CỤC
HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
2781/1998/TT-CHK
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1998
|
THÔNG TƯ
CỦA CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM SỐ 218/1998/TT-CHK NGÀY
19 THÁNG 10 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN SOẠN THẢO, RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐỐI
VỚI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤC VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định 68/CP ngày
25 tháng 10 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức bộ máy của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;
Căn cứ Nghị định 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Để đảm bảo tính thống nhất việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong
lĩnh vực hàng không dân dụng;
Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực
thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thực hiện như sau:
I- NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này hướng dẫn việc
soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành bao gồm: Quyết định, chỉ thị, thông tư;
văn bản quy phạm pháp luật do Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành gồm:
Thông tư liên tịch; và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành
của cơ quan Nhà nước cấp trên được Chính phủ phân công cho Cục Hàng không dân dụng
Việt Nam soạn thảo bao gồm: luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, chỉ thị.
2. Văn bản quy phạm pháp luật do
Cục Trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam
ban hành phải hợp hiến, hợp pháp, không trái với văn bản quy phạm pháp luật của
cơ quan Nhà nước cấp trên, không được mâu thuẫn, chồngchéo với các văn bản quy
phạm pháp luật hiện hành khác. Hình thức thể hiện văn bản phải phù hợp với nội
dung điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật chỉ
quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan ban hành.
3. Văn bản quy phạm pháp luật được
thể hiện bằng tiếng Việt. Ngôn gnữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải
chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải đơn giản, dễ hiểu, các thuật ngữ
chuyên môn dùng trong văn bản quy phạm pháp luật phải được định nghĩa rõ ràng.
Văn bản quy phạm pháp luật đã được
ban hành có thể được dịch ra tiếng nước ngoài. Văn phòng Cục Hàng không dân dụng
Việt Nam chịu trách nhiệm dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài.
Bản dịch văn bản quy phạm pháp luật chỉ có giá trị tham khảo.
4. Sau khi văn bản quy phạm pháp
luật được Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng
Việt Nam ký ban hành, chậm nhất là hai (02) ngày kể từ ngày ký ban hành, Văn
phòng Cục có trách nhiệm gửi văn bản đó cho các cơ quan, đơn vị trong ngành,
Văn phòng Chính phủ, các Bộ, các ngành và các tổ chức có liên quan.
5. Việc lưu giữ các văn bản quy
phạm pháp luật của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tuân theo các quy định hiện
hành của Cục về công tác văn thư lưu trữ.
II- CÁC VĂN BẢN
QUY PHẠM PHÁP LUẬT
A. CÁC VĂN BẢN
QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM VÀ CỤC HÀNG
KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM BAN HÀNH
Căn cứ Điều 58, Điều 71, Điều 72
và Điều 73 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cục Hàng không dân dụng Việt
Nam, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có thẩm quyền ban hành các loại
văn bản quy phạm pháp luật sau:
1. Quyết định của Cục trưởng Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam quy định về các vấn đề:
a) Tổ chức, hoạt động của các
đơn vị thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;
b) Quản lý,đào tạo cán bộ, nhân
viên trong ngành hàng không dân dụng; c) Các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và
các định mức kinh tế kỹ thuật của ngành hàng không dân dụng;
d) Hoạt động quản lý Nhà nước
trong lĩnh vực an toàn hàng không dân dụng;
đ) Hoạt động quản lý Nhà nước
trong lĩnh vực an ninh hàng không dân dụng;
e) Quản lý Nhà nước liên quan đến
không vận;
f) Quản lý giá hàng không dân dụng;
hoạt động quản lý vận chuyển hàng không dân dụng và các hoạt động khác có liên
quan đến hoạt động vận chuyển hàng không dân dụng;
h) Điều phối giờ cất, hạ cánh
(slot) tại cảng hàng không, sân bay, an toàn, an ninh tại cảng hàng không, sân
bay, quy chế sân bay, quy chế bay tại sân bay;
i) Côngtác văn thư, lưu trữ, quản
lý hộ chiếu, giao ban; và
j) các vấn đề khác liên quan đến
hoạt động hàng không dân dụng được Chính phủ giao.
Quyết định của Cục trưởng Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành "quy định, quy chế, nội quy, điều lệ"
về các vấn đề nêu trên cũng là văn bản quy phạm pháp luật.
2. Chỉ thị của Cục Hàng không
dân dụng Việt Nam quy định các biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp và kiểm tra
hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không dân dụng đối với việc
thực hiện văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên và của Cục ban hành.
Các văn bản do Cục trưởng Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành để giải quyết những vụ việc cụ thể không
phải là văn bản quy phạm pháp luật như: quyết định phê duyệt (dự án, các văn bản
của các đơn vị trực trong ngành ban hành), khen thưởng, kỷ luật, lên lương, tuyển
dụng, bổ nhiệm cán bộ, thuyên chuyển công tác, cử đi công tác, xử phạt vi phạm
hành chính; chỉ thị về tổ chức lễ kỷ niệm, phát động phong trào thi đua, biểu
dương người tốt việc tốt, trực các ngày lễ v.v...
