Kính
gửi: Bộ Y tế
Thời gian qua Bảo hiểm xã hội
(BHXH) Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh của BHXH các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, thanh
toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) do nhiều cơ sở KCB thay
đổi mô hình, tổ chức bộ máy, phân công KCB và đăng ký hành nghề KCB chưa phù hợp
với các quy định hiện hành, cụ thể như sau:
1. Người hành
nghề được phân công KCB ngoài phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ
hành nghề và quyết định bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn, không đúng quy định
tại khoản 3 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12
và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể là:
a) Trưởng khoa lâm sàng tổ chức
theo hình thức liên khoa có phạm vi hoạt động chuyên môn theo chứng chỉ hành
nghề chỉ phù hợp với một trong những chuyên khoa tại liên khoa đó hoặc Trưởng
khoa lâm sàng là giảng viên của Trường đại học, chỉ làm việc bán thời gian tại
bệnh viện, không đủ điều kiện quy định tại tại khoản 5 Điều 11
Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung
một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của Bộ Y tế.
b) Bác sỹ có phạm vi hoạt động
chuyên môn là chuyên khoa Nội hoặc Ngoại hoặc Y học cổ truyền, có chứng chỉ/chứng
nhận học thêm về chuyên khoa khác nhưng chưa được bổ sung phạm vi hoạt động
chuyên môn, được Giám đốc bệnh viện phân công KCB đối với các bệnh thuộc chuyên
khoa chưa được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn kể cả các chuyên khoa sâu
như Nội tiết, Da liễu, Tai - Mũi - Họng.
c) Điều 5 Thông
tư số 35/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 của Bộ Y tế quy định người hành nghề
là bác sỹ y học dự phòng được “khám, phát hiện và xử trí các bệnh thông thường”
nhưng chưa có quy định về “các bệnh thông thường”; Công văn số 2737/BYT-BH ngày
19/5/2020 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Thông tư số 35/2019/TT-BYT có nêu
“các bệnh được chẩn đoán và điều trị bằng các kỹ thuật chuyên môn quy định tại
Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 35/2019/TT-BYT là các bệnh lý thông thường”
là chưa phù hợp với quy định tại Thông tư nêu trên.
d) Y sỹ, Điều dưỡng có phạm vi
hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề là “Thực hiện phạm vi hoạt
động theo chuyên môn theo quy định tại Thông tư số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày
07/10/2015” được Giám đốc bệnh viện phân công thực hiện các dịch vụ kỹ thuật
Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng hoặc Y học cổ truyền cho người bệnh sau
khi có chứng chỉ, chứng nhận đào tạo về Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng hoặc
Y học cổ truyền.
đ) Chứng chỉ đào tạo không xác
định được các kỹ thuật chuyên môn mà người hành nghề được thực hiện, ví dụ chứng
chỉ đào tạo ghi đã hoàn thành khóa học theo chương trình đào tạo liên tục
"Kiến thức và kỹ năng cơ bản về chuyên khoa Mắt", "Phẫu thuật Nội
soi cơ bản".
2. Đăng tải
thông tin người hành nghề, thời gian đăng ký hành nghề KCB, ghi phạm vi hoạt động
chuyên môn của người hành nghề trên chứng chỉ hành nghề không đúng quy định, cụ
thể là:
a) Danh sách người hành nghề tại
cơ sở KCB không được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc
Trang thông tin điện tử của Sở Y tế theo quy định tại khoản 3 Điều
15 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP, Công văn số 879/BYT-BH ngày 24/02/2020 của
Bộ Y tế và Công văn số 323/KCB-QLHN ngày 19/03/2020 của Cục Quản lý khám, chữa
bệnh.
b) Thời gian đăng ký hành nghề
KCB không đúng quy định tại khoản 7 Điều 12 Nghị định số
109/2016/NĐ-CP; không ghi cụ thể giờ trong ngày, ngày trong tuần theo quy định
tại điểm b khoản 2 Điều 13 Nghị định số 109/2016/NĐ- CP hoặc
ghi toàn bộ thời gian trong ngày, toàn bộ các ngày trong tuần, không đúng quy định
của pháp luật về thời gian làm việc.
