ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 137/KH-UBND
|
Hà Giang, ngày 16 tháng 4 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THÍ ĐIỂM THI TUYỂN CHỨC DANH GIÁM ĐỐC ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH TỈNH
HÀ GIANG NĂM 2018
I. Căn cứ xây dựng
Kế hoạch
1. Luật Cán bộ, công chức ngày
13/11/2008;
2. Luật Viên chức ngày 15/11/2010;
3. Căn cứ Luật Báo chí ngày
05/4/2016;
4. Căn cứ Quyết định số 75-QĐ/TW ngày
21/8/2017 của Ban Bí thư Trung ương ban hành quy chế bổ
nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí;
5. Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày
09/5/2017 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách
tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng;
6. Căn cứ Công văn số 3362-CV/TU
ngày 07/11/2017 của Tỉnh ủy Hà Giang về việc trích Kết luận số
308-KL/TU ngày 06/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống
nhất chủ trương “thí điểm thi tuyển bằng hình thức cạnh tranh chức danh
Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Hà Giang”;
7. Căn cứ Công văn số 3725-CV/TU
ngày 09/02/2018 của Tỉnh ủy Hà Giang về việc trích Kết luận số
330-KL/TU ngày 06/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công
tác tổ chức cán bộ. Theo đó, Ban Thường Tỉnh ủy thống nhất “giao cho Ban cán sự
Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh Giám đốc
Đài PTTH tỉnh. Bổ sung thêm đối tượng: Mở rộng ngoài quy hoạch từ trưởng phòng,
bộ phận nghiệp vụ thuộc cơ quan Đài PTTH tỉnh có đủ điều kiện theo quy định của
Luật Báo chí và Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư Trung
ương”.
II. Mục đích, yêu
cầu và nguyên tắc thi tuyển
1. Mục đích
- Thí điểm tổ chức thi tuyển cạnh
tranh để lựa chọn người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực, trình cấp có thẩm
quyền bổ nhiệm vào chức danh Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình (PTTH) tỉnh.
- Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dự thi.
- Thực hiện đổi mới công tác bổ nhiệm
cán bộ theo Nghị quyết TW 6 khóa XII; làm cơ sở mở rộng việc thi tuyển các chức
danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
2. Yêu cầu
2.1. Bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về công tác
cán bộ; đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí theo quy định
hiện hành.
2.2. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân
chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu; tăng cường
giám sát của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, quản lý công chức, viên chức, các
tổ chức đoàn thể và của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn.
2.3. Phát hiện, thu hút và lựa chọn
được người có đức, có tài gắn với tiêu chuẩn chức danh Giám đốc Đài PTTH, nâng
cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đài PTTH tỉnh.
3. Nguyên tắc thi tuyển
3.1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự
Đảng UBND tỉnh thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt của công tác thi tuyển.
3.2. Việc tổ chức thi tuyển phải bảo
đảm công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền
theo phân cấp quản lý; chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu
chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh Giám đốc Đài PTTH tỉnh.
3.3. Người tham gia dự tuyển phải bảo
đảm về năng lực, trình độ chuyên môn và các tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu
của chức danh thi tuyển.
3.4. Khi tổ chức thi tuyển phải có từ
02 người trở lên tham gia dự tuyển.
a) Trường hợp chỉ có 01 người đủ tiêu
chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì
UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều
kiện tham gia dự tuyển hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức
danh Giám đốc Đài PTTH tỉnh cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia dự tuyển.
b) Trường hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện
tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 02 người dự tuyển vào chức danh Giám đốc
Đài PTTH tỉnh, nhưng đến ngày tổ chức thi chỉ có 01 người dự thi thì Hội đồng
thi tuyển vẫn tổ chức thi theo kế hoạch.
III. Đối tượng dự
tuyển, quyền và nghĩa vụ của người dự tuyển
1. Đối tượng dự tuyển
1.1. Đối với viên chức đang công tác
tại Đài PT-TH tỉnh
a) Phó Giám đốc Đài PT-TH, Trưởng
Phòng thuộc Đài PT-TH, cấp trưởng đơn vị trực thuộc Đài PT-TH có đủ tiêu chuẩn,
điều kiện và nằm trong quy hoạch chức danh Giám đốc Đài PTTH tỉnh;
b) Viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo,
quản lý nằm trong quy hoạch chức danh Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, đáp ứng đủ tiêu
chuẩn, điều kiện về ngạch, hạng chức danh nghề nghiệp hoặc thời gian công tác
trong ngành, lĩnh vực theo yêu cầu của chức danh Giám đốc Đài PT-TH tỉnh được
đăng ký dự tuyển.
c) Trưởng Phòng thuộc Đài PT-TH tỉnh,
cấp trưởng đơn vị trực thuộc Đài PT-TH tỉnh, không nằm trong quy hoạch chức
danh Giám đốc Đài PT-TH tỉnh nhưng có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm
giữ chức danh Giám đốc Đài PT-TH tỉnh và được Thường trực UBND tỉnh đề cử.
