Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3628/BC-BNV Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Nội vụ Người ký: Trần Văn Tuấn
Ngày ban hành: 17/12/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 3628/BC-BNV

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2007

BÁO CÁO

VỀ VIỆC TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 88/2003/NĐ-CP , NGÀY 30/7/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI VÀ PHƯƠNG HƯỚNG BỔ SUNG, SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH

Với đường lối của Đảng xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa làm tiền đề cho các tổ chức hội của Việt Nam ngày càng phát triển và hoạt động có hiệu quả.

Thực hiện Chỉ thị 42/CT ngày 06/10/1998 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội để thay thế Nghị định số 258/TTg ngày 20/6/1957 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật số 102SL/004 ngày 20/5/1957 về quyền lập hội.

Nghị định đã được triển khai gần 5 năm, Nghị định đã có tác động sâu sắc đến tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội thời gian qua.

Thực hiện công văn số 5642/VPCP-KG ngày 15/10/2004 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sau đây gọi chung là Nghị định số 88/2003/NĐ-CP) và thông báo số 104/TB-VPTW ngày 09/7/2007 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết luận của đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư tại buổi làm việc với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tổng kết Nghị định 88/2003/NĐ-CP .

Mục tiêu tổng kết nhằm: đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị định, những mặt được cũng như hạn chế của Nghị định 88/2003/NĐ-CP để kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số điều nhằm tạo điều kiện cho hội phát triển bền vững đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước đáp ứng với cải cách hành chính và yêu cầu lập hội của công dân, tổ chức Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam tạo sức mạnh cộng đồng đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước. Đến nay, Bộ Nội vụ đã phối hợp cùng Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tiến hành xong việc điều tra xã hội học về tổ chức, hoạt động và quản lý hội phục vụ cho việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 88/2003/NĐ-CP (có báo cáo phân tích số liệu khảo sát kèm theo), Bộ Nội vụ xin được báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. KẾT QUẢ CỦA VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 88/2003/NĐ-CP

1. Công tác tổ chức triển khai quán triệt Nghị định

- Để sớm đưa Nghị định vào thực hiện, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2004/TT-BNV ngày 15/01/2004 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 88/2003/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

- Sau khi có Thông tư hướng dẫn, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương cũng như các hội tổ chức tập huấn về nội dung Nghị định.

- Bộ Nội Vụ tiến hành khảo sát, đánh giá về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong thời kỳ đổi mới. Đây là dịp tốt để phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị định ở các cấp chính quyền và các hội trong cả nước.

- Các bộ ngành hướng dẫn về tổ chức, hoạt động đối với các hội hoạt động trong lĩnh vực do bộ ngành quản lý.

Có thể nói rằng trong gần 5 năm, việc triển khai Nghị định đã tiến hành khá đồng bộ cả TW, địa phương và các hội. Qua việc triển khai thực hiện Nghị định đã nâng cao được nhận thức trong cán bộ, nhân dân, hội, các hội viên về pháp luật về hội cũng như vai trò của hội trong giai đoạn mới của đất nước.

2. Về công tác tổ chức hội:

a) Về thành lập hội:

Số lượng hội thành lập tăng nhanh cả trung ương và địa phương. Theo số liệu thống kê đến tháng 7 năm 2003 chỉ có 253 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, đến nay có 364 hội, tăng 111 hội, tức hơn 30% so với số hội được thành lập từ năm 1946 tới nay. Các hội có phạm vi hoạt động toàn quốc được thành lập thời gian qua chủ yếu là các hội nghề nghiệp (khoa học kỹ thuật) theo chuyên ngành sâu, hiệp hội của các tổ chức kinh tế chiếm 87% số hội được thành lập trong thời gian qua. Ở địa phương số hội được thành lập tăng một cách đáng kể, cho đến nay theo thống kê UBND cấp tỉnh cho phép thành lập 6641 hội, trong đó 2625 hội có phạm vi hoạt động tại các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), có 1032 hội có phạm vi hoạt động cấp huyện, 2784 hội có phạm vi hoạt động cấp xã. Các hội được thành lập ở địa phương trong thời gian gần 5 năm qua chủ yếu là các hội có phạm vi hoạt động ở cấp huyện và xã. Các hội ở địa phương, qua thống kê cũng cho thấy nơi nào khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, kinh tế phát triển thì nơi đó phát triển nhanh và nhu cầu lập hội lớn: Thành phố Hồ Chí Minh có 553 hội bao gồm 114 hội có phạm vi hoạt động toàn thành phố, 88 hội có phạm vi hoạt động tại quận, huyện, 314 hội có phạm vi hoạt động tại phường. Thành phố Hà Nội có 819 hội trong đó có 110 hội có phạm vi hoạt động ở thành phố, 67 hội hoạt động ở cấp quận, huyện và 714 hội có phạm vi hoạt động ở cấp xã, phường.

