BỘ
TÀI CHÍNH – BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------
|
Số:
46/2009/TTLT-BTC-BCA
|
Hà
Nội, ngày 11 tháng 03 năm 2009
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC CHỨNG
KHOÁN VÀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Căn cứ Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006;
Căn cứ Luật Công an nhân dân số 54/2005/QH11
ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ,
cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày
8/3/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
và thị trường chứng khoán;
Bộ Tài chính và Bộ Công an thống
nhất hướng dẫn về phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán
và thị trường chứng khoán như sau:
I. QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về phối hợp
giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an trong phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật
trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
2. Giải thích thuật ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
2.1 Gây hậu quả nghiêm trọng
là gây thiệt hại lớn về tài sản và các hậu quả phi vật chất (gây ảnh hưởng xấu
đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu
đến sự công bằng, công khai, minh bạch và an toàn của thị trường chứng khoán)
được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường
chứng khoán hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định, hướng dẫn gây hậu
quả nghiêm trọng.
2.2 Tự nguyện khắc phục hậu
quả: là việc người có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán gây thiệt hại
về tài sản, về kinh tế, trật tự, ổn định xã hội đã tự nhận trách nhiệm và tự
nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả mà được bên bị thiệt hại
chấp nhận cũng như pháp luật cho phép.
3. Nguyên tắc phối hợp xử lý vi
phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
3.1 Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính và Bộ Công an có
trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác phòng ngừa, phát hiện,
làm rõ, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng
khoán.
3.2 Khi xem xét vụ việc vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cơ quan có thẩm
quyền phải xác định rõ tính chất vụ việc là dân sự, kinh tế, hành chính hay
hình sự để xác định đúng thẩm quyền, áp dụng đúng quy định pháp luật, tránh gây
phiền hà, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán.
3.3 Trong trường hợp trước khi
hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự nguyện, kịp thời bồi thường
thiệt hại, khắc phục hậu quả do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh
vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, kịp thời khai báo rõ sự việc, góp phần
có hiệu quả vào việc thanh tra, điều tra vụ việc, cố gắng hạn chế đến mức thấp
nhất hậu quả của hành vi phạm tội, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
3.4 Phải đánh giá khách quan,
toàn diện, đầy đủ về nguyên nhân, tính chất, mức độ và hậu quả của các hành vi
vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; trường
hợp cần thiết thì phải tiến hành trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn
theo quy định của pháp luật.
II. HƯỚNG DẪN
CỤ THỂ
1. Cơ quan đầu mối thực hiện phối
hợp
Bộ Tài chính giao cho Uỷ ban Chứng
khoán Nhà nước, Bộ Công an giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra (Cục Cảnh sát điều
tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) (sau đây gọi tắt là Cơ quan
điều tra) phối hợp thực hiện Thông tư này.
2. Nội dung phối hợp xử lý vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
2.1 Nội dung phối hợp:
a) Kịp thời cung cấp cho nhau
các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và tình hình vi phạm hành chính và
tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
b) Phối hợp trong công tác xử lý
các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm có dấu hiệu tội
phạm.
2.2 Các hoạt động phối hợp cụ thể:
a) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu
hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ thanh tra hoặc trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật, nếu phát hiện
tổ chức, cá nhân vi phạm có dấu hiệu tội phạm, trong thời hạn năm ngày, kể từ
ngày phát hiện có dấu hiệu tội phạm, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm
chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền kiến nghị khởi
tố theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Thông tư số 03/2006/TTLT-VKSNDTC-TTrCP-BCA-BQP ngày
23/5/2006 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ
Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử
lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.
- Đối với trường hợp đã ra quyết
định xử phạt vi phạm hành chính, sau đó phát hiện hành vi vi phạm của tổ chức,
cá nhân có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự,
thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ quyết định đó và
trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày huỷ quyết định phải chuyển hồ sơ xử lý vi phạm
cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ chuyển giao vụ việc vi
phạm bao gồm: Công văn chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra xử lý; Biên bản về
hành vi vi phạm (bản sao); kết quả giám định, xác minh (nếu có); tài liệu khác
có liên quan (bản sao). Việc chuyển giao hồ sơ phải được lập thành Biên bản.