1.2. Đối với cán bộ, công chức, viên
chức không công tác tại Đài PT-TH tỉnh
a) Cán bộ, công chức, viên chức có đủ
tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch chức danh Giám đốc Đài
PT-TH tỉnh hoặc chức danh tương đương với chức danh Giám đốc Đài PT-TH tỉnh được
đăng ký dự tuyển nhưng chỉ được dự thi ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không
quá 02 cấp so với chức vụ hiện giữ.
b) Cán bộ, công chức, viên chức giữ
chức vụ lãnh đạo, quản lý có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm chức danh Giám đốc
Đài PT-TH tỉnh, không nằm trong quy hoạch chức danh tương đương với chức danh
Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, được Thường trực UBND tỉnh đề cử tham gia dự tuyển thì
chỉ được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn liền kề so với chức vụ hiện
giữ.
1.3. Các trường hợp sau đây được quyền
không đăng ký tham gia dự tuyển:
a) Đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang
mất khả năng nhận thức hoặc bị ốm đau đang điều trị nội trú tại bệnh viện được
cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận.
b) Đang trong thời gian được cử đi học
tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
c) Viên chức nữ đang trong thời gian
nghỉ thai sản.
1.4. Đối với viên chức thuộc Đài PTTH
tỉnh và các trường hợp khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy
hoạch chức danh Giám đốc Đài PTTH tỉnh, nếu không đăng ký tham gia dự tuyển thì
hằng năm khi rà soát danh sách quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền đưa ra khỏi
danh sách quy hoạch.
2. Quyền và nghĩa vụ của người dự
tuyển
2.1. Quyền của người dự tuyển
a) Được UBND tỉnh thông báo danh sách
những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển và thời gian, địa điểm tổ chức
thi tuyển, nội dung thi tuyển.
b) Được quyền tiếp cận các tài liệu
và thông tin liên quan đến vị trí dự tuyển (trừ những tài liệu mật).
c) Được tiến hành quy trình bổ nhiệm
theo quy định sau khi kết quả tuyển chọn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua.
2.2. Nghĩa vụ của người dự tuyển
a) Kê khai hồ sơ trung thực và đúng
quy định;
b) Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các
quy định của Hội đồng thi tuyển trong quá trình tham gia dự tuyển.
IV. Tiêu chuẩn, điều
kiện dự tuyển và hồ sơ đăng ký dự tuyển
1. Tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển
1.1. Bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán
bộ quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa
VIII):
a) Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận
tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của
Nhà nước.
b) Cần kiệm, liêm chính, chí công vô
tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức
kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân
tín nhiệm.
c) Có trình độ hiểu biết về lý luận
chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả,
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
d) Có bản lĩnh chính trị vững vàng
trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng
cách mạng, với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có năng lực dự báo
và định hướng sự phát triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối,
chính sách, pháp luật; thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện. Có ý thức và
khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật
của Nhà nước.
đ) Gương mẫu về đạo đức, lối sống. Có tác phong dân chủ, khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng,
đoàn kết cán bộ.
e) Có kiến thức về khoa học lãnh đạo
và quản lý. Đã học tập có hệ thống ở các trường của Đảng, Nhà nước và đoàn thể
nhân dân; trải qua hoạt động thực tiễn có hiệu quả.
g) Có tư duy độc lập, sáng tạo, có ý
thức hợp tác, say mê trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ. Bám sát
đời sống xã hội, có khả năng tổng kết thực tiễn.
