ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH SỞ DU LỊCH ******* |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ****** |
Số: 792/QĐ-SDL |
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ “ DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẠT CHUẨN” VÀ BIỂU TRƯNG
GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Quyết định số 1282/ QĐ-UB ngày 25/8/1993 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập Sở Du lịch Thành phố.
Căn cứ Quyết định số 4269/QĐ-UB ngày 18/9/1996 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Căn cứ Thông báo số 301/TB-VP ngày 20/10/2004 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Hữu Tín tại cuộc họp ngày 08/7/2004 về giải quyết các kiến nghị của Sở Du lịch Thành phố.
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Sở Du lịch;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể
“ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” và biểu trưng dành cho các đối tượng đã được cấp Quyết định công nhận đạt danh hiệu “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng, Trưởng phòng nghiệp vụ của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị được cấp Quyết định công nhận đạt danh hiệu “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: Như điều 2 UBND TP TCDL Lưu
|
GIÁM ĐỐC
Nguyễn Thị Lập Quốc |
QUY CHẾ
V/V SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ “DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẠT CHUẨN” VÀ BIỂU TRƯNG
( Ban hành kèm theo quyết định số 792/2004/QĐ-SDL ngày 09/11/2004 của Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và khả năng cạnh tranh của các dịch vụ phục vụ cho nhu cầu mua sắm của du khách, đồng thời đảm bảo uy tín của ngành du lịch thông qua việc sử dụng nhãn hiệu tập thể. Việc cho phép sử dụng biểu trưng “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” được tiến hành theo những nội dung sau:
Chương 2:
PHẠM VI, ĐIỀU KIỆN VÀ NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 1: Đối tượng áp dụng:
1.1. Đối tượng áp dụng Quy chế này gồm tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có đăng ký họat động hợp pháp trên địa bàn TP.HCM và đã được Sở Du lịch cấp Giấy công nhận đạt danh hiệu “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn”.
1.2. Nhãn hiệu tập thể đề cập trong quy chế này là biểu trưng (logo) hình tròn, nền trắng, vòng ngòai hàng chữ Tiếng Việt ghi: “DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẠT CHUẨN TP.HỒ CHÍ MINH và chữ Tiếng Anh ghi: STANDARD TOURISM SERVICE HOCHIMINH CITY + hình con chim lạc trên nền quả địa cầu” ( mẫu đính kèm).
Điều 2: Điều kiện sử dụng nhãn hiệu tập thể:
2.1. Các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng nhãn hiệu tập thể phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia chương trình xét chọn “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” do Sở Du lịch tổ chức và phải thực hiện theo đúng Quy chế xét chọn “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” do Sở Du lịch ban hành. Hồ sơ gồm: Giấy đề nghị công nhận điểm “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn”, biểu điểm cơ sở.
2.2. Nếu các tổ chức, cá nhân được Sở Du lịch cấp Quyết định công nhận đạt danh hiệu “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” thì được phép gắn nhãn hiệu tập thể nêu trên.
2.3. Các tổ chức, cá nhân được cấp nhãn hiệu tập thể phải nộp mức phí hàng năm theo quy định của Sở Du lịch.
Điều 3: Những quy định về việc sử dụng nhãn hiệu tập thể:
3.1. Các tổ chức, cá nhân được cấp Nhãn hiệu tập thể phải sử dụng theo đúng mẫu đã đăng ký.
3.2. Nhãn hiệu tập thể được sử dụng kèm với nhãn hiệu hàng hóa chính thức của Doanh nghiệp. Không được sử dụng nhãn hiệu tập thể làm tên, nhãn hiệu chính của sản phẩm/ dịch vụ.
3.3. Tất cả các cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu tập thể hòan tòan bình đẳng về quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ liên quan đến nhãn hiệu tập thể.
3.4. Nhãn hiệu tập thể không được chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trường hợp tự cho phép sử dụng giữa các đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty, Công ty mẹ với Công ty con và ngược lại…
3.5. Mọi thông tin cần thiết và liên quan đến nhãn hiệu tập thể phải phổ biến và cung cấp đầy đủ cho các thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể.
3.6. Tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu tập thể phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tương đương trong việc bảo vệ nhãn hiệu tập thể cũng như bất kỳ một hành vi nào làm tổn hại đến uy tín nhãn hiệu và vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến nhãn hiệu nói trên.
3.7. Nếu có sự tranh chấp, bất đồng hoặc khiếu nại phát sinh liên quan đến nhãn hiệu tập thể này đều phải được giải quyết thông qua thỏa thuận thiện chí giữa các đơn vị sử dụng. Quyết định của Sở Du lịch là quyết định cuối cùng trong việc giải quyết các tranh chấp.
3.8. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu tập thể có nghĩa vụ duy trì và bảo đảm chất lượng hành hóa/ dịch vụ mang nhãn hiệu tập thể. Chất lượng hàng hóa/ dịch vụ của các đơn vị sử dụng được kiểm tra, giám sát dựa trên tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa/ dịch vụ được quy định tại Quy chế xét chọn “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” do Sở Du lịch ban hành.
Chương 3:
ĐĂNG KÝ VÀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Điều 4: Thủ tục đăng ký:
4.1. Sở Du lịch đại diện tập thể các tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu tập thể cho cơ quan có thẩm quyền và tiến hành các thủ tục pháp lý khác liên quan đến việc bổ sung, sửa đổi, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Các quy định khác liên quan đến nhãn hiệu tập thể sẽ được quyết định bởi Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
4.2. Quy chế này được nộp theo đăng ký nhãn hiệu tập thể và được coi như là một bộ phận không thể tách rời của đơn.
Điều 5: Xử lý vi phạm:
5.1. Các tổ chức, cá nhân sẽ bị tước quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể trong các trường hợp sau:
- Không thực hiện đúng Điều 2 của Quy chế này
- Vi phạm một trong các khỏan của Điều 3 Quy chế này.
- Bị lọai trừ hoặc bị thu hồi Giấy công nhận đạt danh hiệu “ Dịch vụ Du lịch đạt chuẩn” do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cấp.
5.2. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể này đều có quyền yêu cầu Sở Du lịch tiến hành các thủ tục bảo hộ cũng như yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm nêu trên nếu được sự ủy quyền của Sở Du lịch.
5.3. Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng nhãn hiệu tập thể phải tuân thủ tất cả các quy định tại quy chế này. Trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành và những quy định khác có liên quan do Sở Du lịch ban hành.
5.4. Các Phòng nghiệp vụ thuộc Sở Du lịch có trách nhiệm theo dõi và xử lý các trường hợp sai phạm hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
ĐIỀU KHỎAN THI HÀNH
Điều 6: Sửa đổi bổ sung:
6.1. Bất kỳ sửa đổi, bổ sung hoặc thiết lập phụ lục cho quy chế này đều phải được lập thành văn bản và thông qua Sở Du lịch mới có hiệu lực pháp lý.
6.2. Danh sách người sử dụng được phép sửa đổi bổ sung và điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Điều 7: Hiệu lực thi hành:
Quy chế này đã được Sở Du lịch thông qua ngày 09/ 11/2004 và có hiệu lực thi hành sau khi hòan tất các thủ tục pháp lý với các cơ quan Quản lý Nhà nước.
SỞ DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH