigned baggage

1. Luggage and consigned baggage shall be accepted for transportation only when they are other than goods banned by law from circulation, of sizes and volumes suitable to vessels, properly packed, their freights have been fully paid and they are delivered to transport dealers before vessels set out on the time as agreed upon by the two parties in their contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Passengers with luggage, when receiving such luggage, must produce passenger tickets and luggage freight receipts.

4. Recipients of consigned baggage must produce consigned baggage receipt notices, written consigned goods declarations, freight receipts and personal identity papers.

5. Transport dealers shall have to compensate for losses or damage of luggage and consigned baggage according to law provisions.

Article 85.- Insurance of transport dealers' civil liability towards passengers

1. Passenger tickets and lists of passengers on board vessels on each voyage shall serve as bases for payment of insurance to passengers when risks or incidents happen; for cross-river passenger transport, compensation shall be paid under insurance contracts between transport dealers and insurers.

2. The payment of insurance indemnities to passengers shall comply with law provisions.

Article 86.- Cargo transport contracts, cargo consignment documents and bills of lading

1. Cargo transport contract means an agreement between a transport dealer and a transport hirer, containing the rights and obligations of the two parties. Transport contracts shall be made in writing or other forms agreed upon by the two parties.

2. Cargo consignment document constitutes part of a transport contract, made by the transport hirer and forwarded to the transport dealer before the delivery of cargo. Cargo consignment documents may be made for the whole volumes of cargoes to be transported as hired or for each consignment as agreed upon by the two parties in their contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Bill of lading is a cargo delivery and receipt document between a transport dealer and a transport hirer, serving as a proof for dispute settlement.

Bills of lading shall be made by transport dealers after cargoes have been loaded on board vessels and signed by transport hirers or their authorized persons.

Bills of lading must clearly state the goods types, signs and codes; quantities and volumes; delivery and receipt places; names and addresses of goods consignors; names and addresses of goods consignees; freights and arising expenses; other details which transport dealers and transport hirers agree to inscribe in bills of lading; and certifications by transport dealers of the conditions of cargoes received for transport.

Article 87.- Rights and obligations of cargo transport dealers

1. Cargo transport dealers shall have the following rights:

a/ To request transport hirers to provide necessary information on cargoes for inscription in bills of lading and to check the authenticity of such information;

b/ To request transport hirers to fully pay freights and arising expenses; to request transport hirers to compensate for damage caused by their breaches of the agreed contracts;

c/ To refuse to transport cargoes which are not delivered by transport hires as agreed upon in the contracts;

d/ To request the expertise of cargoes when necessary;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Cargo transport dealers shall have the following obligations:

a/ To supply vessels of the right types, at the right places; to preserve cargoes in the course of transport and deliver cargoes to their recipients as agreed upon in the contracts;

b/ To notify transport dealers of the time the vessels arrive at ports or landing stages and the time the vessels complete all procedures for entry into ports or landing stages. The time of notification shall be agreed upon by the involved parties in their contracts;

c/ To guide the cargo loading onto, and unloading from, vessels;

d/ To compensate transport dealers for losses or damage of part or the whole of cargoes, which happened in the course of transport from the receipt to the delivery of goods, except for the case prescribed in Clause 1, Article 94 of this Law.

Article 88.- Rights and obligations of cargo transport hirers

1. Cargo transport hirers shall have the following rights:

a/ To refuse to load cargoes onto vessels arranged by transport dealers if such vessels are not suitable for the transport of such cargoes as agreed upon in the contracts;

b/ To request transport dealers to deliver cargoes at the right places and on time as agreed upon in the contracts;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Cargo transport hirers shall have the following obligations:

a/ To prepare all lawful papers related to cargoes before delivering cargoes to transport dealers; to properly pack cargoes, fully and clearly inscribe cargo signs and codes; to deliver cargoes to transport dealers at the right places, on time and according to the other contents of cargo consignment papers.

b/ To pay freights and arising expenses to cargo transport dealers; for contracts performed for each consignment, to fully pay freights and arising expenses after cargoes have been loaded onto vessels, unless otherwise agreed upon in the contracts; for contracts performed over a longer period for many consignments, periodical payments may be made as agreed upon by the two parties but to fully pay freights as contracted before the end of the last consignment, unless otherwise agreed upon in the contracts;

c/ To send people to escort cargoes throughout the course of transport, for kinds of cargoes subject to escort.

