ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1783/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 01
tháng 10 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG: CÁC NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BẢO TỒN NGUỒN
GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày
27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9
năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền
vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày
01/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định quản lý thực hiện
Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ tại Tờ trình số 50/TTr-SKHCN ngày 11/9/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án khung: Các nhiệm vụ
khoa học và công nghệ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2021 đến năm
2025 (có Đề án chi tiết kèm theo).
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố triển khai thực hiện Đề án này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; Thủ trưởng các
Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng
các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (t/h);
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- CT, PCT UBND tỉnh (Bà Hoa);
- PVP (Ô.Thất);
- Lưu VT, Hà.NN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Thị Minh Hoa
|
ĐỀ ÁN KHUNG
CÁC
NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ BẢO TỒN NGUỒN GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TỪ NĂM 2021
ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 1783/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2020)
1. THÔNG TIN CHUNG VỀ ĐỀ ÁN
- Tên đề án: Bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen quý, hiếm,
đặc hữu, có giá trị của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.
- Thuộc chương trình: Quản lý nhiệm vụ khoa học và
công nghệ về quỹ gen.
- Cơ quan quản lý Đề án: UBND tỉnh Bắc Kạn.
- Cơ quan quản lý nhiệm vụ quỹ gen: Sở Khoa học và
Công nghệ.
2. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm
2000 và Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
- Luật Đa dạng sinh học ngày 28 tháng 11 năm 2008
và Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;
- Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01/9/2016 của Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo
tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
PHẦN
I
NHU CẦU BẢO TỒN NGUỒN GEN VÀ TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
1. Tổng quan về tầm quan trọng
và tính cấp thiết của nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen đối với sự phát triển của Bắc
Kạn
1.1. Vị trí địa lý kinh tế và các đặc điểm tự
nhiên
Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, có tọa
độ địa lý 21°48’ đến 22°44’ độ vĩ Bắc, 105°26’ đến 106°15’ độ kinh Đông. Phía
Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh
Thái Nguyên và phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng.
Bắc Kạn nằm trên đường Vành đai 2 với quốc lộ 279 từ
Hạ Long (Quảng Ninh), qua Đồng Mỏ về Bình Gia (Lạng Sơn) đến Chợ Rã (Bắc Kạn) đến
Tuyên Quang rồi kéo dài qua Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây
Trang tỉnh Điện Biên. Vị trí địa lý của Bắc Kạn khó khăn hơn so với nhiều tỉnh
khác trong vùng, xa trung tâm phát triển kinh tế của vùng, lại không có cửa khẩu
biên giới nên việc giao lưu kinh tế, thu hút nguồn lực để đầu tư rất khó khăn.
1.2. Đặc điểm địa hình
Bắc Kạn có địa hình tương đối phức tạp, đa dạng, độ
chia cắt mạnh gồm nhiều dạng địa hình như: Thung lũng, núi cao, núi thấp, núi
trung bình và núi đá vôi... núi đá xen lẫn núi đất dễ gây sạt lở. Độ dốc bình
quân của địa hình là 26°.
- Phía Tây của tỉnh có độ cao thấp dần từ Đông Bắc
xuống Đông Nam, có nhiều đỉnh cao trên 1.000m, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc
bình quân 26 - 30°, nhiều dãy núi đá đồ sộ nằm ở phía Bắc huyện Chợ Đồn và phía
Nam huyện Ba Bể xen kẽ núi đất tạo thành những thung lũng hẹp.
- Phía Đông địa hình hiểm trở nằm trong phần cuối của
cánh cung Ngân Sơn - Yến Lạc, có dãy núi đá vôi Kim Hỷ là khối đá đồ sộ, dân cư
thưa thớt.
- Phía Tây Bắc là hồ Ba Bể có diện tích tự nhiên
khoảng 500 ha, độ sâu khoảng 20-30 m, thiên nhiên đã tạo ra nơi đây một phong cảnh
đẹp, một khu du lịch lý tưởng.
- Phía Nam của tỉnh là vùng đồi núi thấp như vùng
chuyển tiếp từ trung du lên miền núi, độ cao bình quân từ 300-400 m so với mặt
nước biển, đây là phần cuối cùng của cánh cung Sông Gâm, Ngân Sơn - Yến Lạc.
Tuy độ cao không lớn, độ dốc bình quân 26° nhưng địa hình bị chia cắt mạnh, tạo
nên các thung lũng nhiều hơn và rộng hơn điển hình là các thung lũng ven sông Cầu.
