NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM - ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
03-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 23 tháng 08 năm 1971
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC CHO VAY VỐN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC LAO ĐỘNG SẢN XUẤT Ở
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị
số 237-TTg ngày 01-12-1970 về việc tổ chức lao động sản xuất trong các trường
phổ thông, đại học và trung học chuyên nghiệp. Mục đích lao động sản xuất trong
các trường học là nhằm:
a) Thông qua lao động sản xuất để
rèn luyện ý thức, thói quen và kỹ năng lao động, củng cố và phát huy kiến thức
văn hóa, khoa học kỹ thuật thu nhận ở lớp học, tăng thêm thể lực cho học sinh,
phục vụ cho việc dạy tốt, học tốt, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng giáo
dục và đào tạo.
b) Động viên và tổ chức một cách
hợp lý lực lượng lao động to lớn của nhà trường, thiết thực góp phần tăng thêm
của cải vật chất và từng bước cải thiện điều kiện học tập, giảng dạy và sinh hoạt
của học sinh, giáo viên và các cán bộ, nhân viên khác trong nhà trường.
Để tạo điều kiện cho các trường
tổ chức lao động sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa, liên Bộ Đại học và trung học
chuyên nghiệp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định những nguyên tắc, thể thức
cho vay vốn đối với các trường đại học và trung học chuyên nghiệp như sau.
I. NGUYÊN TẮC VÀ ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC
VAY VỐN
a) Những cơ sở được vay vốn phải
tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của tín dụng ngân hàng: dùng tiền vay theo
đúng mục đích đã định và chỉ được nhận tiền vay theo mức độ thực hiện kế hoạch
sản xuất, có giá trị vật tư tương đương làm đảm bảo vốn vay, đảm bảo hiệu quả
kinh tế và trả nợ Ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn.
b) Những điều kiện cơ bản được
Ngân hàng Nhà nước cho các cơ sở vay vốn:
- Có kế hoạch sản xuất vững chắc,
có lao động và kỹ thuật sản xuất phù hợp với năng lực sản xuất của trường, có hợp
đồng gia công, đặt hàng, có hợp đồng kinh tế về cung cấp nguyên vật liệu và
tiêu thụ sản phẩm ổn định, bảo đảm sản xuất có lãi.
- Kế hoạch sản xuất, kỹ thuật và
tài vụ của các cơ sở sản xuất phải được Bộ, Tổng cục chủ quản xét duyệt (nếu là
trường do trung ương quản lý) và phải được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố (nếu
là trường do địa phương quản lý) với sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước nơi vay
vốn. Trước mỗi kỳ kế hoạch các cơ sở vay vốn phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước
các bản kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài vụ và sau mỗi kỳ kế hoạch hàng tháng,
quý và năm phải báo cáo về tình hình thực hiện các kế hoạch ấy cho Ngân hàng.
- Các tổ chức sản xuất của trường
phải có tổ chức kế toán và bảng cân đối tài khoản, được mở tài khoản thanh
toán, tài khoản vay vốn tại Ngân hàng Nhà nước nơi vay vốn, phải thực hiện chế
độ kế toán tài vụ và chế độ sử dụng thành quả lao động sản xuất do Bộ Đại học
và trung học chuyên nghiệp và Bộ Tài chính ban hành. Hiệu trưởng và kế toán trưởng
của trường phải chịu trách nhiệm thi hành các chính sách, chế độ kế toán tài vụ.
- Tất cả những nhu cầu vốn của
trường để mua sắm máy móc, thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng, mua nguyên liệu, nhiên
liệu, vật liệu dùng vào việc phục vụ cho giảng dạy, thực tập, thí nghiệm và mỗi
nhu cầu vốn cho phòng thiết kế, đội khảo sát hoạt động đều thuộc đối tượng ngân
sách Nhà nước cấp phát. Ngân hàng Nhà nước chỉ cho các cơ sở nói dưới đây vay vốn
để kinh doanh sản xuất ra sản phẩm hàng hóa bán ra ngoài.
II. ĐỐI TƯỢNG CHO VAY
1. Đối với các cơ sở tổ chức phục
vụ giảng dạy, học tập ở trường vì đã có sẵn phương tiện máy móc, dụng cụ đồ nghề,
nay sử dụng các thứ đó để làm thêm nhiệm vụ sản xuất hàng hóa theo hình thức ký
hợp đồng với cơ quan gia công hoặc đặt hàng.
Ngân hàng Nhà nước cho các cơ sở
sản xuất này vay một số vốn lưu động cần thiết để dự trữ vật tư và chi phí sản
xuất theo hợp đồng ký với các cơ quan gia công hoặc đặt hàng gồm các đối tượng
sau đây:
- Nguyên vật liệu chính,
- Vật liệu phụ,
- Nhiên liệu,
- Bao bì đóng gói,
- Chỉ trả tiền thuê gia công một
số chi tiết với bên ngoài.
2. Đối với cơ sở sản xuất tiểu
công nghiệp, thủ công nghiệp do trường tự tổ chức.
