HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
*******
|
SỐ:
33-CP
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 02 năm 1978
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC BỔ SUNG NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH
QUYỀN NHÀ NƯỚC CẤP HUYỆN TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ KINH TẾ
Đại hội IV của Đảng đã quyết định:
“Xây dựng huyện vững mạnh, thật sự trở thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp;
lấy huyện làm địa bàn tổ chức lại sản xuất, tổ chức và phân công lại lao động một
cách cụ thể và kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế toàn dân với kinh tế
tập thể, công nhân với nông dân. Xây dựng chính quyền cấp huyện thành một cấp
Nhà nước quản lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách, một cấp quản lý sản xuất,
quản lý lưu thông và đời sống ở huyện”.
Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp
hành trung ương Đảng và tiếp theo Bộ Chính trị đã ra chỉ thị về những chủ
trương, biện pháp lớn và chủ yếu để cụ thể hóa nghị quyết của Đại hội Đảng về
xây dựng huyện. Nay Hội đồng Chính phủ đề ra những quy định về nhiệm vụ, quyền
hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý
kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu về xây dựng huyện, tổ chức sản xuất, đời sống trên
địa bàn huyện.
Trong việc quy định nhiệm vụ,
quyền hạn và trách nhiệm của cấp huyện, cần quán triệt đầy đủ chức năng, nhiệm
vụ chủ yếu của cấp huyện như đã ghi trong chỉ thị của Bộ Chính trị:
- “Cấp huyện là một cấp quản lý
các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng trong huyện, là cấp quản
lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách. Cấp huyện quản lý về mặt hành chính Nhà
nước và về mặt sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối, về mặt hoạt động văn
hóa giáo dục, y tế và tổ chức chăm sóc đời sống nhân dân trong huyện.
- Cấp huyện là trung tâm chỉ đạo
tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở nông thôn, trang bị kỹ thuật cho nông
nghiệp huyện, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, xác lập
và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, kết hợp cải tạo với xây dựng,
nhằm tổ chức lại sản xuất, tổ chức và phân công lại lao động trên địa bàn huyện,
đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; xây dựng huyện thành
đơn vị kinh tế nông – công nghiệp thích hợp với điều kiện trong huyện và phù hợp
với quy hoạch của tỉnh và của cả nước.
- Cấp huyện vừa giáo dục cho
nhân dân làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, vừa trực tiếp tổ chức ngày càng tốt
hơn đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân trong huyện, bảo đảm an ninh
chính trị, trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ
nghĩa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong huyện.
- Cấp huyện là một cấp của bộ
máy quản lý Nhà nước đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của cấp tỉnh và
được giao quyền trực tiếp chỉ đạo và quản lý cấp xã, các hợp tác xã, các đơn vị
xí nghiệp và các cơ quan Nhà nước phân cấp quản lý cho huyện. Bộ máy chuyên môn
của các ngành ở cấp huyện là một bộ phận của hệ thống quản lý các ngành trong
phạm vi cả nước”.
Quy định nhiệm vụ, quyền hạn
và trách nhiệm của cấp huyện để đáp ứng yêu cầu về xây dựng huyện thành đơn vị
kinh tế nông – công nghiệp, về tổ chức sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện
là vấn đề rộng lớn và rất phức tạp; có những vấn đề đã sáng tỏ, nhưng cũng còn
những vấn đề phải làm thử để rút kinh nghiệm thì mới có thể kết luận được. Từ
thực tiễn này, sẽ xây dựng luật về tổ chức chính quyền các cấp để trình Quốc hội
ban hành.
I.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC CẤP HUYỆN TRONG
LĨNH VỰC QUẢN LÝ KINH TẾ
1. Để đáp
ứng yêu cầu xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp (ở miền núi
là lâm – nông – công nghiệp), nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền
Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế được bổ sung và quy định như
sau:
a) Xây dựng quy hoạch của huyện
khớp với quy định về phân vùng kinh tế của trung ương và quy hoạch chung của tỉnh;
chỉ đạo thực hiện quy hoạch này sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt.
Xây dựng kế hoạch phát triển
kinh tế - văn hóa – xã hội của huyện; chỉ đạo thực hiện kế hoạch này sau khi được
Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt những chỉ tiêu cơ bản theo quy định của Nhà nước.
b) Tổ chức và phân công lại lao
động trên địa bàn huyện, bao gồm lao động của các hợp tác xã, các cơ sở quốc
doanh và lao động trong các thành phần kinh tế khác; tích cực và chủ động dùng
mọi hình thức tổ chức, mọi phương pháp quản lý và điều hành lao động để bảo đảm
tận dụng tốt nhất các nguồn lao động trong huyện, kết hợp với việc chủ động tận
dụng mọi đất đai và tài nguyên khác trên địa bàn huyện.
c) Xây dựng cơ cấu sản xuất của
huyện, tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp,
công nghiệp và thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…); lựa chọn và thực
hiện các hình thức tổ chức sản xuất tốt nhất căn cứ vào đặc điểm kinh tế của
huyện để từng bước xây dựng trên địa bàn huyện một cơ cấu sản xuất nông – công
nghiệp hoặc nông – lâm – công nghiệp, hoặc nông – ngư – công nghiệp.
d) Chỉ đạo việc cải tạo xã hội
chủ nghĩa trong huyện, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa;
xây dựng và quản lý các hợp tác xã, các xí nghiệp quốc doanh, quản lý các thành
phần kinh tế khác.
đ) Tổ chức quản lý các hoạt động
cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và xây dựng trong huyện; tổ chức quản lý việc
thu mua các sản phẩm hàng hóa do các đơn vị cơ sở trong huyện làm ra, tổ chức quản
lý công tác lưu thông phân phối, quản lý thị trường theo sự phân công cụ thể của
Nhà nước.
e) Quản lý tài chính Nhà nước
trên địa bàn huyện theo đúng quy định về phân cấp quản lý tài chính của Nhà nước;
xây dựng ngân sách huyện và chỉ đạo thực hiện ngân sách này sau khi được Ủy ban
nhân dân tỉnh duyệt.
g) Tham gia ý kiến với cấp tỉnh
và trung ương về phân bố lực lượng sản xuất chung trong huyện; phục vụ và giúp
đỡ các đơn vị cơ sở trực thuộc trung ương hoặc tỉnh đặt trong huyện; phát biểu
ý kiến về việc xây dựng kế hoạch của các đơn vị trực thuộc trung ương hoặc tỉnh
đặt tại huyện để phục vụ cho sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, lâm
nghiệp, ngư nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị
này thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, pháp luật, chính sách, chế độ
của Nhà nước.
h) Chăm lo đời sống vật chất và
văn hóa của mọi người trong huyện.
i) Giám sát, kiểm tra tất cả các
tổ chức kinh tế và các cơ quan Nhà nước hoạt động trên địa bàn huyện về chấp
hành kế hoạch Nhà nước, các pháp luật, các chính sách, chế độ…do Nhà nước ban
hành nhằm bảo đảm chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tôn trọng đầy đủ
pháp chế xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Về quy hoạch
và kế hoạch
a) Về quy hoạch, Ủy ban
nhân dân huyện:
- Phải nắm vững các điều kiện tự
nhiên, kinh tế, xã hội trong huyện, và căn cứ vào sự phân vùng kinh tế của
trung ương và quy hoạch chung của tỉnh để xây dựng quy hoạch của huyện, đưa ra
Hội đồng nhân dân huyện quyết định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt.
