ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3535/SGDĐT-CTTT
Triển khai tăng cường quản lý và sử dụng
thực phẩm, sản phẩm sữa trong hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 17 tháng 6 năm 2025
|
Kính gửi:
|
- Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện
và thành phố Thủ Đức;
- Hiệu trưởng trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp học cao nhất
THPT), trường có yếu tố nước ngoài;
- Giám đốc Trung tâm GDTX, Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX;
- Thủ trưởng đơn vị trực thuộc.
|
Căn cứ Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn
2021-2025;
Căn cứ Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 của
Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân
liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo
vệ sức khỏe giả;
Căn cứ Công văn số 2936/BYT-QLD ngày 15/5/2025 của
Bộ Y tế về việc tiếp tục thực hiện đấu tranh phòng chống thuốc giả, sữa giả,
thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả;
Căn cứ Kế hoạch số 1420/KH-UBND ngày 04/3/2025 của
Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn
thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2025;
Căn cứ Công văn số 6610/VP-VX ngày 05/5/2025 của
Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm
các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa
giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả;
Căn cứ Kế hoạch số 4403/KH-SGDĐT ngày 15 tháng 11
năm 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Quyết định số
1660/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh.
Nhằm thực hiện chỉ tiêu bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong
trường học, sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn
theo quy định, góp phần nâng cao thể chất, tầm vóc và sức khỏe toàn diện cho
học sinh, đặc biệt trong giai đoạn phát triển vàng về chiều cao. Trong đó, sữa
là một trong những nguồn thực phẩm thiết yếu, có giá trị dinh dưỡng cao, giúp
hỗ trợ hình thành và phát triển hệ xương, tăng cường miễn dịch, cải thiện thể
trạng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện về thể lực và trí lực cho trẻ em. Việc
sử dụng các sản phẩm sữa trong hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh luôn
bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Thủ
trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai và thực hiện các nội dung sau:
1. Về lựa chọn và sử dụng thực phẩm, sản phẩm
sữa trong nhà trường
- Chỉ sử dụng thực phẩm, sản phẩm sữa có nguồn gốc,
xuất xứ rõ ràng; có hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan chính xác, đầy đủ; được
cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công bố hợp quy.
- Kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận theo
quy định của pháp luật; lưu ý về nhãn hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng,
hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hàng hóa, thành phần, thành phần định
lượng, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, đối tượng sử dụng… trước khi nhập
và đưa vào sử dụng.
- Tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm, sản phẩm
sữa không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bị hư hỏng, hết hạn hoặc không phù hợp với
độ tuổi học sinh.
- Không để các đơn vị, cá nhân ngoài nhà trường tự
ý cung cấp sữa cho học sinh mà không thông qua sự phê duyệt và kiểm soát của
nhà trường.
2. Tăng cường hoạt động giám sát, phòng ngừa và
xử lý
- Việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình tiếp nhận,
nhập sản phẩm - bảo quản - chế biến - phục vụ, sử dụng thực phẩm, sản phẩm sữa
đúng quy định.
- Đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, quy trình nội
bộ kiểm soát toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng sử
dụng thực phẩm, sản phẩm sữa trong trường học, phân công rõ trách nhiệm; đảm
bảo thực phẩm an toàn, vệ sinh, phòng ngừa ô nhiễm và ngộ độc.
- Nhân sự được phân công phụ trách phải thực hiện kiểm
kê hàng hóa, lưu giữ hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan chứng minh nguồn
gốc, kiểm tra điều kiện bảo quản (nhiệt độ, thời gian, vệ sinh…); thực hiện
hướng dẫn bảo quản hàng hóa theo đúng quy định.
- Các thực phẩm, sản phẩm sữa chưa sử dụng phải
được bảo quản riêng biệt, đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có dán
nhãn ghi rõ ngày nhập - hạn dùng - người chịu trách nhiệm quản lý.
- Trong mọi trường hợp phát hiện bất thường về chất
lượng, bao bì, mùi vị của sữa, phải dừng sử dụng ngay, báo cáo cấp quản lý trực
tiếp. Thủ trưởng đơn vị báo cáo khẩn cấp về cơ quan chức năng, Sở Giáo dục và Đào
tạo để phối hợp xử lý kịp thời.
3. Trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị
- Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công
tác lựa chọn, quy trình tiếp nhận, nhập sản phẩm - bảo quản - chế biến - phục
vụ, quản lý và sử dụng thực phẩm, sản phẩm sữa trong đơn vị mình.
- Tổ chức tuyên truyền cho giáo viên, nhân viên,
học sinh và cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của việc sử dụng sản phẩm sữa an
toàn, đúng cách.
- Khi tổ chức các chương trình có liên quan sữa
trong học đường, nhà trường phải ký kết rõ ràng về trách nhiệm với đơn vị cung
cấp, đồng thời thông tin đầy đủ cho phụ huynh, đảm bảo sự đồng thuận và giám
sát công khai.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thủ trưởng đơn vị triển
khai nghiêm túc nội dung công văn này đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên
trong đơn vị; thường xuyên rà soát, kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện về
Sở Giáo dục và Đào tạo khi có yêu cầu./.
Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Bộ GDĐT (để báo cáo);
- UBND TP.HCM (để báo cáo);
- Sở ATTP TP (để biết);
- Sở Y tế (để biết);
- Giám đốc Sở GD&ĐT (để báo cáo);
- Lưu: VT, CTTT (Uyên).
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Dương Trí Dũng
|