ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2734/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 9 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CHUỖI GIÁ TRỊ CAM, BƯỞI PHÚC TRẠCH, CHÈ TỈNH
HÀ TĨNH, GIAI ĐOẠN 2017-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ
phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Căn cứ Hiệp định tài trợ ký ngày 27/11/2013 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam và Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (TFAD), ký hiệu khoản vay số 1-901-VN,
khoản cấp không số I-C-1458-VN, khoản vốn vay ủy thác số E-21-VN;
Căn cứ Quyết định số 2269/QĐ-UBND ngày
25/7/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt, nội dung văn kiện Dự án “Phát triển nông thôn bền vững
vì người nghèo tỉnh Hà Tĩnh”;
Căn cứ Quyết định số 2287/QĐ-UBND ngày
26/07/ 2013 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban điều phối dự án “Phát triển nông
thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Hà Tĩnh” và dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp
và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh” (SRDP-IWMC); Quyết định số 3198/QĐ-UBND ngày 15/10/2013 của UBND tỉnh về việc
sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 2287/QĐ-UBND ngày 26/07/2013 của
UBND tỉnh; Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 06/1/2017 về việc giao Ban điều phối
dự án SRDP-IWMC Hà Tĩnh thực hiện dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm
giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Hà Tĩnh (RALG)”;
Căn cứ Quyết định số 1227/QĐ-UBND ngày
07/5/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án Phát
triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Hà
Tĩnh (PIM);
Căn cứ Quyết định số 732/QĐ-UBND ngày
21/3/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch hoạt động và ngân sách năm
2017 của dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Hà Tĩnh;
Xét đề nghị của Ban điều phối dự án SRDP-IWMC Hà Tĩnh tại Tờ trình số 206/TTr-PCU ngày 04/8/2017 (Kèm theo Văn bản số 2305/STC-NSHX ngày 04/7/2017 của Sở Tài chính; Văn bản số 1456/SLĐTBXH-VP ngày 06/7/2017 của Sở Lao
động-Thương binh và Xã hội; Văn bản số 816/SCT-KTTCTH ngày 6/7/2017 của Sở Công
Thương; Văn bản số 109/LMHTX ngày 6/7/2017 của Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Văn
bản số 237/VPĐP-ĐPNV ngày 06/7/2017 của Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG
Nông thôn mới; Văn bản số 87/PTNT-KTHT ngày 27/7/2017 của Chi cục Phát triển
nông thôn; Văn bản số 163/QLCL-CB ngày 06/7/2017 của Chi cục quản lý Chất lượng
và Thủy sản),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt kế hoạch hành động chuỗi giá trị Cam, Bưởi Phúc
Trạch, Chè tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2017-2020, với các nội dung sau:
1. Chuỗi giá
trị Cam:
- Mục tiêu nâng cấp chuỗi: Gia tăng giá
trị cho cam Hà Tĩnh, nhất là giá trị gia tăng cho các nông
hộ sản xuất, trên cơ sở kiểm soát tốt về giống, áp dụng các biện pháp canh tác
đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, thúc đẩy tổ chức lại sản
xuất theo hướng tăng cường liên kết trực tiếp giữa nông
dân, doanh nghiệp và thị trường, và phát triển thương hiệu thống nhất cho Cam
Hà Tĩnh.
- Kinh phí được khái
toán: 11.194.150.000 đồng (dự kiến gồm các nguồn vốn từ Dự án SRDP (43%), Ngân
sách địa phương (18%), Chương trình Mục tiêu quốc gia xây
dựng Nông thôn mới (14%) và nguồn vốn của các Doanh nghiệp, nông dân và các
nguồn vốn hợp pháp khác (34%). Trong đó Ngân sách địa
phương được xây dựng dựa trên chính sách hướng dẫn tại Nghị quyết
32/2016/NQ-HĐND ngày 16/7/2015 của UBND tỉnh về việc “Ban
hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn,
xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm
2017-2018”.
- Phạm vi thực hiện: Các xã dự án huyện
Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang, Can Lộc, Cẩm Xuyên.
- Kết quả đầu
ra:
+ Tăng cường năng lực cung ứng giống đạt
chất lượng từ nguồn giống là các cây đầu dòng cam chanh Khe Mây và cam bù Hương
Sơn để đảm bảo khả năng cung ứng tối thiểu là 75% nhu cầu cây giống chất lượng
cao, đưa hai giống này trở thành giống cam chủ đạo trồng
tại Hà Tĩnh.
+ Phát triển nhãn hiệu chứng nhận thống
nhất cho cây cam trên toàn tỉnh dựa trên hai nhãn hiệu chính là Cam bù Hương Sơn
(qua mở rộng mô tả vùng sản xuất bao gồm cả các diện tích
cam bù tại Vũ Quang) và Cam Khe Mây (với tất cả diện tích cam trên chanh ở các
huyện trọng điểm - trừ vùng cam đã được đăng ký bảo hộ trong nhãn hiệu chứng nhận Cam Thượng Lộc);
+ Hình thành
Hiệp hội cam Hà Tĩnh, với các hội thành viên là Hội cam tại các huyện trọng
điểm phát triển cam như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang (trên cơ sở tổ chức lại
Hội cam Vũ Quang), Can Lộc, và Cẩm Xuyên; nâng cao năng lực cho Hiệp hội cam Hà
Tĩnh để có đủ năng lực quản lý nhãn hiệu chứng nhận và đàm phán với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa
hàng về hợp đồng tiêu thụ;
+ Nâng cao năng lực sơ chế và bảo
quản để tăng khả năng bảo quản, kéo dài thời gian tiêu thụ
sản phẩm cam Hà Tĩnh;
+ Nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn
thực phẩm cho cam Hà Tĩnh thông qua (i) thường xuyên phổ biến kiến thức kỹ thuật về sâu bệnh; (ii) áp dụng quy trình canh tác theo VietGAP;
2. Chuỗi giá trị Bưởi Phúc Trạch:
- Mục tiêu nâng cấp chuỗi: Gia tăng giá
trị thông qua thúc đẩy mở rộng diện tích theo quy hoạch (đến 2.200 ha) và nâng
cao chất lượng, giá trị thương hiệu cho Bưởi Phúc Trạch;
- Kinh phí được khai toán: 8.387.350.000
đồng (dự kiến gồm các nguồn vốn từ Dự án SRDP (28%), Ngân sách địa phương
(18%); Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (27%) và nguồn vốn của các Doanh nghiệp, nông dân và các nguồn vốn hợp pháp khác (27%).
