ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
38/QĐ-UB
|
TP.Hồ
Chí Minh, ngày 08 tháng 02 năm 1980
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ BẮT BUỘC LAO ĐỘNG TẠI THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
– Căn cứ vào Luật tổ chức Hội
đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cáp ngày 27 tháng 10 năm 1962 ;
– Căn cứ vào quyêt định số 201-CP ngày 30-8-1974 của Hội đồng Chánh phủ, chỉ thị
số 85-TTg ngày 12-3-1979 của Thủ tướng Chánh phủ về sắp xếp việc làm cho những
người có khả năng làm việc, thông tư số 02/TT-LB ngày 10-1-1980 của Liên Bộ Lao
động – Nội vụ hướng dẫn biện pháp xử lý đối với người trong độ tuổi lao động,
có sức lao động, không chịu lao đông ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
– Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về
chế độ bắt buộc lao động tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2.
– Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ban hành.
Điều 3.
– Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành
phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố, Giám đốc Sở Công an, Sở Lao động, Sở
Thương binh và xã hội, Sở Tài chánh, Sở Lương thực, Sở Thương nghiệp, Ngân hàng
thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố và các đồng chí Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân quận, huyện, phường, xã cùng thủ trưởng các ngành hữu quan của
thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này .
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH
Mai Chí Thọ
|
QUY ĐỊNH
VỀ CHẾ ĐỘ BẮT BUỘC LAO ĐỘNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 38/QĐ-UB ngày 8-2-1980, của Ủy
ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
Để đẩy mạnh cuộc vận động lao động
sản xuất, thúc đẩy mọi người đều làm việc, tăng năng xuất lao động, tăng sản phẩm
xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ngăn chặn và xóa bỏ tệ nạn làm ăn
phi pháp, bài trừ tận gốc tệ nạn xã hội ở thành phố ;
Thi hành quyết định số 201/CP
ngày 30-08-1974 của Hội đồng Chánh phủ và chỉ thị số 85-TTg ngày 12-3-1979 của
Thủ tướng Chánh phủ, căn cứ vào thông tư hướng dẫn số 02/TT-LB ngày 10-1-1980
Liên Bộ lao đông – Nội vụ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định chế độ
bắt buộc lao động đối với người ở độ tuổi lao động, có sức lao động, nhưng
không chịu lao động như sau :
Chương I
ĐỐI TƯỢNG BẮT BUỘC LAO ĐỘNG
Điều 1
– Những người sau đây trong độ tuổi lao động, có sức
lao động, nhưng không chịu lao động đều thuộc diện phải bắt buộc lao động theo
điểm 3 phần 3 trong quyết định số 201-CP ngày 30 tháng 08 năm 1974 của Hội đồng
Chánh phủ :
1. Người có hộ khẩu thường trú ở
phường, xã ở độ tuổi lao động (nam từ 18 đến 60, nữ từ 18 đến 55 tuổi), có sức
lao động, nhưng không làm công việc sản xuất hoặc xây dựng gị, hay có làm một
việc gì đó để ngụy trang trốn tránh lao động, hoặc làm những việc Nhà nước
không cho phép đăng ký kinh doanh, được chính quyền phường, xã điều động hay sắp
xếp việc làm, có giấy báo gọi đi làm nhưng đến lần thứ 3 ( mỗi lần cách nhau 15
ngày), nhưng vẫn không chịu đi làm việc.
2. Những đối tượng tệ nạn xã hội,
không có nghề nghiệp chánh đáng, làm ăn phi pháp, được chánh quyền phường, xã
giáo dục nhiều lần vẫn không chịu sửa chữa :
– Gái mãi dâm chuyên nghiệp.
– Người nghiện xì ke ma túy
không chịu cai chữa, từ bỏ.
– Người chuyên đi ăn xin ăn mày.
– Không nơi cư trú nhất định, sống
lang thang trên lề đường, góc chợ hoặc trong công viên, không có công ăn việc
làm rõ rệt.
– Những tên côn đồ lưu manh, lười
biếng ăn chơi lêu lỏng, luôn luôn gây rối trật tự trị an trong thành phố.
