NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******
|
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 87-VP/NGĐ
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 1959
|
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH THỂ LỆ GỬI TIỀN VÀO QUỸ
TIẾT KIỆM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
TỔNG GIÁM
ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
Căn cứ Sắc lệnh số 15-SL ngày 06-5-1951 thành
lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam;
Xét tình hình phát triển
kinh tế và yêu cầu các tầng lớp nhân dân lao động đựơc thiết thực góp phần xây
dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1: - Ngoài những
thể thức gửi tiền tiết kiệm hiện hành, nay ban hành thêm 4 thể thức gửi tiền tiết
kiệm mới:
a) Gửi
lẻ lấy gọn, theo phiếu định mức kiêm cho vay.
b) Gửi
lẻ lấy gọn, theo phiếu định mức, thưởng hiện vật.
c) Gửi
gọn lấy gọn, theo phiếu định mức, ưu đã lợi suất.
d) Gửi
lẻ lấy gọn theo định mức, xây dựng nhà ở.
Điều 2: - Nội dung các
thể thức mới nói trên quy định trong bảng thể lệ kèm theo nghị định này.
Điều 3: - Bốn thể thức
nói trên sẽ bắt đầu thi hành kể từ ngày 01-9-1959.
Điều 4: - Các ông
Chánh văn phòng, Giám đốc Cục Tiết kiệm và Giám đốc các Vụ, các Cục ở Ngân hàng
trung ương, các ông Trưởng chi nhánh Ngân hàng các thành phố, tỉnh và Khu Tự trị
có trách nhiệm thi hành nghị định này.
|
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
Lê Viết Lượng
|
THỂ LỆ
GỬI TIỀN VÀO QUỸ TIẾT KIỆM XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA
Chương 1:
MỤC ĐÍCH Ý
NGHĨA
Điều 1: - Nay ban hành
thể lệ gửi tiền vào quỹ tiết kiệm xã hội chũ nghĩa nhằm:
- Khuyến
khích rộng rãi các tầng lớp nhân dân lao động phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng
đất nước, gửi một phần tiền thu nhập hàng năm hoặc hàng tháng của mình vào quỹ
tiết kiệm để góp phần tích luỹ vốn cho Nhà nước phát triển nền kinh tế xã hội
chủ nghĩa đặng nâng cao dần mức sống vật chất và văn hóa của toàn thể nhân dân.
- Mặt
khác giúp cho người lao động có nơi để dành tiền hoặc gửi những khoản vốn tạm
thời chưa cần dùng đến được thuận tiện, chắc chắn. Như vậy là vừa lợi cho nhà vừa
lợi nước.
Điều 2: - Đối tượng vận
động gửi tiền vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa là cán bộ, công nhân, viên chức,
bộ đội, học sinh và các tầng lớp nhân dân lao động khác (kể cả cán bộ nhân viên
của các cơ quan ngoại giao các nước đóng ở Việt-nam và các tầng lớp lao động
ngoại kiều hiện ở Việt- nam).
Điều 3: - Việc gửi tiết
kiệm hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, tự giác của người gửi, gửi vào rút
ra dễ dàng. Nếu người gửi yêu cầu, quỹ tiết kiệm sẽ đảm bảo giữ bí mật tên người
gửi và số tiền gửi tiết kiệm.
Chương 2:
CÁC THỂ THỨC
GỬI TIỀN TIẾT KIỆM
Mục A: NHỮNG THỂ THỨC ĐÃ
BAN HÀNH
TIẾT 1: THỂ THỨC GỬI GỌN LẤY GỌN.
Điều 4: - Thể thức này
nhằm huy động những món tiền tương đối lớn chưa dùng đến hoặc để dành sau một
thời gian sẽ lấy cả vốn lẫn lãi ra chi dùng.
Gửi
vào lĩnh ra từng món nguyên vẹn. Mỗi lần gửi tối thiểu từ 10đ trở lên. Đến hạn
sẽ thanh toán cả vốn lẫn lãi.
Điều 5: - Thời hạn và
lợi suất ấn định như sau: ([1])
- Gửi
3 tháng = lợi suất 0,4% 1 tháng
- Gửi
6 tháng = lợi suất 0,5% 1 tháng.
