BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4939/BNN-KH
V/v trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp
thứ 3, Quốc hội khóa XV
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 7 năm 2022
|
Kính
gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương do Văn phòng Chính
phủ chuyển đến theo công văn số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23 tháng 6 năm 2022, nội
dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị (Câu số
86):
a) Đề nghị nghiên cứu trình
Quốc hội hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với
từng vùng miền; có chính sách ưu đãi đặc thù đối với các địa phương nâng cấp đô
thị lên thị xã, thành phố; quy hoạch sử dụng đất ở đáp ứng nhu cầu thực tế của
người dân cả nước, tránh lãng phí đất đai.
b) Đề nghị sớm ban hành các
tiêu chí cụ thể xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai
đoạn 2021 - 2025, đồng thời có chính sách hỗ trợ kinh phí để thực hiện; chỉ đạo
các bộ, ngành, địa phương nâng mức giá tối đa sản phẩm dịch vụ công ích thủy
lợi trong điều kiện giá điện, giá xăng dầu tăng cao; tăng cường đa dạng, mở
rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa để không bị lệ thuộc vào các thị trường
truyền thống.
Bộ Nông nghiệp và PTNT xin
trả lời như sau:
1. Để phát triển sản
xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, không ngừng nâng cao năng
suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, tham gia ngày càng
sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều
chính sách, giải pháp, trong đó có giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách
về nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể như sau:
a) Công tác rà soát, hoàn thiện
hệ thống văn bản pháp luật để huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp,
nông thôn được đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2016 - 2021, Quốc hội đã ban hành 6
Luật, Chính phủ ban hành 62 Nghị định trực tiếp về nông nghiệp, nông thôn; đến nay,
hệ thống pháp luật về nông nghiệp và PTNT được xây dựng đầy đủ, cơ bản hoàn thiện
với 10 Luật[1] và hơn 400 văn
bản dưới luật bao phủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực của ngành. Các chính
sách được ban hành đã và đang phát huy hiệu quả trong huy động nguồn lực cho
phát triển nông nghiệp, nông thôn... Cùng với việc tổ chức thực hiện các quy
hoạch ngành liên quan, cả nước đã hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất
theo chuỗi giá trị, nhiều vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô
lớn, trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương, vùng, miền và nhu cầu thị trường.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút đầu tư phát
triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; thực hiện chỉ đạo của Chính
phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các
cơ quan liên quan hoàn thành xây dựng Đề án “Thí điểm tập trung, tích tụ đất
đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung” và đề xuất nội dung
có liên quan trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng thúc đẩy
phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp.
Đặc biệt, mới đây Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến
lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản
xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương”,
định hướng “Đẩy mạnh liên kết vùng nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi
vùng và của từng địa phương”. Đối với các địa phương quy hoạch phát triển đô
thị lên thị xã, thành phố: Triển khai các nội dung, giải pháp theo
hướng phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, gắn với xây dựng nông thôn mới
(với các cơ chế, chính sách tương tự như các địa bàn khác), nhưng các tiêu chí
về hạ tầng, quy hoạch đất ở hướng tiệm cận các tiêu chí đô thị (ở cấp tương
ứng) để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư khi trở thành đô thị. Trên cơ sở đó,
tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách
phù hợp với từng vùng miền.
Tuy nhiên, một số cơ chế, chính
sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời
hoặc không có nguồn lực để thực hiện.
b) Về nâng mức giá tối đa sản
phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trong điều kiện giá điện, giá xăng dầu tăng cao:
Căn cứ Luật Thủy lợi và Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định chi
tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ
công ích thủy lợi, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1050a/QĐ-BTC ngày 30/6/2018
về giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018 - 2020 và
Quyết định số 1477/QĐ-BTC ngày 05/8/2021 về giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công
ích thủy lợi năm 2021. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung
đột Nga - Ukraine làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến giá vật tư
đầu vào tăng (đặc biệt giá xăng dầu tăng cao), làm tăng chi phí sản xuất và giá
thành sản phẩm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì,
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT theo dõi diễn biến tình hình, báo cáo cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh giá tối đa sản phẩm, dịch vụ
công ích thủy lợi.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế
thị trường, giá sản phẩm thuộc nhiều yếu tố, trong đó có quy luật cung - cầu,
quy luật giá cả và yếu tố mùa, vụ.