3. Học sinh đã tốt nghiệp tại
các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề trong nước
và nước ngoài, không tuân theo sự điều động sắp xếp của Nhà nước, bị các cơ
quan có thẩm quyền xử lý trả về chánh quyền địa phương quản lý, nhưng không chịu
lao động, làm ăn phi pháp, được chánh quyền phường, xã đã điều động hoặc sắp xếp
việc làm, có giấy báo gọi đến lần thứ 2, mà vẫn không chịu đi làm.
4. – Người làm việc ở các cơ
quan, xí nghiệp của Nhà nước đã bị kỷ luật buộc thôi việc, quân nhân đã bị tước
quân tịch, trả về chính quyền địa phương quản lý, không chịu lao động, làm ăn
phi pháp, được chánh quyền phường, xã điều động đi lao động hoặc sắp xếp việc
làm, có giấy báo gọi đến lần thứ 2, mà vẫn không chịu đi làm.
5. – Người ở tỉnh hoặc thành phố
khác cư trú bất hợp pháp trong thành phố, ăn nhờ, ở đậu hoặc sống lang thang
trên lề đường, góc chợ, trong công viên, được chánh quyền địa phương nhiều lần
giáo dục khuyến cáo trở về quê quán nơi thường trú làm ăn sinh sống, nhưng vẫn
không chịu tuân theo.
Điều 2.
– Những đối tượng kể trên, nếu được y sĩ, bác sĩ
trong các cơ quan y tế của Nhà nước chứng thực đang bị bệnh nặng, là phụ nữ
đang có thai hoặc đang phải nuôi con nhỏ dưới 3 tháng, hay có người trong gia
đình đang gặp những khó khăn đặc biệt (cháy nhà, có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con
đang ốm nặng, chết), được chính quyền phường, xã chứng nhận là người có trách
nhiệm chính trong việc lo liệu trong gia đình, thì được tạm hoãn trong một thời
hạn cần thiết.
Phụ nữ có con nhỏ trên 3 tháng
chỉ bắt buộc lao động tại chỗ.
Chương II
THỜI HẠN VÀ HÌNH THỨC BẮT
BUỘC LAO ĐỘNG
Điều 3.
– Thời hạn bắt buộc lao động từ 6 tháng đến 24
tháng theo 3 mức :
1 – Sáu tháng đối với những người
mới đến tuổi lao động, mà lười biếng, lêu lổng, không chịu lao động.
2 – Mười hai tháng đối với :
a) Những người từ trước đến nay
vẫn lười biếng, trốn tránh lao động.
b) Những người ở điểm 1, 3 và 4
của điều 1 kể trên.
3 – Mười tám tháng đối với những
người ở điểm 2 và 5 của điều 1 kể trên.
Tùy theo tinh thần và thái độ
lao động của từng người, thời hạn trên có thể rút ngắn hoặc kéo dài thêm (thời
gian kéo dài tối đa là 24 tháng) xét theo đề nghị cảu cơ quan, xí nghiệp, công
trường hoặc đơn vị sử dụng người đó.
Người bị bắt buộc lao động đã hết
thời hạn (kể cả thời gian kéo dài) vẫn không tiến bộ và người không thi hành lệnh
bắt buộc lao động thì chuyển sang tập trung giáo dục cải tạo.
Điều 4.
– Tùy theo lứa tuổi, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của
từng người, sẽ áp dụng 1 trong 2 hình thức bắt buộc lao động như sau :
1 – Bắt buộc lao động tại chỗ đối
với người sức khỏe kém và đối với người mà hoàn cảnh gia đình có nhiều khó
khăn, neo đơn, con nhỏ và chỉ có người đó là lao động chính.
