ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
37/2025/QĐ-UBND
|
Bạc Liêu, ngày 22
tháng 4 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Luật Trật tự; an toàn giao thông đường bộ
ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng
12 năm 2024 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật tự; an toàn giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng
11 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 158/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng
12 năm 2024 của Chính phủ quy định về hoạt động vận tải đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình
số 64/TTr-SXD ngày 11 tháng 4 năm 2025;
Ủy ban nhân dân ban hành Quyết định Quy định về
hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bạc
Liêu.
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động của
các phương tiện tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với
Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện
nội dung Quyết định này.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Xây dựng; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02
tháng 5 năm 2025./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Xây dựng;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Cục KTVB&QLXLVPHC-Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh;
- Sở Tư pháp (để tự kiểm tra);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP và PCVP Trần Trung Vĩ;
- Trung tâm CB - TH (đăng tải);
- Phòng Kiểm soát TTHC;
- Trưởng phòng KT;
- Lưu: VT, PKT (HK007).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Văn Thiều
|
QUY ĐỊNH
VỀ
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC
LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2025/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm
2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu )
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về hoạt động của các
phương tiện tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, bao gồm:
a) Quy định phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở
hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ;
b) Quy định thời gian, phạm vi hoạt động vận chuyển
hành khách bằng xe bốn bánh có gắn động cơ và hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng
xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ;
c) Quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô
sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa;
d) Quy định hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị,
tỷ lệ phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người
khuyết tật trong đô thị;
đ) Quy định thời gian hoạt động của xe vệ sinh môi
trường, xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải rời trong đô thị.
2. Những nội dung không quy định tại Quy định này
được thực hiện theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số
36/2024/QH15 và Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 và các văn bản quy định pháp luật
khác có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân
liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ theo khoản 1 Điều 1 Quy định này.
2. Quy định này không áp dụng đối với các xe ưu
tiên được quy định tại Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
3. Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh có liên quan trong
phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Bạc
Liêu.
Điều 3. Nguyên tắc chung
1. Hoạt động của các loại phương tiện quy định tại
khoản 1 Điều 1 Quy định này phải bảo đảm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong quá trình tham gia giao thông, chủ phương tiện, người điều khiển phương
tiện phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 56, Điều 59 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các quy định khác của pháp luật có
liên quan.
2. Giờ cao điểm trong khu vực đô thị là khoảng thời
gian có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ lưu thông lớn
nhất trong ngày tại một khu vực hoặc một tuyến đường:
a) Khung giờ cao điểm đối với các phường:
Sáng: Từ 6 giờ đến 8 giờ;
Trưa: Từ 11 giờ 00 phút đến 13 giờ 30;
Chiều: Từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ.
b) Khung giờ cao điểm đối với các thị trấn:
Sáng: Từ 6 giờ đến 7 giờ 30 phút;
Trưa: Từ 11 giờ 30 phút đến 13 giờ;
Chiều: Từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ.
3. Trong tình trạng khẩn cấp (thiên tai, địch họa,
dịch bệnh) thì thực hiện theo các quy định phù hợp với tình hình thực tế (nếu
có).
Chương II
QUY ĐỊNH PHẠM VI HOẠT ĐỘNG
CỦA XE THÔ SƠ; THỜI GIAN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG XE BỐN BÁNH CÓ GẮN ĐỘNG CƠ VÀ VIỆC
SỬ DỤNG XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE THÔ SƠ ĐỂ KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH,
HÀNG HÓA
Điều 4. Phạm vi hoạt động của
xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động
cơ
1. Xe thô sơ:
a) Các loại xe thô sơ được hoạt động không hạn chế
phạm vi, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và các tuyến đường
có biển báo cấm theo quy định.
b) Xe vật nuôi kéo không được phép hoạt động trên
các tuyến đường trong đô thị, không đi vào làn đường dành cho xe cơ giới và các
tuyến đường có biển báo cấm theo quy định.
2. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ chỉ được hoạt
động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 50 km/h áp dụng
cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều
24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ quy định
chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77 Luật Trật
tự, an toàn giao thông đường bộ.
3. Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ chỉ được hoạt
động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/h áp dụng
cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều
24 Nghị định số 165/2024/NĐ-CP.
Điều 5. Thời gian, phạm vi hoạt
động vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa bằng xe chở hàng bốn bánh có
gắn động cơ
1. Thời gian hoạt động: Được hoạt động 24 giờ trong
ngày.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa: Thực hiện
theo khoản 2 Điều 4 của Quy định này.
b) Đối với hoạt động vận chuyển hành khách: Thực hiện
theo khoản 3 Điều 4 của Quy định này.
