BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
40-TC/TCT/CS
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 8 năm 1992
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 40-TC/TCT/CS NGÀY 22 THÁNG 8 NĂM 1992 HƯỚNG
DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 196/CT NGÀY 5 THÁNG 6 NĂM 1992 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
BỘ TRƯỞNG
Ngày 5 tháng 6 năm 1992, Chủ tịch
Hội đồng Bộ trường đã ban hành Quyết định số 196/CT
về việc chuyển các tổ chức kinh tế đã đăng ký và đang hoạt động theo quyết định
số 268/CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 sang đăng
ký và hoạt động theo loại doanh nghiệp mới phù hợp với hệ thống pháp luật hiện
hành, Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG
THI HÀNH
Theo quy định tại Điều
1, 3 và 4 của Quyết định số 196/CT ngày 5 tháng 6 năm 1992 của Hội đồng Bộ
trưởng thì các tổ chức kinh tế sau đây phải đối chiếu với các quy định của Pháp
luật hiện hành về các loại doanh nghiệp để đăng ký lại:
- Các tổ chức kinh tế đã thành lập
và đang hoạt động theo quyết định số 268/CT
ngày 30 tháng 7 năm 1990.
- Các tổ chức kinh tế thành lập
theo Quyết định số 92/TC ngày 22 tháng 4 năm
1989 chưa đăng ký lại theo quyết định số 268/CT.
- Các tổ chức kinh tế thuộc Bộ
Quốc phòng và Bộ Nội vụ hoặc thuộc bất kỳ cơ quan nào khác được thành lập trên
cơ sở vận dụng các quyết định số 92/CT và Quyết
định số 268/CT.
II- VIỆC SẮP
XẾP CHUYỂN ĐỔI CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ
1. Điều 5, Quyết
định số 268/CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã
quy định: "Cơ quan lãnh đạo các đoàn thể, hội quần chúng, thủ trưởng các
cơ quan hành chính, các viện nghiên cứu khoa học, các trường học chịu trách nhiệm
trước Nhà nước về tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh tế mà mình đề nghị
thành lập". Như vậy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị bao gồm các cơ quan Nhà nước,
đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức Hội, Hiệp hội quần chúng có tổ chức kinh tế
đã được thành lập và đang hoạt động trong thời gian qua theo Quyết định số 268/CT, Quyết định số 92/CT hoặc vận dụng theo hai quyết định này,
nay có trách nhiệm phải sắp xếp lại tổ chức kinh tế của mình theo đúng tinh thần
quyết định số 196/CT của Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng.
Để giúp thủ trưởng cơ quan, đơn
vị làm việc này, cần lập Hội đồng sắp xếp lại tổ chức kinh tế gồm các thành
viên sau đây:
- Cấp phó giúp việc cho thủ trưởng
cơ quan, đơn vị.
- Người phụ trách tổ chức kinh tế
thuộc cơ quan, đơn vị.
- Trưởng phòng tổ chức cán bộ,
cơ quan, đơn vị.
- Phụ trách kế toán của tổ chức
kinh tế thuộc cơ quan, đơn vị.
- Đại diện Đảng uỷ, công đoàn,
thanh niên cơ quan, đơn vị.
2. Hội đồng sắp xếp lại tổ chức
kinh tế có trách nhiệm:
a) Khoá sổ kế toán, kiểm kê đánh
giá lại tài sản, tiền vốn và xác định nguồn vốn hình thành vốn của tổ chức kinh
tế.
Đối tượng kiểm kê là:
- Tài sản cố định.
- Tài sản lưu động, bao gồm:
+ Các loại nguyên, nhiên, vật liệu,
phụ tùng thay thế, công cụ lao động thuộc tài sản lưu động, hàng hoá...
+ Những vật tư hàng hoá đang
trên đường vận chuyển, đang nằm tại kho, bãi; vật tư hàng hoá đã gửi đi hoặc nhờ
giữ hộ, bán hộ; hoặc đưa gia công, chế tạo; vật tư hàng hoá đưa liên doanh và
liên kết...