Điều 6: - Tiền gửi vào
ngày nào và theo thời hạn nào thì lấy ngày đó làm cơ sở tính kỳ hạn và lãi cho
từng món gửi. Ví dụ:
- Ngày
01-4-59 gửi 20đ, hạn 6 tháng thì đến 01-10-59 sẽ rút ra cả vốn lẫn lãi. Đến
ngày 01-5-59 tới gửi 50đ nữa cũng hạn 6 tháng thì riêng món 50đ đó đến 01-11-59
mới rút vốn và lãi.
Điều 7: - Gửi có kỳ hạn
và phải chờ đến hết hạn mới được rút ra. Tuy nhiên, nếu đả gửi trên một tháng,
gặp trường hợp cần thiết, người gửi có thể xin lĩnh một phần hay toàn bộ số vốn
ra trước hạn, số vốn rút ra trước hạn được hưởng mức lợi suất của thời hạn đã
qua. ([2]). Nếu gửi chưa đầy một tháng đã rút
ra trước hạn thì không được hưởng lãi.
Điều 8: - Đến hạn
không lĩnh vốn ra thì mặc nhiên xem như gửi thêm một thời hạn mới theo thời hạn
đã gửi trước. Cách tính lãi và điều kiện rút ra trước hạn như quy định ở điều
7.
Điều 9: - Gửi tiền nơi
nào, lĩnh tiền tại nơi đó. Người gửi sẽ được nhận thẻ tiết kiệm gửi gọn lấy gọn.
Ghi bí danh hay tên thật tuỳ ý người gửi. Nếu ghi tên thật, có nhận báo mất và
khi tới lĩnh, phải xuất trình chứng minh thư.
TIẾT 2: THỂ THỨC GỬI LẺ LẤY GỌN
Điều 10: - Thể thức
này thích hợp với những người lao động muốn để dành những món nhỏ gửi tiết kiệm
đều đặn theo lối bỏ ống, sau một thời gian sẽ có một số tiền đủ dùng vào những
việc nhất định.
Điều 11: - Mỗi lần gửi
tối thiểu 1đ ([3]).
Điều 12: - Thời hạn và
lợi suất ấn định như sau:
- Từ 6
tháng trở lên = lợi suất 0,4% 1 tháng
- Dưới
6 tháng = lợi suất 0,3% 1 tháng.
Nhưng
khi tới gửi, người gửi phải ghi rõ bao nhiêu tháng cụ thể.
Điều 13: - Tiền gửi
vào ngày nào thì lấy ngày gửi mở sổ làm cơ sở cho thời hạn:
Ví dụ:
ngày 01-4-1959 tới gửi 2đ, thời hạn 6 tháng. Trong thời gian đó, muồn gửi vào
bao nhiêu lần cũng được và đến 01-10-1959 là ngày đến hạn sẽ lĩnh toàn bộ số vốn,
và lãi ra.
Điều 14: - Trường hợp
cần thiết, người gửi có thể xin rút toàn bộ số vốn ra trước hạn và được hưởng mức
lợi suất của thời hạn đã qua, nếu chỉ rút ra một phần vốn, thì số tiền rút ra
đó không được tính lãi.([4]).
Điều 15: - Đến hạn
không lĩnh vốn ra xem như gửi thêm một thời hạn mới theo thời hạn cũ. Cách tính
lãi như quy định ở điều 14, theo thời hạn mới.
Điều 16: -Gửi tiền nơi
nào lĩnh tiền tại nơi đó. Người gửi sẽ được nhận một thẻ tiết kiệm gửi lẻ lấy gọn.
Ghi bí danh hay tên thật tuỳ ý người gửi, nếu ghi tên thật có nhận báo mất và
khi tới lĩnh phải xuất trình chứng minh thư.
TIẾT 3: THỂ THỨC TIẾT KIỆM KHÔNG KỲ HẠN CÓ THƯỞNG
Điều 17: - Thể thức
này thích hợp với đông đảo quần chúng lao động mỗi khi có tiền thì gửi vào quỹ
tiết kiệm, khi nào cần đến rút ra chi tiêu, đồng thời cũng có tác dụng giúp
tích luỹ từng món tiền nhỏ để thành một số tiền tương đối lớn. Tuy không có lãi
nhưng cứ 3 tháng một lần sẽ được dự quay số mở thưởng.
