ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 459/KH-UBND
|
Nghệ An, ngày 17
tháng 6 năm 2025
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI MÔ HÌNH TIẾP CÔNG DÂN TRỰC TUYẾN TẠI TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ
Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số quốc gia, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hướng đến tinh gọn, hiệu quả,
khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, đưa đất nước vững bước vào kỷ
nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thực hiện Công văn số 9231/VPCP-VI ngày 16/12/2024
của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường
trực Nguyễn Hòa Bình về triển khai Mô hình tiếp công dân trực tuyến theo kiến
nghị của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 2469/TTCP-BTCDTW ngày 28/11/2024.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai mô hình tiếp
công dân trực tuyến của tỉnh Nghệ An, cụ thể như sau:
Phần thứ nhất
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
a) Tổ chức tiếp công dân trực tuyến nhằm nâng cao
hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong
tình hình mới, cũng như trong những điều kiện đặc biệt (dịch bệnh, thiên
tai...). Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại,
kiến nghị, phản ánh, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự và công tác phòng, chống
dịch bệnh, thiên tai (nếu có). Hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người,
vượt cấp, phức tạp, mất an ninh, trật tự, tập trung tại các cơ quan Trung ương.
b) Đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm nhân lực, thời gian,
chi phí cho công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo các cơ quan
Trung ương, địa phương và người dân khiếu kiện.
c) Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban tiếp công
dân tỉnh với Cơ quan tiếp công dân các địa phương (sau đây gọi là cấp cơ sở);
nâng cao hiệu quả, tạo sự thống nhất cao trong giải quyết khiếu nại, kiến nghị,
phản ánh của các cơ quan có thẩm quyền các cấp và việc giám sát việc thực hiện
công tác tiếp công dân giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới.
d) Tiếp công dân trực tuyến là sự lựa chọn thay thế
cho một số buổi tiếp công dân trực tiếp, giúp các cơ quan tiếp công dân thực hiện
tốt nhiệm vụ trong điều kiện xã hội bình thường cũng như trong điều kiện có dịch
bệnh, thiên tai; hạn chế tập trung đông người tại một phòng tiếp công dân,
tránh sự lây lan của dịch bệnh, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân
và nhà nước.
e) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong
công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở góp phần thúc đẩy cải
cách hành chính và chuyển đổi số. Thống nhất phương thức tổ chức tiếp công dân
trực tuyến gồm: Thiết kế, yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, cơ chế, chính sách, quy chế,
quy định tổ chức vận hành nhằm nâng cao chất lượng các buổi tiếp công dân trực
tuyến.
2. Yêu cầu
2.1. Yêu cầu chung
- Việc tiếp công dân trực tuyến đảm bảo đúng quy
trình, quy định tại Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Nghị định số
124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021
của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quy định quy trình tiếp công dân và các
quy định khác của pháp luật có liên quan. Đúng với đường lối chủ trương của Đảng
và Nhà nước về áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong công tác tiếp công
dân.
- Các điểm cầu tiếp công dân trực tuyến từ Ban Tiếp
công dân TW đến Ban Tiếp dân tỉnh và cấp cơ sở, đảm bảo cơ sở hạ tầng, hệ thống
lưu trữ dữ liệu, kết nối thông suốt để truyền tải hình ảnh, âm thanh giữa các
điểm cầu; mỗi điểm cầu chính cần đảm bảo có quy mô kết nối nhiều điểm cầu tham
gia cùng thời điểm.
- Các điểm cầu tiếp công dân trực tuyến luôn đặt ưu
tiên về chất lượng, tính sẵn sàng cao nhất, đảm bảo thông tin liên lạc... góp
phần từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới lề lối làm việc, cải cách
thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công
nghệ thông tin, tương tác trực tuyến trong xử lý công việc.
- Tiếp công dân trực tuyến có giá trị pháp lý như
việc tiếp công dân trực tiếp; thực hiện tiếp công dân trực tuyến trong trường hợp
xã hội có dịch bệnh; phục vụ tiếp các vụ việc phức tạp cần nhiều cấp, nhiều cơ
quan tham gia nhưng cách xa nhau về vị trí địa lý; phục vụ tiếp công dân định kỳ,
đột xuất của người đứng đầu theo quy định của Luật Tiếp công dân, nhưng vì lý do
khách quan không thể tiếp công dân trực tiếp.