+ Sản phẩm dở dang trong quá
trình sản xuất, chế tạo, bán thành phẩm và thành phẩm...
- Các loại vốn và quỹ bằng tiền
thể hiện trên sổ sách chính thức và không chính thức: tiền gửi ngân hàng (bao gồm
cả ngoại tệ), các khoản tiền mặt tồn quỹ, các khoản tiền đang chuyển, các loại
chứng khoán, tín phiếu, kỳ phiếu...
Phương pháp kiểm kê:
- Trước khi kiểm kê phải khoá sổ
kế toán, xác định số lượng, giá trị tài sản, số tiền vốn và quỹ phải có theo sổ
sách kế toán tại thời điểm kiểm kê.
- Việc kiểm kê các quỹ tiền mặt
phải phân loại và xác định tổng số cũng như từng loại tiền có trong quỹ (kể cả
ngoại tệ). Kiểm kê các loại chứng khoán, kỳ phiếu, tín phiếu... cũng phải chặt
chẽ như kiểm kê tiền mặt.
- Các khoản tiền gửi tại ngân
hàng phải được đối chiếu trực tiếp và có xác nhận của ngân hàng.
- Đối với vật tư hàng hoá phải
tiến hành kiểm kê từng thứ, từng loại bằng phương pháp cân, đo, đong, đếm trực
tiếp. Lập biên bản kiểm kê xác định rõ số lượng, giá trị vật tư hàng hoá thực
có và số thừa, thiếu so với số lượng trên sổ sách kế toán.
Căn cứ vào sổ sách kế toán và chứng
từ kế toán phân loại tài sản, tiền vốn theo nguồn hình thành như sau:
- Những tài sản thuộc vốn Ngân
sách Nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc là của Ngân sách Nhà nước;
- Những tài sản và tiền vốn thuộc
vốn tự bổ sung của tổ chức kinh tế;
- Những tài sản và vốn vay của
ngân hàng;
- Những tài sản và vốn vay của
cá nhân và các tổ chức kinh tế khác;
- Các khoản vốn chiếm dụng, bị
chiếm dụng, các khoản nợ ngân sách... (có đối chiếu và xác nhận của chủ nợ và
người nợ).
Mọi trường hợp thừa, thiếu vật
tư, hàng hoá, vốn, quỹ bằng tiền; các khoản quỹ, vốn để ngoài sổ sách; các trường
hợp giấu diếm, phân tán tài sản, vật tư, tiền vốn trong quá trình kiểm kê phải
được xử lý theo chế độ hiện hành và phải được quy rõ trách nhiệm cho cá nhân hoặc
tập thể.
b) Xác định và phân loại lao động
trong tổ chức kinh tế: lao động trong biên chế của cơ quan, đơn vị chuyển sang
tổ chức kinh tế, lao động tuyển dụng sau khi thành lập tổ chức kinh tế, lao động
làm hợp đồng trong tổ chức kinh tế, thời gian làm việc, tiền lương và trình độ
của từng loại lao động.
c) Xây dựng phương án chuyển đổi
thành những doanh nghiệp thích hợp hoặc giải thể trên cơ sở kiểm tra xem xét về
mục đích yêu cầu, chức năng nhiệm vụ, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổ chức
kinh tế, đối chiếu với quy định về thành lập hoặc giải thể các loại doanh nghiệp
hiện hành; đề xuất các biện pháp xử lý về vật tư, tài sản, tiền vốn, lao động
khi chuyển sang doanh nghiệp mới hoặc giải thể. Hoàn tất các thủ tục trình cơ
quan có thẩm quyền quyết định thành lập lại hoặc giải thể doanh nghiệp theo quy
định hiện hành.