Số lượng hội thành lập ngày càng nhiều, đáp ứng yêu cầu lập hội của nhân dân và xu thế hội nhập. Điều này phản ánh đúng với tình hình phát triển của đất nước. Chính vì vậy, khi được hỏi ý kiến đánh giá về việc thành lập hội từ năm 2003 đến nay cho thấy: 79% cán bộ được hỏi ý kiến cho rằng gần 5 năm qua số hội đã tăng lên một cách rõ rệt, gần 80% cho rằng việc tăng số hội thời gian qua do tác động của 2 yếu tố chính đó là: sự ra đời của Nghị định 88 và do xu thế thời đại.

Khi được hỏi ý kiến dự báo xu thế hội trong thời gian tới có tới gần 54% số người được hỏi ý kiến đều cho rằng số hội sẽ tăng mạnh.

- Về xây dựng cơ cấu tổ chức hội

Các hội sau khi được tập huấn, đã nhận thức rõ nội dung của Nghị định cũng như về vị trí, vai trò của hội trong quá trình phát triển đất nước, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội. Các hội cả trung ương và địa phương đều tiến hành củng cố lại tổ chức, kiện toàn ban lãnh đạo hội: ban chấp hành, ban thường vụ, các ban chuyên môn, các tổ chức dịch vụ thuộc hội. Đặc biệt các Liên hiệp hội có sự chuyển biến rất mạnh trong công tác củng cố tổ chức hội, làm cho Liên hiệp hội mạnh lên trở thành đầu mối phối hợp và điều hòa các hoạt động của các hội thành viên. Theo báo cáo, phần lớn các hội đều xây dựng quy chế làm việc ban chấp hành, ban thường vụ (75% số hội), một số hội đã xây dựng quy chế ứng xử đạo đức nghề nghiệp của hội viên, ban hành quy chế quản lý các đơn vị thuộc hội.

b) Về biên chế và kinh phí hoạt động

Đến nay theo thống kê còn 23/364 hội ở trung ương được Nhà nước cấp biên chế và kinh phí. Số biên chế đang giảm, nếu năm 2003 các hội TW có hơn 400 biên chế, nay còn 320 biên chế, kinh phí hoạt động được Nhà nước hỗ trợ ngày một tăng theo chiều hướng cấp theo dự án, chương trình, đề tài để hỗ trợ các hoạt động hội gắn với nhiệm vụ của Nhà nước.

Ở địa phương, còn duy trì 635 hội được cấp kinh phí hoạt động và biên chế khoảng 3172 người. Song số biên chế giảm, nhiều tỉnh chuyển từ việc giao biên chế sang chế độ khoán hoặc giao chỉ tiêu chuyên trách để các hội tự thuê hợp đồng làm việc.

Hiện nay nhiều hội đã tự trang trải nguồn kinh phí để hoạt động thông qua sự đóng hội phí của hội viên, kinh phí từ cung ứng dịch vụ và kinh phí từ sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức khác. Một số hội nhận được tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Một số hội đã có đủ khả năng tham gia cùng Nhà nước giải quyết công ăn việc làm cho người lao động: Hiệp hội xuất khẩu thủy sản hiện có 30 chuyên trách, 190 các đơn vị dịch vụ trực thuộc Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật đã tiếp nhận giải quyết hàng ngàn lao động có công ăn việc làm ổn định chủ yếu là các sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học, các nhà khoa học.

c) Về trụ sở hội

Theo quy định của Nghị định, các hội đều phải có trụ sở, do đó hiện nay hầu hết các hội đều có trụ sở giao dịch, theo thống kê có 30% hội có trụ sở do nhà nước hỗ trợ, 10% thuê, 3% là tự có, còn lại là mượn của hội viên.

3. Về hoạt động hội

Hiện nay hội của Việt Nam đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bước đầu hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy 62% cán bộ quản lý hội khi được hỏi đều đánh giá hội hoạt động có hiệu quả, có thể thấy trong thời gian qua hoạt động của hội tập trung vào hoạt động sau:

a) Tham gia tích cực chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, từ thiện nhân đạo, các hội đã tập trung vào các hoạt động sau:

- Thành lập hoặc bảo trợ cho sự ra đời và hoạt động của nhiều trường dân lập ở các cấp học từ đại học, trung học, tiểu học, mẫu giáo.

- Lập các cơ sở đào tạo nâng cao trình độ cho hội viên và xã hội tạo nên phong trào học tập tin học, ngoại ngữ hoặc thành lập trung tâm giáo dục cộng đồng ở các xã, xây dựng phong trào “xã hội học tập”.

- Mở các hội thi Olympic quốc gia, quốc tế nhằm đào tạo, phát hiện nhân tài cho đất nước.