- Các buổi tiếp công dân trực tuyến được ghi âm,
ghi hình, dữ liệu được lưu trữ tại điểm cầu trung tâm để khai thác, sử dụng lâu
dài.
2.2. Yêu cầu cụ thể
- Yêu cầu về hệ thống:
Hệ thống truyền hình hội nghị phục vụ tiếp công dân
trực tuyến sử dụng phần mềm và phần cứng để truyền tải hình ảnh, âm thanh hai
chiều giữa các phòng tiếp công dân tại các địa điểm khác nhau của các điểm cầu.
Hệ thống tiếp công dân trực tuyến của Ban tiếp công
dân tỉnh phục vụ các buổi tiếp công dân theo hình thức trực tuyến, kết nối,
liên thông các cấp hành chính từ Trung ương đến địa phương và ngược lại; giữa cấp
tỉnh với cấp cơ sở trong toàn tỉnh và ngược lại.
- Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật:
Ban hành Quy chế tiếp công dân trực tuyến, quy định
công tác phối hợp, triển khai, vận hành kỹ thuật giữa các cơ quan, đơn vị tham
gia tiếp công dân trực tuyến.
Hướng dẫn, kiểm thử quy trình tiếp công dân trực
tuyến; phổ biến, quán triệt đảm bảo tất cả các cơ quan tham gia tiếp công dân
trực tuyến đủ kỹ năng về triển khai, vận hành kỹ thuật và đảm bảo an toàn thông
tin; thử nghiệm quy trình tiếp công dân trực tuyến tại một số cơ sở trước khi
đưa mô hình vào thực tiễn.
- Yêu cầu về đường truyền:
Trong thời gian đầu các điểm cầu tiếp công dân trực
tuyến sử dụng qua môi trường Internet (điểm cầu trung tâm sử dụng đường truyền
riêng tốc độ khoảng 30Mb, điểm cầu đại biểu sử dụng đường truyền tốc độ khoảng
5Mb). Trong tương lai, có thể nâng cấp các điểm cầu sử dụng đường truyền kết nối
riêng.
- Yêu cầu về nhân lực phục vụ:
Nhân lực vận hành các hệ thống phục vụ tiếp công
dân trực tuyến, được bố trí số lượng dựa trên quy mô của buổi tiếp (số lượng điểm
cầu, vị trí tổ chức buổi tiếp). Các nhân sự vận hành cần có kiến thức cơ bản về
công nghệ thông tin và kỹ năng vận hành các hệ thống phục vụ buổi tiếp trực tuyến.
Phần thứ II
NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Địa điểm tổ chức tiếp công
dân trực tuyến
- Trụ sở Tiếp công dân tỉnh là địa điểm tổ chức tiếp
công dân trực tuyến đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh
nhưng cần sự phối hợp của các cơ quan Trung ương tham gia; các vụ việc đông người,
phức tạp, vượt cấp lên cấp tỉnh. Tổ chức tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ
tịch UBND cấp tỉnh.
- Địa điểm tiếp công dân cấp cơ sở tổ chức tiếp
công dân trực tuyến đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp cơ
sở nhưng cần sự phối hợp tham gia tiếp của các cơ quan cấp tỉnh. Tổ chức tiếp
công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND cấp cơ sở.
2. Về hạ tầng, cơ sở vật chất
- Văn phòng UBND tỉnh (giao Ban Tiếp công dân tỉnh)
phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính thực hiện
các thủ tục theo quy định để lập danh mục các cơ sở vật chất, trang thiết bị cần
thiết để đảm bảo an ninh thông tin được tốt hơn, chủ động về đường truyền kết nối,
cần từng bước nâng cấp trang thiết bị, kênh đường truyền riêng, chuyển đổi
thành Mô hình tiếp công dân trực tuyến chuyên dụng.
