CHÍNH
PHỦ
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do
- Hạnh phúc
|
Số:
143/2007/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC THỰC HIỆN NGHỈ HƯU ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC ĐỦ ĐIỀU KIỆN NGHỈ HƯU
CHÍNH PHỦ
Căn cứ
Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Căn
cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao
động ngày 02 tháng 4 năm 2002 và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn
cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm
2006;
Căn
cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng
02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều
của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh
Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về thủ tục, thời điểm thông báo, thời
điểm ra quyết định nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí đối với cán bộ, công chức đủ
điều kiện nghỉ hưu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức quy định
tại Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26
tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một
số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh
Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh
Cán bộ, công chức), bao gồm:
a) Cán bộ, công chức được bầu cử đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm
kỳ trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội từ trung
ương đến cấp huyện;
b) Cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan nhà nước các cấp
từ trung ương đến huyện;
c) Thẩm phán Toà án nhân dân, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát
nhân dân;
d) Cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan chuyên môn của tổ
chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
đ) Cán bộ,
công chức được cử, biệt phái công tác ở tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp,
tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
e) Cán bộ,
công chức làm việc tại cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang;
g) Cán bộ,
công chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp của nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội.
2. Nghị định
này không áp dụng đối với các trường hợp:
a) Cán bộ,
công chức đang giữ các chức danh sau đây:
- Tổng Bí
thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra
Trung ương, Trưởng ban các Ban của Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
- Chủ tịch nước,
Phó Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước;
- Thủ tướng
Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;
- Chủ tịch Quốc
hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại biểu
Quốc hội chuyên trách;
- Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Người đứng
đầu tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
b) Cán bộ,
công chức tự nguyện xin nghỉ hưu trước khi đến tuổi hưởng chế độ hưu trí theo
quy định;
c) Cán bộ, công chức nghỉ hưu do sắp xếp lại tổ chức và thực
hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Cán bộ, công chức đủ điều kiện và đủ tuổi nghỉ hưu là
khi cán bộ, công chức có đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi
đời để hưởng lương hưu (sau dây gọi chung là hưởng chế độ hưu trí) theo quy định
tại khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí là thời điểm
nghỉ việc đồng thời cũng là thời điểm hưởng chế độ hưu trí được ghi trong quyết
định nghỉ hưu do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức quyết định.
Điều 4. Quy định về thực hiện nghỉ
hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu
1. Cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ hưu thì thực hiện chế độ
hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Cán bộ, công chức đang là đại biểu Quốc hội không chuyên
trách, đại biểu Hội đồng nhân dân khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì thực hiện chế độ
hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội nhưng vẫn tiếp tục thực
hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của
pháp luật.
3. Cán bộ, công chức được bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo
nhiệm kỳ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến
cấp huyện mà không phải là người đang giữ các chức danh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định này, khi đủ điều kiện nghỉ hưu
thì thực hiện chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Điều 5. Trách nhiệm người đứng đầu
cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ,
công chức phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng, công khai, minh bạch các quy định
về thủ tục, thời điểm thông báo, thời điểm ra quyết định nghỉ hưu và hưởng chế
độ hưu trí đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện và đủ tuổi nghỉ hưu.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ
THỦ TỤC, THỜI ĐIẾM THÔNG BÁO, THỜI ĐIẾM RA QUYẾT ĐỊNH NGHỈ HƯU VÀ HƯỞNG CHẾ ĐỘ
HƯU TRÍ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐỦ ĐIỂU KIỆN NGHỈ HƯU
Điều 6. Thông báo nghỉ hưu
Trước 06 tháng tính đến ngày cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ
hưu, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức ra thông
báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu cho cán bộ, công chức được nghỉ hưu biết;
đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức và chuẩn bị
người thay thế.
Điều 7. Quyết định nghỉ hưu
Trước 03 tháng tính đến ngày cán bộ, công chức đủ tuổi nghỉ
hưu, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định nghỉ
hưu. Trong quyết định nghỉ hưu phải có một điều ghi rõ thời điểm nghỉ hưu và hưởng
chế độ hưu trí.
Căn cứ quyết định nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng
cán bộ, công chức làm các thủ tục cần thiết về chế độ hưu trí với cơ quan bảo
hiểm xã hội.
Khi đến thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí ghi
trong quyết định thì cán bộ, công chức được nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí.
Điều 8. Việc ra quyết định nghỉ hưu,
thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí đối với một số trường hợp ngoại lệ
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền khi
ra quyết định nghỉ hưu được phép lùi thời điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí
đối với các trường hợp như sau:
1. Không quá 01 tháng đối với trường hợp thời
điểm nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán; cán bộ,
công chức có vợ hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con bị từ trần; bản thân và
gia đình cán bộ, công chức, viên chức bị thiệt hại nặng nề do bị thiên tai, địch
họa, hoả hoạn;
2. Không quá 03 tháng đối với cán bộ, công chức đang điều
trị do bị bệnh hoặc tai nạn;
3. Không quá 06 tháng đối với cán bộ, công chức đang mắc bệnh
thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành; cán bộ, công chức
đang trong thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật hoặc trong thời gian bị khởi tố điều
tra vụ án hình sự.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày
đăng Công báo.
Bãi bỏ các văn bản sau: Quyết định số 21/HĐBT ngày 08 tháng 8 năm 1981 của Hội đồng Bộ
trưởng (nay là Chính phủ); Chỉ thị số 668/CT-TTg
ngày 11 tháng 11 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 18/2002/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2002 của Thủ
tướng Chính phủ; Công văn số 1631/ TTg-TCCB
ngày 12 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 10. Hướng dẫn thực hiện đối với
sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ các
quy định tại Nghị định này hướng dẫn việc thực hiện quy định về thủ tục, thời điểm
thông báo, thời điểm ra quyết định nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí đối với sĩ
quan, quân nhân chuyên nghiệp.
Điều 11. Áp dụng đối với cán bộ quản
lý doanh nghiệp
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng
giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp
nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khi nghỉ hưu thực
hiện quy định về thủ tục, thời điểm thông báo, thời điểm ra quyết định nghỉ hưu
và hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định này.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu tổ chức chính trị, tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này./.
Nơi
nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người
phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
-
Lưu: Văn thư, VX (5b). A. 335
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|