ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 1023/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 19
tháng 10 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON
TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ
và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm
2010;
Căn cứ Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11
năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng
02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ
lòng, bờ, bãi sông;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng
5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng
9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29 tháng 9 năm
2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà
nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu
khoáng sản;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại
Văn bản số 2796/STNMT-KS ngày 13 tháng 10 năm 2020 về việc ban hành Phương án bảo
vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ cát, sỏi
lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
(có Phương án kèm
theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài
nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Tài chính, Giao thông vận tải, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan: Công an tỉnh,
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh
Kon Tum, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn;
các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, mặt nước; các tổ chức, cá nhân hoạt động
khoáng sản cát, sỏi; các tổ chức, cá nhân kinh doanh, tập kết cát, sỏi và các
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, PVPNNTN;
- Lưu: VT, NNTN.HVT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|
PHƯƠNG ÁN
BẢO VỆ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: /QĐ-UBND ngày tháng năm của Ủy ban nhân
dân tỉnh Kon Tum)
I. Sự cần thiết
ban hành Phương án
Thời gian qua, công tác quản lý và hoạt
động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, nhiều khu
vực tài nguyên cát, sỏi được quản lý chặt chẽ, khai thác có tổ chức và dần đi
vào nề nếp, tạo việc làm cho Nhân dân địa phương, phục vụ nhu cầu vật liệu để
xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương và đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Tuy
nhiên, công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi và tình hình hoạt động khai thác
cát, sỏi lòng sông, lòng suối (sau đây gọi chung là lòng sông) trên địa
bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập như: Công tác kiểm tra, xử lý của các cấp, các
ngành đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao; vẫn còn tổ chức, cá nhân hoạt
động khai thác cát, sỏi chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về khoáng
sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan; tình trạng khai thác cát,
sỏi trái phép vẫn còn diễn ra tại một số khu vực, nhất là ban đêm, ngày nghỉ,
ngày lễ..., gây ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở bờ bãi ven sông suối, thất
thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường,
gây mất trật tự an ninh khu vực.
Trước thực trạng hoạt động khai thác,
tập kết cát, sỏi lòng sông và công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi trên địa
bàn tỉnh trong thời gian qua. Nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ có hiệu quả
cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ngăn chặn, xử lý kịp
thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh
thái, đảm bảo an ninh trật tự..., việc ban hành Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng
sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum là hết sức cần thiết nhằm cụ thể
hóa một số nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của
Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
II. Thực trạng
công tác quy hoạch và cấp phép cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Kon Tum
1. Về Quy hoạch khoáng sản
- Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND ngày
22 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai
thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030; Tổng số các điểm mỏ được quy hoạch 177 điểm mỏ, trong đó có 88 điểm mỏ
cát tổng các kỳ quy hoạch với diện tích 2.799,7ha, tổng trữ lượng 27.643,8 ngàn
m3; giai đoạn 2020, diện tích 592,2ha, trữ lượng 6.511 ngàn m3;
Giai đoạn 2021-2030, diện tích 668,6, trữ lượng 7.507,3 ngàn m3; diện
tích dự trữ 1538,9ha, trữ lượng 13.625,5 ngàn m3.
Quy hoạch được điều chỉnh, bổ sung tại
Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2016 và Quyết định số
09/2018/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể: Điều
chỉnh 32 điểm mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường (điều chỉnh diện tích 04
điểm mỏ; điều chỉnh địa danh 27 điểm mỏ; điều chỉnh tọa độ 01 điểm mỏ); bổ
sung quy hoạch 14 điểm mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường (có 01 điểm mỏ
đá quazit), trong đó có 07 điểm mỏ cát, sỏi.