Điều 18: - Gửi vào lấy
ra dễ dàng, tự do dù chỉ là gửi trong vài ngày và rút ra ngay. Gửi lần đầu tối
thiểu 2đ những lần sau 1đ trở lên([5]).
Sau 3
tháng sẽ quay số mở thưởng 1 lần, những thẻ được dự thưởng là những thẻ còn lại
tối thiểu 2đ, nếu rút ra hết trong 3 tháng đó thì không được dự thưởng.
Điều 19: - Cứ 1.000 số
liên tục thì có 28 số được trúng thưởng.
- 1 giải
nhất thưởng 100% số dư bình quân 1 ngày trong 90 ngày, tối đa 500đ.
- 2 giải
nhì, mỗi giải thưởng 50% số dư bình quân 1 ngày trong 90 ngày, tối đa 250đ.
- 25
giải ba, mỗi giải thưởng 20% số dư bình quân 1 ngày trong 90 ngày, tối đa mỗi
giải 100đ.
Hai loại
giải nhất và nhì quay chung trong 1.000 số, loại giải 3 chia từng món 40 số
liên tục sẽ có 1 số được thưởng.
Nếu 1
số trúng thưởng hai hay ba lần thì chỉ được lĩnh số trúng cao nhất.
Điều 20: - Số nào
trúng thưởng thì quỹ tiết kiệm sẽ cộng tất cả số tiền còn lại hàng ngày có
trong quỹ tiết kiệm của số đó kể từ ngày gửi đem chia cho 90 ngày (tức 3 tháng)
để tìm số dư bình quân 1 ngày trong 90 ngày rồi căn cứ vào đó mà tính theo tỷ lệ
thưởng đã quy định. Bởi vậy nếu gửi số tiền càng nhiều và càng dài ngày thì số
dư bình quân sẽ càng cao và tiền thưởng càng nhiều.
Điều 21: - Những số
trúng hay không trúng thưởng vẫn còn nguyên vẹn và nếu tiếp tục gửi thì được tiếp
tục dự kỳ rút thưởng quý sau.
Trường
hợp hết quý mà quỹ tiết kiệm chưa kịp tổ chức việc quay số mở thưởng thì người
gửi nếu cần có thể rút hết số vốn ra và vẫn được dự kỳ quay số mở thưởng của
quý đó.
Điều 22: - Gửi tiền
nơi nào lĩnh ra tại nơi đó. Người gửi được nhận một quyển sổ Tiết kiệm không kỳ
hạn có thưởng.
TIẾT 4: THỂ THỨC TIẾT KIỆM KHÔNG KỲ HẠN CÓ LÃI.
Điều 23: - Thể thức
này có tác dụng như thể thức tiết kiệm không kỳ hạn có thưởng, thích hợp cho những
người để dành tiền lúc nào cũng được không kể số tiền gửi là bao nhiêu, có tiền
thì gửi vào, khi cần chi tiêu thì lấy ra, nhưng vẫn được hưởng lãi.
Điều 24: - Gửi lần đầu
tối thiểu 2đ. Những lần sau từ 1đ trở lên.
([6])
Điều 25: - Lợi suất ấn
định 0,3% 1 tháng. Tiền lãi sẽ thanh toán một lần vào ngày cuối năm dương lịch
cho những thẻ còn lại 2đ trở lên.
Khi cần
rút tiền ra thì sẽ được thanh toán vốn và lãi ngay, nhưng nếu gửi chưa quá 1
tháng thì không được hưởng lãi.
Điều 26: - Tiền lãi sẽ
tính theo tích số của từng thời gian giao dịch với quỹ tiết kiệm.
Điều 27: -Gửi tiền nơi
nào thì lĩnh tiền tại nơi đó. Người gửi được nhận một quyển sổ tiết kiệm không
kỳ hạn có lãi.
