BỘ
NGOẠI GIAO
******
Số:
113/2004/LPQT
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2004
|
Thỏa thuận hợp tác kiểm tra, kiểm
dịch và giám sát vệ sinh sản phẩm thực phẩm thủy sản xuất khẩu nhập khẩu giữa Bộ
Thủy sản nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng Cục Giám sát chất lượng,
kiểm nghiệm và kiểm dịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có hiệu lực từ ngày
07 tháng 10 năm 2004.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP
VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Hoàng Anh
|
THỎA THUẬN
HỢP TÁC KIỂM TRA, KIỂM DỊCH VÀ GIÁM SÁT VỆ SINH SẢN PHẨM THỰC
PHẨM THỦY SẢN XUẤT NHẬP KHẨU GIỮA BỘ THỦY SẢN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM VÀ TỔNG CỤC GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG, KIỂM NGHIỆM VÀ KIỂM DỊCH NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN
DÂN TRUNG HOA
Bộ Thủy sản nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Giám sát, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch chất lượng,
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dưới đây được gọi là “hai bên”), mong muốn
tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm dịch
và giám sát vệ sinh sản phẩm thực phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước và
thúc đẩy thương mại song phương các sản phẩm thủy sản, thông qua trao đổi và
đàm phán hữu nghị, đã đạt được thỏa thuận như sau:
Điều 1.
1. Trong
phạm vi chức năng của mỗi cơ quan, hai bên sẽ hỗ trợ và phát triển mối quan hệ
hợp tác trong lĩnh vực kiểm tra và kiểm dịch, giám sát an toàn vệ sinh sản phẩm
thực phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có
lợi, tuân thủ các luật lệ và quy định có liên quan của cả hai nước và luật pháp
quốc tế.
2. Cơ quan đầu mối thực
thi thỏa thuận của hai bên là: Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y
thủy sản (NAFIQAVED) thuộc Bộ Thủy sản (MOFI), nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và Cục Quản lý Chứng nhận và Công
nhận (CNCA) thuộc Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch
(AQSIQ), nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Điều 2.
Thỏa thuận này chỉ áp dụng đối với sản phẩm thủy sản xuất
và nhập khẩu dùng làm thực hẩm cho người:
1. Có nguồn gốc từ thủy sản được
đánh bắt tự nhiên hoặc nuôi trồng (không bao gồm các động vật thủy sản sống);
và
2. Ở dạng nguyên liệu hoặc sản
phẩm chế biến (sản phẩm thủy sản đã qua các công đoạn chế biến ban đầu như cắt
khúc, xay, xử lý nhiệt, làm khô, nấu chín hoặc muối) không sử dụng phụ gia thực
phẩm và các hóa chất bị cấm.
Điều 3.
Hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực sau:
1. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm thủy sản xuất khẩu sang nước đối tác;
2. Trao đổi thông tin về việc
xây dựng, rà soát và sửa đổi hệ thống văn bản pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật
liên quan đến kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh trong sản xuất và kiểm soát
tại cửa khẩu đối với các sản phẩm thủy sản xuất, nhập khẩu;
3. Xây dựng và thực hiện thủ tục
công nhận lẫn nhau về thanh tra, chứng nhận và đăng ký an toàn vệ sinh của các
sản phẩm thủy sản buôn bán giữa hai nước để tránh thanh tra và kiểm tra hai lần;
4. Tổ chức các chuyến khảo sát tới
nước đối tác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và kiến thức
giữa các cán bộ, chuyên gia của hai bên trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm dịch,
giám sát an toàn vệ sinh các sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu;
5. Hợp tác và trao đổi kỹ thuật
giám sát điều kiện an toàn vệ sinh và thú y đối với động vật và sản phẩm thủy sản;
6. Tăng cường trao đổi và hợp
tác trong việc thực hiện các quy định của các Hiệp định WTO/TBT/SPS liên quan đến
sản phẩm thủy sản sản xuất nhập khẩu giữa hai bên;
7. Hợp tác trong các lĩnh vực
khác.
