BỘ BƯU CHÍNH,
VIỄN THÔNG
******
|
CỘNG HOÀ XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
07/2005/CT-BBCVT
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 09 năm 2005
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KẾT NỐI MẠNG VÀ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG
Trong những năm
qua, Ngành Bưu chính, Viễn thông đã tích cực triển khai, thực hiện Pháp lệnh
Bưu chính, Viễn thông, Chỉ thị số 08/2003/CT-TTg ngày 04/04/2003 của Thủ tướng
Chính phủ về nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp để thúc đẩy
phát triển lĩnh vực viễn thông, Internet. Ngành Bưu chính, Viễn thông đã đạt được
nhiều kết quả như: mật độ thuê bao điện thoại, Internet có tốc độ phát triển
nhanh, mạng lưới viễn thông được hiện đại hóa, thị trường đã có cạnh tranh đối
với mọi loại hình dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, việc tham gia phát triển thị
trường viễn thông, Internet của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới
còn gặp một số khó khăn, bất cập, trong đó có việc thực hiện kết nối mạng và dịch
vụ viễn thông công cộng.
Để thực hiện tốt
các quy định của Nhà nước về viễn thông, Internet, Chỉ thị của Thủ tướng Chính
phủ về nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Bưu
chính, Viễn thông chỉ thị các đơn vị khẩn trương thực hiện tốt các công việc trọng
tâm sau:
1. Tổ chức phổ
biến, quán triệt sâu sắc trong cán bộ, công chức, viên chức ở tất cả các cơ
quan quản lý và các doanh nghiệp viễn thông, Internet về Pháp lệnh Bưu chính,
Viễn thông, Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03/09/2004 của Chính phủ về Quy định
chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về viễn
thông, Chỉ thị số 08/2003/CT-TTg ngày 04/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ về
nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm tạo ra sự thống nhất
và nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với việc hỗ trợ, khuyến
khích các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, Internet, trong đó
có việc cung cấp kết nối đúng thời gian, dung lượng và chất lượng cho các doanh
nghiệp mới, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp để đẩy mạnh phát
triển ngành viễn thông, Internet phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Tăng cường
công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện quy hoạch và xây dựng mạng viễn thông bảo
đảm năng lực cho kết nối mạng và chuyển tải lưu lượng các dịch vụ viễn thông
theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và Nghị định số
160/2004/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng, rà soát, bổ sung, sửa đổi, phê duyệt
các thỏa thuận kết nối theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc kết nối
và chuyển tải lưu lượng giữa các mạng viễn thông công cộng; phối hợp chặt chẽ
trong việc triển khai và thực hiện kết nối giữa các mạng viễn thông nhằm đáp ứng
tốt nhất việc đảm bảo chất lượng, dung lượng và thời gian kết nối. Giải quyết dứt
điểm các tồn tại, vướng mắc ngay từ khi xuất hiện để không xảy ra tình trạng
tranh chấp lớn, kéo dài trong kết nối làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của
ngành viễn thông, Internet.
3. Đối với các
doanh nghiệp viễn thông
3.1. Các doanh
nghiệp viễn thông, Internet có trách nhiệm:
a. Thành lập các bộ phận (có đại
diện Lãnh đạo doanh nghiệp được phân công trực tiếp phụ trách) chuyên trách về
công tác kết nối mạng và dịch vụ viễn thông công cộng để xử lý các công việc liên
quan đến kết nối và làm đầu mối để làm việc với Bộ Bưu chính, Viễn thông và Tổ
công tác chuyên trách về kết nối;
b. Rà soát các thỏa thuận kết nối
đã ký và chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khác đàm phán sửa đổi,
bổ sung các thỏa thuận kết nối, trình Bộ Bưu chính, Viễn thông phê duyệt cho
phù hợp với thực tế triển khai thực hiện kết nối và quy định của pháp luật hiện
hành;
c. Chủ động dự báo thị trường,
xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới và dịch vụ bao gồm cả nhu cầu kết nối với
doanh nghiệp viễn thông khác, báo cáo Bộ Bưu chính, Viễn thông, đồng thời trao
đổi, thống nhất với các doanh nghiệp viễn thông khác về yêu cầu kết nối cho từng
giai đoạn kế hoạch;
d. Chủ động báo cáo Tổ công tác
chuyên trách về kết nối các sự cố, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện
kết nối để đề nghị giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Nghiêm chỉnh
chấp hành các quy định về báo cáo theo yêu cầu của Tổ công tác chuyên trách về
kết nối và của Bộ Bưu chính, Viễn thông.
