BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/2024/TT-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 5 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN
NƯỚC
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 68/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Chính
phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên
và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Quản lý tài nguyên nước;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết
thi hành khoản 4 Điều 22, khoản 9 Điều 24, điểm b khoản 2 Điều
26, khoản 8 Điều 31, khoản 3 Điều 39 của Luật Tài nguyên nước
về phân vùng chức năng nguồn nước mặt; xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu;
xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;
bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều
31 của Luật Tài nguyên nước; lập, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất;
bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ
quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan
đến các nội dung quy định tại Điều 1 của Thông tư này trên
lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chương II
PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN
NƯỚC MẶT; XÁC ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC VIỆC CÔNG BỐ VÙNG BẢO HỘ VỆ SINH KHU VỰC LẤY NƯỚC
SINH HOẠT
Mục 1.
PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG NGUỒN NƯỚC MẶT
Điều 3.
Nguyên tắc phân vùng chức năng nguồn nước
1. Đảm bảo tính hệ thống trong
lưu vực sông, phù hợp với ranh giới hành chính cấp tỉnh.
2. Phù hợp với hiện trạng khai
thác, sử dụng tài nguyên nước và nhu cầu khai thác, sử dụng nước được xác định
trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy
hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài
nguyên nước.
3. Việc phân vùng chức năng nguồn
nước phải được xem xét tổng thể về giá trị, lợi ích mà nguồn nước mang lại, mức
độ ưu tiên phải bảo vệ và thuận lợi trong việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ
nguồn nước.
4. Hài hòa lợi ích trong khai
thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước giữa các khu vực,
các địa phương, giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các đối tượng khai thác, sử dụng
nước; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, duy trì sự phát
triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh.
Điều 4.
Trình tự thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch
Vùng chức năng nguồn nước sông,
suối, kênh, mương, rạch được xác định cho từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch
và có một hoặc một số chức năng theo quy định tại khoản 4 Điều này. Việc phân
vùng chức năng nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch được thực hiện như sau:
1. Thông tin, dữ liệu phục vụ
phân vùng chức năng nguồn nước:
a) Hiện trạng, nhu cầu khai
thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích: sinh hoạt; sản xuất nông nghiệp;
nuôi trồng thủy sản; sản xuất công nghiệp; kinh doanh, dịch vụ; du lịch; thủy
điện; giao thông đường thủy và các hoạt động khác có liên quan đến nguồn nước;
b) Hiện trạng hệ sinh thái thủy
sinh;
c) Khả năng đáp ứng về số lượng,
chất lượng của nguồn nước;
d) Khu vực nguồn nước có các hoạt
động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, phát triển du lịch; vai trò, tầm quan trọng
của nguồn nước đối với việc bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá
trị văn hóa, phát triển du lịch, tạo cảnh quan, môi trường và sinh kế của người
dân;
đ) Khu vực nguồn nước có vai
trò trong việc trữ, tiêu thoát lũ;
e) Khu vực nguồn nước có kế hoạch,
biện pháp bảo vệ, cải thiện, phục hồi nguồn nước.
2. Xác định các vị trí, khu vực
phục vụ phân vùng chức năng nguồn nước:
a) Vị trí các điểm nhập lưu,
phân lưu; ranh giới hành chính cấp tỉnh; đường biên giới quốc gia;
b) Vị trí các công trình khai
thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, công trình hồ chứa thủy điện, thủy
lợi, công trình điều tiết nước; vị trí, khu vực có các hoạt động kinh doanh, dịch
vụ; khu vực có hoạt động giao thông đường thủy;
c) Khu vực dự kiến có các công
trình, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước được xác định trong quy hoạch
về tài nguyên nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất
kỹ thuật, chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
d) Vị trí, khu vực có công
trình, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh
lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, khu cảnh
quan sinh thái quan trọng, khu vực có đa dạng sinh học cao liên quan đến nguồn
nước sông suối, kênh, mương, rạch;
đ) Khu vực trữ, tiêu thoát lũ.
3. Phân đoạn sông, suối, kênh,
mương, rạch:
a) Phân đoạn sông, suối, kênh,
mương, rạch để thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước;
b) Việc phân đoạn sông, suối,
kênh, mương, rạch thực hiện trên cơ sở: đặc điểm nguồn nước; hiện trạng chất lượng
nước; mục đích sử dụng nước và các hoạt động liên quan đến nguồn nước; các yêu cầu
về bảo vệ, cải thiện, phục hồi nguồn nước.
4. Xác định chức năng nguồn nước
của từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch, như sau:
a) Căn cứ vào thông tin, dữ liệu
theo quy định tại khoản 1 Điều này và các vị trí được xác định theo quy định tại
khoản 2 Điều này để xác định các chức năng nguồn nước quy định tại khoản 1 Điều 22 và khoản 1 Điều 28 của Luật Tài nguyên nước đối
với từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch;
b) Đoạn sông, suối, kênh,
mương, rạch mà tại thời điểm thực hiện phân vùng chức năng không có các hoạt động
khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc trong các quy hoạch về tài nguyên nước,
quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên
ngành liên quan không có nhu cầu khai thác, sử dụng nước thì chức năng nguồn nước
được xác định là bảo vệ sự phát triển của hệ sinh thái thủy sinh, tạo cảnh
quan, môi trường.
Điều 5. Xác
định chức năng nguồn nước hồ, ao, đầm, phá
1. Chức năng nguồn nước hồ, ao,
đầm, phá được xác định cho toàn bộ diện tích mặt nước của hồ, ao, đầm, phá và
có chức năng quy định tại khoản 1 Điều 22 và khoản 1 Điều 28 của
Luật Tài nguyên nước.
2. Căn cứ vào thông tin, dữ liệu
phục vụ xác định chức năng nguồn nước quy định tại khoản 1 Điều
4 của Thông tư này để xác định các chức năng nguồn nước đối với từng hồ,
ao, đầm, phá.
Điều 6. Yêu
cầu về kết quả phân vùng chức năng nguồn nước
1. Kết quả phân vùng chức năng
nguồn nước sông, suối, kênh, mương, rạch phải được tổng hợp, lập thành danh mục.
Trong đó, từng đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch được phân vùng chức năng phải
thể hiện các nội dung chủ yếu sau:
a) Tên của sông, suối, kênh,
mương, rạch; tên lưu vực sông;
b) Chiều dài, vị trí hành
chính, tọa độ điểm đầu và điểm cuối của đoạn sông, suối, kênh, mương, rạch được
phân vùng chức năng (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30);
c) Chức năng nguồn nước của đoạn
sông, suối, kênh, mương, rạch.