- Thông qua báo, tạp chí của hội tuyên truyền nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên của hội và xã hội. Cho đến nay hầu hết các hội ở trung ương đều có tạp chí, một số hội đã được xuất bản tờ báo có uy tín như: Thời báo kinh tế, báo dân trí, báo nhân đạo có tác dụng có tác dụng tuyên truyền giáo dục hội viên và xã hội.

b) Tổ chức tốt các dịch vụ cho hội viên và cho xã hội

Để thực hiện công tác này nhiều hội đã lập ra các tổ chức: khoa học công nghệ, bảo trợ xã hội, quỹ, trợ giúp pháp lý. Để triển khai việc cung ứng dịch vụ cho hội viên và cho xã hội. Theo thống kê hiện có khoảng hơn 600 tổ chức khoa học công nghệ (trong đó Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam thành lập 190 tổ chức) hàng trăm quỹ, các cơ sở bảo trợ xã hội, hàng ngàn trung tâm giáo dục cộng đồng…

- Thực hiện đường lối của Đảng xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, các hội đã tham gia tích cực cùng Nhà nước khắc phục các khiếm khuyết do phát triển kinh tế thị trường gây ra. Hội và các tổ chức của hội tham gia tích cực các hoạt động:

+ Tham gia xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, các hội lập ra nhiều tổ chức dịch vụ, triển khai các công nghệ mới vào sản xuất, tham gia cùng Nhà nước trong chương trình xóa đói giảm nghèo, phòng chống bệnh tật và tệ nạn xã hội, chống kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS.

+ Chăm sóc sức khỏe nhân dân, mở các phòng khám bệnh phục vụ nhân dân. Đặc biệt Hội Đông y trong những năm qua đã khám chữa bệnh cho 1/3 số bệnh nhân cả nước đến khám và chữa bệnh.

Công tác bảo vệ hội viên đã được các hội chú ý hơn, các hội đã xác định đây là trách nhiệm của hội, nhiều hội lên tiếng bảo vệ hội viên mình trước pháp luật. Nhiều hội đã lập ban hội viên để theo dõi, giúp đỡ hội viên. Đặc biệt các hiệp hội của các tổ chức kinh tế trong những năm qua đã làm tốt công tác bảo vệ hội viên của mình trong tranh chấp thương mại quốc tế. Các hiệp hội một mặt thay mặt hội viên bảo vệ quyền lợi hội viên trước các vụ kiện như cá, tôm, xe đạp, may mặc… Mặt khác, Hiệp hội làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tư vấn cho thành viên của mình sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp pháp luật quốc tế và tiêu chuẩn kỹ thuật để vượt qua hàng rào kỹ thuật do các nước đặt ra. Nhiều hội đã thành lập ban pháp luật hay trung tâm pháp lý giúp các hội viên của mình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

c) Tham gia rất tích cực trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền

- Tích cực tham gia vào công việc cải cách hành chính của Chính phủ thông qua việc tích cực đóng góp cho việc xây dựng các văn bản pháp quy mở đường cho kinh tế phát triển, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ra đời và phát triển. Một số hội đã được Nhà nước tin tưởng và giao cho nghiên cứu, đề xuất và trình các dự án luật như: Hội Luật gia được giao xây dựng Luật về chưng cầu dân ý, Hội người cao tuổi với Luật người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ với Luật chữ thập đỏ.

- Tích cực tham gia trong việc xây dựng cơ chế chính sách.

- Công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội đã được các hội chủ động tham gia góp ý với cơ quan nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển, các công trình lớn cấp quốc gia, những ý kiến của hội được cơ quan nhà nước tiếp thu chỉnh sửa văn bản cho phù hợp.

- Chủ động đề xuất nhiều sáng kiến và tham gia cùng cơ quan nhà nước phòng chống tham nhũng như Tổng hội Xây dựng hàng năm công bố các công trình xây dựng không đạt yêu cầu.

- Chủ động đề xuất hoặc tham gia cùng Nhà nước xây dựng các phong trào lớn: rèn luyện sức khỏe, thể thao, xây dựng xã hội học tập, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

d) Hoạt động từ thiện nhân đạo

- Đây là hoạt động khá nổi bật của các hội trong thời gian qua, đặc biệt các hội chuyên làm từ thiện nhân đạo như: Hội Chữ thập đỏ, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi… Nhiều phong trào của các hội trở thành phong trào của quốc gia như: người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện. Các hội tích cực giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, người bất hạnh…

- Tổ chức được nhiều cuộc quyên góp với kinh phí khá lớn để ủng hộ người nghèo. Đặc biệt như Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trong nhiều năm qua đã quyên góp hàng trăm tỷ đồng để giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.

- Việc cứu trợ thiên tai được các hội tham gia tích cực.

- Nhiều hội đã tổ chức các phòng khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân.