Mục B: NHỮNG THỂ THỨC MỚI BAN HÀNH
TIẾT 1: GỬI LẺ LẤY GỌN ĐỊNH MỨC KIÊM CHO VAY
Điều 28: - Thể thức này
nhằm khuyến khích cán bộ, công nhân, bộ đội, và nhân dân lao động để dành hàng
tháng một số tiền nhất định và trong thời hạn nhất định, theo khả năng thu nhập
của từng người. Trường hợp khó khăn trong đời sống mà khả năng để dành không thể
tự giải quyết ngay được thì sẽ được Quỹ tiết kiệm cho vay thêm rồi tiếp tục gửi
tiết kiệm đều đặn để hoàn lại số nợ đó.
Thể thức
này có tác dụng góp phần xóa bỏ dần tình trạng tự do vay mượn và lối chơi họ ở
thị trường tự do.
Điều 29: -Có 3 loại
phiếu định mức 2đ, 5đ, 10đ. Gửi theo định mức nào thì người gửi được nhận số
phiếu theo định mức đó.
Điều 30: - Tuỳ theo khả
năng để dành hàng tháng của người gửi mà tham gia hàng tháng một hoặc nhiều phiếu
định mức, nhưng phải bảo đảm có khả năng gửi liên tục hàng tháng cho đến hết kỳ
hạn theo số lượng phiếu định mức đã tham gia từ đầu.
Điều 31: - Người gửi
có thể gửi trước cho những tháng sau, nhưng nếu gửi bù thì chỉ được gửi cho 1
tháng trước chưa gửi mà thôi.
Điều 32: - Có hai thời
hạn nhất định cho mỗi loại phiếu định mức:
- 6
tháng lợi suất 0,4% 1 tháng
- 12
tháng lợi suất 0,5% 1 tháng.
Tiền
lãi sẽ thanh toán cho người gửi khi hết hạn gửi tiền.
Điều 33: - Người gửi
có thể đưa phiếu rút tiền ra trước hạn nhưng không được hưởng lãi về những phiếu
đã rút ra và không được vay tiền của quỹ tiết kiệm.
Điều 34: - Muốn vay tiền,
người gửi tiết kiệm tối thiểu phải tham gia gửi tiết kiệm được một nửa thời hạn
của thời hạn đã lựa chọn. Ví dụ: gửi tiết kiệm theo thời hạn 6 tháng thì tối
thiểu đã gửi được 3 tháng rồi mới được vay tiền.
Điều 35: - Số tiền được
vay là theo số tiền trong phiếu định mức và theo thời hạn mà người gửi đã tham
gia. Ví dụ: tham gia gửi tiết kiệm theo định mức hàng tháng 10đ trong thời hạn
12 tháng, như vậy khi cần thiết, quỹ tiết kiệm sẽ cho vay 10 x 12 tháng = 120đ.
Điều 36: - Sau khi
vay, hàng tháng phải tiếp tục gửi đều đặn vào quỹ tiết kiệm theo định mức cũ
cho đến hết kỳ hạn, khi đó tổng số tiền gửi tiết kiệm hàng tháng sẽ bằng số tiền
đã vay coi như tất toán.
Điều 37: - Lãi tiền gửi
tiết kiệm và lãi tiền vay sẽ thanh toán một lần khi đến hạn.
Điều 38: - Lãi cho vay
quy định như sau:
- Vay
từ 3 tháng trở xuống lợi suất 0,5% một tháng.
- Vay
từ 4 tháng đến 6 tháng lợi suất 0,6% một tháng.
Điều 39: -Xin vay vốn
cần phải có giấy chứng nhận của cơ quan, công đoàn hay Uỷ ban Hành chính khu phố
về lý do xin vay vốn và đảm bảo đôn đốc người vay hàng tháng phải gửi tiết kiệm
đều đặn để thanh toán nợ. Người vay cần phải bảo đảm trả nợ hàng tháng cho quỹ
tiết kiệm. Nguồn vốn để cho vay là do khả năng số dư tài khoản tiết kiệm theo
thể thức này khống chế.