2. Công tác cấp phép hoạt động
khai thác khoáng sản cát, sỏi:
Tính từ năm 2011 đến tháng 7 năm
2020, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp 50 giấy phép, các Giấy phép khai thác cát, sỏi
đã cấp, đang còn hiệu lực: 50 Giấy phép (Kon Tum: 15; Giáp ranh Kon Tum - Sa
Thầy: 02; Sa Thầy: 03; Đăk Tô: 9; Giáp ranh Đăk Tô - Ngọc Hồi: 02; Giáp ranh
Đăk Tô - Đăk Hà: 02; Đăk Hà: 2; Ngọc Hồi: 02; Giáp ranh Ngọc Hồi - Đăk Glei:
02; Đăk Glei: 02; Tu Mơ Rông: 02; Ia H'Drai: 01; Kon Rẫy: 06).
(Phụ
lục kèm theo).
III. Công tác bảo
vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh tại thời điểm lập Phương
án
Để tăng cường quản lý bảo vệ tài
nguyên khoáng sản chưa khai thác nói chung trong đó có quản lý cát, sỏi lòng
sông, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành: Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 12
tháng 02 năm 2018 về việc ban hành Quy chế quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa
bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 443/QĐ-CT ngày 22 tháng 8 năm 2013 về việc phê
duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên
địa bàn tỉnh Kon Tum, điều chỉnh tại Quyết định số 254/QĐ-CT ngày 22 tháng 5
năm 2014; Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2017 về việc ban hành
Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon
Tum.
Các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh
đã tổ chức triển khai thực hiện, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh
dần đi vào nề nếp; công tác kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tuy
đã được tăng cường nhưng chưa được thường xuyên (nhất là cấp huyện, cấp xã),
chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Thời gian gần đây, hoạt động khai thác
cát, sỏi lòng sông trái phép có chiều hướng tái diễn tại một số địa phương, làm
ảnh hưởng đến môi trường; gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; làm thất
thoát tài nguyên, mất đất sản xuất và thất thu ngân sách.
IV. Những hạn chế,
nguyên nhân
1. Những hạn chế
- Công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động
khoáng sản và Nhân dân đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, song chưa
được thường xuyên, chưa sâu rộng tới mọi đối tượng liên quan, dẫn đến việc chấp
hành quy định pháp luật về khoáng sản chưa tốt.
- Một số
đơn vị chức năng chưa thực hiện tốt trong công tác phối hợp quản lý, thanh tra,
kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép;
trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản cát, sỏi lòng sông ở cấp cơ sở
có nơi còn buông lỏng. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra,
chủ yếu tại các sông suối nhỏ, tại các vùng giáp ranh địa giới hành chính, tại
các bãi bồi ven sông suối có trữ lượng cát, sỏi lớn dễ khai thác và vận chuyển.
- Công tác quản lý quy hoạch thực hiện
còn bất cập, chưa thường xuyên rà soát để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương; các điểm
trong quy hoạch thăm dò khai thác chưa được quản lý, bảo vệ.
2. Một số nguyên nhân
- Một số địa phương chưa nêu cao vai
trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý
tài nguyên cát, sỏi; chưa có sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị trong
công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực cát, sỏi, nhất là chính quyền cơ sở trong
việc thực hiện các trách nhiệm về quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
theo quy định tại Quyết định số 568/QĐ- UBND ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Ủy
ban nhân dân tỉnh và Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2018 của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Công tác kiểm tra của các cấp, các
ngành trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép đã được tăng cường nhưng biện
pháp xử lý chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng khai thác cát sỏi trái phép;
công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong kiểm tra, xử lý chưa thực hiện
tốt, còn tình trạng trông chờ, ỷ lại cấp trên.
- Lực lượng cán bộ cấp huyện, đặc biệt
là cấp xã được giao nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về khoáng sản chưa đáp ứng
được yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và trình độ chuyên môn, do kiêm nhiệm nhiều
lĩnh vực (đất đai, môi trường, khoáng sản); chưa phối hợp tốt với các
đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Nhận
thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế, chưa
tự giác thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng
sông, các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép thường hoạt động vào ban đêm,
các ngày nghỉ, ngày lễ, tập trung chủ yếu tại các khu vực sông suối giáp ranh
giữa hai tỉnh, hai huyện, hai xã nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
- Nhu cầu về vật liệu cát, sỏi cho
xây dựng các cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, tài nguyên cát, sỏi
lòng sông ngày càng cạn kiệt.
