VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 99/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 03 năm 2018
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG
NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẠC LIÊU
Ngày 29 tháng 01 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu về kết quả phát triển kinh tế
- xã hội thời gian vừa qua, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số
kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Thống
đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài
nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải; đại diện
Bộ Ngoại giao. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và ý kiến phát
biểu của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương
và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực cố gắng,
đoàn kết, khắc phục khó khăn và đạt kết quả khá toàn diện về kinh tế - xã hội,
bảo đảm quốc phòng, an ninh. Sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Bạc Liêu đã
phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, có nhiều mô hình và cách làm mới,
kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và cơ cấu chuyển dịch theo hướng
tích cực; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 31,15 lên 37,5 triệu đồng;
doanh thu du lịch tăng 14,2%.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội,
chính sách người có công và dân tộc thiểu số được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm
3,51%.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn
xã hội được bảo đảm; Công tác thanh tra, tiếp công dân, tư pháp, phòng, chống
tham nhũng, chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo được các cấp,
các ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, Bạc Liêu vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là
ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng thiếu và yếu, quy mô kinh tế
còn nhỏ. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; số doanh nghiệp
ít, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, lao động trong nông nghiệp còn khá lớn. Một số
chỉ số về hành chính xếp thứ hạng thấp so với cả nước.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhất trí với báo cáo của Tỉnh về nhiệm vụ, giải
pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới cần chú trọng
làm tốt những nội dung chủ yếu sau:
1. Triển khai, thực hiện tốt các Nghị quyết của
Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu
hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2018, tạo đà cho những
năm tiếp theo; tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, giải pháp xã hội hóa nguồn lực
phát triển kinh tế - xã hội; khai thác tiềm năng, lợi thế và có giải pháp đột
phá hơn nữa, phấn đấu đưa Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh
khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trung bình khá của cả nước vào cuối
nhiệm kỳ 2016 - 2021.
2. Về định hướng phát triển:
Phát triển theo hướng xanh với 4 trụ cột: nông nghiệp,
trọng tâm là Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất,
kinh doanh tôm, lúa gạo; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); du lịch;
thương mại, dịch vụ. Xây dựng Bạc Liêu trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển
phía Nam của đất nước, trong đó:
- Phấn đấu trở thành một trung tâm công nghiệp tôm
của cả nước, cả về sản xuất giống, chế phẩm, chế biến thức ăn cho tôm với nhiều
mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, tăng nhanh năng suất, sản lượng
và chất lượng tôm gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tập
trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch theo hướng bền vững.
- Phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng của
Tỉnh và trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng
hệ sinh thái du lịch sống động, đa dạng sản phẩm, kết nối với các trung tâm du
lịch lớn.
- Tận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng
lượng tái tạo, phát triển điện gió, điện mặt trời.
- Quản lý chặt chẽ, tránh lãng phí tài nguyên đất
đai, nguồn nước; làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, kiểm soát tốt
các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là trong chế biến thủy
hải sản; thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường.
- Phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tiềm
năng, lợi thế, chú trọng lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế.
3. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương,
nhất là các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh cả
về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hạn chế tình trạng đầu tư manh mún,
dàn trải, kém hiệu quả.
4. Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính trong sạch,
vững mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh
cấp tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm và kịp thời các
tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ. Giải quyết tốt khiếu nại,
tố cáo; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo các cấp,
các ngành xây dựng cơ chế thông thoáng, cởi mở để thu hút doanh nghiệp trong nước
và nước ngoài về đầu tư, kinh doanh. Thúc đẩy khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư.
5. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối
với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã
hội. Làm tốt công tác tôn giáo, dân tộc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự
an toàn xã hội trên địa bàn, giúp đỡ; hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá trên biển,
giữ vững chủ quyền biển đảo. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng,
chống tội phạm, cháy nổ, buôn lậu trên biển.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội:
a) Đối với việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2020: Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6543/VPCP-KTTH ngày 09 tháng 8 năm 2016 của
Văn phòng Chính phủ.
b) Đối với Quy hoạch Tỉnh thời kỳ đến năm 2030, tầm
nhìn 2050: Tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch; trong đó lưu ý nâng
cao chất lượng công tác quy hoạch phục vụ định hướng phát triển của địa phương
trong mối liên kết vùng và cả nước.
