BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1110/QĐ-BTTTT
|
Hà Nội,
ngày 02 tháng 7 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT KẾ HOẠCH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MẠNG VIỄN THÔNG DI ĐỘNG VIỆT NAM ĐẾN
NĂM 2025
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 24 tháng
11 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 48/2022/NĐ-CP ngày
26 tháng 7 năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày
11 tháng 1 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền
thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050;
Căn cứ Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày
15 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành
chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn
thông.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch
nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025” (sau
đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động của Việt
Nam nói chung và triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G nói riêng, cải thiện rõ
rệt trải nghiệm sử dụng dịch vụ của người dùng (cá nhân, doanh nghiệp), góp phần
thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2025
2.1. Nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động
của Việt Nam
- Dịch vụ truy nhập Internet 4G: Tốc độ tải xuống
trung bình tối thiểu 40 Mbit/s (kết quả đo kiểm bằng ứng dụng i-Speed tới cấp
quận/huyện, phường/xã).
- Hoàn thành phủ sóng các thôn/bản còn trắng
sóng, lõm sóng băng rộng di động đã có điện lưới quốc gia thuộc khu vực đặc biệt
khó khăn theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 đã
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày
31/12/2021.
- Phủ sóng 100% các khu vực trắng sóng, lõm
sóng băng rộng di động tại các thôn, cụm dân cư đã có điện lưới quốc gia ngoài
khu vực đặc biệt khó khăn theo phản ánh của Sở Thông tin và Truyền thông các Tỉnh/Thành
phố (xác định theo hướng dẫn tại công văn số 1603/BTTTT-CVT ngày 25/4/2024).
- Phủ sóng băng rộng di động 100% các tuyến đường
sắt và đường quốc lộ, tuyến đường cao tốc, 3 tuyến đường sắt đô thị. Đảm bảo
không để mất sóng quá 1km liên tục.
- Ngừng hoàn toàn việc cung cấp dịch vụ điện
thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất chỉ hỗ trợ công nghệ 2G, trừ dịch vụ
tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.
- Dịch vụ truy nhập nội dung video chất lượng
Full HD (độ phân giải 1080p) trên mạng băng rộng di động: Tốc độ tải xuống đạt
tối thiểu 5Mbit/s (95% truy nhập có tốc độ tải xuống đạt yêu cầu).
- Dịch vụ truy nhập nội dung video chất lượng
Ultra HD (độ phân giải 4K) trên mạng băng rộng di động: Tốc độ tải xuống
25Mbit/s (95% truy nhập có tốc độ tải xuống đạt yêu cầu).
2.2. Triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G:
- 100% các tỉnh, thành phố có sóng dịch vụ 5G.
- 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ
thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu
công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có sóng dịch vụ 5G.
- Tốc độ tải xuống dịch vụ truy nhập Internet
5G trung bình tối thiểu 100 Mbit/s tại các khu vực có phủ sóng dịch vụ
(theo kết quả đo kiểm bằng ứng dụng i-Speed).
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tăng cường mở
rộng vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ mạng viễn thông di động
- Tập trung mở rộng vùng phủ sóng, chất lượng
dịch vụ mạng viễn thông di động công nghệ 4G, 5G tại các khu vực trọng điểm:
Khu vực hành chính công; Khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh,
khu du lịch trọng điểm; Cơ sở y tế; Các trường cao đẳng, đại học; Đầu mối
giao thông; Hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy; Trung
tâm thương mại; Khu dân cư phức hợp; Khu vực tập trung đông dân cư;
Các tòa nhà thương mại, khách sạn; Các thị trấn và khu vực trọng điểm ở nông
thôn.
- Triển khai xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
viễn thông thụ động tại địa phương.
- Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng mạng dùng chung giữa
các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật để mở rộng vùng
phủ sóng 4G, 5G cũng như giảm thiểu chi phí đầu tư.
- Thúc đẩy thông tin liên lạc vệ tinh để phủ
sóng các khu vực đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, biên giới, hải đảo, vùng
sâu, vùng xa.
