BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/2020/TT-BKHCN
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 9 năm 2020
|
THÔNG TƯ
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 32/2011/TT-BKHCN NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM
2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH TIÊU CHÍ
DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, DỰ ÁN ĐẦU TƯ SẢN XUẤT SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ CAO VÀ
THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO,
DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI TỪ DỰ ÁN ĐẦU TƯ SẢN XUẤT SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ CAO,
DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị
định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm
2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết
định số 55/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm
2010 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng
nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận tổ chức, cá
nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và công nhận doanh nghiệp công nghệ
cao;
Theo đề
nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Vụ trưởng Vụ Đánh
giá, Thẩm định và Giám định công nghệ;
Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN ngày 15 tháng 11
năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc xác định tiêu
chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao
và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ
cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ
cao, doanh nghiệp công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN).
Điều
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN
1.
Sửa đổi, bổ sung các điểm a, c, d, đ, e khoản 1 Điều 2 như sau:
“a) Công
nghệ được ứng dụng trong dự án thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu
tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ;”
“c) Nhân lực tham gia
hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của dự án thuộc một
trong các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Dự
án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên và tổng số lao động của dự án
từ 3.000 người trở lên thì số lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên trực tiếp
tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản
xuất thử nghiệm trên tổng số lao động của dự án phải đạt ít nhất 1%.
- Trường hợp 2: Dự án
không thuộc trường hợp 1 có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên và tổng số
lao động của dự án từ 200 người trở lên thì số lao động có trình độ từ cao đẳng
trở lên trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, triển
khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm trên tổng số lao động của dự án phải đạt
ít nhất 2,5%.
- Trường hợp 3: Dự án
không thuộc trường hợp 1 và 2 thì số lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên
trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, triển khai thực
nghiệm, sản xuất thử nghiệm trên tổng số lao động của dự án phải đạt ít nhất
5%.
Số lao động có trình
độ cao đẳng theo quy định tại điểm này không vượt quá 30% tổng số lao động trực
tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm,
sản xuất thử nghiệm;”
“d) Chi phí hoạt động
nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của dự án thuộc một trong các trường
hợp sau:
- Trường hợp 1: Dự án
có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên và tổng số lao động của dự án từ
3.000 người trở lên thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ,
triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm hằng năm phải đạt ít nhất 0,5% của
phần giá trị gia tăng tạo ra của dự án tại Việt Nam.
- Trường hợp 2: Dự án
không thuộc trường hợp 1 có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên và tổng số
lao động của dự án từ 200 người trở lên thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu,
phát triển công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm hằng năm phải
đạt ít nhất 1% của phần giá trị gia tăng tạo ra của dự án tại Việt Nam.
- Trường hợp 3: Dự án
không thuộc trường hợp 1 và 2 thì chi phí cho hoạt động nghiên cứu, phát triển
công nghệ, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm hằng năm phải đạt ít nhất
2% của phần giá trị gia tăng tạo ra của dự án tại Việt Nam.
Giá trị gia tăng tạo
ra của dự án tại Việt Nam theo quy định tại điểm này được tính bằng tổng doanh
thu thuần trừ đi giá trị đầu vào là nguyên liệu sản xuất nhập khẩu, mua nội địa.
Nội dung chi phí cho
hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ hằng năm của dự án theo
quy định tại điểm này:
- Chi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật
cho nghiên cứu (khấu hao hằng năm) bao gồm: chi xây lắp cơ sở nghiên cứu, thí
nghiệm, thử nghiệm; chi mua sắm trang thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm;
chi mua sản phẩm mẫu, chi mua phần mềm, tài liệu, dữ liệu, thông tin phục vụ
nghiên cứu.
- Chi cho hoạt động nghiên cứu, phát
triển và ứng dụng công nghệ thường xuyên hằng năm bao gồm: tiền lương và các khoản
có tính chất giống lương (thưởng, phụ cấp, khoán chi phí đi lại, công tác phí)
cho nhân lực quy định tại điểm c Khoản này và nhân lực phục vụ nghiên cứu; chi
thù lao cho chuyên gia nhận xét, phản biện, đánh giá kết quả nghiên cứu; chi hội
thảo, hội nghị khoa học có liên quan đến nội dung nghiên cứu; chi thuê cơ sở phục
vụ cho nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm; chi phí bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa
cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; các khoản
chi thường xuyên khác (chi mua dụng cụ, vật tư, nguyên liệu, vật liệu, hóa chất,
năng lượng, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, vật dụng bảo hộ lao động, vật rẻ
tiền mau hỏng phục vụ cho nghiên cứu).
