ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1672/QĐ-UBND
|
Sơn
La, ngày 02 tháng 07 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN
HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP KHI THI HÀNH NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ VÀ TRONG
QUAN HỆ VỚI DOANH NGHIỆP, CÔNG DÂN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày
13/11/2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15
tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham
nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25
tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg
ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công
sở tại các cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 139/NĐ-CP
ngày 09/11/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho
doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số
03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc
ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa
phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
tại Tờ trình số 461/TTr-SNV ngày 11 tháng 6 năm 2019.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức,
viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khi
thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với doanh nghiệp, công dân.
Điều 2.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở,
ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn và người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
ký ban hành./.
Nơi nhận:
- Thường trực tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Lưu: VT, NC, Hiệp (0b).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Tráng Thị Xuân
|
QUY TẮC
ỨNG XỬ
CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ
SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP KHI THI HÀNH NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ VÀ TRONG QUAN HỆ VỚI DOANH
NGHIỆP, CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1672/QĐ-UBND
ngày 02/7/2019 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Sơn la)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
Quy tắc này quy định các chuẩn mực xử
sự của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn
vị sự nghiệp công lập khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với doanh
nghiệp, công dân (sau đây gọi chung là Quy tắc).
Điều 2. Nguyên tắc chung
Trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ
và trong quan hệ với doanh nghiệp, công dân, cán bộ, công chức, viên chức làm
việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện những
nguyên tắc sau:
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật
và các quy định của tỉnh.
2. Chí công, vô tư, tận tụy phục vụ
nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; không quan liêu,
hách dịch, cửa quyền trong khi giải quyết các công việc.
3. Thực hiện nghiêm chỉnh nhiệm vụ được
phân công, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.
4. Không làm những công việc ngoài phạm
vi trách nhiệm và thẩm quyền được giao; không lợi dụng chức trách, thẩm quyền
và các thông tin liên quan đến bí mật quốc gia, của ngành, lĩnh vực và của tỉnh
để mưu lợi riêng cho bản thân và gia đình.
Điều 3. Mục đích
1. Quy định các chuẩn mực xử sự của
cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với
doanh nghiệp, công dân nhằm bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù
hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
2. Thực hiện công khai các hoạt động
nhiệm vụ, công vụ và quan hệ với doanh nghiệp, công dân; nâng cao ý thức, trách
nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng.
3. Là căn cứ để các cơ quan, đơn vị
có thẩm quyền xử lý trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các
chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ với doanh
nghiệp, công dân; là cơ sở để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định
pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.
Chương II
CHUẨN MỰC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
TRONG THI HÀNH NHIỆM VỤ, CÔNG VỤ
Điều 4. Những việc cán bộ, công chức,
viên chức phải thực hiện khi thi hành nhiệm vụ, công vụ
1. Trang phục gọn gàng, lịch sự, đeo
thẻ công chức hoặc phù hiệu của các lĩnh vực đã được pháp luật quy định.
2. Khi thi hành nhiệm vụ, công vụ phải
thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về nghĩa vụ của công chức theo quy định tại
Điều 8, 9, 10, 16, 17 của Luật Cán bộ, công chức, Điều 16, 17, 18, 19 của Luật
Viên chức, Điều 36, 37, 38, 39, 40 của Luật Phòng, chống tham nhũng, Điều 6, 8
của Luật Tiếp công dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Khi giao tiếp qua điện thoại phải
xưng tên, địa chỉ cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi thông tin ngắn gọn, bảo
đảm thông tin trao đổi đúng nội dung công việc mà cơ quan, đơn vị, tổ chức và
công dân cần hướng tới, trả lời.
4. Trong quan hệ giao tiếp khi thi
hành nhiệm vụ, công vụ phải có thái độ lịch sự, ngôn ngữ giao tiếp phải rõ
ràng, mạch lạc.
Điều 5. Những việc cán bộ, công chức,
viên chức không được làm khi thi hành nhiệm vụ, công vụ
1. Trốn tránh, đùn đẩy, thoái thác
trách nhiệm trong việc giải quyết, khắc phục hậu quả nơi mình phụ trách; cố
tình kéo dài thời gian hoặc từ chối thực hiện nhiệm vụ do mình được phân công.