1.2. Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm
theo quy định tại Khoản 2, Điều 23 Luật báo chí năm 2016 và tiêu chuẩn, điều kiện
bổ nhiệm quy định tại Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư
Trung ương ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ
lãnh đạo cơ quan báo chí, cụ thể:
a) Là công dân Việt Nam, có địa chỉ
thường trú tại Việt Nam;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên
phù hợp với lĩnh vực công tác;
c) Có thẻ nhà báo còn hiệu lực;
d) Có phẩm chất đạo đức tốt;
đ) Có đạo đức nghề nghiệp, có năng lực
quản lý và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc
nguyên tắc tập trung dân chủ, được sự tín nhiệm của công chức, viên chức, phóng
viên, đảng viên trong cơ quan báo chí;
e) Đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp
vụ báo chí và chương trình quản lý nhà nước về báo chí;
g) Có trình độ lý luận chính trị cao
cấp hoặc cử nhân;
h) Có thời gian hoạt động trong lĩnh
vực báo chí ít nhất là 03 năm;
i) Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm
vụ được giao;
k) Có hồ sơ, lý lịch cá nhân đầy đủ,
rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận;
l) Không trong thời gian bị thi hành
kỷ luật từ khiển trách đến cách chức. Không trong thời gian bị xem xét kỷ luật
hoặc đang bị điều tra, truy tố, xét xử và không bị xử lý kỷ
luật cách chức do tham nhũng được quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 82 Luật Cán bộ,
công chức và quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 56 Luật Viên chức và các trường hợp
bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
m) Tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55
tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ.
2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
2.1. Hồ sơ đăng ký dự tuyển bao gồm:
a) Sơ yếu lý lịch do cá nhân tự khai
và được cơ quan nơi người tham gia dự tuyển công tác xác nhận tại thời điểm
đăng ký dự tuyển (theo Mẫu 2C-BNV/2008
ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ
Nội vụ).
b) Bản sao hợp lệ các văn bằng, chứng
chỉ theo yêu cầu của chức danh tuyển chọn.
c) Bản sao hợp lệ giấy khai sinh.
d) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo
mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày
31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch
tài sản, thu nhập.
đ) Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để
hoàn thành nhiệm vụ được giao do cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở
lên cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển.
e) Bản tự nhận xét, đánh giá của cá
nhân về quá trình công tác, có xác nhận của cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng.
g) Bản nhận xét, đánh giá của tập thể
lãnh đạo và bản nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi người tham gia dự tuyển đang
công tác. Trường hợp người dự tuyển đăng ký tham gia dự tuyển hoặc được đề cử
tham gia dự tuyển từ nơi khác thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nơi
người tham gia dự tuyển đang công tác đồng ý cho người đó tham gia dự tuyển.
h) Bản nhận xét của cấp ủy nơi cư trú
thường xuyên về trách nhiệm công dân của người tham gia dự tuyển và gia đình.
i) Báo cáo thẩm định tiêu chuẩn chính
trị đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng
người tham gia dự tuyển.
Hồ sơ đăng ký dự tuyển phải đựng
trong bì cỡ 22 x 32 cm, mặt ngoài hồ sơ phải ghi rõ họ
tên, ngày tháng năm sinh, đơn vị công tác, số điện thoại liên hệ và liệt kê
toàn bộ giấy tờ trong thành phần hồ sơ.
2.2. Số lượng hồ sơ: 03 bộ.
V. Nội dung, hình
thức thi tuyển và xác định người trúng tuyển
1. Nội dung và hình thức thi
Gồm 02 phần thi, thi viết và thi Đề
án, cụ thể:
1.1. Thi viết
a) Nội dung thi: kiến thức chung về
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực
báo chí, phát thanh truyền hình; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý báo chí, phát
thanh truyền hình; về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí và
người đứng đầu cơ quan báo chí;
b) Thời gian thi: 180 phút.
c) Điểm thi: Điểm thi được chấm theo
thang điểm 100; người dự tuyển phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở
lên mới được tham gia phần thi Đề án.
1.2. Thi Đề án
a) Xây dựng Đề án
Nội dung: Đánh giá thực trạng, mặt mạnh,
hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải
pháp hoạt động hiệu quả của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh trong 05 năm (từ
năm 2018-2023).
b) Bảo vệ Đề án
- Thời gian bảo vệ Đề án tối đa 45
phút;
- Thời gian trả lời các câu hỏi chất
vấn về Đề án tối đa 90 phút; thời gian trả lời mỗi câu hỏi chất vấn không quá
05 phút.
c) Chấm điểm thi Đề án: Điểm thi Đề
án được chấm theo thang điểm 100. Cơ cấu điểm gồm 3 phần, cụ thể như sau:
- Xây dựng Đề án: 20 điểm;
- Trình bày Đề án: 40 điểm;
- Trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội
đồng thi tuyển và những người tham dự; kỹ năng giao tiếp, ứng xử, giải quyết
tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo: 40 điểm;
Hội đồng thi tuyển phải công bố công
khai kết quả điểm thi trình bày Đề án của những người dự tuyển ngay sau khi kết thúc việc tổ chức thi trình bày Đề án. Không thực hiện
việc phúc khảo đối với kết quả điểm thi trình bày Đề án.