Trong đó Ngân sách địa phương được xây dựng dựa trên chính sách hướng dẫn tại Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND ngày
16/7/2015 của UBND tỉnh về việc “Ban hành quy định một số chính sách khuyến
khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang
đô thị Hà Tĩnh năm 2017-2018”;
- Phạm vi thực hiện: Các xã dự án theo
chỉ dẫn địa lý của sản phẩm Bưởi Phúc Trạch;
- Kết quả đầu ra:
+ Cải thiện năng lực cung ứng giống để
đảm bảo giảm thiểu sử dụng nguồn giống do nông hộ tự chiết cành, chỉ sử dụng giống
ghép mắt từ cây S1 được sản xuất bởi Trại giống Bưởi Phúc
Trạch và các cơ sở cung ứng giống được công nhận;
+ Nâng cao năng lực cho Hội Sản xuất và
Kinh doanh Bưởi Phúc Trạch để đảm bảo Hội thực hiện chức năng kiểm soát chỉ dẫn
địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, đầu mối quản lý truy xuất
nguồn gốc; đồng thời làm trung gian để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với
các phân khúc thị trường bậc cao. Hướng đến (i) chỉ có Bưởi
Phúc Trạch loại 1 được dán nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, tiêu thụ ở các phân
khúc thị trường cao cấp; (ii) bưởi kém chất lượng hoặc bưởi có nguồn gốc không
phải từ khoanh vùng chỉ dẫn địa lý thì không được ‘trà trộn’ vào Bưởi Phúc Trạch;
+ Hỗ trợ áp dụng
quy trình canh tác Bưởi Phúc Trạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích tối
thiểu là 200 ha;
3. Chuỗi giá trị Chè:
- Mục tiêu nâng cấp chuỗi: góp phần
thực hiện Quy hoạch phát triển chè công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 thông qua
thực hiện song song các hướng đi (i) mở rộng diện tích canh tác bền vững; (ii)
mở rộng năng lực chế biến; (iii) phát triển thị trường, gồm
cả thị trường nội địa và thị trường trong nước;
- Kinh phí được khái toán: 34.817.150.000 VNĐ (dự kiến gồm các nguồn vốn từ Dự án SRDP
(21%), Ngân sách địa phương (12%); Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới
(15%) và nguồn vốn của các Doanh nghiệp, nông dân và các nguồn vốn hợp pháp
khác (52%). Trong đó Ngân sách địa phương được xây dựng dựa trên chính sách
hướng dẫn tại Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND ngày 16/7/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh
về việc “Ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông
nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm
2017-2018”;
- Phạm vi thực hiện: Các xã dự án thuộc
huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và Kỳ Anh;
- Kết quả đầu ra:
+ Hỗ trợ canh tác bền vững trên diện tích
700ha (khoảng 20% diện tích chè công nghiệp theo quy hoạch của tỉnh) gồm:
• 250 ha gồm trồng mới trong vùng quy
hoạch phát triển chè công nghệ cao của tỉnh, sử dụng giống chất lượng; thực hiện
quy trình canh tác bền vững đạt tiêu chuẩn VietGAP;
• Hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP trên
450 ha chè công nghiệp đang ở chu kỳ kinh doanh;
+ Hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến chất
lượng cao theo cơ chế đầu tư hợp tác công tư thông qua đầu tư dây chuyền chế biến đạt chứng nhận thực hành chế biến tốt GMP với công suất
khoảng 8-10 tấn chè búp tươi/ngày (khoảng 500-600 tấn chè búp khô/năm);
+ Nâng cao năng lực marketing cho các
doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị: gồm xây dựng
website, xây dựng thương hiệu đăng ký cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi
giá trị.
Điều 2. Ban
điều phối dự án SRDP-IWMC Hà Tĩnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các huyện,
xã triển khai dự án SRDP và các đơn vị liên quan triển khai kế
hoạch hành động chuỗi giá trị Cam, Bưởi Phúc Trạch, Chè tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn
2017-2020 kèm theo Quyết định này.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu
phát sinh các khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung Ban điều phối dự án
SRDP-IWMC Hà Tĩnh có trách nhiệm lấy ý kiến các đơn vị liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực từ ngày ban hành;
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; UBND các huyện/xã triển khai dự án
SRDP; Giám đốc Ban điều phối Dự án SRDP-IWMC Hà Tĩnh; Nhóm
hỗ trợ dự án huyện; Ban quản lý dự án 50 xã dự án SRDP và Thủ trưởng các đơn vị
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn;
- Chánh Văn phòng, PVP Nguyễn Duy Nghị;
- Lưu VT, TH1.
Gửi: Văn bản giấy (12b) và điện tử.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Sơn
|