ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Pháp lệnh số:
06/2025/UBTVQH15
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 3 năm 2025
|
PHÁP LỆNH
QUẢN
LÝ, BẢO VỆ KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Quản
lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Pháp lệnh này quy định về giữ gìn lâu dài, bảo vệ
tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo vệ các công trình,
khu vực và tổ chức các hoạt động trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức,
cá nhân trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 2. Khu Di tích Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh
1. Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là các
công trình, khu vực có giá trị chính trị, lịch sử - văn hóa, quốc phòng, an
ninh đặc biệt của quốc gia bao gồm:
a) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba
Đình;
b) Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc
Sơn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Đài tưởng niệm các Anh hùng
liệt sĩ);
c) Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc
huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (sau đây gọi là Khu Di tích K9);
d) Công trình hỗ trợ, phục vụ
giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Phạm vi, ranh giới các công trình, khu vực tại
khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Chính phủ và pháp luật có liên
quan.
Điều 3. Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ
Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi
hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Quản lý, bảo vệ các công trình, khu vực trong
Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Quản lý, tổ chức, bảo vệ các hoạt động trong Khu
Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý, bảo
vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Tuân thủ Hiến
pháp, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với điều ước
quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm lợi
ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt của Đảng
Cộng sản Việt Nam; sự quản lý thống nhất của Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng
Chính phủ; sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của
cả hệ thống chính trị, trong đó Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là lực lượng
nòng cốt.
4. Bảo đảm tính khoa học, tính lịch sử, thể hiện được
phong cách trong sáng, giản dị, gần gũi Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5. Kết hợp quản lý, bảo vệ với phát huy ý nghĩa
chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tuyên
truyền về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước
về quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà nước có chính sách đặc biệt nhằm phát huy ý
nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa, quốc phòng, an ninh của Khu Di tích Lăng Chủ
tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
1. Ưu tiên bảo đảm, phát triển nguồn nhân lực, kinh
phí, cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị y tế, kỹ thuật để bảo đảm giữ gìn
lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và an ninh, an
toàn trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
2. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ
tiên tiến, hiện đại trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh;
3. Xây dựng và ban hành chế độ, chính sách phù hợp
có tính đặc thù, ưu tiên cho lực lượng quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan
nhà nước trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản
lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Bộ Quốc phòng là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ
thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh và thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Pháp lệnh này.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ
Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di
tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ
quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 7. Hợp tác quốc tế về quản
lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Hoạt động y tế - kỹ thuật; bảo đảm môi trường vi
khí hậu giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng
dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt
đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, vận hành, nâng cấp hệ thống
thiết bị kỹ thuật, tôn tạo kiến trúc công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và
các công trình khác trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực
chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong thực
hiện nghi lễ, thông tin, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động chính trị, văn
hóa, bảo đảm an ninh, an toàn.
5. Các nội dung hợp tác quốc tế khác trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Gây nguy hiểm, đe dọa xâm hại đến an ninh, an toàn,
hoạt động trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Chống lại hoặc cản trở hoạt động thực thi nhiệm
vụ của lực lượng quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Gây mất an ninh, trật tự; tụ tập đông người trái
pháp luật tại khu vực, mục tiêu bảo vệ trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
4. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ quản
lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để vi phạm pháp luật, xâm phạm
lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
5. Làm hư hỏng, phá hủy công trình, khu vực trong
Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang
thiết bị, phương tiện phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh.
6. Làm lộ thông tin bí mật liên quan đến quản lý, bảo
vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương II
GIỮ GÌN LÂU DÀI, BẢO VỆ
TUYỆT ĐỐI AN TOÀN THI HÀI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 9. Hoạt động y tế - kỹ thuật
giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Thực hiện Công nghệ ướp bảo quản phục vụ thăm viếng
thường xuyên.
2. Công tác kỹ thuật, bảo đảm môi trường vi khí hậu.
3. Bảo đảm cơ sở hạ tầng, vật tư, hóa chất.
4. Bộ Quốc phòng ban hành hoặc trình cấp có thẩm
quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công nghệ giữ gìn lâu dài, bảo
vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 10. Hoạt động khoa học và
công nghệ trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ
Chí Minh
1. Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ trong
giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Nghiên cứu đánh giá, quản lý, dự báo tác động của
các yếu tố bất lợi đối với thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và giải pháp khắc phục;
b) Nghiên cứu, phát triển, thực nghiệm và ứng dụng
công nghệ, giải pháp trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ
tịch Hồ Chí Minh;
c) Dịch vụ khoa học và công nghệ trong giữ gìn lâu
dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh;
d) Các hoạt động phát huy sáng kiến và hoạt động
sáng tạo khác trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch
Hồ Chí Minh.
2. Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ
gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động
thường xuyên, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giúp Thủ tướng Chính
phủ:
a) Tư vấn về hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển
giao, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an
toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Tham gia ý kiến đối với các nội dung hoạt động
khoa học và công nghệ trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài
Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công
nghệ cấp quốc gia phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ
tịch Hồ Chí Minh;
d) Kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ
Chí Minh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh
này;
đ) Các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều 11. Kiểm tra, đánh giá trạng
thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Nội dung kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài
Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên hằng năm;
b) Kiểm tra, đánh giá định kỳ 10 năm hoặc đột xuất.
2. Hội đồng quốc gia kiểm tra, đánh giá trạng thái
thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, có
nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh theo quy định
tại điểm b khoản 1 Điều này để kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về giải
pháp khoa học và công nghệ trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi
hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 12. Bảo đảm an ninh, an
toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Nội dung bảo đảm an ninh, an toàn thi hài Chủ tịch
Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Bảo đảm an ninh, an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí
Minh trong và ngoài thời gian tổ chức lễ viếng;
b) Bảo đảm an ninh, an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí
Minh trong trường hợp cần thiết di chuyển.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy
định chi tiết Điều này.
Chương III
QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÁC CÔNG
TRÌNH, KHU VỰC, HOẠT ĐỘNG TRONG KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Mục 1. QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH,
KHU VỰC TRONG KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 13. Lập hồ sơ quản lý
công trình, khu vực trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Hồ sơ quản lý công trình, khu vực trong Khu Di
tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Bản đồ vị trí công trình, khu vực;
b) Bản đồ địa chính hoặc sơ đồ xác định phạm vi sử
dụng đất, đất có mặt nước kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết
định của cấp có thẩm quyền về việc giao quản lý, sử dụng đất, đất có mặt nước;
c) Bản đồ, sơ đồ, văn bản xác định mốc giới khu vực
cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ
công trình quốc phòng và khu quân sự;
d) Hồ sơ thiết kế, hoàn công công trình theo quy định
của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan. Đối với công trình không
có hồ sơ thiết kế, hoàn công thì lập bản vẽ, sơ đồ hiện trạng;
đ) Hồ sơ xếp hạng di tích với công trình, khu vực
là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
e) Văn bản, tài liệu khác có liên quan.
2. Hồ sơ quản lý công trình, khu vực trong Khu Di
tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xác định độ mật phù hợp với tính chất, loại,
nhóm công trình, khu vực; được lưu trữ, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp
luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về lưu trữ.
3. Bộ Quốc phòng quy định chi
tiết nội dung, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ; Bộ Tư lệnh Lăng Chủ
tịch Hồ Chí Minh thực hiện lập và quản lý hồ sơ các công trình, khu vực trong
Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 14. Quản lý, bảo đảm kỹ
thuật công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ
Chí Minh được bảo quản, bảo trì thường xuyên và định kỳ theo đúng chế độ, tiêu
chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm an toàn để duy trì khả năng sử dụng
theo công năng, nhiệm vụ.
2. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và công
trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch
Hồ Chí Minh được bảo đảm kỹ thuật thường xuyên.
3. Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng
niệm các Anh hùng liệt sĩ được bảo dưỡng định kỳ trong thời gian nghỉ viếng hằng
năm quy định tại khoản 3 Điều 17 của Pháp lệnh này.
4. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến,
hiện đại trong thay thế, nâng cấp hệ thống kỹ thuật của công trình Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh và công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an
toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5. Chính phủ quy định chi tiết
nội dung, biện pháp quản lý, bảo đảm kỹ thuật công trình trong Khu Di tích Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 15. Quản lý cảnh quan, kiến
trúc, hoạt động xây dựng và bảo vệ môi trường trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ
Chí Minh
1. Cảnh quan, kiến trúc, hoạt động xây dựng và bảo
vệ môi trường trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được quản lý
theo quy hoạch; bảo đảm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị chính trị, lịch sử -
văn hóa; tạo lập không gian xanh, không gian ngầm, không gian cảnh quan khu vực.
2. Việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, đầu tư xây
dựng công trình phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch chi tiết xây dựng, tôn
trọng thiết kế, kiến trúc ban đầu đối với từng công trình thuộc Khu Di tích
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quy định sau đây:
a) Đối với việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp công
trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định của
pháp luật chuyên ngành;
b) Đối với việc đầu tư xây dựng công trình trong
Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định
hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với cảnh
quan, không gian khu vực;
c) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến,
hiện đại trong tôn tạo, nâng cấp kiến trúc, công trình trong Khu Di tích Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo đảm tính lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và bền vững.