1.3. Điều kiện thời tiết - khí hậu, thủy văn
Bắc Kạn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa
vùng Đông Bắc Việt Nam, một năm có 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh, khô và mùa hè
nóng ẩm. Nhiệt độ bình quân năm khoảng 22,5°C, tháng 2 có nhiệt độ thấp nhất
khoảng 15,7°C, tháng nóng nhất là tháng 6 có nhiệt độ khoảng 28°C. Do địa hình
phức tạp nên đã hình thành các vùng tiểu khí hậu khác nhau, nhìn chung khí hậu
của Bắc Kạn tương đối thuận lợi cho việc phát triển một hệ sinh thái đa dạng.
Bắc Kạn chịu ảnh hưởng của gió Đông Nam về mùa hè
và gió mùa Đông Bắc về mùa Đông. Tổng lượng mưa trung bình hàng năm khoảng
1.400-1.900 mm, cao nhất vào tháng 7 và thấp nhất vào tháng 2, mùa mưa từ tháng
3 đến tháng 9 chiếm khoảng 75-80% tổng lượng mưa trong năm. Độ ẩm không khí
trung bình 82-85%.
1.4. Tài nguyên nước
Bắc Kạn là đầu nguồn của 5 con sông lớn, với tổng
chiều dài là 313 km, lưu lượng lớn 105,3 m3/s và có nước quanh năm.
Ngoài các con sông chính, trong tỉnh còn có các hệ thống suối lớn, nhỏ khá nhiều,
song đa phần nhỏ và ngắn, phần lớn nằm ở thượng nguồn nên nhiều thác ghềnh. Mùa
khô các con suối thường cạn nước, nhưng mùa mưa nước lại dồn về rất nhanh nên
thường gây nên lũ quét ở miền núi. Nguồn nước của tỉnh Bắc Kạn tương đối phong
phú nhất là nước mặt (khoảng 3,7 tỷ m3, hàng năm tiếp nhận 2-2,5 tỷ
m3 nước mưa). Hiện nay việc khai thác tài nguyên nước mới chỉ dừng lại
ở mức tự nhiên là chính, chưa có giải pháp khai thác tổng hợp nhằm đem lại hiệu
quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Trong tương lai cần đẩy mạnh trồng và bảo
vệ rừng đầu nguồn để hạn chế dòng chảy chống lũ lụt, xói mòn, rửa trôi, xây dựng
các phai, đập, hồ chứa nước cho sinh hoạt và sản xuất nhằm khai thác hợp lý,
khoa học và có hiệu quả nguồn tài nguyên nước của tỉnh.
Hồ Ba Bể nằm ở trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể với diện
tích gần 500 ha, là hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá vôi, có tính đa dạng sinh
học cao với 106 loài cá, trong đó có nhiều loài đặc hữu quý, hiếm, nhiều loài
có giá trị kinh tế cao; là nơi di trú của các loài chim nước. Đặc biệt từ năm
2007 đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy loài Vạc hoa - một loài chim được
coi là tuyệt chủng trên toàn thế giới sau 25 năm. Nguồn lợi thủy sản của hồ Ba
Bể là nguồn thu nhập chủ yếu cho cộng đồng dân cư sống xung quanh hồ. Năm 2008,
Vườn Quốc gia Ba Bể được các quốc gia châu Á đưa vào danh sách 68 khu bảo tồn đất
ngập nước nội địa, ven biển có giá trị đa dạng sinh học và môi trường quốc gia
cũng như toàn cầu. Vườn Quốc gia Ba Bể là một trong 5 vùng đất ngập nước có tầm
quan trọng quốc tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
1479/QĐ-TTg, ngày 13/10/2008 về việc quy hoạch hệ thống khu bảo tồn đất ngập nước
nội địa đến năm 2020. Năm 2011, Vườn Quốc gia Ba Bể được Tổ chức Ramsar quốc tế
công nhận là Khu Ramsar (Khu ngập nước có tầm quan trọng quốc tế).
1.5. Tài nguyên rừng
Rừng Bắc Kạn có hệ động thực vật phong phú với nhiều
nguồn gen quý hiếm, hiện có khoảng 34 bộ, 110 họ và 336 loài chim, thú, bò sát,
lưỡng cư đang sinh sống, trong đó có 64 loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam,
đặc biệt là có 10 loài đặc hữu của Việt Nam. Về thực vật có 148 họ, 537 chi và
826 loài đang sinh sống và phát triển, trong đó có 52 loài được xếp vào sách đỏ
Việt Nam.
