ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2025/QĐ-UBND
|
Bình Thuận, ngày
03 tháng 02 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ
VÀ TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI
KHUYẾT TẬT TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
ngày 17/11/2020;
Căn cứ Luật Đường bộ ngày
27/6/2024;
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ ngày 27/6/2024;
Căn cứ Thông tư số
36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức,
quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm
dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe,
trạm dừng nghỉ vào khai thác;
Theo đề nghị của Giám đốc
Công an tỉnh tại Tờ trình số 7930/TTr-CAT ngày 25/12/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị
và tỷ lệ phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người
khuyết tật trong đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2025.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận
tải, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố; chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công an;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT. UBND tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- Báo Bình Thuận, Đài PT-TH Bình Thuận;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, NCKSTTHC.Tùng.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hồng Hải
|
QUY ĐỊNH
VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ VÀ TỶ LỆ PHƯƠNG
TIỆN VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Kèm theo Quyết định số 03/2025/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về hoạt
động vận tải hành khách đường bộ trong đô thị đối với xe buýt, xe ô tô vận tải
hành khách theo tuyến cố định, xe taxi, xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng,
xe ô tô vận tải khách du lịch; hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; tỷ lệ
phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết
tật trong đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
2. Những nội dung không được đề
cập tại quy định này được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành
có liên quan.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với
các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và hoạt động vận tải hành khách đường
bộ trong đô thị đối với xe buýt, xe ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định,
xe taxi, xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng, xe ô tô vận tải khách du lịch;
hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các tổ
chức, cá nhân có liên quan.
Chương II
QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI
ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ
Điều 3.
Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo tuyến cố định
1. Bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông đường bộ đối với xe ô tô vận tải hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật
Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và các quy định có liên quan theo
quy định tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông vận
tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của
bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe trên đường bộ; quy định trình tự,
thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác.
2. Hoạt động đúng tuyến, đúng lịch
trình, thời gian được phép hoạt động và dừng xe, đỗ xe đúng nơi quy định.
3. Tuân thủ theo phương án phân
luồng, tổ chức giao thông trong đô thị trong trường hợp tạm thời cấm phương tiện
hoạt động trên tuyến có lộ trình tuyến đi qua để phục vụ mục đích khác. Trường
hợp tuyến đường đó cấm ô tô khách hoạt động, thì đơn vị vận tải chủ động đề xuất
với Sở Giao thông vận tải để có phương án điều chỉnh lộ trình tuyến cho phù hợp.
4. Tuân thủ các quy định khác tại
Luật Đường bộ năm 2024; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và
pháp luật khác có liên quan.
Điều 4. Hoạt
động vận tải hành khách theo tuyến cố định
1. Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ theo Điều 45 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm
2024 và các quy định có liên quan theo quy định tại Thông tư số
36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông vận tải.
2. Phải tuân thủ theo phương án
phân luồng, tổ chức giao thông trong đô thị theo quy định tại khoản 3 Điều 3
quy định này.
Điều 5. Hoạt
động vận tải khách du lịch bằng xe ô tô, vận tải khách theo hợp đồng
1. Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ đối với xe ô tô vận tải hành khách theo quy định tại Điều
45 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và các quy định có liên
quan theo quy định tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao
thông vận tải.
2. Xe ô tô kinh doanh vận tải
khách du lịch được ưu tiên bố trí nơi dừng xe, đỗ xe thuận tiện để đón, trả
khách du lịch, nhưng phải tuân thủ quy định của hệ thống báo hiệu đường bộ tại
địa phương. Việc dừng xe đón, trả khách du lịch tại các bến xe khách, bến thủy
nội địa, khu du lịch, điểm du lịch thực hiện theo quy định của tổ chức, đơn vị
quản lý bến xe khách, bến thủy nội địa, khu du lịch, điểm du lịch đó.
3. Phải tập trung hành khách vận
chuyển theo hợp đồng tại vị trí nhất định trong khi chờ xe đón khách; đồng thời,
phải giữ gìn an ninh, trật tự; các điểm dừng xe, đỗ xe đón, trả khách phải bảo
đảm an toàn giao thông, đúng vị trí được phép dừng xe, đỗ xe và phải được ghi
trong hợp đồng vận chuyển hành khách.