Số người này, sẽ tùy theo nhu cầu
và tính chất công việc mà tổ chức thành từng nhóm, tổ, đội lao động để làm xen
ghép trong các công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp hoặc tập đoàn sản xuất
tương đối ổn định gần phường, xã hoặc quận, huyện trong thành phố, nơi đó có
công việc làm thường xuyên, có nề nếp quản lý lao động tốt và họ có thể sáng sớm
đến cơ sở làm việc tập trung, tối về ăn nghỉ với gia đình, nhưng vẫn phải
nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nội quy, chết độ làm việc và định mức thời gian
lao động cần thiết như mọi người lao động khác ở cơ sở đó.
2 – Bắt buộc lao động tập trung
đối với người có sức khỏe (nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 40 tuổi) để làm
các công việc : xây dựng cơ bản, kiến thiết công trình, khai thác nguyên liệu
và vật liệu xây dựng, khuân vác, vận chuyển hoặc đi xây dựng các cơ sở kinh tế
mới của thành phố.
Số người bị bắt buộc lao động tập
trung sẽ được tổ chức lao động như sau :
a) Làm xen ghép tại các công,
nông, lâm trường hoặc trong các xí nghiệp quốc doanh hoặc :
b) Lao động sản xuất tại các trường
giáo dục lao động công – nông nghiệp của quận, huyện hoặc của các cơ quan chủ
quản cấp thành phố.
Số người bị bắt buộc lao động tập
trung phải lao động học tập và sinh hoạt thường xuyên tại các cơ sở đang làm việc
cho tới khi hết thời hạn bị bắt buộc lao động. Đối với số bị bắt làm lao động
trên 1 năm, người nào thật sự tiến bộ, có gia đình bảo đảm, mỗi năm (tính năm
trọn) sẽ được nghỉ 10 ngày phép về thăm nhà.
Chương III
THỦ TỤC BẮT BUỘC LAO
ĐÔNG
Điều 5 .
– Ủy
ban Nhân dân phường, xã thông qua các biện pháp đăng ký hộ khẩu, đăng ký lao động,
đăng ký kinh doanh, và phát hiện của quần chúng, thống kê danh sách, lập hồ sơ
cá nhân từng người ở độ tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động, cần
phải bắt buộc lao động. Sau khi lên danh sách, Ủy ban nhân dân phường, xã cùng
với các đoàn thể kêu họ đến trụ sở chánh quyền giáo dục và hạn trong 15 ngày phải
tự tìm việc làm ; người nào không tự tìm được việc làm thì chánh quyền cơ sở sắp
xếp việc làm cho họ. Sau 15 ngày từ khi báo đi làm mà họ không chịu đi làm thì
tạm cắt bán lương thực, thực phẩm, hàng công nghệ phẩm và làm thủ tục bắt buộc
lao động. Sau khi bàn bạc với các đoàn thể, Ủy ban nhân dân phường, xã báo cáo
lên Ủy ban Nhân dân quận, huyện xét quyết định hình thức bắt buộc lao động đối
với từng người.
Điều 6.
– Hồ sơ từng người mà Ủy ban Nhân dân phường, xã gởi
lên Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc Ủy ban Nhân dân thành phố để xét quyết định
hình thức bắt buộc lao động phải có :
1. Bản tóm tắt lý lịch của đương
sự, có ghi rõ quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, lịch sử chính trị, nguồn sống
và thái độ lao động hiện nay (có dẫn chứng rõ rang), có nhận xét và ý kiến đề
xuất về hình thức bắt buộc lao động, có chữ ký và con dấu chứng thực của Ủy ban
Nhân dân phường, xã.
2. Bản kiến nghị của đoàn thể quần
chúng ở cơ sở (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nếu là đối tượng thanh
niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ nếu là đối tượng phụ nữ, công đoàn nếu là đối tượng
công nhân, viên chức), biên bản của Hội đồng xét duyệt ở phường, xã và công văn
đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, xã.
Điều 7.
– Lệnh bắt buộc lao động tại chỗ do Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân quận, huyện ký va lệnh bắt buộc lao động tập trung do Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân thành phố ký.
Lệnh bắt buộc lao động phải ghi
rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, hình thức và thời hạn bắt
buộc lao động, nơi đến làm việc, đơn vị sử dụng, ngày và địa điểm đương sự phải
tới nhận việc làm, những thứ tự cần thiết cho sinh hoạt phải mang theo.
