UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 95 /KH-UBND
|
Đồng Tháp,
ngày 24 tháng 4 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
“TIẾP NHẬN, XÁC MINH, BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ĐỒNG THÁP NĂM 2020
Căn cứ Kế hoạch số 06/KH-BCĐ ngày 08/01/2020 của
Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phòng,
chống mua bán người năm 2020; Quyết định số 01/QĐ-LĐTBXH ngày 02/01/2020 của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị
quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước
năm 2020; Uỷ ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Tiếp nhận,
xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” trên địa bàn Tỉnh năm 2020 như
sau:
I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU
1. Mục tiêu
- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng
cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là ý
thức trách nhiệm, năng lực của cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm nâng cao
nhận thức và hành động trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả nguy
cơ mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trên địa bàn Tỉnh.
- Thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ
trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân theo quy định.
2. Các chỉ tiêu cụ thể
- 100% người dân tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt
là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các thông tin, có kiến thức pháp luật về
phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến lĩnh vực
này.
- 100% thông tin liên quan mua bán người chuyển đến cơ
quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý theo luật định.
- 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các
thủ tục xác minh, xác định nạn nhân để giải quyết các chế độ hỗ trợ theo quy
định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân có nhu cầu được bảo vệ an toàn
theo quy định của pháp luật.
- 100% các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hình
sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực
vào ngày 01/01/2018 phần có nội dung liên quan đến tội phạm mua bán người, bảo
vệ nạn nhân được triển khai thực hiện; 100% các văn bản hướng dẫn thực hiện
Luật phòng, chống mua bán người và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến
phòng, chống mua bán người được theo dõi thi hành và đánh giá hiệu quả.
II. NỘI DUNG, PHÂN CÔNG
TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Nội dung
(1) Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ
ban đầu cho nạn nhân; thực hiệc các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành
niên đi cùng nạn nhân và người thân của họ trong quá trình xác minh, tiếp nhận,
hỗ trợ nạn nhân và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
(2) Tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú và thực hiện
chế độ hỗ trợ cho nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo
quy định; chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với các cơ quan có liên quan
đưa nạn nhân về nơi cư trú; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đường
dây nóng phòng, chống mua bán người (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em
111) để tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
(3) Định kỳ thống kê số nạn nhân bị mua bán bao gồm:
Nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về (qua trao trả chính thức, tự trở về);
nạn nhân bị mua bán trong nước (được giải cứu, tự đến trình báo).
(4) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ
ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan để thực hiện
tốt quy trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
(5) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; thực hiện lồng ghép nội dung
phòng, ngừa mua bán người vào chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng,
chống tội phạm; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới,
bảo vệ trẻ em và chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc
vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống nông thôn mới, đô thị văn minh”.
(6) Tổng kết việc triển khai
thực hiện Đề án 3, chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 -
2020 (theo Quyết định 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ);
nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phục vụ xây dựng Chương trình hỗ trợ nạn nhân
giai đoạn 2021 - 2025.
(7) Thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành;
nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục,
thẩm quyền tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, nhất là Thông tư
liên tịch số 01/TTLT- BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10/02/2014 của liên Bộ Công an –
Quốc phòng – Lao động, Thương binh và Xã hội – Ngoại giao.
2. Phân công trách nhiệm
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành có liên
quan thực hiện hoạt động tại tiết (1), (3) và (7).
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp các ngành có liên quan thực hiện hoạt động tại tiết (2), (4), (5) và (6).
- Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ
nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Tỉnh và Uỷ
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức thực hiện.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí thực hiện chi từ nguồn sự nghiệp đảm bảo xã
hội và kinh phí Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm
2020 đã giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, khuyến
khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy
định của pháp luật
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, đề nghị các Sở,
ngành, đoàn thể có liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây
dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua
bán người năm 2020 đảm bảo phù hợp, sát với tình hình tại đơn vị, địa phương.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm,
tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Tỉnh và Uỷ
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, hướng
dẫn và thường xuyên phản ánh kết quả việc thực hiện, đảm bảo chế độ báo cáo
định kỳ hằng quí, 06 tháng và năm về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh
Đồng Tháp.
3. Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo dõi, hướng
dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Tổng hợp tình hình, định kỳ báo
cáo Ban Chỉ đạo 138/ĐP Tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH (Cục PCTNXH);
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND Tỉnh;
- UBMTTQVN và các tổ chức CT-XH Tỉnh;
- Thành viên BCĐ 138/ĐP Tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, PTH-VX (QM).
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Tấn Bửu
|