Điều 40: - Trường hợp
gửi nửa chừng mà thay đổi chỗ ở hay đi công tác xa lâu ngày thì người gửi tới
quỹ tiết kiệm để rút vốn ra hoặc đề nghị chuyển tiền về nơi ở mới. Nếu vay nửa
chừng mà thay đổi chỗ ở hoặc đi công tác lâu ngày thì người gửi phải hoàn lại đủ
vốn vay cho qũy tiết kiệm; trường hợp đặc biệt có thể làm giấy khất và
người gửi đến nơi ở mới phải bảo đảm đến quỹ tiết kiệm sở tại nhờ chuyển tiền đều
đặn hàng tháng về trả nợ cho nơi vay cũ.
Điều 41: -Gửi tiền nơi
nào thì lĩnh tiền, vay tiền tại nơi đó. Khi gửi lần đầu tiên, người gửi phải xuất
trình chứng minh thư để ghi vào thẻ lưu. Phiếu định mức không ghi tên, không nhận
báo mất, không được sử dụng thay tiền.
TIẾT 2: GỬI LẺ LẤY GỌN THEO PHIẾU ĐỊNH MỨC, THƯỞNG HIỆN VẬT
Điều 42: - Thể thức
này nhằm khuyến khích dành dụm thêm hàng tháng một số tiền nhất định để gửi tiết
kiệm. Thể thức này không có lãi nhưng người gửi có thể dự thưởng bằng hiện vật.
Điều 43: - Có 2 loại định
mức và 2 thời hạn quay số mở thưởng:
- Định
mức 4đ, sau 3 tháng quay số mở thưởng 1 lần.
- Định
mức 2đ, sau 6 tháng quay số mở thưởng 1 lần.
Điều 44: - Người gửi
phải gửi liên tục hàng tháng theo phiếu định mức. Nếu là định mức 4đ thì phải gửi
liên tiếp trong 3 tháng. Nếu là định mức 2đ thì phải gửi liên tiếp trong 6
tháng. Nếu gửi đứt quãng hoặc rút ra trước hạn thì không được dự thưởng. Người
gửi có thể gửi trước cho những tháng sau, mà không được gửi bù cho những tháng
trước chưa gửi. Riêng định mức 2đ (thời hạn 6 tháng) người gửi có thể gửi bù
cho 1 tháng trước chưa gửi mà thôi.
Điều 45: - Phiếu gửi đầu
tiên là phiếu có ghi số dự thưởng. Những phiếu gửi tiếp tục trong thời hạn đã lựa
chọn sẽ ghi lại số dự thưởng đó. Tháng sau cùng của mỗi thời hạn, người gửi phải
gửi tiền vào trong phạm vi 15 ngày đầu tháng.
Tháng
gửi đầu tiên người gửi có thể lấy nhiều phiếu định mức mang số dự thưởng khác
nhau, miễn là hàng tháng đủ khả năng để gửi tiếp tục theo những định mức đã
tham gia đó.
Điều 46: - Tiền thưởng
là tiền lãi của mỗi loại định mức tập trung lại để mở thưởng.
- Định
mức 2đ, cứ 5.000 số có 23 số được trúng thưởng:
- 1 giải
nhất, thường hiện vật trị giá 270đ
- 2 giải
nhì, thưởng hiện vật mỗi giải trị giá 180đ.
- 20
giải ba, thưởng hiện vật mỗi giải trị giá 8đ.
-Định
mức 4đ. Cứ 10.000 số có 18 số được trúng thưởng:
- 1 giải
nhất, thưởng hiện vật trị giá 270đ
- 2 giải
nhì, thưởng hiện vật, mỗi giải trị giá 150đ.
- 15
giải ba, thưởng hiện vật, mỗi giải trị gía 8đ.
Điều 47: -Để đảm bảo đủ
nhóm được dự thưởng phiếu tiết kiệm có mang số dự thưởng đầu tiên chỉ phân phối
cho các tỉnh theo kế hoạch và phiếu đầu chỉ phát hành vào tháng đầu tiên của mỗi
quý.
Điều 48: - Những người
trúng thưởng được nhận séc ra mua hàng tại cửa hàng Mậu dịch quốc doanh trong
phạm vi số tiền được thưởng, không phát thưởng bằng tiền mặt.