Điều 8.
– Sau khi nhận được lệnh bắt buộc lao động của cơ
quan có thẩm quyền, cảnh sát khu vực thi hành việc truyền đạt trực tiếp cho người
bị bắt buộc lao động (có ký nhận) để thi hành chậm nhất không quá ba ngày đối với
người bị bắt buộc lao động tại chỗ, không quá 5 ngày đối với người bị bắt buộc
lao động tập trung (kể từ ngày đương sự nhận được lệnh).
Khi có lệnh bắt buộc lao động,
phải cắt ngay hộ khẩu, thu hồi các loại tem phiếu, sổ mua lương thực, thực phẩm…
của người bị bắt buộc lao động tập trung và chuyển đến đơn vị quản lý sử dụng
người đó.
Điều 9.
– Người bị bắt buộc lao động có thể khiếu nại lên cơ
quan ra lệnh hoặc Ủy ban Thanh tra, Viện Kiểm sat nhân dân cùng cấp hay cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền. Các cơ quan nhận được đơn khiếu nại phải xét và trả lời
chậm nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn của đương sự.
Trong khi chờ đợi cơ quan có thẩm
quyền xét và trả lời, đương sự vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành lệnh bắt buộc
lao động, không được vin cớ khiếu nại để trì hoãn hoặc từ chối việc thi hành lệnh
đó. Việc trả lời đơn khiếu nại phải được thông báo cho cơ quan ra lệnh bắt buộc
lao động và thủ trưởng đơn vị đang sử dụng người đó biết kết quả.
Chương IV
NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI BỊ BẮT
BUỘC LAO ĐỘNG
Điều 10.
– Người bị bắt buộc lao động tại chỗ hoặc lao động tập
trung, đều có những nhiệm vụ sau đây :
1. Nghiêm chỉnh chấp hành lệnh bắt
buộc lao động tới nơi làm việc.
2. Bảo đảm ngày công, giờ công,
thực hiện đúng quy trình sản xuất, quy trình kỹ thuật, chế độ lao động và định
mức lao động được giao khoán.
3. Chấp hành đúng kỷ luật lao động,
nội quy làm việc và nền nếp sinh hoạt ở cơ sở mình đang làm việc, chấp hành tốt
mọi chủ trương, chánh sách và luật pháp của Nhà nước.
4. Đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ
lẫn nhau đẩy mạnh phong trào thi đua 4 tốt : tư tưởng tốt, học tập tốt, lao động
sản xuất tốt, đoàn kết nội bộ tốt.
Điều 11.
– Những người thường xuyên hoàn thành các nhiệm vụ
ghi ở điều 10 trên đây hoặc liên tục vượt định mức lao động được giao khoán, có
sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại giá trị kinh tế cao, sau 6 tháng được xét giảm
thời hạn bị bắt buộc lao động từ 3 đến 6 tháng tùy theo mức độ tiến bộ của từng
người.
Điều 12.
– Đối với những người vi phạm vào một trong những điều
sau đây:
1. Chống lại lệnh bắt buộc lao động
2. Trốn khỏi nơi làm việc từ hai
lần trở lên.
3. Có hành động vi phạm nghiêm
trọng đến trật tự, an toàn xã hội (cướp của, đâm ngời thành thương, trộm cắp
tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc xâm phạm đến tính mệnh và tài sản riêng của công
dân …)
4. Hết thời hạn bị bắt buộc lao
động (kể cả thời hạn bị kéo dài) mà vẫn chây lười lao động.
Thủ trưởng đơn vị trực tiếp sử dụng
và quản lý người đó hoặc Ủy ban Nhân dân quận, huyện xét làm thủ tục đề nghị
lên Ủy ban Nhân dân thành phố khởi tố trước pháp luật hoặc quyết định tập trung
cải tạo theo thông tư số 121-CP ngày 9-8-1961 và quyết định số 154-CP ngày
1-10-1973 của Hội đồng Chánh phủ.
