QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TẠI VIỆT
NAM NĂM 2023 - 2024
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày
15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3
năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19;
Căn cứ Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023
của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này “Kế hoạch định hướng công tác Truyền thông tiêm vắc xin phòng
COVID-19 tại Việt Nam năm 2023 - 2024”.
Điều 2. Kế hoạch định hướng
công tác Truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2023 - 2024
là căn cứ để:
1. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương giao đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch hoạt động truyền thông tiêm vắc xin
phòng COVID-19 năm 2023 - 2024 của địa phương, bố trí kinh phí và tổ chức thực
hiện đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
2. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ,
các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông tiêm vắc
xin phòng COVID-19 năm 2023 - 2024 thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách, tổ chức thực
hiện đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông/Bà: Chánh
Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị
trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu: VT, VPB8.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Liên Hương
|
KẾ HOẠCH
ĐỊNH
HƯỚNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TẠI VIỆT NAM NĂM 2023 -
2024
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1924/QĐ-BYT ngày 20/4/2023 của Bộ Y tế)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về
đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, căn cứ tình hình thực tế,
Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch định hướng công tác Truyền thông tiêm vắc xin phòng
COVID-19 tại Việt Nam năm 2023 - 2024 với các nội dung cụ thể như sau:
I. Tóm tắt công tác truyền thông
tiêm vắc xin phòng COVID-19
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 được triển
khai thành công với độ bao phủ tiêm chủng đủ mũi cơ bản cao cho người từ 12 tuổi
trở lên. Theo Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, đến ngày 02/4/2023 trên toàn quốc
thực hiện tổng số 265.988.557 mũi tiêm; hoàn thành tiêm liều cơ bản cho người từ
12 tuổi trở lên; tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 3 đạt 81,6%,
mũi 4 đạt 88,4%; trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm nhắc lại mũi 3 đạt 69,2%; trẻ từ 5
đến dưới 12 tuổi tiêm liều cơ bản mũi 1 đạt 92,3%, mũi 2 đạt 76,0%.
Bộ Y tế tập trung triển khai mạnh mẽ công tác truyền
thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 với một số kết quả như sau:
1. Một số kết quả đạt được
1.1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Bộ Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai
công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021, 2022, mua và sử dụng vắc xin
phòng COVID-19 bao gồm nội dung truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19; Kế hoạch
271/KH-BYT ngày 10/3/2021 Truyền thông về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19
tại Việt Nam năm 2021; Kế hoạch 1063/KH-BYT ngày 16/7/2021 Truyền thông Chiến dịch
tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022; các công văn gửi Ủy ban nhân dân
(UBND) tỉnh, thành phố, Sở Y tế, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế hướng dẫn tăng cường
công tác truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy
nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế gửi Công văn 3465/BYT-TT-KT
ngày 30/6/2022 đến UBND tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo tăng cường truyền thông
tiêm vắc xin phòng COVID-19, hướng dẫn nội dung, hình thức, sử dụng tài liệu
truyền thông của Bộ Y tế, cung cấp thông tin khoa học về tiêm vắc xin phòng
COVID-19, tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 và tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12
tuổi.
1.2. Phối hợp các cơ quan báo chí: thường xuyên
cung cấp thông tin, tài liệu, khuyến cáo tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến các cơ
quan báo chí thông qua; họp báo, gặp mặt báo chí, hội nghị, hội thảo trực tuyến,
mời phóng viên tham gia chiến dịch, hoạt động tiêm chủng, cung cấp trên nhóm
Phóng viên y tế Bộ Y tế (Facebook)...; phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và
Truyền thông, các cơ quan báo chí đăng tải tin bài, thông điệp, khuyến cáo, tổ
chức tọa đàm chuyên gia...
1.3. Bộ Y tế xây dựng tài liệu truyền thông tiêm vắc
xin phòng COVID-19 (Infographic, videoclip, audioclip...) về tác dụng, hiệu quả
của tiêm vắc xin, hiệu quả, chỉ định của từng loại vắc xin, đối tượng tiêm chủng,
tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4), tiêm vắc xin cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi,
hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm, cung cấp sự thật, giải đáp thắc mắc về
tiêm vắc xin...: cập nhật trên Kho dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông
tiêm vắc xin phòng COVID-19; gửi các cơ quan báo chí, 63 tỉnh, thành phố
truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng. Phối hợp chặt chẽ với Tổ
chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF Việt Nam xây dựng các tài liệu truyền thông,
khuyến cáo (infographic, videoclip, audioclip, poster, bộ Hỏi - Đáp về hiệu quả
của vắc xin phòng COVID-19).
