Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thực hiện Quyết định số
544/QĐ-TTg ngày 25/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ lấy tháng 10 hàng năm là
“Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, Bộ Y tế phát động Tháng hành động
vì người cao tuổi Việt Nam năm 2025 với chủ đề: “Phát huy vai trò người
cao tuổi trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhằm tăng cường tuyên
truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể,
gia đình, xã hội và người cao tuổi về mục đích ý nghĩa của Tháng hành động; đẩy
mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi đóng góp cho
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn Kế hoạch thực
hiện “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm 2025 (gửi kèm theo).
Đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể
và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch
Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2025 với những nội dung thiết thực,
hiệu quả, tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện, báo cáo kết
quả về Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam - Cơ quan Thường trực Tháng hành
động vì người cao tuổi Việt Nam (số 12 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch UBQGNCTVN (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Ban Tuyên giáo và Dân vận TW;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc VN;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Các Thành viên UBQGNCT VN;
- Hội Người cao tuổi Việt Nam;
- Sở Y tế tỉnh/thành phố;
- Hội/Ban ĐD HNCT các tỉnh;
- Lưu: VT, BTXH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Đức Luận
|
HƯỚNG DẪN
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ NGƯỜI CAO TUỔI
VIỆT NAM” NĂM 2025
(Kèm theo Công văn số 4078/BYT-BTXH ngày 26/6/2025 của Bộ Y tế)
Thực hiện Chương trình công tác
năm 2025, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vì người cao tuổi
Việt Nam” năm 2025 như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Nhằm tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội
trong tổ chức thực hiện Luật Người cao tuổi; trong công tác bảo vệ, chăm sóc và
phát huy vai trò của người cao tuổi.
2. Huy động nguồn lực hỗ trợ,
nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi về sức khỏe, vật chất, tinh thần;
ưu tiên giúp đỡ người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
3. Các hoạt động được tổ chức tại
địa phương, cơ quan, đơn vị phải thiết thực, hiệu quả và bảo đảm người cao tuổi
nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm giúp đỡ bằng nhiều
hình thức.
4. Khuyến khích, vận động các cấp,
các ngành, Hội Người cao tuổi và người cao tuổi tích cực tham gia xây dựng Đảng,
chính quyền vững mạnh, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, xây dựng hình
ảnh người cao tuổi Việt Nam “Tuổi cao - Gương sáng”.
II. CHỦ ĐỀ
THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM NĂM 2025
“Phát huy vai trò người
cao tuổi trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”
III. NỘI
DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Tổ chức Lễ phát động Tháng
hành động
Trung ương Hội Người cao tuổi
Việt Nam và Hội Người cao tuổi/Ban Đại diện Hội Người cao tuổi (gọi chung là Hội
Người cao tuổi) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình cụ
thể tổ chức Lễ phát động phù hợp, bảo đảm yêu cầu theo quy định của Chính phủ
và địa phương.
2. Hoạt động truyền thông
Tổ chức các hoạt động truyền
thông, truyền tải ý nghĩa và thông điệp của “Tháng hành động vì người cao tuổi
Việt Nam” năm 2025; tuyên truyền luật pháp, chính sách về người cao tuổi, về giải
pháp ứng phó với vấn đề già hóa dân số thông qua báo chí, truyền hình, truyền
thanh, treo khẩu hiệu, panô, áp phích, tờ rơi tại cộng đồng.
3. Tổ chức thực hiện các chương
trình, đề án hỗ trợ người cao tuổi
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến
lược quốc gia về người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định
số 383/QĐ-TTg ngày 21/02/2025); Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến
năm 2030 (Quyết định số 1579/QĐ -TTg ngày 13/10/2020); Đề án “Người cao tuổi
tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm
(Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 20/02/2025); và các chương trình đề án có liên
quan khác.
Lồng ghép nội dung chăm sóc người
cao tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt tại
các địa bàn khó khăn, những nơi có tỷ lệ già hoá dân số nhanh.