3. Các tổ chức kinh tế được sắp
xếp và tổ chức lại theo một trong các doanh nghiệp sau đây:
a) Những tổ chức kinh tế do Nhà
nước thành lập, cấp vốn hoạt động, có đủ điều kiện quy định tại điểm
4 Thông tư Liên Bộ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Tài chính số 01-TT/LB ngày
13 tháng 2 năm 1992 hướng dẫn thi hành Quy chế về thành lập và giải thể xí nghiệp
Nhà nước (ban hành kèm theo Nghị định số 388/HĐBT
ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng) thì hoàn tất thủ tục trình cơ
quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định thành lập. Các điều kiện đó gồm:
- Toàn bộ vốn do Ngân sách Nhà
nước cấp hoặc thuộc nguồn NSNN.
- Đơn xin thành lập doanh nghiệp
của cơ quan, đơn vị (theo mẫu phụ lục số 2 Thông tư Liên Bộ).
- Luận chứng thành lập doanh
nghiệp Nhà nước (theo mẫu phụ lục số 3 Thông tư Liên Bộ).
- Ý kiến đồng ý của Bộ ngành quản
lý kinh tế kỹ thuật về quy hoạch phát triển và trình độ công nghệ.
- Ý kiến đồng ý của Chủ tịch tỉnh,
thành phố nơi tổ chức kinh tế đảng về đảm bảo điều kiện môi trường, cơ sở hạ tầng,
mặt bằng sản xuất kinh doanh, trụ sở làm việc (đối với doanh nghiệp Nhà nước
thuộc Trung ương quản lý).
- Chứng nhận của Bộ Tài chính đối
với doanh nghiệp Nhà nước thuộc Trung ương, của Sở Tài chính đối với doanh nghiệp
Nhà nước thuộc địa phương về nguồn và mức vốn pháp định do ngân sách cấp hoặc
thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Mức vốn pháp định tối thiểu phải có để
thành lập doanh nghiệp Nhà nước không thấp hơn vốn pháp định của các Công ty
trách nhiệm hữu hạn cùng ngành nghề được quy định trong Nghị định số 222/HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội đồng Bộ
trưởng.
Trình tự và thủ tục xem xét, ra quyết
định thành lập và đăng ký lại kinh doanh theo đúng quy định trong các Nghị định
số 388/HĐBT, 156/HĐBT
và các văn bản kèm theo.
Sau khi doanh nghiệp Nhà nước được
thành lập, cơ quan làm đơn đề nghị thành lập là cơ quan quản lý Nhà nước cấp
trên trực tiếp của doanh nghiệp.
b) Những tổ chức kinh tế có đủ
điều kiện chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo Luật công ty ngày 21 tháng 12 năm 1990 và Nghị định
số 222/HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội
đồng Bộ trưởng thì hoàn tất các thủ tục, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và
ra quyết định thành lập. Các điều kiện đó cụ thể như sau:
- Các loại vốn thuộc nhiều hình
thức sở hữu khác nhau.
- Đối với phần vốn thuộc các
thành phần kinh tế khác tham gia, những người sáng lập không phải là công chức
đang làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, không phải là những người giữ
chức vụ trong bộ máy chính quyền các cấp theo chế độ bầu cử, không phải là cán
bộ quản lý các liên hiệp xí nghiệp và xí nghiệp quốc doanh, không phải là sĩ quan
tại ngũ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam. Nếu có
các nguồn vốn do ngân sách cấp hoặc thuộc nguồn Ngân sách Nhà nước, vốn do tập
thể cơ quan, đơn vị tham gia thì người sáng lập doanh nghiệp do cơ quan, đơn vị
cử làm đại diện.
- Có mục tiêu ngành nghề kinh
doanh rõ ràng, có phương án kinh doanh ban đầu, có trụ sở giao dịch.
- Có điều lệ phù hợp với quy mô
và ngành nghề kinh doanh. Vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định do Hội đồng
Bộ trưởng quy định đối với từng ngành nghề ban hành kèm theo Nghị định số 222/HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội đồng
Bộ trưởng.
- Người quản lý, điều hành hoạt
động kinh doanh phải có trình độ chuyên môn tương ứng mà pháp luật đòi hỏi đối
với một số ngành nghề.