1.4. Tổ chức các chiến dịch truyền thông: phối hợp
Facebook thực hiện Chiến dịch truyền thông “Tiêm vắc xin - Vững niềm tin” từ
tháng 10-12/2021. Phối hợp UNICEF Việt Nam, WHO Việt Nam tổ chức Chiến dịch
truyền thông “Hành trình an toàn” trong 9 tháng (từ 3/2022 đến 12/2022) trên
Facebook, TikTok, mạng xã hội, các cơ quan báo chí, nhằm nhấn mạnh và củng cố tầm
quan trọng của việc tất cả mọi người tích cực, chủ động tham gia tiêm vắc xin
phòng COVID-19; Chiến dịch truyền thông “Vui Trung thu và tựu trường an toàn”
trong tháng 8 - 9/2022 vận động cha mẹ chủ động, tích cực đưa trẻ em trong độ
tuổi đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo trẻ an toàn khi trở lại trường.
1.5. Truyền thông tại cộng đồng: được thực hiện
liên tục, thường xuyên tại các điểm tiêm chủng, cộng đồng dân cư vận động người
dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn. Ngành y tế các địa phương
thực hiện chỉ đạo của UBND các cấp, phối hợp hệ thống thông tin, truyền thông
cơ sở chủ động tư vấn, khuyến cáo người dân trước, trong khi đến tiêm về hiệu
quả phòng, chống dịch của vắc xin, hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng.
2. Một số khó khăn, tồn tại
- Sau 2 năm triển khai, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng
COVID-19 đạt mức cao ở nhiều nhóm tuổi. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 được kiểm soát
nên gần đây đã xuất hiện tâm lý từ chối không tiêm các mũi vắc xin nhắc lại, tạo
nên nhiều khó khăn trong quá trình truyền thông vận động người dân, đặc biệt là
nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền tiêm các mũi nhắc lại đầy đủ, đúng lịch.
- Một bộ phận cha mẹ có con từ 5 đến dưới 12 tuổi tại
các thành phố lớn không muốn cho con tiêm tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là
tiêm mũi 2 trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát và lo ngại về những tin
đồn về vắc xin ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.
- Các thông tin khoa học về tính an toàn, hiệu quả
phòng, chống dịch COVID-19 của vắc xin, hiệu quả của các mũi nhắc lại (mũi 3,
mũi 4) và tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ Tổ chức Y tế Thế giới
và các nhà khoa học trên Thế giới còn thiếu và hạn chế; trong khi xuất hiện nhiều
tin đồn, tin sai sự thật trên mạng xã hội, dư luận người dân.
- Năng lực cán bộ tham gia công tác truyền thông
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 còn nhiều hạn chế do thiếu cán bộ làm công
tác truyền thông tại cơ sở, chưa triển khai tập huấn về truyền thông tiêm vắc
xin phòng COVID-19 đầy đủ, đặc biệt là cán bộ tuyến cơ sở.
II. Kế hoạch định hướng công tác
truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 năm 2023 - 2024
1. Mục đích, yêu cầu
- Tăng cường truyền thông các chủ trương, chính
sách của Chính phủ về thúc đẩy mạnh mẽ công tác tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 góp phần hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Truyền thông về hiệu quả của Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của
Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ, các lực lượng chống dịch, sự tham gia, ủng
hộ của người dân trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nói riêng và
phòng dịch COVID-19 nói chung.
- Truyền thông vận động người dân tích cực, chủ động
tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng
theo khuyến cáo của ngành y tế; tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức,
chú trọng truyền thông thông qua các ứng dụng công nghệ và truyền thông trên nền
tảng mạng xã hội.
- Theo dõi, bám sát tình hình dịch COVID-19 trên Thế
giới và Việt Nam, cung cấp các thông tin khoa học về phòng, chống dịch, tiêm chủng
vắc xin COVID-19, hiệu quả, tác dụng của vắc xin để kịp thời xây dựng tài liệu,
thông điệp, khuyến cáo phù hợp, khoa học, chính xác để thực hiện truyền thông vận
động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, an
toàn.