4. Huy động nguồn lực hỗ trợ
người cao tuổi
- Tăng cường hợp tác công - tư
và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo trợ người cao tuổi (qua CRS-
trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) trong khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh
doanh, thăm hỏi, tặng quà và động viên giúp đỡ người cao tuổi nghèo, người cao
tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
- Phát triển Quỹ Chăm sóc và
Phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở.
5. Phát triển và duy trì hoạt động
câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau gắn với chương trình nâng cao sức khoẻ, phòng
chống bệnh mãn tính, sức khoẻ tinh thần cho người cao tuổi.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Bộ Y tế
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với
các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, xây
dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp hưu trí xã hội và các văn
bản pháp luật liên quan phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình mới.
Đẩy mạnh việc thực hiện chính
sách, pháp luật về người cao tuổi; triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về
người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 383/QĐ-TTg
ngày 21/02/2025); tập huấn, nâng cao năng lực cho Hội Người cao tuổi các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
- Ngành Y tế chủ trì tham mưu đề
xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện “Tháng
hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm 2025. Rà soát, nắm bắt tình hình người
cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, đề xuất biện pháp trợ
giúp phù hợp.
Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai
có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở theo quy định;
thống nhất hướng dẫn lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh
công tác đào tạo chuyên ngành lão khoa, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi; có giải
pháp phù hợp đảm bảo tất cả người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe
ban đầu cho người cao tuổi.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
việc thực hiện pháp luật, chế độ chính sách đối với người cao tuổi.
2. Trung ương Hội Người cao
tuổi Việt Nam
- Chỉ đạo các cơ quan truyền
thông của Hội tuyên truyền về “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm
2025, về giải pháp ứng phó với vấn đề già hóa dân số; chính sách, pháp luật
liên quan đến người cao tuổi; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nhân rộng
mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn tiếp theo; tiếp tục đẩy mạnh
việc xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò của người cao tuổi ở
cơ sở.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ hướng
dẫn các địa phương thành lập Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp xã thống nhất
trên toàn quốc theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư về tổ chức
và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.
- Phối hợp với các cơ quan tổ
chức Hội nghị toàn quốc “biểu dương điển hình tiên tiến tham gia xây dựng hệ thống
chính trị cơ sở của người cao tuổi”; phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp Phụ
nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong xây dựng gia đình
văn hoá, ấm no, hạnh phúc”; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Ngân hàng thương mại
Quân đội và các cơ quan, tổ chức liên quan vận động nguồn lực thực hiện Chương
trình nhân đạo “Mắt sáng cho người cao tuổi”; chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan
liên quan xây dựng đề án khởi nghiệp, tạo việc làm chuyển đổi số, chuyển đổi
xanh để triển khai thực hiện, hỗ trợ, nâng cao đời sống cho người cao tuổi.
- Tiếp tục xây dựng, thực hiện
Chương trình phối hợp giữa Hội Người cao tuổi với cơ quan quản lý nhà nước các
cấp bảo đảm để Hội có điều kiện đại diện cho người cao tuổi tham gia xây dựng
cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người cao tuổi; tham gia một số hoạt
động, thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật và tư vấn,
giám sát các chính sách, chương trình, đề tài, dự án do cơ quan nhà nước yêu cầu
phù hợp với quy định của Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.
3. Bộ, ngành Nội vụ
Kịp thời giải quyết khó khăn,
vướng mắc phát sinh, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Người cao tuổi Việt Nam
hướng dẫn các địa phương thành lập Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp xã thống nhất
trên toàn quốc theo Kết luận số 58- KL/TW ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư về tổ
chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.
4. Bộ, ngành Văn hóa, Thể
thao và Du lịch
Tăng cường triển khai thực hiện
Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ Tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh giáo dục
đạo đức, lối sống trong gia đình”; phối hợp với Hội người cao tuổi Việt Nam hướng
dẫn hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp với người cao tuổi;
tổ chức giao lưu văn nghệ ở cơ sở và khu vực; tổ chức một số giải thể thao cho
người trung, cao tuổi.