Chương V
QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI BỊ BẮT
BUỘC LAO ĐỘNG
Điều 13. –
Sau khi hết thời hạn bị bắt buộc lao động, người nào được
cơ quan, xí nghiệp, công trường hoặc đơn vị trực tiếp sử dụng và quản lý công
nhận thực sự đã tiến bộ, sẽ được cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt buộc lao động
cấp giấy chứng nhận cho trở về gia đình; Ủy ban Nhân dân của phường, xã có
trách nhiệm tiếp tục sắp xếp việc làm, nhằm giúp đỡ họ ổn định đời sống và làm
tròn nghĩa vụ lao động của người công dân.
Điều 14.
– Người bị bắt buộc lao động được hưởng các chế độ
đãi ngộ theo thông tư số 184-TTg ngày 18-7-1974 của Thủ tướng Chính phủ, thông
tư số 02/LĐ-TT ngày 30-1-1975 của Bộ Lao động về chế độ đối với người làm lao động
hợp đồng có thời hạn cho Nhà nước và thông tư số 02/TT-LB ngày 10-1-1980 của
Liên Bộ Lao động Nội vụ hướng dẫn biện pháp xử lý đối với người trong tuổi lao
động, có sức lao động, không chịu lao động theo tinh thần quyết định số 201-CP
ngày 30-8-1974 của Hội đồng Chánh phủ, thì người bị bắt buộc lao động được hưởng:
1. Trả tiền công theo chế độ
khoán việc.
2. Phụ cấp khu vực, phụ cấp công
trường, phụ cấp lưu động (nếu làm ở nơi có chế độ phụ cấp).
3. Cung cấp lương thực, thực phẩm,
chất đốt chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi làm ca đêm, làm việc trong điều kiện
nóng bức, độc hại và được trang bị phòng hộ lao động.
4. Chế độ trợ cấp khi bị tai nạn
lao động, tiền trợ cấp thương tật và tiêu chuẩn chôn cất khi chết vì tai nạn
lao động.
Điều 15.
– Ngoài các chế độ kể trên, còn được áp dụng thêm
các chế độ sau đây:
1. Được tính chi cấp các khoản
phụ phí bằng 35% tiền công. Số tiền này sẽ không thanh toán bằng tiền cho người
lao động, mà cấp cho cơ quan sử dụng lao động quản lý để lo việc tổ chức nơi
ăn, chỗ ở, mua thuốc men trị bệnh, …cho người lao động.
2. Vào 3 tháng đầu (kể từ ngày đến
cơ sở làm việc), người được cán bộ trực tiếp phụ trách của đơn vị sử dụng chứng
thực đã cố gắng làm việc nhưng mức thu nhập chưa đảm bảo mức tiền ăn tập thể ở
nơi đó thì đơn vị sử dụng xét trợ cấp thêm. Mức trợ cấp được tính từng tháng có
thể cao thấp khác nhau để khuyến khích lao động, nhưng bình quân không quá
0,60đ/ngày/người và tính vào kinh phí đào tạo tay nghề cho người lao động.
3. Những ngày học tập chính trị,
nghiệp vụ, chuyên môn, hội họp (theo chế độ hiện hàh) hoặc phải ngừng làm việc
do hoàn cảnh khách quan và những ngày phải tập trung tại địa điểm quy định để
chờ đi lao động, ngày đi đường từ địa phương đến nơi làm việc và sau khi hết hạn
bị bắt buộc lao động được trở về địa phương, sẽ được trợ cấp 0,80đ/ngày và được
cấp thêm tiền tàu, xe nếu phải đi bằng tàu, xe.
4. Khi có cha mẹ, vợ hoặc chồng,
con chết được nghỉ từ 1 đến 3 ngày về giải quyết công việc gia đình, nhưng
không có trợ cấp.
5. Nếu người bị bắt buộc lao động
được phân công làm việc thuộc loại được trang bị quần áo bảo hộ lao động, thì
cơ quan sử dụng lao động nhất thiết phải dự trù đủ quần áo làm việc cho họ mượn
sử dụng trong những ngày làm việc, ai làm mất phải bồi thường.
