BỘ
LAO ĐỘNG
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
01-LĐ-TT
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 03 năm 1965
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 118-CP NGÀY 17-12-1963 CỦA
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỘI HỌP, HỌC TẬP CỦA CÁN BỘ, CÔNG NHÂN,
VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi:
|
Các Bộ ,các ngành ở trung ương
Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
Các Sở, Ty, Phòng Lao động
|
Từ khi Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định số
118-CP về chế độ hội họp, học tập của cán bộ, công nhân, viên chức đến nay, một
số ngành, địa phương và cơ sở đã có hướng dẫn và thực hiện. Nhưng nói chung nhiều
nơi chưa tích cực chấp hành. Tình hình hội họp, học tập của cán bộ, công nhân,
viên chức còn quá nhiều, đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, đến sản xuất và
công tác.
Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ lãnh đạo các
ngành, các cấp chưa thấy hết ý nghĩa, mục đích và tác dụng của việc cải tiến chế
độ hội họp, học tập; chưa thấy đây là một cải tiến có tính chất cách mạng trong
lề lối làm việc và phương pháp chỉ đạo công tác trong các cơ quan, xí nghiệp
Nhà nước nên chưa đề cao ý thức chấp hành; chưa đi sâu nghiên cứu cải tiến tổ
chức, cải tiến chế độ hội họp, học tập, sửa đổi lề lối làm việc; việc quản lý
và chỉ đạo thực hiện lịch hội họp, học tập chưa chặt chẽ; sự phối hợp giữa
chuyên môn và các đoàn thể chưa ăn khớp; một số cán bộ, công nhân, viên chức
ngoài trách nhiệm chính còn phải kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ của các đoàn thể;
cấp trên còn gửi xuống cơ sở quá nhiều tài liệu, văn bản yêu cầu tổ chức cho
cán bộ, công nhân, viên chức học tập; Ủy ban hành chính các địa phương thiếu sự
kiểm tra đôn đốc, nhất là sự chỉ đạo phối hợp giữa các ngành trong một địa
phương không chặt chẽ.
Để bổ khuyết tình hình trên nhằm giảm bớt hội họp,
học tập không cần thiết, bảo đảm thi hành đúng quyết định số 118-CP của Hội đồng
Chính phủ, Bộ Lao động hướng dẫn một số biện pháp sau đây:
1. Cải tiến nội dung và phương
pháp hội họp, học tập:
Các buổi hội họp, học tập cần chuẩn bị tốt về nội
dung, nêu lên được vấn đề trọng tâm. Một số việc như: kiểm điểm thi đua, kiểm
điểm hợp đồng tập thể xí nghiệp, bảo hộ lao động, cải thiện đời sống, bảo mật
phòng gian, vệ sinh phòng bệnh, v.v… tùy theo từng nội dung mà kết hợp lồng vào
các buổi hội họp chính về chuyên môn, sản xuất hoặc sinh hoạt chi bộ Đảng, Công
đoàn, Đoàn thanh niên lao động. Những nội dung ngắn thì kết hợp nhiều nội dung
vào một buổi họp, (mỗi buổi họp ngoài giờ không được quá 2 tiếng rưỡi, nếu họp
vào buổi tối không được họp quá 21 giờ 30).
Mỗi buổi hội họp, học tập tùy theo yêu cầu và nội
dung mà triệu tập thành phần (ai cần mới triệu tập, không cần thì thôi).
Các buổi hội họp, học tập, lãnh đạo phải
luôn luôn hướng hội nghị đi vào trọng tâm, trọng điểm để tránh kéo dài mà vẫn đạt
được yêu cầu lại giải quyết được nhiều vấn đề cần thiết.