Riêng khu vực Vườn Quốc Gia Ba Bể là Khu di sản
thiên nhiên ASEAN, Khu ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar), Khu di
tích đặc biệt của quốc gia. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, Vườn quốc
gia Ba Bể còn là nơi có tính đa dạng sinh học cao:
Khu hệ thực vật Vườn quốc gia Ba Bể rất phong phú gồm
1.268 loài thuộc 672 chi, 162 họ, 5 ngành. Trong đó có 37 loài có tên trong
sách đỏ Việt Nam (1996) và 21 loài có tên trong sách đỏ về các loài thực vật
nguy cấp của IUCN (2004).
Khu hệ động vật: Những kết quả khảo sát bước đầu đã
thống kê được 553 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 32 bộ, trong đó có
51 loài đã ghi trong sách đỏ Việt Nam (2000), 26 loài cần được ưu tiên bảo vệ mức
độ toàn cầu và đã được ghi trong sách đỏ các loài động vật có nguy cơ bị đe dọa
của IUCN (2004). Có 01 loài thuộc lớp thú - Voọc đen má trắng (Semnopithecus
francoisi francoisi) hiện tại chỉ biết ở khu vực phía Bắc của Việt Nam
đây là loài đặc trưng của vùng núi đá vôi và 2 loài bò sát lưỡng cư (ếch Bắc bộ
- Rana baeboensis Bain, Lathrop, Murphy, Orlov, and Ho, 2003,
là loài mới cho khoa học và Cá cóc bụng hoa - Paramesotriton deloustali Bourret,
1934) là những loài đặc hữu của Việt Nam, 3 loài cá địa phương (Parazacco
babeensis Hào và Đại, 2000; Onychostoma babeensis Hào và
Hiệp, 2001; Spinibarbus babeensis Hào, 2001) mới chỉ tìm thấy ở
khu vực hồ Ba Bể. Đặc biệt có loài Vạc hoa Gorsachius magnificus là
một trong những loài có nguy cơ bị đe dọa mức độ toàn cầu được các nhà khoa học
ghi nhận từ năm 2004.
Tóm lại, rừng Bắc Kạn là một tài nguyên quý, phong
phú và đa dạng, ngoài khả năng cung cấp gỗ và các loại lâm sản, đây còn là một
trong những trung tâm bảo tồn gen động, thực vật quý hiếm của các tỉnh vùng
Đông Bắc Việt Nam.
2. Tổng quan về các nguồn gen
cần bảo tồn
Hoạt động bảo tồn đặc biệt có giá trị trong việc
cung cấp nguồn gen để sử dụng trong tương lai vì mục tiêu phát triển bền vững,
đảm bảo sự ổn định của các hệ thống nông nghiệp, bảo vệ môi trường, gìn giữ các
nét văn hóa, truyền thống, tri thức bản địa và cung cấp vật liệu cho các chương
trình chọn tạo giống và các nghiên cứu khoa học khác. Đa số các nguồn gen bản địa
quý đã không còn tồn tại trong sản xuất và tự nhiên hoặc tồn tại không đáng kể.
Đây là nguồn di sản vô giá của tỉnh cần tiếp tục được quản lý hiệu quả để sử dụng
trước mắt, đặc biệt là để các thế hệ tương lai có cơ hội lựa chọn, sử dụng các
nguồn gen bản địa có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh. Đến
nay, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác điều tra, kiểm kê và thu thập
nguồn gen cây trồng, vật nuôi rất thấp, trong khi nguy cơ “xói mòn” nguồn gen
cây trồng, vật nuôi trong sản xuất và trong tự nhiên ngày càng gia tăng.
Mục tiêu của đề án là nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu
quả nguồn tài nguyên thực vật, động vật, vì thế nhiệm vụ có tác động to lớn đến
việc phát triển bền vững của người dân, nhất là trong bối cảnh khí hậu không ngừng
biến đổi bất lợi cho sản xuất nông nghiệp và cho đời sống con người, vật nuôi.
Những giống cây trồng, vật nuôi được tạo thành từ các nguồn gen với các đặc
tính quý do đề án cung cấp sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh
lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho tỉnh
Bắc Kạn.