6. Những ngày nghỉ việc vì ốm
đau, vì tai nạn rủi ro (theo đề nghị của y sĩ, bác sĩ) được trợ cấp 0,80đ/ngày
và tiền thuốc, được cấp tiền tàu xe đi bệnh viện (nếu phải đi tàu xe). Số ngày
được trợ cấp sẽ căn cứ vào thời gian lao động của từng người như sau:
a) Đã lao động dưới 3 tháng, thì
tổng số ngày được hưởng trợ cấp không quá 10 ngày.
b) Đã lao động từ 3 đến 6 tháng,
tổng số ngày được hưởng trợ cấp không quá 15 ngày trong 6 tháng.
c) Đã lao động từ 6 đến 12
tháng, tổng số ngày được hưởng trợ cấp không quá 30 ngày trong 12 tháng.
d) Đã lao động trên 12 tháng trở
lên thì tổng số ngày trợ cấp không quá 45 ngày trong 12 tháng.
Hết hạn hưởng trợ cấp kể trên, nếu
còn ốm đau kéo dài thì theo chế độ như nhân dân.
7. Phụ nữ trong thời hạn bị bắt
buộc lao động được áp dụng chế độ khám phụ khoa và khi hành kinh được sắp xếp
việc làm thích hợp. Nếu mang thai thì giải quyết như sau:
a) Người bị bắt buộc lao động tại
chỗ, khi đẻ được nghỉ và hưởng chế độ như những người lao động khác trong hợp
tác xã, tổ hợp hoặc tập đoàn sản xuất và như người làm lao động hợp đồng có thời
hạn cho Nhà nước nếu làm trong các cơ sở kinh tế quốc doanh.
b) Người bị bắt buộc lao động tập
trung được bố trí công việc thích hợp đến tháng thứ 5, sau đó sẽ cho về gia
đình nghỉ đẻ. Tùy tình hình sức khỏe của người mẹ và đứa trẻ, Ủy ban Nhân dân
phường xã có thể xét đề nghị cho họ lao động tại chỗ nếu họ trong quá trình lao
động tập trung đã có tiến bộ.
c) Người nuôi con nhỏ dưới 12
tháng, mỗi ngày được nghỉ 1 giờ cho con bú.
8. Người bị bắt buộc lao động
làm việc tại hợp tác xã, tổ hợp tác thì được hưởng quyền lợi như xã viên, tổ
viên dự bị.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC
NGÀNH, CÁC CẤP
Điều 16.
– Để thực hiện những quy định về chế độ bắt buộc lao
động, Ủy ban Nhân dân các cấp và thủ trưởng các ngành ở thành phố có trách nhiệm
như sau:
1. Ủy ban Nhân dân phường, xã có
nhiệm vụ nắm chắc danh sách đối tượng ghi ở điều 1, thường xuyên phân loại và lập
hồ sơ cá nhân để đề nghị lên Ủy ban Nhân dân quận, huyện xét quyết định hình thức
bắt buộc lao động, đồng thời, phối hợp với các đơn vị có sử dụng người bị bắt
buộc lao động tại chỗ để quản lý giáo dục.
2. Ủy ban Nhân dân quận, huyện
có nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra việc tổ chức thực hiện bản quy định về chế độ bắt
buộc lao động ở các phường, xã cũng như ở các đơn vị có sử dụng người bị bắt buộc
lao động, xét quyết định người cần phải bắt buộc lao động và cấp giấy chứng nhận
cho người hết thời hạn bị bắt buộc lao động tại chỗ được trở về gia đình.
3) Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ
lập 1 Ban chuyên môn để giúp Ủy ban Nhân dân thành phố theo dõi, hướng dẫn và
kiểm tra việc tổ chức thực hiện bản quy định về chế độ bắt buộc lao động ở các
cấp, các ngành và các đơn vị có sử dụng người bị bắt buộc lao động, đồng thời
giải quyết các mối quan hệ trong việc phân bổ lao động, cấp đất đai, kinh phí,
vốn đầu tư, vật tư, thiết bị kỹ thuật và những nhu cầu khác, nhằm bảo đảm cho
các Trường giáo dục lao động công – nông nghiệp của các quận, huyện cũng như của
các cơ quan chủ quản cấp thành phố làm tốt việc bắt buộc lao động tập trung.