c) Phát triển, mở rộng thị
trường xuất khẩu nông lâm thủy sản: Cùng với phát triển mạnh thị trường nội
địa, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...;
thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương,
Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam ở nước ngoài
tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường
truyền thống, tìm kiếm và mở rộng, đa dạng hóa, mở mới các thị trường tiềm
năng; gia tăng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số
thị trường. Đồng thời, phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản
thương mại, kỹ thuật. Nhờ vậy, xuất khẩu NLTS tăng nhanh, giai đoạn 2008 - 2020
đạt 394,54 tỷ đô la Mỹ, năm 2021 đạt 48,6 tỷ đô la Mỹ; đã có 10 nhóm mặt hàng
có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, với 6 mặt hàng (trái cây, hạt
điều, cà phê, gạo; tôm; đồ gỗ) trên 3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện
có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam lên đứng thứ 1 Đông Nam Á, thứ
15 thế giới về xuất khẩu NLTS.
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ
không ổn định, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột
nga - Ukraine.
2. Về tiêu chí xây dựng
nông thôn mới và hỗ trợ kinh phí thực hiện:
- Thực hiện chỉ đạo của Quốc
hội, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về
nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn,
nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 - 2025 tại các Quyết định: Số 318/QĐ-TTg
ngày 08/3/2022, số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022, số 3020/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 và
số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022. Tiếp đó, Bộ ban hành Quyết định số
1680/QĐ-BNN-VPĐP ngày 11/5/2022 hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu
thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, về xã nông thôn mới nâng cao,
về huyện nông thôn mới và về huyện nông thôn mới nâng cao. UBND các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chủ động nghiên cứu, xây dựng văn bản triển khai phù
hợp với điều kiện thực tế và quy định hiện hành.
- Về kinh phí thực hiện: Căn cứ
các nội dung thành phần của Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, theo
Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 và tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương
được giao, Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn, phương án
lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trên
địa bàn, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, đảm bảo không chồng chéo,
trùng lặp địa bàn, phạm vi, đối tượng đầu tư với Chương trình MTQG phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG
giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và các
nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu
mẫu.
3.
Thời gian tới, triển khai đồng bộ,
hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày
16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông
thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và
nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ
cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; chuyển từ tư duy sản xuất nông
nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa
dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm; xây dựng nền nông
nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững. Trong đó tập trung các nội dung sau:
(1)
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo
động lực mới cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân
văn minh, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, đầu tư, hợp tác công tư, tín
dụng, bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý,
sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung. Có cơ
chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương có
diện tích đất trồng lúa với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của
người trồng lúa.
Tổ
chức thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, các
vùng kinh tế - xã hội, các địa phương được phê duyệt theo Luật Quy hoạch (trong
đó có tích hợp nội dung quy hoạch về quy mô, cơ cấu, tổ chức sản xuất nông
nghiệp phù hợp với lợi thế vùng miền, địa phương ).
(2)
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị
trường theo hướng xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa và tránh phụ thuộc một số
thị trường nhất định. Đánh giá cung - cầu vật tư đầu vào và giá sản phẩm, dịch
vụ, đưa ra các kịch bản và giải pháp can thiệp điều tiết cung cầu từng nhóm
hàng và từng khu vực.
(3)
Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn
diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu
quả. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tăng đầu tư từ
nguồn NSNN, ưu tiên các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, không để
chênh lệch lớn giữa các vùng. Nâng cao hiệu quả đầu tư, phân bổ và sử dụng các
nguồn vốn; huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát
triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Trên
đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và PTNT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hải
Dương; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Hải Dương đã quan tâm đến sự phát triển
của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải
Dương để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, KH.
|
BỘ TRƯỞNG
Lê Minh Hoan
|