ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 19/CT-UBND
|
Bà Rịa-Vũng Tàu,
ngày 20 tháng 8 năm 2012
|
CHỈ THỊ
TRIỂN
KHAI MỘT SỐ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG TÀU CÁ TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU BỊ NƯỚC
NGOÀI BẮT GIỮ, XỬ PHẠT
Trong những năm qua, chương
trình phát triển tàu khai thác hải sản xa bờ đã được bà con ngư dân tỉnh Bà Rịa
- Vũng Tàu hưởng ứng và đầu tư phát triển các loại tàu cá có công suất máy
chính trên 90CV, tính từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã phát triển thêm 1.219 chiếc
tàu đánh bắt xa bờ, nâng đội tàu đánh bắt xa bờ hiện có là 2.611
chiếc/670.431CV, trên tổng số 6.726 chiếc/785.598 CV, phần lớn được trang bị
máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô tuyến điện tầm xa... Ngoài ra, tại
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hàng năm có khoảng trên 2.000 chiếc tàu cá từ các tỉnh
Bình Định đến Kiên Giang đến cư trú và hoạt động khai thác tại vùng biển Đông
Nam Bộ, làm cho cường lực khai thác trên ngư trường ngày một tăng.
Mặt khác, ranh giới trên biển
hiện nay giữa các quốc gia rất khó nhận biết, nên dễ xảy ra tình trạng xâm phạm
các vùng chồng lấn, cũng như vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước
trong khu vực. Chính vì vậy, trong các năm vừa qua đặc biệt là trong giai đoạn
từ năm 2007- 2011 tàu cá của ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xâm phạm vùng biển
các nước trong khu vực có xu hướng ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp. Cụ
thể trong năm 2011: bị bắt 56 tàu cùng 490 thuyền viên; riêng 06 tháng đầu năm
2012 có 23 tàu/170 ngư dân bị bắt trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Phước
Tỉnh, huyện Long Điền, thứ hai là thành phố Vũng Tàu, đối tượng tàu chủ yếu làm
nghề lưới kéo.
Để giảm thiểu tình trạng tàu cá
và ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ, xử phạt;
đồng thời, thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Thủ Tướng chính phủ tại Chỉ thị
689/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các
sở, ngành, lực lượng vũ trang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung công việc chủ yếu như sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố tăng cường công tác quản lý tàu cá và phối kết hợp với ban, ngành,
đoàn thể, mặt trận, các đơn vị chức năng, tổ chức đấu tranh với tư tưởng tuyên
bố công khai chấp nhận vi phạm do ngư trường khai thác nội địa cạn kiệt nguồn
lợi thủy sản, duy trì các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ tàu,
thuyền trưởng các tàu cá đánh xa bờ các quy định về nội dung ranh giới phân
định trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; quy định của các nước
về việc hoạt động khai thác thủy sản và Hiệp định đã được ký kết giữa Việt Nam
và các nước trong khu vực, với tinh thần quyết liệt nghiêm túc có trách nhiệm
cao.
- Giao Chi cục Khai thác và Bảo
vệ Nguồn lợi Thủy sản:
+ In bản đồ ranh giới các vùng
biển giữa Việt Nam và các nước, phối hợp với bộ đội biên phòng phát cho tàu cá.
+ Tiếp tục yêu cầu các chủ tàu
cá khai thác hải sản xa bờ, viết bản cam kết không vi phạm các quy định về việc
khai thác thủy sản trong vùng biển nước ngoài trái phép khi cấp phép hoạt động.
Quản lý chặt chẽ tàu cá, đặc biệt đối với tàu đánh bắt xa bờ như công tác đăng ký,
đăng kiểm, giấp phép khai thác thủy sản, phân vùng hoạt động.
+ Đẩy nhanh việc lắp đặt hệ
thống máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh cho tàu cá và đài bờ
để quản lý tốt hoạt động tàu cá ở vùng biển xa. Đồng thời, rà soát, đề xuất
việc trang bị toàn bộ máy thông tin liên lạc có tích hợp định vi vệ tinh tàu cá
xa bờ, phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.
- Chỉ đạo Chi cục Hợp tác xã và
Phát triển Nông thôn phối hợp Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản,
Bộ đội Biên phòng và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn
tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng ngư dân tự nguyện thành lập các tổ đội sản
xuất trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ theo quy định tại Nghị định số
151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động
của tổ hợp tác đánh bắt hải sản trên biển để giúp đỡ, hỗ trợ và kiểm soát lẫn
nhau khi hoạt động trên biển.
- Giao Thanh tra thủy sản phối
kết hợp với vực lượng Biên phòng, Công an, xử lý các vi phạm hành chính về quản
lý tàu cá theo quy định hiện hành.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
quy hoạch lại cơ cấu nghề khai thác hải sản phù hợp ở địa phương, cũng như tạm
dừng việc cho phép đóng mới, mua tàu ngoài tỉnh, cải hoán tàu, loại tàu cá làm
nghề lưới kéo.