- Thường xuyên theo dõi thông tin dư luận, báo chí,
mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý các tin giả, tin đồn liên quan đến
tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Kịp thời phát hiện, nêu gương các cá nhân, tập thể
có thành tích, các mô hình vận động có hiệu quả người dân chủ động tham gia
công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, qua đó khuyến khích người dân tiếp
tục tham gia tiêm chủng.
2. Nội dung truyền thông
2.1. Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng,
chính sách pháp luật của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch
COVID-19, Ủy ban nhân dân các cấp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong
tình hình mới và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
2.2. Truyền thông vận động người dân ủng hộ công
tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm vắc xin phòng
COVID-19 nhằm để phòng, chống dịch”; khuyến khích người dân tích cực, chủ động
tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng theo khuyến cáo của
ngành y tế:
- Cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học về hiệu
quả của vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch, phù hợp với diễn biến
tình hình dịch bệnh trên Thế giới và tại Việt Nam. Cập nhật xu hướng, khuyến
cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới và dự báo của Tổ chức Y tế
thế giới (WHO) về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 hàng năm.
- Truyền thông về nguy cơ, ảnh hưởng của mắc
COVID-19 và hội chứng hậu COVID-19 đến bệnh nền, sức khỏe, sự phát triển... ở
các nhóm đối tượng khác nhau; Xu hướng xuất hiện các biến thể mới của vi rút
SARS-CoV-2; Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp chiến lược “chủ lực” giúp
kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả; Hiệu quả giảm chuyển bệnh nặng và tử vong do
COVID-19 của vắc xin.
- Trong năm 2023, tập trung truyền thông vận động
các bậc cha mẹ/người chăm sóc trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đưa con đi tiêm chủng đủ
liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19; cập nhật thông tin về tiêm mũi nhắc lại vắc
xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế
giới và các tổ chức quốc tế phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên Thế
giới và Việt Nam.
- Truyền thông kế hoạch tiêm chủng quốc gia và tại
địa phương; đổi mới hình thức, cập nhật các thông điệp, khuyến cáo về vắc xin
và lịch tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng, các hướng dẫn khi đi tiêm chủng và
theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng...đến các nhóm đối tượng đích.
- Vận động người dân chủ động tham gia hoạt động
truyền thông về tiêm chủng vắc xin, hỗ trợ ngành y tế và các ban, ngành liên
quan đẩy mạnh công tác tiêm chủng.
2.3. Truyền thông về công tác cung ứng vắc xin
phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin quản
lý tiêm chủng; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức...
trong triển khai tiêm chủng trên toàn quốc, tại các địa phương.
2.4. Xây dựng các câu chuyện, các sự kiện liên quan
đến truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng để tăng cường truyền
thông đến các nhóm đối tượng đích.
2.5. Thực hiện quản trị thông tin, theo dõi thông
tin dư luận, báo chí và mạng xã hội, cung cấp thông tin khoa học, kịp thời để
phối hợp các cơ quan chức năng phản bác, xử lý tin giả, tin đồn liên quan đến
công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định.
2.6. Nâng cao năng lực truyền thông tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng
tham gia Chiến dịch tiêm chủng: tổ chức đào tạo, tập huấn; xây dựng và cung cấp
các tài liệu truyền thông, các hướng dẫn chuyên môn dành cho cán bộ y tế, cán bộ
tiêm chủng.
2.7. Phát hiện, nêu gương những tập thể, cá nhân điển
hình trong thực hiện tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao.
3. Các hoạt động chủ yếu
3.1. Thời gian thực hiện: từ tháng 04/2023 đến
tháng 12/2024.
3.2. Hoạt động tại Trung ương
3.2.1. Truyền thông trên các phương tiện thông tin
đại chúng
- Bộ Y tế cung cấp thông tin về công tác tiêm chủng
vắc xin phòng COVID-19 trong bản tin hàng ngày, đột xuất, chuyển tải kịp thời,
minh bạch, chính xác đến các cơ quan báo chí để thực hiện truyền thông đến người
dân và cộng đồng.
- Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông,
các cơ quan báo chí xây dựng, đăng tải và phát sóng các bài viết, phóng sự, tọa
đàm, giao lưu trực tuyến, chương trình truyền hình, phát thanh...về triển khai
tiêm chủng trong tình hình mới, vận động người dân đi tiêm chủng đủ liều, đúng
lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, cung cấp các thông điệp, khuyến cáo phòng,
chống dịch trong tình hình mới và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn,
theo dõi phản ứng sau tiêm chủng...