Ngân hàng Nhà nước cho vay các đối
tượng sau đây:
- Về dài hạn: thiết bị lẻ và
công cụ sản xuất.
- Về ngắn hạn: nguyên liệu chính
và phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, bao bì đóng gói, vật rẻ tiền mau hỏng trực
tiếp phục vụ cho sản xuất.
3. Đối với cơ sở sản xuất nông
nghiệp do trường tự tổ chức.
Ngân hàng Nhà nước cho vay theo
tinh thần thông tư số 562-TDNT ngày 05-12-1967 của Ngân hàng Nhà nước. Trong điều
kiện các trường đang ở nơi sơ tán thì việc cho vay nông nghiệp cần được cân nhắc
tính toán kỹ lưỡng các mặt về đất đai, chuồng trại, thời gian, v.v… nhằm sản xuất
có hiệu quả kinh tế đảm bảo trả nợ theo đúng thời hạn quy định.
III. THỜI HẠN CHO VAY, THU NỢ,
LÃI SUẤT TIỀN VAY
a) Cho vay dài hạn mua sắm thiết
bị và công cụ sản xuất:
Thời hạn cho vay tối đa là 3
năm. Việc thu nợ sẽ tiến hành theo kỳ hạn ghi trong khế ước vay tiền trên cơ sở
100% vốn khấu hao cơ bản tài sản cố định do Ngân hàng Nhà nước cho vay và một
phần tích lũy hàng năm để đảm bảo trả hết nợ trong thời hạn đã quy định.
b) Cho vay ngắn hạn (vốn lưu động):
Ngân hàng Nhà nước cho vay dự trữ
nguyên nhiên vật liệu và chi phí sản xuất căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kế hoạch
dự trữ, kế hoạch chi trả tiền thuê gia công với bên ngoài, chu kỳ sản xuất và hợp
đồng tiêu thụ sản phẩm của cơ sở sản xuất để tính toán cho vay và ấn định số
thu nợ thích hợp.
- Đối với nguyên nhiên vật liệu
cung cấp theo thời vụ, thời hạn tối đa không quá 12 tháng.
- Đối với các loại nguyên vật liệu
khác, thời hạn cho vay từ 3, 4 đến 6 tháng là tối đa.
c) Mức lãi suất cho vay vốn ngắn
hạn và dài hạn đều tính 0,24% một tháng (theo Nghị định số 94-TTg ngày
10-10-1964 của Hội đồng Chính phủ).
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ
VAY VỐN
Hiệu trưởng các trường là người
chủ tài khoản có tư cách pháp nhân vay vốn và chịu trách nhiệm quản lý sử dụng
vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả kinh tế và bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn
cho Ngân hàng Nhà nước. Đơn vị vay vốn phải tính toán rành mạch mỗi khoản tiền
vay, không được sử dụng vốn nọ sang vốn kia và chịu sự giám đốc việc sử dụng vốn
vay của Ngân hàng trực tiếp cho vay.
Các đơn vị trường không được tự
động thay đổi kế hoạch sản xuất, trường hợp đặc biệt phải điều chỉnh kế hoạch
thì kịp thời báo cáo cho cấp xét duyệt kế hoạch và đồng gửi các cơ quan ngân
hàng nơi cho vay biết. Khi được cấp xét duyệt kế hoạch chuẩn y việc điều chỉnh
kế hoạch mới được thực hiện theo kế hoạch mới.
Mối quan hệ giao dịch trong kinh
doanh sản xuất như cung cấp tiêu thụ phải ký kết hợp đồng kinh tế cụ thể, hợp đồng
gia công, hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm với các tổ chức
kinh tế Nhà nước hay các hợp tác xã. Phải thực hiện hợp đồng một cách nghiêm chỉnh.
Mỗi hợp đồng phải gửi cho Hội đồng trọng tài cấp trên và Ngân hàng nơi vay vốn.
Đơn vị vay vốn phải tính toán hiệu
quả kinh tế của vốn vay, phấn đấu có lãi. Trường hợp cá biệt có mặt hàng sản xuất
nào nhất thời không may bị lỗ vốn thì trường phải dùng lãi của các mặt hàng sản
xuất khác để bù vào, nếu bù vẫn không đủ thì trường phải cam kết với Ngân hàng
có biện pháp bổ cứu trong một thời gian ngắn, tiến lên có lãi để đảm bảo trả nợ
cho ngân hàng đúng kỳ hạn. Nếu trường không có biện pháp khắc phục lỗ, đảm bảo
trả nợ đúng kỳ hạn, ngân hàng không tiếp tục cho vay.
Thông tư liên Bộ này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 1971.
Trong quá trình thi hành, nếu có
điểm nào mắc mứu, gặp khó khăn, yêu cầu các ngân hàng địa phương và các trường
kịp thời báo cáo về liên Bộ nghiên cứu giải quyết.
K.T. TỔNG
GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Đinh Văn Bẩy
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ ĐẠI HỌC
VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Xuân Tùy
|