BỘ GIÁO
DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2025/TT-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2025
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH KHUNG NĂNG LỰC SỐ CHO NGƯỜI HỌC
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14
tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học
ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp
ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số
86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Giáo dục Đại học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Thông tư quy định Khung năng lực số cho người học.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Ban hành kèm theo Thông tư này
Khung năng lực số cho người học (sau đây gọi tắt là Khung năng lực số).
2. Thông tư này áp dụng đối với các
cơ sở giáo dục, các chương trình giáo dục, đào tạo (sau đây gọi chung là chương
trình giáo dục) và người học trong hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá
nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. An sinh số là
trạng thái cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ số và sức khỏe tinh thần, thể
chất của người dùng trong việc sử dụng phương tiện kỹ thuật số.
2. Bắt nạt trên mạng là
những hành vi có chủ đích xấu được tiến hành bởi một người hoặc một nhóm người
lên một cá nhân bằng cách đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm ảnh hưởng, xúc phạm
danh dự, nhân phẩm hoặc tra tấn tinh thần thông qua tin nhắn, mạng Internet,
các trang mạng xã hội và qua các thiết bị điện tử.
3. Danh tính số là
tổng hợp thông tin về một người tồn tại ở dạng kỹ thuật số để định danh và phân
biệt với những người khác, có thể bao gồm các thông tin như giới tính, tính
cách, sở thích, tín ngưỡng, quan điểm chính trị, họ tên, ngày tháng năm sinh,
số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ thư điện tử và các thông tin cá nhân khác.
4. Danh tiếng trực tuyến là
sự đánh giá hoặc nhận thức của xã hội về giá trị, uy tín, hoặc hình ảnh của một
cá nhân, tổ chức hay thương hiệu trên môi trường trực tuyến.
5. Dịch vụ số là
các dịch vụ được cung cấp thông qua phương tiện giao tiếp số.
6. Dữ liệu là
những con số hoặc dữ kiện rời rạc mà quan sát hoặc đo đếm được không cần có ngữ
cảnh hay diễn giải; được thể hiện ra ngoài bằng cách mã hóa và dễ dàng truyền
tải và được chuyển thành thông tin bằng cách thêm giá trị thông qua ngữ cảnh,
phân loại, tính toán, hiệu chỉnh và đánh giá.
7. Điều hướng là
quá trình định hướng và di chuyển trong một không gian vật lý hoặc kỹ thuật số
nhằm xác định vị trí hiện tại và tìm ra đường đi đến đích mong muốn.
8. Giải pháp công nghệ là
tập hợp các công cụ kỹ thuật có liên quan (phần mềm, phần cứng) hoặc dịch vụ
hoặc kết hợp để giải quyết vấn đề đặt ra.
9. Môi trường có cấu trúc là
một không gian hoặc hệ thống trong đó các yếu tố, thành phần hoặc dữ liệu được
tổ chức và sắp xếp theo một cách rõ ràng và có quy tắc, giúp dễ dàng tìm kiếm,
truy cập và xử lý.
10. Môi trường số là
không gian ảo, nơi các hoạt động, dữ liệu, thông tin và nội dung được tạo ra,
lưu trữ và trao đổi thông qua công nghệ số, như mạng Internet, phần mềm và các
nền tảng trực tuyến.
11. Năng lực số là
khả năng sử dụng công nghệ số để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể hoặc để giải quyết
vấn đề trong thực tiễn.
12. Nghi thức số là
tập hợp các quy tắc, chuẩn mực và hành vi ứng xử phù hợp trong môi trường số,
bao gồm giao tiếp qua mạng Internet, sử dụng mạng xã hội, email, ứng dụng và
các nền tảng trực tuyến.
13. Nội dung số là
nội dung tồn tại dưới dạng dữ liệu số được mã hóa ở định dạng kỹ thuật số có
thể đọc được và có thể được tạo, xem, phân phối, sửa đổi và lưu trữ bằng máy
tính và công nghệ kỹ thuật số.
14. Phương tiện giao tiếp
số là các nền tảng, công cụ và nội dung được tạo ra, lưu trữ, phân
phối và truy cập thông qua công nghệ số, bao gồm mạng Internet, mạng xã hội,
ứng dụng di động, các thiết bị điện tử.
15. Thiết bị số là
thiết bị điện tử, máy tính, viễn thông, truyền dẫn, thu phát sóng vô tuyến điện
và thiết bị tích hợp khác được sử dụng để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử
lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.
16. Thông tin là
dữ liệu đã được tổ chức, xử lý, hoặc phân tích để trở nên có ý nghĩa và có thể
hiểu được và sử dụng để ra quyết định, giải quyết vấn đề hoặc truyền đạt ý
tưởng.
17. Tri thức là sự
hiểu biết, nhận thức và kinh nghiệm được tích lũy qua quá trình học hỏi, nghiên
cứu và trải nghiệm.
18. Trí tuệ nhân tạo (viết
tắt là AI) là việc phát triển các hệ thống máy móc có khả năng thực hiện các
nhiệm vụ đòi hỏi trí tuệ con người như học tập, suy luận và giải quyết vấn đề.
19. Trí tuệ nhân tạo tạo
sinh (Generative Artificial Intelligence hay còn gọi là Gen AI) là một
lĩnh vực thuộc AI tập trung vào việc tạo ra dữ liệu mới, có thể là văn bản,
hình ảnh, âm thanh, hoặc video, mã nguồn lập trình dựa trên dữ liệu đầu vào đã
được huấn luyện trước đó.
Điều 3. Mục đích sử dụng Khung
năng lực số
1. Làm cơ sở để xây dựng chuẩn
chương trình đào tạo; xây dựng và phát triển chương trình giáo dục; xây dựng
tài liệu học tập, tài liệu hướng dẫn để phát triển năng lực số cho người học.
2. Làm cơ sở để đánh giá yêu cầu,
kết quả đạt được về năng lực số của người học trong các chương trình giáo dục;
xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực số của người
học.
3. Bảo đảm tính thống nhất về yêu
cầu năng lực số của người học; làm cơ sở để đối sánh hoặc tham chiếu giữa các
chương trình giáo dục, khung năng lực số.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ quan quản lý nhà nước về
giáo dục xây dựng kế hoạch và triển khai Khung năng lực số theo chức năng,
nhiệm vụ được phân công.
2. Các cơ sở giáo dục thực hiện
quyền tự chủ về chuyên môn, học thuật xây dựng, phát triển chương trình giáo
dục, theo đó, trên cơ sở các quy định của Khung năng lực số, triển khai nghiên
cứu, bổ sung, cập nhật yêu cầu về năng lực số cho người học vào chương trình,
tài liệu học tập, tài liệu hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện cần thiết để
triển khai Khung năng lực số theo các chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan quản
lý cấp trên và theo các quy định pháp luật hiện hành.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2025.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo
dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc
các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng sư phạm, các
trường cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên chịu trách nhiệm thi hành Thông tư
này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGD của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Như Điều 6;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, PC, GDĐH.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Minh Sơn
|
…………………
Nội dung
văn bản bằng File Word (đang tiếp tục cập nhật)