ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số:
177/2006/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 06 tháng 12 năm 2006
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU XÃ HỘI THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 63/2006/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân
thành phố về chuyển Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh
thành “Viện Nghiên cứu Xã hội thành phố Hồ Chí Minh” trực thuộc Ủy ban nhân dân
thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm Khoa học
Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 34/VPKHXH-NV ngày 07
tháng 6 năm 2006 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 353/TTr-SNV ngày 29
tháng 6 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay
ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu
Xã hội thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định
số 2009/QĐ-UB ngày 13 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban
hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn
thành phố Hồ Chí Minh.
Điều
3. Chánh Văn
phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám
đốc các Sở - ngành có liên quan và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội thành phố
Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Tài
|
QUY
CHẾ
TỔ
CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU XÃ HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định
số 177/2006/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương 1
ĐIỀU
KHOẢN CHUNG
Điều
1. Viện Nghiên
cứu Xã hội thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học trực
thuộc Ủy ban nhân dân thành phố. Viện đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và chịu
sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều
2. Viện
Nghiên cứu Xã hội thành phố có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp
kinh phí hoạt động và được mở tài khoản ở Kho bạc Nhà nước thành phố.
Điều 3. Trụ
sở của Viện Nghiên cứu Xã hội thành phố đặt tại số 149 đường Pasteur, quận 3,
thành phố Hồ Chí Minh. Điện thoại: 8.296.558 - Fax: 8.204.220.
Chương 2
NHIỆM
VỤ
Điều 4. Viện
Nghiên cứu Xã hội thành phố có nhiệm vụ
1. Trình Ủy ban nhân dân thành phố về chiến
lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn
dài hạn, 5 năm, hàng năm của Viện và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt.
2. Tham mưu cho Thành ủy và Ủy ban nhân dân
thành phố về những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, chính sách phát triển
kinh tế - xã hội và quản lý xã hội của thành phố.
3. Tham gia xây dựng phương hướng và chương
trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hàng năm và 5 năm của thành phố.
4. Tham gia quản lý hệ thống đề tài khoa học
thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của thành phố. Tổ chức xét duyệt,
phân bổ kinh phí, theo dõi quá trình thực hiện, tổ chức nghiệm thu, đề xuất
phương hướng sử dụng kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học xã hội được giao
cho Viện quản lý và thực hiện.
5. Tham gia thẩm định về các khía cạnh xã hội
của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Ủy ban
nhân dân thành phố và các Sở - ngành, địa phương và doanh nghiệp.
6. Tổ chức thông tin khoa học xã hội, góp phần
phổ biến tri thức khoa học, nâng cao trình độ dân trí. Tổ chức tư vấn và thực
hiện dịch vụ lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn theo quy định của pháp luật.
7. Hợp tác nghiên cứu và đào tạo về khoa học
xã hội với các địa phương, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh
vực khoa học xã hội và nhân văn theo quy định của Nhà nước.
Chương 3
TỔ
CHỨC BỘ MÁY
Điều 5. Viện
có một Viện trưởng phụ trách và một số Phó Viện trưởng giúp việc Viện trưởng.
Viện trưởng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm. Phó Viện trưởng do
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng.
Điều 6. Trách
nhiệm và quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng
1. Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Thành ủy,
Ủy ban nhân dân thành phố và trước pháp luật về mọi hoạt động của Viện.
2. Các Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng chỉ đạo,
điều hành một số mặt công tác của Viện theo sự phân công của Viện trưởng.
3. Sau khi bàn bạc thống nhất trong tập thể
lãnh đạo Viện, Viện trưởng quyết định thành lập các Phòng, Ban và quy định chức
năng, nhiệm vụ, mối quan hệ làm việc của các Phòng, Ban thuộc Viện theo đúng
quy định của Nhà nước.
4. Viện trưởng ký quyết định đề bạt, bổ nhiệm,
bãi nhiệm các Trưởng, Phó Phòng, Ban theo quy định chung về phân cấp quản lý
cán bộ của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, các quyết định đều được thông
báo đến Sở Nội vụ thành phố. Riêng Trưởng Phòng Tổ chức cần có ý kiến trao đổi
thỏa thuận với Giám đốc Sở Nội vụ thành phố trước khi ra quyết định.
5. Viện trưởng ký quyết định thành lập Hội đồng
Khoa học của Viện với chức năng tư vấn cho Viện trưởng trong các nhiệm vụ
chuyên môn của Viện.
Điều 7. Cơ
cấu tổ chức của Viện gồm có
1. Các Phòng
a) Văn phòng;
b) Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế.
2. Các Ban nghiên cứu khoa học
a) Ban Triết học và Khoa học chính trị;
b) Ban Tâm lý học và Giáo dục học;
c) Ban Khoa học lịch sử;
d) Ban Xã hội học;
đ) Ban Nghiên cứu Văn hóa;
e) Ban Nghiên cứu quan hệ quốc tế;
g) Thư viện.
3. Các tổ chức sự nghiệp khác:
Tạp chí.
Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Viện trưởng quyết
định chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc thành lập các Phòng, Ban chuyên môn trực
thuộc Viện sau khi có ý kiến của Sở Nội vụ thành phố.
Điều 8. Biên
chế và quỹ tiền lương của Viện được Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu
hàng năm.
Biên chế các Phòng, Ban thuộc Viện do Viện
trưởng quyết định trong tổng số biên chế được Ủy ban nhân dân thành phố giao.
Điều 9. Việc
quản lý, giải quyết chế độ chính sách của công chức, viên chức thuộc Viện thực
hiện theo Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Cán bộ Công chức và các quy định của Nhà
nước có liên quan.
Chương 4
MỐI
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 10. Quan hệ công tác
1. Viện chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy
về phương hướng, nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học; đồng thời chịu sự chỉ
đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân thành phố về các mặt hoạt động của
Viện.
2. Viện phối hợp và hợp tác với các đơn vị
trong khối Tư tưởng - Văn hóa của Thành ủy và khối Văn xã của Ủy ban nhân dân
thành phố trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Viện.
3. Viện phối hợp với Hội đồng Khoa học Xã hội
thành phố để thực hiện các nhiệm vụ về khoa học xã hội; tập hợp đội ngũ nghiên
cứu khoa học xã hội và nhân văn trên địa bàn thành phố.
4. Viện được quan hệ, phối hợp với các Viện,
Trường, tổ chức nghiên cứu về khoa học xã hội của Trung ương trong lĩnh vực hoạt
động chuyên môn của Viện.
Chương 5
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội thành phố Hồ Chí Minh có
trách nhiệm triển khai, cụ thể hóa các điều khoản của Quy chế này để thực hiện.
Điều 12. Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản Quy chế tổ chức và hoạt
động của Viện cho phù hợp với tình hình do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội
thành phố./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Tài
|