đ) Hoạt động đối ngoại

- Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, các hội Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh đường lối đối ngoại của Đảng:

+ Theo báo cáo hiện có 193 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, có quan hệ với các tổ chức quốc tế chiếm tỷ lệ hơn 60% và 64 hội có dự án với tổ chức phi chính phủ nước ngoài chiếm 24%. Các hội địa phương có dự án với tổ chức phi chính phủ nước ngoài ít hơn chiếm 16%.

+ Hoạt động hợp tác hữu nghị đã được tiến hành đúng pháp luật, đúng quy định nhà nước, đã làm bạn bè hiểu và ủng hộ ta hơn.

4. Về công tác quản lý nhà nước về hội

Cùng với việc phổ biến, tăng cường nhận thức cho cán bộ quản lý nhà nước cũng như các hội về Nghị định 88/2003/NĐ-CP , các cơ quan quản lý nhà nước đã tập trung công tác quản lý hội:

a) Tập trung kiểm tra, uốn nắn đưa hoạt động hội theo đúng pháp luật:

Công tác này được Bộ Nội vụ, UBND cấp tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) thực hiện thường xuyên liên tục:

- Rà soát lại các hội được thành lập trước đây chưa đúng quy định nhà nước hướng dẫn các hội làm thủ tục thành lập lại.

- Kiên quyết lập lại trật tự về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

+ Các hội được thành lập đúng pháp luật, hầu hết các hội đều có điều lệ riêng và được cấp chính quyền phê duyệt.

+ Các hội quá thời gian đại hội đều được nhắc nhở phải tổ chức đại hội để củng cố hội.

+ Công tác thanh tra kiểm tra tiến hành thường xuyên có tác dụng nhắc nhở hội hoạt động đúng quy định. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã đưa các hoạt động hội vào nề nếp đúng hướng theo quy định pháp luật. Hàng năm các hội đều thực hiện báo cáo về tổ chức, hoạt động của hội, qua đó các cơ quan nhà nước có thông tin về hoạt động của hội.

+ Hàng năm đều tiến hành sơ kết tổ chức, hoạt động và quản lý hội trên địa bàn.

b) Các bộ, ngành đã tích cực hỗ trợ hội:

- Hầu hết Bộ, ngành đã cung cấp thông tin cho hội về chiến lược phát triển ngành tạo điều kiện để hội tham gia.

- Một số bộ, ngành mạnh dạn giao đề tài nghiên cứu khoa học cho hội như Bộ Khoa học công nghệ hàng năm giao cho Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật nhiều đề tài, tổng giá trị trên 20 tỷ đồng/năm.

- Tạo điều kiện cho hội tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các chương trình, đề tài, pháp luật, chính sách ngành. Một số bộ đã mời đại diện hội tham gia các ban soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định… Một số bộ ngành đã mạnh dạn giao hội cấp chứng chỉ hành nghề như Bộ Tài chính giao cho Hội Kiểm toán hành nghề hay Bộ Giao thông vận tải giao cho Hiệp hội chủ tàu cấp chứng chỉ chứng nhận nghiệp vụ đối với người đi biển.

- Tiến hành thanh tra, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ đối với hội hoạt động trong lĩnh vực do bộ quản lý và phân công bộ phận tham mưu giúp bộ quản lý nhà nước đối với hội.

- Một số bộ ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn hoặc thông tư liên tịch hoặc văn bản thỏa thuận về mối quan hệ giữa bộ và hội, theo thống kê hiện có 20 bộ ngành đã có các hình thức văn bản quy định về mối quan hệ giữa Bộ với các hội hoạt động lĩnh vực bộ ngành quản lý.

- Nhiều bộ ngành tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở vật chất, cán bộ cho hội hoạt động, đặc biệt là các sở ngành địa phương đã tạo điều kiện cho các hội hoạt động trong lĩnh vực do sở quản lý về trụ sở, cán bộ…

c) Chính phủ:

Đã ban hành nhiều văn bản pháp quy tạo điều kiện cho hội hoạt động như: Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg ngày 29/01/2003 về ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước và Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 về ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài, đặc biệt gần đây Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/05/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích, phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập và các văn bản hướng dẫn. Đây là văn bản rất quan trọng tạo điều kiện cho các hội hoạt động có hiệu quả, thông qua hệ thống chính sách: thuế, đất, kinh phí thực hiện các đề án nhà nước.

