ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
SỐ: 03/2000/QĐ-UBND |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay ;
Căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, ban hành ngày 06/4/1998 ;
Căn cứ Quyết định số 2812/1998/QĐ-UB-NC ngày 28/5/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ;
Theo đề nghị của Thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố kèm theo quyết định này.
Điều 2.- Căn cứ vào Quy chế này, Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận-huyện, sở, ban, ngành tổ chức xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Phối hợp cấp mình trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ban hành.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các thành viên của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận - Như điều 4 - Bộ Tư pháp - TT/TU - TT/HĐND.TP - Thường trực UBND.TP - UBMTTQ/TP và các Đoàn thể TP - VPUB : CPVP, Tổ TH, NC - Lưu
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHỦ TỊCH
Võ Viết Thanh |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
|
TP.Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2000 |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2000/QĐ-UB-NC ngày tháng 01 năm 2000 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Chức năng của Hội đồng Phối hợp.
Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội đồng Phối hợp) được thành lập theo quyết định số 2812/1998/QĐ-UB-NC ngày 28/5/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Hội đồng Phối hợp có chức năng :
1- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về việc xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác phổ biến và giáo dục pháp luật đối với các sở ban ngành, đoàn thể thành phố, quận huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2- Phối hợp giữa các cơ quan tổ chức, đơn vị địa phương nhằm chỉ đạo thực hiện các nội dung, biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, thực thi pháp luật trong nhân dân.
Điều 2.- Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Phối hợp.
1- Nhiệm vụ của Hội đồng Phối hợp :
- Căn cứ vào kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ và Hội đồng Phối hợp Chính phủ để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân quận-huyện, sở ngành, các tổ chức chính trị-xã hội,... xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm, quý của cấp mình.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong việc thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật theo nhiệm vụ được phân công.
- Xây dựng lực lượng báo cáo viên pháp luật thành phố và hướng dẫn việc xây dựng báo cáo viên pháp luật quận-huyện, sở ngành và tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở. Phối hợp với các cấp các ngành, các tổ chức, đoàn thể trong việc tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương cho các đối tượng nhân dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Định kỳ 6 tháng, 1 năm có sơ kết, tổng kết việc phối hợp triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến nghị về các biện pháp đẩy mạnh công tác này để báo cáo cho Hội đồng Phối hợp Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố.
2- Quyền hạn của Hội đồng Phối hợp :
- Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm, Hội đồng Phối hợp ban hành các thông báo về hoạt động của Hội đồng trong quý, năm.
- Quy định một số nội dung, hình thức, biện pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị ... trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Quyết định một số vấn đề cụ thể khác có liên quan đến hoạt động của Hội đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do Hội đồng Phối hợp Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố giao.
Điều 3.- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Phối hợp.
1- Hội đồng Phối hợp làm việc tập thể, quyết định các vấn đề theo nguyên tắc đa số nhất trí.
2- Các thành viên của Hội đồng Phối hợp vừa là đại diện cho cơ quan, tổ chức đã cử mình tham gia Hội đồng vừa tự chịu trách nhiệm trước Hội đồng Phối hợp thành phố trong việc chỉ đạo tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ quan, đơn vị mình.
Điều 4.- Cơ cấu tổ chức và phối hợp hoạt động của Hội đồng Phối hợp
1- Hội đồng Phối hợp có Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Thường trực của Hội đồng, các Ủy viên và có bộ phận giúp việc cho Hội đồng.
2- Nhiệm vụ cụ thể của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên, bộ phận giúp việc được quy định cụ thể ở quy chế này.
3- Hội đồng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố ; thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp Chính phủ và giữ mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương khi thực hiện các nhiệm vụ.
4- Thường trực Hội đồng và bộ phận giúp việc của Hội đồng đặt tại Sở Tư pháp thành phố (143 Pasteur, quận 3, điện thoại : 8242893).
Điều 5.- Các kết luận của Hội đồng Phối hợp.
1- Các kết luận của Hội đồng Phối hợp tại Hội nghị toàn thể các thành viên của Hội đồng là căn cứ để các thành viên tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc và báo cáo cho Hội đồng.
2- Các văn bản của Hội đồng Phối hợp sau các kỳ họp, sau các đợt kiểm tra và các văn bản khác được thông báo rộng rãi đến các quận-huyện, sở ngành, cơ quan báo, đài ... và là cơ sở để báo cáo Hội đồng Phối hợp Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố.
Chương 2:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỤ THỂ CỦA CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP
Điều 6.- Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng.
Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng có nhiệm vụ quyền hạn sau đây :
1- Chỉ đạo, điều hành phối hợp các hoạt động của Hội đồng. Chỉ đạo trực tiếp thường xuyên bộ phận thường trực của Hội đồng Phối hợp.
2- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Hội đồng và đôn đốc kiểm tra hoạt động của các thành viên Hội đồng.