- Một số điều kiện khác quy định
tại Luật công ty và Nghị định số 222/HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991.
c) Những tổ chức có đủ điều kiện
chuyển sang doanh nghiệp tư nhân theo Luật doanh
nghiệp tư nhân ngày 21 tháng 12 năm 1990 và Nghị định số 221/HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội đồng Bộ
trưởng thì hoàn tất thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định
thành lập. Các điều kiện cụ thể như sau:
- Các loại vốn đều thuộc sở hữu
tư nhân.
- Người thành lập doanh nghiệp
không phải là công chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước,
không phải là người đang giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền các cấp theo chế
độ bầu cử, không phải là cán bộ quản lý các Liên hiệp xí nghiệp và các xí nghiệp
quốc doanh, không phải là sỹ quan tại ngũ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và
Công an nhân dân Việt Nam.
- Có mục tiêu ngành nghề kinh
doanh rõ ràng, có trụ sở giao dịch và phương án kinh doanh cụ thể.
- Có đủ vốn đầu tư ban đầu phù hợp
với quy mô và ngành nghề kinh doanh. Vốn đầu tư ban đầu không được thấp hơn vốn
pháp định đã được Hội đồng Bộ trưởng quy định cho từng ngành nghề kèm theo Nghị
định số 221/HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của
Hội đồng Bộ trưởng.
- Bản thân hoặc người được thuê
làm quản lý điều hành hoạt động kinh doanh có trình độ chuyên môn tương ứng mà
pháp luật đòi hỏi với một số ngành nghề.
- Ngoài ra còn một số điều kiện
khác quy định tại Luật doanh nghiệp tư nhân
và Nghị định số 221/HĐBT ngày 23 tháng 7
năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng.
d) Những tổ chức kinh tế mà nguồn
vốn thuộc cá nhân và nhóm kinh doanh, nhưng vốn thấp hơn vốn pháp định được quy
định tại Nghị định số 221/HĐBT ngày 23
tháng 7 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng thì chuyển sang hoạt động theo Nghị định
số 66/HĐBT ngày 2 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng
Bộ trưởng.
g) Những tổ chức kinh tế hình
thành từ vốn của tập thể thực chất là hợp tác xã hoặc tổ hợp tác thì chuyển
sang hoạt động theo Nghị định số 28/HĐBT ngày
19 tháng 3 năm 1988 và Nghị định số 146/HĐBT
ngày 24 tháng 9 năm 1988 và Quyết định số 49/HĐBT
ngày 22 tháng 5 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Những tổ chức kinh tế không có
đủ điều kiện chuyển sang một trong các loại doanh nghiệp nói trên thì giải thể.
4. Việc sắp xếp lại các tổ chức
kinh tế phải hoàn thành trước ngày 5 tháng 11 năm 1992. Quá thời hạn quy định,
những tổ chức kinh tế chưa hoàn tất thủ tục thành lập, đăng ký theo loại doanh
nghiệp mới thích hợp và vẫn hoạt động thì đề nghị các cơ quan chức năng quản lý
kinh tế của Nhà nước và Uỷ ban nhân dân các cấp thu hồi giấy phép kinh doanh, kể
cả giấy phép xuất và nhập khẩu, Bộ Nội vụ chỉ đạo thu hồi con dấu, cơ quan Trọng
tài kinh tế ra quyết định phong toả tài khoản và tài sản của những tổ chức kinh
tế đó.
Đề nghị Ban quản lý thị trường
Trung ương thống nhất chỉ đạo việc kiểm tra trong toàn quốc, nếu phát hiện tổ
chức kinh tế nào hoạt động không hợp pháp thì kiên quyết đưa ra pháp luật xử
lý.