Trong quá trình theo dõi thấy một số kết quả cũng như hạn chế trong tổ chức, hoạt động và quản lý hội do tác động của Nghị định 88 như sau:

Một là, về mặt được, Nghị định 88/2003/NĐ-CP ra đời đã có tác động sâu sắc đến sự hình thành và phát triển của hội trong gần 5 năm qua, đó là: số hội tăng nhanh chủ yếu là các hội nghề nghiệp và hiệp hội của các tổ chức kinh tế nhằm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Các hội đã được củng cố về tổ chức và hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Các hội cũng đã quan tâm hơn công việc củng cố tổ chức hội: xây dựng quy chế tổ chức hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, quản lý đơn vị trực thuộc; Một số hội đã xây dựng quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp của hội. Các hội đã chủ động tìm kiếm nguồn kinh phí để hoạt động, tiến tới tự chủ mạnh hơn. Hội chủ động triển khai chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, từ thiện nhân đạo, đã chủ động hơn trong cung ứng dịch vụ cho hội viên và cho xã hội góp phần cùng Nhà nước khắc phục những khiếm khuyết của việc phát triển nền kinh tế thị trường như xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, từ thiện nhân đạo, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc… Các hội quan tâm nhiều hơn phục vụ cơ sở, phát triển cộng đồng và quan tâm đến hoạt động bảo vệ hội viên. Trong công tác từ thiện nhân đạo, hợp tác quốc tế đã có nhiều tiến bộ đạt kết quả cao.

Công tác quản lý nhà nước đối với hội được cơ quan quản lý nhà nước chú ý kiên quyết lập lại trật tự, các hội thành lập đúng quy định nhà nước, điều lệ phải được phê duyệt, các hội hàng năm phải báo cáo về tổ chức hoạt động. Nhiều bộ ngành quan tâm tạo điều kiện cho hội ra đời và hoạt động đúng hướng, giao cho hội làm công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, một số bộ chuyển giao cho hội đảm nhận các dịch vụ công. Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành một số cơ chế, chính sách tạo sự đồng bộ trong việc triển khai Nghị định.

Hai là, tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực trong tổ chức, hoạt động và quản lý hội bộc lộ hạn chế:

- Trong năm qua, nhiều hội mới được thành lập, song hoạt động của hội chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân, nhiều hội còn ỷ lại Nhà nước, đề nghị Nhà nước hỗ trợ, chưa chủ động thực hiện phương hướng cũng như các chương trình hoạt động của hội đề ra.

- Hoạt động của hội còn thiếu tính bền vững. Một số hội có biểu hiện lợi dụng hoạt động hội kiếm lời. Một số hội chưa tìm được nội dung và phương thức hoạt động phù hợp do đó hoạt động không có hiệu quả.

- Công tác quản lý nhà nước về hội có lúc, có nơi còn lơi lỏng, chưa thực sự tạo điều kiện cho hội ra đời và định hướng hoạt động đúng pháp luật, hoặc can thiệp quá sâu về tổ chức hội, chưa tôn trọng tính tự chủ, tự quản của hội.

- Công tác phân công quản lý hội chưa cụ thể giữa các cơ quan dẫn đến chồng chéo, đùn đẩy nhau, khiến cho việc quản lý hội thiếu thống nhất, chặt chẽ.

- Nghị định 88/2003/NĐ-CP có tác động thiết thực, tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển hội, tuy nhiên trong quá trình thực hiện do tình hình phát triển nhanh đặc biệt khi chúng ta trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới thì một số quy định không còn phù hợp. Do đó, cần bổ sung và sửa đổi sớm.

II. ĐÁNH GIÁ VỀ NỘI DUNG NGHỊ ĐỊNH 88/2003/NĐ-CP

Từ khi đưa Nghị định 88/2003/NĐ-CP vào thực hiện, chúng ta đã đạt được một số kết quả trên cả 3 mặt về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Có thể nói rằng Nghị định 88/2003/NĐ-CP đã có tác động sâu sắc tới quá trình hình thành, phát triển hội ở Việt Nam.

Để thấy rõ kết quả của việc thực hiện Nghị định 88/2003/NĐ-CP và những vấn đề quy định trong Nghị định như thủ tục, điều kiện thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của hội, phân công quản lý hội, quản lý nhà nước hội đặc biệt là quản lý bộ ngành đối với hội có phù hợp không; Bộ Nội vụ đã hướng dẫn UBND các tỉnh tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị định và phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức điều tra xã hội học về các vấn đề quy định của Nghị định 88/2003/NĐ-CP. Qua việc khảo sát, tổng kết và điều tra xã hội học, cho thấy những nguyên nhân đạt kết quả và hạn chế khi thực hiện Nghị định như sau:

1. Nghị định 88/2003/NĐ-CP về cơ bản đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước, bảo đảm quyền lập hội của công dân theo Hiến pháp quy định và đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như chủ trương cải cách hành chính là Nhà nước dần chuyển giao dịch vụ công cho hội và tổ chức phi chính phủ;