Chỉ đạo các cơ quan báo chí duy
trì các chương trình, chuyên mục tuyên truyền về việc triển khai thi hành Luật
Người cao tuổi và công tác chăm sóc người cao tuổi; tăng cường xây dựng các
chương trình, chuyên mục về ứng phó vấn đề già hóa dân số, dân số già.
5. Bộ Tài chính
Tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục
bảo hiểm cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi khó tiếp cận thông tin,
không có người thân hỗ trợ.
Phối hợp với Bộ Y tế triển khai
thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm
y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và người dân; ưu
tiên giải quyết, chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
6. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Vận động nguồn lực để giúp đỡ
người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi nghèo; xóa nhà tạm,
nhà dột nát cho người cao tuổi; mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người cao tuổi không
nằm trong danh mục đối tượng được Nhà nước hỗ trợ.
Phối hợp với Hội Người cao tuổi
tổ chức chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”, giúp người cao tuổi mù lòa
có chỉ định được phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể miễn phí.
7. Các Bộ, ngành là thành
viên Ủy ban, tiếp tục chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện tốt “Tháng
hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm 2025, Luật Người cao tuổi, chiến lược,
các đề án, dự án, chương trình về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
- Lập kế hoạch, kiểm tra, giám
sát và báo cáo kết quả thực hiện “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” về
Bộ Y tế theo quy định.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về pháp luật, chính sách
đối với người cao tuổi; vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y
tế, chuẩn bị tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ. Thực hiện đầy đủ các chính
sách, pháp luật về người cao tuổi theo quy định, đẩy mạnh xây dựng, phát triển
Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở.
- Trên cơ sở Kết luận số
58-KL/TW ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư về tổ chức
và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam,
ban hành kế hoạch hành động, bảo đảm từ nay đến hết năm 2025, hoàn thành việc
kiện toàn tổ chức hội người cao tuổi cấp tỉnh, xã phù hợp với điều kiện thực tiễn
tại địa phương; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
chính sách đối với người cao tuổi tại cơ sở.
-
Phân bổ nguồn lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách về người cao tuổi
theo quy định; lồng ghép thực hiện công tác người cao tuổi trong các chương
trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan; tiếp tục tổ chức tốt công tác chúc
thọ, mừng thọ, thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi nghèo, cô đơn không có người
phụng dưỡng; huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa trong công tác chăm sóc và phát
huy vai trò của người cao tuổi tại địa phương.
9.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động hưởng ứng “Tháng
hành động vì người cao tuổi Việt Nam” năm 2025.
V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
1.
Tháng 6 năm 2025
- Các
cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng tài liệu truyền thông (thông điệp, khẩu hiệu,
mẫu pano, áp phích …) về pháp luật, chính sách liên quan tới người cao tuổi và
về vấn đề “Già hóa dân số”.
- Xây
dựng khung hướng dẫn rà soát danh sách người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó
khăn; tổ chức vận động tài trợ để trợ giúp người cao tuổi nghèo, người cao tuổi
có hoàn cảnh khó khăn.
2.
Từ tháng 7 đến hết tháng 9 năm 2025
- Tổ
chức Lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi” phù hợp nhằm bảo đảm yêu
cầu, quy định của Chính phủ và tình hình cụ thể của địa phương.
- Tiếp
tục tuyên truyền về pháp luật, chính sách liên quan tới người cao tuổi, về già
hóa dân số.
- Tổ
chức hội nghị toàn quốc “biểu dương điển hình tiên tiến tham gia xây dựng hệ thống
chính trị cơ sở của người cao tuổi”; hội nghị biểu dương “phụ nữ cao tuổi tiêu
biểu trong xây dựng gia đình văn hoá, ấm no, hạnh phúc”.
3.
Từ tháng 10 đến hết tháng 12 năm 2025
Tổ chức
đợt cao điểm “Tháng hành động vì người cao tuổi”, tập trung vào các nội dung:
Thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Khám, tư vấn về sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi. Mổ mắt thay thủy tinh thể
giải phóng mù lòa cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi…
Đề
nghị Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp, tổ chức thực
hiện Kế hoạch phù hợp, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm./.