- Một số đơn vị chức năng, chủ lòng hồ
thủy điện, thủy lợi chưa phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác bảo vệ
khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác.
V. Các khu vực
sông, suối thường xảy ra khai thác cát, sỏi trái phép cần quan tâm bảo vệ
TT
|
Tên, sông suối
|
Địa điểm
|
1
|
Nước My
|
Xã Ngọk Linh, Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh
Kon Tum.
|
2
|
Đăk Mek
|
Xã Mường Hoong, Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh
Kon Tum
|
3
|
Đăk Công
|
Xã Xốp, Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum
|
4
|
Đăk Mỹ
|
Xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum
|
5
|
Đăk Psi
|
Xã Măng Ri, Tê Xăng, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông, Ngọc
Yêu, Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum
|
Xã Đăk Pxi, Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum,
|
Xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum
|
6
|
Đăk Tơ Kan (tên
khác Đăk Ta Kan)
|
Xã Đăk Rơ Ông, Đăk Tơ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh
Kon Tum,
|
Xã Đăk Trăm, Ngọk Tụ, Kon Đào, thị trấn Đăk Tô,
huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum
|
7
|
Đăk A Kôi (Đăk
Kôi)
|
Xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum
|
Xã Đăk Kôi, Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon
Tum.
|
8
|
Đăk Nghé (tên
khác Đăk Snghé)
|
Xã Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, thị trấn Măng
Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
|
Xã Đăk Kôi, Đăk Tơ Lung, thị trấn Đăk Rve, huyện
Kon Rẫy
|
9
|
Đăk Bla
|
Thị trấn Đăk Rve, các xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk
Tơ Lung, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.
|
Các xã: Đăk Blà, Đăk Rơ Wa, Chư Hreng, Vinh
Quang, Ngọk Bay, Kroong, Đoàn Kết, Đăk Năng; các phường: Trường Chinh, Thắng
Lợi, Lê Lợi, Thống nhất, Quyết Thắng, Quang Trung, Nguyễn Trãi, thành phố Kon
Tum, tỉnh Kon Tum.
|
10
|
Pô Kô
|
Xã Đăk Man, Đăk Pét, Đăk Krong, Đăk Môn, thị trấn
ĐăkGlei, tỉnh Kon Tum.
|
Xã Đăk Ang, Đăk Dục, Đăk Nông, Đăk Kan, thị trấn Plei
Kần, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
|
Xã Đăk Rơ Nga, Ngọk Tụ, Tân Cảnh, Pô Kô, Diên
Bình, thị trấn Đăk Tô
|
Xã Đăk Mar, Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
|
Xã Hơ Moong, Sa Nghĩa, Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh
Kon Tum.
|
Xã Kroong, thành phố Kon Tum.
|
11
|
Sê San
|
Xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
|
Các xã: Sa Bình, Ya Ly, Ya Tăng, Mô Rai, huyện Sa
Thầy, tỉnh Kon Tum
|
Xã Ia Tơi, huyện Ia HʹDrai, tỉnh Kon Tum
|
12
|
Sa Thầy (tên
khác Đăk Hơ Drai)
|
Xã Rờ Kơi, Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
|
Các xã: Ia Dom, Ia Đal, Ia Tơi, huyện Ia HʹDrai,
tỉnh Kon Tum
|
Ngoài ra, còn các suối nhỏ khác trên
địa bàn tỉnh cần phải bảo vệ.
VI. Biện pháp tăng
cường quản lý và khắc phục hạn chế
- Để tăng
cường công tác quản lý và khắc phục hạn chế trong công tác quản lý cát, sỏi
lòng sông đối với vùng giáp ranh (giữa hai tỉnh, hai huyện, hai xã) các
đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp trao đổi thông
tin, phát hiện và xử lý vi phạm hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên phạm
vi giáp ranh.
