ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/CT-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 26
tháng 4 năm 2023
|
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ
NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm gần đây, công tác đối ngoại trên
địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động đối ngoại của tỉnh dần đi
vào chiều sâu, đúng định hướng với mục tiêu tranh thủ các nguồn lực bên ngoài nhằm
góp phần thiết thực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh
tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh; đồng thời, góp phần thực
hiện thắng lợi chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh và tình
hình mới. Công tác quản lý các đoàn ra, đoàn vào trên địa bàn tỉnh đã bám sát
chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và từng bước đi vào nền nếp; việc thiết lập
mối quan hệ hợp tác hữu nghị với địa phương, các đối tác, tập đoàn lớn của các
nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc... được thực hiện có trọng tâm,
trọng điểm; công tác vận động viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát
triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam
(trước đây gọi là công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài - PCPNN),
công tác hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế (NGKT), ngoại giao văn hóa
(NGVH), thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế cấp địa phương tiếp tục được đẩy mạnh
và mở rộng... Kết quả này đã góp phần thúc đẩy các cấp, các ngành, các địa
phương chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công
tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Hoạt
động xin phép đoàn ra và đoàn vào chưa đảm bảo thời gian quy định, cá biệt còn
có đơn vị gửi văn bản xin phép cho đoàn ra đối với cán bộ đang trong thời hạn
thi hành kỷ luật; công tác Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) chưa được các ngành,
các địa phương quan tâm chỉ đạo đúng mức; các cơ quan, địa phương chưa chủ động
trong tiếp cận các nhà tài trợ, tổ chức PCPNN để vận động nguồn lực phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hiệu quả và tính bền vững của các chương
trình, dự án vẫn còn một số hạn chế; một số cơ quan, đơn vị chưa nắm được tình
hình hoạt động của các tổ chức PCPNN tại địa bàn, trong lĩnh vực quản lý cũng
như các quy định liên quan; một số chương trình, dự án do cơ quan Trung ương
triển khai tại tỉnh nhưng không lấy ý kiến chính quyền địa phương trước khi phê
duyệt, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN; sự
phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương và giữa chính quyền
địa phương với doanh nghiệp trong việc triển khai công tác NGKT có lúc, có nơi
còn chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao; việc duy trì và phát huy
các kết quả xúc tiến ban đầu sau các hoạt động quảng bá, kết nối với nước ngoài
còn thiếu sự liên tục, thậm chí gián đoạn. Công tác tiếp cận các thị trường
mới, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; một số cơ
quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến việc bố trí công chức, viên chức
kiêm nhiệm thực hiện công tác đối ngoại và chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực
hiện công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương... thực trạng này
phần nào đã làm giảm hiệu quả của hoạt động kết nối và triển khai hợp tác với
các đối tác trong thời gian qua.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trên, đồng
thời tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh,
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành
phố (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị, địa phương) căn cứ vào chức năng,
nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn, tập trung triển
khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau đây:
1. Tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, phổ biến
và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước về công tác đối ngoại
- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương
tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, viên
chức, người lao động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về công tác đối ngoại và Quy chế số 05-QC/TU ngày 28 tháng 4 năm
2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại
trên địa bàn tỉnh. Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người
đứng đầu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan,
đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò, nhiệm vụ hoạt động đối ngoại; xem chất
lượng, hiệu quả của hoạt động đối ngoại là điều kiện cần để phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông
tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác
tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước về công tác đối ngoại nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành,
các địa phương về vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong công cuộc
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị
thế đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
- Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại. Đồng
thời, phối hợp với UBND 02 huyện biên giới (Buôn Đôn, Ea Súp) và các cơ quan,
đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác phân giới
cắm mốc và quản lý biên giới cho cán bộ, Nhân dân của 02 huyện, trong đó chú
trọng đẩy mạnh tuyên truyền cho Nhân dân 04 xã biên giới của tỉnh.
2. Tập trung sửa đổi, bổ sung, thay thế để hoàn
thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của tỉnh về công tác đối
ngoại.
- Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và
các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế các
văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của tỉnh về công tác đối ngoại trên
địa bàn tỉnh đảm bảo sát, đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và các quy
định của pháp luật về công tác đối ngoại, phù hợp với tình hình của địa phương
và có tính khả thi cao trong tổ chức thực hiện.
- Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Tư pháp thường xuyên
tự kiểm tra, kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của
tỉnh về công tác đối ngoại theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm
pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối
ngoại và nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại
tại các cơ quan, đơn vị, địa phương
- Sở Ngoại vụ tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí đội
ngũ công chức hiện có phù hợp với trình độ đào tạo, đề án vị trí việc làm và năng
lực, sở trường của tùng công chức để đảm bảo yêu cầu công tác quản lý Nhà nước
về đối ngoại trong tình hình mới.
- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có
trách nhiệm sắp xếp, bố trí công chức, viên chức chuyên trách/phụ trách về công
tác đối ngoại tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý. Việc sắp xếp, bố trí
công chức, viên chức làm công tác đối ngoại phải thực hiện xong trong Quý III/2023.
Đồng thời, cung cấp thông tin công chức, viên chức làm đầu mối về Sở Ngoại vụ
nhằm tăng cường công tác phối hợp trong triển khai các hoạt động đối ngoại trên
địa bàn tỉnh.
- Hàng năm, Sở Ngoại vụ phối hợp với các đơn vị
thuộc Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và
triển khai công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng
cho đội ngũ công chức làm công tác đối ngoại. Trong đó, chú trọng công tác đào
tạo, bồi dưỡng về hội nhập quốc tế, ngoại ngữ, lễ tân đối ngoại, hoạt động vận
động viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các
cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt nam, ngoại giao kinh tế và
thông tin tuyên truyền đối ngoại.
Việc kiện toàn và nâng cao trình độ cho đội ngũ công
chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ công tác đối ngoại là nhằm phát huy cao nhất
tinh thần tôn trọng phụng sự Đảng, Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, phục vụ các ngành,
các cấp, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai công tác đối ngoại, hội
nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ANQP trên địa bàn tỉnh.
4. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đối
ngoại hàng năm
- Hàng năm (trước ngày 05/12), các cơ quan, đơn vị,
địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đối ngoại cho năm tiếp theo gửi về
Sở Ngoại vụ để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hoạt
động đối ngoại của tỉnh. Nhằm tạo cơ sở và xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ công
tác đối ngoại hàng năm có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện. Việc xây
dựng và ban hành kế hoạch hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tập
trung tranh thủ và khai thác tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, mối quan hệ
hữu nghị với các địa phương nước ngoài mà tỉnh đã ký kết hợp tác; phát huy giá
trị, hiệu lực của các cam kết, thỏa thuận quốc tế để mở rộng không gian phát
triển trên các lĩnh vực như: Thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức, du lịch và
các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững của từng cơ quan, đơn vị,
địa phương và của tỉnh.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ
đối ngoại, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại hàng năm.
Chủ động trong triển khai các hoạt động đối ngoại; chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn với tăng cường công tác đôn đốc,
theo dõi, kiểm tra để các hoạt động đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu, đồng
bộ, thực chất và hiệu quả.