2. Xác định người trúng tuyển và bổ
nhiệm người trúng tuyển
2.1. Trên cơ sở báo cáo của Hội đồng
thi tuyển về kết quả điểm thi trình bày Đề án của người dự tuyển, trong thời hạn
03 ngày làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh chọn lấy người có số điểm thi trình bày Đề
án cao nhất trong số những người đạt trên 50 điểm để báo
cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
(trường hợp có nhiều người cùng có kết quả điểm thi trình bày Đề án cao nhất bằng
nhau thì đều được đưa ra lấy ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy); nếu Ban Thường
vụ Tỉnh ủy nhất trí thì Chủ tịch UBND tỉnh gửi văn bản và hồ sơ xin ý kiến của
Bộ Thông tin và Truyền thông.
2.2. Trường hợp người được đưa ra lấy
ý kiến mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Thông tin và Truyền thông không đồng ý thì
Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chọn người có kết quả điểm thi trình bày Đề án thấp
hơn liền kề tổng số những người đạt trên 50 điểm để báo cáo Ban cán sự Đảng
UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Thông tin và Truyền thông (quy trình
như điểm 2.1 Khoản này).
2.3. Căn cứ chủ trương của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy và ý kiến nhất trí của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh
ban hành quyết định bổ nhiệm người trúng tuyển theo quy định.
VI. Trình tự, thủ
tục tổ chức thi tuyển
1. Thông báo thi tuyển, tiếp nhận
hồ sơ ứng viên
1.1. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch và tổ
chức thông báo công khai về nhu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh tuyển
chọn, hồ sơ, thời hạn, địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển trên Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Giang, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và
niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông,
Đài PT-TH tỉnh.
1.2. Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký dự
tuyển ít nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo;
1.3. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: Tại
Phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ (trong giờ hành chính).
1.4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc
trước khi tổ chức thi tuyển, Hội đồng thi phải công bố công khai danh sách những
người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển trên Cổng
thông tin điện tử của tỉnh và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan Sở Nội vụ,
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh để cán bộ, công chức, viên chức và
các tổ chức đoàn thể kiểm tra, giám sát.
2. Thành lập Hội đồng thi tuyển
2.1. Hội đồng thi tuyển do Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định thành lập gồm 11 thành viên như sau:
(1) Chủ tịch UBND tỉnh: Chủ tịch Hội
đồng;
(2) Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách
khối Văn hóa - Xã hội: Phó Chủ tịch Hội đồng;
(3) Giám đốc Sở Nội vụ: Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng;
(4) Giám đốc Sở Thông tin và Truyền
thông: Ủy viên;
(5) Giám đốc Sở Tài chính: Ủy viên;
(6) Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Ủy viên.
* Mời lãnh đạo các cơ quan, đơn vị
tham gia làm Ủy viên:
(7) Mời Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Ủy viên;
(8) Mời Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:
Ủy viên;
(9) Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh:
Ủy viên;
(10) Mời đại diện lãnh đạo Báo Hà
Giang: Ủy viên;
(11) Mời lãnh đạo Hội Nhà báo: Ủy viên.
Không cử làm thành viên Hội đồng thi
tuyển đối với những người là vợ, chồng, cha, mẹ và anh, chị, em ruột bên vợ,
bên chồng của người tham gia dự tuyển và những người đang trong thời gian bị
xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.
2.2. Hội đồng thi làm việc theo chế độ
tập thể, biểu quyết theo đa số, làm việc công khai, dân chủ, khách quan, trung
thực, công tâm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ; có trách nhiệm tổ chức
thực hiện việc thi tuyển chức danh Giám đốc Đài PT-TH tỉnh theo quy định. Hội đồng
thi được phép sử dụng con dấu của UBND tỉnh, Sở Nội vụ để giao dịch; các văn bản
do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng ký được sử dụng con dấu của UBND tỉnh, văn bản
do Ủy viên kiêm thư ký Hội đồng ký được sử dụng con dấu của Sở Nội vụ.