3. Quản lý cảnh quan và bảo vệ môi trường Khu Di
tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quy định như sau:
a) Thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn
với yếu tố tự nhiên, lịch sử, văn hóa Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Duy trì, bảo tồn, bổ sung phát triển các loài cây, hoa có nguồn gen quý hiếm,
có tính lịch sử, văn hóa trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Hoạt động trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh bảo đảm không gian văn hóa và vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp,
khang trang;
c) Thường xuyên quan trắc môi trường Khu Di tích
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Điều 16. Công trình hỗ trợ, phục
vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo
vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được quản lý theo quy hoạch,
kế hoạch được phê duyệt; bảo đảm bí mật, an toàn, đúng mục đích.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy
định chi tiết Điều này.
Mục 2. QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC CÁC
HOẠT ĐỘNG TRONG KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 17. Lễ viếng Chủ tịch Hồ
Chí Minh
1. Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Lễ viếng cấp Nhà nước của
Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam; Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
b) Lễ viếng của khách cấp cao
nước ngoài theo quy định của pháp luật về nghi lễ đối ngoại;
c) Lễ viếng thường xuyên của Nhân dân và khách quốc
tế.
2. Hằng tuần, lễ viếng thường
xuyên được tổ chức vào buổi sáng các ngày: Thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và
Chủ nhật. Ngày thứ Hai và thứ Sáu nghỉ viếng. Các ngày sau đây nếu trùng vào thứ
Hai hoặc thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng thường xuyên:
a) Mồng Một Tết Âm lịch (ngày 01 tháng Giêng âm lịch);
b) Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
c) Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19 tháng 5
dương lịch);
d) Ngày Quốc khánh (ngày 02 tháng 9 dương lịch).
3. Hằng năm, không tổ chức lễ viếng một đợt từ 02 đến
03 tháng để làm công tác y tế giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo
dưỡng định kỳ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng
liệt sĩ; thời gian cụ thể Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định
và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường hợp
ngừng tổ chức lễ viếng khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định theo đề nghị
của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Lễ viếng cấp Nhà nước được
tổ chức vào các dịp sau đây:
a) Tết Âm lịch;
b) Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
(ngày 03 tháng 02 dương lịch);
c) Kỷ niệm Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương
lịch);
d) Kỷ niệm năm tròn Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
(ngày 07 tháng 5 dương lịch);
đ) Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19
tháng 5 dương lịch);
e) Kỷ niệm Ngày Thương binh -
Liệt sĩ (ngày 27 tháng 7 dương lịch);
g) Kỷ niệm Ngày Quốc khánh
(ngày 02 tháng 9 dương lịch);
h) Đại hội Đại biểu toàn quốc
của Đảng Cộng sản Việt Nam;
i) Kỳ họp Quốc hội.
5. Chính phủ quy định chi tiết
điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 18. Lễ tưởng niệm các Anh
hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
1. Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ được tổ chức
tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ bao gồm:
a) Lễ tưởng niệm cấp Nhà nước
của Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam; Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện trong các dịp quy định tại khoản 4 Điều 17 của Pháp lệnh này;
b) Lễ tưởng niệm của khách cấp
cao nước ngoài theo quy định của pháp luật về nghi lễ đối ngoại;
c) Lễ tưởng niệm thường xuyên của Nhân dân và khách
quốc tế được tổ chức tất cả các ngày trong tuần.
2. Chính phủ quy định chi tiết
điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 19. Nghi lễ thượng cờ, hạ
cờ quốc gia
1. Nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia được tổ chức hằng
ngày trên Quảng trường Ba Đình.
2. Thời gian tổ chức nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc
gia như sau:
a) Từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10: Lễ thượng
cờ vào thời điểm 06 giờ 00 phút; từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm
sau: Lễ thượng cờ vào thời điểm 06 giờ 30 phút;
b) Lễ hạ cờ vào thời điểm 21 giờ 00 phút.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy
định chi tiết việc tổ chức nghi lễ thượng cờ, hạ cờ quốc gia.
Điều 20. Sinh hoạt chính trị,
văn hóa tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Sinh hoạt chính trị, văn hóa của cơ quan, tổ chức,
cá nhân thực hiện tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: Lễ báo
công, lễ tuyên thệ xuất quân, lễ rước đuốc, lễ kết nạp Đảng viên, lễ kết nạp
Đoàn viên, lễ hứa quyết tâm, lễ trao thưởng, lễ trao bằng tốt nghiệp và các
hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Nội dung sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Khu Di
tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo
trang nghiêm, lịch sự, không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không ảnh
hưởng đến an ninh, an toàn, trật tự, cảnh quan, môi trường, hoạt động của cơ
quan, đơn vị trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 21. Các hoạt động chính
trị, văn hóa tại Khu Di tích K9
1. Lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng
niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Sinh hoạt chính trị, văn hóa quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh này.