5. Đảm bảo kinh phí cho công tác đối ngoại theo
quy định và những nhiệm vụ đối ngoại phát sinh từ thực tiễn của địa phương
- Hàng năm trên cơ sở Kế hoạch đối ngoại của UBND
tỉnh phê duyệt, dự toán kinh phí đối ngoại của các đơn vị lập và khả năng cân
đối ngân sách, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các đơn vị
thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng
dẫn thi hành. Riêng đối với Sở Ngoại vụ phải bố trí đủ kinh phí đoàn ra, đoàn
vào; đồng thời bố trí nguồn kinh phí dự phòng để giải quyết kịp thời những
nhiệm vụ đối ngoại phát sinh theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh
hàng năm.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm
đảm bảo kinh phí cho hoạt động đối ngoại hàng năm của cấp huyện theo quy định
của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
6. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công
tác đối ngoại trong thời gian đến người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa
phương cần tập trung triển khai thực hiện
a) Đối với lĩnh vực đoàn ra, đoàn vào
Xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm phải
cụ thể, bảo đảm sát đúng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đối ngoại và hội
nhập quốc tế, phù hợp với khả năng tài chính của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài không nằm
trong kế hoạch đoàn ra; thực hiện nghiêm công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào tại
Điều 13 Quy chế số 05-QC/TU của Tỉnh ủy và Công văn số 10602/UBND-NC ngày 06
tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Đối với công tác lãnh sự, bảo hộ công dân
Tăng cường theo dõi, kịp thời phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan xử lý đúng quy định đối với các vụ việc bảo hộ
công dân Việt Nam tại nước ngoài và các vấn đề Lãnh sự liên quan đến người nước
ngoài trên địa bàn.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của
Nhân dân trước các thủ đoạn lừa đảo, đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhằm
trục lợi bất hợp pháp; đặc biệt là nhóm thanh niên, thiếu niên ở các địa bàn
vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
c) Đối với công tác biên giới
Tiếp tục thực hiện quản lý biên giới theo Nghị định
thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam và Vương quốc Campuchia và các văn bản song phương đã được hai bên ký
kết. Tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân trong tỉnh hiểu rõ ý
nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp
tác cùng phát triển; vận động người dân khu vực biên giới hai huyện Ea Súp, Buôn
Đôn chấp hành tốt Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về
quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam, Luật biên phòng Việt
Nam số 66/2020/QH 14, ngày 11/11/2020 và các văn bản quy định của pháp luật về
khu vực biên giới.
d) Đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Căn cứ nhiệm vụ được phân công, bám sát Đề án “Phát
huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài góp phần phát triển tỉnh Đắk Lắk trong
giai đoạn 2023 - 2027”, thực hiện có hiệu quả việc tăng cường và phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên người Việt Nam ở nước ngoài
nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, đoàn kết, qua đó thu hút nguồn
lực to lớn của đồng bào ta ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Đắk Lắk ở
nước ngoài nói riêng về nước hoạt động đầu tư, kinh doanh, đóng góp của trí
thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước.
đ) Đối với công tác vận động viện trợ không hoàn
lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
nước ngoài
- Bám sát Chương trình tăng cường hợp tác và vận
động viện trợ PCPNN của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025 được ban hành kèm
theo Quyết định số 584/QĐ-UBND , ngày 23 tháng 3 năm 2020 của UBND tỉnh để chủ
động hợp tác với các tổ chức PCPNN và các đối tác phát triển khác nhằm nâng cao
hiệu quả quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN vào tỉnh trên các lĩnh vực có nhu
cầu kêu gọi viện trợ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý và sử dụng
viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
được ban hành kèm theo Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2022
của UBND tỉnh.
- Tăng cường quản lý hoạt động của các tổ chức
PCPNN đến hoạt động tại tỉnh theo Nghị định số 58/2022/NĐ-TTg ngày 31 tháng 8
năm 2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN
tại Việt Nam; Quy chế số 05-QC/TU ngày 28 tháng 4 năm 2020 của Tỉnh ủy về quản
lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
e) Đối với công tác ngoại giao kinh tế
- Tăng cường công tác NGKT theo tinh thần Chỉ thị
số 15-CT/TW ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh
tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20
tháng 02 năm 2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính
phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10 tháng 8 năm
2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước
đến năm 2030; Kế hoạch số 115-KH/TU, ngày 10 tháng 11 năm 2022 của Tỉnh ủy và
Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 28/3/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện
Nghị quyết số 21/NQ-CP , nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để phục
vụ cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; đồng thời, phát huy vai trò kết nối,
hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và địa phương trong tỉnh mở rộng các hoạt
động hợp tác kinh tế với các đối tác nước ngoài.