- Đẩy mạnh giám sát và phân tích các chỉ số chất
lượng về trải nghiệm của người sử dụng. Qua đó xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá
trải nghiệm dịch vụ hướng tới nâng cao rõ rệt trải nghiệm dịch vụ của người
dùng.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các ứng
dụng cho 5G phục vụ các khu vực trọng điểm.
2. Tăng cường khả
năng chống chịu và phục hồi của mạng lưới
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong việc
thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, thúc đẩy việc vận hành và bảo trì mạng lưới
thông minh, giám sát trạng thái mạng theo thời gian thực, tự động định vị đẩy
nhanh tốc độ phát hiện và xử lý sự cố, đảm bảo tính ổn định và
liên tục của mạng lưới.
- Xây dựng các trạm gốc có độ an toàn cao,
nâng cao mức độ chống chịu thảm họa của các cơ sở hạ tầng viễn thông ở các khu
vực dễ bị thiên tai, sự cố.
- Đẩy mạnh công tác định kỳ rà soát, tối ưu
hóa hệ thống, đảm bảo tính bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông.
3. Thực thi công tác quản
lý, giám sát, đo kiểm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông di động
- Định kỳ công bố chất lượng dịch vụ của các
doanh nghiệp viễn thông di động theo tỉnh/thành phố, hướng tới cấp quận/huyện,
phường/xã theo kết quả đo kiểm bằng ứng dụng i-Speed.
- Tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch
vụ viễn thông.
4. Thúc đẩy phối hợp, hợp tác
trong nước để phát huy tối đa nguồn lực
- Đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền
thông và các bộ ngành liên quan thúc đẩy sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên
ngành, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Đẩy mạnh hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước
và các doanh nghiệp viễn thông trong việc quy hoạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
- Đẩy mạnh hợp tác từ Trung ương tới địa phương,
giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh,
thành phố trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động.
III. GIẢI PHÁP
1. Tổ chức hiệu quả
công tác quản lý, giám sát, đo kiểm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông
- Đo kiểm, so sánh chất lượng giữa các doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động, hàng tháng công bố xếp hạng chất lượng
(benchmark) theo từng doanh nghiệp, từng tỉnh trên cơ sở công cụ i-Speed để thúc
đẩy doanh nghiệp cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Rà soát cập nhật các quy chuẩn về chất lượng
dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất để đảm bảo nâng
cao chất lượng mạng và dịch vụ.
- Nâng cấp hệ thống i-Speed đảm bảo khả năng
phân tích và thống kê được tốc độ truy cập Internet đến mức quận/huyện, phường/xã.
Thúc đẩy tăng số lượng người dùng cài đặt và sử dụng để tăng mẫu đo tại các địa
phương.
- Công khai, minh bạch thuật toán, điểm đo, mẫu
đo, phương thức đo, phương pháp thống kê đánh giá của ứng dụng i-Speed.
2. Thúc đẩy phối hợp liên
ngành hiệu quả để tối ưu hiệu quả nguồn lực
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy
triển khai sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật (hệ thống truyền dẫn, hành lang an
toàn đường bộ, ...) của tuyến đường bộ cao tốc/quốc lộ, nhà ga/bến cảng/sân bay
quốc tế, đường sắt,...
- Phối hợp với Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp
viễn thông bổ sung yêu cầu kỹ thuật công trình hạ tầng viễn thông trong các tòa
nhà, khu công nghiệp, khu phức hợp, khu công nghệ cao,... vào các quy chuẩn xây
dựng để đạt được thiết kế, xây dựng và nghiệm thu đồng bộ với hạ tầng
viễn thông.
- Phối hợp với Bộ Công thương, Điện lực các tỉnh/thành
phố để đảm bảo nguồn điện cho hạ tầng viễn thông, dùng chung hạ tầng
điện, đặc biệt là cho mạng 5G, các trạm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó
khăn, trên các tuyến đường cao tốc, đường sắt.