III- GIẢI QUYẾT
CÁC VẤN ĐỀ VỀ LAO ĐỘNG, TÀI CHÍNH KHI CHUYỂN THÀNH DOANH NGHIỆP MỚI
1. Vấn đề lao động được giải quyết
theo các hướng sau:
- Lao động thuộc biên chế của cơ
quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang, Viện nghiên cứu, trường học... được chuyển
sang làm việc trong các tổ chức kinh tế khi mới thành lập thì phải được rà soát
lại một cách chặt chẽ để giải quyết theo hướng hoặc trở lại nhận nhiệm vụ của
cơ quan, đơn vị (nếu có yêu cầu), hoặc chuyển sang biên chế của doanh nghiệp
Nhà nước. Nếu doanh nghiệp đó được chuyển sang doanh nghiệp Nhà nước. Số lao động
còn lại chuyển sang các loại doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp Nhà nước
thì những người lao động này được giải quyết chế độ trợ cấp theo Quyết định số 111/HĐBT ngày 12 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ
trưởng và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Sau khi chuyển doanh nghiệp, người
lao động làm việc và hưởng lương theo quy chế của doanh nghiệp đó.
- Số lao động không thuộc biên
chế Nhà nước đang làm việc trong tổ chức kinh tế nếu được chuyển sang làm việc
tại doanh nghiệp mới thì làm việc và hưởng lương theo quy chế của doanh nghiệp
đó. Nếu người lao động phải thôi việc thì hưởng chế độ trợ cấp tuỳ thuộc vào khả
năng tài chính của cơ quan đơn vị thành lập doanh nghiệp.
2. Các vấn đề tài chính:
a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có
tổ chức kinh tế phải báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và cơ quan
tài chính cùng cấp phương án chuyển đổi các tổ chức kinh tế thành doanh nghiệp
thích hợp, báo cáo kiểm kê tài sản, tiền vốn và phương án xử lý tài sản, vốn
phù hợp với việc chuyển đổi tổ chức kinh tế thành doanh nghiệp.
b) Cơ quan quản lý cấp trên của
cơ quan, đơn vị có tổ chức kinh tế cùng với cơ quan tài chính cùng các tổ chức
xem xét (có sự tham gia của cơ quan thuế, ngân hàng) và quyết định phương án xử
lý tài sản, tiền vốn phù hợp với phương án chuyển đổi thành tổ chức doanh nghiệp
thích hợp.
c) Đối với tổ chức kinh tế được
chuyển thành doanh nghiệp Nhà nước, tài sản và vốn được xử lý như sau:
- Cơ quan, đơn vị có tổ chức
kinh tế được giữ lại những tài sản cần thiết phục vụ cho hoạt động của cơ quan,
đơn vị thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước hoặc mua sắm bằng nguồn vốn bổ sung.
Nếu doanh nghiệp mới cần sử dụng những tài sản này trong hoạt động sản xuất
kinh doanh thì cơ quan, đơn vị có thể cho thuê trong thời gian nhất định. Giá
cho thuê tài sản cố định tối thiểu bằng mức khấu hao cơ bản tài sản cố định và
phải nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước.
- Số tài sản, tiền vốn còn lại
được bàn giao cho doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp mới có trách nhiệm nhận, bảo
toàn, phát triển vốn, thu hồi công nợ và thanh toán các khoản nợ. Doanh nghiệp
mới phải nộp tiền sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước theo đúng quy định hiện hành.
d) Tổ chức kinh tế được chuyển
sang một trong những Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, doanh nghiệp
tư nhân, hợp tác xã ... thì tài sản, vốn liếng của tổ chức kinh tế cũ được xử
lý như sau:
- Những tài sản thuộc nguồn vốn
Ngân sách Nhà nước cấp, hoặc có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước, được đánh giá
lại và góp vốn cổ phần hoặc bán cho doanh nghiệp mới thu hồi vốn nộp Ngân sách
Nhà nước. Đối với tài sản cố định doanh nghiệp không có khả năng mua nhưng cần
thuê, phải ký hợp đồng thuê, giá cho thuê tối thiểu phải bằng mức khấu hao tài
sản cố định. Số tiền thu được do cho thuê tài sản phải nộp toàn bộ vào Ngân
sách Nhà nước.
