HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/2021/NQ-HĐND
|
Đắk Lắk, ngày 17 tháng 12 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2022 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày
29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa
ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP
ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30
tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản
văn hóa phi vật thể và lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào
Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
Xét Tờ trình số 107/TTr-UBND, ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Ủy
ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua Nghị quyết bảo tồn và phát huy văn hóa
cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022-2025; Báo
cáo thẩm tra số 165/BC-HĐND
ngày 06 tháng 12 năm 2021 của
Ban Dân tộc, Hội đồng
nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Nghị quyết bảo tồn và
phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025, với các nội
dung sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
- Đảm bảo tính kế thừa, lâu dài, thường xuyên, liên
tục trong việc góp phần thực hiện mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, phát huy có hiệu
quả không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh theo nội dung đã cam kết trong hồ sơ đệ trình với Tổ chức UNESCO.
- Từng bước khôi phục không gian văn
hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số gắn với phát triển
du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế -
xã hội của địa phương.
- Hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy
giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển
du lịch theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội
về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình hành động của Tỉnh
ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -
2025: Triển khai có hiệu quả Nghị quyết về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng
chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025.
b) Mục tiêu cụ thể
- Cấp chiêng cho ít nhất 50 đội chiêng, cấp trang
phục cho đội văn nghệ tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát
huy văn hóa cồng chiêng;
- Đến năm 2025, phấn đấu có 100% buôn đồng bào dân
tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có đội chiêng, đội văn nghệ;
- Phấn đấu đến năm 2025, 100% các huyện, thị xã,
thành phố tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng;
- Phấn đấu đến năm 2025, 100% các huyện, thị xã,
thành phố tổ chức phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động
bảo tồn văn hóa cồng chiêng;
- Lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu
biểu đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
- Phấn đấu đến năm 2025, 100% các Trường Dân tộc
Nội trú tổ chức hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng;
- Phấn đấu đến năm 2025, 100% học sinh các Trường
Dân tộc Nội trú mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào những dịp lễ,
kỷ niệm quan trọng của đất nước, địa phương, đơn vị và cộng đồng.
2. Các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa cồng
chiêng
a) Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di
sản văn hóa cồng chiêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các
sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương, ngày hội, hội thi, hội diễn, liên hoan,
trưng bày, triển lãm, thông tin lưu động ở địa phương, khu vực, toàn quốc và quốc
tế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.
b) Phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn
với sinh hoạt văn hóa cồng chiêng (buôn vui chơi, buôn ca hát, tổ
chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc từ
tỉnh đến cơ sở); nghiên cứu, sưu tầm, phục
hồi, khai thác, truyền dạy và nâng cao hiệu quả sử dụng các bài chiêng cổ của
dân tộc tại chỗ Êđê, M’nông trong sinh hoạt cộng đồng.
c) Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống gắn với phát
triển du lịch.
- Xây dựng mô hình điểm buôn văn hóa
truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
- Hỗ trợ trang thiết bị bên trong nhà văn hóa cộng
đồng buôn đồng bào dân tộc thiểu số (bàn, ghế, âm thanh, ánh sáng, trang trí
khánh tiết, cấp chiêng, trang phục, nhạc cụ truyền thống và một số vật dụng có
liên quan) để duy trì sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, gắn với mục tiêu phát triển
du lịch cộng đồng.
d) Cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đội
chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu ở buôn đồng bào dân tộc thiểu số để duy trì tập luyện,
tham gia sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, góp phần bảo tồn di sản không gian văn
hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh.
đ) Tập huấn, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng
của đội ngũ cán bộ làm văn hóa tại địa phương.
e) Hỗ trợ nghệ nhân cồng chiêng
Có chế độ thăm hỏi, động viên các nghệ nhân đã được
Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và các nghệ
nhân tiêu biểu khác vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên
đán.
g) Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn
với cồng chiêng.
- Lập Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu
biểu trên địa bàn tỉnh đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia.
- Hệ thống hóa tư liệu văn hóa cồng chiêng và hình
ảnh các bộ chiêng cổ trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và
phát huy di sản văn hóa cồng chiêng.
h) Tổ chức đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào Trường
Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, hát kể sử
thi, dân ca, dân vũ, chế tác nhạc cụ dân tộc trong các Trường Dân tộc nội trú
trên địa bàn tỉnh.
i) Tổ chức các hoạt động giao lưu tôn vinh văn hóa
cồng chiêng.
l) Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; kiểm tra,
đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện bảo tồn, phát huy văn hóa cồng
chiêng trên địa bàn tỉnh.
3. Kinh phí thực hiện
a) Tổng kinh phí: 20.300.000.000đ
(Hai mươi tỷ, ba trăm triệu đồng)
b) Nguồn kinh phí
- Nguồn ngân sách tỉnh và
địa phương.
- Nguồn ngân sách từ các Chương
trình: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021
- 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14
ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội;
Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục
tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và một số chương trình khác.
- Nguồn huy động hợp pháp
khác.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực
hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban
của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Đắk Lắk Khóa X, Kỳ họp thứ Ba, thông qua ngày 10 tháng 12 năm
2021, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng
01 năm 2022./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương MTTQVN;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư Pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Trường Đại học Tây Nguyên;
- Các Văn phòng: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh,
Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
- Công báo tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, CT HĐND.
|
CHỦ TỊCH
Y Vinh Tơr
|