- Phải xây dựng quy hoạch tổng
thể của huyện trước khi xây dựng quy hoạch cụ thể của từng ngành trong huyện,
và căn cứ vào quy hoạch của từng ngành để soát xét lại quy hoạch tổng thể.
- Tổ chức từng bước việc thực hiện
quy hoạch của huyện sau khi được duyệt. Trong khi lập quy hoạch của huyện, đối
với những vấn đề của khu vực kinh tế tập thể, vừa hướng dẫn các đơn vị kinh tế
tập thể theo phương hướng chung, vừa phát huy sáng kiến và quyền chủ động của
các đơn vị đó.
- Theo quy hoạch của huyện đã được
duyệt, phân bố cụ thể các đơn vị sản xuất và kinh doanh do huyện trực tiếp quản
lý chỉ đạo các đơn vị này xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật khớp với quy hoạch
chung.
- Tham gia ý kiến vào việc bố
trí địa điểm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh của tỉnh hoặc trung ương trực
tiếp quản lý, đặt tại huyện để phục vụ sản xuất hoặc để tiêu thụ các sản phẩm
do các đơn vị sản xuất trong huyện làm ra, nhằm tạo thành cơ cấu hợp lý và có
hiệu quả kinh tế cao.
b) Về kế hoạch, Ủy ban
nhân dân huyện:
- Dựa vào các quy hoạch của huyện
đã được duyệt và căn cứ vào số kiểm tra của tỉnh giao để xây dựng kế hoạch 5
năm và kế hoạch hàng năm về phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của huyện
theo đúng nội dung, phương pháp, trình tự, tiến độ kế hoạch hóa của Nhà nước
quy định, đưa Hội đồng nhân dân huyện quyết định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh
duyệt các chỉ tiêu chủ yếu và những cân đối lớn.
- Nội dung kế hoạch của huyện phải
toàn diện, bao gồm đầy đủ các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội từ sản xuất, xây dựng
đến lưu thông, phân phối, tổ chức đời sống vật chất và văn hóa trên địa bàn huyện.
Đối với phần kinh tế trực thuộc
huyện, phải bố trí ăn khớp giữa các khâu của quá trình tái sản xuất, bảo đảm
cho quá trình ấy được tiến hành thông suốt và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đối với phần kinh tế trực thuộc
tỉnh và trung ương đặt tại huyện, phải đưa vào cân đối trong kế hoạch của huyện
những vấn đề có liên quan đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống
thuộc trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện giải quyết.
Với sự giúp đỡ của Ủy ban nhân
dân tỉnh, phải cố gắng xây dựng một số bảng cân đối trên địa bàn toàn huyện:
cân đối lao động xã hội; cân đối đất đai; cân đối nguyên liệu, vật liệu của địa
phương cho sản xuất và xây dựng; cân đối lương thực, thực phẩm và các hàng tiêu
dùng chủ yếu cho nhân dân. Phải đặt vấn đề phân bố và tận dụng lao động, khai
thác tài nguyên (đất, rừng, biển…), phát huy công suất của cơ sở vật chất - kỹ
thuật hiện có và sắp có của huyện lên vị trí trung tâm trong cân đối kế hoạch của
huyện.
- Trong việc xây dựng kế hoạch ở
huyện, một mặt phải bảo đảm huyện là một bộ phận cấu thành trong kế hoạch của tỉnh;
mặt khác, phải liên kết được hoạt động của các đơn vị cơ sở trong huyện theo những
phương hướng và mục tiêu thống nhất của huyện, nhằm từng bước xây dựng huyện
thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp.
Phải bảo đảm sự nhất trí giữa
các ty, sở và Ủy ban nhân dân huyện trong việc xây dựng kế hoạch về từng ngành ở
huyện. Khi có ý kiến khác nhau thì Ủy ban nhân dân huyện và các ty, sở có liên
quan phải cùng nhau bàn bạc; trường hợp không nhất trí thì phải báo cáo rõ khi
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt kế hoạch của huyện.
Phải thực hiện tốt việc xây dựng
và tổng hợp kế hoạch của huyện từ các đơn vị kinh tế cơ sở (hợp tác xã, xí nghiệp
quốc doanh…), phát huy quyền làm chủ tập thể và trí sáng tạo của nhân dân, phát
huy các năng lực hiện có của từng đơn vị, phát triển sự phân công, hợp tác giữa
các đơn vị, các ngành trong huyện.
- Chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ
tiêu pháp lệnh của kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh giao thống nhất và đồng bộ
cho Ủy ban nhân dân huyện; tôn trọng đầy đủ các chỉ tiêu hướng dẫn cụ thể của
các ngành ở tỉnh đối với huyện, nếu các chỉ tiêu này không trái với các chỉ
tiêu pháp lệnh do Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao. Cụ thể hóa kế hoạch, chính thức
của tỉnh giao cho huyện để giao xuống các đơn vị cơ sở trực thuộc huyện, bố trí
các kế hoạch từng vụ, từng quý… và chỉ đạo, điều hành các ngành trong huyện,
các đơn vị trực thuộc huyện thực hiện toàn diện và vượt mức kế hoạch; kiểm tra,
đôn đốc các đơn vị trực thuộc tỉnh hoặc trung ương đặt tại huyện thực hiện đầy
đủ kế hoạch phục vụ sản xuất và đời sống trên địa bàn huyện.
- Trong trường hợp thật cần thiết
do có nhu cầu đột xuất hoặc do cấp trên không đáp ứng đủ các điều kiện vật chất
- kỹ thuật như đã ghi trong kế hoạch, trên cơ sở bảo đảm thực hiện toàn bộ hệ
thống chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước đã giao cho cấp huyện, Ủy ban
nhân dân huyện có quyền tạm thời phân phối ưu tiên lao động, vật tư, tiền vốn
thuộc kế hoạch và ngân sách huyện cho một số ngành và cơ sở trong huyện cần được
tập trung giải quyết để kịp thời hoàn thành kế hoạch với hiệu quả cao nhất,
nhưng phải báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân tỉnh và các ty, sở thuộc ngành dọc.
- Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ
báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch của huyện, và chế độ đánh giá, công nhận
việc hoàn thành kế hoạch của các đơn vị cơ sở trực thuộc huyện.
- Sau mỗi kỳ kế hoạch, huyện nào
hoàn thành và vượt mức kế hoạch một cách toàn diện hoặc từng mặt, thì được khen
thưởng cả về vật chất và tinh thần theo mức độ thích hợp; huyện nào không hoàn
thành kế hoạch (về thu mua, giao nộp sản phẩm, điều lao động cho trung ương và
tỉnh, thu nộp ngân sách…) mà do nguyên nhân chủ quan thì phải ghi nợ kế hoạch để
kỳ kế hoạch sau tiếp tục thực hiện và không được yêu cầu giải quyết thêm các điều
kiện về vật chất, tài chính cho phần nợ kế hoạch đó.
- Căn cứ vào đề nghị của hội đồng
xét duyệt quyết toán kế hoạch huyện, Ủy ban nhân dân huyện có quyền quyết định
việc đánh giá, công nhận về hoàn thành kế hoạch của các đơn vị cơ sở trực thuộc
huyện; tham gia ý kiến vào việc đánh giá, công nhận về hoàn thành kế hoạch của
các đơn vị cơ sở trực thuộc tỉnh và trung ương đặt tại huyện về những mặt có
liên quan đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.