2. Việc triển khai sâu rộng Nghị định 88/2003/NĐ-CP đã thể hiện sự quan tâm của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã triển khai tập huấn Nghị định khá sâu rộng từ trung ương đến địa phương; Khảo sát đánh giá về tổ chức, hoạt động hội, qua đó đã nâng cao nhận thức của cán bộ Đảng, Nhà nước, cán bộ hội, hội viên về vai trò của hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó công tác củng cố xây dựng hội, quản lý hội đã được chú ý làm cho hội hoạt động đúng hướng và có hiệu quả, các hội đã chủ động tham gia cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc góp phần xây dựng đất nước. Hoạt động của hội góp phần ổn định xã hội và được đánh giá cao;

3. Cùng với việc triển khai Nghị định 88/2003/NĐ-CP , Nhà nước đã ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho hội hoạt động có hiệu quả, làm cho hoạt động của hội gắn với cộng đồng, tăng cường cung ứng dịch vụ cho xã hội và hội viên đã làm cho hội và hội viên có sự gắn kết hơn;

4. Các quy định trong Nghị định 88/2003/NĐ-CP nhìn chung là phù hợp với điều kiện thực tế, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Điều này đã được phản ánh trong điều tra xã hội học và tổng kết của các UBND tỉnh (xem phụ lục);

Qua quá trình khảo sát và điều tra xã hội học cho thấy: hầu hết các quy định của Nghị định 88/2003/NĐ-CP đều nhận được sự đồng tình nhất trí cao của người được hỏi ý kiến. Trong số rất nhiều vấn đề được đưa ra trong phiếu khảo sát, các cán bộ hội và cán bộ quản lý đánh giá cao: “quy định về sáp nhập, hợp nhất và giải thể hội”. Các cán bộ hội đều thể hiện rõ sự ủng hộ rất lớn cho rằng: “điều kiện thành lập hội, quy định về tổ chức hoạt động hội; quy định về quyền và nghĩa vụ” là đầy đủ và hợp lý. Nhóm vấn đề dành được sự đồng tình lớn tiếp theo là: “quy định về quản lý nhà nước đối với hội.” Quy định dành được sự quan tâm thấp hơn là “quy định quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ đối với hội là rõ ràng và hợp lý” là mức độ vừa phải (có phụ lục kèm theo);

5. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập ý kiến, khảo sát, tổng kết của các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Nội vụ thấy có một số vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách hành chính hiện nay, nhất là khi chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới - WTO, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm tạo điều kện cho hội củng cố tổ chức và nâng cao hơn hiệu quả hoạt động của hội, đó là:

Một, thủ tục thành lập hội.

- Về thủ tục thành lập ban vận động cần quy định cho phù hợp xu thế CCHC là một cửa, đơn giản hóa thủ tục để các hội khi muốn thành lập không phải liên hệ với nhiều cơ quan. Mặt khác, cần tăng cường trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền cho vấn đề cho phép lập hội. Để ban vận động hoạt động đúng hướng, có hiệu quả, vai trò của trưởng ban vận động hội là quan trọng, do đó cần quy định về tiêu chuẩn của người đứng đầu ban vận động.

- Về hồ sơ thành lập hội cần quy định cụ thể hơn nhất là giải trình về việc xác nhận trụ sở, tài sản hội sao cho rõ ràng, tránh việc hiểu nhầm và áp dụng không đúng.

Hai, hiện nay theo báo cáo địa phương thì các hội cấp xã, huyện được phát triển nhanh trong thời gian gần đây. Xu thế phát triển các hội cấp huyện, xã sẽ ngày càng phát triển vì hoạt động của hội chủ yếu là hướng tới cơ sở, cộng đồng, do đó cần nghiên cứu phân cấp cho hợp lý đảm bảo:

- Hội có điều kiện tiếp cận cơ quan chính quyền;

- Chính quyền địa phương quản lý sát hơn;

- Phù hợp với chủ trương phân cấp của nhà nước.

Chính vì vậy, khi được hỏi ý kiến có nên phân cấp cho cấp huyện quản lý hội, thì có tới 81,7% cán bộ quản lý ở cấp tỉnh đều đề nghị nên cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện cho phép thành lập hội; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể và phê duyệt điều lệ hội có phạm vi hoạt động trong xã.

Ba, với chính sách xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, thể dục thể thao, từ thiện nhân đạo, các hội ngày càng chủ động tham gia vào giúp Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội như xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc bảo vệ trẻ em, sức khỏe cộng đồng, giáo dục công dân, khôi phục văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt thực hiện chủ trương của Nghị quyết của Đảng X: “Hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu và lợi ích của nhân dân. Những tổ chức này được Nhà nước ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng”. Nhiều hội đã tham gia cung ứng dịch vụ công, do đó cần nghiên cứu bổ sung thêm quyền của hội làm thế nào để hội chủ động phát huy vai trò tích cực của mình tham gia giải quyết các vấn đề xã hội.