Nếu hiện
vật được lựa chọn trị giá vượt quá hoặc chưa đủ số tiền được thưởng thì người gửi
bù thêm hoặc mua thêm hiện vật khác cho khớp với giá trị phần thưởng.
Điều 49: - Những người
trúng thưởng hay không trúng thưởng vốn vẫn còn nguyên vẹn. Đối với những người
không trúng thưởng, nếu chưa rút vốn ra thì những phiếu đó chỉ được tiếp tục dự
thêm một kỳ rút thưởng đợt sau.
Điều 50: -Phiếu tiết
kiệm này được gửi vào lĩnh ra tại các tổ chức tiết kiệm trong phạm vi một đại
lý.
Điều 51: -Phiếu tiết
kiệm này không ghi tên, không nhận báo mất, không được sử dụng thay tiền.
TIẾT 3: GỬI GỌN THEO ĐỊNH MỨC ƯU ĐÃI VỀ LỢI SUẤT.
Điều 52: - Thể thức
này nhằm động viên nông dân mỗi khi bán nông sản phẩm cho Nhà nước thì gửi một
phần tiền vào quỹ tiết kiệm.
Thể thức
này có tác dụng phân tán bớt việc phát hành tiền tệ ở nông thôn, hạn chế tính
chất khẩn trương của tiền tệ trong những thời vụ thu mua tập trung đồng thời
gây cho nông dân có tập quán để dành tiền đảm bảo cho sản xuất vụ sau và đảm bảo
chi tiêu bình thường cho đến kỳ thu hoạch sau.
Điều 53: - Có 3 loại
phiếu định mức: 5đ, 10đ, 20đ. Tuỳ theo khả năng và ý muốn của người gửi. Có thể
gửi vào một hay nhiều định mức, gửi vào một lần, đến hạn lĩnh ra cả vốn lẫn lãi
(như hình thức gửi gọn lấy gọn).
Điều 54: - Thời hạn và
lợi suất ưu đãi ấn định như sau:
- 2
tháng lợi suất 0,5% một tháng
- 4
tháng lợi suất 0,7% một tháng
- 6
tháng lợi suất 1% một tháng
Nếu đến
hạn chưa tới lĩnh vốn ra thì mặc nhiên xem như chuyển vào thể thức không kỳ hạn
có lãi và được hưởng lợi suất đồng loạt 0,3% một tháng. Hoặc nếu người gửi yêu
cầu thì có thể chuyển sang thể thức tiết kiệm khác.
Điều 55: - Có thể lĩnh
ra trước hạn nhưng chỉ được hưởng lãi của thời hạn đã qua. Ví dụ: trước gửi 6
tháng, đến 5 tháng sau rút ra thì chỉ được hưởng mức lãi của 4 tháng là 0,7%. Nếu
chưa đủ 2 tháng đã rút ra thì không được hưởng lãi.
Điều 56: - Người gửi
có thể lĩnh tiền ra tại các tổ chức Ngân hàng sở tại đã phát hành các phiếu định
mức đó hoặc ở những tổ chức hợp tác xã tín dụng được Ngân hàng uỷ nhiệm chi trả
hộ.
Điều 57: - Phiếu tiết
kiệm này không ghi tên, không nhận báo mất, không được lưu thông thay tiền.
TIẾT 4: GỬI LẺ LẤY GỌN THEO ĐỊNH MỨC XÂY DỰNG NHÀ Ở
Điều 58: - Thể thức này
là một biểu hiện sự kết hợp lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, nhằm khuyến
khích việc động viên một cách đều đặn vốn để dành của nhân dân lao động ở thành
thị chủ yếu là cán bộ, công nhân viên các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, bộ đội,
công nhân viên ở xí nghiệp tư doanh để góp phần tập trung vốn cho Nhà nước thực
hiện dần dần chương trình phúc lợi cho nhân dân lao động.
Điều 59: - Có một loại
định mức 10đ mỗi tháng và gửi liên tục trong một thời hạn nhất định là 24
tháng.
Điều 60: - Sau 24
tháng sẽ quay sổ mở thưởng một lần. Cứ 1.000 số có 1 số được thưởng. Người gửi
phải tham gia liên tục hàng tháng mới được dự thưởng, nếu gửi đứt quãng thì
không được dự thưởng. Nếu gửi đứt quãng nhưng đã gửi bù thì vẫn được dự thưởng.