- Doanh nghiệp mới có trách nhiệm
nhận toàn bộ tài sản và tiền vốn còn lại, chỉ được phép từ chối không nhận đối
với những tài sản không thể dùng được, các khoản công nợ không có địa chỉ người
nợ và không có khả năng đòi được, cơ quan, đơn vị có các tổ chức kinh tế cũ phải
có trách nhiệm xử lý hoặc phải báo cáo các cơ quan chủ quản cấp trên để xử lý
những tài sản tiền vốn này.
Nếu tổng số giá trị của những
tài sản này, các khoản tiền gửi, vốn bằng tiền, các khoản thu hồi nợ... lớn hơn
các khoản nợ phải thanh toán, thì số dư được coi là phần góp vốn vào công ty cổ
phần, phần tiền cho vay đối với các doanh nghiệp khác của cơ quan, đơn vị. Số
lãi được hưởng, cơ quan, đơn vị dùng để giải quyết đời sống cho cán bộ, công
nhân viên.
Tuỳ theo tỷ lệ vốn này trong tổng
số vốn chung của doanh nghiệp mới mà cơ quan, đơn vị cử người tham gia bộ máy
quản lý doanh nghiệp mới (số thành viên, chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc
điều hành).
đ) Tiền bán tài sản thuộc vốn
Ngân sách Nhà nước cấp hoặc có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước nộp vào mục 09,
chương, loại, khoản, hạng thích hợp và tiền thu được do cho thuê tài sản nộp
vào mục 47 chương, loại, khoản, hạng thích hợp theo mục lục Ngân sách Nhà nước
hiện hành.
IV- THỦ TỤC
GIẢI THỂ, XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH KHI GIẢI THỂ CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý
Nhà nước cấp trên trực tiếp (là cấp quyết định thành lập tổ chức kinh tế) có
quyền tuyên bố và ra quyết định giải thể các tổ chức kinh tế của cơ quan, đơn vị
trực thuộc. Trong quyết định giải thể cần ghi rõ:
- Thời hạn tiến hành giải thể tổ
chức kinh tế (thời hạn này tối đa không quá 6 tháng).
- Thời điểm đình chỉ hoạt động sản
xuất kinh doanh của tổ chức kinh tế và bộ máy điều hành tổ chức kinh tế.
- Trách nhiệm của người phụ
trách và các bộ phận giúp việc của tổ chức kinh tế trong quá trình giải thể tổ
chức kinh tế dưới sự giám sát và hướng dẫn của Hội đồng giải thể.
- Tuyên bố thời điểm thôi không
tính lãi suất đối với nợ tín dụng ngân hàng (sau khi đã thống nhất với ngân
hàng) và tuyên bố thời điểm thôi không tính lãi suất đối với các khoản nợ khác.
2. Thành lập Hội đồng giải thể
các tổ chức kinh tế gồm các thành viên:
- Lãnh đạo, phụ trách các phòng:
kế toán tài vụ, phòng tổ chức lao động - tiền lương, và một số phòng, ban khác
(nếu cần thiết), đại diện công đoàn của cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan,
đơn vị có tổ chức kinh tế;
- Đại diện của cơ quan tài
chính, thuế cùng cấp;
- Đại diện của cơ quan ngân hàng
cùng cấp;
- Đại diện của cơ quan trọng tài
kinh tế cùng cấp, tương đương;
- Nếu thấy cần, cơ quan quản lý
cấp trên có quyền bổ nhiệm những thành viên khác của Hội đồng giải thể các tổ
chức kinh tế.
3. Hội đồng giải thể có quyền hạn
và nhiệm vụ:
a) Tiếp nhận và thẩm tra lại
toàn bộ sổ sách kế toán của tổ chức kinh tế, thu hồi con dấu của tổ chức kinh tế,
trường hợp cần thiết có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị có tổ chức
kinh tế giải thích rõ hay trả lời các câu hỏi liên quan đến sổ sách kế toán của
tổ chức kinh tế.
b) Tiếp tục thực hiện các hợp đồng
đã ký kết phù hợp với lợi ích của tổ chức kinh tế cũng như của chủ nợ tổ chức
kinh tế cho đến khi tổ chức kinh tế được giải thể.
c) Thẩm tra việc kiểm kê tài sản,
tiền vốn của tổ chức kinh tế. Thu hồi, quản lý, đánh giá hiện trạng của các tài
sản, tiền vốn.
d) Kiến nghị phương án giải thể
tổ chức kinh tế, phương án bán các tài sản của tổ chức kinh tế, khung giá cho
toàn bộ tài sản và cho từng tài sản riêng, phương án phân chia giá trị thu được
từ việc bán tài sản của tổ chức kinh tế để thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên quyết
định.
