VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 01 năm 2025
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HỒ ĐỨC PHỚC TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI VÀ
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VỀ TÌNH HÌNH SẮP XẾP, CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2024; CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NĂM
2025
Ngày 03 tháng 01 năm 2025, tại trụ sở Chính phủ,
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh
nghiệp (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo về tình hình sắp
xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp giai đoạn
2021-2024; các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025. Tham dự cuộc họp có các đồng chí
thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng,
Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ,
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
và các đồng chí Phó Trưởng ban chuyên trách, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên -
Thư ký Ban Chỉ đạo; đại diện các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Tư pháp, Lao động -
Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi
trường, Công an, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Ngân hàng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nghe Báo cáo tổng hợp của Cơ quan
Thường trực Ban Chỉ đạo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức
Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận như sau:
I. Đánh giá tình hình:
Giai đoạn 2021-2024, trên cơ sở chủ trương, Nghị
quyết của Đảng và Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hoàn
thành ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật làm cơ sở cho công
tác sắp xếp, phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cổ phần hóa đơn vị sự
nghiệp công lập (ĐVSNCL), doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đồng thời,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm, chủ trì nhiều cuộc họp
làm việc với doanh nghiệp, doanh nhân, chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan tháo gỡ
các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy cơ cấu lại DNNN và phát triển doanh nghiệp.
II. Tồn tại, hạn chế:
Kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2024 đạt một số kết
quả tích cực nhưng đến nay còn hạn chế, số lượng DNNN được phê duyệt Đề án cơ cấu
lại ít (mới đạt 17% về số lượng), vẫn còn 559 DN chưa được phê duyệt; việc sửa
đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 được Chính phủ chỉ đạo từ năm 2019 nhưng đến
kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV (tháng 10/2024) mới trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 và
theo ý kiến của đại biểu Quốc hội thì chất lượng dự án Luật chưa đạt yêu cầu.
Còn một số tồn tại, vướng mắc, vấn đề mới phát sinh
càn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại tình hình để có phải pháp phù hợp như đề
xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật hiện hành hoặc báo cáo Trung ương
xem xét, cho ý kiến trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW
ngày 03 tháng 6 năm 2017, cụ thể:
- Khó khăn trong việc xác định đúng, đầy đủ giá trị
vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
trong đó, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất...
- Mục tiêu của cổ phần hóa DNNN là để nâng cao hiệu
quả sản xuất kinh doanh, không phải để chuyển đổi mục đích sử dụng đất của
doanh nghiệp. Do đó, cần xem xét, đánh giá lại lợi ích tổng thể mang lại cho
Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp
đang kinh doanh hiệu quả, có lãi, tạo được nhiều việc làm, đóng góp lớn cho
ngân sách...; trong đó, làm rõ có cần thiết thực hiện thoái vốn nhà nước đối với
tập đoàn, tổng công ty, dự án hoạt động có hiệu quả không, nếu không thoái vốn
nhà nước thì cần có cơ chế gì để DNNN tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả sản
kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.
III. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu trong thời gian tới:
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng (kỷ niệm 95
năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày
sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước và Đại hội Đảng các cấp, tiến
tới Đại hội Đảng toàn quốc, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc); là năm
cuối trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; là năm
tăng tốc, bứt phá để về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế
xã hội 05 năm 2021-2025. Nhiệm vụ năm 2025 rất nặng nề khi vừa phải tiếp tục
hoàn thiện thể chế chính sách (Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13), tinh gọn tổ
chức bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước (chấm dứt hoạt động của Ủy ban
quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), vừa phải tiếp tục tháo gỡ các tồn tại,
khó khăn, thúc đẩy cơ cấu lại DNNN, phát triển doanh nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện, kết quả đạt
được, tồn tại hạn chế và nguyên nhân; để thực hiện tốt công tác quản lý, cơ cấu
lại, hỗ trợ, phát triển DNNN, DN nói chung trong năm 2025 và một số định hướng
cơ chế chính sách trong giai đoạn sau 2025, yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa
phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu
quả Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5
khóa XII, Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương Đảng 5 khóa XII, các Nghị
quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự nhất trí
cao và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
2. Người đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị/người đại diện phần
vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm về
tiến độ phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, kế hoạch
sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước bảo đảm công
khai, minh bạch, hiệu quả.