Điều 17 .
1. Sở
Công an và Công an quận, huyện; phường, xã thông qua các biện pháp nắm tình
hình và quản lý số dân, có trách nhiệm phát hiện và giúp Ủy ban Nhân dân phường,
xã và quận, huyện thống kê danh sách, phân loại, lập hồ sơ cá nhân và đề nghị số
người cần phải bắt buộc lao động theo các đối tượng ghi ở điều 1 kể trên.
2. Sở Lao Động và Ban Kế hoạch
quận, huyện Ban Tiểu thủ công nghiệp lao động phường, xã, thông qua việc đăng
ký lao động, điều động lao động và sắp xếp việc làm cho những người chưa có việc
làm, có trách nhiệm phát hiện, cung cấp tài liệu và làm văn bản kiến nghị với Ủy
ban Nhân dân phường, xã hoặc quận, huyện số người cần phải bắt buộc lao động, đồng
thời, có nhiệm vụ sắp xếp việc làm cho những người đã hết thời hạn bị bắt buộc
lao động trở về địa phương.
Các cơ quan trên đây phối hợp và
hỗ trợ các đoàn thể quần chúng trong việc giáo dục cho đoàn viên, hội viên và
nhân dân về quyền và nghĩa vụ lao động, tham gia phát hiện, giám sát những người
bị bắt buộc lao động, giáo dục những người đó và gia đình họ thực hiện tốt
chánh sách Nhà nước.
Điều 18.
– Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp, công trường và
các đơn vị có sử dụng người bị bắt buộc lao động có trách nhiệm:
1. Bảo đảm thực hiện đúng đắn chế
độ bắt buộc lao động.
2. Phối hợp chặt chẽ với chính
quyền địa phương để làm tốt các nhiệm vụ; quản lý lao động, giáo dục chánh trị,
dạy nghề, hướng dẫn sản xuất, tổ chức đời sống tinh thần và vật chất cho những
người bị bắt buộc lao động.
3.Hàng tháng, kiểm điểm nhận xét
về kết quả lao động và sự tiến bộ của từng người cũng như sự thực hiện chế độ bắt
buộc lao động đối với họ, đồng thời, xét và làm thủ tục đề nghị lên cơ quan có
thẩm quyền quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời hạn bị bắt buộc lao động.
4. Sau khi nhận được giấy chứng
nhận hết thời hạn bắt buộc lao động của cơ quan có thẩm quyền, phải truyền đạt
tận tay người bị bắt buộc lao động và tạo điều kiện dễ dàng cho họ trở về địa
phương.
Điều 19.
– Những người có trách nhiệm thi hành quy định về bắt
buộc lao động, nếu phạm một trong những điểm sau đây, thì tùy theo mức độ nặng,
nhẹ sẽ bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật hành chánh hoặc bị truy tố trước
pháp luật:
1. Vì cảm tình, nể nang người
trong gia đình hoặc bạn bè, hay nhận của hối lộ, che chơ cho các đối tượng ghi ở
điều 1 kể trên không bị bắt buộc lao động.
2. Vì thành kiến cá nhân hoặc lạm
dụng chức quyền cố ý đề nghị sai đối tượng bị bắt buộc lao động, hay nhận xét
sai về kết quả lao động của họ dẫn đến chỗ kéo dài thời hạn bị bắt buộc lao động
không đúng với chế độ quy định.
3. Bắt giam giữ trái phép hoặc
hành hạ, trù dập người bị bắt buộc lao động, và cắt xén không đúng nguyên tắc
các chế độ mà họ được hưởng.
Chương VII
Điều 20.
– Sở Công an cùng với Sở Lao động chịu trách nhiệm
hướng dẫn việc thi hành quy định này.