QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT ĐỀ ÁN HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục
ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục
đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa
đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm
2018;
Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ
ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị
lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo
dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ
ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện
Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -
2025;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ
về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;
Căn cứ Kết luận số 91-KL/TW
ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,
đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Hội
nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án)
với những nội dung như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào
tạo theo đúng quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, nhất là tại
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm
2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Kết luận số
91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm
2013.
2. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện,
sâu rộng trong giáo dục và đào tạo; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để
góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam; tăng
cường giao lưu hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo, văn hóa, học thuật; nâng
cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
3. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong
giáo dục và đào tạo với các nước, đối tác quốc tế, nhất là các nước có nền giáo
dục tiên tiến, các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện
và bạn bè truyền thống.
4. Đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa các hình thức
hợp tác, đầu tư với các đối tác nước ngoài trong giáo dục và đào tạo; phát huy
tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ cơ hội để huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả
các nguồn lực, góp phần nâng cao quy mô và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là
nguồn nhân lực chất lượng cao.
5. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác đào tạo đối với các
ngành, lĩnh vực công nghệ chiến lược, mũi nhọn, góp phần mở rộng thị trường lao
động, phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo
nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân
và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào mạng
lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030; phấn đấu có thêm 05 tỉnh/thành
phố có cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy chương trình giáo dục tích hợp với
chương trình nước ngoài.
b) Phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ
ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1;
nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực dạy các môn học khác bằng tiếng nước
ngoài cho giáo viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; từng
bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
c) Trên 20% chương trình liên kết đào tạo vái nước
ngoài có ngành đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài xếp hạng top 500 thế giới
trở lên; nâng tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học
lấy bằng của Việt Nam đạt 1,5%; nâng tỷ lệ tổng số giảng viên của Việt Nam đi
và số giảng viên của nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật
hằng năm lên 8% trên tổng số giảng viên Việt Nam.
d) Trên 80% cơ sở giáo dục đại học có ít nhất 03 đề
tài, chương trình nghiên cứu chung hoặc dự án hợp tác với nước ngoài hằng năm.
đ) Trên 20% chương trình đào tạo trong các cơ sở
giáo dục đại học của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức
kiểm định nước ngoài có uy tín.
e) Phấn đấu thu hút để có thêm 02 phân hiệu của cơ
sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tại Việt Nam.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách
về giáo dục và đào tạo
a) Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu
hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại các cơ sở giáo
dục đại học của Việt Nam.
b) Rà soát và hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, bằng
cấp của giáo viên nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo hướng phù hợp
với thông lệ quốc tế và quy định hiện hành của Việt Nam.
c) Rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách về việc
hợp tác, tổ chức dạy học tiếng Việt vá quảng bá văn hóa dân tộc cho người nước
ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.
d) Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút,
sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về
giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
2. Đẩy mạnh hợp tác, kiến tạo môi
trường quốc tế trong giáo dục và đào tạo
a) Chủ động mở rộng hợp tác song phương và đa
phương, trong đó ưu tiên các nước láng giềng, các nước có nền giáo dục tiên tiến,
các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống; thúc đẩy hợp
tác với các nước có nền giáo dục và đào tạo hàng đầu thế giới. Đẩy mạnh việc ký
kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận, điều ước quốc tế, trong đó ưu tiên
thực hiện các cam kết quốc tế, chương trình, dự án và các chương trình học bổng
Hiệp định.
b) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về chương trình và học
liệu, phương pháp giảng dạy; nghiên cứu phát triển các mô hình trường học mới
theo kinh nghiệm quốc tế nhằm kiến tạo môi trường làm việc quốc tế trong các cơ
sở giáo dục. Tăng cường mô hình kết nghĩa giữa các cơ sở giáo dục phổ thông của
Việt Nam và nước ngoài.
c) Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học
của Việt Nam và nước ngoài để công nhận quá trình học tập; tăng cường trao đổi
học sinh, sinh viên và giảng viên; thu hút giảng viên, nhà khoa học, sinh viên
quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Việt Nam; tăng cường cơ chế phối
hợp và chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam để đa dạng hóa các
hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm quản lý giáo dục và hợp
tác nghiên cứu khoa học.
d) Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam
nâng cấp các tạp chí khoa học trong nước đạt chuẩn quốc tế và tăng tỷ lệ giảng
viên công bố bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.
đ) Tăng quy mô đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách
nhà nước đối với giảng viên các ngành khoa học mũi nhọn mà Việt Nam có nhu cầu;
khuyến khích việc học tập và nghiên cứu khoa học ở nước ngoài bằng các nguồn
ngoài ngân sách nhà nước.
e) Đẩy mạnh hợp tác và đầu tư với nước ngoài; khuyến
khích mở văn phòng đại diện hoặc hình thành một số cơ sở giáo dục của Việt Nam ở
nước ngoài; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, có uy
tín của nước ngoài mở phân hiệu tại Việt Nam.