Khái quát về các nguồn gen bảo tồn tại Bắc Kạn:
Nguồn gen bản địa về cây trồng và vật nuôi của tỉnh
rất phong phú, có nhiều nguồn gen mang tính giá trị cao trong thực tiễn sản xuất
như các giống cây trồng Hồng không hạt, Cam, Quýt, Lê Ngân Sơn, Khoai môn, Chè
tuyết, Gừng đá, Lúa nếp Khẩu nua lếch, Lúa Bao thai, Khẩu Nua Pái Chợ Đồn và một
số cây dược liệu quý... Ngoài ra, nguồn gen động vật quý hiếm tại Bắc Kạn như
giống bò, trâu, gà của đồng bào Mông, lợn địa phương, Vịt bầu cổ xanh, Dê cỏ,
Ngựa bạch... là những động vật bản địa quý hiếm và có nhiều đặc điểm ưu việt. Mặc
dù vậy, những nguồn gen này đang có nguy cơ bị thoái hoá về giống do vấn đề cận
huyết kéo dài. Việc khai thác các giống động vật này của đồng bào Mông mang
tính tự phát, thiếu điều tiết đã mang lại một số bất cập cần quan tâm như:
- Số bán đi thường là con to, có sản lượng thịt lớn.
Số còn lại kém hơn mới tiêu thụ nội bộ. Việc bán hoặc thịt đi một số con tốt sẽ
gây thoái hóa đàn còn lại, vì vậy cần phải khôi phục và bảo tồn.
- Việc nuôi dưỡng vẫn chưa vươn tới sản phẩm hàng
hóa, chưa có thương hiệu, chưa đảm bảo cho việc phát triển bền vững.
- Phương thức chăn nuôi vẫn mang nặng tính truyền
thống “thủ công”, “sản xuất nhỏ”, chưa đủ sức để cạnh tranh với thị trường mở với
thế giới bên ngoài.
- Chưa có hệ thống chọn lọc nhân giống, quản lý giống
để phát huy tiềm năng di truyền về năng suất, sản lượng và chất lượng giống. Có
nguy cơ cao về đồng huyết, dẫn đến thoái hoá do phương pháp nhân giống truyền
thống.
Vấn đề đặt ra là cần có một kế hoạch bảo tồn và
phát triển giống gia súc của đồng bào Mông tại tỉnh Bắc Kạn nhằm thuần hóa, tạo
nguồn gen tốt. Các nguồn gen động, thực vật quý hiếm tại tỉnh cũng đã được quan
tâm, nhưng chỉ dừng lại ở bước đầu thu thập, phục tráng và phát triển không
đáng kể. Người dân sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng các giống bản
địa hoặc nuôi các giống động vật bản địa nếu có nguồn gen tốt và có từng biện
pháp kỹ thuật áp dụng cụ thể cho từng đối tượng.
3. Đánh giá hiện trạng, tình
hình và kết quả công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen tại địa phương
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có một số lợi thế để phát
triển kinh tế - xã hội, nhất là việc khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi
thế về cây trồng, vật nuôi, khí hậu, thổ nhưỡng. Giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Bắc
Kạn đã ban hành Quyết định 468/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2014 phê duyệt Đề
án: Bảo tồn nguồn gen một số động, thực vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
từ năm 2014 đến 2020, trong đó có đưa ra mục tiêu, nội dung và danh mục nhiệm vụ
khoa học và công nghệ về cây trồng, vật nuôi cần bảo tồn. Tuy nhiên, do kinh
phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh còn hạn hẹp, nên việc bố
trí nguồn kinh phí riêng để thực hiện đề án là khó khăn. Do vậy, công tác bảo tồn
các nguồn gen quý là những động, thực vật ở địa phương bước đầu đã được lồng
ghép vào các đề tài, dự án cấp tỉnh, như chương trình phát triển gà của đồng
bào Mông, lợn địa phương, Gạo bao thai Chợ Đồn, Khẩu nua lếch Ngân Sơn, Bí thơm
Ba Bể, nhân giống Invitro cây khoai môn, Kim Tuyến... Đối với lĩnh vực y tế,
chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã triển khai một số dự án điều tra đánh giá nguồn
dược liệu; xây dựng chương trình trồng một số cây dược liệu có thể mạnh của tỉnh
Bắc Kạn... Tuy nhiên việc thực hiện các nhiệm vụ vẫn chủ yếu là manh mún, ở phạm
vi hẹp; chưa theo một chương trình bảo tồn cụ thể, do đó hiệu quả thấp, khả
năng duy trì bền vững còn nhiều hạn chế.