2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện
lịch hội họp, học tập
Giữa thủ trưởng đơn vị với lãnh đạo tổ chức Đảng,
Công đoàn, Đoàn thanh niên lao động phải có sự phối hợp thật chặt chẽ trong việc
xây dựng lịch: những vấn đề có thể chỉ phổ biến trên hệ thống truyền thanh, loa
tay, ghi trên bảng thông báo thì kiên quyết không đưa vào lịch, cố gắng sử dụng
các phương tiện đó. Những vấn đề cùng một nội dung mà mỗi tổ chức đều muốn họp
riêng hoặc những vấn đề phải làm từ trong Đảng ra ngoài Đảng thì cần bố trí cho
hợp lý để tránh cồng kềnh không cần thiết; làm sao đơn giản được hội họp mà
không ảnh hưởng đến công tác và sản xuất, đồng thời các chủ trương, chính sách
của cấp trên vẫn thực hiện được tốt. Trong khi xây dựng lịch hội họp, học tập
phải quán triệt tinh thần giảm bớt hội họp, học tập và thi hành đúng nội dung
quy định của Hội đồng Chính phủ trong phạm vi cả hội họp, học tập ngoài giờ
làm việc mỗi tuần lễ không quá bốn buổi.
Sau khi đã có lịch, thủ trưởng đơn vị là người
có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện. Kiên quyết không tổ chức các buổi hội họp, học
tập nào khác ngoài lịch đã quy định (trừ trường hợp thật cần thiết phải có sự
cân nhắc kỹ).
Cá nhân và bộ phận nào không chấp hành, còn tổ
chức các buổi hội họp, học tập ngoài lịch quy định mà không có sự đồng ý của
thủ trưởng hoặc bí thư Đảng bộ đơn vị thì cần nghiêm khắc kiểm điểm và bổ khuyết
kịp thời.
Lịch hội họp, học tập phải niêm yết ở nơi công cộng,
nếu trường hợp có những cuộc họp bất thường không ghi trong lịch, sau khi thủ
trưởng hay bí thư Đảng bộ quyết định phải công bố ngay cho mọi người đều biết.
Nếu không công bố trước thì những buổi hội họp, học tập không ghi trong lịch mọi
người có quyền không đến dự; những cuộc họp kéo dài quá thời gian quy định người
chủ trì hội nghị hỏi ý kiến anh chị em có được họp tiếp không. Người nào thấy họp
tiếp không thêm lợi ích gì và còn ảnh hưởng đến công tác ngày mai của mình
thì có quyền ra về không được coi đó là khuyết điểm về thiếu ý thức tổ chức và
kỷ luật.
3. Cải tiến tổ chức và sửa đổi
lề lối làm việc
Cần làm cho bộ máy quản lý thật gọn nhẹ, một số
ban, hội đồng của đơn vị xét ra thành phần vẫn là một thì nên kết hợp lại cho khỏi
cồng kềnh. Những vấn đề cần đưa ra các ban hay hội đồng để xét thì chủ yếu là
các bộ phận nghiệp vụ, chuyên môn phải chuẩn bị cho tốt (chuẩn bị cho tốt là đã
đạt kết quả được một nửa).
Cần định rõ chế độ, nội dung, trách nhiệm, quyền
hạn cho từng người, từng bộ phận; phát huy khả năng của từng người, từng bộ phận
để giải quyết những công việc đã có nguyên tắc, chủ trương, chính sách cụ thể
thuộc quyền hạn, nhiệm vụ đã được quy định.
Cán bộ lãnh đạo cần đi sát sản xuất và công tác,
kiểm tra công việc thường xuyên, nắm chắc tình hình để có thể giải quyết công
việc ngay tại chỗ cho kịp thời.
4. Một số biện pháp cụ thể nhằm
giảm bớt hội họp, học tập không cần thiết.
Các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết,
tài liệu v.v… của cấp trên gửi về và của cơ sở mình cần phân loại:
- Loại chỉ cần lãnh đạo nắm để chỉ đạo công tác
thì lãnh đạo nghiên cứu, không cần phổ biến.
- Loại đã thành nguyên tắc chỉ cần phổ biến để mọi
người biết và thi hành, hoặc cần giải thích thêm chút ít thì cố gắng sử dụng hệ
thống truyền thanh, loa tay, ghi bảng thông báo (có thể một vấn đề phát thanh
nhiều lần, ghi trên bảng một thời gian).