- Đối với các hạ tầng giao thông, xây dựng
đã/chuẩn bị đưa vào vận hành khai thác, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ
Xây dựng, Bộ Công thương, Điện lực các tỉnh/thành phố, UBND tỉnh/thành phố hỗ
trợ doanh nghiệp trong việc chia sẻ hạ tầng kỹ thuật sẵn có, bổ sung mới hạ tầng
viễn thông để đảm bảo chất lượng dịch vụ.
3. Tổ chức hiệu quả đấu
giá, phân bổ băng tần
- Khẩn trương hoàn thành đấu giá, phân bổ mới,
cấp lại các tần số cũ (900/1800/2100MHz) phục vụ triển khai dịch vụ 4G, 5G.
4. Tắt sóng công nghệ
cũ, thúc đẩy nâng cấp thiết bị mới
- Thúc đẩy các chương trình thay thế thiết bị
đầu cuối cũ lạc hậu công nghệ 2G, 3G bằng thiết bị đầu cuối thông minh 4G, 5G
cho người dân, tổ chức để nâng cao chất lượng trải nghiệm truy nhập dịch vụ.
- Triển khai tắt sóng 2G.
5. Phát triển hạ tầng kỹ
thuật viễn thông thụ động
- Triển khai xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
viễn thông thụ động tại địa phương.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng
kỹ thuật viễn thông thụ động.
6. Thúc đẩy chia sẻ cơ
sở hạ tầng dùng chung
- Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng dùng chung giữa các
doanh nghiệp để có thể mở rộng vùng phủ sóng, triển khai nhanh chóng mạng 4G,
5G và giảm thiểu chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.
- Thúc đẩy chia sẻ hạ tầng dùng chung liên
ngành giữa viễn thông và các ngành khác.
7. Tổ chức thực hiện
hiệu quả chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích
- Triển khai hiệu quả chương trình cung cấp dịch
vụ viễn thông công ích để phủ sóng các khu vực đặc biệt khó khăn thuộc miền
núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Xóa bỏ các vùng lõm sóng.
- Thực hiện thanh toán cho các doanh nghiệp viễn
thông chi phí cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại các khu vực khó khăn được phổ cập
dịch vụ viễn thông từ 01/01/2021 trở đi đến thời điểm Bộ Thông tin và
Truyền thông tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
theo quy định.
- Đưa quỹ dịch vụ viễn thông công ích vào sử dụng
trong việc phủ sóng di động tại các khu vực trên các tuyến đường cao tốc, quốc
lộ, đường sắt mà doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế
thị trường.
- Hoàn thành đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập tại các khu vực thuộc chương
trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 chưa được phủ sóng băng
rộng di động còn lại trong năm 2024 để các doanh nghiệp triển khai, đảm bảo
theo tiến độ theo Quyết định 2269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày
31/12/2021.
- Bổ sung việc sử dụng công nghệ vệ tinh trong
phủ sóng vùng lõm vào nội dung chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công
ích.
8. Tổ chức hiệu quả
công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
- Thực hiện truyền thông mạnh mẽ về thời điểm
15/9/2024 các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ 2G, thay thế thiết bị đầu cuối,
điện thoại thông minh 4G, 5G tới mọi người dân, mọi tổ chức trên các phương tiện
thông tin đại chúng.
- Thực hiện truyền thông, quảng bá để ứng
dụng i-Speed phổ biến, được người dân biết đến và sử dụng.
- Tổ chức tuyên truyền, hàng tháng công bố
xếp hạng chất lượng (benchmark) theo từng doanh nghiệp, từng tỉnh để thúc đẩy
doanh nghiệp cạnh tranh nâng cao chất lượng dịch vụ.
9. Thúc đẩy sản xuất thiết
bị Việt Nam
- Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước sản xuất
thiết bị 4G, 5G Make in Vietnam để có thể triển khai nhanh chóng, giảm chi phí,
tăng hiệu quả đầu tư hướng tới thương mại hóa mạng 5G trong năm 2024.