Điều 22. Tuyên truyền, phát
huy ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh
1. Nội dung tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị,
lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức,
phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an
toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh;
c) Lịch sử thiết kế, xây dựng, quản lý, bảo vệ các
công trình trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
d) Ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di
tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Hình thức tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính
trị, lịch sử - văn hóa của Khu. Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Tuyên truyền thông qua đón tiếp, phục vụ Nhân
dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh hoạt chính trị, văn
hóa tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Tuyên truyền trực tiếp qua hệ thống thông tin, bảng
hiệu, chỉ dẫn tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
c) Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại
chúng và không gian mạng;
d) Biên soạn sách, tài liệu, ấn phẩm, làm phim về
Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
đ) Tặng tượng Bác Hồ, huy hiệu Bác Hồ, sách, văn
hóa phẩm, vật phẩm lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh;
e) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp
luật.
Mục 3. BẢO VỆ AN NINH, AN TOÀN
KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 23. Mục tiêu, phạm vi bảo
vệ
1. Mục tiêu bảo vệ bao gồm:
a) Các công trình, khu vực quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này;
b) Các hoạt động chính trị, văn hóa trong Khu Di tích
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Phạm vi bảo vệ đối với từng công trình, khu vực
trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định của pháp luật
chuyên ngành.
Điều 24. Hình thức bảo vệ
1. Tổ chức lực lượng công khai bảo vệ.
2. Kết hợp hoạt động công khai với hoạt động bí mật
để thực hiện công tác bảo vệ.
Điều 25. Biện pháp bảo vệ
1. Canh gác vũ trang kết hợp với tuần tra khu vực.
2. Tổ chức trinh sát nắm, thu thập thông tin vòng
ngoài.
3. Kiểm tra, giám sát an ninh, an toàn đối với người,
phương tiện, đồ vật, vật phẩm để phát hiện chất nổ, chất cháy, chất độc sinh học,
chất độc hóa học, chất phóng xạ và vật nguy hiểm khác mang vào khu vực.
4. Các biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn khác theo
quy định của pháp luật.
Điều 26. Nội dung bảo vệ
1. Nội dung bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh bao gồm:
a) Bảo vệ, phòng chống các hành vi xâm hại đến các
công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động chính
trị, văn hóa được tổ chức tại Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
c) Bảo đảm an toàn về người, vũ khí, công cụ hỗ trợ,
phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và cơ sở vật chất trong quản lý, bảo vệ Khu Di
tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
d) Xây dựng địa bàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ
Chí Minh bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.
Chương IV
LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ
KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 27. Thành phần lực lượng quản
lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: Sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, hạ
sĩ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công
nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công
nhân và viên chức quốc phòng) và lao động hợp đồng thuộc Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng.
2. Lực lượng phối hợp quản lý, bảo vệ Khu Di tích
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc
phòng, lao động hợp đồng thuộc các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng có liên
quan đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân
và công nhân công an thuộc các cơ quan, đơn vị trong Bộ Công an có liên quan đến
nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
c) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc
cơ quan, đơn vị trong các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến nhiệm vụ quản
lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 28. Chức năng, nhiệm vụ của
lực lượng quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
2. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phối hợp quản
lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định của
pháp luật có liên quan và sự phân công của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 29. Tiêu chuẩn đối với
người được tuyển chọn, tuyển dụng vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu
Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam, đáp ứng
các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về sĩ quan quân đội, quân nhân
chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, nghĩa vụ quân sự; pháp luật về
cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan có thể
được tuyển chọn, tuyển dụng vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Tiêu chuẩn cụ thể đối với
người được tuyển chọn, tuyển dụng vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu
Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Chương V
NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM VÀ CHẾ
ĐỘ, CHÍNH SÁCH TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU DI TÍCH LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Điều 30. Kinh phí bảo đảm cho
quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho quản lý, bảo vệ Khu
Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước;
b) Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của
pháp luật.
2. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho quản lý, bảo vệ
Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước và pháp luật có liên quan.
3. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện
các nhiệm vụ sau:
a) Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi
hài Chủ tịch Hồ Chí Minh;
b) Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị kỹ
thuật các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
c) Bảo đảm an ninh, an toàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh;
d) Đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính
trị, lịch sử - văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;
đ) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển
đổi số trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 31. Chế độ, chính sách đối
với lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Người thuộc lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu
Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hưởng chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ
cấp, các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật và các chế độ phụ
cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ phù hợp với tính chất nhiệm vụ theo quy định của
Chính phủ.
2. Ưu tiên thu hút, tuyển chọn, tuyển dụng người có
tài năng, nhà khoa học có chuyên môn sâu, học viên, sinh viên tốt nghiệp loại
xuất sắc và có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 29 của Pháp lệnh
này vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
3. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32. Hiệu lực thi hành
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng
5 năm 2025./.
____________________________________________________________________________
Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua ngày 13 tháng 3 năm 2025.
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG
VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Trần Thanh Mẫn
|