2. Kết quả phân vùng chức năng
nguồn nước hồ, ao, đầm, phá phải được lập thành danh mục và phải thể hiện các nội
dung chủ yếu sau:
a) Tên của hồ, ao, đầm, phá; tọa
độ đại diện cho vị trí của hồ, ao, đầm, phá (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 30),
vị trí hành chính; tên tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành (nếu có). Đối với hồ
chứa thủy điện, thủy lợi trên sông, suối thì nêu rõ tên của sông, suối;
b) Diện tích mặt nước của hồ,
ao, đầm, phá được xác định chức năng;
c) Chức năng nguồn nước của hồ,
ao, đầm, phá.
3. Kết quả phân vùng chức năng
nguồn nước phải được cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên
nước quốc gia.
Điều 7. Tổ
chức thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước, phê duyệt, công bố chức năng nguồn
nước
1. Trường hợp phân vùng chức
năng nguồn nước mặt được thực hiện trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh,
trong quy hoạch tỉnh thì việc phê duyệt, công bố chức năng nguồn nước thực hiện
trong quy trình, thủ tục phê duyệt, công bố quy hoạch.
2. Trường hợp Bộ Tài nguyên và
Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố chức năng nguồn nước mặt
theo quy định tại khoản 5 Điều 22 Luật Tài nguyên nước thì
việc tổ chức thực hiện phân vùng chức năng nguồn nước, phê duyệt, công bố chức
năng nguồn nước được thực hiện như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường
chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
các cơ quan liên quan xác định, phân vùng chức năng đối với các nguồn nước mặt
liên tỉnh, nguồn nước mặt liên quốc gia và lấy ý kiến các Bộ: Công Thương, Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao
và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông (nếu có) và các cơ
quan, đơn vị có liên quan về kết quả phân vùng chức năng nguồn nước.
Trên cơ sở ý kiến góp ý, Cục Quản
lý tài nguyên nước tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ
đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác định, phân vùng chức năng đối với
các nguồn nước mặt nội tỉnh và lấy ý kiến các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan về kết quả phân
vùng chức năng nguồn nước.
Trên cơ sở ý kiến góp ý, Sở Tài
nguyên và Môi trường tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt;
c) Trong thời hạn 14 ngày, kể từ
ngày phê duyệt phân vùng chức năng nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền công bố, đăng tải quyết định phê duyệt
phân vùng chức năng nguồn nước trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và
Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Mục 2. XÁC
ĐỊNH VÀ TỔ CHỨC VIỆC CÔNG BỐ VÙNG BẢO HỘ VỆ SINH KHU VỰC LẤY NƯỚC SINH HOẠT
Điều 8.
Nguyên tắc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt
1. Đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu
tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp
cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước.
2. Phù hợp với điều kiện địa
hình, địa chất, địa chất thủy văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy
mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo
vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
3. Phù hợp với hiện trạng sử dụng
đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai
thác nước để cấp cho sinh hoạt.
Điều 9. Các
trường hợp phải xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh
hoạt
Công trình khai thác nước để cấp
nước cho sinh hoạt hoặc cấp nước cho nhiều mục đích, trong đó có cấp nước cho
sinh hoạt (sau đây gọi chung là công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt)
của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì phải xác định và công bố vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, bao gồm:
1. Công trình khai thác nước mặt
có quy mô trên 100 m3/ngày đêm.
2. Công trình khai thác nước dưới
đất có quy mô trên 10 m3/ngày đêm.
Điều 10.
Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình
khai thác nước mặt
1. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh
khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt trên sông, suối,
kênh, mương, rạch để cấp cho sinh hoạt là vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị
trí khai thác nước của công trình (bao gồm cả phần phạm vi hành lang bảo vệ nguồn
nước sông, suối, kênh, mương, rạch mà công trình đó khai thác), được quy định
như sau:
a) Trường hợp công trình khai
thác nước có quy mô trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày
đêm thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn
1.000 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực
miền núi; không nhỏ hơn 800 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 200 m về phía
hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du;
b) Trường hợp công trình khai
thác nước có quy mô từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên thì phạm vi vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 1.500 m về phía thượng lưu
và không nhỏ hơn 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi; không nhỏ hơn
1.000 m về phía thượng lưu và không nhỏ hơn 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực
đồng bằng, trung du.
2. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh
khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt từ hồ chứa, đập
dâng để cấp cho sinh hoạt được tính từ vị trí khai thác nước của công trình và
được quy định như sau:
a) Không nhỏ hơn 1.500 m từ vị
trí khai thác nước đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa, đập
dâng trên sông, suối và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của
hồ chứa, phạm vi bảo vệ đập;
b) Toàn bộ khu vực lòng hồ đối
với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa khác với quy định tại điểm
a khoản này.
Điều 11.
Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình
khai thác nước dưới đất
1. Đối với công trình khai nước
dưới đất trong tầng chứa nước có áp thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy
nước sinh hoạt được xác định cho từng giếng khai thác và không nhỏ hơn 3 m tính
từ miệng giếng.
2. Đối với công trình khai nước
dưới đất trong tầng chứa nước không áp thì phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực
lấy nước sinh hoạt được xác định cho từng giếng khai thác và không nhỏ hơn 20 m
tính từ miệng giếng.
Điều 12.
Xác định, phê duyệt, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt
1. Trong quá trình lập hồ sơ đề
nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý,
vận hành công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt căn cứ quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Thông tư này đề xuất phạm vi cụ thể vùng
bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước trong hồ
sơ đề nghị cấp phép khai thác tài nguyên nước.
2. Trường hợp phạm vi vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn một tỉnh:
a) Trên cơ sở đề xuất phạm vi
vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của tổ chức, cá nhân quy định tại
khoản 1 Điều này và hiện trạng sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có
công trình tổ chức xác định phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh
hoạt của công trình;
b) Trong thời hạn 42 ngày, kể từ
ngày nhận được giấy phép khai thác tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường
trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước
sinh hoạt của công trình.
3. Trường hợp phạm vi vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương trở lên:
a) Trên cơ sở đề xuất phạm vi
vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của tổ chức, cá nhân quy định tại
khoản 1 Điều này và hiện trạng sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có
công trình khai thác nước chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các
tỉnh có liên quan thống nhất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh
hoạt của công trình;
b) Trong thời hạn 42 ngày, kể từ
ngày nhận được giấy phép khai thác tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường
nơi có công trình khai thác nước gửi phương án về phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh
khu vực lấy nước sinh hoạt đã được thống nhất theo quy định tại điểm a khoản
này tới Cục Quản lý tài nguyên nước xem xét, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường
phê duyệt.
