ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 199/KH-UBND
|
Bà Rịa - Vũng
Tàu, ngày 09 tháng 8 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
ĐẦU
TƯ CÔNG NĂM 2025 THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
GIAI ĐOẠN 2021-2025
Căn cứ Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của
Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn
2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thực hiện Công văn số 2654/BLĐTBXH-VPQGGN ngày
24/6/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc xây dựng dự toán ngân
sách nhà nước năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội tại Tờ trình số 575/TTr-SLĐTBXH ngày 17/7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể
như sau:
A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 6 THÁNG ĐẦU
NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN CẢ NĂM 2024
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
1. Xây dựng, ban hành các văn bản triển khai thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban
hành 03 Quyết định, 03 Kế hoạch, 08 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các
chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo và từng sở, ngành ban hành các văn bản triển
khai thực hiện chính sách giảm nghèo do ngành phụ trách đến Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố (kèm theo phụ lục).
2. Thành lập, hoạt động của Ban Chỉ đạo các
Chương trình mục tiêu quốc gia
Thực hiện Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18/11/2021
của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương
trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành
Quyết định số 405/QĐ-UBND ngày 06/3/2023 về việc kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo
thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn
2021-2025[1].
Trên cơ sở Quyết định số 405/QĐ-UBND của UBND tỉnh,
các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực
hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn cấp
huyện.
II. KẾT QUẢ PHÂN BỔ, SỬ DỤNG NGUỒN
LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững trong năm 2024, ngân sách địa phương đã bố trí kinh phí để thực
hiện các hoạt động, dự án của Chương trình thông qua Nghị quyết số 109/NQ-HĐND
ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2022- 2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể:
Tổng nguồn vốn được bố trí trong năm 2024 thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 207.133 triệu đồng. Trong
đó:
+ Nguồn vốn trung ương: 45.000 triệu đồng (thực
hiện cho vay hộ nghèo).
+ Nguồn vốn địa phương: 158.133 triệu đồng (trong
đó: nguồn vốn cho vay 105.000 triệu đồng, nguồn vốn thực hiện các chính sách
53.133).
+ Nguồn vốn huy động: 4.000 triệu đồng.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU,
NHIỆM VỤ CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu chung
Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người
nghèo kịp thời, góp phần ổn định đời sống, từng bước nâng cao mức sống cho người
nghèo; Nâng cao chất lượng các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch
và vệ sinh, thông tin cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc
thiểu số nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng thuận lợi, đầy đủ.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể
Phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều
theo chuẩn của tỉnh giảm còn 0,32% so với tổng số hộ dân.
IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN,
TIỂU DỰ ÁN, HOẠT ĐỘNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
Tổng kinh phí thực hiện các dự án, hoạt động Chương
trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được bố trí là 3.972 triệu đồng, đến nay giải
ngân được 775/3.972 triệu đồng đạt 19,5% kinh phí đã được bố trí, cụ thể:
1. Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô
hình giảm nghèo (Hội Nông dân tỉnh thực hiện)
Năm 2024, kinh phí được bố trí 1.500 triệu đồng. Hội
Nông dân tỉnh đã triển khai cho các địa phương rà soát nhu cầu hỗ trợ mô hình
chăn nuôi và trồng trọt cho phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương để hỗ
trợ cho phù hợp. Ngày 12/6/2024, Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã chủ
trì, phối hợp với các sở ngành tổ chức họp thẩm định Dự án phát triển mô hình
giảm nghèo cho nông dân nghèo và trong tháng 7 tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt.
Dự kiến giải ngân đạt 100% vào tháng 12/2024.
2. Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong
lĩnh vực nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện)
Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực
nông nghiệp: kinh phí được bố trí 1.500 triệu đồng. Ngày 30/5/2024, Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Quyết định số 1396/QĐ-UBND phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển
nông nghiệp cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024. Hiện
nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện các quy
trình hỗ trợ cho hộ nghèo theo đúng quy định. Dự kiến đến tháng 9 kinh phí giải
ngân đạt 60% và đến tháng 12/2024 giải ngân đạt 100%.
3. Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc
làm bền vững
- Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững (Trung
tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh thực hiện)
+ Số người sử dụng lao động có nhu cầu tìm lao động
được thu thập, cập nhật thông tin: 93 doanh nghiệp.