- Xây dựng cơ chế ưu tiên cho việc mua sắm các
sản phẩm trong nước, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Điều 2. Tổ chức thực
hiện
1. Cục Viễn thông
- Đầu mối tổng hợp thực hiện kế hoạch; tổ chức
sơ kết việc thực hiện kế hoạch hàng quý và đề xuất sửa đổi, bổ sung
các nội dung của kế hoạch theo tình hình thực tế.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn
vị thuộc Bộ xây dựng các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các
doanh nghiệp trong việc thúc đẩy và quản lý đảm bảo nâng cao chất lượng mạng viễn
thông di động Việt Nam.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị thuộc
bộ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy phối hợp liên ngành; điều phối việc phủ
sóng vùng lõm; chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung; tắt sóng công nghệ cũ, thúc đẩy
nâng cấp thiết bị mới.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn
vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội
dung xây dựng tiêu chí đánh giá trải nghiệm của người sử dụng.
2. Trung tâm Internet Việt Nam
- Chủ trì quản lý, phát triển hệ thống
i-Speed; cung cấp công khai thông tin của hệ thống i-Speed về thuật toán, điểm
đo, mẫu đo, phương thức đo, phương pháp thống kê; truyền thông, quảng bá để phổ
biến i-Speed để người dân biết đến và sử dụng.
- Chủ trì cung cấp các số liệu thống kê trên
Portal cho người dân, các doanh nghiệp, địa phương, Cục Viễn thông và các đơn vị
chức năng khác của Bộ Thông tin và Truyền thông khai thác phục vụ công tác quản
lý chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng dịch vụ.
- Phân quyền cho các doanh nghiệp viễn thông
được tiếp cận dữ liệu gốc thu thập, đánh giá liên quan tới doanh nghiệp của
mình theo các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng dữ liệu để làm
căn cứ cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Phối hợp với Cục Viễn thông, các đơn vị triển
khai các nội dung liên quan theo kế hoạch.
3. Cục Tần số vô tuyến điện
Chủ trì tổ chức hiệu quả đấu giá,
phân bổ băng tần (giải pháp nêu tại mục 3, phần
III, Điều 1 Quyết định này).
4. Vụ Kế hoạch - Tài chính
Chủ trì, phối hợp Quỹ dịch vụ viễn thông
công ích Việt Nam, Cục Viễn thông và các đơn vị liên quan tổ chức thực
hiện hiệu quả chương trình viễn thông công ích (giải pháp nêu tại mục 7, phần III, Điều 1 Quyết định này).
5. Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và
Truyền thông
Chủ trì, phối hợp Cục viễn thông và các
đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất thiết bị Việt Nam (giải
pháp nêu tại mục 9, phần III, Điều 1 Quyết định này).
6. Cục Báo chí
Chủ trì, phối hợp Cục Phát thanh, Truyền
hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin Cơ sở và các đơn vị liên quan thực hiện
nhiệm vụ tổ chức hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức (giải
pháp nêu tại mục 8, phần III, Điều 1 Quyết định này).
7. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh,
thành phố
- Phối hợp với các sở, ngành, doanh
nghiệp viễn thông ở địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch nâng cao chất lượng
mạng di động Việt Nam.
- Chủ động tăng cường phối hợp với
các Sở, ngành liên quan trên địa bàn thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho
các doanh nghiệp viễn thông trong việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông thụ động
với các hạ tầng kỹ thuật khác.
- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy hoạch hạ tầng
kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương. Hoàn thành trong Quý I năm 2025.
8. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông
di động
Các doanh nghiệp viễn thông căn cứ các nội dung tại
Điều 1 Quyết định này chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hành động chi tiết
của doanh nghiệp; Chủ động bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai thực hiện.
Điều 3. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn
phòng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan,
Chủ tịch, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên mạng
thông tin di động mặt đất chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Các doanh nghiệp viễn thông (để t/h);
- Lưu: VT, CVT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Huy Dũng
|