4. Quyết định phê duyệt vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt bao gồm các nội dung chính sau đây: tên
công trình khai thác; nguồn nước khai thác; quy mô công trình khai thác; vị trí
khai thác; phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công
trình khai thác.
5. Trong thời hạn 42 ngày, kể từ
ngày có quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức
việc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử
của địa phương và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan tổ chức xác định
ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa.
Điều 13. Tổ
chức xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt
trên thực địa
1. Trường hợp phạm vi vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn một tỉnh:
Trong thời hạn 42 ngày, kể từ
ngày nhận được quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh
hoạt, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi thông báo về kế hoạch xác định ranh giới
vùng bảo hộ vệ sinh trên thực địa đến Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc phạm vi vùng
bảo hộ vệ sinh và tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận hành công trình khai
thác nước để phối hợp thực hiện việc xác định ranh giới phạm vi, vị trí đặt biển
chỉ dẫn vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa.
Sau khi hoàn thành việc xác định
ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa, Ủy ban
nhân dân cấp huyện gửi thông báo tới Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả
hoàn thành.
2. Trường hợp phạm vi vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương trở lên thì việc tổ chức xác định ranh giới phạm vi vùng bảo hộ
vệ sinh ngoài thực địa được thực hiện trên địa bàn từng tỉnh, thành phố theo
quy định tại khoản 1 Điều này.
Sau khi hoàn thành việc xác định
ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa, Ủy ban
nhân dân cấp huyện gửi thông báo tới Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục Quản lý
tài nguyên nước về kết quả hoàn thành.
Điều 14.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu
vực lấy nước sinh hoạt
1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia
đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt phải tuân thủ các quy định về hành lang bảo
vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất theo quy định pháp luật
về tài nguyên nước, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật
khác có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư, quản
lý, vận hành công trình khai thác nước có trách nhiệm lắp đặt, cắm biển chỉ dẫn,
bảo vệ biển chỉ dẫn về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với
công trình của mình; bảo vệ nguồn nước mình đang trực tiếp khai thác, sử dụng;
theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước
sinh hoạt của công trình.
Trường hợp phát hiện hành vi
gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai
thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước
khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công
trình khai thác thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính
quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ
đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ
sau đây: xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên
thực địa; thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh
khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn; tiếp
nhận thông tin, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng bảo hộ vệ
sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn
theo thẩm quyền.
Chương
III
XÁC ĐỊNH, ĐIỀU CHỈNH DÒNG
CHẢY TỐI THIỂU
Điều 15.
Yêu cầu về giá trị dòng chảy tối thiểu
1. Dòng chảy tối thiểu trên
sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa có giá trị trong phạm vi từ lưu lượng tháng
nhỏ nhất đến lưu lượng trung bình của 3 tháng nhỏ nhất (m3/s).
Trường hợp có yêu cầu khác với
giá trị lưu lượng nêu trên, thì phải căn cứ vào các quy định tại khoản
4 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước để xác định giá trị dòng chảy tối thiểu
tại từng vị trí, nhưng mức tăng tối đa không vượt quá lưu lượng trung bình mùa cạn
và phải phù hợp với khả năng thực tế của nguồn nước, năng lực vận hành điều tiết
nước của đập, hồ chứa; mức giảm tối đa không vượt quá 50% lưu lượng của tháng
nhỏ nhất, nhưng phải bảo đảm an toàn cấp nước, an sinh xã hội, môi trường, hệ
sinh thái thủy sinh.
2. Căn cứ yêu cầu về mức dòng
chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa quy định tại khoản 1 Điều
này, việc xác định dòng chảy tối thiểu phải xem xét toàn diện, đầy đủ các
nguyên tắc, căn cứ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 24 của Luật
Tài nguyên nước để lựa chọn giá trị dòng chảy tối thiểu tại từng vị trí cho
phù hợp.
3. Tùy thuộc vào yêu cầu về chế
độ khai thác, sử dụng nước và khả năng vận hành điều tiết của đập, hồ chứa,
năng lực công trình điều tiết, giá trị dòng chảy tối thiểu tại mỗi vị trí có thể
được xem xét, xác định tương ứng với từng thời kỳ, thời gian trong năm.
Dòng chảy tối thiểu tại mỗi vị
trí phải đáp ứng yêu cầu về chế độ, thời gian sử dụng nước phía hạ du, bảo đảm
tính hệ thống trên cùng hệ thống sông, suối.
4. Đối với công trình đập ngăn
mặn, chống ngập, đập vùng cửa sông ven biển, cơ quan có thẩm quyền xác nhận
đăng ký, cấp phép khai thác nước mặt quyết định sự cần thiết việc duy trì dòng
chảy tối thiểu.
Điều 16. Vị
trí xác định dòng chảy tối thiểu
1. Đối với sông, suối:
a) Vị trí xác định dòng chảy tối
thiểu trên sông, suối được xác định tại một hoặc một số vị trí, cụ thể: vị trí
trên sông, suối trước khi nhập lưu với sông, suối khác; vị trí tại trạm thủy
văn, trạm quan trắc tài nguyên nước;
b) Ngoài vị trí quy định tại điểm
a khoản này, trường hợp có yêu cầu cụ thể về dòng chảy để đảm bảo cho các hoạt
động khai thác, sử dụng nước; hoạt động văn hóa, thể thao du lịch; yêu cầu để
phòng chống suy thoái, phục hồi nguồn nước hoặc yêu cầu về bảo vệ hệ sinh thái
thủy sinh, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài thủy sinh có giá trị kinh tế trên
một hoặc nhiều đoạn sông, suối thì cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước
có thẩm quyền quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 24 của Luật Tài
nguyên nước xem xét, quyết định lựa chọn bổ sung vị trí xác định dòng chảy
tối thiểu.