3. Định kỳ hàng Quý hoặc 6 tháng, Ban Chỉ đạo tổ chức
họp để đánh giá về tình hình thời gian vừa qua (tình hình hoạt động của Ban Chỉ
đạo; tình hình triển khai công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và
phát triển doanh nghiệp...), kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, phát sinh, tồn tại (nếu có).
4. Các DNNN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chủ động
nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới trên thế giới, đẩy mạnh
chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, bám sát tình hình, phấn đấu hoàn
thành cao nhất nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, bảo
đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế.
5. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung triển
khai các nhiệm vụ sau:
- Chủ động, tích cực nắm bắt tình hình thực tiễn nhất
là những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong hoạt động sắp xếp, đổi mới
và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nói riêng; các tồn tại, vướng mắc trong
hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung. Trên cơ sở đó, khẩn
trương xử lý các vấn đề thuộc thẩm thẩm quyền; phối hợp, kiến nghị với các Bộ để
tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề còn tồn đọng, phát
sinh mới.
- Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, DNNN trực thuộc
đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư. Tập trung cao độ nguồn
lực để bảo đảm các mốc tiến độ thực hiện đối với những dự án lớn, quan trọng.
- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp lại
doanh nghiệp đã được phê duyệt đảm bảo phù hợp, khả thi, không thất thoát, mất
vốn, tài sản của Nhà nước.
- Chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch thông tin
về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN để tạo niềm tin,
thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trước khi triển khai công tác cổ phần
hóa, thoái vốn.
- Trong Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án
cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 03 năm 2022
của Thủ tướng Chính phủ.
6. Các Bộ, cơ quan tập trung hoàn thành các nhiệm
sau:
a) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo, cơ quan đại diện
chủ sở hữu tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề
án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN; khẩn trương có văn bản
đôn đốc các cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN trực
thuộc theo theo thẩm quyền, quy định pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương
liên quan hoàn thiện báo cáo, đề xuất về việc kéo dài triển khai thực hiện QĐ số
360/QĐ-TTg cho giai đoạn sau 2025 (nêu tại điểm 2 phần III báo cáo kèm theo văn
bản số 14271/BTC-TCDN ngày 25 tháng 12 năm 2024), báo cáo Thủ tướng Chính phủ
trong Quý II năm 2025, trong đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công
tác cơ cấu lại doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc cơ quan đại diện chủ sở hữu
không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động quản lý,
điều hành của doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất
định hướng, cách thức triển khai cơ cấu lại, sắp xếp lại, đổi mới, phát triển
và nâng cao hiệu quả DNNN; tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp
có vốn nhà nước trong giai đoạn 2026-2030; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong
Quý II năm 2025.
- Về số thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại
doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về nội
dung báo cáo, đề xuất tại văn bản số 14008/BTC-TCDN ngày 20 tháng 12 năm 2024;
chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nội dung này trong các báo
cáo định kỳ, trình cấp có thẩm quyền theo pháp luật liên quan về ngân sách nhà
nước.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản
lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu các ý kiến tại cuộc họp để chủ động,
tích cực phối hợp, tham gia ý kiến với Ban Kinh tế Trung ương trong việc sơ kết,
đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm
2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tiếp tục cơ cấu
lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện
đúng, đầy đủ ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 72/VPCP-KTTH ngày 03 tháng 01 năm
2025, theo đó, khẩn trương theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thực hiện
các giải pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.
d) Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam... theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu
các kiến nghị của các Tập đoàn, Tổng công ty nêu tại cuộc họp để xử lý ngay các
vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền,
báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung ban hành pháp luật
liên quan.
7. Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường đôn đốc,
kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại
theo thẩm quyền; Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tiếp
tục tổ chức đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tại một số cơ quan,
đơn vị trọng điểm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên
quan biết và phối hợp thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTg, các PTTg;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- 19 DNNN trực thuộc UBQLV;
- Ngân hàng Nông nghiệp vả Phát triển nông thôn;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, QHĐP, TH, TCCV,
Cục KSTTHC;
- Lưu: VT, ĐMDN (2b)
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|