2. Về hỗ trợ vốn xử lý chống sạt lở kè Nhà Mát, kè
Gành Hào và khu vực cầu Chiến Túp 1: Đồng ý về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
và các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất mức và nguồn vốn hỗ trợ, trình cấp có thẩm
quyền theo quy định.
3. Về vốn đầu tư xây dựng bờ kè chống ngập dọc theo
Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn huyện Hòa Bình và thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu):
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I
phương án vốn đầu tư xây dựng kè chống ngập dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh
Bạc Liêu.
4. Về hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng nghĩa trang liệt
sĩ: Đồng ý về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ:
Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất việc hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
5. Về hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng Khu Nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và tỉnh Bạc
Liêu rà soát những hạng mục quan trọng cấp bách, đề xuất việc hỗ trợ tỉnh, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi về tín dụng
đối với các hộ nông dân trực tiếp nuôi tôm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ
trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan xem xét, xử lý theo quy định, tạo điều kiện
cho các hộ nuôi tôm được vay vốn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp
vượt thẩm quyền.
7. Về hỗ trợ vốn đầu tư tuyến đường liên kết vùng Đồng
bằng sông Cửu Long (tuyến đường ĐT.980. Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền
nối với đường Hồ Chí Minh): Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp Dự án vào Danh mục
các chương trình, dự án liên kết vùng hoặc có tính chất vùng Đồng bằng sông Cửu
Long giai đoạn 2016 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số
5569/VPCP-KTTH ngày 30 tháng 5 năm 2017 và công văn số 3198/VPCP-QHĐP ngày 3
tháng 4 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.
8. Về việc cải tạo, nâng cấp giai đoạn I và đầu tư
mở rộng giai đoạn II tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp: Bộ Giao thông vận tải chủ
trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Tỉnh rà soát những đoạn
tuyến quan trọng cấp bách ưu tiên làm trước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về việc thành lập một Viện hoặc Trung tâm khoa học
nghiên cứu, xử lý ứng phó biến đổi khí hậu của Bạc Liêu và vùng Đồng bằng sông
Cửu Long: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý theo quy định, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.
10. Về việc thành lập Viện nghiên cứu tôm trực thuộc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt tại Bạc Liêu: Giao Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn xem xét, xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ
trường hợp vượt thẩm quyền.
11. Về hỗ trợ tỉnh xây dựng Đề án Quy hoạch thủy lợi
tỉnh Bạc Liêu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
giai đoạn đến 2025, tầm nhìn 2035; bố trí vốn thực hiện Quy hoạch: Tỉnh nghiên
cứu, tích hợp nội dung phát triển hệ thống thủy lợi vào nội dung quy hoạch tỉnh
theo quy định của Luật Quy hoạch.
12. Về đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm vào Đề án
phát triển ngành tôm quốc gia Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020:
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân
dân tỉnh Bạc Liêu bổ sung chương trình đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm này
vào Quy hoạch phát triển điện lực, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đưa chương trình đầu
tư lưới điện phục vụ nuôi tôm vào Đề án phát triển ngành tôm quốc gia Việt Nam
giai đoạn 2016 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ
13. Về việc bổ sung quy hoạch phát triển các dự án
điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất bổ sung là 400MW: Tỉnh có báo cáo đề
xuất các dự án cụ thể, gửi Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất liên quan đến
các dự án điện, trình Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.
14. Về thời gian giao đất, cho thuê đất để thực hiện
các dự án điện gió lên mức tối đa (70 năm): Thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Luật đất đai năm 2013.
15. Về việc phát triển tuyến du lịch biển từ Bạc
Liêu đi Côn Đảo: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các
Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an xem xét, xử lý kiến nghị theo hướng
tạo điều kiện kết nối điểm du lịch giữa các địa phương, góp phần đa dạng hóa sản
phẩm du lịch, tăng cường khả năng thu hút khách và phục vụ nhu cầu của khách du
lịch cũng như người dân tham gia các hoạt động du lịch tại các địa phương.
16. Về việc hỗ trợ cho tỉnh số hụt thu năm 2017:
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ
quan liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm
2017 và khả năng cân đối của ngân sách trung ương, tổng hợp chung, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xem xét, xử lý cho các địa phương trong đó có tỉnh Bạc Liêu.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh
Bạc Liêu và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài
nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Lao động
- Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT,
KTTH, CN, NN, KGVX;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Lê Huyền
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Văn Tùng
|