3. Bảo đảm và nâng cao chất lượng
giáo dục và đào tạo
a) Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học
và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản
lý, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế.
b) Thực hiện tham chiếu khung trình độ quốc gia Việt
Nam với các khung trình độ quốc gia các nước, các khu vực; đẩy mạnh việc ký kết
công nhận văn bằng và quá trình đào tạo với nước ngoài; khuyến khích các cơ sở
giáo dục đại học của Việt Nam và các cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao của
nước ngoài ký kết công nhận tín chỉ và quá trình đào tạo.
c) Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt
là tiếng Anh, ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; từng bước đưa tiếng Anh
trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong dạy
và học ngoại ngữ.
d) Tham gia các chương trình đánh giá, xếp hạng chất
lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.
đ) Tạo điều kiện để các tổ chức kiểm định có uy tín
của khu vực và quốc tế hoạt động tại Việt Nam và khuyến khích các cơ sở giáo dục
đại học của Việt Nam thực hiện kiểm định quốc tế.
e) Đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đại học xuất
sắc theo hiệp định quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn
quốc tế.
4. Nâng cao năng lực đội ngũ và nhận
thức về hội nhập quốc tế
a) Rà soát và hoàn thiện tiêu chuẩn giáo viên và
đào tạo giáo viên, chương trình, giáo trinh đào tạo, tiêu chuẩn kiểm định chất
lượng để phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
b) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng định kỳ để nâng cao
năng lực hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ giảng dạy
và đặc biệt là cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế.
c) Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của
giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục về hội nhập quốc tế trong giáo
dục và đào tạo.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí để triển khai Đề án được bố trí trong dự
toán chi ngân sách nhà nước hằng năm của các bộ, ngành, địa phương theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh
phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc sử dụng kinh phí để triển khai Đề án thực
hiện theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước, về đầu tư
công, về cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật về
kinh phí của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan,
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện
các nhiệm vụ của Đề án.
b) Chủ trì xây dựng kế hoạch hội nhập quốc tế và
các chương trình xúc tiến hợp tác, đầu tư trong giáo dục và đào tạo (song
phương, đa phương, khu vực, v.v) dài hạn và hằng năm.
c) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đột phá về:
thu hút chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy,
nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục trong nước; tổ chức dạy và học bằng
tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
d) Khuyến khích các cơ sở giáo dục của Việt Nam và
các nước công nhận và chuyển đổi tín chỉ đào tạo; thực hiện công nhận văn bằng
giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
đ) Triển khai việc dạy tiếng Việt tại nước ngoài và
cử giảng viên dạy tiếng Việt sang giảng dạy tại nước ngoài.
e) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện
các hoạt động hội nhập quốc tế trong khuôn khổ của Đề án.
g) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra giám sát, tổng hợp
tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi lĩnh vực
phụ trách; tổng kết Đề án sau khi kết thúc thực hiện.
2. Bộ Tài chính
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khả năng cân đối ngân
sách nhà nước và đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các Bộ và cơ quan
trung ương có liên quan, Bộ Tài chính, hằng năm, tổng hợp và trình cấp có thẩm
quyền bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho các cơ quan trung ương để thực hiện
Đề án phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
3. Bộ Ngoại giao
a) Chỉ đạo các Cơ quan đại diện tại nước ngoài tìm
hiểu và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực quốc tế,
mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo với các nước, các tổ
chức quốc tế và các cơ sở giáo dục của nước ngoài.
b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tăng cường
hợp tác với các quốc gia về giáo dục và đào tạo; tích cực tham gia, thúc đẩy
các sáng kiến tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác về giáo dục và đào tạo.
c) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai
việc dạy tiếng Việt tại nước ngoài và cử giảng viên dạy tiếng Việt sang giảng dạy
tại nước ngoài.
4. Bộ Công an
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và
các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác nắm tình hình, phòng ngừa,
phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội trong quá trình triển khai các hoạt động hội nhập quốc
tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
b) Rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
về thị thực bảo đảm thuận lợi cho các chuyên gia, nhà khoa học và lưu học sinh
nước ngoài vào nghiên cứu, làm việc và học tập tại Việt Nam.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ trì tuyên truyền, phổ biến thông tin về Đề án
nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hội nhập quốc tế của Việt Nam trong
lĩnh vực giáo dục và đào tạo và giới thiệu những thành tựu về hội nhập quốc tế
của giáo dục và đào tạo Việt Nam với thế giới.
6. Các bộ, ngành là cơ quan quản lý trực tiếp các
cơ sở giáo dục đại học
a) Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao,
triển khai thực hiện Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc thực
hiện các hoạt động hội nhập quốc tế trong khuôn khổ của Đề án.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương
a) Tổ chức triển khai Đề án tại địa phương theo quy
định của pháp luật.
b) Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Đề án
theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
c) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tại địa phương thực
hiện các hoạt động hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: PL, KTTH, QHQT, NC;
- Lưu: VT, KGVX (2b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thành Long
|