3. Thông tư của Cục trưởng Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam để hướng dẫn thực hiện những quy định trong các
văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên liên quan đến phạm vi
quản lý Nhà nước của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
4. Thông tư liên tịch giữa Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, Toà án nhân dân nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ
quan, tổ chức xã hội và các đoàn thể để hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm
pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của Cục Hàng không dân dụng và các cơ quan Nhà nước, các tổ chức liên
quan.
B. CÁC VĂN BẢN
QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO CHÍNH PHỦ PHÂN CÔNG
Theo sự phân công của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam soạn thảo các văn bản quy
phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan Nhà nước cấp trên liên
quan đến hoạt động hàng không dân dụng gồm: dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định,
Quyết định, Chỉ thị.
III- SOẠN THẢO
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
A. SOẠN THẢO
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THUỘC THẨM QUYỀN BAN HÀNH CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG
KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM VÀ CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM.
1. Cục trưởng Cục Hàng không dân
dụng Việt Nam phân công và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc soạn thảo văn
bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Cục trưởng và Cục Hàng
không dân dụng Việt Nam. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, có
liên quan đến nhiều lĩnh vực, Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì soạn thảo
trình Cục trưởng thành lập Tổ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thành phần
tổ soạn thảo do thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo đề nghị. Các cơ quan, đơn vị
được giao soạn thảo, tổ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật sau đây gọi chung
là đơn vị soạn thảo.
2. Đơn vị soạn thảo có trách nhiệm
tập hợp tình hình thực hiện pháp luật nghiên cứu tài liệu và xây dựng dự thảo
văn bản.
3. Đơn vị soạn thảo có trách nhiệm
lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành
có liên quan cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuỳ theo tính chất và nội
dung của dự thảo, đơn vị soạn thảo có thể tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp
cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhưng phải được sự đồng ý của Cục trưởng
Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Trong trường hợp nhận được công
văn đề nghị đóng góp ý kiến, các cơ quan, đơn vị trong ngành phải có trách nhiệm
tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn
đã ấn định trong công văn đề nghị. Công văn đóng góp ý kiến phải do Thủ trưởng
cơ quan, đơn vị được đề nghị đóng góp ý kiến ký.
Khi gửi công văn đề nghị đóng
góp ý kiến, đơn vị soạn thảo phải ấn định rõ thời hạn cuối cùng phải gửi ý kiến
đóng góp cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thời hạn ấn định này ít nhất
là bảy (07) ngày, kể từ ngày gửi công văn đề nghị, trường hợp đặc biệt thời hạn
này có thể ít hơn nhưng không dưới 5 ngày.
Đơn vị soạn thảo có trách nhiệm
tổng hợp ý kiến, nghiên cứu và chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn
bị tờ trình và các tài liệu có liên quan.
4. Đơn vị soạn thảo có trách nhiệm
gửi cho Phòng Pháp chế - Cục Hàng không dân dụng Việt Nam dự thảo (02 bản) văn
bản quy phạm pháp luật đã được chỉnh lý lần cuối cùng và các tài liệu liên quan
để thẩm định bao gồm:
a) Công văn đề nghị thẩm định;
b) Tờ trình (02 bản) dự thảo văn
bản quy phạm pháp luật, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, sự cần thiết của việc
ban hành, phạm vi điều chỉnh, bố cục, nội dung của văn bản;
c) Bản tổng hợp ý kiến góp ý của
các cơ quan, đơn vị;
d) Các tài liệu tham khảo và các
tài liệu khác có liên quan theo yêu cầu của Phòng pháp chế.
5. Khi nhận được đủ các tài liệu
nêu trên, Phòng pháp chế có trách nhiệm tiến hành thẩm định dự thảo văn bản quy
phạm pháp luật. Trong vòng bảy (07) ngày, Phòng pháp chế phải gửi ý kiến thẩm định
cho Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và đơn vị soạn thảo. Trường hợp
đặc biệt, thời hạn này có thể được kéo dài thêm nhưng không quá mười lăm (15)
ngày.
Phòng Pháp chế thẩm định về đối
tượng, phạm vi điều chỉnh, tính khả thi, kỹ thuật soạn thảo, ngôn ngữ, tính
pháp lý của văn bản.
Trưởng phòng pháp chế chịu trách
nhiệm trước Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam về tính hợp hiến, hợp
pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật do Cục trưởng, Cục Hàng
không dân dụng Việt Nam ban hành.
6. Trong quá trình thẩm định, có
vấn đề gì chưa rõ, chưa thống nhất, Phòng pháp chế trao đổi ý kiến với đơn vị
soạn thảo và các đơn vị có liên quan để làm rõ vấn đề và đề xuất phương án xử
lý đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Trong trường hợp có những quy định
chồng chéo, trái với các văn bản khác, Phòng pháp chế đề nghị đơn vị soạn thảo
chỉnh lý lại dự thảo, nếu đơn vị soạn thảo không đồng ý, Phòng pháp chế có quyền
bảo lưu ý kiến của mình và báo cáo Cục trưởng quyết định.
