ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14879/KH-UBND
|
Đồng Nai, ngày 24 tháng 12 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC BIÊN SOẠN VÀ TRIỂN KHAI NỘI DUNG GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TRONG CHƯƠNG
TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Thực hiện Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc
ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; Văn bản số
344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình giáo
dục phổ thông, Văn bản số 1106/BGDĐT-GDTrH ngày 20/3/2019
về việc biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong
Chương trình giáo dục phổ thông và Văn bản số 3536/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019 của
Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa
phương cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và tổ chức
thực hiện từ năm học 2020 - 2021; Kế hoạch số 11762/KH-UBND ngày 14/10/2019 của
UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung Giáo dục địa phương
trong Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng được Chương trình, nội
dung giáo dục địa phương tỉnh Đồng Nai về những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch
sử, truyền thống, địa lý kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội và môi trường của tỉnh Đồng Nai; bổ
sung cho nội dung Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Xây dựng Bộ tài liệu giáo dục địa
phương Đồng Nai thống nhất sử dụng trong các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở,
Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình
giáo dục phổ thông.
2. Yêu cầu
- Bộ Tài liệu giáo dục địa phương được
xây dựng trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật về nội dung, hình thức
và quy trình tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu.
- Chương trình giáo dục địa phương được
thống nhất trong toàn bậc học phổ thông trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính liên
thông; không có sự trùng lặp về nội dung giữa các lớp học.
- Nội dung giáo dục địa phương có
tính mở để có thể thường xuyên được cập nhật, bổ sung các thông tin mới phù hợp tại mỗi địa phương trong tỉnh.
- Nội dung kiến
thức; kỹ năng, thái độ cần đạt của nội dung giáo dục địa phương trong từng cấp
học, từng lớp học bảo đảm thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, năng lực
nhận thức, định hướng nghề nghiệp của học sinh, phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời
làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học
sinh.
II. NỘI DUNG
1. Định hướng nội
dung giáo dục địa phương
a) Các vấn đề văn hóa, lịch sử truyền
thống của tỉnh Đồng Nai
- Về văn hóa: Lễ hội truyền thống; các
loại hình nghệ thuật truyền thống; truyền thống quê hương; phong tục tập quán địa
phương; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương,
pháp luật.
- Về lịch sử, truyền thống: Lịch sử Đảng
bộ địa phương, danh nhân văn hóa; di tích lịch sử, bảo tàng, lịch sử hình thành
và phát triển của vùng đất Đồng Nai; lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân Đồng Nai.
b) Các vấn đề về địa lý, kinh tế và
hướng nghiệp của tỉnh Đồng Nai
- Về địa lý: Địa lý tự nhiên, Địa lý
dân cư và Địa lý kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai.
- Về kinh tế, hướng nghiệp: Thị trường
lao động; các ngành nghề, làng nghề truyền thống; các ngành kinh tế chính của tỉnh
Đồng Nai.
c) Các vấn đề chính trị - xã hội, môi
trường
- Về chính trị - xã hội: Chính sách
an sinh xã hội; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống.
- Về môi trường: Bảo vệ môi trường,
đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu.
2. Xây dựng
chương trình khung giáo dục địa phương tỉnh Đồng Nai
Chương trình khung giáo dục địa
phương tỉnh Đồng Nai được cấu trúc theo quy định của Chương trình giáo dục phổ
thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày
26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như sau:
a) Cách thức thực hiện và thời lượng
- Cấp Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5): Nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong hoạt động trải
nghiệm; thời lượng 105 tiết/năm học dành cho mỗi lớp.
- Cấp Trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9): Nội dung giáo dục địa phương được tổ chức thành các chủ đề học tập; thời lượng 35 tiết/năm học/lớp.
- Cấp Trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12): Nội dung giáo dục địa phương được
tổ chức thành chủ đề học tập, hướng nghiệp; thời lượng 35
tiết/năm học/lớp.
b) Xây dựng các mức độ cần đạt về kiến
thức, kỹ năng, thái độ của nội dung giáo dục địa phương
trong từng cấp học, từng lớp học; các trang thiết bị dạy học cần thiết đáp ứng cho việc tổ chức dạy học giáo dục địa phương.
3. Biên soạn, thẩm
định và phê duyệt tài liệu
a) Thành lập Ban biên soạn chương
trình, tài liệu
- Ban biên soạn gồm tập hợp các
chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà hoạt động
văn hóa, nghệ sĩ và nghệ nhân tiêu biểu am hiểu về địa phương tham gia biên soạn tài liệu giáo dục
địa phương theo từng lĩnh vực chuyên môn phù hợp.
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
tiêu chuẩn thành viên và tổ chức hoạt động của Ban biên soạn được thực hiện và
vận dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày 06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây
dựng, chỉnh sửa Chương trình giáo dục phổ thông; tổ
chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm
định Chương trình giáo dục phổ thông.
b) Thành lập Hội đồng thẩm định
chương trình tài liệu
- Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục
địa phương gồm tập hợp các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà hoạt
động văn hóa, nghệ sĩ và nghệ nhân tiêu biểu am hiểu về địa
phương tham gia thẩm định tài liệu theo từng lĩnh vực chuyên môn phù hợp.
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
tiêu chuẩn thành viên và tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm
định được thực hiện và vận dụng theo Thông tư số 14/2017/TT-BGDĐT ngày
06/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa Chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định Chương
trình giáo dục phổ thông.
c) Phê duyệt tài liệu
Sau khi thẩm định, UBND tỉnh sẽ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để triển khai thực
hiện theo đúng quy định và lộ trình.
d) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ
quản lý và giáo viên
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản
lý giáo dục và giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học trong thực hiện nội dung giáo dục địa phương; xây dựng kế
hoạch bài học theo hướng tăng cường phát huy
tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua thiết kế tiến trình dạy
học để thực hiện cả trong và ngoài lớp học.
4. Lộ trình thực
hiện
- Trước tháng 01/2020: Hoàn thành
Chương trình, nội dung tổng thể giáo dục địa phương của 03 cấp học;
- Trước tháng 05/2020: Hoàn thành nội
dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 1;
- Trước tháng 05/2021: Hoàn thành nội
dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 2 và tài liệu giáo dục địa phương cho
lớp 6;
- Trước tháng 05/2022: Hoàn thành nội
dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 3 và tài liệu
giáo dục địa phương cho lớp 7, lớp 10;
- Trước tháng 05/2023: Hoàn thành nội
dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 4 và tài liệu
giáo dục địa phương cho lớp 8, lớp 11;
- Trước tháng 05/2024: Hoàn thành nội
dung tích hợp giáo dục địa phương cho lớp 5 và tài liệu giáo dục địa phương cho
lớp 9, lớp 12.
III. KINH PHÍ VÀ
NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
1. Sử dụng ngân sách nhà nước
- Biên soạn, thẩm định tài liệu giáo
dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông theo hướng dẫn của Bộ Giáo
dục và Đào tạo.
- Trang bị bổ sung cơ sở vật chất,
thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo,... đáp ứng yêu cầu biên soạn và triển
khai nội dung giáo dục địa phương.
- Thực hiện các chế độ, chính sách
liên quan đến việc biên soạn, thẩm định và triển khai nội
dung giáo dục địa phương.
2. Huy động kinh phí từ các nguồn
lực hợp pháp khác để triển khai các hoạt động không sử dụng ngân sách nhà nước
theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban,
ngành, đơn vị, địa phương liên quan xây dựng Kế hoạch cụ
thể về việc tổ chức
biên soạn, triển khai nội dung giáo dục địa phương theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch của UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban,
ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định thành lập Hội đồng
Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định; hoàn thành các loại hồ
sơ theo quy định để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu
giáo dục địa phương.
- Chủ trì tổ chức biên soạn và chỉ đạo
về chuyên môn, theo dõi tiến độ thực hiện; đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch trong trường hợp cần
thiết.
- Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành
liên quan xây dựng dự toán kinh phí công tác biên soạn, thẩm định, xuất bản và triển
khai nội dung giáo dục địa phương gửi Sở Tài chính thẩm định.
- Chủ trì tổ chức tập huấn, hướng dẫn
cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên về nội dung, hình thức,
phương pháp, kỹ thuật dạy học trong thực hiện nội dung
giáo dục địa phương.
2. Sở Tài chính: Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định dự toán
kinh phí công tác biên soạn, thẩm định và triển khai nội dung giáo dục địa
phương trong Chương trình giáo dục phổ thông do Sở Giáo dục
và Đào tạo xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
3. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Cung cấp tài liệu có liên quan phục vụ công tác biên soạn tài liệu
giáo dục địa phương như: Tài liệu về các lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ
thuật truyền thống; phong tục tập quán địa phương; danh nhân văn hóa; di tích lịch
sử; bảo tàng văn hóa địa phương.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng,
chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh trong các cuộc họp giao ban báo chí tuyên truyền để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục địa
phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội: Cung cấp tài liệu có liên quan phục vụ công tác
biên soạn tài liệu giáo dục địa phương như: Tài liệu về các chính sách an sinh
xã hội; thị trường lao động; công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và mẹ
Việt Nam anh hùng của tỉnh.
6. Sở
Công thương: Cung cấp tài liệu có liên quan phục vụ
công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa phương như: Tài liệu phát triển công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ của tỉnh.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: Cung cấp tài liệu có liên quan phục vụ công
tác biên soạn tài liệu giáo dục địa phương như: Tài liệu về các nội dung tiềm
năng, thế mạnh phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; các làng nghề, sản phẩm nông
nghiệp truyền thống trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp,
thủy sản và phát triển nông thôn của địa phương.
8. UBND
các huyện, thành phố
- Cung cấp tài liệu liên quan phục vụ
công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa phương như: Tài liệu về văn hóa; lịch sử, truyền thống; kinh tế - chính trị - xã hội; môi trường của địa
phương phục vụ công tác biên soạn chương trình, nội dung
giáo dục địa phương khi được yêu cầu.
- Xây dựng Kế hoạch,
tổ chức tập huấn, bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch
triển khai nội dung giáo dục địa
phương theo quy định.
9. Các cơ quan báo, đài trên địa
bàn tỉnh: Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thông tin, tuyên truyền các nội dung Kế hoạch tổ chức
biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương trong
Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
10. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Cung cấp các tài liệu liên quan đến lịch sử phát triển Đảng bộ tỉnh; các vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo
đức, lối sống; cử thành viên tham gia Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa
phương.
Trên đây là Kế hoạch
tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình
giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban,
ngành, đơn vị, địa phương căn cứ các nhiệm vụ được giao,
khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai;
- Chánh, PCVP UBND tỉnh (VX);
- Lưu: VT, VX (Năm).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hòa Hiệp
|