c) Thời gian làm việc ghi trên
Giấy phép hoạt động của cơ sở KCB không đúng hướng dẫn trong mẫu tại Phụ lục 21
ban hành kèm theo Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế hướng
dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động
đối với cơ sở KCB và tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định số
109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối
với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB. Ví dụ: Sở
Y tế tỉnh Bình Định cấp Giấy phép hoạt động KCB cho Phòng khám đa khoa Thành
Long, số 614/SYT-GPHĐ ngày 18/02/2018, mục “Thời gian làm việc hằng ngày” ghi
“Theo Phụ lục đính kèm” nhưng Phụ lục đính kèm là danh sách người hành nghề, đồng
thời thời gian làm việc của người hành nghề ghi “Toàn thời gian” hoặc “Ngoài giờ
hành chính”.
d) Phạm vi hoạt động chuyên môn
ghi trên chứng chỉ hành nghề là tên các dịch vụ kỹ thuật người hành nghề được
thực hiện, không ghi theo các nhóm chuyên khoa hướng dẫn tại Phụ lục 4b ban
hành kèm theo Thông tư 41/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc
quy định tại Thông tư số 35/2019/TT-BYT. Ví dụ Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cấp chứng
chỉ hành nghề ghi phạm vi hoạt động chuyên môn là “Khám, chữa bệnh đa khoa, nội
soi tiêu hóa, nội soi Tai Mũi Họng”.
3. Cơ sở khám
chữa bệnh thay đổi phạm vi hoạt động, quy mô giường bệnh nhưng không thay đổi
giấy phép hoạt động theo quy định tại khoản 3, Điều 44 Luật
KCB số 40/2009/QH12, cụ thể là:
a) Bệnh viện đa khoa tuyến huyện
sau khi được cấp có thẩm quyền điều chỉnh sáp nhập các khoa với nhau không còn
đủ điều kiện là bệnh viện đa khoa theo quy định tại khoản 5 Điều
11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, nhưng chưa điều chỉnh Giấy phép hoạt động. Ví
dụ: Bệnh viện đa khoa khu vực ATK (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) sau khi điều chỉnh
sáp nhập các khoa chỉ còn 2 khoa gồm Khoa Khám bệnh - Hồi sức cấp cứu - Cận lâm
sàng - Dược và Khoa Nội - Ngoại - Sản - Nhi - Truyền nhiễm.
b) Bệnh viện thay đổi quy mô
giường bệnh nhưng không được cấp lại giấy phép hoạt động, nhất là bệnh viện tư
nhân kê thêm nhiều giường bệnh so với số giường được phê duyệt.
4. Tổ chức các
khoa chuyên môn của cơ sở KCB hoặc phân công người hành nghề KCB không đúng quy
định tại Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1985/1997/QĐ-BYT
ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế, cụ thể là:
a) Cơ sở KCB có hình thức tổ chức
là bệnh viện đa khoa nhưng các khoa lâm sàng vừa có chức năng KCB ngoại trú vừa
điều trị nội trú; các khoa lâm sàng vừa có chức năng KCB ngoại trú vừa thực hiện
xét nghiệm cận lâm sàng; khoa lâm sàng vừa có chức năng KCB ngoại trú vừa điều
trị nội trú vừa thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng và thực hiện công tác dược, vật
tư y tế; bệnh viện không có Khoa khám bệnh riêng mà khám bệnh ngoại trú tại các
khoa điều trị nội trú; các khoa lâm sàng không điều trị nội trú mà chỉ có các
bàn khám chuyên khoa. Ví dụ:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum
ban hành quyết định tổ chức "Khoa Khám bệnh - Cấp cứu - Hồi sức tích cực
và Chống độc - Răng hàm mặt - Mắt - Tai mũi họng" tại Trung tâm Y tế
huyện Tu Mơ Rông; "Khoa Khám bệnh - Nội - Nhi - Truyền nhiễm - Chăm sóc
sức khỏe sinh sản và Phụ sản" tại Trung tâm Y tế huyện Ia H'Drai...; Sở
Y tế tỉnh Sơn La ban hành quyết định tổ chức "Khoa Khám bệnh - Y học cổ
truyền và Phục hồi chức năng" tại Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn -
Sơn La, có giường bệnh nội trú;
- Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế
quy định chức năng và nhiệm vụ của "Khoa Khám bệnh - Cận lâm sàng"
của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh gồm khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng
và chẩn đoán hình ảnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên
Quang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bệnh viện
Phục hồi chức năng Hương Sen có "Khoa Khám bệnh - Cấp cứu hồi sức - Cận
lâm sàng - Dược - Vật tư, thiết bị y tế và Xưởng sản xuất dụng cụ trợ giúp,
có chức năng, nhiệm vụ điều trị, khám bệnh, cấp cứu hồi sức, thực hiện cận lâm
sàng, công tác dược, vật tư thiết bị y tế, sửa chữa, sản xuất dụng cụ chỉnh
hình phục vụ người bệnh;
- Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn tại Trung tâm y tế Vietsovpetro gồm
các khoa Hồi sức cấp cứu - Thận nhân tạo, Khoa Nội, Khoa Nhi - Da liễu, Khoa
Ngoại - Sản, Khoa Liên chuyên khoa…, trong đó các Khoa Nhi - Da liễu, Khoa Liên
chuyên khoa chỉ có các bàn khám ngoại trú, không có giường điều trị nội trú.