2. Đối với đập, hồ chứa:
a) Vị trí xác định dòng chảy tối
thiểu hạ lưu đập, hồ chứa được xác định ngay sau đập;
b) Đối với đập, hồ chứa có
phương thức khai thác nước làm gián đoạn dòng chảy của sông, suối, tùy thuộc
quy mô, khả năng điều tiết của hồ chứa, phạm vi tác động của công trình, yêu cầu
chế độ dòng chảy trên sông, suối và yêu cầu khai thác, sử dụng nước phía hạ du
đập, hồ chứa thì ngoài vị trí xác định dòng chảy tối thiểu quy định tại điểm a
khoản này, xem xét việc xác định dòng chảy tối thiểu tại vị trí ngay sau hạng mục
công trình trả lại dòng chảy vào sông, suối;
c) Đập, hồ chứa trên sông, suối
có quy mô khai thác nước thuộc trường hợp phải đăng ký, có giấy phép khai thác
tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, phải bố trí các
hạng mục công trình xả dòng chảy tối thiểu, bảo đảm có đủ năng lực xả đáp ứng
yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 15 của Thông tư này, trừ
trường hợp các đập, hồ chứa đã đi vào vận hành mà không thể điều chỉnh, bổ sung
hạng mục công trình xả dòng chảy tối thiểu.
Điều 17.
Phương pháp tính toán các đặc trưng dòng chảy phục vụ xác định dòng chảy
tối thiểu
1. Các đặc trưng dòng chảy được
tính toán tại mỗi vị trí xác định dòng chảy tối thiểu bao gồm:
a) Phân phối dòng chảy các
tháng trong năm;
b) Các đặc trưng dòng chảy năm;
c) Các đặc trưng dòng chảy mùa
cạn (dòng chảy tháng nhỏ nhất, trung bình tháng nhỏ nhất, trung bình 3 tháng nhỏ
nhất và trung bình mùa cạn).
2. Căn cứ vào số liệu quan trắc
khí tượng thủy văn hiện có và đặc điểm của lưu vực, việc xác định các đặc trưng
dòng chảy được thực hiện bằng một trong các phương pháp sau:
a) Trường hợp trên sông, suối
có trạm thuỷ văn, trạm quan trắc tài nguyên nước hoặc hồ chứa điều tiết năm,
nhiều năm (sau đây gọi chung là trạm quan trắc thủy văn) có chuỗi số liệu quan
trắc thủy văn từ 20 năm trở lên và chênh lệch về diện tích lưu vực của trạm thủy
văn với diện tích lưu vực tại vị trí cần xác định dòng chảy tối thiểu không quá
10%, thì sử dụng quan hệ tương quan (theo tỷ lệ lượng mưa năm và diện tích lưu
vực) với số liệu dòng chảy của trạm quan trắc thủy văn để xác định;
b) Trường hợp trên sông, suối
có trạm quan trắc thuỷ văn với chuỗi số liệu quan trắc thủy văn từ 20 năm trở
lên nhưng chênh lệch về diện tích lưu vực của trạm thủy văn với diện tích lưu vực
của vị trí xác định dòng chảy tối thiểu trên 10% hoặc chuỗi số liệu quan trắc
thủy văn nhỏ hơn 20 năm hoặc không có trạm quan trắc thủy văn trên sông, suối,
thì xem xét, lựa chọn một trong các phương pháp sau:
Phương pháp lưu vực tương tự với
trạm thủy văn có chuỗi số liệu từ 20 năm trở lên nếu chênh lệch về diện tích của
hai lưu vực không vượt quá năm (05) lần và giữa hai lưu vực tương tự nhau về điều
kiện cơ bản hình thành dòng chảy, tính đồng bộ về dao động dòng chảy.
Phương pháp quan hệ tương quan
giữa lượng mưa năm và dòng chảy năm.
Phương pháp mô hình toán thủy
văn, thủy lực.
Phương pháp khác phù hợp với đặc
điểm thủy văn, điều kiện số liệu khí tượng thủy văn của khu vực.
3. Trường hợp trên cùng một hệ thống
sông, suối có nhiều vị trí xác định dòng chảy tối thiểu bằng các phương pháp
khác nhau, thì xem xét, hiệu chỉnh các giá trị đặc trưng dòng chảy để đảm bảo
tính hệ thống.
4. Đối với đập, hồ chứa trên
sông, suối thuộc trường hợp phải đăng ký khai thác nước theo quy định của pháp luật
về tài nguyên nước thì ngoài các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này còn
có thể sử dụng phương pháp tương quan (theo tỷ lệ diện tích lưu vực) với số liệu
dòng chảy của trạm thủy văn hoặc tương quan với giá trị dòng chảy tối thiểu của
công trình đập, hồ chứa khác đã được cấp phép trên cùng lưu vực sông hoặc trên
cơ sở số liệu vận hành của công trình để xác định giá trị dòng chảy tối thiểu.
Điều 18.
Yêu cầu về thông tin, số liệu và kết quả xác định dòng chảy tối thiểu
1. Thông tin, số liệu để đánh
giá, xác định dòng chảy tối thiểu phải bảo đảm tin cậy và phù hợp với phương
pháp áp dụng.
Trường hợp số liệu quan trắc thủy
văn đã chịu tác động do việc điều tiết của các công trình điều tiết nước, dẫn
chuyển nước trên sông, suối thì phải hoàn nguyên số liệu trước khi sử dụng để
tính toán, đánh giá.
2. Kết quả tính toán các đặc
trưng của dòng chảy, lựa chọn giá trị dòng chảy tối thiểu tại mỗi vị trí phải
được luận chứng, thuyết minh rõ việc đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều
15 của Thông tư này và các nội dung sau:
a) Về lựa chọn vị trí;
b) Về lựa chọn phương pháp tính
toán;
c) Việc đáp ứng các yêu cầu
khai thác, sử dụng nước cả về lưu lượng, mực nước và chế độ của dòng chảy theo
thời gian và khả năng điều tiết của đập, hồ chứa.
3. Kết quả xác định dòng chảy tối
thiểu trên sông, suối phải được tổng hợp, lập thành sơ đồ và danh mục gồm các nội
dung chủ yếu sau:
a) Tên sông, suối thuộc lưu vực
sông;
b) Vị trí xác định dòng chảy tối
thiểu: tọa độ, vị trí hành chính;
c) Giá trị dòng chảy tối thiểu.
4. Đối với đập, hồ chứa thì giá
trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa được quy định trong giấy phép
khai thác nước mặt hoặc giấy xác nhận đăng ký khai thác nước mặt gồm các thông
tin về vị trí (tọa độ, vị trí hành chính), giá trị dòng chảy tối thiểu.
Điều 19.
Phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu
1. Trường hợp dòng chảy tối thiểu
được thực hiện trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh
thì việc công bố dòng chảy tối thiểu thực hiện trong quy trình phê duyệt, công
bố quy hoạch.
2. Trường hợp Bộ Tài nguyên và
Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố dòng chảy tối thiểu theo
quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước
thì việc phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu được thực hiện như sau:
a) Đối với sông, suối:
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ
đạo Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức điều tra, đánh giá, lấy ý kiến của các
Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng,
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông (nếu
có), các cơ quan, đơn vị có liên quan về dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối
liên tỉnh, liên quốc gia (thuộc lãnh thổ Việt Nam).