3. Quản lý
các ngành sản xuất
a) Về nông nghiệp, lâm nghiệp
Ủy ban nhân dân huyện:
- Căn cứ vào quy định của huyện
đã được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt, triển khai việc đưa sản xuất nông nghiệp,
lâm nghiệp đi nhanh vào chuyên canh, thâm canh, chỉ đạo các hợp tác xã nông
nghiệp, hợp tác xã nông – lâm nghiệp, hợp tác xã lâm – nông nghiệp, các nông
trường, lâm trường do huyện trực tiếp quản lý trong việc sản xuất, kinh doanh
theo đúng quy hoạch của huyện và kế hoạch Nhà nước.
- Theo quy hoạch chung của tỉnh
và theo quy hoạch của huyện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt, theo khả năng về
lao động, vật tư, tiền vốn có thể huy động được ở trong huyện và do Nhà nước
đưa về cho huyện, tổ chức việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật trong huyện để
phục vụ sản xuất và đời sống trong huyện, như trạm máy nông nghiệp, cơ sở sửa
chữa cơ khí, trại giống lúa cho sản xuất đại trà, trạm thú y, trạm bảo vệ thực
vật, hệ thống trung và tiểu thuỷ nông trong huyện, các tổ chức cung ứng vật tư
các xí nghiệp nhỏ và vừa về sản xuất một số công cụ lao động (không do các nhà
máy lớn sản xuất hàng loạt), về chế biến thức ăn cho chăn nuôi, về chế biến
nông sản và lâm sản; chỉ đạo tổ chức việc liên doanh giữa các hợp tác xã với
nhau hoặc giữa hợp tác xã với xí nghiệp quốc doanh.
Hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật
phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trong huyện không nhất thiết đều nằm gọn
trong huyện, mà tùy theo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật có những tổ chức liên huyện
và do cấp tỉnh trực tiếp quản lý. Việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ở huyện
phải theo đúng quy hoạch của tỉnh, tránh khuynh hướng cái gì cũng muốn có riêng
của huyện, gây lãng phí về nhiều mặt.
- Căn cứ vào nhu cầu của huyện,
tham gia ý kiến với các tổ chức kinh tế và các tổ chức kinh doanh trực thuộc trung
ương hoặc cấp tỉnh về việc bố trí địa điểm, tổ chức và hoạt động của các cơ sở
trực thuộc các ngành này, trên địa bàn huyện, như mạng lưới điện, hệ thống thủy
nông liên huyện, trạm trại giống (cây và con), trạm máy nông nghiệp và sửa chữa
cơ khí liên huyện…về việc thu mua, chế biến và tiêu thụ những sản phẩm do hợp
tác xã, nông trường, lâm trường trong huyện làm ra.
- Quản lý tất cả đất đai và ao,
hồ trong huyện; kiểm tra việc sử dụng tất cả các loại đất trong huyện và buộc
các cơ sở sản xuất, các cơ quan Nhà nước (kể cả các lực lượng vũ trang nhân
dân) sử dụng đất đai theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt và theo đúng
pháp luật; cấp và thu hồi đất, giải quyết các tranh chấp về đất trong phạm vi
thẩm quyền của cấp huyện theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các đơn vị sản xuất
nông nghiệp, lâm nghiệp và các cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm phục vụ sản xuất
nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc tiêu thụ những nông sản, lâm sản của huyện trong
việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch ấy.
b) Về thủy lợi, Ủy ban
nhân dân huyện:
- Căn cứ vào quy hoạch thủy lợi
của các dòng sông chảy qua địa bàn huyện, căn cứ vào quy hoạch thủy lợi của tỉnh,
xây dựng quy hoạch thủy nông của huyện, trình cấp tỉnh duyệt; theo sự chỉ đạo của
cấp tỉnh, tổ chức việc xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ trong huyện;
chỉ đạo các hợp tác xã, các nông trường trong huyện xây dựng mạng lưới thủy
nông của hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã – nông trường.
- Trực tiếp quản lý các hệ thống
nông giang, các trạm bơm có nhiệm vụ tưới hoặc tiêu nước cho ruộng đất của các
hợp tác xã trong huyện; tham gia hội đồng quản lý hệ thống nông giang liên huyện.
- Tổ chức việc bảo vệ, bồi bổ hệ
thống đê, đập và các công trình ngầm ở dưới đê thuộc phạm vi huyện theo đúng
pháp luật; tổ chức việc phòng, chống lũ, lụt trong huyện.
c) Về ngư nghiệp, Ủy ban
nhân dân huyện:
- Xây dựng quy hoạch về phát triển
nuôi cá nước ngọt (trong ruộng, ao, hồ, mương, máng, sông, ngòi…), cá nước lợ
và nước mặn trên các mặt nước ở cửa biển, ven biển kết hợp với quy hoạch nông
nghiệp của huyện; chỉ đạo các tổ chức chuyên kinh doanh ngư nghiệp, các liên
doanh nuôi cá của hợp tác xã nông nghiệp tiến hành sản xuất và kinh doanh; tổ
chức các cơ sở sản xuất cá, tôm giống để cung cấp cho các cơ sở sản xuất trong
huyện và các cơ sở chế biến thủy sản; tổ chức và chỉ đạo các hợp tác xã nghề
cá.
- Kiểm tra việc chấp hành pháp
luật về bảo vệ các mặt nước trong huyện, chống ô nhiễm, việc tuân theo các quy
định của Nhà nước nhằm bảo vệ các nguồn thủy sản.
Đối với nghề đánh cá ngoài khơi ở
những vùng tập trung lớn, sẽ có quy định riêng.
d) Về công nghiệp, tiểu công
nghiệp và thủ công nghiệp. Ủy ban nhân dân huyện:
- Căn cứ vào các quy hoạch của
huyện, chỉ đạo các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và các đơn vị quốc
doanh trực thuộc cấp huyện xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, chú trọng đầy đủ
quy hoạch về mạng lưới sửa chữa cơ khí và sản xuất công cụ lao động trong huyện.
- Chỉ đạo các hợp tác xã và xí
nghiệp quốc doanh lập kế hoạch sản xuất và tổng hợp các kế hoạch ấy thành kế hoạch
phát triển công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, cân đối chung trong
kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của huyện; chỉ đạo các cơ sở này
cùng với các đơn vị sản xuất kinh doanh có liên quan ký kết các hợp đồng về thu
mua nguyên liệu, vật liệu, mua thiết bị, gia công, tiêu thụ sản phẩm, v.v…theo
kế hoạch Nhà nước và theo đúng chính sách, pháp luật Nhà nước.
- Chỉ đạo các hợp tác xã nông
nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp phát triển các ngành, nghề phụ theo hướng tận dụng
lao động trong nông thôn.
- Xây dựng kế hoạch về cung ứng
vật tư (loại vật tư do cấp tỉnh hoặc trung ương quản lý thống nhất) cho công
nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong huyện ăn khớp với kế hoạch sản
xuất, và đề nghị lên cấp tỉnh cung ứng; chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, lâm
nghiệp, các nông trường, lâm trường, các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, sản
xuất và cung ứng vật tư, nguyên liệu (loại vật tư không do cấp tỉnh hoặc trung
ương quản lý thống nhất) cho các xí nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã tiểu công
nghiệp, thủ công nghiệp theo kế hoạch của huyện và thông qua việc ký kết hợp đồng
kinh tế.
- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các
hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và các đơn vị quốc doanh chấp hành
đúng chính sách, pháp luật Nhà nước, điều lệ hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ
công nghiệp và điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh; tiếp tục hoàn thành việc
cải tạo xã hội chủ nghĩa kết hợp với việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật;
không ngừng tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế, cải tiến kỹ thuật, tăng
năng suất lao động, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
- Trực tiếp xây dựng và quản lý
một số cơ sở công nghiệp quốc doanh, chủ yếu là các cơ sở sửa chữa cơ
khí, sản xuất công cụ lao động, sơ chế và chế biến nông sản, lâm sản, sản xuất
vật liệu xây dựng, theo sự phân công hợp lý giữa trung ương, tỉnh, huyện. Khi
có điều kiện, theo sự hướng dẫn của trung ương hoặc của tỉnh, xây dựng tổ chức
liên hiệp nông – công nghiệp gắn liền công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản với
các đơn vị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trong phạm vi huyện.
đ) Về xây dựng, Ủy ban
nhân dân huyện:
- Trên cơ sở quy hoạch của huyện
đã được tỉnh duyệt, chỉ đạo các Ủy ban nhân dân xã và các hợp tác xã lập quy hoạch
về xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa trong quá trình tổ chức lại sản xuất
trên địa bàn huyện; lập quy hoạch xây dựng các khu nhà ở, các công trình phúc lợi
công cộng (vườn trẻ, nhà mẫu giáo, trường học…).
- Xây dựng quy hoạch thị trấn của
huyện; chỉ đạo việc xây dựng nhà ở, các công trình công cộng ở thị trấn (thuộc
huyện) theo quy hoạch đã được duyệt; quản ly đất xây dựng và nhà ở trong thị trấn
(cả của Nhà nước và của tư nhân) theo đúng các chính sách, chế độ về quản lý đất
và nhà ở của Nhà nước.
- Trực tiếp quản lý một số cơ sở
sản xuất hoặc khai thác vật liệu xây dựng trực thuộc huyện; chỉ đạo các hợp tác
xã nông nghiệp và nhân dân trong huyện phát triển mạnh những loại vật liệu xây
dựng tại chỗ (tre, xoan, đá, đá ong…).
- Tham gia ý kiến với cấp trên về
việc chọn địa điểm xây dựng công trình của các đơn vị trực thuộc trung ương hoặc
cấp tỉnh đặt trên địa bàn huyện; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị này chấp hành
đúng các chế độ, thể lệ về sử dụng đất xây dựng và về xây dựng cơ bản.
e) Về giao thông vận tải,
Ủy ban nhân dân huyện:
- Xây dựng quy hoạch về giao
thông trong huyện khớp với quy hoạch về giao thông vận tải của tỉnh, kết hợp chặt
chẽ đường bộ và đường thủy trong huyện thành mạng lưới giao thông thuận lợi nhất
và khớp với quy hoạch về địa bàn cơ giới hóa nông nghiệp; huy động lao động
trong huyện và lực lượng chuyên trách của cơ quan giao thông huyện để xây dựng,
bảo dưỡng mạng lưới đường giao thông này.
- Chỉ đạo các hợp tác xã vận tải
và các tổ chức vận tải quốc doanh của huyện xây dựng và phát triển lực lượng vận
tải phục vụ cho sản xuất và việc đi lại của hành khách trong huyện; chỉ đạo các
hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các trạm máy nông nghiệp… huy động
các năng lực vận tải của mình (kể các phương tiện thô sơ) vào việc vận chuyển vật
tư, hàng hóa trong huyện.
- Tổ chức việc bảo dưỡng các đoạn
đường do trung ương hoặc do cấp tỉnh trực tiếp quản lý nhưng phân công cho huyện
phụ trách việc bảo dưỡng; tổ chức việc sửa chữa các phương tiện vận tải theo sự
phân công của tỉnh; tổ chức việc cung ứng các vật tư chuyên dùng về giao thông
vận tải, nếu được cấp trên giao nhiệm vụ; tổ chức việc đăng ký kinh doanh vận tải
trong huyện.
- Giáo dục, tổ chức nhân dân bảo
vệ đường, cầu trong huyện, nhất là đường do trung ương hoặc do tỉnh trực tiếp
quản lý, như đường quốc lộ, đường sắt, cầu lớn, đường liên huyện.
4. Về quản lý
lao động và tiền lương
a) Về quản lý lao động, Ủy
ban nhân dân huyện:
- Theo quy hoạch của huyện và kế
hoạch Nhà nước, cân đối lực lượng lao động với nhu cầu của các ngành sản xuất
và các mặt hoạt động khác trong huyện; lập kế hoạch phân công và phân bổ lực lượng
lao động trong huyện; tổ chức việc điều phối và sử dụng có hiệu quả lao động
trên phạm vi huyện theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, vừa bảo đảm sản
xuất của các đơn vị cơ sở, vừa tạo được một lực lượng lao động do cấp huyện trực
tiếp quản lý nhằm phục vụ các yêu cầu của sản xuất và xây dựng cơ bản; trực tiếp
điều chỉnh lao động từ nơi đông dân đến nơi thưa dân trên địa bàn huyện để tận
dụng tài nguyên, tạo thêm hoặc sử dụng tốt hơn đất canh tác trong huyện; điều
lao động đi nơi khác hoặc tiếp nhận lao động từ nơi khác đến theo kế hoạch của
Nhà nước.
- Đề ra các chủ trương, biện
pháp cụ thể để mở mang và phát triển các ngành, nghề trong huyện, nhằm phân bố
và sử dụng với hiệu suất cao lực lượng lao động trong huyện; tổ chức việc đăng
ký và nắm chắc lực lượng lao động cũng như sự biến động trong lực lượng lao động
ở huyện để điều phối kịp thời, không để tình trạng người có sức lao động không
chịu làm việc hoặc không có việc làm.
- Tuyển dụng và điều động lao động
cho trung ương và cho cấp tỉnh theo đúng các chính sách, chế độ và kế hoạch Nhà
nước; huy động lao động theo nghĩa vụ và lao động phục vụ các yêu cầu khẩn cấp
của Nhà nước theo đúng các chính sách, chế độ chung.
- Chỉ đạo việc lập kế hoạch về
đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân hoạt động trong các ngành trực thuộc
cấp huyện; tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật cho các cán bộ sơ cấp
trong huyện; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về kỹ thuật cho các xã viên của các
hợp tác xã trong huyện.
- Kiểm tra, đôn đốc việc thi
hành pháp luật về lao động trong các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã thuộc phạm
vi quản lý của cấp huyện; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về lao động
trong các đơn vị do trung ương hoặc do cấp tỉnh quản lý đặt trên địa bàn huyện,
với sự giúp đỡ của Ty lao động.
- Chỉ đạo các ngành trong huyện
xây dựng và xét duyệt các định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư…của các
xí nghiệp trực thuộc huyện và các hợp tác xã trong huyện.
b) Về quản lý tiền lương,
Ủy ban nhân dân huyện:
- Quyết định việc xếp lương,
nâng cấp, nâng bậc cho cán bộ, công nhân, nhân viên do huyện trực tiếp quản lý
theo đúng chính sách, chế độ và trong phạm vi quỹ tiền lương được cấp tỉnh xét
duyệt cho huyện; quyết định các mức tiền công áp dụng trong huyện trên phạm vi
được Nhà nước phân cấp quản lý.
- Chỉ đạo thực hiện các chính
sách, chế độ về tiền công và phân phối thu nhập, chế độ phúc lợi ở khu vực kinh
tế tập thể trong huyện theo sự hướng dẫn của cấp tỉnh.