- Đề xuất đối với hạ tầng, cơ sở vật chất của điểm
cầu Trụ sở tiếp công dân tỉnh, nơi tiếp công dân cấp cơ sở:
+ Mỗi điểm cầu chính thuê riêng kênh truyền
Internet băng thông 30-50Mb để kết nối cùng lúc 5-10 điểm cầu tham gia cùng thời
điểm;
+ Trang bị hệ thống gồm: Máy tính cá nhân (dung lượng
lưu trữ lớn), Màn hình, Camera, Hệ thống âm thanh, Ổ cứng lưu trữ ngoài...) cho
Trụ sở tiếp công dân tỉnh, Trụ sở tiếp công dân cấp cơ sở.
- Giao Ban tiếp công dân tỉnh chủ trì phối hợp với
Thanh tra tỉnh lập dự trù kinh phí mua sắm trang thiết bị để phục vụ Mô hình tiếp
dân trực tuyến tại các điểm cầu trong toàn tỉnh.
- Về an toàn, bảo mật thông tin: Để lưu trữ, phục vụ
khai thác dữ liệu sau các phiên tiếp công dân trực tuyến. Trước mắt, đề xuất giải
pháp lưu trữ sử dụng máy tính có dung lượng lưu trữ lớn và các thiết bị ngoại
vi, đặt tại các điểm cầu chính.
- Trong tương lai, khi chuyển đổi sang Mô hình tiếp
công dân trực tuyến chuyên dụng, sẽ đề xuất giải pháp lưu trữ sử dụng cơ sở dữ
liệu đám mây được đặt tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh.
3. Về thể chế và nhân sự
- Ban tiếp công dân tỉnh và UBND cấp cơ sở thực hiện
theo Luật Tiếp công dân; bố trí, sắp xếp nhân sự có chuyên môn về công nghệ
thông tin để vận hành và xử lý tình huống trong triển khai các phiên tiếp công
dân trực tuyến; nhân sự cần được hướng dẫn, đào tạo đồng đều đảm bảo các yêu cầu.
- Đào tạo cán bộ: Tập huấn cho cán bộ về kỹ năng sử
dụng phần mềm, thiết bị họp trực tuyến; hướng dẫn quy trình xử lý thông tin về
tiếp dân trực tuyến.
4. Phạm vi triển khai và thời
gian thực hiện
- Giai đoạn 1: Triển khai kết nối mô hình tiếp công
dân trực tuyến tại Trụ sở Trung ương với UBND tỉnh xong trước 30/6/2025.
- Giai đoạn 2: Triển khai mô hình tiếp công dân trực
tuyến tại Trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh và thí điểm tại một số địa điểm Tiếp
công dân của UBND cấp cơ sở xong trước ngày 30/8/2025).
- Giai đoạn 3: Triển khai mô hình tiếp công dân trực
tuyến trên địa bàn toàn tỉnh (Ban Tiếp công dân Trung ương - tỉnh - xã ).
5. Đối tượng thực hiện tiếp
công dân trực tuyến
- Vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đã được Thủ
tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết nhưng trong quá trình thực hiện gặp khó
khăn, vướng mắc, công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, có nguy
cơ gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
- Vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh đã được cơ
quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định
của pháp luật; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng
công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, kiến nghị, phản ánh vượt cấp, có nguy cơ gây mất
trật tự, an ninh, an toàn xã hội.
- Các vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên
quan đến nhiều cơ quan, nhiều địa phương hoặc tại các vùng, địa bàn miền núi đi
lại khó khăn gây lãng phí, tốn kém cho cá nhân, tổ chức.
- Các đoàn công dân khiếu nại, kiến nghị, phản ánh
đông người, phức tạp kéo dài nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết
theo quy định của pháp luật vượt cấp lên Trung ương.
- Các đoàn công dân khiếu nại, kiến nghị, phản ánh
đông người phức tạp, các vụ việc khiếu nại, kiến nghị, phản ánh phức tạp, kéo
dài đã được giải quyết hết thẩm quyền nhưng có những nội dung cần xin ý kiến
tham gia của các cơ quan có liên quan.
- Các vụ việc khác khi cần thiết.
Phần thứ III
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Văn phòng UBND tỉnh (giao
Ban Tiếp công dân tỉnh):
- Chủ trì phối hợp Thanh tra tỉnh, Sở Khoa học
& Công nghệ thực hiện kết nối thống nhất giữa điểm cầu tiếp công dân của
Trung ương với tiếp công dân của tỉnh theo mô hình trực tuyến. Rà soát, vận động
công dân khi có yêu cầu, đảm bảo giải quyết các vụ việc an toàn; giữ vững trật
tự, phục vụ tốt Đại hội Đảng các cấp, yêu cầu xong trước ngày 30/6/2025.