4. Giải quyết các vấn đề tài
chính đối với các tổ chức kinh tế bị giải thể:
a) Thanh xử lý tài sản cố định
và tài sản lưu động
- Đối với tài sản được Nhà nước
cấp trước đây:
+ Cho phép cơ quan, đơn vị được
giữ lại những tài sản cần thiết sử dụng.
+ Bán dưới các hình thức đấu giá
toàn bộ hay từng phần tài sản của tổ chức kinh tế cho các tổ chức, cá nhân thuộc
mọi thành phần kinh tế, trong đó ưu tiên cho cán bộ, công nhân viên đã làm việc
trong tổ chức kinh tế, trong ngành, với điều kiện, giá cả và phương thức mua
bán như nhau. Trường hợp các tổ chức và cá nhân mua nguyên trạng toàn bộ tài sản
để sử dụng tại chỗ và tiếp nhận lao động đã làm việc trong tổ chức kinh tế cũ
thì được ưu tiên giảm giá. Mức giảm giá do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của
cơ quan, đơn vị có tổ chức kinh tế thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp quyết
định.
- Đối với tài sản đi thuê hoặc
đi mượn thì được trả lại cho chủ sở hữu và hai bên thực hiện các khoản thanh
toán tiền thuê.
- Đối với tài sản cho thuê hoặc
cho mượn thì phải được thu hồi để xử lý bán theo quy định nói trên.
- Đối với tài sản bảo đảm thế chấp,
vay nợ ngân hàng hoặc thế chấp vay nợ khác thì được ưu tiên xử lý để trả nợ,
bán đấu giá hoặc gán nợ theo quyết định của Hội đồng giải thể trên cơ sở xem
xét hợp đồng của người vay nợ và người cho vay.
b) Thanh xử lý các nguồn vốn
khác, các quỹ xí nghiệp, tiền gửi, tiền mặt, các khoản nợ phải trả, nợ phải đòi:
- Các nguồn vốn khác: vốn bằng
tiền, quỹ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, số dư vốn tự có về đầu tư XDCB, khấu
hao cơ bản và sửa chữa lớn, số dư quỹ khuyến khích phát triển sản xuất (nếu có)
đều được huy động thanh toán các khoản nợ phải chi bằng các nguồn vốn tương ứng.
Nếu còn dư được dùng thanh toán các khoản nợ khác.
- Các quỹ khen thưởng và phúc lợi
nếu còn dư thì phải dùng trả nợ lương công nhân (nếu có) sau đó là dùng thanh
toán các khoản nợ khác.
- Việc thu hồi các khoản nợ phải
đòi được làm nguồn vốn thanh toán các khoản phải theo thứ tự ưu tiên quy định tại
mục c dưới đây.
c) Giá trị thu hồi từ việc bán
tài sản của tổ chức kinh tế (sau khi trừ những tài sản thế chấp đã được bán trả
các chủ nợ), số dư các khoản vốn bằng tiền khác, các khoản nợ phải đòi (quy định
ở mục B) được tập hợp lại thanh toán các khoản còn nợ theo thứ tự ưu tiên sau:
- Chi lương và bảo hiểm xã hội
mà tổ chức kinh tế còn nợ cán bộ, công nhân viên.
- Trả nợ các tổ chức kinh tế, cá
nhân cho vay.
- Trả nợ gốc và lãi vay ngân
hàng.
- Trả nợ các khoản: hoàn vốn
ngân sách, các khoản thuế còn nợ.