- Các sở, ngành, đơn vị chức năng
liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế số 818/QCPH-LN ngày 26 tháng
6 năm 2017 của Liên ngành trong phối hợp trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý
vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
VII. Mục tiêu của
Phương án
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông; kinh doanh, tập kết và vận chuyển
cát, sỏi lòng sông chấp hành đúng quy định của pháp luật.
- Yêu cầu chung về quản lý bảo vệ
lòng bờ, bãi sông và các công trình thủy điện, thủy lợi, đảm bảo giao thông thủy
trong quá trình hoạt động khoáng sản cát, sỏi.
VIII. Trách nhiệm
của các sở, ngành, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác bảo
vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn tỉnh
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì xây dựng tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên
địa bàn, trong đó có việc quy định trách nhiệm và xử lý người đứng đầu các sở,
ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã.
- Cung cấp các thông tin, tài liệu về
khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, quy hoạch khoáng sản, khu vực cấp
phép hoạt động cát, sỏi cho các đơn vị liên quan và các lực lượng chức năng để
thực hiện công tác quản lý.
- Chủ trì kiểm tra, thanh tra, xử lý
vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ; bảo vệ, phòng, chống sạt,
lở lòng, bờ, bãi sông thuộc thẩm quyền trên địa bàn tỉnh; kết luận về tính chất,
mức độ sai phạm, vi phạm (nếu có) làm cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm đối
với tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định.
- Chủ trì phối hợp các đơn vị giáp
ranh có chung đường ranh giới hành chính tỉnh là các dòng sông trong việc quản
lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông.
- Chủ trì, tổ chức kiểm tra định kỳ
hoặc đột xuất tại các địa bàn thường xảy ra hoạt động khoáng sản cát, sỏi trái
phép hoặc có nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Lực lượng nòng cốt
là Thanh tra chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc có liên quan và lực lượng chức
năng tại địa phương nơi có hoạt động khoáng sản trái phép. Các sở ngành chức
năng và Công an tỉnh được huy động tham gia phối hợp để xử lý vụ việc có tính
chất phức tạp.
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tham mưu tổ chức thực hiện các
biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn
nước đối với sông nội tỉnh; tổ chức điều tra, đánh giá quan trắc, giám sát diễn
biến dòng chảy, bồi lắng, xói lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông nội tỉnh.
- Thực hiện công tác quản lý, tham
mưu cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông theo đúng quy định của Luật
Khoáng sản, pháp luật có liên quan và quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP
ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ.
- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của
các cấp, các ngành được giao nhiệm vụ trong Phương án này, tổng hợp báo cáo kết
quả công tác quản lý bảo vệ khoáng sản hàng tuần, tháng trên địa bàn về Ủy ban
nhân dân tỉnh.
- Định kỳ hằng năm (hoặc đột xuất
khi có yêu cầu) tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài
nguyên và Môi trường và các cơ quan trung ương có liên quan về tình hình cấp
phép thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông tại địa phương.
2. Sở Xây dựng
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
các quy chuẩn kỹ thuật trong việc sử dụng cát, sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng;
không cho phép sử dụng cát, sỏi lòng sông có đủ chất lượng làm cát, sỏi xây dựng
dùng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng; xây dựng giải pháp khuyến khích
tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát sỏi làm vật liệu san lấp.
- Hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp
tình hình đầu tư khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; cân đối cung cầu sử dụng
tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan trong
việc xây dựng nội dung quản lý cát, sỏi lòng sông; tham gia ý kiến thuộc thẩm
quyền về nội dung quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trong quy hoạch
tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường kiểm tra tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên
quan xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh: Phê duyệt quy hoạch hệ thống bến,
bãi tập kết cát, sỏi lòng sông theo quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 31 Nghị định
số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ; ban hành danh mục đập,
hồ chứa thủy điện trên địa bàn, quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 3, Nghị định
số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập,
hồ chứa nước.