Bốn, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của các bộ ngành, các hội đã có điều kiện hoạt động có hiệu quả. Song cần nghiên cứu quy định cho rõ trách nhiệm của bộ ngành, tránh tình trạng hội hiểu lầm bộ là cơ quan chủ quản của hội, do đó ỷ lại, hoặc đòi hỏi bộ ngành về kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, đồng thời tránh quan niệm của một số bộ ngành coi hội như là cơ quan cấp dưới, do đó can thiệp sâu vào tổ chức cán bộ và hoạt động của hội.

Năm, năm 2006 Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, nhiều quy định về quan hệ quốc tế của hội thay đổi. Đặc biệt khi thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế như cổ phần hóa, bán khoán, cho thuê, phát hành chứng khoán. Nhiều tổ chức kinh tế của Việt Nam hiện đang mang yếu tố nước ngoài. Do đó, cần nghiên cứu việc kết nạp hội viên có yếu tố nước ngoài vào hiệp hội của các tổ chức kinh tế của Việt Nam (có 72% cán bộ quản lý đồng ý với đề nghị này) sao cho phù hợp với thực tế, đồng thời phải đảm bảo cho hiệp hội phải là của Việt Nam và phải bảo vệ quyền lợi của Việt Nam.

III. KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 88/2003/NĐ-CP

Nghị định 88 ra đời và được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương đã đạt được một số kết quả trong tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mới của quá trình phát triển đất nước, khi chúng ta đang tiến hành CCHC và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì một số điều quy định tại Nghị định 88/2003/NĐ-CP chưa phù hợp. Chính vì vậy, trong Thông báo số 104 của đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư khi làm việc với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã yêu cầu sớm tổng kết Nghị định 88/2003/NĐ-CP và Thủ tướng Chính phủ có công văn số 5642/VPCP-KG thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2004 giao Bộ Nội vụ sớm nghiên cứu sửa đổi một số điều của Nghị định 88/2003/NĐ-CP .

Thực hiện ý kiến của Đảng và Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tiến hành điều tra xã hội học về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị định 88/2003/NĐ-CP. Qua điều tra xã hội học khi được hỏi nên sửa đổi Nghị định 88/2003/NĐ-CP như thế nào, thì 87% ý kiến được hỏi đề nghị sửa một số điều nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội ra đời, phát triển song phải tăng cường công tác quản lý nhà nước.

1. Yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2003/NĐ-CP

a) Phải bảo đảm quyền lập hội của công dân và thực hiện đơn giản hóa thủ tục thành lập hội theo tinh thần cải cách hành chính.

b) Việc sửa đổi đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện để hội hoạt động đúng hướng, có hiệu quả.

c) Công tác quản lý phải chặt chẽ, có sự phân công phù hợp giữa các cơ quan nhà nước.

2. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2003/NĐ-CP

Việc sửa đổi, bổ sung cần tập trung sửa đổi một số điều thật sự cần thiết nhằm tạo điều kiện cho hội ra đời và phát triển, hoạt động có hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về hội nhằm đáp ứng yêu cầu lập hội của công dân, tổ chức Việt Nam phù hợp với chương trình cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế tạo nên sức mạnh cộng đồng góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.

3. Một số nội dung chính sửa đổi, bổ sung:

a) Bổ sung, sửa đổi về thủ tục thành lập hội

- Bổ sung 1 khoản vào Điều 7 quy định tiêu chuẩn người đứng đầu Ban vận động thành lập hội. Trong thực tế vai trò của người đứng đầu ban vận động thành lập hội rất lớn, đa số người đứng đầu ban vận động thành lập hội sau này được đại hội bầu giữ vai trò người đứng đầu hội. Để ban vận động hoạt động đúng hướng, có hiệu quả và phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay, do đó, cần bổ sung một khoản vào Điều 7 để quy định tiêu chuẩn của người đứng đầu ban vận động như sau:

“Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, có lý lịch rõ ràng, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có hiểu biết, uy tín trong lĩnh vực hội hoạt động, trừ những người đang bị truy cứu trách nhiệm dân sự hoặc bị tòa án tước một số quyền công dân có liên quan”. Đây cũng là tiêu chuẩn của người đứng đầu hội, do đó, bổ sung vào khoản 2 Điều 13 Nghị định 88/2003/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn người đứng đầu hội.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ xin phép thành lập hội:

Khoản 6 Điều 8 Nghị định 88/2003/NĐ-CP về hồ sơ xin phép thành lập hội quy định: “Các văn bản xác nhận trụ sở và tài sản hội”. Tuy nhiên, đây là quá trình đang xin phép thành lập, do đó để đơn giản hóa thủ tục nên quy định rõ hơn điều này để tránh hiểu lầm, vì vậy sửa đổi như sau: “Các văn bản xác nhận trụ sở và bản kê khai tài sản mà các sáng lập viên tự nguyện đóng góp”.

b) Về thẩm quyền cơ quan cho phép thành lập hội; chia; tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể và phê duyệt điều lệ hội