2. Che giấu, bưng bít và làm sai lệch
nội dung phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn
vị mình hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức khác hoặc công dân về những việc liên
quan đến nhiệm vụ do mình được giao thực hiện, không được xưng danh trái thẩm
quyền; mượn danh cơ quan, đơn vị để giải quyết công việc cá nhân.
3. Cung cấp những thông tin, tài liệu
mật của Đảng và Nhà nước khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
4. Làm mất, hư hỏng hoặc làm sai lệch
hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu của cơ quan, đơn vị, tổ chức và công dân
khi được giao nhiệm vụ giải quyết.
5. Để lộ nội dung tố cáo, địa chỉ tên
người tố cáo, nội dung thông báo giải quyết tố cáo của cơ quan có thẩm quyền
cho tổ chức cá nhân không có trách nhiệm giải quyết hoặc không phải là đối tượng
được thông báo kết quả giải quyết tố cáo.
6. Uống rượu, bia, chất có nồng độ cồn
trước giờ làm việc, trong giờ làm việc, ngày trực; say rượu nơi công cộng; đánh
bạc, tham gia các tệ nạn khác dưới mọi hình thức.
7. Quảng cáo, vận động, mời gọi đồng
nghiệp và công dân mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ có tính chất kinh doanh
trong giờ hành chính.
Điều 6. Chuẩn mực ứng xử của cán bộ,
công chức, viên chức với cấp trên
1. Nghiêm chỉnh chấp hành quyết định
của cấp trên; tôn trọng và thực hiện tốt chế độ báo cáo công việc với cấp trên.
2. Khi thừa hành chuyên môn nghiệp vụ
phải tôn trọng địa vị của người lãnh đạo, phục tùng và chấp hành nhiệm vụ được
giao, đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, có trách nhiệm đóng góp ý kiến trong
hoạt động điều hành của cơ quan, đơn vị mình bảo đảm cho hoạt động nhiệm vụ,
công vụ hiệu quả.
3. Khi thực hiện quyết định của cấp
trên, nếu thấy có căn cứ trái pháp luật phải báo cáo ngay với người ra quyết định,
trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì không phải chịu trách nhiệm về hậu
quả của việc thực hiện quyết định đó gây ra.
Điều 7. Chuẩn mực ứng xử của cán bộ,
công chức, viên chức với cấp dưới
1. Gương mẫu trong lối sống, giữ gìn
đoàn kết nội bộ, đạo đức, văn hóa công vụ trong cơ quan, đơn vị; tôn trọng và
phát huy dân chủ, biết lắng nghe ý kiến của cán bộ, công chức trong cơ quan,
đơn vị.
2. Phân công nhiệm vụ cho cán bộ cấp
dưới rõ ràng, đối xử dân chủ, bình đẳng; chú ý lắng nghe và tiếp thu ý kiến
đúng đắn của cấp dưới.
3. Không định kiến hoặc thiên vị khi
đánh giá kết quả làm việc của cấp dưới.
Điều 8. Chuẩn mực ứng xử của cán bộ,
công chức, viên chức với đồng nghiệp
1. Trong giao tiếp và ứng xử với đồng
nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ trung thực, thân thiện, hợp
tác, đoàn kết, thân ái, chân thành, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc;
ứng xử có văn hóa, bảo vệ danh dự uy tín của đồng nghiệp, phối hợp và góp ý
trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ để công việc được giải quyết nhanh
và hiệu quả.
2. Thẳng thắn phê bình, kiên quyết đấu
tranh với những biểu hiện sai trái, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị; không chạy
theo chủ nghĩa thành tích, không bao che khuyết điểm; xây dựng mối quan hệ đồng
nghiệp lành mạnh, trong sáng, có lý, có tình.
Chương III
CHUẨN MỰC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC VỚI
DOANH NGHIỆP, CÔNG DÂN
Điều 9. Chuẩn mực ứng xử của cán bộ,
công chức, viên chức với doanh nghiệp
1. Nắm vững kiến thức pháp luật về quản
lý các loại hình doanh nghiệp để có đủ khả năng hướng dẫn nghiệp vụ giúp doanh
nghiệp hoạt động đúng quy định.