Điều 6. Quy định ve sử dụng xe
mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa
1. Xe thô sơ khi kinh doanh vận tải hành khách, hàng
hóa phải đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 26 Nghị định số
151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định
của pháp luật khác có liên quan và chỉ được hoạt động trong phạm vi quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 4 Quy định này.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy để
kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa phải chấp hành quy định tại khoản 1
Điều 35, khoản 1 Điều 47 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Người kinh
doanh vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, xe gắn máy phải thông báo đến Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú thông tin về biển số xe và người điều
khiển phương tiện (họ, tên và số định danh cá nhân).
3. Người lái xe, người được chở, hàng hóa xếp trên
xe mô tô, xe gắn máy phải thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ.
4. Xe mô tô, xe gắn máy kinh doanh vận chuyển hành
khách, hàng hóa được phép hoạt động trên tất cả các tuyến đường bộ, trừ đường
cao tốc và các tuyến đường cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định.
5. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ
kết nối vận tải bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh phải chấp hành
quy định tại Điều 80 của Luật Đường bộ.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN
TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ, TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ
THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG ĐÔ THỊ
Điều 7. Yêu cầu đối với đơn vị
kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận tải trong đô thị
1. Đối với đơn vị kinh doanh vận tải: Phải có Giấy
phép kinh doanh vận tải do Sở Xây dựng cấp còn giá trị sử dụng.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao
thông đường bộ có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về trật tự, an
toàn giao thông đường bộ và phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe cứu hộ giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 54 Luật
Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Phương tiện tham gia hoạt động vận tải đường bộ
trong đô thị phải đảm bảo các điều kiện và quy định như sau:
a) Đáp ứng các điều kiện đối với phương tiện tham
gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 35 Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ;
b) Còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ
đối với từng loại phương tiện theo quy định tại Điều 40 Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ;
c) Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong nhập
khẩu, sản xuất, lắp ráp theo quy định tại Điều 41 Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ;
d) Bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của
xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại
các khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường
bộ;
đ) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của
ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ;
e) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của
ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều 49 Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ;
g) Phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải
phải được Sở Xây dựng cấp phù hiệu theo quy định tại Điều 23 Nghị định số
158/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ quy định về hoạt động vận
tải đường bộ phù hợp với loại hình kinh doanh vận tải phương tiện đang hoạt động;
phù hiệu phải còn giá trị sử dụng theo thời hạn, không quá thời hạn so với niên
hạn sử dụng của phương tiện theo quy định.
Điều 8. Hoạt động kinh doanh vận
tải đường bộ trong đô thị
1. Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe
buýt:
a) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ và Điều 5 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP;
b) Xe buýt phải hoạt động đúng tuyến, đúng lịch
trình, thời gian được phép hoạt động và dừng xe, đỗ xe đúng nơi quy định;
c) Phải tuân thủ theo phương án phân luồng, tổ chức
giao thông trong đô thị trong trường hợp tạm thời cấm phương tiện hoạt động
trên tuyến đường có lộ trình tuyến đi qua để phục vụ mục đích khác. Trường hợp
tuyến đường đó cấm ô tô khách hoạt động, thì đơn vị kinh doanh vận tải phải chủ
động đề xuất với Sở Xây dựng để có phương án điều chỉnh lộ trình tuyến cho phù hợp.
2. Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định
bằng ô tô, hoạt động vận tải hành khách bằng xe trung chuyển:
a) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ và Điều 4 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP;
b) Phải tuân thủ theo phương án phân luồng, tổ chức
giao thông trong đô thị như quy định đối với xe buýt được quy định tại điểm c
khoản 1 Điều 8 Quy định này;
c) Xe trung chuyển chỉ được sử dụng để vận chuyển
hành khách từ điểm đón khách theo yêu cầu của hành khách và đi trên các tuyến vận
tải khách cố định của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đến
bến xe, điểm đón trả khách trên tuyến hoặc ngược lại và hành khách không phải
trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào khác ngoài giá vé trên tuyến cố định theo quy
định.
3. Hoạt động vận tải khách du lịch, vận tải hành
khách theo hợp đồng:
a) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ và Điều 7 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP;
b) Phương tiện kinh doanh vận tải khách du lịch, được
ưu tiên bố trí nơi dừng đỗ thuận tiện để đón, trả khách du lịch, nhưng phải
tuân thủ quy định của chính quyền địa phương theo phân cấp về tổ chức giao
thông. Việc dừng đón trả khách du lịch tại các bến xe khách, bến thủy nội địa,
khu du lịch, điểm du lịch thì thực hiện theo quy định của tổ chức, đơn vị quản
lý bến xe khách, bến thủy nội địa, khu du lịch, điểm du lịch đó;
c) Hành khách được vận chuyển theo hợp đồng phải tập
trung tại vị trí nhất định trong khi chờ xe đón khách, đồng thời phải giữ gìn
an ninh, trật tự xã hội và giữ vệ sinh chung; các điểm dừng, đỗ đón trả khách
phải đảm bảo an toàn giao thông, đúng vị trí được phép dừng, đỗ xe và phải được
ghi trong hợp đồng vận chuyển khách; không được đón, trả khách thường xuyên lặp
đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc
tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh
doanh;
d) Hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đối với
xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh theo quy định tại Điều 46
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tại Điều 30 Nghị định số
151/2024/NĐ-CP.
4. Hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi:
a) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ và Điều 6 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP;
b) Xe taxi đón, trả hành khách theo thỏa thuận giữa
hành khách và người lái xe nhưng phải chấp hành các quy định của pháp luật về
trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi đón, trả hành khách.
5. Hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô:
a) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều 49 Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ và Điều 8 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP;
b) Xe chở hàng hóa phải hoạt động đúng tuyến, phạm
vi và thời gian quy định đối với từng loại xe;
c) Trường hợp xe chở hàng hóa siêu trường, siêu trọng,
xe lưu thông vượt quá tải trọng quy định của biển báo hiệu đường bộ thì xe phải
có Giấy phép lưu hành đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền cấp và không được lưu
thông trong khung giờ cao điểm được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy định
này.
6. Hoạt động vận tải bằng xe bốn bánh có gắn động
cơ vận chuyển hành khách và xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hàng hóa
trong đô thị:
a) Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối
với xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa theo quy định tại
Điều 9, Điều 10 Nghị định số 158/2024/NĐ-CP và tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số
165/2024/NĐ-CP;
b) Không chở hàng hóa cồng kềnh và quá tải trọng
cho phép chở của xe, không chở quá số người cho phép chở trên xe gây cản trở mất
trật tự an toàn giao thông.
Điều 9. Tỷ lệ phương tiện vận
chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật
1. Đến hết năm 2026, doanh nghiệp vận tải đăng ký
tham gia khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh
Bạc Liêu phải đảm bảo có 2% tổng số phương tiện đăng ký hoạt động trên tuyến có
chỗ ngồi dành riêng cho người khuyết tật, có lắp đặt thiết bị hỗ trợ phục vụ
đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật.
2. Đến hết năm 2030, doanh nghiệp vận tải đăng ký
tham gia khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh
Bạc Liêu phải đảm bảo có 10% tổng số phương tiện đăng ký hoạt động trên tuyến
có chỗ ngồi dành riêng cho người khuyết tật, có lắp đặt thiết bị hỗ trợ phục vụ
đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật.
3. Giai đoạn 2031-2035 mỗi năm tăng thêm ít nhất 2%
tỷ lệ phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật; sau năm 2035 tỷ
lệ phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật đạt tối thiểu 20%. Đối
với phương tiện không có thiết bị hỗ trợ thì nhân viên phục vụ có trách nhiệm
giúp đỡ cho người khuyết tật lên xuống xe.
4. Phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có
thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật là ô tô khách thành phố phải đáp ứng quy
chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 82:2024/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư số
48/2024/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo
vệ môi trường, tiêu thụ năng lượng xe cơ giới; xe máy chuyên dùng; phụ tùng xe
cơ giới; thiết bị an toàn cho trẻ em.
5. Các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe
buýt phải chủ động bố trí phương tiện tham gia hoạt động trên tuyến đáp ứng nhu
cầu đi lại của người khuyết tật theo khoản 1, khoản 2 Điều này.
Chương IV
THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG CỦA
XE VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, XE Ô TÔ CHỞ VẬT LIỆU XÂY DỰNG, PHẾ THẢI RỜI TRONG ĐÔ THỊ
Điều 10. Đối với xe vệ sinh
môi trường
1. Thời gian hoạt động:
a) Xe vệ sinh môi trường được phép hoạt động trong
ngày, trừ các khung giờ cao điểm tại khoản 2 Điều 3 Quy định này;
b) Thời gian hoạt động cụ thể của xe vệ sinh môi
trường do đơn vị vệ sinh môi trường quy định trong nội bộ của đơn vị nhưng phải
tuân thủ theo quy định về thời gian hoạt động quy định tại điểm a khoản 1 Điều
này. Riêng các xe chuyên dùng phục vụ khắc phục sự cố điện, cây xanh ngã đỗ
(như xe cẩu cắt cây trên cao, xe lấy rác cây) thì tùy theo tình hình thực tế
đơn vị chịu trách nhiệm khắc phục sự cố bố trí phương tiện thực hiện nhiệm vụ
vào thời điểm thích hợp và phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong
quá trình hoạt động.
2. Trường hợp xe vệ sinh môi trường phải tăng cường
thời gian dọn dẹp vệ sinh môi trường đường phố, khu dân cư do môi trường bị ảnh
hưởng sau mưa bão, thiên tai hoặc các trường hợp cần thiết khác khi có yêu cầu
của cơ quan có thẩm quyền thì đơn vị vệ sinh môi trường có thể bố trí xe hoạt động
làm việc 24/24 giờ trong ngày nhưng phải có biện pháp đảm bảo an toàn giao
thông trong quá trình hoạt động.