- Mời phóng viên các cơ quan báo chí tham gia các
hoạt động tiêm chủng thực tế để kịp thời đưa tin, phản ánh kết quả hoạt động.
3.2.2. Truyền thông trên mạng xã hội
- Triển khai truyền thông trên các trang Mạng xã hội
của Bộ Y tế và các đơn vị trung ương: Facebook, Zalo, Viber, TikTok, Lotus và
các loại hình truyền thông ứng dụng Internet về hoạt động tiêm chủng.
- Bộ Y tế phối hợp các tổ chức quốc tế, như WHO, UNICEF
và các tổ chức khác thực hiện truyền thông trên mạng xã hội.
3.2.3. Xây dựng tài liệu truyền thông
- Cập nhật thường xuyên các thông tin khoa học về vắc
xin phòng COVID-19, diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam để
xây dựng, hoàn thiện các thông điệp, khuyến cáo, tài liệu truyền thông về tiêm
chủng vắc xin phòng COVID-19; cập nhật trên Kho dữ liệu điện tử tài liệu
truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng COVID-19 (https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka61grRw2dJqjAsJoGsYyQ?e=EyOUnx)
để các địa phương sử dụng truyền thông đến người dân đi tiêm chủng.
- Các tài liệu truyền thông vắc xin phòng COVID-19
bao gồm: Infographic, videoclip, audioclip, tờ rơi, poster, bộ tài liệu hỏi
đáp, các sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng
dụng Internet; bằng tiếng Việt và một số tiếng dân tộc thiểu số, một số tiếng
nước ngoài.
3.2.4. Truyền thông qua tin nhắn SMS trong trường hợp
cần thiết, chuyển tải đến các thuê bao di động để khuyến cáo người dân tham gia
tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Lồng ghép hoạt động Đường dây nóng Bộ Y tế cung cấp
thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
3.2.5. Phối hợp các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức quốc
tế xây dựng và thực hiện các chiến dịch, kế hoạch, hoạt động truyền thông tiêm
chủng vắc xin phòng COVID-19, vận động sự ủng hộ, tham gia của người dân và
toàn xã hội.
3.2.6. Nâng cao năng lực truyền thông tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19: phối hợp WHO Việt Nam, UNICEF Việt Nam và các tổ chức quốc
tế khác tổ chức tập huấn nguy cơ truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
cho các phóng viên báo chí, cán bộ y tế, cán bộ tiêm chủng.
3.2.7. Thu thập thông tin, lắng nghe dư luận và mạng
xã hội để theo dõi phát hiện kịp thời, cung cấp các thông tin khoa học, chính
xác, minh bạch để phản bác, xử lý kịp thời các tin đồn, tin giả ảnh hưởng xấu đến
công tác tiêm vắc xin. Thành lập Nhóm công tác (TWG) truyền thông triển khai tiêm
vắc xin phòng COVID-19, để quản lý kịp thời các khủng hoảng truyền thông liên
quan đến tiêm vắc xin phòng COVID-19 và sự cố sau tiêm chủng tại Việt Nam.
3.2.8. Truyền thông về các tấm gương điển hình
trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
3.3. Hoạt động tại các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương
3.3.1. Xây dựng kế hoạch truyền thông tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19, có thể lồng ghép trong kế hoạch phòng, chống dịch và chủng
vắc xin phòng COVID-19, bố trí nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, kinh phí) để
thực hiện đạt hiệu quả.
3.3.2. Tăng cường truyền thông trên các cơ quan báo
chí địa phương về kế hoạch và triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại
địa phương và trên toàn quốc, như: xây dựng các tin, bài, phóng sự, chương
trình truyền hình, chương trình phát thanh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến...; mời
phóng viên các cơ quan báo chí tham gia các hoạt động tiêm chủng để kịp thời
đưa tin, phản ánh kết quả tiêm chủng tại địa phương. Sử dụng các sản phẩm truyền
thông của Bộ Y tế (bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến, chương
trình truyền hình, phát thanh...), biên tập phù hợp để đăng tải trên các cơ
quan báo chí địa phương.