Trên cơ sở ý kiến góp ý, Cục Quản
lý tài nguyên nước tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt và tổ chức công bố dòng
chảy tối thiểu.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, đánh giá, lấy ý kiến của các Sở:
Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng,
Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ban, ngành có liên quan về dòng chảy tối
thiểu trên các sông, suối nội tỉnh; tổng hợp ý kiến các Sở, ban ngành, gửi Bộ
Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Quản lý tài nguyên nước) cho ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến góp ý, Sở Tài
nguyên và Môi trường tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt dòng chảy tối thiểu và tổ chức công bố.
Hồ sơ lấy ý kiến gồm: dự thảo
Quyết định phê duyệt kèm theo danh mục dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối,
báo cáo thuyết minh việc xác định dòng chảy tối thiểu và sơ đồ dòng chảy tối
thiểu của hệ thống sông, suối.
Trong thời hạn 14 ngày, kể từ
ngày phê duyệt dòng chảy tối thiểu trên sông, suối, Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền công bố, đăng tải quyết định phê duyệt
dòng chảy tối thiểu kèm theo danh mục dòng chảy tối thiểu trên sông, suối trên
Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh;
b) Đối với đập, hồ chứa:
Chủ đập, hồ chứa hoặc tổ chức,
cá nhân quản lý vận hành đập, hồ chứa có trách nhiệm đề xuất giá trị dòng chảy
tối thiểu hạ lưu đập, hồ chứa do mình đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành trong
tờ khai đăng ký, hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác nước mặt theo quy định của
pháp luật về tài nguyên nước và được cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 6, điểm b khoản 7 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước
phê duyệt trong giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt hoặc giấy xác nhận đăng
ký khai thác, sử dụng nước mặt.
Định kỳ 6 tháng, Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền chỉ đạo tổng hợp giá trị
dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa đã được phê duyệt để ra quyết định
công bố, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường
hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 20.
Rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu
1. Việc rà soát, điều chỉnh
dòng chảy tối thiểu được thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều
24 của Luật Tài nguyên nước. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dòng chảy tối
thiểu quyết định việc rà soát, điều chỉnh giá trị dòng chảy tối thiểu.
2. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận
hành đập, hồ chứa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 của Luật
Tài nguyên nước đề xuất điều chỉnh dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa
và được thể hiện trong tờ khai đăng ký hoặc hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh giấy
phép khai thác nước mặt, trình cấp có thẩm quyền quy định tại điểm
b khoản 6, điểm b khoản 7 Điều 24 của Luật Tài nguyên nước xem xét, phê duyệt
trong quá trình xác nhận đăng ký, cấp phép.
3. Việc điều chỉnh dòng chảy tối
thiểu được thực hiện như việc xác định, phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu
quy định tại Thông tư này.
Chương IV
BẢO VỆ NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Mục 1. KẾ
HOẠCH BẢO VỆ NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Điều 21.
Yêu cầu của kế hoạch bảo vệ nước dưới đất
1. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất
phải phù hợp với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; phải phù hợp với
phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục
tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh.
2. Xác định được phạm vi các
khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và nguyên nhân gây ra;
phương án tổ chức thực hiện các giải pháp khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng cấm,
vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phương án khai thác nước dưới đất; khu vực
cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới
đất. Ưu tiên bảo vệ, phục hồi các tầng chứa nước khai thác chính, các tầng chứa
nước được khai thác để cấp nước sinh hoạt.
3. Việc lập kế hoạch bảo vệ nước
dưới đất phải dựa trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất;
thông tin, số liệu quan trắc tài nguyên nước dưới đất của mạng quan trắc tài
nguyên nước dưới đất, tại công trình khai thác nước dưới đất và các thông tin,
số liệu có liên quan khác từ Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước
quốc gia (nếu có).
Trường hợp thông tin, số liệu
chưa đảm bảo làm cơ sở lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất thì Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định việc bổ sung công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
để phục vụ lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất.
4. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất
phải đồng bộ, phù hợp với nguồn lực, giải pháp thực hiện; bảo đảm tính khả thi và
hiệu quả trong triển khai thực hiện.
Điều 22. Nội
dung kế hoạch bảo vệ nước dưới đất
1. Mục tiêu của kế hoạch bảo vệ
nước dưới đất.
2. Hiện trạng nguồn nước dưới đất
và tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
3. Các khu vực, tầng chứa nước
bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; danh mục các khu vực, tầng chứa nước cần ưu
tiên phục hồi được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của
Thông tư này.
4. Phương án, giải pháp bảo vệ,
phục hồi đối với các khu vực, tầng chứa nước được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều 23 của Thông tư này.
5. Các nội dung bảo vệ nước dưới
đất khác có liên quan (nếu có).
6. Tổ chức thực hiện.
Điều 23.
Trình tự lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất
1. Đánh giá hiện trạng, diễn biến
khai thác, sử dụng nước dưới đất; hiện trạng, diễn biến mực nước dưới đất; hiện
trạng, diễn biến chất lượng nước dưới đất, xâm nhập mặn; hiện trạng, diễn biến
sụt, lún đất có liên quan đến thăm dò, khai thác nước dưới đất; nguyên nhân gây
ra tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm các tầng chứa nước trên địa bàn tỉnh.
2. Khu vực, tầng chứa nước bị
suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm:
a) Khu vực, tầng chứa nước có tổng
lưu lượng khai thác đã đạt đến hoặc vượt quá 90% ngưỡng khai thác nước dưới đất
được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.
Trường hợp chưa có quy hoạch tổng
hợp lưu vực sông liên tỉnh hoặc quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được
phê duyệt mà chưa quy định ngưỡng khai thác nước dưới đất thì xác định các khu
vực, tầng chứa nước có tổng lưu lượng khai thác đã đạt đến hoặc vượt quá 90% lượng
nước có thể khai thác của từng tầng chứa nước tại từng khu vực và được tính
toán trên cơ sở giới hạn mực nước khai thác.
b) Khu vực, tầng chứa nước có mực
nước trung bình trong 6 tháng mùa khô trong các giếng quan trắc hoặc giếng khai
thác đã đạt đến hoặc vượt quá 95% giới hạn mực nước khai thác và có xu hướng tiếp
tục suy giảm;
c) Khu vực đã xảy ra sụt, lún đất
hoặc có nguy cơ sụt, lún đất;
d) Khu vực, tầng chứa nước có
nguy cơ bị nhiễm mặn; bị ô nhiễm một trong các thông số amoni, nitrit, nitrat,
arsenic hoặc thông số kim loại nặng khác theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất
lượng nước dưới đất.