PHẦN
II
MỤC TIÊU ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát
Thống kê, đánh giá, bảo tồn và khai thác phát triển
nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh Bắc Kạn, phục vụ
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Thu thập được các nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản
địa quý hiếm của tỉnh.
- Đánh giá, chọn lọc và phục tráng các nguồn gen bản
địa được thu thập.
- Xây dựng các mô hình bảo tồn, phát triển các nguồn
gen cây trồng, vật nuôi đặc hữu của tỉnh.
- Tư liệu hóa các mẫu gen quý hiếm, nhằm phục vụ
công tác nghiên cứu, chọn tạo giống hoặc trực tiếp mở rộng sản xuất.
- Thiết lập, duy trì và phát triển được những điểm
bảo tồn nguồn gen.
- Tổ chức khai thác và phát triển các nguồn gen bản
địa quý hiếm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
- Nâng cao năng lực quản lý các tập đoàn quỹ gen
cây trồng, vật nuôi và nhận thức xã hội về nguồn gen, thông qua việc thực hiện
các hoạt động thông tin, tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực
cho cán bộ khoa học trực tiếp quản lý và người dân trong tỉnh.
PHẦN
III
NỘI DUNG ĐỀ ÁN CẦN GIẢI QUYẾT
1. Nội dung triển khai nhiệm
vụ bảo tồn nguồn gen
1.1. Nội dung 1: Điều tra, khảo sát
và thu thập bổ sung nguồn gen.
Dựa vào một số đặc điểm mô tả của giống, điều tra
khảo sát và thu thập bổ sung các nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm.
Tiếp tục hoàn thiện việc đánh giá ban đầu các nguồn
gen để đưa vào quản lý trong Cơ sở dữ liệu chung của toàn tỉnh, kế hoạch đảm bảo
sau 3 - 5 năm toàn bộ số nguồn gen thu thập được hiện có được đánh giá ban đầu
đầy đủ về toàn bộ các tính trạng.
1.2. Nội dung 2: Lưu giữ, bảo quản
nguồn gen thực vật, động vật quý hiếm hiện có.
Quản lý tập đoàn bao gồm lưu giữ an toàn những nguồn
gen hiện có trong tập đoàn và từng bước tiến hành đánh giá ban đầu những nguồn
gen này để có dữ liệu đưa vào quản lý trong cơ sở dữ liệu chung để nhằm thông
tin, thúc đẩy khai thác, sử dụng nguồn gen. Tùy số lượng nguồn gen, việc đánh
giá được tiến hành dần qua các năm. Đối với các tập đoàn đồng ruộng, việc đánh
giá ban đầu được tiến hành dần qua các năm. Để có số liệu tin cậy, mỗi nguồn
gen được đánh giá trong 3 năm liên tục về cùng một số tính trạng.
Xác định gen một số cây trồng, vật nuôi bản địa cần
bảo tồn:
TT
|
Nguồn gen cần bảo tồn
|
I
|
Cây dược liệu
|
|
- Bình vôi đỏ (Củ dòm, Mằn cà tòm đeng) (Stephania
dielsiana Y.C.Wu).
- Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.
Ex Murray) Cezerep.
- Bách quản (Cinnamomum sp.)
- Đi mi (Mật gấu) (Luculia pinciana Hook.)
- Bàn tay ma (Mừ phi) (Helicopsis lobata(Merr.)
Sleum.) và Heliciopsis terminalis (Kurz) Sleumer
- Bảy lá một hoa (Paris polyphylla Sm.)
- Đào rừng (Tào đông) (Prunus ippeliana
var.crassistyla J.E.Vid)
- Hoàng liên ô rô, Hoàng đằng (Đi mi) (Mahoniaspp.)
- Cốt khí dây, Tan huyết (Ventilago leiocrapa
Benth.)
- Thiên lý hương, (Tan quy) (Ebelia
parvifloraWall. ex A. DC.)
- Hàm xì (Xiên cân lực) (Flemingia macrophylla(Willd.)
Prain)
- Đảng sâm (Codonopsis javanicaHook.f.)
- Bách bộ đứng (Stemona saxorumGagnep.
- Kim ngân (Lonicera spp).
- Mặt mông hoa (Bjooic phón) (Buddleja
officinalis Maxim)
- Cát sâm (Milletia speciosa Champ).
- Kê huyết đằng (Milletia reticulata
Benth).
|
II
|
Cây lương thực
|
|
- Lúa Bao Thai Chợ Đồn,
- Khẩu nua lếch Ngân Sơn,
- Nếp Tài Ba Bể.