- Loại cần phổ biến thật kỹ, thảo luận, kiểm điểm
sâu sắc, bàn định nhiều biện pháp cụ thể mới thực hiện được hoặc phải đi đến
quyết nghị chung thì mới cần tổ chức thành các buổi học tập, hội họp tập trung.
Muốn giảm bớt hội họp, học tập, cần chú ý thực
hiện biện pháp kết hợp. Việc gì không nhất thiết phải hội họp, học tập tập
trung, thì kiên quyết dùng các biện pháp khác để phổ biến.
Cần tránh cùng một nội dung mà một người phải hội
họp, học tập 2, 3 lần.
Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức không nên kiêm
nghiệm quá hai chức vụ của đoàn thể (càng kiêm nhiệm ít càng tốt).
Sinh hoạt các tổ Đảng, tổ Công đoàn, Phân đoàn
thanh niên lao động chủ yếu là kết hợp trong các buổi kiểm điểm tổ sản xuất, bộ
phận công tác hàng tuần, chỉ những trường hợp thật cần thiết không thể lồng vào
các buổi họp trên mới phải họp riêng.
Các buổi họp về chuyên môn, sản xuất thì hội họp
trong giờ làm việc, còn ngoài giờ làm việc chỉ để sinh hoạt các tổ chức Đảng,
đoàn thể, học tập văn hóa, chính trị, nghiệp vụ và các chủ trương, chính sách của
Đảng và Chính phủ.
Trách nhiệm của Ủy ban hành chính và cơ quan Lao
động địa phương.
Căn cứ vào nghị định số 94-CP ngày 27-8-1962 của
Hội đồng Chính phủ phân cấp quản lý kinh tế, văn hóa cho Ủy ban hành chính các
địa phương, Ủy ban hành chính các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính
phủ để phổ biến, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện, bổ khuyết kịp thời những nơi
còn vi phạm, lãnh đạo sự phối hợp giữa các ngành trong địa phương, tìm mọi biện
pháp giúp đỡ cơ sở thực hiện tốt quyết định số 118-CP của Hội đồng Chính phủ,
biểu dương những đơn vị thực hiện tốt, nghiêm khắc phê phán những nơi không chịu
thực hiện (kể cả các đơn vị trực thuộc các ngành trung ương quản lý).
Cơ quan lao động địa phương là bộ môn giúp việc Ủy
ban hành chính thực hiện các nhiệm vụ nói trên, thường xuyên tổ chức các cuộc
kiểm tra riêng hoặc kết hợp với các cuộc kiểm tra các mặt công tác của ngành.
Ngoài ra, đề nghị các Bộ, các ngành, các đoàn thể
ở trung ương trong khi hướng dẫn, chỉ đạo công tác của ngành cần quán triệt
tinh thần giảm bớt hội họp, học tập, nhất là hạn chế những tài liệu, văn bản thấy
thật không cần thiết thì không đặt vấn đề yêu cầu cán bộ, công nhân, viên chức
học tập. Những tài liệu thật cần phải học tập thì quy định thời gian cho sát để
bên dưới có thể thực hiện được mà không vi phạm đến quyết định số 118-CP của Hội
đồng Chính phủ.
Hiện nay nhiều nơi còn vi phạm nghiêm trọng quyết
định số 118-CP của Hội đồng Chính phủ, cán bộ, công nhân, viên chức kêu ca, khiếu
nại. Vậy nhận được thông tư này Ủy ban hành chính các địa phương cần triệu tập
các ngành, các cơ sở kiểm điểm tình hình thực hiện trong thời gian qua, phổ biến
kỹ nội dung quyết định số 118-CP và thông tư này, bàn biện pháp cụ thể để các
cơ sở về thực hiện.
Bộ Lao động mong các địa phương lưu ý đôn đốc,
hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở thực hiện cho tốt và báo cáo những kinh nghiệm
hay về Bộ, đồng thời khi phổ biến và thực hiện có những mắc mứu, khó khăn gì phản
ánh về Bộ, để Bộ nghiên cứu và góp ý kiến giải quyết.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
LAO ĐỘNG
Nguyễn Văn Tạo
|