3. Căn cứ vào mức độ suy thoái,
cạn kiệt, ô nhiễm của nguồn nước dưới đất; nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới
đất; mức độ khan hiếm nước và định hướng về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài
nguyên nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch tỉnh lập
danh mục các khu vực, tầng chứa nước cần ưu tiên bảo vệ, phục hồi.
Danh mục các khu vực, tầng chứa
nước cần ưu tiên bảo vệ, phục hồi phải thể hiện rõ về phạm vi hành chính, diện
tích phân bố và các nguyên nhân gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước dưới
đất.
4. Xác định phương án, giải
pháp bảo vệ, phục hồi đối với từng khu vực, tầng chứa nước thuộc danh mục các
khu vực, tầng chứa nước cần ưu tiên bảo vệ, phục hồi. Nội dung phương án gồm một
hoặc một số nội dung sau đây:
a) Các khu vực, tầng chứa nước
cần khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và việc triển
khai thực hiện các biện pháp cấm hoặc hạn chế khai thác nước dưới đất;
b) Các khu vực, tầng chứa nước
cần đưa ra khỏi vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương đã khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;
c) Các khu vực cần bổ sung nhân
tạo nước dưới đất;
d) Các khu vực ô nhiễm nước dưới
đất cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sử dụng phân bón, hóa chất trong sản
xuất nông nghiệp; khu vực cần kiểm soát chặt chẽ các chất thải, nguồn thải, các
hoạt động khoan, đào và các hoạt động khác có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước
dưới đất;
đ) Đề xuất, điều chỉnh các
phương án khai thác, sử dụng nước dưới đất.
5. Căn cứ đặc trưng nguồn nước
dưới đất tại từng khu vực trên địa bàn tỉnh quy định các nội dung, yêu cầu bảo
vệ nước dưới đất khác có liên quan.
6. Xây dựng phương án tổ chức
thực hiện.
Điều 24.
Ban hành kế hoạch bảo vệ nước dưới đất
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ
đạo bố trí kinh phí và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc
điều tra, thống kê, tổng hợp thông tin, số liệu và xây dựng dự thảo kế hoạch bảo
vệ nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
gửi lấy ý kiến bằng văn bản về dự thảo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất tới các Sở:
Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ủy ban nhân
dân cấp huyện và đại diện một số tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới
đất lớn trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trên cơ sở ý kiến của các cơ
quan, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này và gửi lấy ý kiến của Cục Quản lý
tài nguyên nước.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
xem xét, phê duyệt.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
cập nhật kế hoạch bảo vệ nước dưới đất vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
tài nguyên nước quốc gia trong vòng 07 ngày sau khi được phê duyệt và tổ chức
thực hiện.
Điều 25.
Rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất
1. Định kỳ 5 năm hoặc trong trường
hợp cần thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát kế hoạch bảo vệ nước
dưới đất, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả rà soát và kiến nghị điều chỉnh
kế hoạch (nếu có).
2. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất
được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:
a) Có sự điều chỉnh của quy hoạch
tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh hoặc phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài
nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh
làm thay đổi cơ bản về định hướng khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước
dưới đất;
b) Có biến động lớn về nguồn nước
dưới đất trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên, nhân tạo.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết
định việc điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất. Trình tự, thủ tục điều chỉnh
kế hoạch bảo vệ nước dưới đất thực hiện như trường hợp ban hành kế hoạch bảo vệ
nước dưới đất quy định tại Điều 24 của Thông tư này.
Mục 2. BỔ
SUNG NHÂN TẠO NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Điều 26.
Yêu cầu bổ sung nhân tạo nước dưới đất
1. Công trình bổ sung nhân tạo
nước dưới đất phải được thiết kế, tính toán phù hợp với đặc điểm cấu trúc địa
chất, địa chất thủy văn, địa hình, chất lượng nước và khả năng giữ, trữ nước của
tầng chứa nước được bổ sung nhân tạo.
2. Nguồn nước mưa, nước mặt để
bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải phù hợp với chất lượng nước của tầng chứa
nước được bổ sung nhân tạo và được kiểm soát thường xuyên trong quá trình thực
hiện bổ sung nhân tạo.
3. Việc bổ sung nhân tạo nước
dưới đất phải thực hiện vận hành thử nghiệm tối thiểu 90 ngày trước khi vận
hành chính thức đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b
khoản 1 Điều 27 của Thông tư này.
4. Công trình bổ sung nhân tạo
nước dưới đất phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học đã hoàn thành, nếu có nhu cầu
tiếp tục sử dụng để thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất thì phải vận hành
thử nghiệm và lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Điều 29 của Thông tư này.
5. Trường hợp không có nhu cầu
tiếp tục sử dụng hoặc công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất không đủ điều
kiện vận hành chính thức thì phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất,
bảo vệ môi trường theo quy định.
6. Việc thiết kế, thi công và
quản lý, vận hành các công trình khoan, đào phục vụ bổ sung nhân tạo nước dưới
đất phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất theo quy định.
Trường hợp thực hiện bổ sung
nhân tạo nước dưới đất gây ra sụt, lún đất thì phải phải dừng ngay, kịp thời xử
lý, khắc phục sự cố và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp
luật.
Điều 27.
Các trường hợp thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất
1. Các trường hợp bổ sung nhân
tạo nước dưới đất bao gồm:
a) Bổ sung nhân tạo nước dưới đất
để phục hồi các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt theo kế hoạch bảo
vệ nước dưới đất đã được phê duyệt;
b) Bổ sung nhân tạo nước dưới đất
nhằm gia tăng khả năng khai thác đối với công trình khai thác nước dưới đất của
tổ chức, cá nhân;
c) Nghiên cứu khoa học, thử
nghiệm giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
2. Việc bổ sung nhân tạo nước dưới
đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải thực hiện theo phương án bổ
sung nhân tạo nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Công trình bổ sung nhân tạo nước
dưới đất chỉ được vận hành chính thức sau khi đánh giá kết quả vận hành thử
nghiệm đáp ứng các yêu cầu về lượng nước, chất lượng nước bổ sung nhân tạo.
3. Việc bổ sung nhân tạo nước
dưới đất theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải lấy ý kiến của
Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của
Thông tư này về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất trước khi thực hiện.
Điều 28.
Phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất
1. Nội dung phương án bổ sung
nhân tạo nước dưới đất:
a) Thuyết minh sự cần thiết về
nhu cầu bổ sung nhân tạo nước dưới đất;
b) Mô tả về đặc điểm cấu trúc địa
chất thủy văn, chất lượng nước trong tầng chứa nước và đánh giá khả năng giữ và
trữ nước của tầng chứa nước;
c) Đánh giá sự phù hợp về số lượng,
chất lượng của nguồn nước được sử dụng để bổ sung nhân tạo nước dưới đất;
d) Thuyết minh giải pháp thiết
kế kỹ thuật việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất bao gồm các nội dung chính:
Phương pháp bổ sung nhân tạo (làm ngập, xây dựng đập cát, bồn, bể thấm, lỗ
khoan ép, lỗ khoan thu nước, hố đào, hào rãnh kết hợp giếng hấp thu nước và các
phương pháp khác); vị trí, quy mô, thông số kỹ thuật của công trình bổ sung
nhân tạo nước dưới đất; giải pháp kiểm soát chất lượng nguồn nước trước khi bổ
sung nhân tạo và việc giám sát chất lượng nước của tầng chứa nước trong quá
trình bổ sung nhân tạo;
đ) Mô tả quy trình vận hành thử
nghiệm;
e) Mô tả quy trình vận hành, quản
lý công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
2. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ Hồ
sơ gửi lấy ý kiến về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất trực tiếp hoặc
qua dịch vụ bưu chính hoặc bản điện tử qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến
đến Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 3 Điều
27 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cho ý kiến về
phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất;
b) Phương án bổ sung nhân tạo
nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Sơ đồ, bản vẽ công trình bổ
sung nhân tạo nước dưới đất;
d) Tài liệu pháp lý và kỹ thuật
khác có liên quan của dự án (nếu có).
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ
ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi
trường có ý kiến bằng văn bản về phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất gửi tổ
chức, cá nhân.
Điều 29. Lấy
ý kiến về kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ
ngày kết thúc vận hành thử nghiệm, tổ chức, cá nhân thực hiện bổ sung nhân tạo
nước dưới đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 của Thông tư
này phải báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất
đến Sở Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến.
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bản báo
cáo kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất theo quy định tại
khoản 3 Điều này trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc bản điện tử qua hệ
thống cổng dịch vụ công trực tuyến đến Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ
ngày nhận báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất,
trên cơ sở phương án bổ sung nhân tạo nước dưới đất, kết quả vận hành thử nghiệm,
Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến bằng văn bản đối với kết quả vận hành thử
nghiệm của công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất và việc đáp ứng yêu cầu để
vận hành chính thức gửi tổ chức, cá nhân.
3. Nội dung chính báo cáo kết
quả vận hành thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất theo quy định tại khoản
1 Điều này bao gồm: mô tả kết quả vận hành thử nghiệm; đánh giá việc đáp ứng
các yêu cầu về lượng nước, chất lượng nước bổ sung nhân tạo.
Điều 30.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bổ sung nhân tạo nước
dưới đất
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện bổ
sung nhân tạo nước dưới đất có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng kế hoạch phòng ngừa,
ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước trong quá trình vận hành bổ sung nhân tạo nước
dưới đất;
b) Theo dõi, giám sát mực nước,
chất lượng nước và điều chỉnh lưu lượng nước bổ sung nhân tạo nước dưới đất phù
hợp khả năng giữ, trữ nước của tầng chứa nước;
c) Trước ngày 15 tháng 01 của
năm tiếp theo, báo cáo tình hình thực hiện bổ sung nhân tạo nước dưới đất gửi về
Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình và cập nhật vào Hệ thống thông
tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện phương án
bổ sung nhân tạo nước dưới đất sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt
và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả vận hành thử nghiệm đối với trường
hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất quy định tại điểm a khoản 1
Điều 27 của Thông tư này;
b) Kiểm tra, giám sát trong quá
trình vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức công trình bổ sung nhân tạo nước
dưới đất quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 27 của Thông
tư này;
c) Cập nhật kết quả thực hiện bổ
sung nhân tạo nước dưới đất vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước
quốc gia đối với trường hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 của Thông tư này.
Mục 3.
BẢO VỆ NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG KHOAN, ĐÀO, THĂM DÒ KHAI
THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Điều 31. Bảo
vệ nước dưới đất đối với hoạt động thiết kế, thi công các công trình khoan,
đào, thí nghiệm trong các dự án điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới
đất
1. Việc thiết kế, thi công các
công trình khoan, đào trong các dự án điều tra, đánh giá nước dưới đất phải đảm
bảo các yêu cầu sau:
a) Việc thiết kế, thi công
khoan điều tra, đánh giá nước dưới đất thực hiện theo quy định kỹ thuật của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Việc thi công các công trình
khoan phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực
hiện;
c) Chiều sâu, đường kính khoan,
kết cấu ống chống, ống lọc, các đoạn chèn, trám cách ly phải phù hợp với đặc điểm
địa tầng, bảo đảm ngăn nước từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước;
d) Việc thi công các công trình
khoan, đào phải bảo đảm sự ổn định của môi trường đất, đá xung quanh khu vực
thi công.
2. Việc thiết kế, thi công các
công trình khoan, đào trong các dự án thăm dò, khai thác nước dưới đất phải đảm
bảo các yêu cầu tại khoản 1 Điều này và các yêu cầu sau:
a) Việc thiết kế giếng và
phương án thi công giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất phải do người
chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề
khoan nước dưới đất thực hiện;
b) Ống chống, ống lọc lắp đặt tại
các giếng khoan khai thác nước dưới đất phải bảo đảm sự ổn định trong quá trình
khai thác;
c) Trường hợp sử dụng hóa chất
để ngâm, rửa giếng khoan thì hóa chất sử dụng phải bảo đảm không gây ô nhiễm
môi trường và nguồn nước;
d) Đối với công trình khai thác
nước dưới đất phải thực hiện việc quan trắc phục vụ giám sát khai thác nước
theo quy định. Trường hợp công trình khai thác nước dưới đất phải xây dựng giếng
quan trắc theo quy định thì vị trí giếng quan trắc cần đảm bảo tính đại diện
cho việc khai thác nước của công trình và được thể hiện trong đề nghị cấp phép.