- Khẩu nua Pái Chợ Đồn
|
III
|
Cây rau và cây gia vị
|
|
- Bò khai (Dạ yến),
- Ngót rừng (Rau sắng),
- Mướp đắng rừng
- Bí thơm Ba Bể
|
IV
|
Cây Công nghiệp, cây lâm nghiệp
|
|
- Chè Shan tuyết
- Cây Dẻ ván
- Cây trám đen
- Cây Trúc dây
|
V
|
Cây ăn quả
|
|
- Hồng không hạt Bắc Kạn,
- Hồng không hạt Na Rì (LT1)
- Cam sành, Quýt Bắc Kạn,
- Lê Ngân Sơn.
- Mơ vàng Bắc Kạn
- Mận đường, Đào địa phương.
|
IV
|
Vật nuôi bản địa
|
|
- Lợn đen địa phương,
- Trâu, bò của Đồng bào Mông.
- Dê địa phương
- Vịt bầu cổ xanh
|
VII
|
Thủy sản
|
|
- Cá chép ruộng
- Cá chạch Sông
- Cá lăng, cá Võng Hồ Ba Bể.
|
VIII
|
Hoa cây cảnh (Bảo tồn một số loài lan quý
hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng tại Vườn quốc gia Ba Bể)
|
|
- Lan Hải: Hải Henry, Hải Điển ngọc, Kim Điệp
- Cầu diệp (Bulbophyllum purpureifolium)
- Hoàng thảo (Dendrobium aphyllum)
- Lan phích (Flickingeria vietnamensis)
|
- Nhân giống nguồn gen cây có hạt tại các điểm sinh
thái: Tại các vùng sinh thái phù hợp, tỉnh sẽ kết hợp các cơ quan nghiên cứu thực
hiện, kết hợp đánh giá ban đầu các đặc điểm nông sinh học của nguồn gen được nhận.
- Lưu giữ, bảo quản đồng ruộng tập đoàn cây sinh sản
vô tính các điểm sinh thái: Thực hiện trồng, nhân mới và quản lý mẫu nguồn gen
các cây thường niên sinh sản vô tính tại những địa điểm thích hợp, đảm bảo lưu
giữ an toàn nguồn gen và hoàn thiện việc đánh giá ban đầu những nguồn gen này.
- Bảo quản nguồn gen bằng công nghệ nuôi cấy mô tế
bào (in vitro) một số cây trồng quý.
- Nghiên cứu phôi các nguồn gen cây trồng có sức sống
suy giảm: Kết hợp nuôi cấy phôi để nhân đủ lượng hạt đạt yêu cầu của các mẫu
nguồn gen có sức nảy mầm của hạt suy giảm và khó nảy mầm trong điều kiện thông
thường.
Việc lưu giữ được thực hiện theo các quy trình phù
hợp với từng đối tượng cây cụ thể, áp dụng tối đa những phương pháp, quy trình,
quy phạm chuẩn quốc tế, nếu có. Đối với những cây chưa có quy trình, quy phạm
thích hợp, nhiệm vụ căn cứ vào những kết quả của các năm trước để áp dụng thống
nhất các tiêu chuẩn bảo tồn hợp lý, phù hợp nhất, đồng thời tiến hành các
nghiên cứu cần thiết để cải tiến/hoàn thiện quy trình.
Các thí nghiệm nhân giống ngân hàng gen tại những địa
điểm thích hợp, được kết hợp đánh giá ban đầu. Tùy thuộc vào từng nhóm cây trồng
cụ thể, số tính trạng cần đánh giá ban đầu dao động từ 30 đến 90 tính trạng, sử
dụng các bản mẫu, thang điểm đã được chuẩn hóa cho từng đối tượng cây trồng. Đối
với những cây chưa có những quy trình và bản mẫu chuẩn, những nghiên cứu cần
thiết sẽ được thực hiện để thiết lập thang điểm, quy trình và bản mẫu đánh giá.
Đối với các tập đoàn đồng ruộng, việc nhân mới và
đánh giá ban đầu nguồn gen được thực hiện ngay tại các địa điểm lưu giữ.
Đối với một số nguồn gen khó nảy mầm trong điều kiện
bên ngoài, việc nhân mới sẽ được thực hiện kết hợp sử dụng bằng phương pháp
nuôi cấy invitro (cấy phôi) trên môi trường và điều kiện thích hợp.
1.3. Nội dung 3: Nghiên cứu,
ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phục tráng nguồn gen cây trồng, thuần chủng
các nguồn gen vật nuôi.