Điều 11. Đối với xe ô tô chở vật
liệu xây dựng, phế thải rời trong đô thị
Xe ô tô chở vật liệu xây dựng, phế thải rời được phép
hoạt động vào khoảng thời gian ngoài giờ cao điểm trong ngày được quy định tại
khoản 2 Điều 3 Quy định này và được phép hoạt động trên các tuyến đường bộ, trừ
các tuyến đường, đoạn đường có biển báo cấm hoặc hạn chế hoạt động theo giờ;
tuân thủ theo phương án phân luồng, tổ chức giao thông trong đô thị; chấp hành
nghiêm các quy định đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, không lấn chiếm
vỉa hè, hành lang đường bộ làm điểm tập kết lên xuống vật liệu xây dựng, phế thải
rời.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của các Sở,
Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, cơ
quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai,
tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này;
b) Tổ chức thực hiện quản lý hoạt động vận tải trên
địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và các quy định hiện hành;
c) Hướng dẫn việc thực hiện kê khai giá cước đối với
các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ theo quy định;
d) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phối hợp với các lực lượng chức năng tổ
chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này và
các quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Có ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố về việc tổ chức giao thông trên các tuyến
đường thuộc thẩm quyền quản lý;
e) Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong
quá trình thực hiện, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo, giải quyết kịp
thời hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tại quy định này cho phù hợp
với tình hình thực tế khi có yêu cầu.
2. Công an tỉnh
a) Phối hợp tổ chức triển khai, tuyên truyền các
quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ và nội dung của
Quy định này; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký, cấp biển số xe cho xe
chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và điều
kiện hoạt động xe thô sơ khi tham gia giao thông;
b) Chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tổ chức tuần
tra, kiểm soát giao thông, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá
nhân hoạt động vận tải đường bộ vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
theo các quy định pháp luật hiện hành và Quy định này.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương để đề
xuất tổ chức hoạt động của xe chở người bốn bánh có gắn động cơ phù hợp với
tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh;
b) Phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan chức
năng tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch trên địa bàn tỉnh;
c) Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về
bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và Quy định này đến các đơn vị kinh
doanh du lịch và khách du lịch biết để chấp hành.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ
triển khai các giải pháp, các ứng dụng (app), áp dụng công nghệ vào hoạt động
quản lý, vận chuyển hành khách (gọi xe, đặt vé qua ứng dụng điện thoại di động)
để phục vụ công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận chuyển
hành khách và hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh trên địa
bàn tỉnh;
b) Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,
Báo Bạc Liêu, Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức đoàn
thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an
toàn giao thông đường bộ và Quy định này để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
của người dân; vận động người dân tích cực tham gia giám sát, phản ánh kịp thời
các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng
chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định.
5. Sở Nông nghiệp và Môi trường: Hướng dẫn các tổ
chức, cá nhân thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động
vận tải trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan hoạt động vận
chuyển phế thải và phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng kiểm tra, xử
lý vi phạm về môi trường liên quan đến hoạt động xe vệ sinh một trường, xe ô tô
vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải rời theo quy định. Phối hợp Ủy ban nhân
dân cấp huyện quy định vị trí tập kết rác thải tập trung để đảm bảo vệ sinh môi
trường, mỹ quan đô thị.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định
này tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định này đến
các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn
biết và chấp hành theo quy định;
b) Rà soát, lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường
bộ phù hợp với Quy định này trên các tuyến đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý;
căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức giao thông phù hợp với
tình hình hoạt động vận tải trên các tuyến đường bộ trên địa bàn theo phân cấp
quản lý;
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
thống kê danh sách các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ
trên địa bàn quản lý; tổ chức quản lý hoạt động của các chủ thể kinh doanh, bảo
đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn đô thị và bảo vệ môi
trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn
theo thẩm quyền được giao tại Quy định này và các quy định khác của pháp luật;
chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao
thông đối với hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn quản lý theo quy định
pháp luật;
đ) Tổng hợp, báo cáo việc triển khai Quy định này tại
địa phương và tình hình hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn về Sở Xây dựng
và Công an tỉnh khi có yêu cầu.
7. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải
a) Phải đảm bảo các điều kiện về kinh doanh vận tải
và trật tự an toàn giao thông theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ,
Luật Đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, Quy định này và các quy định của pháp luật
khác có liên quan;
b) Tổ chức hoạt động vận tải đúng thời gian, phạm
vi theo quy định;
c) Đảm bảo các điều kiện an toàn của phương tiện;
thực hiện đăng ký, kiểm định phương tiện theo quy định.
8. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Quy
định này, nếu có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị các cơ quan,
đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu để
tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.