Article 89.- Rights and obligations of cargo consignees

1. Cargo consignees shall have the following rights:

a/ To receive and check cargoes they receive and compare them with bills of lading;

b/ To request transport dealers to pay expenses incurred due to late cargo delivery;

c/ To request or ask transport hirers to request transport dealers to compensate for cargo losses and/or damage;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Cargo consignees shall have the following obligations:

a/ To receive cargoes on time at the places as agreed upon; to produce bills of lading and personal identity papers to transport dealers when receiving cargoes;

b/ To pay expenses incurred due to their late receipt of cargoes;

c/ To notify transport dealers of cargo losses or damage immediately upon receiving such cargoes or within three days after receiving such cargoes if it is impossible to detect damage through external observance.

Article 90.- Handling of consigned cargoes, luggage and consigned baggage without recipients or disclaimed by consignees

1. When consigned cargoes, luggage or consigned baggage have been transported to their destination places but there are no recipients or their recipients decline to receive them, transport dealers may send such cargoes, consigned luggage or consigned baggage to safe and appropriate places and immediately notify transport hirers thereof; all arising expenses shall be incurred by transport hirers.

2. Past thirty days counting from the date of notification by transport dealers to transport hirers, if transport dealers receive no reply of transport hirers or are not fully paid for arising expenses, they may auction cargoes, luggage or consigned baggage in question in order to cover arising expenses according to law provisions on auction; if such consigned cargoes, luggage or consigned baggage can quickly deteriorate or the consignment expenses are too big as compared with the consigned cargoes, luggage or consigned baggage, transport dealers may auction them earlier than the above deadline provided that they must notify such to transport hirers before the auctions are organized.

3. For consigned cargoes, luggage and consigned baggage which are of types banned from circulation or restricted from transportation according to regulations, if they have no recipients or are disclaimed by their consignees, they shall be delivered to competent State agencies for handling.

Article 91.- Compensation for lost or damaged cargoes

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The compensation prices of lost or damaged cargoes shall be agreed upon by the two parties according to market prices at the time of payment of compensation amounts; if market prices are undeterminable, compensation prices shall be the average prices of goods of the similar kind and quality.

Article 92.- Time limits for filing of compensation claims, time limits for settlement of compensation and statute of limitations for initiation of lawsuits

1. The time limit for filing claims for compensation for losses and/or damage of consigned cargoes, consigned luggage or consigned baggage is twenty days, counting from the date such consigned cargoes, consigned luggage and consigned baggage are or should have been delivered to the consignees. Transport dealers must settle compensation within sixty days as from the date compensation claims are filed by transport hirers.

2. The time limit for filing claims about deaths or injuries of passengers is twenty days, counting from the date such deaths or injuries are caused. Transport dealers shall have to settle compensation claims within sixty days as from the date compensation claims are filed by passengers or their lawful representatives.

3. Where the two parties cannot settle compensation claims, they may request economic arbiters to settle them or initiate court lawsuits according to law provisions. The statute of limitations for initiation of lawsuits for compensation for losses or damage of consigned cargoes, luggage or consigned baggage or for human deaths or injuries is one year, counting from the date of expiry of the time limit for settlement of compensation claims prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Article 93.- Limit of liability of transport dealers

1. Transport hirers shall base themselves on the value of cargoes declared in the bills of lading and the actual damage extents to request compensations which, however, must not exceed the value of cargoes inscribed in the bills of lading.

2. Where transport hirers fail to declare the value of cargoes, the compensation amounts shall be calculated according to the average prices of similar goods, which, however, must not exceed the compensation levels prescribed by the Transport Minister.

Article 94.- Exemption from compensation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Due to natural characteristics or inherent defects of consigned cargoes, luggage or consigned baggage or losses within the permitted level;

b/ Due to the seizure of, or the application of forcible measures by competent State agencies to, vessels, consigned cargoes, luggage or consigned baggage;

c/ Due to force majeure causes;

d/ Due to transport hirers', cargo recipients' or escorts' fault.

