TỔNG CỤC THUẾ
CỤC
THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28811/CTHN-TTHT
V/v xác
định chi phí được trừ đối
với khoản bồi thường cho người bị tai nạn lao động
|
Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2024
|
Kính gửi: Nhà máy in tiền Quốc gia
(Địa chỉ: Số 30 đường Phạm Văn Đồng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy,
tp. Hà Nội; MST: 0100149250)
Ngày 07/05/2024, Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công
văn số 195/NMI- KTTC ngày 04/05/2024 của Nhà máy in tiền Quốc gia (sau đây gọi tắt là Đơn vị) vướng mắc về xác định chi phí được trừ đối với khoản bồi thường cho người bị tai nạn lao động, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến
như sau:
- Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động số
84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội như sau:
+ Tại khoản 8 Điều 3 quy định về giải thích từ ngữ
tai nạn lao động:
“8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn
thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người
lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực
hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
+ Tại Điều 38 quy định về trách nhiệm của người sử dụng
lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
...2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu
đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp
như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo
hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động
đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử
dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng
lao động tại Hội đồng giám
định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động
không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không
hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra
và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm
từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền
lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị
suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp;
…"
+ Tại Điều 45 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai
nạn lao động:
“Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp được hưởng chế độ
tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt
cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động
và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh
doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ
sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực
hiện công việc theo yêu cầu của
người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn
bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến
đường hợp lý;
…"
- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi,
bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2
Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC):
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được
trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền
mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng
…"
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến
như sau:
Khoản tiền chi bồi thường cho người bị tai nạn lao động
của đơn vị được xác định là chi phí được trừ nếu đáp ứng các điều kiện quy định
tại Điều 38 và Điều 45 Luật
an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 và Điều 4 Thông tư số
96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài Chính.
Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, đơn vị có thể tham khảo các văn bản hướng
dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng
Thanh tra - Kiểm Tra số 8 để được hỗ
trợ giải quyết.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Nhà máy in tiền Quốc
gia được biết và thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Phòng TTKT8;
- Phòng NVDTPC;
- Website Cục Thuế;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Thái
|