- Ứng dụng chỉ thị phân tử để đánh giá đa dạng nguồn
gen di truyền, từ đó rút ngắn được thời gian phục tráng nguồn gen.
- Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ nuôi cấy
mô tế bào để nhân nhanh nguồn gen phục tráng.
1.4. Nội dung 4: Nghiên cứu
xây dựng, phát triển các khu vực nuôi trồng chuyên canh các loài cây, con quý
hiếm có nguy cơ tuyệt chủng hoặc quan trọng phục vụ kinh tế, xã hội, phát triển
nông nghiệp bền vững của tỉnh.
- Xây dựng các quy trình kỹ thuật nuôi, trồng cụ thể
cho mỗi nguồn gen.
- Xây dựng mô hình sản xuất thử nuôi, trồng các nguồn
gen.
- Phát triển mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu hàng
hóa của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân trong tỉnh.
1.5. Nội dung 5: Đánh giá
sơ bộ, đánh giá chi tiết nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học phù hợp với từng
đối tượng.
Nuôi, trồng các nguồn gen và theo dõi đặc điểm nông
sinh học của các nguồn gen cây trồng, đặc điểm sinh học của các nguồn gen động
vật.
1.6. Nội dung 6: Bảo tồn
nguồn gen theo đặc điểm của từng đối tượng.
- Bảo tồn nguồn gen tại chỗ (Insitu) đó là tại
các vùng sinh thái phù hợp với nguồn gen.
- Bảo tồn nguồn gen chuyển chỗ: Kết hợp với các cơ
quan khoa học để bảo tồn nguồn gen.
- Đánh giá kết quả bảo tồn.
- Giới thiệu, cung cấp trao đổi nguồn gen và các
thông tin nguồn gen theo quy định của pháp luật.
2. Các nội dung tổ chức, quản
lý mạng lưới quỹ gen cấp tỉnh:
2.1. Đào tạo, Tập huấn nghiệp vụ bảo
tồn gen.
2.2. Tư liệu hóa nguồn gen dưới hình
thức bản mô tả đặc điểm sinh học.
2.3. Tổ chức, kiểm tra, giám sát,
đánh giá kết quả đạt được theo từng nội dung hoạt động.
PHẦN
IV
DỰ KIẾN KẾT QUẢ CỦA ĐỀ ÁN
- Đánh giá được thực trạng và thu thập được các nguồn
gen quý, hiếm để bảo tồn.
- Các nguồn gen được đánh giá về các chỉ tiêu sinh
học, đánh giá về di truyền; nguồn gen được phục tráng, nghiên cứu phát triển và
các nguồn gen được tư liệu hóa.
- Các sản phẩm KH&CN về quỹ gen: Giống, quy
trình kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, các tài liệu, báo cáo...
PHẦN
V
DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Kinh phí cho hoạt động bảo tồn nguồn gen được lấy
từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh.
- Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án hỗ trợ từ nguồn
ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh từ giai đoạn 2020 - 2025 là: 17
tỷ đồng.
(Nhu cầu kinh phí
cho mỗi nhiệm vụ chi tiết tại danh mục kèm theo)
PHẦN
VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa học và Công nghệ
- Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn, triển khai thực
hiện Đề án;
- Hàng năm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký,
đặt hàng nhiệm vụ KH&CN để triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án;
- Quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ gen cấp
tỉnh theo quy định;
- Báo cáo định kỳ việc thực hiện Đề án về Ủy ban
nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng ngân sách, chủ trì phối hợp với Sở
Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn
sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện Đề án.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn
gen đối với một số cây trồng, vật nuôi và cây dược liệu bản địa, quý hiếm thuộc
lĩnh vực ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý. Định kỳ báo cáo việc
thực hiện Đề án về UBND tỉnh (qua Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp).
4. Các cơ quan, đơn vị khác
Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các
tổ chức, cá nhân, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu... trong và ngoài tỉnh phối
hợp triển khai thực hiện Đề án.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nếu có
khó khăn, phát sinh, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Khoa
học và Công nghệ để tổng hợp, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉnh sửa,
bổ sung cho phù hợp./.