5. Về quản lý
khoa học kỹ thuật, Ủy ban nhân dân huyện:
- Căn cứ vào những quy định của
Nhà nước đã được các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa, Ủy ban nhân dân huyện
chỉ đạo và kiểm tra các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sản xuất và xây dựng…thuộc
cấp huyện, thực hiện đúng các tiêu chuẩn, định mức, các quy định về quản lý chất
lượng sản phẩm và hàng hóa, quản lý đo lường,v.v…
- Yêu cầu các trạm, trại thí
nghiệm trực thuộc trung ương hoặc cấp tỉnh đặt tại huyện phối hợp giúp đỡ các
đơn vị sản xuất trực thuộc cấp huyện trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu
khoa học kỹ thuật có liên quan đến sản xuất trong huyện.
- Dưới sự hướng dẫn của cấp tỉnh
hoặc trung ương, chỉ đạo việc phổ biến và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật
vào sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của cấp huyện, nhất là trong
nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng.
6. Về cung ứng
vật tư kỹ thuật, về thương nghiệp.
a) Về
cung ứng vật tư kỹ thuật, Ủy ban nhân dân huyện:
Căn cứ vào kế hoạch của huyện đã
được cấp tỉnh duyệt mà lập kế hoạch về những vật tư kỹ thuật Nhà nước cung ứng
cho các đơn vị kinh tế trong huyện; chỉ đạo việc cung ứng các vật tư kỹ thuật
đó cho các đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc cấp huyện theo đúng chế độ của
Nhà nước.
Căn cứ vào sự chỉ đạo của Chính
phủ, tổ chức cơ quan đại lý cung ứng vật tư để phụ trách việc phân phối các vật
tư kỹ thuật do các công ty vật, tư khu vực (của các công ty trực thuộc các Bộ)
hoặc do các công ty trực thuộc cấp tỉnh đưa về phục vụ cho sản xuất và xây dựng
trong huyện. Cần chỉ đạo và theo dõi sát sao việc này để tổ chức thực hiện cho
phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhanh nhất, tốt nhất các yêu cầu của sản xuất
và xây dựng trong huyện.
Trong trường hợp có những cơ sở
cung ứng vật tư kỹ thuật trực thuộc trung ương hoặc cấp tỉnh đặt tại huyện để
phục vụ sản xuất và xây dựng, Ủy ban nhân dân huyện có quyền:
- Tham gia vào việc bố trí địa
điểm để phục vụ cho các đơn vị sản xuất trong huyện được thuận lợi;
- Xem xét và phát biểu ý kiến
vào dự án kế hoạch của các đơn vị này trước khi gửi lên cơ quan chủ quản cấp
trên, nhằm làm cho kế hoạch của các đơn vị này khớp với kế hoạch của huyện;
- Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị
này hoạt động theo đúng kế hoạch đã định và theo đúng các hợp đồng kinh tế đã
ký kết với các đơn vị sản xuất trong huyện.
Chỉ đạo việc ký kết hợp đồng
kinh tế giữa các hợp tác xã và xí nghiệp sản xuất quốc doanh với các tổ chức
cung ứng vật tư, dịch vụ (như cơ quan đại lý cung ứng vật tư, trạm máy nông
nghiệp và sửa chữa cơ khí, công ty thủy nông…) trên cơ sở kế hoạch hàng năm của
Ủy ban nhân dân huyện; chỉ đạo tất cả các tổ chức kinh tế quốc doanh và kinh tế
tập thể trong huyện thực hiện đầy đủ hợp đồng đã ký kết.
b) Về thương nghiệp, Ủy
ban nhân dân huyện:
- Lập kế hoạch giao và bán cho
Nhà nước các nông sản, lâm sản, thủy sản, các sản phẩm tiểu công nghiệp và thủ
công nghiệp, v.v… trong huyện khớp với kế hoạch sản xuất của huyện và được tổng
hợp vào kế hoạch hàng năm của huyện để đưa Hội đồng nhân dân huyện quyết định
và Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt; chỉ đạo tất cả các hợp tác xã, các xí nghiệp quốc
doanh trực thuộc cấp huyện thực hiện đầy đủ kế hoạch ấy, bảo đảm hoàn thành và
vượt mức các chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước.
- Tổ chức cơ
quan đại lý thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản; chỉ đạo việc ký kết hợp đồng
giữa cơ quan đại lý thu mua và các hợp tác xã, xí nghiệp sản xuất trên cơ sở kế
hoạch hàng năm của huyện và kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã ký kết.
- Đối với các tổ chức thu mua
thuộc công ty của trung ương hoặc của tỉnh có nhiệm vụ thu mua trong huyện (như
thu mua lương thực và một số mặt hàng khác do Nhà nước thống nhất quản lý…), Ủy
ban nhân dân huyện cần tham gia về dự án kế hoạch của các đơn vị này về phần có
liên quan đến sản xuất và đời sống trong huyện trước khi đơn vị gửi lên cơ quan
chủ quản cấp trên xét duyệt; kiểm tra, đôn đốc tất cả các đơn vị ấy hoạt động
theo đúng kế hoạch Nhà nước, theo đúng các hợp đồng kinh tế đã ký kết với các
đơn vị sản xuất trong huyện và theo đúng các chính sách, chế độ về thu mua sản
phẩm của Nhà nước.
- Chỉ đạo việc ký kết hợp đồng
kinh tế theo kế hoạch đã duyệt giữa các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư
nghiệp với các xí nghiệp chế biến của Nhà nước (trực thuộc trung ương hoặc cấp
tỉnh, cấp huyện); chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hai bên thực hiện đầy đủ hợp đồng
đã ký kết.
- Đối với khối lượng hàng hóa mà
cấp huyện và các hợp tác xã phải làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, Ủy ban nhân dân
huyện đôn đốc các đơn vị sản xuất giao đủ số lượng hàng hóa có phẩm chất tốt
cho các công ty, xí nghiệp thu mua cho trung ương (hoặc cấp tỉnh), theo đúng kế
hoạch Nhà nước.
- Lập kế hoạch bán lẻ của huyện
nhằm phục vụ tốt nhất đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân trong huyện, và
tổng hợp vào kế hoạch hàng năm của huyện sau khi kế hoạch này được duyệt, chỉ đạo
các tổ chức thương nghiệp (quốc doanh, hợp tác xã mua bán…) trong huyện thực hiện
kế hoạch ấy, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước.
- Đối với những loại hàng không
thuộc diện quản lý thống nhất của Nhà nước, cấp huyện tổ chức thu mua để phục vụ
cho tiêu dùng trong huyện hoặc bán ra ngoài huyện.
c) Về quản lý thị trường,
Ủy ban nhân dân huyện:
- Tổ chức việc phối hợp mạng lưới
và hoạt động của các tổ chức thương nghiệp trên địa bàn huyện, bao gồm các cửa
hàng quốc doanh, các hợp tác xã mua bán, các chợ nông thôn. Các ngành kinh
doanh của tỉnh hoặc của trung ương phải thông qua cơ quan đại lý thu mua cấp
huyện để tránh việc chồng chéo lên nhau, để làm cho mạng lưới này hoạt động nhịp
nhàng và hợp lý, bảo đảm nắm nguồn hàng trong tay Nhà nước, đồng thời phục vụ tốt
sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện, loại trừ bọn thương nhân đầu cơ
lũng đoạn thị trường nông thôn.