Những nội dung chi sau đây không được
tính cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thường xuyên hằng
năm của dự án: chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm hoặc kiểm tra định kỳ
nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng; chi phí thu thập dữ liệu định kỳ
không liên quan đến nghiên cứu; chi phí điều tra về hiệu quả hoặc nghiên cứu về
quản lý; chi phí nghiên cứu về tiếp thị và quảng cáo bán hàng.
- Chi phí đào tạo bao gồm: chi đào tạo
dài hạn hoặc ngắn hạn ở trong nước, ở nước ngoài cho nhân lực quy định tại điểm
c Khoản này; chi hỗ trợ đào tạo (hoặc cấp học bổng, trang thiết bị, máy móc)
cho các tổ chức khoa học và công nghệ tại Việt Nam; các chi phí đào tạo khác phục
vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của dự án.
- Phí bản quyền,
li-xăng theo hợp đồng chuyển giao công nghệ cao được ứng dụng trong dự án và được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ
(trừ trường hợp pháp luật về chuyển giao công nghệ quy định không bắt buộc phải
đăng ký);”
“đ) Hệ thống
quản lý chất lượng của dự án đạt một trong số các tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO
9001, HACCP, CMM, GMP hoặc chứng chỉ, chứng nhận có giá trị tương đương (tùy
theo đặc thù dự án ứng dụng công nghệ cao áp dụng tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc
tế);”
“e) Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng
lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt
Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Khuyến khích dự án áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường,
về tiết kiệm năng lượng như: ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương; ISO 50001
hoặc tiêu chuẩn tương đương.”.
2.
Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 3 như sau:
“a) Sản xuất
sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm
công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của
Thủ tướng Chính phủ;”
“d) Hệ thống
quản lý chất lượng của dự án đạt một trong số các tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO
9001, HACCP, CMM, GMP hoặc chứng chỉ, chứng nhận có giá trị tương đương (tùy
theo đặc thù dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao áp dụng tiêu chuẩn quốc
gia hoặc quốc tế);”
“đ) Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường,
tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Khuyến khích dự án áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường,
về tiết kiệm năng lượng như: ISO 14000 hoặc tiêu chuẩn tương đương; ISO 50001
hoặc tiêu chuẩn tương đương.”.
3.
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 7 như
sau:
“1. Nguồn kinh phí thẩm định hồ sơ và
kiểm tra được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ do Bộ Khoa
học và Công nghệ cấp hằng năm cho Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công
nghệ.
2. Nội dung
chi, mức chi được áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày
22 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với
nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.”.
4. Bổ sung khoản 3 Điều 9 như sau:
“3. Hằng năm,
Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ kiểm tra báo cáo của tổ chức,
cá nhân, kiểm tra định kỳ các doanh nghiệp về việc đáp ứng tiêu chí theo quy định
sau khi được cấp Giấy chứng nhận.”.
5. Thay thế các biểu
mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN bằng các biểu mẫu ban hành
kèm theo Thông tư này.
6.
Sửa đổi cụm từ (đơn vị) “Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và doanh
nghiệp khoa học và công nghệ” tại nội dung Điều 4, Điều 5, Điều
6, Điều 7 và Điều 9 thành cụm từ “Văn phòng Đăng ký hoạt
động khoa học và công nghệ”.
Điều
2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có
khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng
văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, giải quyết.
Điều 3. Điều khoản
chuyển tiếp
1. Kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu
lực thi hành, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại
Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN được áp dụng
tiêu chí theo quy định tại Điều 1 Thông tư này trong nội
dung báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hằng năm.
2. Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề
nghị cấp Giấy chứng nhận trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành
nhưng chưa được xử lý thì áp dụng tiêu chí theo quy định tại Điều
1 Thông tư này để hoàn thiện hồ sơ./.
Nơi nhận:
-
Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, PC.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Thế Duy
|