4. Xe ô tô kinh doanh vận tải
hành khách theo hợp đồng phải tuân thủ các quy định tại Luật Đường bộ năm 2024;
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và pháp luật khác có liên
quan.
Điều 6. Hoạt
động vận tải hành khách bằng xe taxi
1. Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ đối với xe ô tô vận tải hành khách theo quy định tại Điều
45 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và các quy định có liên
quan theo quy định tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao
thông vận tải.
2. Xe taxi đón, trả hành khách
theo thỏa thuận giữa hành khách và người lái xe nhưng phải chấp hành các quy định
của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi đón, trả hành khách.
Điều 7. Hoạt
động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
1. Hoạt động vận tải hàng hóa
siêu trường, siêu trọng
a) Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều
44, Điều 49 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và các quy định
có liên quan theo quy định tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của
Bộ Giao thông vận tải.
b) Khi vận chuyển hàng hóa siêu
trường, siêu trọng, lái xe phải mang theo giấy phép lưu hành (giấy phép sử dụng
đường bộ) còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trong trường hợp vận tải
có lộ trình đi vào, ra đô thị thì lộ trình lưu thông trong đô thị phải được ghi
rõ thông tin trong giấy phép lưu hành; phải chấp hành hệ thống biển báo hiệu đường
bộ tại địa phương.
2. Hoạt động vận tải hàng hóa bằng
công ten nơ
a) Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều
49 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và các quy định có liên
quan theo quy định tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao
thông vận tải.
b) Khi vận chuyển hàng hóa bằng
công ten nơ có lộ trình đi vào, ra đô thị thì phải chấp hành các quy định về tổ
chức giao thông đô thị tại địa phương.
3. Hoạt động vận tải hàng nguy
hiểm
a) Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều
51 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và các quy định có liên
quan theo quy định tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao
thông vận tải.
b) Phương tiện vận chuyển hàng
nguy hiểm phải được trang bị các thiết bị chuyên dụng chứa hàng nguy hiểm, bảo
đảm không gây nguy hại đến môi trường, bảo đảm an toàn giao thông và đáp ứng
các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
c) Xe vận chuyển hàng nguy hiểm
không được dừng xe, đỗ xe ở nơi đông người, những nơi dễ xảy ra nguy hiểm.
d) Khi vận chuyển hàng hóa nguy
hiểm, lái xe phải chấp hành các quy định về tổ chức giao thông đô thị tại địa
phương.
4. Hoạt động vận tải hàng hóa
thông thường bằng xe ô tô
a) Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều
49 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 và các quy định có liên
quan theo quy định tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao
thông vận tải.
b) Phạm vi hoạt động vận tải
hàng hóa thông thường trong đô thị phải tuân thủ các quy định về tổ chức giao
thông đô thị tại địa phương (nếu có) như quy định về tuyến đường, thời gian hoạt
động của các loại phương tiện.
Điều 8. Thời
gian, phạm vi hoạt động cụ thể cho một số loại xe
1. Ô tô đưa đón cán bộ, nhân
viên, công nhân, học sinh, sinh viên, xe taxi, xe ô tô vận tải hàng hóa thông
thường, xe công ten nơ được hoạt động 24/24 giờ trên các tuyến đường trong đô
thị không bị cấm lưu thông.
2. Ô tô chở khách du lịch, chở
khách theo hợp đồng được hoạt động 24/24 giờ trên các tuyến đường trong đô thị,
nhưng phải tuân thủ các quy định của hệ thống biển báo hiệu đường bộ tại địa
phương.
3. Ô tô khách hoạt động theo
tuyến cố định được hoạt động 24/24 giờ trên các tuyến cố định theo danh mục các
tuyến cố định trên địa bàn địa phương đã được công bố theo quy định.
4. Phương tiện vận chuyển hàng
nguy hiểm, hàng siêu trường, siêu trọng phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo
vệ môi trường năm 2020 và pháp luật khác có liên quan; chỉ được phép lưu thông
theo lộ trình, thời gian nhất định được quy định trong giấy phép vận chuyển hoặc
giấy phép lưu hành do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.