- Kể từ ngày 03 tháng 8 năm
2012 không giải quyết cấp phép tạm thời cho tàu vi phạm khai thác hải sản ở
vùng biển nước ngoài đã được mua, chuộc, trốn về (vì đây là nguyên nhân tạo
tiền lệ cho vi phạm tiếp tục). Bên cạnh đó cần rà soát, tìm giải pháp nâng cao
chất lượng sản phẩm sau thu hoạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tăng
giá trị, tăng thu nhập cho ngư dân.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh:
- Chỉ đạo các đồn, trạm Biên
phòng tiếp tục yêu cầu các thuyền trưởng tàu cá khai thác hải sản xa bờ viết
bản cam kết không đưa tàu cá vượt biên giới biển ra ngoài phạm vi lãnh thổ Việt
Nam, xâm nhập vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
- Tiếp tục yêu cầu chủ tàu cá, thuyền
trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ khi xuất bến phải mang theo hải đồ (kẻ rõ đường lãnh
hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng chồng lấn với một số nước trong khu vực),
đồng thời xử lý nghiêm các tàu không trang bị máy thông tin liên lạc hàng hải
để thực hiện yêu cầu thông tin hằng ngày, có báo cáo vị trí bằng thông tin liên
lạc đối với tàu đang cấp tạm giấy phép hoạt động chờ hướng dẫn đăng ký lại (Tàu
đã vi phạm).
- Đối với tàu hoạt động xa bờ
phải liên lạc hàng tuần, báo cáo vị trí bằng thông tin liên lạc cho tổ trưởng.
Tổ trưởng có trách nhiệm thông tin liên lạc với Bộ đội biên phòng theo khu vực
cư trú của chủ tàu; trường hợp không thực hiện theo cam kết thì áp dụng xử phạt
vi phạm hành chính theo quy định hiện hành.
- Hàng tháng có báo cáo tổng
hợp tình hình vị trí các tàu xa bờ đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
- Phối hợp với các sở, ngành
địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền về quản lý biên giới biển, đảo.
- Chủ trì phối kết hợp với Công
an tỉnh, Thanh tra thủy sản xử lý các vi phạm hành chính, hình sự về xuất nhập cảnh,
quản lý tàu cá...theo quy định hiện hành.
- Chủ trì phối hợp Công an
tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố giải quyết, tiếp nhận và xử lý ngư dân bị trả về nước trên biển
(không thông qua đường ngoại giao) theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo tổng hợp hàng tháng
về tình hình tàu cá, ngư dân bị các lực lượng của nước ngoài trấn áp bắt giữ,
xử phạt... xảy ra trên biển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
3. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ
phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh lập kế hoạch điều tra tổ chức, cá nhân có
dấu hiệu móc nối, đưa tàu đi khai thác hải sản, mua, chuộc trái phép tàu thanh
lý, xóa đường dây này để ngư dân mất đầu mối, không còn điều kiện để tiếp tục
đi khai thác hải sản bất hợp pháp.
- Chỉ đạo Công an các huyện,
thị xã, thành phố nắm tình hình địa bàn quản lý có đối tượng là chủ tàu cá đã
vi phạm và tàu cá xa bờ, tổ chức vận động giám sát chặt chẽ, tuyên truyền kết
hợp nhằm hỗ trợ các ngành và địa phương tác động, ngăn chặn có hiệu quả tàu cá
không vi phạm vùng biển nước ngoài.
- Chủ trì phối hợp với các sở
ngành, địa phương có liên quan, tổ chức tuyên truyền phổ biến về quản lý biên
giới biển, đảo.
4. Sở Ngoại vụ:
- Tiếp tục thu thập thêm thông
tin và phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan thành lập đoàn gồm các cơ quan
chức năng, chủ doanh nghiệp và đại diện ngư dân sang Indonesia để tìm hiểu thêm
về luật lệ, phương thức hợp tác khai thác
của nước bạn, tìm cơ hội trên
tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, để chương trình này được phát triển lâu
dài và bền vững.
- Xây dựng lộ trình thu hồi
tiền mua vé máy bay đưa ngư dân về nước, yêu cầu các chủ tàu thực hiện việc
thanh toán, giảm sự ảnh hưởng đến quỹ bảo hộ công dân của các Đại sứ quán Việt
Nam ở nước ngoài.
- Tham mưu báo cáo việc thẩm
định các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng hợp tác, làm thủ tục xin đi sang các
nước hợp tác đánh bắt hải sản, thông qua Tổ 689.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành,
địa phương có liên quan, tổ chức tuyên truyền phổ biến về quản lý biên giới
biển, đảo.
5. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo các Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Nghề cá, Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên của địa phương tổ chức tuyên truyền vận
động cộng đồng ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật, không xâm phạm vùng
biển của các nước để đánh bắt hải sản. Đồng thời tự nguyện thành lập các tổ,
đội sản xuất trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP
ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác,
nhằm giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ nhau, đấu tranh và bảo vệ lợi ích chính đáng và góp
phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển.
- Phối hợp các sở, ngành liên
quan, thường xuyên mở các lớp tuyên truyền phổ biến về quản lý tàu cá hoạt động
trên biên giới biển, đảo.
- Chủ trì phối hợp với Bộ đội
Biên phòng, Công an, Thanh tra thủy sản xử lý các vi phạm hành chính, hình sự
về xuất nhập cảnh, quản lý tàu cá theo quy định hiện hành.
- Công bố danh sách tàu cá vi
phạm trên phương tiện thông tin truyền thông của địa phương để đảm bảo tính răn
đe; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, nắm bắt
và xử lý tình hình tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép,
báo cáo kịp thời tình hình xảy ra đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
6. Chế độ báo cáo:
Giao Sở Nông nghiệp và phát
triển Nông thôn, cơ quan thường trực của Tổ 689 định kỳ hàng tháng, sơ kết,
tổng kết, tổng hợp toàn bộ tình hình thông qua các báo cáo của thành viên Tổ
689 trên địa bàn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, báo cáo tổ 689 Trung ương theo quy
định./.