Điều 4.
Trong 5 năm tới (2004-2008), hai bên sẽ nỗ lực thực
hiện các hoạt động hợp tác cụ thể sau:
1. Hàng quý cung cấp cho bên đối
tác những thông tin mới nhất về các văn bản pháp luật và quy định liên quan đến
kiểm soát an toàn vệ sinh trong toàn bộ quá trình sản xuất thủy sản (từ khâu
khai thác / nuôi trồng, bảo quản nguyên liệu, chế biến, làm lạnh, lưu kho sản
phẩm cuối cùng, vận chuyển, phân phối / xuất khẩu…), và kiểm soát an toàn vệ
sinh, kiểm tra và kiểm dịch sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước;
trao đổi số liệu thống kê hàng năm về khối lượng, chất lượng và tình trạng vệ
sinh của sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa 2 nước vào đầu tháng 3 năm sau;
2. Những sửa đổi, bổ sung của hệ
thống pháp luật và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc kiểm soát tại cửa khẩu
các sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu phải được thông báo ngay tới phía đối tác
bằng những phương tiện thông tin khẩn như fax hoặc email;
3. Theo yêu cầu đăng ký an toàn
vệ sinh của nước nhập khẩu, cần thông báo nhanh cho phía đối tác thông tin chi
tiết đã cập nhật (tên, địa chỉ, mã số) của các doanh nghiệp chế biến thủy sản
được phép xuất khẩu thủy sản vào nước đối tác và thông tin ngay cho bên đối tác
chi tiết các sản phẩm không phù hợp với quy định kiểm tra chất lượng và an toàn
vệ sinh, bao gồm tên, địa chỉ, mã số;
4. Đảm bảo rằng mỗi lô hàng thủy
sản xuất khẩu sang nước đối tác phải xuất xứ từ các doanh nghiệp được công nhận
đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong sản xuất thủy sản: Cơ quan có thẩm quyền của
hai bên phải giám sát thường xuyên các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đăng
ký xuất khẩu sản phẩm của họ vào nước đối tác để đảm bảo sự tuân thủ hoàn toàn
các quy định và yêu cầu vệ sinh tương ứng;
5. Đảm bảo mỗi lô hàng thủy sản
xuất khẩu sang nước đối tác phải kèm theo chứng thư do Cơ quan có thẩm quyền nước
xuất khẩu cấp, chứng nhận rằng lô hàng thỏa mãn các quy định của nước nhập khẩu
về chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản; nội dung chứng thư phải phù hợp
với yêu cầu của phía đối tác;
6. Khi cần thiết, thông qua đàm
phán, hai bên tổ chức các đoàn thanh tra điều kiện an toàn vệ sinh tại các
doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đăng ký xuất khẩu sản phẩm của họ vào nước đối
tác để đảm bảo sự tuân thủ hoàn toàn các quy định về chất lượng, an toàn vệ
sinh thủy sản tương ứng, và để cùng trao đổi kinh nghiệm kiểm tra điều kiện sản
xuất;
7. Trao đổi kết quả Chương trình
kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm thủy sản của năm trước và
Chương trình kiểm soát dư lượng của năm hiện hành vào đầu tháng 3 hàng năm; Hợp
tác và trao đổi kinh nghiệm trong việc kiểm soát các chất độc hại đối với động
vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi thông qua việc biên soạn và áp dụng Quy
phạm thực hành nuôi tốt (GAP), kiểm soát và công nhận vùng nuôi thủy sản đạt
tiêu chuẩn an toàn vệ sinh;
8. Xây dựng và đưa vào hoạt động
Hệ thống cảnh cáo nhanh đối với các sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai
nước để cung cấp nhanh chóng những thông tin liên quan đến việc cảnh cáo hoặc tạm
giữ các lô hàng thủy sản vi phạm quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh, kể cả