- Tổ chức, cải tạo và quản lý tốt
các chợ nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi sản phẩm của các
hợp tác xã, của kinh tế phụ gia đình, có tác dụng kích thích sản xuất phục vụ đời
sống và góp phần làm cho thị trường thêm phong phú.
- Quản lý hành chính toàn bộ thị
trường trong huyện, tiến hành việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thị trường
theo đúng pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước. Chỉ đạo việc đấu tranh chống
mọi hoạt động phi pháp, phá rối thị trường, trong tất cả các cơ quan Nhà nước
(kể cả các lực lượng vũ trang nhân dân), các tổ chức kinh tế, các xí nghiệp quốc
doanh, các hợp tác xã và trong nhân dân.
7. Về quản lý
tài chính, ngân hàng, giá cả.
a) Về quản lý tài chính, Ủy
ban nhân dân huyện:
- Theo đúng chế độ về ngân sách
Nhà nước, các thể lệ, chế độ về thu, chi tài chính và theo đúng các tiêu chuẩn,
định mức của Nhà nước, lập dự án ngân sách của huyện, trình Hội đồng nhân dân
huyện quyết định, rồi trình Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt; quản lý và chấp hành tốt
ngân sách đó.
Nguồn thu của ngân sách huyện
bao gồm: thu cố định hoặc điều tiết từ các đơn vị kinh tế và sự nghiệp (quốc
doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã, tư nhân) hoạt động trên địa bàn huyện, trợ
cấp của ngân sách Nhà nước và vốn vay của ngân hàng.
Chi của ngân sách huyện bao gồm
các khoản: chi về xây dựng cơ bản, chi về sự nghiệp kinh tế, y tế, giáo dục,
văn hóa, xã hội, chi về hành chính…cho các đơn vị kinh tế, các cơ quan sự nghiệp,
hành chính do cấp huyện trực tiếp quản lý.
Việc lập dự toán xét duyệt, chấp
hành và quyết toán ngân sách huyện sẽ được quy định trong văn bản của Hội đồng Chính
phủ về ngân sách của chính quyền Nhà nước cấp huyện.
- Chỉ đạo công tác quản lý tài
chính của các xí nghiệp, các hợp tác xã, các cơ quan do cấp huyện trực tiếp quản
lý; bảo đảm thực hiện tốt công tác hạch toán kinh tế trong các tổ chức và đơn vị
sản xuất kinh doanh (quốc doanh và tập thể) thuộc cấp huyện quản lý.
- Tổ chức thu các loại thuế và
huy động các nguồn thu khác, trích đưa vào ngân sách huyện theo quy định chung
của Nhà nước.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
các Ủy ban nhân dân xã trong huyện xây dựng và thực hiện ngân sách xã theo đúng
chế độ ngân sách Nhà nước và các thể lệ, chế độ thu, chi tài chính.
- Tổ chức kiểm tra tài chính của
các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị do cấp huyện trực tiếp quản lý; tổ chức kiểm tra
tài chính của các hợp tác xã, phối hợp với sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của
ban kiểm soát và của quần chúng xã viên trong các hợp tác xã.
- Tổ chức các xí nghiệp quốc
doanh (quy doan vừa và nhỏ) theo quy hoạch đã được duyệt để khai thác tài
nguyên và tận dụng lao động trong huyện. Các xí nghiệp này được vay vốn tín dụng
dài hạn và ngắn hạn theo thể lệ chung
b) Về quản lý ngân hàng, Ủy
ban nhân dân huyện:
- Chỉ đạo các ngành trong huyện
lập kế hoạch về vay vốn tín dụng dài hạn, tín dụng ngắn hạn và kế hoạch tiền mặt;
chi điếm ngân hàng Nhà nước ở huyện tổng hợp thành kế hoạch tiền mặt, tín dụng
toàn huyện, và báo cáo để Ủy ban nhân dân huyện cho ý kiến trước khi gửi dự án
kế hoạch ấy lên ngân hàng cấp trên xét duyệt.
- Kiểm tra chi điếm ngân hàng
Nhà nước ở huyện trong việc chấp hành chính sách, kế hoạch tín dụng và tiền mặt.
Trong trường hợp mà nguồn vốn của ngân hàng dành cho tín dụng dài hạn không đáp
ứng đủ nhu cầu của các đơn vị sản xuất thuộc cấp huyện quản lý, Ủy ban nhân dân
huyện quyết định thứ tự ưu tiên cho vay và chi điếm ngân hàng phải thực hiện tốt,
sau khi đã xét phương án kinh tế và đơn xin vay của các đơn vị sản xuất đó bảo
đảm hiệu quả vốn và hợp lệ.
c) Về quản lý giá cả, Ủy
ban nhân dân huyện:
- Kiểm tra việc chấp hành chính
sách, chế độ giá cả trong các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh đặt ở
địa bàn huyện và trên toàn bộ thị trường huyện; trực tiếp giải quyết hoặc
báo cáo lên cấp trên giải quyết các vụ vi phạm chính sách, chế độ giá cả tùy
theo mức độ phạm pháp.
- Quyết định giá cả về một số sản
phẩm hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi huyện theo quy định về phân công, phân cấp
quản lý giá cả và theo chính sách giá cả, chế độ, thể lệ về quản lý giá cả của
Nhà nước.
8. Về đời sống
vật chất và văn hóa của nhân dân trong huyện
Ủy ban nhân dân huyện:
- Chăm lo toàn diện về ăn, mặc, ở,
đi lại, học tập, bảo vệ sức khỏe, nghỉ ngơi, giải trí cho toàn thể nhân dân
trong huyện; căn cứ vào kế hoạch của huyện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt,
chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chuyên môn thuộc cấp huyện và yêu cầu
các cơ quan kinh doanh trực thuộc trung ương hoặc cấp tỉnh đặt tại huyện (để phục
vụ đời sống của nhân dân trong huyện) xây dựng và thực hiện kế hoạch về cung ứng
lương thực, thực phẩm, các hàng tiêu dùng và dịch vụ cho đời sống vật chất và
văn hóa của nhân dân trong huyện.
- Quy hoạch và tổ chức mạng lưới
các cửa hàng quốc doanh, hợp tác xã bán lẻ, cơ sở ăn uống công cộng và phục vụ
trong huyện. Chỉ đạo việc phân phối lương thực và phân phối thu nhập bằng tiền
trong các hợp tác xã sản xuất theo đúng chính sách và chế độ, vừa bảo đảm nghĩa
vụ đối với Nhà nước, vừa bảo đảm đời sống của xã viên.
- Chỉ đạo việc xây dựng và sửa
chữa nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng ở các thị trấn và các xã; thường
xuyên chăm lo cải thiện điều kiện ở của nhân dân.
- Tổ chức mạng lưới giao thông vận
tải trong huyện được thuận tiện.
- Xây dựng mạng lưới phòng và chữa
bệnh trên địa bàn huyện bao gồm các trạm y tế xã, bệnh viện huyện; chỉ đạo, kiểm
tra đôn đốc các đơn vị này hoạt động tích cực để phục vụ nhân dân trong huyện;
chỉ đạo thực hiện việc kết hợp chặt chẽ tây y và y học dân tộc. Tổ chức cơ sở
chế biến thuốc nam bằng dược liệu tại địa phương.
Thường xuyên chỉ đạo cuộc vận động
sinh đẻ có kế hoạch, tổ chức phong trào vệ sinh ở nông thôn, đưa lối sống theo
vệ sinh thành tập quán của nhân dân trong huyện.