3- Chủ trì các cuộc họp của Hội đồng, đánh giá, kết luận những vấn đề được thảo luận ở các cuộc họp. Thông báo nội dung các hoạt động của Hội đồng Phối hợp thành phố cho thường trực Hội đồng Phối hợp Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố và Hội đồng Phối hợp các quận-huyện, sở ngành thành phố.
4- Duyệt các kế hoạch, quý, năm, các dự trù về tài chính đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
5- Xem xét và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tư pháp khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
6- Giải quyết các công việc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng Phối hợp Chính phủ và các kiến nghị của Hội đồng Phối hợp quận-huyện, sở-ngành.
Điều 7.- Các thành viên của Hội đồng.
Các thành viên của Hội đồng Phối hợp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây :
1- Thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng Phối hợp theo kế hoạch chung. Chủ động trong việc lập kế hoạch hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị mình.
2- Phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, cơ quan, tổ chức khác để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ động trong việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị mình.
3- Tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng Phối hợp, đề xuất kiến nghị các ý kiến liên quan đến hoạt động của Hội đồng và các hoạt động phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ quan, đơn vị mình.
4- Thực hiện các công việc cụ thể theo sự phân công của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng.
5- Có báo cáo hàng quý, năm về kết quả hoạt động của ngành mình, cơ quan, đơn vị mình phụ trách trước các kỳ họp của Hội đồng.
Điều 8.- Bộ phận giúp việc của Hội đồng Phối hợp.
Bộ phận giúp việc của Hội đồng Phối hợp thành phố có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây :
1- Dự thảo kế hoạch phổ biến và giáo dục pháp luật hàng năm và các kế hoạch hoạt động khác của Hội đồng theo sự chỉ đạo của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng.
2- Dự thảo các báo cáo quý, năm để phục vụ cho các cuộc họp của Hội đồng, tổng hợp ra thông báo của Hội đồng gởi các cấp.
3- Dự thảo các khoản dự trù kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng.
4- Phối hợp giữa các thành viên của Hội đồng khi có sự chỉ đạo của Thường trực Hội đồng.
5- Tổng hợp báo cáo của các thành viên của Hội đồng thành phố, các Hội đồng Phối hợp cấp quận-huyện, sở-ngành để báo cáo Thường trực Hội đồng, báo cáo Hội đồng Phối hợp Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố.
6- Tham mưu cho Hội đồng Phối hợp về các cuộc hội thảo, hội nghị, trong việc chuẩn bị, in ấn và phát hành các đề cương, tài liệu phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố ; thu thập thông tin, kiến nghị về các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ; thực hiện quy chế của Hội đồng, quy chế báo cáo viên pháp luật thành phố phản ảnh kịp thời cho Thường trực Hội đồng và các báo đài.
7- Gởi thư mời họp cho các thành viên Hội động, báo cáo viên pháp luật thành phố khi có yêu cầu của Thường trực Hội đồng.
8- Thực hiện các công việc đột xuất theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng.
Chương 3:
LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP
Điều 9.- Chế độ hội họp.
Hội đồng Phối hợp mỗi quý tổ chức họp một lần. Các cuộc họp do Thường trực Hội đồng triệu tập và chủ trì. Hội đồng Phối hợp có thể họp bất thường khi có các công việc đột xuất cần giải quyết, hoặc có sự chỉ đạo của Hội đồng Phối hợp Chính phủ, của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 10.- Chế độ kiểm tra.
Trong năm Hội đồng Phối hợp tổ chức các cuộc kiểm tra đối với các Hội đồng Phối hợp quận-huyện, sở ngành về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cuộc kiểm tra có thể triệu tập một số thành viên của Hội đồng tham gia và có thông báo hoặc không thông báo đối với các đơn vị. Sau kiểm tra đều có thông báo gởi các cơ quan, đơn vị và báo đài.
Điều 11.- Chế độ báo cáo.
Định kỳ hàng quý và cả năm các thành viên có báo cáo về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị mình. Các báo cáo gởi về Thường trực Hội đồng, bộ phận giúp việc tổng hợp báo cáo cho Hội đồng.
Các báo cáo cần nêu rõ kết quả hoạt động, đánh giá nhận xét các hoạt động và có kiến nghị đối với Hội đồng (theo mẫu báo cáo được quy định tại Công văn số 495/HĐPH ngày 12 tháng 8 năm 1999 của Hội đồng Phối hợp thành phố).
Chuơng 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.- Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện sẽ có sự điều chỉnh, bổ sung theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng hoặc quá 1/2 số thành viên dự họp của Hội đồng.
Điều 13.- Căn cứ vào quy chế này, Hội đồng Phối hợp thành phố hướng dẫn cho các Hội đồng Phối hợp quận-huyện, sở ngành xây dựng quy chế và thực hiện./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