3. Yêu cầu về bảo vệ nước dưới
đất đối với hoạt động thí nghiệm trong các dự án điều tra, đánh giá, thăm dò,
khai thác nước dưới đất:
a) Hoá chất, chất phóng xạ sử dụng
trong quá trình thí nghiệm phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và nguồn
nước;
b) Có biện pháp phòng ngừa,
ngăn chặn không để nước thải, nước có chứa chất độc hại xâm nhập vào trong giếng
khoan, giếng đào;
c) Phương pháp, cách thức tiến
hành thí nghiệm trong giếng khoan, giếng đào phải được thể hiện trong các đề
án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, hồ sơ kỹ thuật thi công công trình;
d) Trường hợp thực hiện bơm hút
nước thí nghiệm, ngoài việc thực hiện các quy định tại các điểm a, b và c khoản
này còn phải đảm bảo yêu cầu không gây ngập úng, không gây hạ thấp mực nước quá
giới hạn mực nước khai thác. Trường hợp gây sự cố ảnh hưởng đến môi trường, tổ
chức, cá nhân thì phải dừng ngay việc bơm, hút nước thí nghiệm và bồi thường
thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
4. Sau khi hoàn thành thi công,
tổ chức, cá nhân thi công các công trình khoan, đào, thí nghiệm trong các dự án
điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất phải cập nhật thông tin, dữ
liệu về cấu trúc địa chất, địa tầng, địa chất thủy văn tại vị trí giếng vào Hệ
thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.
Điều 32. Bảo
vệ nước dưới đất trong hoạt động khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng
công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai
thác khoáng sản, dầu khí
1. Tổ chức, cá nhân hoạt động
khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công
trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí trong đó
có các hạng mục khoan, đào, thí nghiệm ngoài việc thực hiện các quy định, tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan phải thực hiện đầy đủ yêu cầu về bảo vệ
nước dưới đất theo quy định tại Điều 31 của Thông tư này.
2. Tổ chức, cá nhân xử lý nền
móng công trình không được gây sụt, lún bề mặt đất; không gây ô nhiễm, suy
thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
3. Đối với các hồ, bể chứa hoặc
khu vực chứa nước thải, bã quặng và các chất thải lỏng khác trong hoạt động
khai thác khoáng sản phải tuân thủ các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường
theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản và pháp luật về
tài nguyên nước để bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất.
4. Trường hợp giếng khoan trong
các hoạt động khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng, xây dựng công trình
ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản có thời gian dự kiến sử dụng
từ 02 năm trở lên thì phải đáp ứng yêu cầu tại điểm c khoản 1
Điều 31 của Thông tư này.
5. Tổ chức, cá nhân thăm dò địa
chất, khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng
công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản phải cập nhật
thông tin, số liệu về cấu trúc địa chất, địa tầng tại vị trí giếng khoan vào Hệ
thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.
Điều 33. Bảo
vệ nước dưới đất trong hoạt động bơm hút nước tháo khô mỏ, hố móng xây dựng và
các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm khác
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện
hoạt động bơm hút nước tháo khô mỏ, hố móng xây dựng và các hoạt động khoan,
đào, thí nghiệm khác ngoài việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật có liên quan phải thực hiện đầy đủ yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất theo
quy định tại Điều 31 của Thông tư này.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác
khoáng sản hoặc xây dựng công trình, nếu tiến hành hoạt động bơm hút nước, tháo
khô dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất, gây sụt, lún đất thì phải dừng ngay việc
bơm hút, tháo khô và thực hiện các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại thì
phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 34.
Quy định chuyển tiếp
1. Về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực
lấy nước sinh hoạt:
a) Trường hợp công trình khai
thác nước để cấp cho sinh hoạt đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài
nguyên nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà chưa được xác định,
phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thì thực hiện theo quy
định của Thông tư này và phải hoàn thành việc đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ
sinh khu vực lấy nước sinh hoạt gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công
trình chậm nhất trước ngày 01 tháng 7 năm 2025;
b) Trường hợp công trình khai
thác nước để cấp cho sinh hoạt đã được phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy
nước sinh hoạt trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện
theo quyết định đã phê duyệt. Trường hợp tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận
hành công trình khai thác nước có nhu cầu điều chỉnh phạm vi vùng bảo hộ vệ
sinh theo quy định của Thông tư này thì đề xuất phạm vi và gửi về Sở Tài nguyên
và Môi trường nơi có công trình;
c) Trường hợp công trình khai
thác nước để cấp cho sinh hoạt đã hoạt động trước ngày Thông tư này có hiệu lực
và có điều kiện mặt bằng thực tế không thể thiết lập được vùng bảo hộ vệ sinh
khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định tại Điều 10 và Điều 11
của Thông tư này thì căn cứ tính chất, quy mô của công trình, đặc điểm nguồn
nước và các yêu cầu khác về bảo vệ nguồn nước đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt xem xét, quyết định phạm
vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nhỏ hơn phạm vi tối thiểu
nhưng phải đảm bảo chất lượng nguồn nước khu vực lấy nước sinh hoạt của công
trình.
2. Về việc xác định dòng chảy tối
thiểu:
Giá trị dòng chảy tối thiểu đã
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong giấy phép khai thác, sử dụng
tài nguyên nước hoặc trong quy trình vận hành liên hồ chứa đã được ban hành trước
ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện cho đến khi giấy
phép hết hiệu lực hoặc cho đến khi có quyết định điều chỉnh, bổ sung quy trình
vận hành liên hồ chứa.
3. Về việc trám lấp giếng:
Việc trám lấp giếng bị hỏng
không còn sử dụng hoặc không có kế hoạch tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật Tài nguyên nước được tiếp tục thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT
ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường quy định
về việc xử lý trám lấp giếng cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp
giếng được ban hành.
Điều 35.
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Kể từ ngày Thông tư này có
hiệu lực thi hành, các Thông tư sau hết hiệu lực thi hành:
a) Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 9 tháng 9 năm 2016 của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ
vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;
b) Thông tư số 31/2018/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo tài
nguyên nước;
c) Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xác định dòng chảy tối thiểu
trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng;
d) Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các
hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất;
đ) Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất,
mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước;
e) Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất;
g) Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT ngày 24 tháng 9 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định điều kiện về năng lực của tổ chức,
cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài
nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.
3. Bãi bỏ các Chương, điều của
các Thông tư sau đây của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kể từ ngày Thông
tư này có hiệu lực thi hành:
a) Điều 20 của
Thông tư số 04/2020/TT-BTNMT ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh,
nguồn nước liên tỉnh;
b) Điều 3, Điều
4, Điều 16, Chương III và Chương V của Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT
ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về
giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Điều 36. Tổ
chức thực hiện
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi
trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện
Thông tư này, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh
kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- TTgCP và các PTTgCP (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Lưu: VT, TNN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Công Thành
|