Nguyên tắc gửi bù không quá 3 tháng.
Điều 61: - Người trúng
số sẽ được thưởng vĩnh viễn một buồng ở riêng biệt, rộng 36 thước vuông, có bếp,
nước, điện, v.v… Người trúng thưởng chỉ được nhận nhà ở, không được nhận bằng
tiền mặt. Nếu không dùng thì có thể nhường lại cho Nhà nước, không được bán ra
ngoài nhưng sẽ gửi lại vào quỹ Tiết kiệm, tuỳ ý lựa chọn thể thức gửi, không nhận
bằng tiền mặt. Trường hợp đổi công tác đến một địa phương khác đã có xây dựng
nhà Tiết kiệm thì sẽ xét để thay đổi nhà được hưởng.
Điều 62: - Người trúng
thưởng không được hoàn trả lại vốn đã gửi. Người không trúng thưởng vốn vẫn còn
nguyên vẹn và sẽ được lĩnh ra bằng tiền mặt.
Điều 63: - Đối với những
người không trúng thưởng, nếu đã gửi 240đ thì được quyền lợi xét thuê nhà ở với
giá rẻ hơn thị trường.
Điều 64: - Trường hợp
thay đổi chỗ ở làm việc đến một địa phương khác đã có xây dựng “Nhà tiết kiệm”
thì có thể được thuê ở “nhà tiết kiệm ở địa phương này nếu có điều kiện”.
Điều 65: - Người gửi sẽ
được nhận quyển sổ tiết kiệm xây dựng nhà ở, có ghi tên, có nhận báo mất. Mỗi
quyển sổ sẽ mang một số dự thưởng. Người gửi có thể gửi vào nhiều số có mang số
dự thưởng khác nhau và sẽ được cấp bằng chứng nhận của quỹ tiết kiệm khi
bắt đầu tham gia thể thức này.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN
CHUNG
Sau
đây là những điều quy định chung cho tất cả các thể thức gửi tiền tiết kiệm:
1.
Nếu nửa chừng có sự thay đổi về lợi suất thì sẽ lấy ngày ban hành nghị định làm
ranh giới để tính lợi suất cho loại tiết kiệm không kỳ hạn, và đối với loại tiết
kiệm có kỳ hạn thì tính theo lợi suất cũ cho đến hết kỳ hạn, đối với những món
đã gửi trước ngày ban hành nghị định, tính theo lợi suất mới cho những món mới
gửi sau ngày ban hành nghị định.
2.
Trên các thẻ và sổ tiết kiệm, người gửi muốn ghi tên thật hay bí danh tùy ý. Nếu
người gửi đề nghị ghi đúng theo chứng minh thư, khi đến lĩnh tiền người gửi phải
xuất trình chứng minh thư để đối chiếu nếu nhờ lĩnh thay phải có giấy uỷ nhiệm
hợp thức của người gửi. Nếu người gửi không đề nghị theo chứng minh thư, thì thẻ
(hay sổ) tiết kiệm có giá trị nhận tiền, người gửi không phải xuất trình
chứng minh thư hay một giấy minh tuhctnng congtờ gì khác, nhưng nếu xẩy
ra lợi dụng Quỹ tiết kiệm không chịu trách nhiệm.
3.
Nếu mất thể hay sổ tiết kiệm người gửi phải kịp thời báo ngay cho nơi mình gửi
tiết kiệm biết để đề phòng kẻ gian lợi dụng. Giấy báo mất phải ghi rõ số hiệu
thẻ, ngày tháng gửi, tên họ, địa chỉ, v.v… để tiện cho việc tra cứu ở bàn tiết
kiệm.
Sau 5
ngày kể từ khi nhận được giấy báo, người đánh mất thẻ (hay sổ) mới được cấp thẻ
(hay sổ) khác để thay thế. Trong thời gian này, người gửi chưa được rút tiền
ra, nhưng được tiếp tục gửi vào theo một thẻ mới khác.
4.