3.3.3. Truyền thông trên mạng xã hội của địa phương
(Facebook, Zalo, Viber, Youtube, TikTok, Lotus...) về kế hoạch triển khai tiêm
chủng tại địa phương, các khuyến cáo, thông điệp tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 an toàn, đầy đủ, đúng lịch, giải đáp các thắc mắc, câu hỏi của người
dân, bác bỏ thông tin sai sự thật, tin đồn, tin giả về vắc xin phòng COVID-19;
thông qua đăng tải các tài liệu truyền thông của Bộ Y tế cung cấp và đã được hiệu
chỉnh phù hợp với điều kiện của địa phương như: tin nhắn, bài viết, hình ảnh/
infographic, videoclip, audiospot...; tổ chức các chương trình truyền thông, tọa
đàm, giao lưu trực tuyến, giải đáp thắc mắc. Tham gia các chiến dịch truyền
thông trên mạng xã hội do Bộ Y tế thực hiện.
3.3.4. Hoạt động đường dây nóng của địa phương cung
cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19. Căn cứ tình hình địa phương, thực hiện tin nhắn SMS khi cần thiết để
gửi đến các thuê bao di động trên địa bàn để khuyến cáo người dân tham gia tiêm
chủng an toàn.
3.3.5. Hoàn chỉnh thông điệp truyền thông phù hợp
tình hình địa phương: sử dụng, cập nhật, bổ sung các tài liệu truyền thông tại Kho
dữ liệu điện tử tài liệu truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm vắc
xin phòng COVID-19 (https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka61grRw2dJqjAsJoGsYyQ?e=EyOUnx)
phù hợp điều kiện địa phương, chú trọng các tài liệu một số tiếng đồng bào dân
tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, cung cấp cho các cơ sở tiêm chủng, một số
tiếng nước ngoài...; sử dụng để truyền thông cho người đi tiêm chủng; cho cán bộ
y tế, cán bộ tiêm chủng.
3.3.6. Tổ chức truyền thông trực tiếp tại các điểm
tiêm chủng và tại cộng đồng vận động người dân tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 an toàn, đầy đủ, đúng lịch, giải đáp các thắc mắc, bác bỏ thông tin
sai sự thật, tin đồn, tin giả về vắc xin phòng COVID-19. Cung cấp tài liệu truyền
thông phù hợp (tờ rơi, infographic...) cho người đi tiêm về lịch tiêm chủng, những
điều cần biết khi tiêm chủng vắc xin phóng COVID-19, các dấu hiệu cần theo dõi
sau tiêm, số điện thoại cán bộ y tế theo dõi sau tiêm chủng.
3.3.7. Nâng cao năng lực truyền thông tiêm vắc xin
phòng COVID-19: tham gia tập huấn do Bộ Y tế tổ chức cho cán bộ y tế, cán bộ
tiêm chủng về truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19: tổ chức tập huấn truyền
thông tiêm chủng cho các lực lượng tham gia tiêm chủng tại địa phương.
3.3.8. Chủ động thu thập thông tin, lắng nghe dư luận
và mạng xã hội để phát hiện và xử lý kịp thời các tin giả, tin đồn, tin sai sự
thật liên quan đến tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương. Phối hợp Bộ
Y tế và các cơ quan liên quan cung cấp các thông tin khoa học, chính xác để phản
bác, xử lý kịp thời các tin đồn, tin giả ảnh hưởng xấu đến triển khai tiêm vắc
xin..
3.3.9. Truyền thông về các tấm gương điển hình
trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương, đơn vị.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Phân công nhiệm vụ
4.1.1. Tuyến Trung ương
- Giao Văn phòng Bộ đầu mối xây dựng Kế hoạch, tham
mưu Lãnh đạo Bộ phê duyệt, tổ chức thực hiện Kế hoạch định hướng công tác truyền
thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2023-2024; hướng dẫn, giám
sát các đơn vị địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch của
đơn vị đạt hiệu quả.
- Căn cứ Kế hoạch định hướng được phê duyệt, Văn
phòng Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, Vụ
Kế hoạch - Tài chính, Cục Quản lý Dược, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur,
Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương và các Vụ, Cục, đơn vị liên
quan xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông tiêm vắc
xin phòng COVID-19 thuộc lĩnh vực chuyên môn đơn vị phụ trách.
4.1.2. Địa phương: đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch, phân
công nhiệm vụ các Sở, Ban, Ngành và tổ chức thực hiện Kế hoạch truyền thông
tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2023-2024 của địa phương.
4.2. Kinh phí thực hiện: ngân sách nhà nước
và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.