- Đổi mới phương thức triển khai các hoạt động NGKT
theo hướng lựa chọn các địa bàn, nhiệm vụ, lĩnh vực hợp tác trọng tâm và có tính
khả thi. Thúc đẩy hình thành các kênh hợp tác mới, khả thi, dài hạn và mang
tính chiến lược, tháo gỡ những vướng mắc chính trong quan hệ kinh tế song
phương. Xây dựng kế hoạch công tác NGKT phù hợp với từng nhóm đối tác, đưa quan
hệ kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, tăng cường sự gắn kết và
đan xen lợi ích về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng.
g) Đối với công tác ngoại giao văn hóa
- Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 60/KH-UBND
ngày 14 tháng 3 năm 2022 của UBND tỉnh về hành động triển khai Chiến lược Ngoại
giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; gắn kết NGVH chặt chẽ với quá
trình phát triển và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại
của Đảng và Nhà nước ta, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố
quốc phòng, an ninh của tỉnh.
- Phát huy vai trò của ngoại giao văn hóa, tăng
cường giao lưu nhân dân để giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu của tỉnh
và của quốc gia, tinh hoa văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế; qua đó thúc
đẩy quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế của tỉnh ngày càng sâu rộng và bền vững.
h) Đối với việc thực hiện ký kết thỏa thuận quốc tế
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công
văn số 2733/UBND-NC, ngày 07 tháng 4 năm 2022 về trình tự, thủ tục ký kết văn
bản hợp tác quốc tế.
i) Đối với công tác hợp tác với địa phương nước
ngoài
Chủ động, triển khai linh hoạt, đa dạng các nội
dung hợp tác với các địa phương nước ngoài thông qua nhiều hình thức và lĩnh
vực hợp tác là thế mạnh của địa phương; chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế cấp
địa phương với Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Úc, ... đi vào chiều sâu, thiết thực
và mở rộng, thiết lập quan hệ với địa phương của Nga, Nhật Bản.
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về
công tác đối ngoại
- Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra
hoạt động đối ngoại hàng năm, đột xuất trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát
hiện, tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và chỉ đạo xử lý các
khuyết điểm, vi phạm, qua đó nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên địa bàn
tỉnh.
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức
quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài làm việc, cư trú... trên địa bàn tỉnh;
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý người nước ngoài trên
địa bàn tỉnh. Đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 12 năm 2019 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp trong công
tác quản lý cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại tỉnh Đắk Lắk, Quyết
định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2020 của UBND tỉnh về ban hành Quy
chế phối hợp xử lý các vấn đề lãnh sự liên quan đến người nước ngoài trên địa
bàn tỉnh Đắk Lắk và các quy định pháp luật có liên quan.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là lực lượng
nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới
của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an
tỉnh, UBND 02 huyện biên giới (Ea Súp, Buôn Đôn) và các cơ quan, đơn vị liên
quan thực hiện kiểm tra công tác quản lý việc ra, vào khu vực biên giới theo
quy định của pháp luật.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở
Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc quản lý, sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển
chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên
địa bàn tỉnh Đắk Lắk đảm bảo đúng quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND
ngày 25 tháng 01 năm 2022.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo
515 tỉnh chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy
tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia; kết
hợp làm tốt công tác tuyên truyền về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, truyền
thống, gắn bó Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia nói chung,
tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri nói riêng, tham gia thực hiện tốt công tác
ngoại giao nhân dân và đối ngoại quân sự với tỉnh Mondulkiri/Campuchia.
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại
thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, đôn đốc các đơn
vị trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại được giao đảm bảo
đúng pháp luật và kế hoạch đối ngoại hàng năm.
Yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Ngoại vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc
việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả
triển khai, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc
các cơ quan, đơn vị kịp thời gửi về Sở Ngoại vụ để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ Ngoại giao; (để báo cáo)
- Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao; (để báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để báo cáo)
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Các phòng, ban, trung tâm thuộc VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC (Vk.10).
|
CHỦ TỊCH
Phạm Ngọc Nghị
|