2. Trong giải quyết công việc đối với
doanh nghiệp phải có thái độ tôn trọng, trung thực, khách quan, thực hiện quy
chế dân chủ cơ sở, không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của doanh nghiệp.
3. Có trách nhiệm giữ gìn bí mật sản
xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật; không
được cung cấp các thông tin nội bộ của doanh nghiệp cho báo chí, cho các tổ chức,
cá nhân khi chưa có ý kiến đồng ý của người có trách nhiệm của doanh nghiệp.
4. Khi tiếp xúc, làm việc với doanh
nghiệp không phát ngôn tùy tiện, đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc;
giải quyết công việc khẩn trương, tận tụy, không gây sách nhiễu, phiền hà cho
doanh nghiệp.
5. Không được lợi dụng chức vụ, quyền
hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, không được nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất
hoặc lợi ích tinh thần từ doanh nghiệp.
Điều 10. Chuẩn mực ứng xử của cán
bộ, công chức, viên chức với công dân
1. Ứng xử có văn hóa, nhã nhặn, lắng
nghe, tôn trọng ý kiến của công dân khi giải quyết công việc; hướng dẫn, giải
thích rõ ràng, tận tình, cụ thể về các quy định để công dân hiểu và chấp hành
nghiêm các quy định của pháp luật.
2. Không được sách nhiễu, trì hoãn,
chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà khi giải quyết công việc với công dân.
3. Phát huy dân chủ cơ sở, tôn trọng
quần chúng nhân dân.
4. Không vi phạm các quy định về nội
quy, quy tắc ở nơi công cộng; không được vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ
tục tại nơi công cộng để bảo đảm sự văn minh, tiến bộ của xã hội.
Điều 11. Chuẩn mực ứng xử của cán
bộ, công chức, viên chức với nhân dân nơi cư trú
1. Tích cực tham gia các hoạt động
nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân
dân nơi cư trú.
2. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận
động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định nơi cư trú; luôn gắn bó mật thiết với
nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân.
3. Không được tổ chức các hoạt động
cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, thăng chức và các hoạt động
khác của bản thân và gia đình trái với quy định của cấp có thẩm quyền vì mục
đích vụ lợi.
4. Không vi phạm các quy định về đạo
đức công dân đã được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất
thực hiện.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
1. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm
phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất);
báo cáo kết quả với UBND tỉnh.
2. Chủ trì phối hợp với các cơ quan,
đơn vị xử lý các thông tin phản ảnh về cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp
có dấu hiệu sai phạm thì kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mà cán bộ,
công chức, viên chức đang công tác để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ
quan có thẩm quyền giải quyết theo phân cấp quản lý.
3. Là đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
theo dõi, đánh giá, kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung
chưa phù hợp của Quy tắc này.
Điều 13. Trách nhiệm của người đứng
đầu các cơ quan, đơn vị
1. Quán triệt và tổ chức triển khai
thực hiện Quy tắc này đến từng cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức kiểm tra, giám
sát theo định kỳ hoặc đột xuất về tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp của
cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm
vụ.
2. Kịp thời khen thưởng, biểu dương
những cá nhân, tập thể thực hiện tốt Quy tắc hoặc phê bình, chấn chỉnh, xử lý
nghiêm các vi phạm hoặc đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý các vi phạm
đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý.
Điều 14. Trách nhiệm của cán bộ,
công chức, viên chức
1. Thực hiện đúng các quy định tại
Quy tắc này.
2. Vận động, giám sát và nhắc nhở cán
bộ, công chức, viên chức khác thực hiện đúng quy định tại Quy tắc này; phát hiện
và báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về những vi phạm Quy tắc này của cán bộ,
công chức, viên chức khác.
Điều 15. Điều khoản thi hành
1. Những vấn đề khác chưa được quy định
trong Quy tắc này được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc do người đứng
đầu của cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định theo quy định hiện hành. Trường hợp
các văn bản, quy định được viện dẫn trong Quy tắc này có sự thay đổi, sửa đổi,
bổ sung hoặc bị thay thế thì được áp dụng theo các văn bản, quy định mới ban
hành (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có vấn đề phát sinh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố có văn bản gửi về Sở Nội vụ để tổng hợp chung, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy tắc này phù hợp với các quy
định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tiễn của tỉnh./.