- Chỉ đạo việc xây dựng và quản
lý mạng lưới các nhà giữ trẻ, các trường mẫu giáo; tổ chức xây dựng và quản lý
mạng lưới các trường phổ thông trong huyện.
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện
kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục trong huyện, chỉ đạo việc xây dựng
các cơ sở và các hoạt động văn hóa (phòng đọc sách, thư viện, nhà hát, rạp chiếu
bóng, nhà văn hóa, nhà bảo tàng…), chỉ đạo phong trào văn hóa quần chúng, phong
trào thể dục thể thao trong huyện.
Xây dựng và quản lý các nơi nghỉ
ngơi, giải trí ở thị trấn, ở huyện; tham gia việc quản lý và bảo vệ các nơi có
di tích lịch sử, di tích cách mạng, các cơ sở nghỉ mát, dưỡng bệnh..trên địa
bàn huyện do trung ương hoặc cấp tỉnh trực tiếp quản lý.
- Chỉ đạo và đôn đốc việc bài trừ
hủ tục, mê tín dị đoan, và xây dựng lối sống mới, phong tục tập quán mới theo
đúng chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Bảo đảm và phát huy quyền làm
chủ tập thể của nhân dân trong huyện, đi đôi với xây dựng con người mới xã hội
chủ nghĩa.
9. Về tổ chức
bộ máy và cán bộ
a) Về tổ chức bộ máy, Ủy
ban nhân dân huyện:
- Theo những quy định chung của
Hội đồng Chính phủ về tổ chức bộ máy và biên chế đối với từng loại huyện, theo
sự hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh và của các Ty, Ủy ban nhân dân huyện xây
dựng dự án về bộ máy và biên chế của huyện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt;
trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân huyện tổ chức thực hiện và bố trí bộ máy cụ thể
của mình, sát hợp với các điều kiện của huyện, thiết thực, gọn nhẹ, tránh cồng
kềnh và quan liêu.
- Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo
và quản lý việc phát triển kinh tế và văn hóa, giáo dục, quản lý các mặt của đời
sống xã hội trong huyện dựa vào các cơ quan chuyên môn phụ trách các ngành, các
lĩnh vực công tác ở huyện.
Các cơ quan chuyên môn của Ủy ban
nhân dân huyện là bộ máy chuyên môn phụ trách các ngành, các lĩnh vực công tác ở
huyện, vừa thuộc Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, vừa thuộc cơ quan
chuyên ngành có thẩm quyền của cấp tỉnh.
b) Về quản lý cán bộ, Ủy
ban nhân dân huyện:
- Trực tiếp quản lý tất cả cán bộ
trong bộ máy quản lý hành chính, quản lý sản xuất kinh doanh thuộc cấp huyện (kể
cả cán bộ xã và hợp tác xã) theo đúng các chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước.
- Đối với các cán bộ trưởng và
phó của các cơ quan chuyên môn thuộc cấp huyện, Ủy ban nhân dân huyện theo đúng
tiêu chuẩn của các Bộ, Tổng cục đã được Chính phủ thông qua, lựa chọn và đề nghị
với các ty chủ quản của tỉnh. Việc bổ nhiệm, cách chức hoặc thay đổi những cán
bộ này phải có sự nhất trí giữa ty chủ quản và Ủy ban nhân dân huyện. Sau đó,
trưởng ty chủ quản ký kết quyết định.
Trong trường hợp ở huyện không
có cán bộ đủ tiêu chuẩn như đã quy định, Ủy ban nhân dân huyện đề nghị ty chủ
quản chọn người ở nơi khác và bàn bạc nhất trí trước khi ty quyết định điều động
và bổ nhiệm cán bộ.
Trong việc bổ nhiệm, cách chức
hoặc thay đổi, điều động cán bộ này, nếu có sự không nhất trí giữa Ủy ban nhân
dân huyện và ty chủ quản, thì trưởng ty phải báo cáo lên Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh quyết định.
II.
MỘT SỐ ĐIỂM VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN , TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP TỈNH, CẤP XÃ
Đi đôi với việc bổ sung nhiệm vụ,
quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện về quản lý kinh tế
như trên đây, cần phải điều chỉnh một số ít nhiệm vụ của cấp tỉnh và cấp xã.
a) Đối với cấp
tỉnh:
Chính quyền cấp tỉnh phải tăng
cường nhiệm vụ quản lý hành chính kinh tế trên địa bàn tỉnh, đối với việc xây dựng
cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp của tỉnh, đối với các xí nghiệp trung ương đặt
tại tỉnh, nói chung là đối với toàn bộ hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh như
nghị định số 24-CP đã quy định.
Với vị trí mới của tỉnh trong việc
tổ chức lại sản xuất xã hội, cấp tỉnh phải làm tốt việc xây dựng cơ cấu kinh tế
công – nông nghiệp, xây dựng quy hoạch của tỉnh và giúp từng huyện xây dựng quy
hoạch chung của huyện, quy hoạch của các ngành trong mỗi huyện, phải xây dựng
và giao nhiệm vụ kế hoạch ngày càng chính xác cho từng huyện; phải đẩy mạnh việc
xây dựng và quản lý công nghiệp, tăng cường năng lực của công nghiệp để tác động
mạnh vào nông nghiệp; phải chỉ đạo cấp huyện trong việc xây dựng và quản lý cơ
cấu kinh tế nông – công nghiệp, kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn kịp thời; cấp tỉnh
phải phụ trách việc bồi dưỡng cán bộ cho cấp huyện, cấp xã và hợp tác xã. Trước
mắt, cấp tỉnh phải ra sức làm tốt hai khâu đối với huyện; cùng với huyện làm
cho được quy hoạch của huyện đồng thời giúp cho huyện xây dựng được kế hoạch
năm; giúp huyện xây dựng từng bước cơ sở vật chất - kỹ thuật, chủ yếu là cơ sở
phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp.
Do nhiệm vụ mới của cấp huyện, giảm
bớt cho cấp tỉnh nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và chỉ đạo sản xuất, kinh doanh đối
với các đơn vị kinh tế nằm trong cơ cấu kinh tế nông – công nghiệp huyện.
b) Đối với cấp
xã:
- Giảm bớt cho chính quyền cấp
xã ở các vùng đồng bằng và trung du miền Bắc nhiệm vụ chỉ đạo các hợp tác xã
nông nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp xây dựng kế hoạch và thực hiện kế
hoạch.
- Đối với chính quyền các xã ở
miền núi của miền Bắc và các xã ở miền Nam, nhiệm vụ chỉ đạo các hợp tác xã,
các tổ đoàn kết sản xuất…của Ủy ban nhân dân vẫn như cũ, vì ở miền núi của miền
Bắc trong mỗi xã còn có nhiều hợp tác xã, có khi còn có tổ đổi công, và ở miền
Nam mới làm thử việc tổ chức hợp tác xã nông nghiệp.
Thường vụ Hội đồng Chính phủ sẽ
tăng cường chỉ đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn về những
mối quan hệ giữa các cấp tỉnh - huyện – xã, nhất là trong chế độ làm việc để chỉ
đạo tốt các tỉnh, huyện, xã, và mặt khác, bổ sung cho đạo luật về chính quyền
các cấp sẽ được ban hành trong mấy năm tới.
III.
NHỮNG VIỆC CẦN TỔ CHỨC LÀM THỬ ĐỂ RÚT KẾT LUẬN CHÍNH XÁC
Trên đây mới giải quyết những vấn
đề đã sáng tỏ trong thực tiễn hoạt động, còn phải tiếp tục tổ chức làm thử một
số việc để rút kết luận nhằm hoàn chỉnh việc phân cấp quản lý kinh tế cho cấp
huyện; đó là:
1. Tiếp tục việc giúp cho
một số huyện xây dựng kế hoạch và ngân sách, rút kinh nghiệm để xây dựng bản
quy định ban hành vào giữa năm 1978.
2. Làm thử việc giao cho
huyện quản lý công ty bán lẻ hàng tiêu dùng trong một số huyện, với hai cách
khác nhau:
- Thành lập cửa hàng bách hóa tổng
hợp bán lẻ của huyện và giao cho huyện quản lý toàn diện;
- Việc bán lẻ hàng tiêu dùng ở
huyện do Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch để trình Ủy ban nhân dân tỉnh
duyệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện.
3. Làm thử việc giao cho
cấp huyện quản lý trạm máy nông nghiệp và sửa chữa cơ khí với các mức độ khác
nhau:
- Thành lập trạm máy nông nghiệp
và sửa chữa cơ khí nằm gọn trong một huyện và giao cho cơ quan nông nghiệp huyện
giúp Ủy ban nhân dân huyện quản lý toàn diện;
- Trạm máy nông nghiệp và sửa chữa
cơ khí nằm gọn trong huyện, nhưng cấp huyện chỉ quản lý về mặt xây dựng kế hoạch
và chỉ đạo thực hiện kế hoạch, phần hạch toán vẫn thuộc công ty ở tỉnh phụ
trách.
4. Củng cố các nông trường,
lâm trường nhỏ và vừa nằm gọn trong huyện, củng cố cơ quan nông nghiệp huyện, rồi
giao cho cấp huyện trực tiếp quản lý các nông trường, lâm trường này.
5. Nghiên cứu về loại huyện
có cơ cấu nông ngư – công nghiệp và làm thử việc cấp huyện tham gia vào quản lý
đánh cá ở ngoài khơi, theo hướng:
- Các hợp tác xã đánh cá ở ngoài
khơi do cấp tỉnh hoặc trung ương quản lý, cấp huyện chỉ tham gia và hỗ trợ;
- Giao cho cấp huyện quản lý các
hợp tác xã trên địa bàn huyện, đánh cá ở trong lộng, từ việc tổ chức đến cung ứng
vật tư, lương thực và thu mua sản phẩm…
6. Làm thử toàn diện việc
xây dựng kinh tế huyện và kiện toàn cấp huyện ở một vài huyện miền núi.
7. Làm thử việc kết hợp
xây dựng kinh tế huyện, kiện toàn cấp huyện với cải tạo xã hội chủ nghĩa ở một
số huyện miền Nam.
Thường vụ Hội đồng Chính phủ chỉ
đạo chặt chẽ những việc làm thử nói trên để có thể sơ kết kinh nghiệm vào cuối
năm 1978 và mở rộng việc áp dụng những kinh nghiệm tốt vào những năm 1979 –
1980.
Xây dựng huyện thành đơn vị kinh
tế nông – công nghiệp và tăng cường chính quyền Nhà nước cấp huyện phải nằm
trong hệ thống chung; tổ chức lại nền sản xuất xã hội, đặc biệt là nông nghiệp
theo như nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng, và
kiện toàn bộ máy Nhà nước 4 cấp.
Đây là một vấn đề rất quan trọng
để bảo đảm thực hiện nghị quyết Đại hội IV của Đảng, các nghị quyết hội nghị lần
thứ hai và lần thứ ba của Ban chấp hành trung ương Đảng, là vấn đề rất mới và rất
phức tạp, đụng tới hầu hết các cơ sở kinh tế, đụng tới tất cả các ngành, các cấp,
cả từ tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất - kỹ thuật đến phương thức quản lý, bộ
máy quản lý và cán bộ. Vì thế, đây chính là một khâu quan trọng để đẩy mạnh 3
cuộc cách mạng ở nông thôn, thiết thực phát huy quyền làm chủ tập thể của quần
chúng ở nông thôn, đồng thời là một động lực để phát động mạnh mẽ và sâu rộng
phong trào cách mạng của quần chúng. Ở miền Nam, công tác này gắn chặt với công
cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Vì vậy, ở trung ương, Thường vụ
Hội đồng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện.
Trách nhiệm của các ngành, các cấp
trong việc thi hành nghị quyết này rất nặng nề. Ở mỗi Bộ, mỗi tỉnh, huyện, đồng
chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phải
đích thân thường xuyên tổ chức và chỉ đạo thực hiện, động viên và sử dụng bộ
máy của các ngành, các địa phương vào công việc này.
Việc thực hiện nghị quyết này phải
có các bước đi thích hợp, vì trình độ của các huyện không đều nhau:
- Trong năm 1978, áp dụng đầy đủ
việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện trong
lĩnh vực quản lý kinh tế ở các huyện đồng bằng và trung du miền Bắc.
- Áp dụng từng bước việc bổ sung
này đối với các huyện miền núi ở miền Bắc, và sẽ hoàn thành việc áp dụng tất cả
các điều cho đến năm 1980.
- Hiện nay, giữa các huyện miền
Bắc và các huyện miền Nam có mấy điểm khác nhau phải chú ý: huyện miền Nam bắt
đầu đi vào cải tạo xã hội chủ nghĩa, quan hệ sản xuất cá thể và tư bản tư doanh
đang dần dần bị thu hẹp và xóa bỏ trong vài ba năm nữa; bộ máy quản lý và đội
ngũ cán bộ rất yếu so với yêu cầu.
Tuy có mấy điểm khác nhau đó, việc
tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện và chức năng của cấp huyện ở miền Nam về
cơ bản cũng như huyện ở miền Bắc; hơn nữa, ở miền Nam đã và đang có phong trào
rộng lớn về tổ chức các tổ đoàn kết sản xuất, các hình thức hợp tác bậc thấp.
Trong những điều kiện như vậy, càng phải tích cực xây dựng cấp huyện, tổ chức lại
sản xuất, tổ chức đời sống trên địa bàn huyện và tăng cường cấp huyện để thúc đẩy
công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa; phải làm cho công tác cải tạo xã hội chủ
nghĩa và công tác xây dựng cấp huyện gắn chặt với nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng
nhau tiến lên vững chắc và mạnh mẽ.
Đối với các huyện miền Nam, cần
tiến hành ngay:
- Công tác quy hoạch của huyện để
làm cơ sở cho việc tổ chức lại sản xuất gắn liền với công tác cải tạo nông nghiệp,
đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp;
- Tăng cường Ủy ban nhân dân huyện
và bộ máy chuyên môn của cấp huyện.
Các Bộ, Tổng cục có trách nhiệm
chủ động, tích cực nghiên cứu và giúp đỡ các địa phương ở miền Nam xây dựng
kinh tế huyện và tăng cường cấp huyện.
Thường vụ Hội đồng Chính phủ chỉ
đạo các ngành nghiên cứu việc cụ thể hóa những quy định đối với các huyện miền
Nam và có chỉ thị hướng dẫn việc thi hành.
Hội đồng Chính phủ yêu cầu các đồng
chí thủ trưởng các ngành, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ra sức
thực hiện một cách khẩn trương, vững chắc và sáng tạo chí của Bộ Chính trị về
xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện cùng với những quy định cụ thể trong nghị
quyết này của Hội đồng Chính phủ.
|
T.M.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng
|