Tuy nhiên, Bệnh viện không tổ chức các khoa theo quyết định phê duyệt mà bố trí
toàn bộ giường điều trị nội trú vào một khu vực.
b) Giám đốc bệnh viện quyết định
thành lập các Trung tâm trực thuộc bệnh viện và thành lập các “Đơn vị” hoặc các
“Khoa” thuộc Trung tâm có chức năng, phạm vi chuyên môn tương tự các Khoa thuộc
bệnh viện. Bộ Y tế chưa quy định hình thức tổ chức này và không xác định được
Trung tâm tương ứng với Khoa liên chuyên khoa hay mỗi “Đơn vị” hoặc “Khoa” thuộc
Trung tâm tương ứng với Khoa thuộc bệnh viện để thanh toán theo quy định tại
Thông tư số 39/2018/TT-BYT .
c) Phân công người hành nghề thực
hiện KCB tại nhiều khoa lâm sàng và cận lâm sàng, ví dụ Sở Y tế Hòa Bình phê
duyệt danh sách đăng ký người hành nghề KCB tại Trung tâm y tế huyện Lạc Thủy
có vị trí chuyên môn “Bác sĩ - Giám đốc - Chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật
của Trung tâm y tế” được phân công khám chữa bệnh tại 06 khoa gồm: Khoa
Khám bệnh; khoa Hồi sức cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Phẫu thuật -
Gây mê hồi sức; khoa Nội; khoa Răng hàm mặt - Mắt - Tai Mũi họng; khoa Xét nghiệm
và Chẩn đoán hình ảnh".
d) Phân công người hành nghề tại
khoa điều trị nội trú khám bệnh tại Khoa khám bệnh theo buổi hoặc theo ngày
trong tuần, không đúng quy định tại khoản 2 Mục I Quy chế công
tác khoa khám bệnh của Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số
1985/1997/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
5. Bệnh viện
công lập không được xếp hạng lại sau 5 năm (đủ 60 tháng) kể từ ngày có quyết định
xếp hạng theo quy định tại khoản 4 điểm A mục II Thông tư số
23/2005/TT-BYT ngày 25/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế
hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế.
6. Thông tư số
39/2018/TT-BYT không hướng dẫn thanh toán tiền giường tại
Nhà hộ sinh, chưa có văn bản quy định giường tại nhà hộ sinh là giường lưu hay
giường điều trị nội trú.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị
Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn các vấn đề nêu trên để các cơ sở KCB và các cơ
quan có liên quan thống nhất thực hiện đúng các quy định của pháp luật về KCB
và thanh toán BHYT. Trường hợp đến ngày 10/5/2023 Bộ Y tế không có văn bản hướng
dẫn giải quyết, cơ quan BHXH không có cơ sở thanh toán chi phí KCB BHYT đối với
các tình huống chưa được pháp luật quy định cụ thể hoặc chưa rõ ràng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Sở y tế các tỉnh, TP;
- BHXH các tỉnh, TP;
- Ban CSYT;
- Lưu: VT, GĐĐT.
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Nguyễn Đức Hòa
|