DANH
MỤC CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN THỰC HIỆN TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 1783/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2020)
Đơn vị tính: Triệu
đồng
TT
|
Tên nhiệm vụ
|
Tên tổ chức dự
kiến chủ trì
|
Đối tượng và số
lượng nguồn gen bảo tồn
|
Dự kiến kinh
phí (NSNN)
|
Đơn vị phối hợp
|
Thời gian thực
hiện
|
I
|
CÂY NÔNG NGHIỆP
|
|
8
|
6.500
|
|
|
1
|
Bảo tồn nguồn gen một số cây ăn quả bản địa ở Bắc
Kạn (Cam sành, mơ Bắc Kạn, Lê Ngân Sơn).
|
- Sở Khoa học và Công nghệ
- Sở Nông nghiệp và PTNT.
|
3
|
3.000
|
- Các Viện nghiên cứu, Các Trường Đại học
- Sở NN&PTNT
- UBND các huyện
|
2021-2023
|
2
|
Bảo tồn nguồn gen một số cây lương thực, thực phẩm
(Khẩu nua lếch; Khẩu nua Pái; Nếp Tài Ba Bể).
|
- Sở Khoa học và Công nghệ
- Sở Nông nghiệp và PTNT.
|
2
|
2.000
|
- Sở NN&PTNT
- Các Viện nghiên cứu, Trường Đại học
- UBND các huyện
|
2021-2023
|
3
|
Bảo tồn nguồn gen cây rau quý hiếm bản địa (Ngót
rừng (Rau săng), Mướp đắng rừng, Bí thơm Ba Bể).
|
- Sở Nông nghiệp và PTNT
- Sở Khoa học và Công nghệ.
|
3
|
1.500
|
- Các Trường Đại học
- Các Viện nghiên cứu
- UBND các huyện
|
2021-2023
|
II
|
CÂY LÂM NGHIỆP, CÔNG NGHIỆP
|
|
3
|
2.000
|
|
|
|
Bảo tồn nguồn gen một số cây lâm nghiệp, công
nghiệp có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Bắc Kạn (Cây Dẻ ván; Cây trám đen; Cây
Trúc dây).
|
- Sở Nông nghiệp và PTNT
- Sở Khoa học và Công nghệ.
|
3
|
2.000
|
- Vườn quốc gia Ba Bể
- Các Viện nghiên cứu, Trường Đại học
- UBND các huyện.
|
2021-2025
|
III
|
CÂY DƯỢC LIỆU
|
|
14
|
5.000
|
|
|
|
(1) Mật mông hoa (Buddleja officinalis
Maxim)
(2)- Hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum Thunb)
(3) Bách quản (Cinnamomum sp.)
(4) Đi mi (Mật gấu) (Luculia pinciana)
(5) Mừ phi (Helicopsis lobata)
(6) Bảy lá một hoa (Paris polyphylla Sm)
(7) Đào rừng (Prunus ippeliana var.crassistyla
J.E.Vid)
(8) Hoàng Đằng (Mahonia japonica)
(9) Hồng đằng (Ara roxburghiana)
(10) Tan huyết (Ventilago leiocrapa Benth)
(11) Tan quy (Ebila parviflora)
(12) Xiên cân lực (Flemingia macrophylla)
(13) Kim ngân (Lonicera spp)
(14) Kê huyết đằng (Millettia reticulata Benth)
|
- Sở Nông nghiệp và PTNT
- Sở Y tế
|
14
|
5.000
|
- Sở KH&CN Bắc Kạn
- Hội đồng y,
- Các Viện nghiên cứu, Trường Đại học
- UBND các huyện
|
2021-2025
|
IV
|
VẬT NUÔI
|
|
2
|
2.500
|
|
|
|
Bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm bản địa ở tỉnh
Bắc Kạn (Lợn đen địa phương, Vịt bầu cổ xanh).
|
- Sở Nông nghiệp và PTNT
- Sở Khoa học và Công nghệ.
|
2
|
2.500
|
- Các Viện nghiên cứu, Trường Đại học.
- UBND các huyện
|
2021-2023
|
V
|
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
|
|
5
|
1.000
|
|
|
|
Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển một số giống thủy
sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh, gồm: Cá Chày đất (Spinibarbus hollandi);
cá chép gù hay gọi là chép ruộng (Cyprinus carpio); cá chạch sông
(Macrognathus aculeatus); cá lăng (Hemibagrus gutatus); cá bỗng hoặc cá võng
(Spinibarbichthys denticulatus).
|
- Sở Nông nghiệp và PTNT
- Sở Khoa học và Công nghệ.
|
5
|
1.000
|
- Các Viện nghiên cứu, Trường Đại học.
- UBND các huyện, thành phố
|
2021-2023
|
TỔNG KINH PHÍ
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
|
|
|
17.000
|
|
|