Tổng kết việc thực hiện Nghị định 88/2003/NĐ-CP vừa qua cho thấy ở nơi nào kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, văn hóa phát triển thì nhu cầu lập hội tăng đặc biệt và các hội có phạm vi hoạt động ở xã, phường. Do đó, để tạo điều kiện cho việc quản lý hội tốt hơn, chính quyền cấp huyện có điều kiện tiếp cận quản lý hội, đề nghị Chính phủ cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh ở một số tỉnh có nhu cầu lập hội lớn, UBND cấp huyện có năng lực quản lý có thể ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện đảm nhận thẩm quyền này. Do đó, bổ sung khoản 2 Điều 15 dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 88/2003/NĐ-CP theo hướng: “Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể và phê duyệt điều lệ hội có phạm vi hoạt động trong xã”.

c) Sửa đổi một số điểm về quyền của hội

- Sửa đổi, bổ sung Điều 22 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hội được tham gia cung ứng dịch vụ công và cấp chứng chỉ hành nghề khi hội có đủ tiêu chí do nhà nước ban hành:

+ Bổ sung vào khoản 7 Điều 22: Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của hội. Hội được tham gia cung ứng dịch vụ công và cấp chứng chỉ hành nghề khi có đủ tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

+ Sửa khoản 11 cho phù hợp vì hiện nay Nhà nước ban hành pháp lệnh về ký kết, thỏa thuận quốc tế của các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội nghề nghiệp, xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở Việt Nam như sau:

“Hội được gia nhập làm hội viên của các tổ chức quốc tế tương ứng, được tham gia ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế với các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật”.

4. Phương hướng hoàn thiện

a) Tăng cường công tác phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, cán bộ hội, hội viên về vai trò, vị trí của hội trong phát triển đất nước, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Hướng dẫn các hội hoạt động hiệu quả và hướng về cơ sở. Các hội cần chủ động tham gia cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra. Nhà nước cần có chương trình nâng cao nhận thức về vai trò của hội, tổ chức phi chính phủ trong giai đoạn mới.

b) Nhà nước tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho hội tham gia một cách tích cực vào giải quyết các vấn đề xã hội như:

- Tạo điều kiện tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

- Mạnh dạn từng bước chuyển giao một số công việc cho hội như cấp chứng chỉ hành nghề, tham gia vào cung ứng dịch vụ công và tư vấn, phản biện, giám định xã hội.

- Tạo cơ chế bình đẳng cho các hội với các thành phần kinh tế khác có thể tham gia trong việc đấu thầu cung ứng dịch vụ công, nghiên cứu khoa học…

- Cần nghiên cứu sớm các chính sách ưu đãi với các tổ chức hoạt động vì lợi ích cộng đồng không vì lợi nhuận.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách về việc ngân sách nhà nước hỗ trợ các hội có hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước.

c) Đối với các hội: củng cố tổ chức hội theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, nâng cao trách nhiệm hội với hội viên, bảo vệ quyền lợi cho hội viên, xây dựng quy tắc đạo đức ứng xử hội viên, xây dựng quy chế quản lý các tổ chức thuộc hội chặt chẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

d) Các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu tổng thể về hội Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển, sớm hoàn thiện Luật về hội để trình Quốc hội.

đ) Nghiên cứu xây dựng Quỹ để hỗ trợ cho các hoạt động của các hội như:

- Hỗ trợ khuyến khích các hội có đề án tốt gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

- Hỗ trợ cho các hội có nhiệm vụ do Nhà nước giao

e) Cần có sự phân công phối hợp về trách nhiệm quản lý nhà nước về hội giữa cơ quan nhà nước đối với các ban của Đảng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước chặt chẽ đối với tổ chức, hoạt động hội.

g) Đề nghị các Ban của Đảng sớm nghiên cứu tiêu chí của tổ chức chính trị xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp làm cơ sở cho việc phân loại hội để có chính sách cho phù hợp.

h) Đề nghị Ban Bí thư sớm tổng kết Chỉ thị 42/CT-TW ngày 6 tháng 10 năm 1998 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với hội quần chúng trên cơ sở đó xem xét cho phép kết nạp hội viên là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài làm hội viên của hiệp hội các tổ chức kinh tế Việt Nam.

Trên đây là kết quả tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 88/2003/NĐ-CP và phương hướng hoàn thiện Nghị định trong thời gian tới cho phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập, Bộ Nội vụ xin được báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để BC);
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Lưu: VT, Vụ TCPCP.

BỘ TRƯỞNG




Trần Văn Tuấn

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo số 3628/BC-BNV ngày 17/12/2007 về việc tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 88/2003/NĐ-CP, ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và phương hướng bổ sung, sửa đổi nghị định do Bộ Nội vụ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.655

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.20.205
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!