5. Trong tình trạng khẩn cấp
(thiên tai, địch họa, dịch bệnh) có quy định khác thì thực hiện theo các quy định
đó.
Chương
III
TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN
CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG ĐÔ THỊ
Điều 9. Tỷ
lệ phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật
1. Đến hết năm 2026, doanh nghiệp
vận tải đăng ký tham gia khai thác tuyến xe buýt, vận tải hành khách theo tuyến
cố định trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải đảm bảo có 20% tổng số phương tiện
đăng ký hoạt động trên tuyến có chỗ ngồi dành riêng cho người khuyết tật; có lắp
đặt thiết bị hỗ trợ phục vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật; giai
đoạn 2027 - 2030 mỗi năm tăng thêm ít nhất 10% tỷ lệ phương tiện đáp ứng nhu cầu
đi lại của người khuyết tật; sau năm 2030 tỷ lệ phương tiện đáp ứng nhu cầu đi
lại của người khuyết tật đạt tối thiểu 70%.
2. Xe phải có chỗ dành riêng
cho người khuyết tật và các đối tượng ưu tiên khác, ghi rõ số ghế ưu tiên cho
người khuyết tật; có thiết bị hỗ trợ lên xuống thuận tiện cho người khuyết tật.
3. Phương tiện giao thông công
cộng sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu phải đảm bảo các điều kiện tiếp
cận của người khuyết tật theo quy định của hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
mới được phép đưa vào sử dụng, có trang thiết bị nâng hạ xe lăn phục vụ cho người
khuyết tật.
4. Trên mỗi tuyến vận tải hành
khách, tỷ lệ phương tiện của doanh nghiệp vận tải đăng ký tham gia khai thác
tuyến xe buýt, vận tải hành khách theo tuyến cố định phải đáp ứng quy định tại
khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này; kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, các
doanh nghiệp có hoạt động vận tải hành khách không đáp ứng tỷ lệ phương tiện
theo quy định phải tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM
CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN
Điều 10.
Trách nhiệm và quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải
1. Thực hiện các quy định điều
kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông đường bộ được quy định tại các Điều 35, Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều
49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53 và Điều 54 Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ năm 2024; quy định của Chính phủ và các quy định có liên quan
theo quy định tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao
thông vận tải.
2. Thực hiện trách nhiệm của
doanh nghiệp vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và quy định này.
3. Đối với doanh nghiệp vận tải
hành khách công cộng: Xây dựng kế hoạch thực hiện các quy định về phương tiện vận
tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật được quy định tại
Chương III của quy định này.
4. Có nơi đỗ xe phù hợp với quy
mô của doanh nghiệp, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn giao thông, phòng chống
cháy nổ và vệ sinh môi trường.
5. Phương tiện vận tải hành
khách phải trang bị thùng rác và túi đựng rác, kiểm soát hành vi xả thải của
hành khách trên xe, không để gây ô nhiễm môi trường.
Điều 11.
Trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe
1. Thực hiện trách nhiệm của
lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo quy định tại Thông tư số
36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông vận tải.
2. Kiểm tra các điều kiện bảo đảm
an toàn của xe trước khi khởi hành; kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc hành lý,
hàng hóa bảo đảm an toàn.
3. Có biện pháp bảo vệ tính mạng,
sức khỏe, tài sản của hành khách đi xe, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong xe.
4. Điều khiển xe dừng, đỗ đúng
nơi quy định.
5. Lái xe và nhân viên phục vụ
trên xe phải có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết
tật bị hạn chế khả năng vận động, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc
có con nhỏ khi lên, xuống xe.
Điều 12.
Trách nhiệm của hành khách
Thực hiện các trách nhiệm theo
quy định tại Luật Đường bộ năm 2024; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
năm 2024; Điều 16 Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao
thông vận tải.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Tổ
chức thực hiện
1. Trên cơ sở quy định này,
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật,
tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
2. Trong quá trình tổ chức thực
hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo
cáo, phản ánh kịp thời về Công an tỉnh để tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trường hợp các văn bản quy phạm
pháp luật được dẫn chiếu tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế
thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó./.