3.2. Tổng Công
ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, là doanh nghiệp nắm giữ phương tiện thiết yếu
đối với mạng và dịch vụ điện thoại cố định, mạng và dịch vụ điện thoại di động
có trách nhiệm:
a. Báo cáo Bộ
Bưu chính, Viễn thông kế hoạch phát triển mạng lưới, trong đó có năng lực mạng
lưới, trang thiết bị phục vụ kết nối, đặc biệt là mạng và dịch vụ cố định, di động
phục vụ nhu cầu kết nối với các doanh nghiệp viễn thông khác;
b. Tăng cường
công tác quy hoạch và xây dựng mạng để đảm bảo dung lượng kết nối với doanh
nghiệp viễn thông, Internet khác theo quy định;
c. Kiến nghị
các phương án, giải pháp kể cả việc đầu tư xây dựng cơ bản nhằm đảm bảo năng lực
phục vụ việc kết nối với các mạng của doanh nghiệp khác;
d. Nhanh chóng
hoàn thiện bản thỏa thuận kết nối mẫu trình Bộ Bưu chính, Viễn thông xem xét,
phê duyệt để công bố công khai áp dụng chung với các doanh nghiệp viễn thông có
yêu cầu kết nối.
4. Đối với các
đơn vị thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông
4.1. Vụ Viễn
thông phối hợp với Tổ công tác chuyên trách về kết nối trong các nội dung liên
quan đến cơ chế, chính sách hiện hành về kỹ thuật, nghiệp vụ; xây dựng, ban
hành các văn bản quy định sau:
- Quy định về kết
nối các mạng viễn thông công cộng thay thế Quyết định số 547/1998/QĐ-TCBĐ;
- Quy định đối
với doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu.
4.2. Vụ Kế hoạch
Tài chính phối hợp với Tổ công tác chuyên trách về kết nối trong các nội dung
liên quan đến kinh tế, giá cước; xây dựng, sửa đổi các văn bản quy định sau:
- Quy định về
cước kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông thay thế Quyết định
số 148/2003/QĐ-BBCVT, trong đó có tính đến việc Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết
định số 191/2004/QĐ-TTg về thành lập Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam;
- Quy định về
cơ chế hợp đồng kinh tế về đăng ký sử dụng dung lượng kết nối giữa các mạng viễn
thông, Internet.
4.3. Vụ Khoa học
Công nghệ phối hợp với Tổ công tác chuyên trách về kết nối trong các nội dung
liên quan đến phương pháp xác định dung lượng, năng lực trong kết nối giữa các
mạng viễn thông; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về kết nối.
4.4. Vụ Pháp chế
phối hợp với Tổ công tác chuyên trách về kết nối trong các nội dung liên quan đến
rà soát lại các quy định hiện hành liên quan đến kết nối.
4.5. Thanh tra
Bộ phối hợp với Tổ công tác chuyên trách về kết nối trong các nội dung liên
quan đến tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc vi phạm các
quy định về kết nối.
4.6. Cục Quản
lý Chất lượng Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin phối hợp với Tổ công
tác chuyên trách về kết nối trong các nội dung liên quan đến do kiểm chất lượng
kết nối, chất lượng dịch vụ.
4.7. Tổ công
tác chuyên trách về kết nối cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động
của Tổ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc theo dõi, đôn
đốc, giám sát và giải quyết tranh chấp về kết nối mạng giữa các doanh nghiệp viễn
thông; chủ động kiến nghị với Bộ trưởng những vấn đề về chủ trương, chính sách
và biện pháp chỉ đạo thực hiện kết nối mạng và dịch vụ viễn thông công cộng.
Vụ Viễn thông
có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết kịp thời những vướng mắc
phát sinh trong quá trình thực hiện và báo cáo lên Bộ trưởng.