- Phối hợp với các đơn vị, địa phương
thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với nội dung có liên quan trong việc
xác định phạm vi, quy mô, ranh giới các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ an toàn đập
thủy điện.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp
huyện liên quan trong việc kiểm tra, giám sát khối lượng cát, sỏi thu hồi (nếu
có) trong quá trình duy tu, nạo vét các lòng hồ thủy điện; yêu cầu chủ đầu
tư chỉ được phép khai thác phần trữ lượng do bồi lắng và phải gắn với yêu cầu nạo
vét, phòng, chống bồi lắng lòng hồ; tham mưu quản lý, cấp phép đối với các hoạt
động thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh trong phạm vi bảo vệ đập,
hồ chứa thủy điện.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường kiểm tra tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Phối hợp với các đơn vị, địa phương
thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với nội dung có liên quan trong việc
xác định phạm vi, quy mô, ranh giới các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ an toàn
các công trình thủy lợi, chính trị dòng sông thuộc trách nhiệm quản lý của
ngành theo quy định tại Điều 14 và Điều 18 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24
tháng 02 năm 2020 của Chính phủ.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp
huyện liên quan trong việc kiểm tra, giám sát khối lượng cát, sỏi thu hồi (nếu
có) trong quá trình duy tu, nạo vét các lòng hồ thủy lợi; yêu cầu chủ đầu
tư chỉ được phép khai thác phần trữ lượng do bồi lắng và phải gắn với yêu cầu nạo
vét, phòng, chống bồi lắng lòng hồ; tham mưu quản lý, cấp phép đối với các hoạt
động thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh trong phạm vi bảo vệ
công trình thủy lợi theo quy định tại Điều 44 Luật Thủy lợi.
- Tham gia ý kiến chấp thuận bằng văn
bản của cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, thủy lợi và đáp ứng
các yêu cầu quy định tại Điều 15 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02
năm 2020 của Chính phủ đối với hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản cát, sỏi
lòng sông.
- Chủ trì, phối hợp các sở ngành chức
năng và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý đê kè,
thủy lợi nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm
trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi ảnh hưởng đến an toàn
đê kè, hàng lang thoát lũ.
- Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thanh tra,
kiểm tra các hoạt động khoáng sản cát, sỏi trong phạm vi bảo vệ của các công
trình thủy lợi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý kết cấu hạ tầng
thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Ban Quản lý - Khai thác các
công trình thủy lợi tỉnh ngoài chức năng nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực khai
thác các công trình thủy lợi, phải kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chức năng về các hoạt động
khoáng sản cát, sỏi trái phép trong phạm vi bảo vệ của các công trình thủy lợi
do đơn vị đang khai thác để phối hợp xử lý theo quy định.
5. Sở Giao thông vận tải
- Thực hiện công tác quản lý nhà nước
theo quy định đối với nội dung có liên quan về phương tiện vận chuyển cát, sỏi
trên sông được quy định tại Điều 11 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02
năm 2020 của Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát giao
thông (Công an tỉnh): Có biện pháp quản lý các phương tiện khai thác
cát, sỏi trên sông theo quy định của pháp luật (về an toàn vận tải đường thủy
nội địa; việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi
trên lòng sông; việc đăng ký số lượng, chủng loại, gắn biển hiệu các phương tiện
khai thác cát...).
- Tham gia ý kiến chấp thuận bằng văn
bản của cơ quan quản lý nhà nước về đường thủy nội địa và đáp ứng các yêu cầu
quy định tại Điều 15 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của
Chính phủ đối với hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông.
6. Cục Thuế tỉnh
Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm:
Trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán; tình trạng hợp pháp hóa,
hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với việc sử dụng cát, sỏi lòng sông tại các
công trình, dự án để kê khai, quyết toán thuế.
- Phối hợp với các cơ quan có liên
quan thanh tra, kiểm tra việc xác định sản lượng cát, sỏi lòng sông khai thác
thực tế.