Sau khi thanh toán xong các khoản
nói trên, nếu còn dư thì giao cho tổ chức công đoàn cơ quan, đơn vị làm quỹ phục
vụ lợi ích chung của cán bộ, công nhân viên. Nếu thiếu thì các khoản nợ được khoanh
lại báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý và quy trách nhiệm cho cá nhân và tập
thể. Tuỳ theo mức độ sai phạm mà xử phạt cảnh cáo, bồi thường hay truy tố trước
pháp luật.
Đối với những nguồn vốn thuộc sở
hữu khác cơ quan tài chính không nên can thiệp, trách nhiệm xử lý do cơ quan,
đơn vị làm theo pháp luật.
d) Quyết toán và kết thúc quá
trình giải thể:
Sau khi hoàn tất quá trình giải
thể trong phạm vi thời gian quy định (không quá 6 tháng) theo phương án giải thể
đã được duyệt, Hội đồng giải thể làm báo cáo quyết toán sau giải thể, báo cáo kết
quả thanh xử lý các khoản tài sản, vật tư, tiền vốn, các khoản công nợ trong
quá trình giải thể tổ chức kinh tế. Đề xuất các vấn đề xử lý tiếp về mặt tài
chính sau giải thể. Đề nghị truy cứu trách nhiệm về vật chất hoặc trách nhiệm
hình sự (nếu có) đối với tập thể và cá nhân lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý
thu lời riêng, thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại về kinh tế.
- Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp
trên căn cứ vào báo cáo của Hội đồng giải thể trong đó có ý kiến của đại diện
cơ quan tài chính, thuế, ngân hàng và các cơ quan liên quan khác quyết y báo
cáo giải thể tổ chức kinh tế của Hội đồng giải thể về mặt tài chính, nhân sự,
truy cứu trách nhiệm. Xác định những tồn tại cần tiếp tục xử lý và sau đó quyết
định chấm dứt hoạt động của Hội đồng giải thể.
V- TRÁCH NHIỆM
CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH VÀ THUẾ CÁC CẤP
1. Cơ quan tài chính, thuế có
trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình giải thể cũng như thành lập
doanh nghiệp mới của từng tổ chức kinh tế. Cùng với cơ quan chủ quản cấp trên
và các ngành liên quan xử lý các vấn đề về lao động, tài chính đúng theo quy định.
2. Cơ quan tài chính và thuế có
trách nhiệm:
- Thu toàn bộ số tiền hoàn vốn
Ngân sách Nhà nước, số thuế còn nợ và các khoản tiền phạt (nếu có) của những tổ
chức kinh tế trước khi chuyển đổi thành doanh nghiệp thích hợp hoặc bị giải thể.
- Trường hợp các tổ chức kinh tế
không trang trải được các khoản hoàn vốn Ngân sách Nhà nước, các khoản thuế còn
nợ phải khoanh lại và báo cáo lên cơ quan tài chính và thuế cấp có thẩm quyền để
giải quyết.
- Những tổ chức kinh tế được
chuyển thành doanh nghiệp Nhà nước thì những khoản nợ ngân sách: hoàn vốn, thuế
... được chuyển sang doanh nghiệp mới phải có văn bản cam kết của doanh nghiệp
mới và doanh nghiệp mới phải chịu trách nhiệm nộp vào Ngân sách Nhà nước đúng
thời hạn đã cam kết.
3. Cơ quan tài chính và thuế trực
tiếp quản lý có trách nhiệm hướng dẫn giúp đỡ các doanh nghiệp mới thành lập thực
hiện các chế độ về tài chính, kế toán, thuế và tiến hành thu thuế và các khoản
thu khác đúng pháp luật.
Yêu cầu Sở Tài chính, Cục thuế
phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
sắp xếp lại tổ chức kinh tế đã được thành lập theo quyết định số 268/CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 theo đúng tinh
thần quyết định số 196/CT ngày 5 tháng 6
năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, đề nghị phản ảnh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết.