VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 81/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 3 năm 2022
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ MINH KHÁI - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH GIÁ TẠI CUỘC HỌP
NGÀY 14 THÁNG 3 NĂM 2022 VỀ ĐIỀU HÀNH GIÁ MỘT SỐ MẶT HÀNG QUAN TRỌNG, THIẾT YẾU
Ngày 14 tháng 3 năm 2022 tại trụ sở Chính phủ, Phó
Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì
cuộc họp về điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Tham dự cuộc họp
có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài
nguyên và Môi trường, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng
cục Thống kê, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng
Sơn, An Giang.
Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính và ý
kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều
hành giá kết luận như sau:
1. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các chỉ đạo quyết liệt về
giải pháp, biện pháp đồng bộ về quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm
soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô,
hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Đến nay, các giải pháp, biện pháp quản lý điều
hành giá đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện,
bước đầu đã có được những kết quả nhất định, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm
soát và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.
Trong thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2022,
giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tiếp tục có xu hướng
tăng cao do chịu ảnh hưởng từ diễn biến xung đột địa - chính trị trên thế giới
cũng như do nhu cầu gia tăng từ đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, tạo áp lực rất
lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu được dự báo sẽ tăng
khi nước ta mở cửa. Công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm sẽ rất
khó khăn, do đó, không được lơ là chủ quan.
2. Để tiếp tục chủ động điều hành giá đồng bộ, hiệu
quả, linh hoạt, kịp thời trong 9 tháng còn lại của năm 2022, căn cứ các văn bản
thông báo các giải pháp cụ thể về công tác điều hành giá năm 2022 (văn bản số
882/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 02 năm 2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02 tháng
3 năm 2022), đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng triển khai thực
hiện, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc
hệ thống để thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá để giữ ổn định mặt bằng
giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời tập trung
vào những biện pháp sau:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài
chính và các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác
nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại
dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở
cho việc kiểm soát lạm phát chung.
- Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục
theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung của các quốc
gia, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Bộ Tài
chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
làm tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản phù hợp,
phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới
tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều
hành, bình ổn giá phù hợp.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quản
lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về
giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu
cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá
theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.
Chủ động nghiên cứu, triển khai các chương trình bình ổn thị trường phù hợp với
điều kiện tại địa phương, theo đúng quy định của pháp luật.
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ,
ngành chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin
về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; tăng cường giám sát, kịp thời ngăn chặn
những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật gây hoang mang cho người tiêu
dùng gây bất ổn thị trường.
- Khuyến khích doanh nghiệp, người dân tăng cường
triển khai các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng (xăng dầu,
điện...) nhằm góp phần tiết giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm chi phí xã hội,
thúc đẩy bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
3. Đối với các mặt hàng cụ thể
Các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng
bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị
trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ
nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu
thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá,
căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp
bình ổn giá phù hợp. Cụ thể:
a) Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định
giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm
bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp,
người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một
số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép (xây dựng các quy định, định mức
kinh tế - kỹ thuật, các phương án thực hiện, đánh giá tác động đến mặt bằng giá
và kinh tế xã hội...);
b) Xăng dầu: Bộ Công Thương điều hành để ổn định thị
trường, cân đối cung cầu và chủ động đầy đủ nguồn cung phục vụ cho nhu cầu
trong nước, tổ chức nắm bắt những dự báo giá thế giới để có phương án điều hành
giá xăng dầu trong nước phù hợp, đánh giá để sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá hợp
lý, linh hoạt hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành
có biến động lớn. Đồng thời tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường
công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm
hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý,
thường xuyên kiểm soát thị trường để chống buôn lậu, gian lận thương mại. Bộ
Tài chính bám sát tiến độ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội giải pháp về thuế bảo
vệ môi trường đối với xăng dầu trong tháng 3 năm 2022 để áp dụng vào 01 tháng 4
năm 2022. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có đường biên giới tăng cường
công tác chống buôn lậu khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước, nhất
là khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường.
c) LPG: Các cơ quan tiếp nhận kê khai (Bộ Tài chính
và các Sở Tài chính) nắm bắt diễn biến giá thế giới, tổ chức giám sát việc chấp
hành pháp luật về kê khai giá, có biện pháp công khai thông tin về giá kê khai.
Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra,
xử lý nghiêm các vi phạm.
d) Vật liệu xây dựng: Bộ Công Thương có giải pháp
thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường
trong nước; Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành tăng cường việc theo dõi, cập
nhật biến động giá vật liệu xây dựng để kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn
thị trường vật liệu xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát
hoạt động cấp phép, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ các công
trình trọng điểm, cao tốc Bắc - Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương tổ chức tiếp nhận kê khai và giám sát thực hiện mức giá kê khai theo
đúng quy định tại Luật giá; đẩy mạnh kiểm tra xử lý các trường hợp lợi dụng đầu
cơ tăng giá bất hợp lý.
đ) Dịch vụ vận tải đường bộ: Bộ Giao thông vận tải
chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban
nhân dân theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức rà soát kê
khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá phù hợp với biến động của
các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành
giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết
của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý,
thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
e) Thức ăn chăn nuôi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất
lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; Bộ
Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi
tối đa cho hoạt động logistic, vận chuyển mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn
nuôi; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công
tác giám sát việc kê khai, niêm yết giá và công khai thông tin về giá các mặt
hàng thức ăn chăn nuôi; chỉ đạo đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
g) Thịt lợn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về kiểm soát dịch bệnh và ổn định,
cân đối nguồn cung để ổn định giá thịt lợn; Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm soát các khâu trung gian,
lưu thông trên thị trường cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu trái phép thịt
lợn hơi qua biên giới.
h) Phân bón: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Công Thương tiếp tục có biện pháp để cân đối cung cầu, kiểm soát lưu
thông và chống hàng giả; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công
tác giám sát, kiểm tra việc chấp hành các biện pháp kê khai, niêm yết và công
khai giá phân bón là yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp.
i) Gạo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ
Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu mặt hàng gạo phục
vụ nhu cầu trong nước giữa các vùng, các địa phương và xuất khẩu thông qua việc
tổ chức lưu thông hàng hóa. Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp
thành viên tích cực theo dõi sát thị trường, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu
gạo truyền thống, đồng thời tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, đẩy mạnh
hoạt động xúc tiến thương mại. Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, tạo điều kiện
cho sản xuất gieo trồng, có giải pháp hỗ trợ kịp thời về tháo gỡ khó khăn cho
doanh nghiệp, người dân.
k) Vật tư, trang thiết bị y tế: Bộ Y tế tiếp tục chủ
động theo dõi, giám sát biến động giá các mặt hàng để có các biện pháp quản lý,
bình ổn giá theo quy định tại Luật giá và Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Tổ chức
triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30 tháng 12
năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế chủ trì chủ động phối hợp với
các bộ, ngành báo cáo Chính phủ đề xuất biện pháp quản lý, bình ổn giá và tổ chức
thực hiện việc bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các thành viên Ban Chỉ
đạo và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng,
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;
- Thành viên Ban Chỉ đạo điều hành giá;
- Các Bộ: TC, CT, NG, CA, Y tế, GD&ĐT, GTVT, TT&TT, NN&PTNT,
TN&MT, XD, KH&ĐT, LĐTB&XH;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, TKBT, CN, NN, KGVX;
- Lưu: VT, KTTH (2).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|