7. Sở Tài chính
Các cơ quan chức năng khi thanh tra,
kiểm tra việc thực hiện khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông phát hiện đơn vị,
tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán thì lập hồ sơ
chuyển Sở Tài chính phối hợp trong việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kế
toán theo quy định của pháp luật hiện hành.
8. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ
trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
theo thẩm quyền đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép; vận chuyển và
kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn.
- Chủ động trong công tác phòng ngừa,
đấu tranh với tội phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt đối với các hành vi
khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo
Công an huyện, thành phố và các phòng nghiệp vụ có liên quan làm tốt công tác nắm
tình hình, xử lý vi phạm trên lĩnh vực khai thác cát, sỏi trái phép không để điểm
nóng về khoáng sản nổi lên làm ảnh hưởng, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Kon
Tum.
9. Cục Quản lý thị trường tỉnh
Phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị
liên quan kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ
khoáng sản cát, sỏi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp
lệ; xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm theo
quy định của pháp luật.
10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Thực hiện tốt Nghị định số
34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới
đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có
hiệu quả đối với các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép.
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng trong
khu vực biên giới, ngoài việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực
quốc phòng, an ninh, có trách nhiệm phối hợp với các cấp, các ngành có liên
quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phát hiện xử lý, cung cấp
thông tin kịp thời về hoạt động khoáng sản trái phép, đấu tranh ngăn chặn tình
trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trong khu vực biên giới.
11. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh
Truyền hình tỉnh
- Thông tin, tuyên truyền các quy định
của pháp luật về tài nguyên khoáng sản; Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai
thác.
- Đăng tải thông tin về công tác quản
lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản; hoạt khai thác khoáng sản trái phép
và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã đăng tải theo quy định của pháp luật.
12. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Triển khai xây dựng, thực hiện Quy
chế phối hợp trên địa bàn quản lý và với các địa phương khác nằm trong khu vực
giáp ranh địa giới hành chính.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện các biện pháp
bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác.
- Ngăn chặn hoạt động khai thác cát,
sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo xảy ra hoạt động
khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp
luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý
theo quy định của pháp luật.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về quản
lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
13. Ủy ban nhân dân cấp xã
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về khoáng sản đến thôn, làng; vận động nhân dân địa phương không khai
thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép.
- Phát hiện và tố giác tổ chức, cá
nhân khai thác khoáng sản, khai thác cát, sỏi trái phép; thực hiện quy chế phối
hợp trên địa bàn và các xã thuộc các địa phương khác trong khu vực giáp ranh.
- Ngăn chặn hoạt động khai thác cát,
sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên để xử lý theo
quy định của pháp luật.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu
trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý cát,
sỏi lòng sông trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.
14. Trách nhiệm của tổ chức, cá
nhân sử dụng đất, mặt nước
- Tổ chức, cá nhân được cấp có theo
thẩm quyền giao đất, thuê đất, thuê mặt nước có trách nhiệm phối hợp chính quyền
địa phương, các cơ quan chức năng để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện
tích đất đang sử dụng; nghiêm cấm không được tự ý khai thác khoáng sản, trừ trường
hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản.
- Khi phát hiện khai thác cát, sỏi
trái phép trong phần diện tích đất, mặt nước được cấp có thẩm quyền giao quản
lý phải kịp thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng
để ngăn chặn, xử lý theo quy định.
15. Trách nhiệm của tổ chức, cá
nhân được cấp phép hoạt động cát, sỏi
- Phải cắm mốc các điểm khép góc khu
vực khai thác cát, sỏi lòng sông; lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông thuộc phạm
vi khu vực khai thác để công khai thông tin Giấy phép khai thác, dự án khai
thác cát, sỏi lòng sông với các nội dung: tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi
khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để
khai thác cát, sỏi.
- Thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu
tại Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp và các nội dung quy định tại khoản
2 Điều 9, Điều 15 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của
Chính phủ. Tuyệt đối không hoạt động khai thác khoáng sản ngoài khu vực cho phép,
nếu vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu
để xảy ra tình trạng khai thác trái phép trong phạm vi được phép hoạt động
khoáng sản. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở ngoài
ranh giới khu vực được phép hoạt động khoáng sản phải báo báo ngay cho Ủy ban
nhân dân cấp huyện, xã để kịp thời xử lý.
16. Trách nhiệm của tổ chức, cá
nhân kinh doanh, tập kết cát, sỏi
- Trường hợp bến, bãi chứa cát, sỏi nằm
trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc liên quan đến đê kè phải thực hiện
lập hồ sơ cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều.
- Phải lắp đặt bảng thông báo để công
khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung: địa chỉ cung cấp
cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng
cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi theo quy định tại điểm c khoản
1 Điều 10 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ.
IX. Xử lý trách
nhiệm người đứng đầu của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan
- Căn cứ quy định của Luật Khoáng sản,
quy định pháp luật khác có liên quan và theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước
của từng sở ngành, đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm
tra, xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách trước Ủy ban nhân dân tỉnh
trong công tác bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Thủ
trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị để xảy ra vi phạm kịp thời chỉ đạo, tiến
hành xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm thuộc phạm
vi quản lý (hoặc báo cáo đề xuất, kiến nghị xử lý theo phân cấp quản lý cán
bộ, công chức, viên chức); đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý
cấp trên về thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu theo quy
định của pháp luật.
- Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở
Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của pháp luật về khoáng sản và
pháp luật về công chức hiện hành... đối với người đứng đầu các sở ngành, địa
phương, đơn vị không thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, để xảy ra hoạt
động khoáng sản trái phép diễn ra trong thời gian dài, mà không giải quyết dứt
điểm.
X. Kế hoạch, các
giải pháp tổ chức thực hiện
1. UBND cấp huyện, cấp xã
- Lập kế hoạch bảo vệ khoáng sản cát,
sỏi lòng sông chưa khai thác hằng năm và tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi
phạm về khai thác khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn quản lý; báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp trên các trường hợp vượt thẩm quyền.
- Khi phát hiện hoạt động khoáng sản
cát, sỏi trái pháp luật (đặt biệt là khai thác tại vùng giáp ranh giữa các địa
phương), phải chủ động phối hợp, tổ chức, huy động lực lượng để giải tỏa,
ngăn chặn; lập Biên bản hành vi vi phạm; xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của
pháp luật, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo cơ quan cấp trên để xử lý
theo quy định.
- Đối với các trường hợp phức tạp, nằm
ngoài tầm kiểm soát, đã tổ chức lực lượng và có các biện pháp xử lý nhưng vẫn
không thể giải quyết, phải kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên. Các trường hợp khẩn
cấp có thể thông báo qua điện thoại, sau đó phải có văn bản báo cáo cụ thể.
- Thực hiện báo cáo định kỳ tình hình
bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn theo quy định tại điểm d
khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11
năm 2016 của Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua
Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
2. Các cơ quan, đơn vị liên quan
Trong phạm vi chức năng quản lý, nhiệm
vụ được giao chủ động tổ chức thực hiện; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin
và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, Sở Tài nguyên và Môi trường
bảo vệ các khu vực khoáng sản chưa được cấp phép khai thác theo quy định.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa
phương kiểm tra, bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh
theo Phương án đã được phê duyệt.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng
kết, đánh giá công tác bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn tỉnh
và báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản hàng năm cho Bộ Tài nguyên
và Môi trường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7, điểm c khoản 1 Điều 17
Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ.
XI. Tổ chức thực
hiện
1. Yêu cầu
Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Báo Kon Tum, Đài
Phát thanh Truyền hình tỉnh; tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản;
tổ chức, cá nhân kinh doanh, tập kết cát, sỏi thực hiện nghiêm túc Phương án bảo
vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Giao Sở
Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình
hình thực hiện Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn
tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu phát
sinh vướng mắc, các sở, ngành, địa phương, đơn vị và cá nhân có liên quan báo
cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.