2. Transport hirers shall be exempt from paying compensation for contract breaches in the case prescribed at Point c, Clause 1 of this Article.

Article 95.- Transport of dangerous cargoes

1. Vessels engaged in the transport of dangerous cargoes must be permitted by competent State agencies and have unique codes. Transporters must strictly observe regulations on prevention and control of hazards, fires and explosions; must have plans on coping with oil-spill incidents when transporting petrol and oil.

2. The Government shall prescribe the list of dangerous goods and the transport of dangerous goods on inland waterways.

Article 96.- Transport of extra-length and extra-weight cargoes

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 97.- Transport of live animals

1. Depending on kinds of live animals, transport dealers shall request transport hirers to arrange escorts to look after such animals in the course of transport.

2. Transport hirers shall be responsible for loading and unloading live animals under the guidance of transport dealers; where transport hirers are unable to do so, they must pay loading and unloading charges to transport dealers.

3. The transport of live animals on inland waterways must comply with law provisions on hygiene, epidemic prevention and environmental protection.

Article 98.- Transport of human corpses, remains

1. In the course of transport, escorts are required for human corpses or remains.

2. Human corpses must be put in tightly closed containers and placed in separate compartments.

3. Human corpses and remains may be transported only when they are accompanied with full papers according to law provisions.

Chapter VIII

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 99.- State management responsibilities of the Government, ministries and ministerial-level agencies for inland waterway navigation

1. The Government shall perform uniform State management over inland waterway navigation.

2. The Transport Ministry shall be responsible to the Government for performing the State management over inland waterway navigation.

3. The Public Security Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Transport Ministry, the Defense Ministry and the Fisheries Ministry in, taking measures to protect inland waterway navigation order and safety; organize the waterway navigation police force to patrol, inspect and handle acts of violating legislation on inland waterway navigation committed by people and vessels participating in inland waterway navigation according to law provisions; collect statistics and supply data on inland waterway navigation accidents.

4. The Fisheries Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Transport Ministry in, planning the network of fishing ports and wharves as well as fisheries areas on inland waterways; direct the implementation of measures to ensure navigation safety for fishing vessels operating on inland waterways.

5. The Agriculture and Rural Development Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Transport Ministry and the concerned ministries and branches in, drawing up plannings on the system of dykes, irrigation works and flood and storm prevention and combat plans related to inland waterway navigation; directing the placing and maintenance of inland waterway signs for irrigation works and the prompt clearance of irrigation works which are no longer in use and affect channels and channel protection corridors.

6. The Natural Resources and Environment Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Transport Ministry in, planning the development of river basins, managing and exploiting natural resources related to channels and channel protection corridors, ensure navigation safety and protect the environment on inland waterways.

7. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the scope of their tasks and powers, have to coordinate with the Transport Ministry in performing the State management over inland waterway navigation and transport.

Article 100.- State management responsibilities of provincial-level People's Committees for inland waterway navigation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To formulate, and organize the implementa-tion of, local plannings on development of inland waterway navigation and transport.

3. To organize the dissemination, popularization of, and education about, legislation on inland waterway navigation; to inspect and handle violations of legislation on inland waterway navigation according to their competence; to take measures to establish inland waterway navigation order and safety in localities.

Article 101.- Inland waterway navigation inspectorate

1. Inland waterway navigation inspectorate is a specialized inspectorate tasked to inspect and supervise the observance of law provisions on technical standards and management of inland waterway navigation infrastructures, inland waterway transport, vessels, crews and steersmen.

2. The organization and operation of the inland waterway navigation inspectorate shall comply with law provisions on inspection.

Chapter IX

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 102.- Implementation effect

This Law takes implementation effect as from January 1, 2005.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Government details and guides the implementation of this Law.

This Law was passed on June 15, 2004 by the XIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 5th session.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Van An

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Law No. 23/2004/QH11 of June 15, 2004 on inland waterway navigation

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.665

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.128.210
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!