+ Số người có nhu cầu tìm việc được thu thập, cập
nhật thông tin: 46.437 lượt người, trong đó: nữ 27.862 người.
+ Hỗ trợ giao dịch việc làm số phiên giao dịch việc
làm/ngày hội việc làm đã được tổ chức thực hiện: Trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức
01 phiên giao dịch việc làm gồm 30 doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp
tham gia tư vấn; Có 252 người lao động tham gia (trong đó: nữ 151 người) được
tư vấn về việc làm và học nghề.
+ Hỗ trợ kết nối việc làm thành công (có giao kết hợp
đồng lao động): 713 người.
4. Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông
tin
Kinh phí được bố trí thực hiện Truyền thông và giảm
nghèo về thông tin trong năm 2023 là 194 triệu đồng, trong đó:
- Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin:
không bố trí kinh phí riêng, được lồng ghép trong hoạt động thường xuyên của cơ
quan báo, đài tại địa phương, cụ thể:
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trên sóng phát thanh và
truyền hình đã thực hiện 25 tin, 42 phóng sự, chương trình. Trên Trang thông
tin điện tử: cập nhật nội dung các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa
phương về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đăng tải
125 clip phát thanh, truyền hình. Thực hiện tuyên truyền trên Báo Bà Rịa - Vũng
Tàu hơn 15 bài, gần 45 tin, ảnh thông tin, tuyên truyền Chương trình mục tiêu
quốc gia về giảm nghèo.
- Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa
chiều (Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thực hiện)
Trong năm 2024, kinh phí được bố trí là 195 triệu đồng.
Sở Lao động - thương binh và Xã hội triển khai băng rôn tuyên truyền về phong
trào thi đua Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau, các nội dung khác
triển khai trong tháng 8 và tháng 10. Kinh phí giải ngân đạt 23% (45/195 triệu
đồng). Dự kiến giải ngân đạt 100% vào tháng 12/2024.
5. Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh
giá Chương trình (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện,
thị xã, thành phố thực hiện)
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội đã phân bổ kinh phí nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm
nghèo khu phố, thôn, ấp và kinh phí giám sát đánh giá chương trình cho các huyện,
thị xã, thành phố với số tiền 729 triệu đồng/777 triệu đồng đạt 94,4% kinh phí
được phân bổ, cụ thể:
+ Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công
tác giảm nghèo: kinh phí được phân bổ 389 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm
2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phân bổ kinh phí cho các huyện, thị
xã, thành phố với số tiền 304 triệu đồng. Kinh phí giải ngân đạt 98,4% (383/389
triệu đồng). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ
về công tác giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện và cấp xã.
+ Hoạt động giám sát, đánh giá Chương trình:
kinh phí được phân bổ 388 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội đã phân bổ kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố là
322 triệu đồng. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc
gia của tỉnh tổ chức đi kiểm tra, đánh giá việc triển khai các chính sách giảm
nghèo và quy trình rà soát hộ nghèo tại 07 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Kinh phí giải ngân đạt 89% kinh phí được phân bổ (346/388 triệu đồng). Dự kiến
giải ngân đạt 100% vào tháng 12/2024.
V. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Đánh giá chung
- Trong 6 tháng đầu năm, đã ban hành các kế hoạch
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024; quyết định phê
duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023; kế hoạch
kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo năm 2024
của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Các chính sách giảm nghèo đã được hướng dẫn triển
khai thực hiện đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, đảm bảo quyền lợi
cho người nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho con hộ nghèo,
hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo,....
- Nguồn vốn bố trí để thực hiện các chính sách giảm
nghèo, các hoạt động, dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững được ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời.
2. Tồn tại, hạn chế
Trong 6 tháng đầu năm chưa triển khai thực hiện dự
án phát triển mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo và hộ thoát nghèo trên địa tỉnh.
3. Nguyên nhân
Theo Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021
của HĐND tỉnh quy định các khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị
trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Vì vậy, các hộ nghèo có nhu cầu thực
hiện các mô hình chăn nuôi sinh sống tại các khu vực này không đủ điều kiện để
thực hiện. Do đó, mất nhiều thời gian rà soát và chọn hộ đủ điều kiện thực hiện
hỗ trợ các mô hình chăn nuôi và trồng trọt.