7. Phòng Pháp chế gửi một bộ hồ
sơ cho Văn phòng để trình Cục trưởng. Hồ sơ bao gồm: dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật, tờ trình dự thảo, ý kiến thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và bản
tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị do đơn vị soạn thảo tổng hợp. Văn
phòng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, và thủ tục
hành chính của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong thời hạn hai (2) ngày
kể từ ngày nhận được hồ sơ từ Phòng pháp chế,Văn phòng phải có trách nhiệm thực
hiện:
a) Trình Cục trưởng ký ban hành;
hoặc
b) Gửi trả lại đơn vị soạn thảo,
nếu hồ sơ không đầy đủ và thủ tục không đúng quy định.
8. Trên cơ sở các tài liệu nêu tại
điểm 7 trên, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét:
a) Ký ban hành;
b) Yêu cầu đơn vị soạn thảo để
làm rõ một số nội dung hoặc chỉnh lý lại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
B. SOẠN THẢO
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC CHÍNH PHỦ PHÂN CÔNG
1. Đối với các văn bản quy phạm
pháp luật liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thuộc thẩm quyền ban hành
của các cơ quan Nhà nước cấp trên (Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định, Chỉ
thị) được Chính phủ uỷ phân công soạn thảo, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng
Việt Nam ra quyết định thành lập Ban soạn thảo (Tiểu ban) hoặc giao cho đơn vị
trực thuộc soạn thảo. Quá trình soạn thảo được thực hiện theo các quy định từ
điểm 2 đến điểm 7, Mục A nêu trên.
2. Trên cơ sở dự thảo văn bản
quy phạm pháp luật, tờ trình và thẩm định của Phòng pháp chế, Cục trưởng Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng
thời gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và các Bộ,
ngành có liên quan khác.
3. Trong trường hợp có công văn
đề nghị chỉnh lý lại dự thảo, đơn vị soạn thảo phối hợp với Phòng pháp chế xem
xét chỉnh lý lại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phải báo cáo Cục trưởng
về các nội dung chỉnh lý.
IV- GHI SỐ,
KÝ HIỆU CỦA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Quyết định, Chỉ thị, Thông tư do
Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành được ghi sổ và ký hiệu như
sau:
Quyết định: Số . . . /năm ban
hành/ QĐ-CHK
Chỉ thị: Số . . . /năm ban hành/
CT-CHK
Thông tư: Số . . . /năm ban
hành/ TT-CHK
Thông tư liên tịch: Số . . .
/năm ban hành/ TTNT-CHK cơ quan phối hợp.
Văn bản quy phạm pháp luật phải
được ghi số thứ tự theo năm ban hành và ký hiệu riêng cho từng loại văn bản.
Đối với Thông tư liên tịch, mà Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam là cơ quan phối hợp, thì việc soạn thảo, ghi số,
ký hiệu tuân theo quy định của pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản.
V. RÀ SOÁT VÀ
HỆ THỐNG HOÁ VĂN BẢN
1. Rà soát và hệ thống hoá văn bản
quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hàng không dân dụng nhằm phát hiện những quy
định trái với quy định của Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật có
giá trị pháp lý cao hơn hoặc mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản quy phạm
pháp luật hiện hành khác hoặc ban hành sai thẩm quyền để kiến nghị với Cục trưởng
Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xem xét và quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ
bỏ hoặc để Cục trưởng kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định
của pháp luật.
2. Phòng Pháp chế - Cục Hàng
không dân dụng Việt Nam chịu trách nhiệm thường xuyên cập nhật, kiểm tra, rà
soát và định kỳ hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật do Cục trưởng ban
hành và các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Nhà nước khác ban hành có
liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng theo các quy định của pháp luật.
Văn phòng Cục Hàng không dân dụng
Việt Nam có trách nhiệm chuyển cho Phòng Pháp chế những văn bản quy phạm pháp
luật do Cục trưởng và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành và các văn bản
do các cơ quan khác ban hành có liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.
3. Trong quá trình cập nhật, kiểm
tra, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát hiện có quy định
trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với tình hình hoạt động
của ngành hàng không dân dụng, Phòng pháp chế - Cục Hàng không dân dụng Việt
Nam có trách nhiệm báo cáo và đề xuất với Cục trưởng việc xử lý văn bản đó.
4. Các cơ quan, đơn vị thuộc Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam trong quá trình hoạt động nếu phát hiện các quy định
hoặc văn bản quy phạm pháp luật nào trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc
không còn phù hợp với hoạt động của mình cần thông báo cho Phòng pháp chế bằng
văn bản kèm theo kiến nghị xử lý để Phòng pháp chế xem xét và báo cáo Cục trưởng.
5. Trên cơ sở báo cáo của Phòng
pháp chế và tính hợp lý của các kiến nghị, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng
Việt Nam ra quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc
thi hành một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban
hành của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền sửa đổi, bổ sung thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành một phần hoặc
toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật đó.
VI- TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau
mười lăm (15) ngày kể từ ngày ký ban hành.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Cục
Hàng không dân dụng Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.