- Căn cứ hồ sơ vụ việc vi phạm
có dấu hiệu tội phạm do Ủy ban chứng khoán Nhà nước chuyển đến, Cơ quan điều
tra xem xét xử lý và thông báo bằng văn bản cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về
việc ra quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trường
hợp Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự
thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
và thị trường chứng khoán phải ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm
pháp luật theo hướng dẫn tại Thông tư này và thông báo cho Cơ quan điều tra biết
về việc đã xử phạt vi phạm hành chính.
- Đối với vụ việc vi phạm mà Uỷ
ban Chứng khoán Nhà nước đã có kết luận không có dấu hiệu tội phạm nhưng Cơ
quan điều tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cần trao đổi với Uỷ ban Chứng
khoán Nhà nước trước khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định của
pháp luật. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu,
thông tin có liên quan đã thu thập trong quá trình thanh tra và kết luận của Uỷ
ban Chứng khoán Nhà nước cho Cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ tội phạm.
b) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử
phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường
chứng khoán:
- Trong trường hợp hồ sơ vụ vi
phạm đã được chuyển cho Cơ quan điều tra, nhưng xét thấy hành vi vi phạm không
đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người có
thẩm quyền của Cơ quan điều tra phải ra quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm cho
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của
pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết
định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lại hồ
sơ vụ vi phạm. Trong trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu
thập chứng cứ thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm có thể xin gia hạn thời hạn
ra quyết định xử phạt theo quy định tại Nghị định số 36/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
- Trường hợp Cơ quan điều tra
phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường
chứng khoán nhưng trong quá trình điều tra xét thấy hành vi đó chưa có dấu hiệu
tội phạm thì có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà
nước để xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước
phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Cơ quan điều tra biết.
c) Phối hợp cung cấp thông tin về
tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng
khoán:
Trong trường hợp Cơ quan điều
tra phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì cần cung cấp thông tin
và trao đổi với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
2.3 Các hoạt động phối hợp giữa
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Cơ quan điều tra theo quy định của Thông tư này
được thể hiện bằng văn bản.
3. Các vi phạm pháp luật trong
lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán cần phối hợp xử lý
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và
Cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật
trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cụ thể như sau:
3.1 Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ
đăng ký giả mạo để chào bán chứng khoán ra công chúng gây hậu quả nghiêm trọng.
3.2 Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ
giả mạo để niêm yết chứng khoán trên thị trường gây hậu quả nghiêm trọng.
3.3 Tổ chức, cá nhân tổ chức thị
trường chứng khoán trái pháp luật gây mất ổn định cho thị trường chứng khoán
gây hậu quả nghiêm trọng.
3.4 Tổ chức, cá nhân hoạt động
kinh doanh chứng khoán lợi dụng chức trách, nhiệm vụ sử dụng tiền, chứng khoán
trên tài khoản của khách hàng khi chưa được khách hàng ủy thác gây hậu quả
nghiêm trọng.
3.5 Tổ chức, cá nhân lập quỹ đầu
tư chứng khoán mà không đăng ký hoặc báo cáo với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và
sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng.
3.6 Vi phạm quy định về giao dịch
chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng:
a) Tổ chức, cá nhân cung cấp, tiết
lộ, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hoặc đề nghị người khác
mua, bán chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Tổ chức, cá nhân thực hiện
hành vi gian lận, lừa đảo, cung cấp tài liệu giả, làm giả, làm sai lệch hoặc
tiêu huỷ tài liệu giao dịch để lừa đảo, dụ dỗ khách hàng mua, bán chứng khoán
gây hậu quả nghiêm trọng; làm giả chứng khoán, lưu hành chứng khoán giả;
c) Tổ chức, cá nhân thực hiện
các hành vi bị cấm để thao túng giá chứng khoán, tạo ra giá chứng khoán giả tạo,
giao dịch giả tạo, gây hậu quả nghiêm trọng;
3.7 Tổ chức, cá nhân cố ý công bố
thông tin sai lệch hoặc tạo dựng, tuyên truyền thông tin sai sự thật để trục lợi
gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, gây lũng đoạn thị trường giao dịch chứng
khoán, gây hậu quả nghiêm trọng;
3.8 Các vi phạm pháp luật khác
trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau
45 ngày kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện Thông
tư này nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài
chính và Bộ Công an để nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng - Lê Thế Tiệm
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|
Nơi nhận :
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- VPTW và các Ban của Đảng;
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Website của Chính phủ, website Bộ Tài chính;
- Công báo;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các đơn vị thuộc Bộ tài chính;
- Các đơn vị thuộc UBCKNN;
- Lưu : VT, UBCKNN, VP,PC,C15 (Bộ Công an).
|