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và
UBND cấp cơ sở tổ chức tiếp công dân trực tuyến đối với các vụ việc đông người,
phức tạp, vượt cấp lên Trung ương.
- Phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu cho Chủ tịch
UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân trực tuyến đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền
giải quyết.
- Chuẩn bị nội dung, xây dựng kịch bản, kế hoạch tổ
chức các buổi tiếp công dân trực tuyến của lãnh đạo UBND tỉnh; bố trí cán bộ tiếp
công dân trực tuyến khi được các cơ quan, đơn vị mời tham gia.
- Phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Khoa học và Công
nghệ, Sở Tài chính khảo sát điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật; cơ sở vật chất tại
các điểm cầu tiếp công dân trực tuyến trong toàn tỉnh; lập dự toán, đề xuất
kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động tiếp công dân trực tuyến theo
quy định.
- Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và
UBND cấp cơ sở trong công tác chuẩn bị đảm bảo cơ sở hạ tầng phòng tiếp công
dân trực tuyến trước mỗi phiên tiếp công dân trực tuyến (Hệ thống chiếu sáng; hệ
thống đường truyền và thiết bị mạng; hệ thống âm thanh; thiết bị hiển thị hình ảnh
tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu đại biểu; thiết bị giải mã tín hiệu truyền
hình, phần mềm truyền hình trực tuyến; thiết bị camera ghi hình toàn bộ diễn biến
buổi tiếp công dân; thiết bị lưu trữ dữ liệu; thiết bị lưu điện...).
- Phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh xây dựng
Quy chế tiếp công dân trực tuyến của UBND tỉnh.
2. Thanh tra tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh, Sở
Tư pháp và các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tiếp
công dân trực tuyến của UBND tỉnh.
- Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các đơn vị, cơ
sở chuẩn bị nội dung, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc Tiếp công dân trực tuyến.
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp,
tham mưu đề xuất UBND tỉnh tổng kết, đánh giá. Báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ
về triển khai mô hình tiếp công dân trực tuyến.
- Phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh, Sở Khoa học
& Công nghệ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tiếp công dân
trực tuyến cho cán bộ, công chức trong toàn tỉnh.
3. UBND cấp cơ sở; các Sở,
ban, ngành tham gia tiếp công dân trực tuyến
- Tổ chức, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật
chất, đường truyền, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp hệ thống đường truyền,
trang thiết bị, phòng tiếp công dân trực tuyến đảm bảo sẵn sàng thực hiện tiếp
công dân trực tuyến, kết nối với Trụ sở Tiếp công dân tỉnh để tham gia tiếp các
vụ việc do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì cần có sự tham gia của các cơ quan tham
gia tiếp công dân.
- Phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh, Sở Khoa học
và Công nghệ tiến hành kiểm thử phương án kỹ thuật, đảm bảo kỹ thuật và an toàn
thông tin trước khi diễn ra buổi tiếp.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh (Ban Tiếp
công dân tỉnh), Thanh tra tỉnh xây dựng phương án kỹ thuật, đảm bảo kết nối ổn
định và an toàn thông tin các phiên tiếp công dân trực tuyến.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan
đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến
mô hình tiếp công dân trực tuyến, cũng như thông tin về các phiên tiếp công dân
trực tuyến do Lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện.
6. Sở Tài chính
Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh
bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch từ Ngân sách Nhà nước theo quy định; Phối hợp
với Ban Tiếp công dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị
có liên quan trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch Triển khai mô hình tiếp công
dân trực tuyến của tỉnh Nghệ An, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, cơ quan,
đơn vị có liên quan, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá
trình thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Ban Tiếp
công dân tỉnh hoặc Thanh tra tỉnh) để được xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Ban Tiếp công dân TW;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực UBMT TQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP Tỉnh ủy, Các ban Đảng Tỉnh ủy;
- Thanh tra tỉnh; Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- Đài PT& TH tỉnh; Báo Nghệ An;
- UBND các địa phương trong tỉnh.
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Báo Nghệ An;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT.UB/TD(Mai)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Thanh An
|