B. KẾ HOẠCH NĂM 2025 THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Hỗ trợ đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho
vay tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục,
hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề tạo việc làm cho người nghèo góp phần tăng thu nhập
ổn định đời sống; Nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y
tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin cho nhân dân, đặc biệt là người
nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều
theo chuẩn của tỉnh giảm còn 0,26% so với tổng số hộ dân.
II. ĐỀ XUẤT KINH PHÍ THỰC HIỆN
CÁC HOẠT ĐỘNG, DỰ ÁN CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2025
1. Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô
hình giảm nghèo (Hội Nông dân tỉnh thực hiện)
Dự kiến kinh phí bố trí 1.500 triệu đồng để thực hiện
hỗ trợ các mô hình giảm nghèo. Tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức,
chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều
kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tổ chức tham quan học tập
các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
2. Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh
vực nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện)
Xây dựng các mô hình khuyến nông giảm nghèo bền vững;
Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... phù hợp với điều kiện
thổ nhưỡng và đất đai của hộ nghèo. Kinh phí dự kiến thực hiện dự án hỗ trợ
phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2024 là 1.500 triệu đồng.
3. Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin
Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều (Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện): Kinh phí dự kiến thực hiện 200
triệu đồng, thực hiện in băng rôn, cẩm nang tuyên truyền về công tác giảm
nghèo.
4. Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá
Chương trình (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã,
thành phố thực hiện): Tổng kinh phí dự kiến bố trí nâng cao năng lực và
giám sát, đánh giá Chương trình trong năm 2024 là 800 triệu đồng, trong đó:
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm
nghèo các cấp: tổ chức tập huấn về nghiệp vụ công tác giảm nghèo cho 1.070 cán
bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2024
là 400 triệu đồng.
- Hoạt động giám sát, đánh giá chương trình: Ban Chỉ
đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo các cấp tổ chức
các đoàn đi kiểm tra việc triển khai các chính sách giảm nghèo, công tác rà
soát hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2024 là
400 triệu đồng.
III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả,
kịp thời các chính sách giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội
cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh
hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin. Tiếp tục hỗ trợ chính sách cho các
hộ nghèo sau khi thoát nghèo đảm bảo tránh tái nghèo.
2. Giải quyết cho vay vốn phát triển sản xuất đối với
các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm có nhu cầu vay
vốn. Mức lãi suất, thời hạn vay vốn, quy trình và thủ tục cho vay hộ nghèo, hộ
cận nghèo, hộ thoát nghèo được thực hiện theo các quy định hiện hành.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quán triệt mục
đích, ý nghĩa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo tới cán
bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cấp
ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực
hiện chương trình giảm nghèo, đặc biệt là giúp người nghèo nâng cao nhận thức,
thay đổi hành vi tự ý thức vươn lên thoát nghèo.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực
hiện quy trình rà soát hộ nghèo hàng năm theo các tiêu chí về tiếp cận đa chiều
đảm bảo khách quan, công bằng và chính xác; Giám sát việc triển khai thực hiện
các chính sách giảm nghèo, phát huy vai trò của từng thành viên trong Ban chỉ đạo
giảm nghèo từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong hoạt động kiểm tra, giám
sát.
5. Tăng cường năng lực bộ máy cho công tác giảm
nghèo: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, bộ máy cơ quan chuyên trách thực hiện
công tác giảm nghèo, đổi mới phương thức hoạt động đảm bảo việc thực hiện chính
sách giảm nghèo được công khai đúng đối tượng và đạt hiệu quả. Tổ chức đào tạo,
bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn, phổ biến kịp thời
những chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo cho cán bộ chuyên trách giảm
nghèo, các ngành, đoàn thể ở xã, phường, thị trấn, trưởng khu phố, thôn, ấp.
6. Kết nối và huy động các nguồn lực phục vụ cho
chương trình giảm nghèo: Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia
giảm nghèo, giúp đỡ hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt nông thôn, xây dựng, nhân rộng
các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.
Trên đây là kế hoạch Đầu tư công năm 2025 thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa
bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.
Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Sở Lao động - TBXH;
- CVP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX5.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Minh Thông
|
[1]
Trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo chung; các đồng chí
Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban giúp Trưởng ban theo dõi từng Chương
trình MTQG, các thành viên Chương trình do Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng
hợp chung các chương trình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ
trì Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,
Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.