2.3. Hội đồng thi được thành lập các
ban, tổ giúp việc gồm:
a) Ban Ra đề thi: số lượng gồm 07
thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối Văn hóa - Xã hội làm Trưởng
ban và các thành viên gồm: 01 lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Giám đốc Sở
Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Sở Tài chính; 01 lãnh đạo Báo Hà Giang; Hiệu
trưởng Trường Chính trị tỉnh và Trưởng phòng Công chức viên chức Sở Nội vụ làm
thư ký.
b) Ban Coi thi: số lượng 05 thành
viên, gồm Phó Giám đốc Sở Nội vụ là Trưởng ban và 04 thành viên khác gồm Phó
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Hiệu
trưởng trường Chính trị tỉnh và Trưởng phòng cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm
thư ký.
c) Ban Phách: số lượng 03 thành viên,
gồm Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng ban; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền
thông và 01 lãnh đạo Phòng Công chức viên chức Sở Nội vụ làm thư ký.
d) Ban Chấm thi (tổ chức chấm điểm
bài thi viết), thành phần được lựa chọn trong thành phần Hội đồng thi và do Chủ
tịch Hội đồng thi quyết định về số lượng, thành viên cụ thể. Riêng việc tổ chức
chấm điểm thi trình bày Đề án gồm tất cả các Thành viên Hội đồng thi thực hiện.
đ) Tổ Thư ký giúp việc: số lượng gồm
05 thành viên, gồm lãnh đạo và công chức chuyên môn của Phòng Công chức, viên
chức Sở Nội vụ; trong đó Trưởng phòng Công chức viên chức làm Tổ trưởng. Tùy
theo yêu cầu nhiệm vụ, ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi có thể trưng tập công
chức khác liên quan để giúp việc cho Hội đồng thi.
3. Thành lập Ban Giám sát kỳ thi: Ban
Giám sát kỳ thi do UBND tỉnh quyết định thành lập, số lượng gồm 03 thành viên,
trong đó Chánh Thanh tra tỉnh làm trưởng ban và lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ
tham gia là thành viên.
4. Thời gian nộp Đề án: Thực hiện theo thông báo của
UBND tỉnh và nộp cho Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng thi.
5. Thời gian, địa điểm tổ chức thi
5.1. Thời gian thi: do Hội đồng thi
tuyển thông báo cụ thể, dự kiến tháng trong 5/2018.
5.2. Địa điểm thi: tại Hội trường Nhà
E, Trường Chính trị tỉnh.
6. Thông báo kết quả thi: trong thời hạn 03 ngày làm việc sau khi kết thúc thi, Hội đồng thi tuyển
có trách nhiệm thông báo điểm thi đến người dự tuyển, công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và niêm yết tại trụ sở cơ quan Sở Nội vụ,
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh.
VII. Tổ chức thực
hiện
1. Sở Nội vụ: có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Hội
đồng thi tuyển; tham mưu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thi tuyển
theo quy định. Kết thúc thi tuyển, Sở Nội vụ có trách nhiệm
giúp Hội đồng thi tổ chức họp rút kinh nghiệm và xây dựng dự thảo báo cáo của
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về đánh giá kết quả thí điểm trình Ban Thường vụ Tỉnh
ủy, đồng thời rà soát chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ngành diện Ban Thường
vụ Tỉnh ủy quản lý, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh quản lý để đề xuất xin chủ trương
thi tuyển trong thời gian tiếp theo.
2. Sở Tài chính: có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ trong việc xây dựng dự toán kinh
phí tổ chức thi và trình UBND tỉnh cấp đủ kinh phí tổ chức thi tuyển theo quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông,
Báo Hà Giang và cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan: có
trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ để triển khai thực hiện nội dung liên quan
theo Kế hoạch này và quy định của pháp luật.
Trên đây là Kế hoạch của UBND tỉnh về
tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Hà Giang năm 2018.
Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) xem xét, quyết định hoặc
báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân
tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Văn phòng UBND tỉnh:
LĐVP,
CV NCTH, Trung tâm TT-CB,
- Các Sở: Nội vụ, Tài chính,
Thông tin và Truyền thông
(t/h);
- Báo Hà Giang, Đài PTTH tỉnh
(t/h);
- VNPT ioffice;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|