Người gửi có thể tham gia nhiều thể thức khác nhau, hoặc tham gia nhiều định mức
trong cùng một thể thức. Nếu muốn chuyển từ thể thức này qua thể thức khác thì
xem như tất toán cũ và mở thẻ mới.
5.
Người gửi thay đổi chỗ ở thì báo ngay cho quỹ tiết kiệm nơi ở cũ biết để làm thủ
tục chuyển sang qũy tiết kiệm nơi ở mới. Người gửi phải nộp thẻ tiết kiệm của
mình cho nơi gửi cũ. Việc chuyển tiền sang quỹ tiết kiệm mới không tính tục tục
phí. Nếu gửi chưa được một tháng mà đã xin chuyển đi thì nên rút ra ở chỗ cũ và
đến chỗ mới sẽ gửi. Chuyển vốn không chuyển lãi. Tiền lãi do quỹ tiết kiệm
ở chỗ mới sẽ tính trả khi đến hạn.
6.
Trường hợp người gửi bị tai nạn bất ngờ hay chết đi thì thẻ gửi tiền tiết kiệm
của người đó thuộc quyền sử dụng của người thừa kế mà người gửi đã cho quỹ tiết
kiệm biết trước hay sẽ do pháp luật quy định lúc đó.
7.
Số tiền gửi tiết kiệm là thuộc quyền sở hữu tư nhân của người gửi. Quỹ tiết kiệm
có trách nhiệm giữ bí mật tên họ, địa chỉ người gửi và số tiền đã gửi vào rút
ra trừ trường hợp được phép của người gửi tiền hay trong trường hợp đặc biệt do
pháp luật quy định thì mới công bố.
8.
Trong quá trình hoạt động của quỹ tiết kiệm, nếu phát hiện được những kẻ cố
tình lợi dụng giả mạo hay tham ô, làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước hay
tài sản của người gửi thì sẽ tuỳ tội nặng nhẹ mà xử lý theo thể lệ hiện hành của
Ngân hàng Quốc gia Việt nam hoặc truy tố trước pháp luật.
9.
Những thể thức có quy định các cách tính lãi và tính thưởng khác nhau, hoặc
cách quay số mở thưởng khác nhau, sẽ có thể lệ riêng. Mỗi lần thay đổi, sẽ
có công bố trước.
10.
Đối với những thể thức tiết kiệm theo phiếu có lãi việc tính ngày để thanh toán
quy định như sau:
- Nếu
gửi lẻ trên 15 ngày sẽ được hưởng lãi cả tháng.
- Nếu
gửi lẻ từ 15 ngày trở xuống thì không được tính lãi.
11.
Thể lệ này do Ngân hàng Quốc gia Việt nam ban hành và khi cần thiết sửa đổi
cũng vậy.
___________________________
([1])
Từ tháng 1-1960 sẽ sửa đổi lại như sau:
-
Thời hạn từ 3 tháng trở lên (4, 5 tháng) lợi suất 0,4% 1 tháng
-
Thời hạn từ 6 tháng trở lên, lợi suất 0,5% 1 tháng. Khi gửi phải định rõ thời hạn,
lấy trọn tháng để tính
([2])
Từ tháng 1-1960 sẽ bổ sung lại; nếu gửi theo kỳ hạn ba tháng trở lên số vốn rút
ra trước hạn được hưởng mức lợi suất 0,3% 1 tháng coi như gửi không kỳ hạn. Nếu
gửi theo kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, số vốn rút ra trước hạn nhưng sau 3 tháng
được hưởng lợi suất 0,4%.
([3])
Từ tháng 1-1960 sẽ sửa lại, lần đầu tối thiểu gửi 1đ nhưng lần sau gửi chẵn
0đ50 một.
([4])
Từ tháng 1-1960 sửa lại: Rút ra trước 1 phần hay toàn bộ số vốn đều không được
hưởng lãi.
([5])
Từ 1-1960 sẽ sửa đổi lại: lần đầu gửi vào tối thiếu 1đ, những lần gửi sau chẵn
0đ50.
([6])
Từ 1-1960 sẽ sửa đổi lại: lần đầu vào tối thiểu 1đ, những lần gửi sau chẵn
0đ50.