những thông tin có liên quan từ nước thứ ba;
9. Định kỳ, lần lượt cử các
chuyên gia trong lĩnh vực kiểm soát dư lượng sang nước đối tác để trao đổi kiến
thức và kinh nghiệm; các nhóm kiểm nghiệm viên sang nước đối tác để trao đổi kiến
thức chuyên môn và kinh nghiệm trong việc lấy mẫu và kiểm nghiệm các sản phẩm
thủy sản;
10. Tổ chức nhóm công tác tới nước
đối tác để đánh giá năng lực phòng kiểm nghiệm trong việc kiểm tra các chỉ tiêu
an toàn vệ sinh sản phẩm thủy sản theo luật pháp của hai nước và các tiêu chuẩn
của Ủy ban Codex (CAC), và việc sử dụng những đánh giá này để xem xét việc miễn
kiểm tra các sản phẩm thủy sản nhập khẩu đã được các phòng kiểm nghiệm này kiểm
tra và cấp chứng thư; Tổ chức chương trình kiểm nghiệm thành thạo để đánh giá
năng lực tương đương của các phòng kiểm nghiệm của hai bên;
11. Phối hợp tổ chức các chuyến
công tác khảo sát sang nước đối tác, có sự tham gia của các cán bộ và/hoặc
chuyên gia để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong việc quản lý và đàm phán
kỹ thuật; Trao đổi để giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong kiểm tra và kiểm dịch
sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước;
12. Các hoạt động hợp tác của
hai bên sẽ phải phù hợp với nguyên tắc của các Hiệp định WTO/SPS/TBT phải đảm bảo
các biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh sẽ có ảnh hưởng ít nhất đến thương mại.
Điều 5.
Thông tin có liên quan do bên đối tác cung cấp không
được tiết lộ cho bên thứ ba khi không được sự cho phép của đối tác. Hai bên sẽ
cử 1 – 2 chuyên viên làm đầu mối liên hệ, thông báo cho nhau những cách thức
liên hệ thuận tiện như điện thoại, fax và địa chỉ email để đảm bảo có thể chuyển
nhanh các thông tin liên quan.
Điều 6.
Bên cử cán bộ và/hoặc chuyên gia sang nước đối tác sẽ
chịu toàn bộ chi phí đi lại quốc tế, ăn ở có liên quan. Bên đón tiếp sẽ cung cấp
cho đoàn công tác những điều kiện cần thiết để thực hiện hoạt động hợp tác tại
nước sở tại.
Điều 7.
Thỏa thuận này không phương hại đến quyền lợi và
nghĩa vụ của mỗi bên được quy định tại những thỏa thuận hoặc hiệp ước đã ký kết
với bất kỳ một nước thứ ba.
Điều 8.
Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và tiếp tục
có hiệu lực trong thời hạn đầu là 5 năm. Thỏa thuận này sẽ được mặc nhiên gia hạn
trong từng thời hạn 5 năm tiếp theo trừ khi một trong hai bên thông báo cho bên
kia bằng văn bản trước 6 tháng về ý định chấm dứt hiệu lực thỏa thuận này.
Điều 9.
Khi Thỏa thuận này chấm dứt hiệu lực, chuyên trình hợp
tác đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành sẽ vẫn được tiếp tục cho tới khi hoàn
thành.
Điều 10.
Thỏa thuận này sẽ được sửa đổi hoặc bổ sung theo sự thỏa
thuận của hai bên.
Làm tại Hà Nội, Việt Nam ngày 07
tháng 10 năm 2004, thành 2 bản gốc mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng
anh, các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác
nhau trong quá trình thực hiện thỏa thuận, bản tiếng Anh sẽ được sử dụng làm
căn cứ.
TỔNG
CỤC GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG, KIỂM NGHIỆM VÀ KIỂM DỊCH (AQSIQ)
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Cát Chí Vinh
|
ĐẠI
DIỆN BỘ THỦY SẢN (MOFI) NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN
Nguyễn Thị Hồng Minh
|